Hai ông bà cụ vừa dọn vào căn nhà nhỏ nhắn của khu vực Mobile Home. Nhìn trên gương thật mặt vui vẻ trông họ rất hài lòng về sự quyết định khi dọn ra khỏi gia đình của đứa con trai . Họ đến nước Mỹ  đi qua với diện thân nhân bảo lãnh . Ông bà để lại nơi quê hương căn nhà lụp xụp với miếng đất nhỏ đủ trồng vài liếp khoai, liếp bắp.Đủ cho đám gà con thoải mái đùa vui theo chân gà mẹ,một chuồng heo vỏn vẹn hai con với vài khóm chuối cùng ít bèo xanh lững lơ trong cái ao sâu bên hong nhà.
Căn nhà lợp tôn nên ban đêm nghe cả tiếng sương rơi, tiếng lay động của những nhánh cây khẻ rung khi cơn gió chạm lướt qua. Vào mùa mưa hai ông bà lắng nghe như một tấu khúc của thiên nhiên, ông cụ tuổi tuy lớn nhưng nét nghệ sĩ vẫn còn đọng lại ở ánh mắt và nụ cười. Ánh mắt trông rất mơ màng và nụ cười thật cởi mở, mặc dầu giọng hát đã bị khàn đục, ông cũng xoay mình trong tiếng mưa rơi rồi hát to vang khắp căn nhà...
Mưa rơi rơi trên đường, mưa rơi suốt canh trường
Mưa rơi ướt phố phường, mưa trôi lá trong vườn,
Mưa đang tí tách reo ven tường
Mùa hè thì có hai cây khế già che bóng râm nằm đong đưa với chiếc võng hòa cùng tiếng kẻo kẹt của khóm tre ẻo lã  với chiếc quạt máy nối dây dài ra tới bên ngoài phất phơ  lùa qua lùa lại cái nắng khô khóc làm đổ chảy mồ hôi dầm dề .Người vợ là một người đàn bà nhà quê  lớn lên với ruộng vườn, nghe đâu cũng là con dòng cháu giống nhưng số mệnh không may khi sanh ra thì gia thế đã sa sút nên đi theo bên quê ngoại về sống nơi mồ mã tổ tiên cha ông đã nằm yên nghỉ qua bao nhiêu đời.Dầu ở nơi hẻo lánh như thế nhưng nhan sắc của bà đã được đồn đãi qua tới tận những làng bên. Cô tiểu thư lọ lem lại có sắc đẹp như những bà cung phi được vua sủng ái. Mỗi ngày ra đồng ra ruộng, làm việc dưới những cơn mưa tầm tả  đen trời thúi đất hay dưới những cơn nắng cháy rát da thịt. Cô thôn nữ vẫn đẹp lồ lộ dáng dấp cao sang. Tin đồn tới tai ông, người đàn ông con nhà khá giả học hành bằng cấp nhưng với bản tánh nghệ sĩ trong dòng máu. Ông đã san bằng giai cấp một lòng xin được cưới bà mặc cho biết bao sự phản đối trong gia đình.
Sau khi cưới họ đã đưa nhau rời xa quê nhà là miền Trung để đi vào tận trong miền Nam lập nghiệp.Cuộc sống trãi qua không biết bao thăng trầm, cuối cùng họ chọn một căn nhà ven đô, cách xa nơi thành phố ồn ào để tìm lại cái không gian trong lành khi mỗi sớm mai được nghe tiếng chim hót, đêm về lắng vui cùng tiếng dế kêu, tiếng quẩy đuôi của mấy con cá trong hồ. Sáng sớm nghe tiếng bà lanh lãnh la mấy con heo đang sột  soạt kêu đói đòi ăn, tiếng chim chíp của đám gà con vươn vai sau một giấc ngủ ngon. Tất cả đó là niềm vui của họ khi đứa con trai duy nhất được chính phủ cấp cho học bỗng đi tận bên Mỹ.Sau mười năm ông bà nhận được giấy tờ bảo lãnh qua Mỹ. Ngày cầm được giấy tờ họ mừng rơi nước mắt bởi từ sau cuộc chiến ông bà không hề nhận được một tin tức gì về đứa con trai duy nhất của mình. Ra đi chỉ vì muốn gặp lại con mà thôi .Nước Mỹ thiệt vô cùng xa lạ, với bà thì không có một khái niệm gì về đất nước này cả. Còn ông là người học cao hiểu biết nhưng nghỉ với tuổi đời đã già đến nơi một đất nước chỉ hứa hẹn cho tuổi trẻ, ông cũng phân vân không biết có làm được gì đây không hay lại phải nương tựa vào con cái? Nhưng tất cả vì con họ đành miễn cưỡng lên đường, từ giã thôn xóm với những người xóm giềng tốt bụng đã bao nhiêu năm qua cùng chia nhau biết bao khốn khó nhọc nhằn, biết bao niềm vui bé nhỏ như khoai mùa này tốt như sắn không bị sâu ăn.
Ngày đến phi trường họ ngỡ ngàng gặp lại đứa con, lạnh lùng và xa cách, gặp đứa con dâu không cùng chủng tộc. Gặp mấy đứa cháu nội dang tay hững hờ chào đón. Ngồi trên xe cảm giác của bà bị hụt hẫng nên chỉ biết bám lấy tay chồng run run. Còn ông thì bình tỉnh hơn, ông cho dầu tuổi tác đã cao, ông vẫn còn cái phong độ của một người cột trụ của gia đình. Ông mỉm cười, nụ cười che giấu rất khéo với ý nghỉ để xem sao... xem thằng con này mày sẽ xử sự như thế nào rồi ông sẽ tính sổ với mày .
Ông đã tìm ra được  khu Mobile Home có nhiều người Việt Nam sinh sống, nơi ông bà vẫn còn nghe được tiếng nói của quê hương, nơi có người chạy tới, chạy lui không cần phải gọi phôn xem có ở nhà không như phong cách lịch sự của dân bản xứ. Cứ thế tiếng gỏ cửa bất cứ lúc nào cùng tiếng nói cười lao xao, tiếng kêu to ơi ới  mỗi buổi sáng rũ rê nhau đi tập thể dục tản bộ loanh quanh khu xóm.
Hôm nay bác Oanh nấu bún rêu mang qua hai tô, hôm kia anh Linh kế nhà làm trong chợ mang về con cá tươi rói cho ông bà nấu canh măng chua với rau răm,cô Bé có mấy đĩa cải lương hay mang qua cho ông bà thưởng thức. Chú Cai thỉnh thoảng qua hỏi xem có cần đi đâu chú tình nguyện chở đi không lấy tiền đưa rước như đi bác sĩ vì chú làm nghề đưa rước, nghề tự do tự làm chủ . Trong đó có Bác Hiền thiệt đúng như cái tên, từ khi ông bà dọn về đã trở thành bạn già thân. Bác lúc trước làm nhà hàng nên nấu ăn rất ngon, hể có món ăn là đích thân qua nhà mời ông bà sang ăn. Một hôm khi ăn xong bà đứng lên rữa chén bát, bác nói
_thôi... thôi chị để đó đi
Bà tuy là người đàn bà nhà quê nhưng bản tánh tinh nghịch đùa lại
_ đã lấy đâu mà thôi
Thế là bác Hiền đỏ mặt ai nói tuổi già không biết đùa nghịch , bản chất con người cho dầu cái lớp vỏ bên ngoài có tàn héo theo định luật tuần hoàn nhưng tâm hồn vẫn luôn trẻ mãi bởi nó không can dự vào chu trình tái tạo để rồi bị huỷ diệt.
Ông bà đã tìm lại được cho mình những tháng ngày trên quê hương với chung quanh hàng xóm láng giềng.Họ là một đôi vợ chồng rất dễ thương luôn sẳn lòng giúp cho bất cứ ai muốn nhờ đến họ. Ông là người giỏi chữ, giúp đọc, viết những bức thư bằng tiếng Anh ngữ, bà làm dưa mắm rất khéo nên cả hàng xóm ai cũng được thưởng thức  qua.
Mỗi tháng đứa con trai một mình ghé đến coi ông bà có cần gì thêm không. Ông bà là người hiểu con và thông cảm cho đứa con về cách sống của anh bởi họ cũng cảm thấy có lỗi khi đã để anh một mình quá lâu trong đất nước này. Một ngày nào đó khi anh đi đến tuổi già của họ.Con anh sẽ đưa anh vào trại dưỡng lão theo lối suy nghỉ của người dân bản xứ. Ông bà cảm thấy tội nghiệp cho anh nhưng biết làm sao hơn bởi lúc đó chắc ông bà đã tuổi hạc về trời.
Nhìn đứa con trai, bà chỉ biết ứa nước mắt, ông chỉ biết thở dài .Ông bà cũng thầm cám ơn đứa con còn hiểu biết để tránh đi bao bi kịch của những người già trên đất nước này. Có những đứa con về bảo lãnh cha mẹ già qua để làm người giử nhà, giử cháu chắt. Họ lợi dụng những ưu đãi mà chính phủ nơi đây giúp đỡ cho những người già cả, để rồi tính toán luôn với cha mẹ mình. Biết bao nhiêu giọt lệ âm thầm chảy trên những gò má nhăn nheo trong đêm khuya, biết bao nụ cười héo hắt trước những hoàn cảnh bất khả kháng  mà con cái đã định đoạt.
Số mệnh dầu đưa ta tới đâu cũng đừng nên buông xuôi, nếu thấy có điều kiện phải mạnh dạn như ông bà đứng lên để chọn lựa cho mình được sống vui, sống mạnh khoẻ đến hết cuộc đời này ...

Xem Tiếp: ----