“Đèn dầu đơi… Đèn dầu đơi. Mua dầu khuyến mãi đèn. Ô! Xin lỗi. Mua đèn khuyến mãi dầu!”. Quý rao hàng rất nhiệt tình. Hắn xí xô bằng tiếng Anh như thế này “Oils lamp… Oils lamp. Buy oils get fee lamp. Oh! Sorry. Buy lamp get fee oils…”.
Thổ dân Papua New Guinea vây quanh Quý càng lúc càng đông. Hắn quay mòng mòng bên cửa hàng tạp phẩm dã chiến: một tấm bạt rách bày đủ các thứ từ kim, chỉ, dao cạo râu, búp bê, áo thun, quần short đến đèn dầu. Sự nhạy bén của Quý thật đáng nể. Biết chắc chuyến này tàu được thuê chở gỗ ở các đảo nam Thái Bình Dương về Nhật, Quý đã đánh rất nhiều hàng từ mấy sạp chợ Xóm Chiếu gần cảng Sài Gòn để phục vụ “thượng đế ở trần”.
“Cu con, mày đi đâu đấy?” – Quý gọi giật tôi lại – “Giúp tao bán với, không thì mất hết”.
“Chẳng sao đâu. Tôi cá với anh người ở đây lành lắm. Tôi vào sâu trong bản thăm thú, đổi mì gói lấy con gà tơ và ít rau tươi”.
“Thổ tả!” – Quý rủa – “Mày đã mua mấy xô quặng vàng, không nhớ à?”.
Chuyện đó xảy ra ở cảng Rabaul. Người bản xứ đi thuyền độc mộc có càng chống lắc ra dụ cả tàu mua “quặng vàng”. Họ nhón một ít hạt tơi như cát thả xuống biển. Qua làn nước trong văn vắt, màu vàng lung linh mời gọi ánh mặt trời và tất cả chúng tôi. Không ai bảo ai, thủy thủ Việt Nam dấm dúi thu gom mỗi người mấy xô quặng. Họ bán rẻ như vé số, dại gì không mua một giấc mơ. Nhưng chiêm bao kết thúc quá sớm, khi ông đầu bếp già biết được và cảnh tỉnh. Thời trẻ ông từng học nghề thợ bạc. Ông bảo vàng là kim loại trơ nên nó thường kết thành vẩy vụn gần nguyên chất trong thiên nhiên chứ không thể hòa lẫn với sa thạch.
“Đảo này chưa có điện, họ chưa biết gian xảo đâu. Anh hãy gọi đèn dầu là ánh sáng văn hóa huyền ảo phương Đông cho nó oai. Thế mới kích thích người mua” – Tôi an ủi Quý trước khi hướng về những mái nhà sàn cheo leo nép mình vào vách núi.
°
Khe hở giữa hai ngọn núi nhỏ chồm ra biển là bãi cát đẹp, nơi Quý đang đứng bán hàng. Bờ suối thoai thoải chính giữa dẫn tôi vào ngôi làng của thổ dân nam đảo. Người ở đây da đen bóng, vóc dáng trung bình khá, nam nữ đều tóc xoăn dính chặt đầu. Họ ngụ dưới những mái lá giống như ở Tây Nguyên Việt Nam nhưng đơn giản hơn. Gần như cả làng đã chạy ra mép biển xem hoặc mua hàng.
Trước đây cộng đồng này sống sâu trong rừng, giữa một thung lũng hẹp, dân số chỉ khoảng hai trăm, chia thành vài chục bếp lửa. Ngôn ngữ của họ là một trong tám trăm năm mươi ngôn ngữ bản địa Papua New Guinea. Những người cao niên bảo khoảng năm đời trước, tổ tiên họ thoát ra khỏi cuộc chiến tàn bạo tại một hòn đảo nào đó rất xa. Hành trình vượt biển vô vọng dài dằng dặc, phó mặc cho may rủi trên một dòng hải lưu hiền hòa, đưa đoàn lưu dân đến cửa lạch này.
Lãnh tụ đầy quyền lực của họ là lão thầy cúng gia truyền, suốt đời vun vén lời nguyền mang tên đại dương: biển cả - cánh cửa trá hình của địa ngục, đầy tội ác và bất trắc,
Khi các công ty khai thác lâm sản đa quốc gia tới đây, thầy cúng truyền đời thứ tư đã quyết liệt phản đối, đồng thời cấm tiệt dân bản đi làm thuê. Không có nhân công giá rẻ tại chỗ, tốc độ tàn sát rừng rất chậm, nhiều tháng mới có một tàu biển vừa vừa đến ăn hàng.
Những nhà truyền giáo mắt xanh xuất hiện, mọi sự bắt đầu thay đổi. Quyền lực của thầy cúng bị chúa trời lấn át. Xung đột âm ỉ cháy trong làng. Thòng lọng đã thắt lại khi thầy cúng đánh thuốc độc nguồn nước sinh hoạt, giết hơn nửa đội công nhân đốn gỗ được gửi tới từ thành phố Rabaul, thủ phủ quần đảo. Các nhà lập pháp, hành pháp và tư pháp chung tay bắt bỏ tù gần như toàn bộ đàn ông trong gia tộc thầy cúng. Người ta dỡ làng cũ, dọn đến gần biển để tiện bề đi lại, phục vụ công trường thu gom và phân loại gỗ. Các chuyến tàu ùn ùn buông neo.
°
Tôi bước vào một kiến trúc tre nứa lớn có lẽ mang chức năng như nhà rông ở Việt Nam.
“Xin chào” – Tôi giật mình. Trong góc tối nhất của gian phòng ánh lên màu da trắng xanh trung niên, giọng mũi khọt khẹt y như lão hoa tiêu tôi từng gặp tại cảng Brisbane nước Úc.
“Chào anh” – Tôi nhìn về tấm bảng đen trên vách. Một bài học tiếng Anh vỡ lòng chưa xóa.
“Bọn mày lại đến đây bán rượu hả?”
“Hôm kia canô hải quan tịch thu hết rồi. Riêng tôi thì chẳng liên can. Không phải đạo đức gì, tôi là thủy thủ học việc, chưa rành buôn lậu”. Có lẽ ông ta biết chuyện nhiều thuyền viên trên tàu lén bán rượu Maxime Bình Đông cho công nhân khai thác gỗ.
“Uống nước trà nhé. Trà Papua nấu từ lá rừng” – Williams mời tôi. Thì ra anh ta là giáo viên Anh ngữ của một tổ chức phi chính phủ, đến làng tám tháng nay.
Williams kể anh đang sống giữa một cộng đồng sắc tộc bán khai. Tôi hỏi Williams người ở đây có hiểu khái niệm bán khai là gì không. Hắn trả lời tất nhiên không. Tôi bảo ngôn ngữ của thế giới văn minh tởm lợm và nguy hiểm lắm. Tôi không tin mình đến từ thế giới “bên trên”. Định vị “phía ngoài/vượt khỏi” (beyond), “ở dưới” (below) nền văn minh đang thống trị nhân loại (the reigning civilization) theo cách Williams dùng, hàm chứa một âm mưu, biến kẻ nghe thành con nợ[1].
Williams cười khùng khục. Y bảo nước Úc có hẳn những hội đoàn suốt đời đấu tranh cho tôn chỉ của tôi, thậm chí nó còn mang giá trị triết học và tôn giáo. Y hỏi tôi đọc các tư tưởng ấy trên internet hả? Tôi nói tôi chẳng ở đây nhưng tôi cũng biết, trai gái lớn lên hoang dại. Đến độ tuổi nào đó họ sẽ nhìn vào mắt nhau để quyết định có chung ngủ trên thảm lá rừng không. Thế là thành gia đình, tình yêu. Họ tiến bộ hơn chúng ta. Họ không dùng ngôn ngữ bóng bẩy để lừa phỉnh chăn gối. Họ không đánh giá quần áo, giày dép, địa vị và túi tiền trước hôn nhân.
Williams nói hai bề chiếc lá chẳng bao giờ cùng màu. Hắn nghĩ tiêu chí xem xét một cộng đồng văn minh là nhân phẩm, ý thức của mỗi con người về nhân phẩm, sự lớn mạnh của khuynh hướng bảo vệ nhân phẩm trong tổng hòa các mối quan hệ xã hội. Nếu tôi chỉ nhìn bên dưới chiếc lá thì tôi chẳng bao giờ thấy giá trị của mặt trời được chất diệp lục chắt chiu, tinh kết… Pháp luật không thể diệt trừ được cái ác, cũng như nhà tù thường làm con người xấu xa hơn – Williams quả quyết như đinh đóng cột – Xã hội văn minh giúp đỡ sự lương thiện có lợi thế thượng phong. Cái ác không còn thì bói đâu ra quảng tâm.
Tôi không bắt bẻ được lý lẽ của Williams nhưng tôi nói tư duy của hắn xa lạ với nền tảng nhị nguyên phương Tây, nơi đúng/sai, được/mất luôn luôn rạch ròi. Williams bảo tất nhiên bề nổi của văn minh phương Tây là chợ vòm toàn cầu, rặt những con buôn người có máu mặt, hậu duệ của lũ cướp biển/bức sát/xâm lăng/diệt chủng mấy thế kỷ trước.
“Anh biết chứ chưa hiểu, anh bạn à” - Williams thật thà thổ lộ - “Chỉ khi nào anh vượt qua cái biết, xóa bỏ tín điều của thông tin, anh mới bắt đầu hiểu. Chẳng hạn những đứa trẻ phải học rất nhiều để tranh vẽ của chúng mất đi sự non nớt, trong khi các họa sĩ tài danh thì luôn cố gắng giũ bỏ mọi kiến thức để trở về đường nét vụng dại, ngây thơ”.
“Anh từng đọc Lão Tử của Á Đông?” – Tôi hỏi khó Williams – “Cảm ơn anh giúp tôi hiểu ông hơn. Văn minh tất yếu phải phát triển theo chu trình, con người sẽ không phí hoài quá khứ, dù đó là cái ngày hôm qua ăn lông ở lỗ”.
“Cảm giác mất mát tự thân khi sinh hoạt giữa dân chúng hiền hòa nơi đây là có thật. Hãy vào làng chơi đi, anh sẽ trải qua những phút giây sống ra sống khá kì ảo và đáng giá”. Williams chào tạm biệt tôi.
°
Mấy gói mì tôm mang theo, tôi đổi được một con gà giò. Dân chúng thích khẩu vị mì lắm. Họ gọi mì là râmi theo âm Nhật vì mì được người Nhật đem đến đây đầu tiên.
Tôi ngược chiều với hàng đoàn dân làng trở về nhà từ bãi biển. Họ vừa đi vừa cười nói vui vẻ và không ngớt chào hỏi. Tay ai cũng nâng niu ít nhất một món hàng Việt Nam. Đến mép nước tôi chẳng thấy Quý đâu. Chiếc canô hắn thuê cũng mất dạng. Chết tiệt – tôi rủa thầm. Tôi đi ké Quý trong khi hắn nghĩ canô hắn bỏ tiền thuê, tôi trèo lên thì phải bán hàng cùng hắn. Lỗi là ở tôi. Trong thế giới đèn điện, mọi thứ phải tự hiểu là nên trao đổi sòng phẳng.
Con gà bị trói ngơ ngác và bắt đầu quáng vì ánh ngày sắp tắt. Tôi ngồi xuống cạnh biển. Cố gột hết suy nghĩ vẩn vơ, tôi tận hưởng những làn gió thanh sạch đang luồn dần vào bóng đêm.
“Mày lên nhà tao ăn tối đi. Chút tao kiếm thuyền đưa mày về” – Chủ nhân ngôi nhà sàn gần biển nhất đang đứng sau lưng tôi. Theo hướng ngón tay trỏ của ông, ánh đèn dầu leo lét.
Vợ và hai con của Kapoo quây quần giữa nhà. Họ đang dùng một chảo tinh bột nhiều xơ được trần quết nhuyễn mịn. Họ bảo đấy là thứ củ địa phương, mọc hoang bìa rừng. Tôi khách khí thò ra con gà và hỏi Kapoo có rượu chứ. May quá, chiếc chai dẹp Kapoo lục được trong vách lá góc nhà là thứ Rhum Tanduay Philippine nổi tiếng, chứ không phải Maxime Bình Đông chế từ cồn công nghiệp pha loãng, tẩy bột màu và lắng cặn bằng thuốc trừ sâu tại quận Tư, Sài Gòn.
Kapoo kể, ngày ông còn bé, cả làng bất ngờ bị cấm thịt gà, không rõ lý do. Họ chỉ cắt tiết chúng khi hiến tế rồi ném xác xuống vực, ra biển. Ăn “gà thần” là tội lỗi tày trời và sẽ bị trừng phạt. Mùa hạn hán kinh hoàng nọ, do thực phẩm thiếu thốn, dần dần dân làng bắt đầu lén lút sử dụng lại nguồn chất đạm này. Lão thầy cúng độc địa nửa kín nửa hở, không khuyến khích nhưng cũng không truy xét gắt gao. Hắn biến toàn bộ con dân của mình, kể cả gia tộc hắn, thành những kẻ phạm tội. Vô hình chung luật “cấm ăn gà” trở thành công cụ cai trị hữu hiệu. Thầy cúng mua chuộc tai mắt chỉ điểm khắp nơi. Mỗi khi cần hậu thuẫn, thỏa hiệp hay “chuyên chính”, ông ta lấy ngay con bài tẩy “giết gà” ra trấn áp. Cha Kapoo hàm oan vì một nhúm lông gà chôn sơ sài bên bờ suối, gần mái ấm của mình. Tất nhiên đa số gà của làng là gia cầm thả hoang, nó mang danh nghĩa những đứa con của mẹ rừng. Quá nhục nhã khi bị qui là kẻ cắp, cha Kapoo đã bảo toàn nhân phẩm của mình bằng cái chết tự nguyện đầy đau đớn. Trước khi tắt thở ông cố gắng trăn trối với con cái rằng ông vô tội. Cả cộng đồng đều phạm luật thì phải xem lại luật pháp. Thứ “hương ước” vô cảm kia là cạm bẫy chứ không phải đội cấm vệ quân nghiêm khắc của thần công lý.
Bữa rượu gần tàn. Williams bước vào tự nhiên như người thân của Kapoo. Anh ta pha trò: “Lại sự tích kim kê hả bác Kapoo?”. Williams hỏi Kapoo từ “luật pháp” bằng tiếng Anh dịch sang tiếng mẹ đẻ Kapoo là gì. Kapoo bảo một nửa “thầy cúng” một nửa “gà rừng”. Tôi bỗng rùng mình. Tội ác sẽ xây dựng hang ổ kiên cố tại những xứ sở mà hình luật là lưỡi kiếm sinh sát vô lương của kẻ cầm quyền. Nói man rợ chưa đúng lắm, nó “hạ cấp” hơn man rợ mấy bậc.
°
Williams đứng trên bờ vừa mở dây thuyền vừa vẫy tay chào. Anh bảo Kapoo nhất thiết phải tường thuật chuyện ăn thịt người cho tôi nghe rồi cười vang bến nước. Tiếng chèo tay nhè nhẹ nhưng dứt khoát. Ánh đèn dầu thôn xóm khuất nhanh khi thuyền rẽ trái. Trời tối đen như mực. Bóng núi đổ xuống hãi hùng, bên cạnh lời kể đều đều và chậm rãi của Kapoo.
“Chưa xưa lắm, cách làng tôi bảy cái thác hoặc mười bốn ngày chèo thuyền thì đụng một bộ lạc hung dữ, còn nguyên tục ăn thịt người. Khi phạm vào bậc thang tội trạng cao nhất, bất kể giới tính, trẻ già, kẻ thủ ác sẽ bị mổ. Ngày thi hành án luôn là lễ hội ai ai cũng náo nức mong đợi. Dân tình hả hê lấy máu tội nhân vẽ mặt nhảy múa. Món thịt người “nướng mọi” nghe bảo thơm vỡ mũi và ngon tuyệt trần, đặc biệt là sợi tủy xương cẳng chân béo ngậy chỉ dành cho thủ lĩnh.
Lạ là các nạn nhân không ra vẻ khủng hoảng. Họ có niềm tin mãnh liệt về kiếp sau huy hoàng nếu được “an táng” trong bụng đồng loại. Cho nên suốt tuần trăng “ân huệ” họ rất tích cực tẩm bổ để da thịt mỡ màng và luôn hát hò, thậm chí bứt dây trói, dậm dật những vũ điệu ma quỉ.
Khi “văn minh phá rừng nguyên sinh” tràn tới, con trai cả tù trưởng xin làm nghĩa tử một đốc công da trắng và muốn du ngoạn thế giới bên ngoài. Vị đốc công đem anh về Bamaga thành phố quê hương ông, bang Queensland. “Thái tử” mười tuổi được học hành. Chưa kịp đến ngưỡng vị thành niên hắn đã đổ đốn hippy, rượu chè, hút sách. Cha nuôi đành phải trả hắn về nơi chôn nhau cắt rốn.
Xa rừng lâu ngày, “thái tử” trở nên vô dụng và thô vụng giữa đời thường của bộ lạc. Hơn nữa, hắn còn nguyền rủa quyền lực của cha đẻ mình. Hắn phỉ báng tiên tổ và tất cả lề thói hủ lậu. Cuối cùng trong một cơn rượu chè điên loạn hắn đã phạm tội hiếp dâm kiêm loạn luân. Tù trưởng truất thừa kế của hắn và tuyên bố sẽ mở đại tiệc thịt người.
Kẻ tội đồ gào thét và tuyệt thực suốt tuần trăng ân huệ. Bộ da bọc xương của hắn thỉnh thoảng lại thều thào những câu cú như thơ không vần, lổm ngổm các khái niệm phương Tây, nào là tự do, nhân tính, phẩm giá, thân phận, số kiếp, định mệnh… Tất nhiên nhân dân không hiểu mà lại tỏ vẻ ngạc nhiên, vì hắn đánh mất truyền thống lạc quan trường tồn của tiền nhân khi đối mặt với tử thần.
Bữa thịt người thất bại thảm hại. Máu tử tội xám đặc như chì lỏng. Các bó cơ mỏng, dính chặt vào xương bốc mùi thum thủm. Bộ óc sàn sạn những cát. Mấy dây tủy vón cục và đen như đá cuội… Tù trưởng khởi phát bệnh thần kinh. Ông tuyên bố thượng đế đã chết, thiên đàng đã cấm cửa những kẻ hiến tế và vĩnh viễn hủy bỏ nghi thức man mọi”.
Kapoo dừng lời vừa lúc vách núi lặn xuống biển. Tôi đã nhìn thấy ánh điện sáng rực trên con tàu của mình.
Quý đang chong đèn vớt mực ở chiếu tiếp đất của cầu thang mạn. Hắn hồn nhiên chào Kapoo và tôi. Tôi mượn Quý mấy con mực đang chóc chách búng trong xô để nấu bát mì đãi Kapoo. Thứ hải sản tươi rói này nếu có thêm vài lá cải xanh mướt làm dáng thì ngon không thể tưởng tượng. Tôi lụi cụi trong bếp nên không để ý Quý đã lén ngoắc Kapoo về phòng hắn “tiếp thị” rượu. May mà trong túi Kapoo chỉ còn hơn mười Kina (khoảng chục Mỹ kim) nên anh lấy mỗi một chai Maxime Bình Đông.
“Ông dám bán cho bạn tôi rượu giả à?” – Tôi vặc Quý – “Thật là đê tiện”.
Quý sấn tới, túm cổ áo tôi gầm gừ: “Thằng oắt con, mày động vào miếng ăn của tao là tao ném mày xuống biển đấy”.
Kapoo luống cuống xổ một tràng bản ngữ líu lo rồi nhảy vào chắn giữa Quý và tôi. Phải giải thích mãi về “công nghệ” sản xuất rượu Kapoo mới sáng ra, dù anh không có chút ý niệm nào về thuốc trừ sâu. Tôi đành vứt chai rượu đi và đền Kapoo nửa thùng mì.
°
Tiễn Kapoo xong tôi lê bước về căn phòng sáu thước vuông của mình và nằm vật ra, chẳng thèm bật đèn. Tôi quên rất nhanh mọi thứ ruồi bu, trừ sự ám ảnh lạnh toát của câu chuyện ăn thịt người và quyết tâm bảo vệ nhân phẩm của cha Kapoo. Ngoài cửa sổ kín nước hình tròn, không gian đen đặc, quánh lên mớ lộn xộn vô minh. Tôi bỗng ước ao có một chiếc canô máy, để rẽ sóng trốn chạy con tàu rỉ sét đang dung chứa mình, dù trước mặt là màn đêm bất tận. Tôi sẽ mở hết gas, mơn trớn gió, băng lướt vào phía trong tâm hồn phẳng phiu xanh rượi bình minh hải hồ, cảm nhận tối đa gia tốc như biểu hiện rõ ràng nhất của tự do, của bay bổng và thoát ly.
Những tiếng động nhỏ nhẹ quen thuộc xuyên qua vách ván ép. Chắc chắn buồng ngủ cạnh bên đang nén chặt đám thủy thủ khát nước, ngồi đồng sát phạt nhau. “Tái phân bổ lợi nhuận buôn lậu rượu âm phủ” –  họ vẫn hài hước đểu giả như thế.
Cái chết là cuộc trốn chạy cuối cùng chăng? Tôi không biết. Thiên đường được khai sáng cho người sống, bởi đang sống lúc nào cũng đồng nghĩa với đang chết. Sống, nói cho vẹn toàn, là gì nếu không phải hành trình đến sự chết.
Có lẽ nhận thức bật ra hôm ấy, đã kết liễu tình yêu viễn dương trong tôi. Vài năm sau tôi bỏ biển và những hành trình trót mang tên chết chóc nhưng đôi khi đầy lãng mạn và thử thách, để kiếm tìm một cuộc mưu sinh khác. Tôi hoài mong nơi ấy không có nỗi bi quan đánh đồng sự sống và cái chết. Nơi ấy tồn tại niềm khát khao sáng tạo của chúa trời, mãi mãi vinh danh lẽ hiếu sinh, dẫu rằng luôn bị giới hạn bằng những đơn vị đời người.
Thảo Điền 11.2008
 Chú thích:
[1] Các từ tiếng Anh được trích trong công bố Nobel Văn chương 2008.
Trương Thái Du

Xem Tiếp: ----