Phần I

    
iếng còi tàu thét lên. Tôi nắm tay ông Vũ.
- Thôi, xin ông bà ở lại mạnh giỏi. Tôi …
Tôi nghẹn ngào không thể nói tiếp. Tôi quay nhìn bên cạnh: bà Vũ nước mắt ràn rụa gượng mỉm cười nhìn tôi. Cạnh bà, Bảo Loan đứng im lặng. Tay nàng nắm chặt chiếc mùi soa trắng. Tôi nhìn vào đôi mắt nàng long lanh dưới ánh sáng mờ của những bóng điện sân ga.
Ông Vũ bình tĩnh cầm tay tôi siết mạnh:
- Anh về quê tạm lánh một thời gian, chừng nào tình hình yên ổn thì lại ra. Có lẽ tôi cũng sắp đặt cho nhà tôi và con Loan nó vào Hà Đông…
Bà Vũ như sợ tôi quên, nên nhắc lại một lời mà mấy hôm nay bà căn dặn tôi mãi:
- Anh nhớ xem báo, thấy tình hình hơi yên ổn thì ra ngay. Nhớ viết thư cho chúng tôi luôn.
Tôi chỉ biết vâng dạ vì không có lời gì có thể diễn được tấm lòng của tôi lúc bấy giờ. Lòng tôi đang tràn ngập hình ảnh của Bảo Loan và ý nghĩ về Bảo Loan mà tôi có dám nói ra đâu? Ít nhất tôi cũng muốn nói rằng “Thôi em về…” để nghe nàng thẫn thờ đáp lại “Anh đi…” và tiếp theo là một tiếng thổn thức.
Nhưng thế mà tôi đành im lặng.
Quanh chúng tôi, những người chạy loạn hấp tấp, hối hả mang vác giỏ, xách va-ly, gồng gánh đùn nhau lên toa. Thỉnh thoảng tiếng hành khách kêu hú nhau làm chúng tôi giật mình tưởng như nghe tiếng còi báo động ban đêm. Thật chỉ mới một tuần nay thôi, mới qua hai lần bị bom nổ mà người dân Hà Nội như đã nếm từ lâu lắm mùi vị thật của chiến tranh chết chóc.
Chợt tiếng còi tàu thét, rồi tiếng kèn sếp-ga tu tu. Tôi vội vã cúi chào một lượt ba người thân yêu rồi lùi lại, bước chân lên bàn đạp toa tàu. Tàu xình xịch chạy.
Không có ai vẫy tay trên sân ga. Không có những kẻ nhàn tản chứng kiến cảnh đón đưa của những người thiên hạ.
Xình xịch… xình xịch… Tàu chạy chậm lướt qua mặt ba người thân yêu của tôi kia. Bóng họ ngã xuống đường, gãy ngoằn ngoèo qua những chỗ cao thấp, lồi lõm của sân ga và đường tàu nối tiếp. Bóng những trụ đèn cao cũng ngã xuống, cũng gãy ngoằn ngoèo. Tôi lo sợ rằng tương lai của tôi và mối tình giữa tôi và Bảo Loan cũng đang ngã xuống, cũng gãy ngoằn ngoèo như thế.
Điều tôi lo sợ không phải là không căn cứ. Những người chạy loạn, tạm chia tay nhau để đợi ngày trở lại. Tôi thì khác hơn, tôi ra đi mà không mong ngày trở về. Đối với đa số người khác, tản cư, chạy loạn chỉ là một giai đoạn bất trắc đến xáo trộn cuộc sống của họ trong một thời gian, với tôi, hình thức chạy loạn, là tản cư nhưng nội dung làm tôi đau đớn làm sự đổ vỡ của tương lai mình dự định.
Độ ấy tôi có mộng đi du học Nhật Bản. Lúc bấy giờ tổ chức trao đổi sinh viên giữa Đông Dương và Nhật Bản bắt đầu phát triển, Viện Văn hóa Nhật Bản ở Hà Nội đang sửa soạn gởi tiếp một số sinh viên trao đổi Việt Nam sang Nhật tiếp theo chuyến trước đã đến Nhật rồi. Tôi đang vận động để được lựa đi chuyến này. Có nhiều hy vọng được lựa nên tôi đã chuẩn bị chuyến đi.
Trong khi chờ đợi, chiến tranh Mỹ Nhật đột nhiên đi vào độ quyết liệt. Tàu chiến Hoa Kỳ đã xuất hiện ở ven bể Trung Hoa, đánh đắm nhiều tàu Nhật Bản. Từng loạt phi cơ phóng tháo Hoa Kỳ liên tiếp thả bom xuống ngay thành phố Tokyo. Từ thế công, quân đội Nhật đã phải chuyển sang thế cầm cự. Sự giao thông giữa Đông Dương và Nhật Bản đã gặp nhiều trở ngại, việc gởi tiếp một đoàn sinh viên trao đổi sang Nhật và một đoàn sinh viên Nhật sang Đông Dương đã thành khó khăn. Viện Văn hóa Nhật thu hẹp bớt phạm vi. Tôi bắt đầu mất hy vọng.
Ngày 10 và 14 tháng 10 năm 1943, phi cơ Mỹ thả bom xuống Hà Nội. Lệnh tản cư đưa ra. Những chuyến tàu chở người tản cư kéo hàng hai mươi toa rầm rộ chạy suốt đêm. Tôi không thể còn ở lại Hà Nội nữa. Gởi lại tất cả đồ đạc, gởi lại cả một hy vọng rộng rãi về tương lai, tôi xách va-ly nhỏ lên ga Hà Nội, lên tàu xuôi Nam.
Tôi nhớ rõ, ngày 16 tháng 10, một buổi chiều xám, lạnh. Xung quanh mọi vật đen và buồn. Dãy bóng đèn trong toa hạng nhì cũng sợ, cũng buồn không chịu sáng.
Tôi về quê làm gì đây? Để tránh cái chết, nhưng tôi tiên giác rằng chính về quê là để chết, để chết dần tâm hồn của mình. Mấy năm hao phí tâm lực, tiền tài, kết quả chỉ là một cái mộng không thành. Trong khi ấy xung quanh tôi, những người bạn thực tế hơn đã thành ít nhất là những ông phán trẻ. Họ đã thuê được những căn nhà sáng sủa, có đèn điện, có xa-lông, có bàn viết, có những người vợ rất quê và rất giàu nên dáng dấp làm ra vẻ quí phái điểm trang. Những đám cưới linh đình có nhiều tiếng dội. Những ông láng giềng của tôi đã bắt đầu nói chuyện so sánh. Mỗi lần phải nghe những câu chuyện giàu sang, chức tước ấy, tôi thấy thương cho gia đình tôi. Gia đình những người bạn thực tế của tôi kia, họ hả hê, vinh hiến biết bao nhiêu. Gia đình tôi không chừng cũng buồn vì thấy tôi sao chỉ dự định những chuyện viễn vông gì mà không làm một ông phán danh giá như vậy. Tôi buồn nữa vì điều dự định về tương lai của tôi đã thất bại thì mối lương duyên của tôi ở Hà Nội cũng không thành. Tôi đã nghĩ khi nào có địa vị hẳn hoi tôi sẽ cưới Bảo Loan mà tôi yêu và đã yêu tôi. Nhưng hôm nay tương lai còn dành phần gì cho tôi nữa? Cả những nỗi buồn dồn dập ấy lại kèm thêm những mối lo. Tôi lo không biết người Pháp sẽ làm phiền tôi ngày nào. Lúc ấy người Pháp săn lùng ráo riết những người có cảm tình với Nhật Bản. Họ sợ những sự hoạt động về chính trị. Tôi không có khuynh hướng chính trị, nhưng biết người Pháp có hiểu rõ như thế không? Tôi có thể bị tình nghi lắm. Ngày ở Hà Nội tôi đã bị Mật thám vào nhà trọ dò la. Thành ra tôi không buồn đi đâu cả, không muốn tin ở một ngày mai nào. Tôi còn lo cho gia đình tôi nữa, vì nếu tôi có bề gì thì gia đình tôi sẽ bị liên lụy theo. Tôi lo từng ngày một, buồn từng giờ một. Đôi lúc tôi giận mình sao có chi những cái mộng ngông cuồng như vậy để hại cho sự an nhàn của tâm tư. Tôi có cảm tưởng rằng sống mười năm lo lắng buồn phiền như thế ấy, tôi có thể giảm bớt đi một vài tuổi thọ. Tôi không bao giờ yên tâm, tôi luôn luôn lo lắng, tôi giật mình vì từng tiếng chó sủa trong đêm, vì từng tiếng người ồn ào ban ngày. Tôi sống trong sự khủng hoảng lớn về tinh thần. Giữa lúc đảo điên ấy, cuộc đời xui tôi gặp Vân. Thu Vân.
Một buổi xế mát không nhớ rõ là ngày nào, tôi đến nhà anh Thái chơi như thường lệ. Thái là bạn học cũ. Ở quê nhà, tôi còn được ngót mười người bạn cũ, bạn học từ hồi mới ê a chữ Quốc ngữ. Hầu hết những người bạn này bỏ học sớm, chỉ có Thái cùng tôi đeo đuổi học lâu hơn. Thái hiểu tôi, đồng ý với tôi ở nhiều điểm trong quan niệm sống nên chúng tôi thường nói chuyện với nhau. Nhà Thái lại ở giữa xóm, sát con đường giao thông qua lại nên là nơi tôi thường lui tới để giết thì giờ. Do sự thuận tiện ấy mà rất nhiều lần Thái biến thành vật hy sinh của tôi. Mỗi lúc tôi buồn, giận hoặc thắc mắc về một vấn đề gì tạp nhạp hay quan trọng, tôi đều đến để bắt Thái nghe.
Lần này đến chơi nhà Thái, tôi không đem theo một sự thắc mắc nào cả. Tôi vui vẻ theo con đường mòn giữa hai dậu hoa bìm rồi bước vào cổng sau.
Tôi lên tiếng gọi to trước khi vào cửa:
- Thái ơi, Thái có nhà không?
Không nghe tiếng trả lời. Tôi gọi to hơn rồi ngang nhiên bước vào phòng khách. Không có ai cả. Thì chợt ở nhà ngang có tiếng mẹ Thái nói sang:
- Anh Diệp qua chơi. Mời anh vô đây.
Tôi bước vào cửa vừa sắp nói một câu ba hoa theo thường lệ - mẹ Thái vốn vui tính - thì chợt ngạc nhiên im lặng: ngồi ở tràng kỷ đối diện với tôi kia là một thiếu nữ mặc áo hồng. Tôi thấy ngượng, mất bình tĩnh. Người thiếu nữ chừng cũng ngượng và mất bình tĩnh như tôi. Nàng loay hoay không biết có nên chào tôi hay không. Tôi giúp nàng thoát cơn bối rối bằng cách quay sang hỏi mẹ Thái:
- Thái đi vắng hở thím?
- Nó vừa đi coi nhổ mạ để sáng mai cấy đám ruộng Cây Duối.
- Thái làm ruộng? Thư sinh hôm nay nhất định làm ruộng?
- Kìa, bữa trước anh có hứa chắc là phen này anh cũng về quê nhà làm ruộng như thằng Thái kia mà.
Tôi đành cười xí xóa. Quả thật, bữa nọ tôi và Thái có ngồi bàn tính với nhau cả hai về làm ruộng thử xem sao.
Bên kia, người thiếu nữ lại loay hoay như định nói gì. Nàng đứng dậy. Mẹ Thái quay sang:
- Con cứ ngồi chơi. Anh Diệp đây mà, chắc con biết…
- Dạ…
Ba người lại im lặng, không ai biết nên nối tiếp câu chuyện như thế nào cho không khí đỡ ngượng. Mẹ Thái mới giới thiệu tôi với nàng mà quên không giới thiệu nàng cho tôi, thành ra tôi không biết nàng là ai. Ở quê nhà, sự giới thiệu là việc thừa. Trong cái vòng giao thiệp hàng ngày vừa eo hẹp vừa thân mật của mỗi người, người ta có bổn phận phải biết nhau. Nhưng vào trường hợp tôi, tôi không biết nàng. Dễ thường nàng cũng không biết tôi. Tiếng “dạ” của nàng kéo dài không nhất thiết có nghĩa là “dạ, con có biết” mà rất có thể là “dạ, con không hề biết”. Nhưng mẹ Thái đâu có tìm hiểu chi xa xôi, vơ vẩn như tôi!
Cuối cùng, tôi thấy nàng rụt rè đứng dậy:
- Thưa dì, cho con ra xe.
Mẹ Thái nhìn ra khung cửa:
- Mặt trời còn kia, còn sớm con về làm gì lật đật?
- Nhưng chần chừ một lát sợ không còn xe.
- Chẳng thiếu gì. Từ nửa tháng nay tàu bay Mỹ thả bom hụt cầu Ngân Sơn, bắn cháy xe Nhật Bổn ở Chí Thạnh thì xe đò phải chạy thâm về đêm. Con ngồi chơi lát nữa cũng chẳng muộn.
- Giờ này đi là vừa.
- Ừ thôi, tùy ý con. Kẻo lỡ xe, con lại đỗ tại dì.
Nàng cười:
- Dì cứ nói vậy, con đâu dám. Thôi con chào dì.
Tôi chợt lo rằng nàng sẽ lại chào tôi. Tôi nhút nhát, vội nhìn xuống tập sách mà lúc nãy ngồi lại bàn tôi đã tiện tay cầm lên. Tôi làm như đang chăm chú đọc. Tim đập hồi hộp. Tôi mong rằng nàng cũng hồi hộp, cũng nhút nhát như tôi để cuối cùng nàng lẳng lặng bước đi đừng chào tôi nữa. Thật tội nghiệp! Tôi đã 23 tuổi rồi, đã từng yêu mà vẫn rụt rè như cậu học sinh 16 tuổi.
Nhưng tiếng dép ngần ngừ rồi tiếng dép mạnh bạo tiến về phía tôi. Và tiếng nàng dịu dàng:
- Xin chào anh.
Tôi ngẩng lên nhìn nàng, luống cuống đứng dậy, lẩm bẩm:
- Không dám, chào cô.
Sự chạm mặt tưởng rằng đầy bỡ ngỡ khó chịu, không ngờ đã xảy ra dễ dàng tự nhiên đến thế. Tôi thấy tôi sẽ hối tiếc biết bao nếu nàng đi thẳng không chào tôi như tôi vừa mong.
Và bây giờ đến lượt tôi tiếc rằng đã không nhìn nàng kỹ hơn. Nàng như cũng thẹn nên vừa chào tôi xong đã lật đật quay đi. Thành ra tôi chỉ kịp nhận thấy đôi mắt đen trên khuôn mặt trắng xinh. Vòng quanh khuôn mặt là nền tóc nàng bỏ lửng xuống vai. Đôi vai mảnh và dáng nàng thon. Thật là hình ảnh của một nữ sinh trong trắng tin yêu cuộc đời trước mặt.
Khi nàng đi khỏi, tôi hỏi ngay mẹ Thái:
- Ai vậy thím?
- Vân, con bà tham Quế ở Sông Cầu.
- Con bà tham Quế à? Thế cô ấy là em anh Nhân?
- Ờ.
Sau một giây im lặng, mẹ Thái nói:
- Hay anh Diệp… đi hỏi con Vân đi. Nó năm nay 19 tuổi.
Tôi chỉ mỉm cười mà không trả lời khi nghe nói đến việc cưới hỏi, cưới hỏi cho mình. Đó là việc tôi đã từng nghe nhiều rồi, từ hồi còn mới 12, 13 tuổi. Những gia đình khá giả trong làng, trong hạt, hay nhìn con của nhau rồi hứa hẹn cưới gả cho nhau. Tính đến nay tôi đã trải qua khoảng sáu bảy nơi, nhưng rồi người con gái nào cũng chồng con tử tế cả, chỉ duy tôi là vẫn còn như xưa. Hôm nay lại nghe lại việc cưới hỏi! Tôi không muốn, không cố ý dự định xếp đặt một việc tương lai chắc chắn, nhưng sự êm đềm hiện tôi đang thâm cảm trong lòng xui tôi vui vẻ nói luôn:
- Vân đẹp quá, hở thím?
- Đẹp mà lại giỏi. Bánh trái khéo. May vá, đan thêu thạo. Công việc trong nhà mình nó lo, bà tham khỏi phải thò tay vô một việc gì cả.
Nghe nàng quán xuyến được tất cả những công việc phiền phức vô vị trong nhà, lòng tôi thấy tin yêu, cảm động. Tôi đã nhọc mệt với những sự lộng lẫy của cuộc đời phù hoa ngầm chứa giả dối và đốn hèn, nên hôm nay gặp một thiếu nữ có cái sắc thái của người thanh lịch mà lại ấp đượm tinh thần thuần hậu, chịu khó của các bậc mẹ hiền ngày xưa, tôi bỗng thấy lòng rào rạt một niềm mến thương ấm áp. Hôm nay đây, tôi hồi tưởng lại lúc bắt đầu gặp nàng, tôi còn cảm thấy sự êm ả vô cùng khi tưởng thấy nàng nhanh nhẹn, vui vẻ và nhẫn nại làm các công việc trong bếp núc, trong vườn tược, trong cửa nhà.
Mẹ Thái cho tôi biết thêm rằng nàng học hành giỏi và tánh nết dịu dàng. Bà tỏ ra rất tán thành việc tôi đi hỏi nàng. Người đàn bà hiền lành muốn mọi việc đều thu xếp một cách hiền lành. Ý bà muốn tôi nói ngay rằng tôi yêu nàng lắm. Tôi nói:
- Thím xem thử, cháu đi hỏi chị Vân thì bà tham có chịu không?
Bà cười ngay:
- Chắc chịu. Tôi làm mối cho.
Tôi lại cười. Quả thật, tôi chưa có một quan niệm rõ rệt gì về tương lai của tôi, quả thật, tôi chưa định thu xếp cuộc đời của tôi như thế nào cả. Tôi còn phải sống vô định vì tôi chưa biết mình phải làm cuộc đời của mình như thế nào. Bảo Loan hiện còn ở Hà Nội hay tản cư về một vùng quê nào ở Hà Đông? Ngày tôi sắp lên tàu, nàng muốn khóc mà không thể khóc được, muốn nói mà không biết nói sao. Ngồi giữa gia đình, chúng tôi chỉ nhìn nhau im lặng. Trong cái nhìn ấy, tôi thấy như nàng muốn nhủ tôi nhớ ngày về và đợi cho tới cái ngày về. Tôi cũng trả lời và nhủ lại như thế bằng mắt nhìn. Bảo Loan yêu tôi, trong sạch và tin tưởng bằng mối tình đầu của nàng. Cho đến ngày chia tay, nàng chưa hơn 17 xuân xanh. Trong khi thế sự chưa rõ như thế nào, tôi không có quyền dứt tình trước. Suốt trong buổi nói chuyện, nghĩ đến Vân là tôi thấy Bảo Loan. Tôi thấy tôi bối rối. Mặc dù cái không khí êm đềm do Vân mang lại cho tôi lúc ấy. Tôi vẫn cảm thấy là rất hiền hòa, tươi mát. Tôi không thể nghĩ ngợi gì cho sâu sắc hơn. Tôi giã từ mẹ Thái vui vẻ một cách thành thực.
- Thím nhớ làm mối dùm cho cháu? Cháu thế nào cũng đi hỏi cưới chị Vân.
Những ngày tiếp theo, tôi hay nghĩ đến Vân. Tôi có đủ thì giờ để nghĩ đến nàng vì lúc ấy tôi không phải làm một việc gì cả. Tôi nghĩ vẩn vơ, chắp nối những hình ảnh êm đềm trong ấy có nàng sống cạnh bên tôi. Tôi nghĩ đến một đôi vợ chồng trẻ đi ô-tô về Sông Cầu thăm quê ngoại. Tôi tưởng tượng thấy từng quãng đường ô-tô sẽ đi qua, nào đường phố Thoại chạy ra chân núi Đá Trắng, dài và thẳng, lát toàn đá trắng, nào đèo Dốc Găng xe phải nhấn ga ba bận mới leo nổi con đường dốc đứng dựng ngược như lên trời. Nào dốc đường uốn cong hình chữ S bẻ trẹo người, ngồi trên xe thấy thành phố Sông Cầu nằm dưới chân núi ẩn dưới dừa xanh và thân ái tiếp nước bể xanh! Tôi nghĩ đến Vân để ru lòng mình. Tôi yêu nàng như yêu một bóng hình nào trong tiểu thuyết. Vân đối với tôi còn xa quá. Nàng ở tận Sông Cầu! Mấy khi nàng vào Tuy An để thăm dì nàng? Vào Tuy An tôi còn không biết tìm dịp nào để gặp nàng, để kết thân với nàng, huống chi là ở tận Sông Cầu xa cách! Tính tôi vừa hay e dè, vừa lại không chịu khó. Tình thì chỉ nhàn nhạt, thanh thanh. Tìm mọi dịp để gặp một người, yêu nồng nàn say đắm một người là điều tôi chưa hề làm và chắc là suốt đời tôi không bao giờ làm. Như vậy tôi linh cảm Vân chỉ là một cái bóng đẹp đi qua thôi. Không chắc có một dịp nào để chúng tôi yêu nhau. Tôi tự hỏi sao không có một ai đứng ra giúp chúng tôi kết chặt mối thương yêu. Nhưng tôi lại tự hỏi thế tôi có chắc chắn rằng mối thương yêu đó là điều sở vọng suốt đời của tôi chăng? Tôi không tin tôi nữa, tôi lẫn lộn quá khứ với hiện tại, tôi ngờ vực tương lai. Tôi trở nên rụt rè. Tôi đặt Vân vào địa vị cũ của nàng: “Một bóng đẹp đi qua, còn lưu hương lại”.
Chừng nửa tháng sau.
Có một buổi mai, người phu trạm ghé đưa cho tôi một bưu kiện. Không thấy ghi địa chỉ người gởi, nhưng nhìn nét chữ tôi biết là của Bảo Loan. Từ ngày xa cách, chưa bao giờ Bảo Loan viết thư cho tôi. Kể cả từ ngày yêu nhau, Bảo Loan cũng chưa bao giờ viết một mảnh thư nào cho tôi cả. Bảo Loan ngây thơ, nàng cầm tay tôi, nàng ôm mặt khóc, nàng thề yêu tôi suốt đời… mọi biểu hiện tình yêu đều chân thực và hồn nhiên như lá cây đong đưa theo gió, như chùm hoa rực rỡ đầu cành.
Tôi lần xé phong bì.
Đó là quyển Bướm Trắng của Nhất Linh. Không phải sách mới, Bảo Loan mua tặng, mà là quyển sách cũ tôi mua từ năm ngoái vẫn xếp trong rương sách. Lúc tản cư về quê, bao nhiêu va-ly, rương sách, chăn màn và một số quần áo tôi đều gởi lại hết.
Cầm lên quyển sách, tôi tự hỏi vì sao Bảo Loan lại gởi cho tôi. Bình thường, dù sách hay báo, nàng cũng đều chọn thứ mới xuất bản để gởi. Một cách để báo tin là nàng vẫn khỏe mạnh và đang nghĩ đến tôi.
- Hay là nàng tự ví lòng nàng như lòng yêu của Thu, yêu đau đớn và thấy cái thú được đau đớn khi yêu?
- Hay là nàng muốn dặn mình đừng chán nản đau khổ như anh chàng Trương, đừng quá suy nghĩ…
- Hay là…
Tôi đang sắp sửa đưa ra một chuỗi “Hay là…” nữa thì có tiếng chó sủa ngoài hiên. Nhìn ra thì, ngạc nhiên chưa, Vân và mẹ Thái lững thững đi vào.
Em gái tôi tiếp ở phòng khách, tôi không bị quấy rầy. Chắc em tôi đã trả lời theo thường lệ:
- Dạ anh tôi vừa mới chạy đâu đấy thì phải…
Chúng tôi đã giao hẹn trước với nhau: có ai hỏi tôi thì em cứ trả lời vu vơ một mực như trên. Nếu là khách tôi muốn nói chuyện thì tôi ra tiếp, đồng thời giải thích sự mâu thuẫn vừa rồi một cách tự nhiên:
- Vừa chạy sang hàng xóm có tí việc. Về rồi mà em tôi nó tưởng chưa. Xin lỗi ông…
Như vậy, đỡ bị quấy rầy vì những ông khách nhàn nhã. Nhưng khách hôm nay là cô Vân, tôi muốn ra tiếp lắm. Nhưng tự nhiên bỗng thấy rụt rè. Tôi đã lén nghĩ về Vân, đã có những tưởng tượng không đoan trang về nàng. Nếu tôi chìa mặt ra chào thì thế nào mẹ Thái và Vân cũng đọc được những ý nghĩ thầm kín của tôi. Không, ngượng lắm, tôi không thể ra tiếp được.
Óc đang bối rối, tôi mở quyển Bướm Trắng đưa mắt nhìn đọc:
“…Trương hiểu ý:
- Em không sợ, anh không dám xúc phạm đến em, anh chỉ xin em cho phép anh cầm lấy bàn tay em một lúc, một lúc thôi
Thu vẫn để yên chiếc khăn tay che miệng, nàng như người bị thôi miên, thong thả giơ bàn tay phải cho ra cho Trương nắm lấy. Trương nắm rất nhẹ lấy bàn tay Thu, bàn tay mà trước kia chàng chỉ nhìn trộm trên nền chăn trắng”.
A, đây rồi, tôi nhớ lại rồi, anh chàng Trương băn khoăn đau khổ của tôi, sống không hy vọng, yêu trong tuyệt vọng, tìm quên và tự dối mình. Tôi lại đọc tiếp:
“Thu khẽ nói:
- Thôi, em đi về thôi.
Khi Thu đi ngang qua, chàng đã toan cầm lấy tay một lần nữa rồi hôn Thu, nhưng chàng cố giữ được. Chàng nói:
- Em cho anh xin chiếc khăn tay của em.
Thu không đưa truyền tay chiếc khăn cho Trương, nàng đặt vội chiếc khăn trên mặt ghế rồi ra đi.
Nghĩ đến chiếc khăn của Thu, Trương với cầm lấy vò nát trong hai bàn tay rồi đưa lên miệng. Chàng vừa cắn mạnh vào chiếc khăn vừa thầm nói với Thu, rưng rưng muốn khóc:
- Em Thu, em còn yêu anh làm gì. Khổ anh lắm”.
Đau xót như thế sao? Thật có khác chi mối tình đau xót của tôi?
Tôi lại mải mê đọc tiếp.
Một lát sau, có tiếng guốc dép va xuống nền gạch, tiếng nón lá chạm lộp cộp vào vách. Tôi biết rằng khách ra về. Tôi lại đứng ở khung cửa sổ nhìn ra. Mẹ Thái và em tôi đi trước. Vân nhẹ nhàng đi sau. Đến đầu cổng, nàng quay đầu đảo nhìn một vòng qua sân, qua hiên. Ánh nắng tràn chiếm lấy mặt nàng, khiến cho vẻ mặt sáng rỡ lên. Nàng nhíu một mắt như nũng nịu với ai. Tôi say sưa nhìn theo gót chân uyển chuyển lòng vụt xôn xao, rào rạt như đang nghe tiếng nhạc trổi vang lúc đèn chiếu bóng bật sáng, phim vừa dứt. Tự nhiên háo hức, tôi khe khẽ hát lại điệu hát quen thuộc tôi thường hát ba năm trước:
Điệp khúc đẹp nhất của cuộc đời
Là điệp khúc ta hát lúc hai mươi tuổi
Là điệp khúc ta không bao giờ quên
Vì cuộc đời chỉ có một mùa xuân.
Từ đó, tôi thường đến chơi nhà Thái hơn, mong vẩn vơ rằng sẽ gặp lại nàng ở nhà Thái. Nhưng nàng không thấy đến. Lần nào tôi cũng nói chuyện về nàng. Mẹ Thái bao giờ cũng khuyến khích tôi đi hỏi nàng ngay, còn tôi thì chỉ nói và dự định.
Một hôm, mẹ Thái cho tôi hay rằng bà Tham Quế có ý định muốn gả nàng cho một cậu lục sự Tòa án Phú Yên. Cậu lục sự trẻ, nhà giàu, quê ở Nha Trang. Nghe đến đây tôi thấy như nàng đã là vợ của cậu lục sự ấy rồi. Một lục sự Tòa án là cả một danh vọng đối với người đàn bà như bà Tham. Ngoài danh vọng ra, còn có sự giàu có. Trẻ tuổi là để dành phần Vân. Tôi thấy đã đủ cả rồi. Thấy Vân đã là vợ của cậu lục sự ấy rồi. Tôi hỏi:
- Thế ý chị Vân thế nào, hở thím?
- Nghe nói nó không bằng lòng. Nó không thích anh Nhã - tên cậu lục sự, mà anh Nhã thì yêu nó lắm.
- Thế còn bà Tham?
- Bà Tham thì muốn gả. Bà cố ép. Bà rất chiều chuộng anh Nhã. Nó thì tỏ hẳn là không thích. Mỗi lần anh Nhã đến nhà thăm là nó bỏ đi chơi hoặc gắt đứa ở, rầy la em, làm phiền trong nhà.
- Nhưng anh Nhã nhất định không vì thế mà thôi yêu chị?
- Anh có biết anh Nhã?
- Dạ không, đó là cháu đoán vậy thôi.
Im một hồi, mẹ Thái tiếp:
- Anh không hỏi ngay thì mất.
Tôi cười.
- Nhưng bà Tham có gả cho cháu đâu?
Mẹ Thái định nói gì, nhưng nghĩ sao lại thôi.
Suốt ngày hôm đó, tôi cứ loay hoay về việc Vân. Nàng sắp đi lấy chồng rồi. Vội vã lấy chồng sao? Tôi lo nghĩ quá, miên man nghĩ đến việc tương lai của tôi.