"Chả mấy chốc, cả thị trấn đều biết có một cô bé chín tuổi đang sống một mình ở Biệt thự Bát nháo.."
°
Nhiều lúc tôi cứ chắc mẩm mình sinh nhầm thời. Tôi cứ băn khoăn mãi với những điều mới trong cuộc sống hiện tại. Tôi không hứng thú lắm với công nghệ, dù nhiều khi chúng cũng tỏ ra quyến rũ. Nếu như người ta cứ mong ngóng đến sự tiến bộ, đến những tòa cao ốc và điện tử hiện đại, đến đĩa bay và người ngoài hành tinh. Tôi chỉ ước được như lúc bé, bên chiếc bàn gỗ đặt ở phía sân sau của ngôi nhà mà nhìn ra một khu vườn nhỏ. Có những con chim sẻ nhỏ xíu loanh quanh. Ở đó, mỗi chiều tôi ngồi tập viết, mẹ tôi nấu ăn ở nhà bếp và thi thoảng đảo mắt về phía tôi. Trong không gian ấy, tôi nhớ rõ tiếng hát của cô Khánh Ly phát ra từ chiếc đĩa than nơi chiếc máy hát hiệu Telefunken đặt ở nhà trên...
Sự thật là tôi đã 26 tuổi. Không quá già nhưng cũng không còn trẻ nữa. Nỗi ám ảnh về chiếc máy hát đĩa than cùng những đồ vật gắn liền thửơ bé như chiếc radio vỏ gỗ, chiếc máy đánh chữ Brother, chiếc điện thoại siemen quay số tay..vẫn nguyên vẹn.
Nhiều buổi chiều, bên khung cửa sổ cheo leo nơi căn hộ nhỏ. Tôi thấy buồn mang mác. Nỗi buồn như hoà quyện cùng với tiếng những hạt mưa nhỏ va vào ô cửa kính. Tôi cứ nhìn mãi những ô cửa đối diện nhoè nhoẹt đi sau lớp kính vì mưa mà lòng chực dấy lên nỗi thèm nghe những giai điệu xưa cũ đến da diết..
°
Bố tôi bảo tôi sẽ là kẻ phá gia chi tử. Mẹ quả quyết tôi là vĩ nhân, trong tử vi ghi rõ ràng thế, mẹ nói. Có khi nào một vĩ nhân cũng là kẻ phá gia chi tử đồng thời không nhỉ. Dù sao, với áp lực của cả hai định kiến trên từ lúc sinh ra tôi đã thấy mình đơn độc. Tôi đơn độc ngay cả trong giấc ngủ, từ thế ngủ nằm nghiêng và co quắp. Tôi muốn được mẹ ôm tôi mãi nhưng lên 6 tuổi thì điều đó mãi chỉ thành mong muốn của tôi. Vĩ nhân thì cần phải mạnh mẽ, mẹ bảo thế. Còn bố cũng bắt đầu xa cách tôi, đằng nào thì thày bói cũng đã cho rằng tôi là kẻ phá gia chi tử rồi. Tôi lại càng đơn độc, những buổi chiều xa xưa ấy tên phá gia chi tử mang lá số vĩ nhân ngồi bên ô cửa sổ nhìn những hạt mưa li ti rung rinh tụ lại trên những tán lá xanh mướt của khu vườn nhỏ trong hình hài ủ rũ của một đứa bé.
Căn nhà ấy vẫn còn, cho đến tận bây giờ. Dù từ 6 tuổi tôi đã không còn ở đó nữa. Năm tôi học lớp 10, tôi đem lòng mến một cô bạn cùng trường. Bố tôi phản đối kịch liệt vì ở tuổi đó theo ông chuyện luyến ái là quá sớm, nhất là với một đứa tiềm tàng trong mình dáng dấp của một kẻ phá gia. Mẹ tôi cũng gay gắt không kém, một lá số vĩ nhân cần dành nhiều thời gian cho việc học tập và rèn luyện hơn là ba cái trò yêu đương vô bổ. Tuổi ấy, tôi đã chẳng làm ai trong bố mẹ tôi lung lay những định kiến của mình. Tôi có vẻ như một học sinh ngỗ ngược, khi chẳng ngại ngần gì ba chuyện đấm đá. Không những thế, có vài lần còn cả gan rút trộm tiền trong túi quần bố để khao chúng bạn những bữa ra trò. Tất nhiên là bố biết, ông cũng biết con trai mình còn là một đứa mê mải chuyện yêu đương thế nào khi vài lần đọc được thư tình tôi bỏ sót trong cặp. Vậy là ông tin hơn, càng tin hơn, rõ là đứa phá gia, ông nói với mẹ tôi như vậy. Nhưng mẹ thì gạt phắt, mẹ đưa ra những lời khen của thầy cô giáo dành cho tôi, cùng những nhận xét của một số bạn bè bà về những năng khiếu sớm bộc lộ nơi tôi để khẳng định thêm niềm tin của mình. Nó sinh ra đã có ba vòng nhau quấn cổ, ông tin hay không thì tùy, bà nói. Và những tiếng thở dài.
- Cháu là con gái. Cháu không nên lên phòng riêng của bạn trai như thế. Mẹ tôi nói với âm lượng gần như quát lên khi đột ngột trở về nhà và bắt gặp tôi và cô ấy trên phòng đang vụng về vờ cầm lấy cuốn sách.
Cô ấy đã khóc nấc, và vội vã ra về. Tôi không là ai cả, tôi không là gì cả, và tôi yêu cầu mình được tôn trọng cũng như có quyền được yêu đương theo ý tôi muốn. Tôi đã quá lớn rồi, tôi hét lên. Và để chứng minh điều ấy, một ngày, tôi đã đưa cô ấy đến căn nhà cũ kia. Mọi thứ đã khác đi nhiều so với hồi còn bé tôi ở đó. Cái gì cũng như nhỏ hơn, chật hơn. Nhưng mọi thứ vẫn ở nguyên những vị trí ấy. Chiếc máy hát hiệu Telefunken cùng xấp đĩa than đã bị bụi phủ những lớp dày cộm, chiếc máy đánh chữ Brother màu đỏ đã bị tơ nhện phủ kín và chiếc điện thoại quay số tay đã không còn hoạt động nữa. Phía sau nhà, chiếc bàn gỗ nơi tôi thường ngồi tập viết vẫn còn nguyên vẹn. Khu vườn đã xác xơ đi nhiều, vài ba gốc cây vừa bị chặt trộm phủ lên là đám là vàng rụng kín. Tôi thoáng chạnh lòng khi gian bếp đã không còn mẹ tôi vui vẻ nấu ăn và thi thoảng đảo mắt về phía con mình mỉm cười trìu mến. Thay vào đó, chắc lúc ấy bà đang đau đớn lắm vì niềm hy vọng của đời bà vừa làm một việc tày trời là bỏ nhà ra đi. Tôi đã cố bật thử chiếc máy hát, mất một lúc khi tôi nghĩ nó đã không còn chạy nữa thì những âm thanh bắt đầu vang lên. Những âm điệu du dương ấy nhất thời khiến tôi ủ rũ lạ thường, chỉ chợt bừng tỉnh khi cô bạn gái đến gần và khẽ đặt môi cô lên vai tôi..
Trong căn phòng nhỏ có ô cửa sổ nhìn ra khuôn vườn nhỏ đã trở nên xơ xác, tôi bắt gặp lại những tấm phiếu bé ngoan dán chi chít trên cánh chiếc tủ gỗ nhỏ đặt nơi đầu giường mà trên chiếc giường đó tôi đã lần đầu tiên biết đến cơ thể phụ nữ. Tiếng nhạc phát ra từ chiếc máy hát vẫn du dương thế, và tôi nhớ, qua ô cửa sổ, cành cây khô khốc nơi khu vườn nhỏ như mang dáng dấp buồn bã của một kẻ cô độc. Trời bắt đầu mưa..
Cả bố lẫn mẹ sau cùng đều đồng ý với nhau một cách dè dặt rằng có thể cả thày bói lẫn tử vi đều không được chính xác lắm. Kể từ sau mối tình với cô bạn cùng trường ấy, tôi bắt đầu cuộc sống tự lập. Đã không còn có thể phá gia như nỗi ái ngại của bố cũng khó thành vĩ nhân như cách nghĩ của mẹ. Suốt hơn nửa thập kỷ, tôi đi nhiều nơi. Để học tập, học cách tồn tại, và tồn tại. Nếm đủ mọi cảm giác tất nhiên không du dương như âm thanh đĩa than ngày nào. Trải qua vài mối tình và không còn bỡ ngỡ với cơ thể phụ nữ như lần đầu tiên trong căn nhà cũ ấy nữa. Duy nỗi cô độc thì hồ như còn nguyên vẹn. Nỗi hoài cổ bám riết lấy tôi để trong mọi khoảnh khắc như là hạnh phúc nhất thì tôi lại nhớ về khoảnh vườn sau nhà, nơi có chiếc bàn gỗ và tôi đang ngồi tập viết trong ánh mắt trìu mến của mẹ và âm thanh ám ảnh của chiếc đĩa hát.
°
Em ngồi trước mặt tôi. Đưa tay khẽ nhón lấy điếu thuốc vừa đặt lên môi tôi, rồi thong thả đặt lên đôi môi mình, và châm lửa. Bằng một cử chỉ duyên dáng tiếp theo, em đặt nó trở lại môi tôi rồi khẽ nhoẻn cười. Tôi yêu em từ dạo ấy.
Tôi gặp em không nhiều. Và thường thì chúng tôi sẽ ngồi cách nhau một người nào đó. Một vật nào đó. Nhiều khi một cách ủ rũ tôi cho đó là số phận. Như bây giờ thì chúng tôi ngồi bên một chiếc bàn gỗ nhỏ, trong một quán nước nhỏ, em thì bên này, còn tôi thì bên kia. Em nhìn tôi hút thuốc, còn tôi cũng nhìn em say sưa như lúc bé vẫn ngồi ngắm mưa ngoài hiên trong tiếng nhạc máy hát. Trông ánh nhìn chúng tôi dành cho nhau có cái vẻ u sầu chẳng lí giải được. Tôi vẫn gộp chung những điều không lí giải được rằng là số phận. Điều đó cũng khó hiểu như việc tại sao bỗng dưng chúng tôi lại trìu mến nhau lúc nào không hay..
Trong những câu chuyện em kể tôi nghe đọng lại nhiều những hoài niệm mà đâu đó, trong mớ ký ức cũ kỹ ấy tôi bắt gặp chính mình, thậm chí nghe được cả những âm thanh ngày xưa nữa. Chúng tôi như hai kẻ đi lạc trong một khoảnh vườn riêng, trong đó là những gốc cây là nỗi cô độc, những hạt mưa là sự u sầu và các giọng nói rải đều như là âm thanh ám ảnh. Ở đó, trong ánh mắt buồn bã của mình, tôi nhìn thấy em, hồn nhiên và lẻ loi trong khuôn vườn riêng ấy. Tôi sẽ hôn lên mắt em, nắm chặt tay em và mưa sẽ như làm mát, còn những nhánh cây bỗng dưng lại như khoác lên mình cái dáng vẻ kiêu hãnh, có lẽ. Trong mơ màng, tôi ao ước được đưa em đến về lại ngôi nhà cũ ấy, chỉ để bật cho em nghe giai điệu đã ám ảnh tôi từ chiếc máy hát. Ảo tưởng. Loang dần ra rồi khẽ khàng tan biến..
Bên chiếc bàn ấy, em không nói gì. Mà chỉ khóc. Rồi khóc. Và khóc. Tôi muốn quăng chiếc bàn ra khỏi cửa sổ nhưng ngoài kia không là khu vườn ấy. Những dòng người và xe đang đi lại như mắc cửi. Cũng không phải là âm thanh du dương ấy, chỉ là là hỗn độn, còi xe, cười nói. Nơi này, chúng tôi không được phép đi lạc. Cũng không phải nơi muốn lạc đến. Chỉ tình cờ gặp nhau. Trong đầu phỉnh mị rằng, chỉ cần bước chân đi, và rồi tất cả sẽ lại là hoài niệm.
Tôi đoan chắc là mình sinh nhầm thời. Tôi hoàn toàn hời hợt với những bước tiến của nhân loại, nhưng không vì thế mà không vui sướng với những thành tựu mới. Chỉ là tôi cứ ước được như lúc bé, mỗi buổi chiều ngồi tập viết bên chiếc bàn gỗ sau nhà, nghe những âm thanh du dương phát ra từ chiếc đĩa hát trong ánh nhìn trìu mến của mẹ..
Năm nay tôi 26 tuổi, không quá già nhưng cũng không còn trẻ nữa. Năm năm sau, mười năm nữa. Tôi vẫn đoan chắc mình là kẻ sinh nhầm thời. Chỉ vì tôi cứ ước được như lúc ấy, em ngồi đối diện tôi, khẽ nhón lấy điếu thuốc chưa kịp châm lửa vừa đặt lên môi tôi, rồi thong thả đặt lên môi mình, và châm lửa. Bằng một cử chỉ duyên dáng tiếp theo, em đặt nó trở lại môi tôi. Rồi khẽ mỉm cười...
"Hai anh em cứ thế đứng lặng lẽ nhìn ra trời đêm mùa đông. Những ngôi sao lấp lánh phía trên mái Biệt thự Bát nháo. Pippi đang ở bên đó. Cậu ấy sẽ luôn luôn ở đó. Thật tuyệt vời khi nghĩ đến điều ấy. Năm tháng cứ việc trôi qua, còn Pippi, Thomas và Annika vẫn cứ mãi là trẻ con, không bao giờ lớn lên. Tất nhiên với điều kiện thuốc Krummelus chưa hết hiệu nghiệm! Xuân sẽ sang, rồi hè đến, thu qua, đông tới, nhưng chúng sẽ chẳng bao giờ ngưng vui chơi cả. Ngày mai chúng sẽ đắp một ngôi nhà tuyết, rồi một gò trượt từ mái Biệt thự Bát nháo xuống đất. Sang xuân, chúng lại leo vào thân cây sồi rỗng, nơi mọc ra những chai nước chanh, chúng sẽ chơi trò tìm báu vật, sẽ cưỡi con ngựa của Pippi, sẽ chui vào thùng gỗ ngồi kể chuyện, có lẽ thỉnh thoảng còn đi tới đảo Taka -Tuka tìm Momo, Moana và những đứa bạn thổ dân khác, nhưng bao giờ chúng cũng vẫn sẽ trở lại Biệt thự Bát nháo.
Phải, ý nghĩ Pippi sẽ mãi mãi ở lại Biệt thự Bát nháo là một niềm an ủi tuyệt vời "
04:23 09/02/10

Xem Tiếp: ----