Chương Một

- Anh Ngọc
Liên kêu lên đau đớn, tắc nghẹn. Miếng tấm đắp tụt khỏi tay cô rơi xuống đất. Liên sụp xuống bên chiếc cáng thương binh vừa chuyển đến. Trên võng, một người to lớn, khuôn mặt dài cương nghị, mặt nhắm nghiền, da trắng bệch như da người đã chết. Hầu như không còn một chút dấu hiệu gì chứng tỏ sự sống còn ẩn náu trong con người đó.
Thành giơ tay nhận tờ phiếu thương binh từ tay người y tá đi hộ tống. Mắt anh lướt nhanh những dòng chữ viết rất ngoáy “Vết thương ngực bụng + sọ não”. Loáng thoáng tiếng một ai đó nói nhỏ:
-Chồng Liên.
Một không khí lặng im trùm lên khối người đang đứng  xung quanh võng. Bằng một giọng bình thản, cái bình thản gần như lạnh lùng thường thấy của những người bác sĩ đã quá quen với cái chết, Thành bảo với những người đứng xung quanh
-Đưa lên bàn mổ
Mọi người tản ra rất nhanh. Thương binh được đưa vào hầm mổ. Liên đứng lặng im, cô không rõ những gì đang xảy ra xung quanh mình. Thành tiến lại gần, đặt tay lên vai cô gái định nói với cô một câu an ủi “Đừng lo,anh ấy không làm sao đâu” nhưng cổ họng Thành nghẹn lại. Anh nuốt khan một cái, rồi không hiểu tại sao lại bật ra một câu nói ngoài ý định của mình
-Về nghỉ đi Liên.
Liên ngước lên nhìn Thành, đôi mắt mở to, hoang mang, ngơ ngẩn. Cô nhìn Thành mà không hiểu anh vừa nói gì với mình:
-Về nghỉ đi Liên
Thành nói khẽ, dịu dàng như nói với người em gái. Liên đã hiểu ra. Cô lặng lẽ trở về nhà của mình. Trông cô ngơ ngẩn như người mất hồn. Thành nhìn theo, khẽ lắc đầu cố gắng xua đuổi hình ảnh cô gái ra khỏi đầu óc mình. Đừng để hình ảnh ấy ám ảnh khi mình cầm dao mổ. Anh thầm nghĩ. Bước nhanh về hầm mổ, các công việc đang đợi anh ở đấy.
Cuộc hội chuẩn diễn ra rất nhanh. Trong lúc công việc chuẩn bị đang được tiến hành, Thành bước ra ngoài. Anh muốn đầu óc mình được thanh thản trước khi tiến hành công việc.
Những tia nắng cuối cùng của mặt trời đã tắt. Ở đây, màn chiều đã buông xuống một mầu tím thanh bình nhưng ở các đỉnh núi phía tây, mặt trời vẫn còn sơn lên đó một mầu vàng rực rỡ. Trên những dãy núi đá, đàn vượn nào đang hú. Tiếng hú ảm đạm, kéo dài. Trên đỉnh núi là một vầng sáng chói ngời, dưới chân núi là một mầu đen nhạt. Giữa hai khoảng sáng và tối, không có một ranh giới nào rõ rệt. Vùng tối cứ loang dần ra, vùng sáng cứ mờ dần đi và cuối cùng mất hẳn. Dãy núi đá trở thành một hình phẳng xám sịt. Trong cái nền xám sịt đó, một cái cây mọc vút lên như một mũi tên nhọn hoắt. Trên đỉnh mũi tên đó còn một khoảng sáng nhỏ như sự sống còn sót lại trên một cơ thể sắp chết. Ý nghĩ đó thoảng đến khiến cho anh rùng mình. Phải tin! Thành tự bảo mình. Trong những phút hiếm hoi, ngắn ngủi trước ca mổ này, anh không muốn để cho những lo lắng xâm chiếm. Lúc này, những lo lắng chỉ làm cho đường dao không chính xác
-Anh Thành, Chuẩn bị xong rồi.
Tiếng Sơn nói nhẹ đằng sau. Thành theo Sơn đi vào hầm mổ. Hơi ngạc nhiên khi thấy Liên đứng đó như có ý chờ đợi hai người. Thành nói với cô:
-Cô Liên về nghỉ đi. Đủ người rồi.
Liên bỗng ôm choàng lấy Thành. Người cô run bắn lên. Giọng cô thì thào, đứt quãng
-Hãy cứu anh ấy cho em! Anh Thành.
Thành gỡ bàn tay run rẩy của Liên ra. Lặng đi một thoáng nhìn cô gái rồi bước vào hầm mổ.
Hầm mổ yên lặng, chỉ có tiếng dụng cụ lách cách va vào nhau. Những tiếng ấy dội đến chỗ Liên nghe mơ hồ như từ một nơi rất xa nào vọng đến. Cô đứng nép hẳn vào một góc hầm. Âm thầm như một cái bóng. Không một ai chú ý đến cô. Công việc khẩn trương đang cuốn hút họ.Cô không phân biệt được họ đang làm những việc gì, trước mắt Liên chỉ là những bóng đen đang động đậy. Thời gian rỏ từng giọt lặng lẽ, nặng nề như  huyết thanh đang nhỏ từng giọt trong bộ truyền đang treo lủng lẳng trong hầm. Liên đăm đăm nhìn Thành. Tay nắm chặt lấy thanh gỗ, năm đầu ngón tay bấu vào đấy đến tê dại
Anh ấy không việc gì đâu! Anh ấy không việc gì đâu”.Tiếng nói ấy cứ lặp đi lặp lại trong đầu như một quả lắc đồng hồ không dứt.
-Anh Thành! Huyết áp tụt
Câu nói vang lên như một mũi dùi nóng bỏng xuyên suốt tim cô gái. Trái tim thắt lại.Mắt cô dừng lại trong mắt Thành. Một thoáng thôi, mắt Thành cụp xuống. Tiếng một ai đó vang lên
-Thêm một đường truyền nữa
Lặng đi một lúc rất lâu và lần này thì Liên phân biệt được rõ đấy là tiếng của Thành:
-Muộn rồi!
Choang! Lưỡi dao mổ rời khỏi tay Thành rơi xuống khay dụng cụ vang lên cụt lủn như một tiếng đổ vỡ. Tiếng động đó tắt đi rất nhanh, tan biến vào trong Liên. Cảnh vật nhòa đi, đảo lộn, mung lung. Liên ngước nhìn lên. Đôi mắt!
°
°
Một giờ sáng, Thành lảo đảo rời khỏi hầm mổ. Đêm rất sâu và rất lặng. Trăng thượng huyền nhợt nhạt như những tia sáng cuối cùng trong một con mắt đã sắp hết sinh khí. Những cành cây gẫy nát, trơ trụi sau những lần pháo dập dưới ánh trăng mờ đột nhiên nhô ra tạo thành những vạch đen thẫm, khẳng khiu như những cánh tay cứng đờ không còn sự sống. Thành đi, đi một cách bất định. Hình như mọi cảnh vật, mọi tiếng động không còn đủ sức tác động đến các giác quan của anh. Anh cứ đi. Nếu dòng suối không giữ chân anh lại thì không biết đêm nay Thành sẽ đi đến đâu. Anh lần đến một tảng đá bên bờ suối ngồi xuống. Tiếng suối chảy đều đều, triền miên. Tiếng suối đập vào vách đá, dội ngược trở lại tâm hồn Thành rồi lặng đi ở đấy. Tiếng suối rất gần, gần lắm rồi nhỏ dần đi. Một lúc sau, tiếng suối trở nên xa xôi, mơ hồ. Tiếng suối chảy? Không phải. Tiếng nói? Cũng không phải. Đấy chỉ là một cái gì đó âm thầm làm nền cho một tiếng nói rất quen thuộc mặc dù Thành chưa nghe thấy tiếng nói ấy lần nào vang lên. Tiếng nói đầy bình thản, trách móc
-Lẽ ra tôi không chết
Thành úp mặt vào lòng bàn tay, lặng đi, tê tái. Tại mình! Tại mình! Không! Không phải. Không phải tại tôi đồng chí ơi. Đồng chí bị nặng quá. Tôi đã cố gắng hết khả năng của mình. Nếu tôi có thể lấy nửa sự sống, không, lấy cả sự sống của mình để đổi lấy sự sống của đồng chí thì tôi cũng sẵn sàng đổi không một chút chần chừ. Không phải tại tôi. Đồng chí có hiểu không?
- “Những người dũng cảm không bao giờ chết”. Anh có biết câu ấy không? Có lẽ nào…
Tiếng nói ấy vẫn vang lên, bình thản, âm thầm.
Màn đêm bỗng mờ đi rồi đột nhiên bừng sáng. Những tiếng nổ và những ánh chớp sáng lòa phá tan đi sự im lặng của màn đêm. Nhữn đám cháy rừng rực bốc lên. Trong tiếng rền của chớp bộc phá và những đám cháy bập bùng xen vào một giọng nói đầy nước mắt “Chúng tôi đã bị thương và hi sinh gần hết trước cửa mở. Bản thân anh ấy cũng đã bị thương đến lần thứ hai. Cửa mở bị lộ. Địch tập trung mọi hỏa lực vào đấy trong lúc hàng rào cuối cùng chưa bị phá. Đồng chí bộc phá viên cuối cùng vừa gục xuống. Anh ấy lao lên, theo sau là cả một C (đại đội) thọc sâu của tiểu đoàn. Chúng tôi nhìn theo lo đến thắt ruột. Chúng tôi chờ đợi tiếng nổ cuối cùng nhưng không thấy. Tôi ôm lấy một ống bộc phá lết lên. Mới đến hàng rào thứ sáu, tôi thấy hai phát pháo hiệu đỏ uốn cong giữa nền trời đen kịt báo hiệu sở chỉ huy của địch đã bị đánh chiếm. Tôi không bò nữa mà vác ống bộc phá lao lên. Vừa lao lên, tôi vừa tự hỏi “Hàng rào cuối cùng chưa bị phá, làm sao bộ binh vào được?” Lên đến nơi, tôi thấy anh ấy nằm vắt người trên hàng rào. Bộc phá không nổ. Anh ấy đã lấy thân mình làm cầu cho bộ đội vượt qua”
Tiếng nói dừng lại một chút rồi vang lên tha thiết. “Các đồng chí hãy cố gắng cứu lấy anh ấy”
Ánh lửa mờ dần đi. Đêm tối trở lại mung lung. Hai cánh tay run rẩy ôm choàng lấy Thành và một tiếng nói thầm thì vang lên. Tiếng nói được nén chặt trong một trái tim thương yêu tha thiết và hi vọng vô bờ “Hãy cứu lấy anh ấy cho em! Anh Thành” 
“Cả đời em, em không bao giờ dám nghĩ mình sẽ lấy được một người như thế. Mỗi lần đơn vị anh ấy xuất kích em lại rất lo. Những lúc ấy, em lại rất sợ những phút nhàn rỗi của mình. Em mong được theo anh ấy vào trận. Có em bên cạnh, những nguy hiểm đến với anh ấy chắc sẽ bớt đi.”
Bây giờ không phải là màn đêm nữa mà là đôi mắt. Đôi mắt mở to, bàng hoàng, nhìn Thành như chưa tin được cái điều khắc nghiệt nhất ấy đã đến. Đôi mắt như đang hỏi “ Anh ấy chết thật rồi ư?”
Tại tôi! Thành bật lên một tiếng kêu đau đớn. Lả đi trong cơn xúc động tột độ, anh ôm choàng lấy một gốc cây. Sương đêm nhỏ xuống mặt anh những giọt nước lạnh giá
-Anh Thành.
Một tiếng gọi khe khẽ ở phía đằng sau.. Thành từ từ ngẩng mặt lên và bắt gặp một đôi mắt đang nhìn mình. Trời! Đôi mắt. Vẫn đôi mắt ấy nhưng bây giờ là đôi mắt đã đủ thời gian để hiểu được tất cả những cái gì đã đến. Đôi mắt sâu thẳm, âm u như có một làn sương mù giăng bên trong. Anh không dám nhìn vào đôi mắt ấy.
-Anh về nghỉ đi để mai còn làm việc
-Liên về trước đi. Tôi muốn được yên tĩnh một lát.
Thế rồi họ im lặng không biết nói gì với nhau. Anh muốn nói một câu dù rất ngắn để an ủi cô nhưng không sao nói được. Một cái gì ứ nghẹn dâng lên chẹn lấy cổ Thành
- Liên! –Thành gọi một tiếng khe khẽ. Mặt cúi xuống không dám nhìn cô gái- Có lẽ anh ấy chết là tại….
-Đừng nói nữa anh Thành- Giọng Liên thoảng thốt-Trong chúng ta không ai có lỗi với anh ấy cả.
“Trong chúng ta không ai có lỗi với anh ấy cả” Thành nhắc lại.Có đúng như thế không? Hay đấy chỉ là một câu nói an ủi? Nếu đấy chỉ là một câu nói để an ủi mình thì thật là đáng sợ. Một sức mạnh nào đang ẩn náu trong con người nhỏ bé kia để cô ta có thể nói được câu ấy? Một trái tim đau đớn, một tâm hồn trĩu nặng vẫn đủ sức mạnh và lí trí để cất tiếng an ủi một con người đau khổ không bằng mình. Nếu đó đúng là một lời an ủi thì cô ta có biết đâu rằng: Chính những lời an ủi đó chỉ làm tăng thêm những gì nhức buốt trong anh. Thà cô ta cứ nói thẳng vào mặt anh “ Chính anh đã giết chết chồng tôi.  Đã làm chết một người không thể chết” còn đỡ sợ hơn câu nói đầy thoảng thốt mà không thật lòng kia. Sáu tiếng Thành đứng mổ là sáu tiếng cô gái đứng im theo dõi từng động tác rất nhỏ của anh. Cô im lặng chịu đựng. Còn Thành, đến lúc anh không thể chịu đựng nổi nỗi đau đang dày vò cô gái. Anh yêu cầu cô ra khỏi hầm. Lúc ấy Liên mới nói, một câu duy nhất suốt sáu tiếng đồng hồ
-Anh cứ để em ở đây. Em chịu đựng được.
Rồi cô gái lại đứng như thế đến khi lưỡi dao mổ rời khỏi tay Thành. Cô gái ngước nhìn anh, mặt nhợt nhạt, ngơ ngác, hoang mang. Cô gái chưa thể tin,cái điều ghê gớm ấy đã đến.
Mãi về sau, có lẽ không bao giờ Thành có thể quên được nét mặt của cô gái lúc ấy. Trên nét mặt, không biểu lộ một chút  gì của sự đau buồn. Nỗi đau ập đến nhanh quá khiến cô gái không kịp tiếp nhận nó hay vì nỗi đau lớn quá nên tâm hồn cô gái không chứa được nó?
 
Sáng hôm sau tang lễ được cử hành. Tất cả mọi người bỏ mũ, cúi đầu tưởng nhớ người anh hùng. Liên đứng ở hàng đầu, cô không nghe thấy chính trị viên Sơn nói gì. Nhìn chằm chằm vào những dòng chữ trên mộ chí, lòng cô tê tái. Liên không  khóc thành tiếng. Nước mắt cô nối theo nhau lăn dài trên khuôn mặt tái xanh vì sốt rét. Nhìn Liên,ai cũng cảm thấy bùi ngùi. Nỗi đau của cô đè xuống, trĩu nặng trong lòng tất cả mọi người. Ai cũng phải nhìn lại một quãng đời đã sống của mình và cảm thấy ân hận vì quãng đời ấy mình đã sống không trọn vẹn. Nhìn Liên đứng lặng, Thành cảm thấy thương Liên vô hạn. Làm gì đây để chia sẻ với Liên lúc này? Cô ta không khóc. Giá như cô ta gào lên, lăn lộn bên mộ được thì tốt biết bao nhiêu. Thành nhìn lên mộ chí, những dòng chữ đỏ tươi như máu. “Đồng chí Đào công Ngọc đã anh dũng hi sinh vì tổ quốc”. Đối với người đã nằm xuống, dòng chữ không nói hết được lòng dũng cảm vô song của anh. Không nói được những hi sinh vô giá của anh đã hiến dâng cho tổ quốc. Anh hi sinh cao cả quá, dũng cảm quá khiến ngôn ngữ nghèo đi trước con người anh. Người nằm xuống không phải suy nghĩ gì về những dòng chữ mà những người đang sống dành cho mình. Còn mình? Thành tự hỏi. Nếu anh ấy biết rằng : Lúc hi sinh, anh ấy đang nằm trên bàn mổ, dưới lưỡi dao mổ của mình chứ không phải trên hàng rào cuối cùng dưới những bàn chân đang chạy trên thân thể anh để giành lấy chiến thắng thì anh sẽ nói gì? Chắc anh ấy sẽ nói “ Những người bộc phá viên chúng tôi đã thề, Nếu có chết, chúng tôi sẽ chết trong hàng rào. Hãy để tôi lại đây để tôi được chết trên hàng rào này”. Thành cúi xuống, không dám nhìn vào những dòng chữ đỏ như lửa.
Tang lễ xong, mọi người lần lượt ra về. Liên vẫn đứng nguyên không nhúc nhích. Thành định đi đến bên cô thì Sơn cản lại. Hai người nặng nề rời khỏi nghĩa trang về nhà. Đang đi, đột nhiên Thành dừng lại, quay về phía Sơn:
-Anh Sơn! Anh có nghĩ rằng tôi  là người phải chịu trách nhiệm về cái chết của anh ấy và nỗi đau của Liên không?
Sơn nhìn Thành thông cảm. Anh hiểu được tâm trạng của người bác sĩ trẻ tuổi này. Anh nói chậm rãi.
-Không, mình không nghĩ như thế
-Anh không nghĩ thế, còn tôi, tôi buộc phải nghĩ như thế. Có lẽ là tại tôi. Nếu như anh ấy được một người giầu kinh nghiệm hơn tôi mổ. Hay đây không phải là ca mổ đầu tiên mà là ca mổ thứ hai, thứ ba nào đó thì có lẽ anh ấy sẽ sống. Anh biết không, ý nghĩ ấy cứ lởn vởn trong tôi suốt từ hôm qua đến giờ. Mỗi khi nhìn thấy cô Liên, ý nghĩ ấy lại hiện lên. Tôi đâm sợ. Sợ cái thầm lặng đến kinh khủng của cô ấy.
-Tôi không nghĩ như anh –Sơn nói vẻ mặt trầm ngâm- Có thể tôi không phải là người trực tiếp cầm dao mổ nên tôi không có ý nghĩ ấy. Nhưng dù là người trực tiếp cầm dao mổ hay là người phục vụ ca mổ thì tất cả chúng ta đều cùng chung một mục đích đó là phải giành lấy những chiến sĩ ưu tú của chúng ta ra khỏi cái chết. Vì vậy tôi cho rằng : Tất cả chúng ta, ai cũng có trách nhiệm trước cái chết của anh ấy. Không phải hôm nay, cái chết có liên quan mật thiết với một người trong ban ta nên chúng ta mới suy nghĩ, mà tất cả những cái chết của đồng đội chúng ta, chúng ta đều phải suy nghĩ. Chúng ta đã làm gì trước và sau cái chết của đồng đội mình? Anh nói sao? Anh bảo nếu đây không phải là ca mổ đầu tiên mà là ca mổ thứ hai hoặc thứ ba của anh thì anh ấy sẽ sống ư? Nhưng thân thể và tính mạng của đồng đội ta đâu có phải là vật thí nghiệm để chúng ta nâng cao tay nghề. Nếu anh ấy không phải là ca mổ đầu tiên của anh thì ai? Ai là người đầu tiên đây? Lại vẫn là đồng đội của chúng ta. Và anh sẽ mổ cho người ấy thế nào? Phải chăng anh sẽ mổ một cách tùy tiện, không tính toán về mỗi một động tác của mình? Phải chăng anh sẽ coi ca mổ ấy như một ca mổ thí nghiệm trên một cơ thể đã chết hay trên một con vật thí nghiệm để nâng cao tay nghề? Chắc rằng không bao giờ anh hành động như vậy. Thế đấy, vấn đề không phải là  “Nếu” mà vấn đề là ở chỗ anh đã làm gì, nghĩ gì trước khi cầm dao bước vào phòng mổ. Người thầy thuốc không được phép sai lầm dù là một sai lầm rất nhỏ.Còn những suy nghĩ của anh về cô Liên. –Nói đến đâu Sơn hơi dừng lại một tý-Nói anh đừng giận. Ý nghĩ ấy hơi tiểu tư sản. Trong chúng ta không ai có lỗi với người đã mất nhưng tất cả chúng ta ai cũng có trách nhiệm với cô ấy
Thành im lặng nghe Sơn nói. Mỗi lời nói của người đồng chí lớn tuổi và từng trải này làm vợi bớt đi những  ý nghĩ đang giày vò anh. “Trong chúng ta, không ai có lỗi với anh ấy cả”. Liên đã nói như thế  và bây giờ Sơn cũng nói như thế
Đi ngang qua phòng Liên, thấy bé Hải đang khóc bên trong, Thành đẩy cửa bước vào. Thấy  Thành,bé Hải sà vào lòng anh. Thành ôm chặt lấy nó, hôn lên má nó. Bé Hải cười, nước mắt còn đọng trên gò má bụ sữa. Bây giờ cười được chỉ còn có nó. Nó đâu biết đến nỗi đau của cuộc đời. Nó chỉ bết cười thôi.. Ôi! Nụ cười con trẻ. Nó khóc đấy nhưng những giọt nước mắt của nó chỉ là những giọt sương đọng trên một bông hoa mới nở. Bồi hồi, Thành ôm chặt bé Hải vào lòng
Con! Thành bỗng thốt lên một tiếng khe khẽ. Tiếng  “Con” âm vang trong hồn Thành như âm vang trong lòng một người bố. Con đã mất đi tình cảm của mọt người ba nhưng con sẽ được đền bù bằng tình cảm của một người bố. Ý nghĩ ấy trào lên trong anh một cách mạnh mẽ. “Con” Thành nhắc lại một lần nữa rồi lặng im để âm hưởng ấy vang mãi trong lòng
°
°
-Báo cáo anh,mai anh cho năm người đi lấy gạo về cho thương binh
Thành ngẩng lên, tay vẫn đặt trên cuốn sách đang đọc dở. Ánh sáng đỏ quạch của ngọn đèn dầu hắt lên mặt anh để lại hai vùng tối ở hốc mắt..Mới có mấy tháng mà anh đã gày sọm hẳn đi. Anh nhìn người quản lý hỏi lại
-Năm người à?
-Vâng
Theo thói quen, Thành gõ gõ ngón tay trỏ lên cuốn sách. Anh nhẩm nhanh số người có thể đi được trong ngày mai. Đôi lông mày anh nhíu lại.
-Không đủ người đâu. Anh lấy hai người của tổ dược và hai người của tổ anh nuôi là bốn.Thế có được không?
-Nặng lắm anh ạ. Nếu đủ năm người thì mỗi người đã phải gùi ba mươi lăm cân rồi
-Đành vậy chứ biết làm thế nào – Thành thở dài-Nếu lấy không hết thì cứ gửi lại ở kho hôm sau cho người ra lấy nốt vậy
Ngần ngừ một lúc, người quản lí hỏi
-Có thể lấy cô Liên đi lấy gạo ngày mai được không?
-Không được. –Thành hấp tấp xua tay-Để cô ấy nghỉ trong những ngày này
Người quản lý đi rồi, Thành ngồi bần thần trước bàn mân mê cái bút cầm trong tay. Mấy ngày hôm nay, lúc nào làm việc thì thôi, còn lúc nào rỗi rãi, anh lại nghĩ đến Liên. Cứ nhìn cô gái âm thầm làm việc, anh lại thấy tồi tội thế nào ấy. Những nét tươi trẻ, tinh nghịch trong cô gái vụt biến mất. Cô không nói, không cười, âm thầm làm mọi công việc. Cô làm việc không ngơi tay. Cô muốn lấy sự bề bộn của công việc để quên đi nỗi đau đang hành hạ mình. Chỉ mới mấy hôm trước, Liên còn là một cô gái đầy ắp tiếng cười thế mà hôm nay, cô đã trở thành một con người khắc khổ và thầm lặng.Cái gì đang cuộn xoáy trong cô? Đau thương, Căm thù, những kỉ niệm và còn gì nữa? Cái gì giúp cô ta đứng vững trong những ngày này? Một cô gái từ lúc sinh ra và lớn lên chỉ biết có tiếng cười. Đùng một cái, cô ta biết khóc. Lúc cô ta biết khóc  là lúc người ta tưởng cô ta sẽ ngã gục. Tưởng rằng cuộc đời cô ta sẽ tan ra trong nước mắt triền miên. Nhưng không! Lúc biết khóc là lúc cô ta sống vững vàng nhất. Những giọt nước mắt không chảy ra ngoài mà chảy ngược vào trong lòng cô. Ở đấy, nó chói lên như những viên ngọc.
Mấy hôm nay, Anh muốn nói chuyện với Liên nhưng lại sợ không dám gặp. Anh sợ mình làm ngọn lửa đau thương lại bùng lên trong cô. Đừng để ngọn lửa ấy bốc cao. Hãy để thời gian dập tắt dần đi ngọn lửa ấy. Anh nghĩ vậy. Nhìn Liên, Thành thấy day dứt, ân hận. Rất muốn gần nhưng lại tránh gặp nhau. Hai nỗi đau cùng một nguyên nhân khiến cho hai người rất xa nhau nhưng lại rất gần nhau
-Nghĩ gì mà thần người ra thế?
Tiếp theo câu hỏi là một bàn tay vỗ vào vai Thành. Anh giật mình quay lại.
-Họp về rồi đấy à?
-Ừ, Ngủ thôi muộn rồi
-Anh ngủ trước đi, tôi đi kiểm tra các lán cái đã.
-Mình vừa đi kiểm tra rồi, không có vấn đề gì cả
-Thế tôi đọc nốt cái này một tý vậy.
-Không đọc gì cả -Sơn gắt lên.- Đi ngủ ngay. Đêm nào cũng thức đến một hai giờ sáng thì lấy sức đâu mà làm việc.
Sơn gấp quyển sách lại, thổi tắt đèn. Thành miễn cưỡng chui vào màn. Một lúc sau, anh đã nghe thấy tiếng Sơn ngáy đều đều. Thật là một con người kì lạ. Thành thầm nghĩ. Hàng núi công việc dồn lên đầu anh ta mà anh ta giải quyết đâu ra đấy. Lo đến rối ruột mà bề ngoài vẫn tỉnh như không. Làm việc thật là điều độ, khoa học.  Có lẽ mình phải học cách làm việc như thế mới bám trụ được ở chiến trường này. Thắt động mạch chi dưới thì dễ bị hoại tử à? Thế trong điều kiện không có khả năng nối động mạch như ở đây thì làm thế nào? Thành thiếp đi cùng với những câu hỏi sáo trộn trong đầu.
 
Không hiểu số phận run rủi thế nào mà lại đặt đúng Thành vào cái nghề mà anh gét nhất. Ngành y.  Chàng thanh niên hai mươi bốn tuổi thích mơ mộng ấy đã dựng lên cho mình bao nhiêu viễn tưởng trước khi tốt nghiệp phổ thông. Qua trang sách mở rộng trong bốn bức tường yên tĩnh,anh hiểu cuộc đời qua những tác phẩm văn học nổi tiếng mà không hiểu rằng người viết ra nó đã phải chịu đựng những gì để cho tác phẩm ấy ra đời. Sôi nổi, yêu đời. Đấy là tất cả những gì có thể nói được về Thành. Cuộc sống bình lặng, mái trường tươi vui và những cuốn tiểu thuyết về cuộc đời giông bão mà thơ mộng đã đưa anh vào một cuộc chiến tranh với một cặp mắt trong veo và những ước mơ cháy bỏng. Hiếm có một người nào lại tin tưởng một cách vững chắc vào khả năng của mình như Thành. Có bao nhiêu mảnh đất đang chờ một hạt giống tốt gieo vào và Thành đã choáng ngợp trước vô vàn những ước mơ ấy.. Làm một nhà thơ chăng? Được lắm chứ. Anh đã từng làm thơ và còn làm thơ hay là khác. Làm nhà toán học chăng? Sao lại không. Biết đâu ngày mai trong giáo trình toán cao cấp sẽ có một định lý mang tên ta. Làm nhà thiên văn học chăng? Thật tuyệt vời. Một ngành duy nhất có thể quy đổi không gian ra thời gian. Một triệu cây số chẳng là gì so với một năm ánh sáng. Cái gì cũng muốn, cũng mơ nhưng chưa bao giờ anh lại nghĩ mình trở thành bác sĩ. Một ngành theo Thành luôn nhìn cuộc đời với con mắt bệnh hoạn
Thế rồi đang học bách khoa, anh được gọi nhập ngũ. Khoác ba lô lên vai, anh hăm hở bước vào đời lính với những trang “ Thép đã tôi thế đấy” rực lửa trong lòng. Ta sẽ là một lưỡi gươm được tôi trong lửa đỏ, sẽ là một cánh buồm đạp muôn sóng biển khơi. Anh nhanh chóng quên đi những mơ ước cũ, dựng lên cho mình một mơ ước mới trong cuộc sống đầy khó khăn gian khổ của người lính. Học hết khóa huấn luyện tân binh, Thành được điều đi nhận nhiệm vụ mới.. Cũng chẳng có gì cần phải dò hỏi. Cứ đi. Chuyện đi và ở trong quân đội cũng là việc bình thường. Anh nghĩ vậy. Cho đến khi đứng sững người trước cổng trường đại học quân y, anh mới biết là mình lại quay lại với sách vở. Thật đúng là gét của nào trời trao của ấy.
Vốn là người hiếu học, ham hiểu biết, chẳng mấy chốc anh bị những bí mật của cơ thể con người cuốn hút. Thành lao vào học một cách say sưa. Đến bây giờ, mỗi khi nói về nghề của mình,anh thường nói: Đấy là một nghề chân chính nhất trong những nghề chân chính.
Hôm lên đón Thành ở sư đoàn, Sơn đã hoàn toàn thất vọng khi người ta giới thiệu với anh một anh chàng trẻ măng, má như còn bụ sữa. Một mái tóc mềm mại,đen nhánh xòa xuống che nửa vầng trán cao,thanh tú, kèm theo một chiếc kính cận trắng khiến anh ta càng thêm xa lạ với những người đã từng lăn lộn trong chiến trường. Đẹp trai, lịch sự và sặc mùi băng phiến. Đấy là ý nghĩ đầu tiên của Sơn khi nắm lấy bàn tay nhỏ nhắn và mềm mại như tay con gái của Thành. Không biết mình sẽ làm ăn trong chiến dịch tới thế nào đây với một ông phó ban phụ trách chuyên môn như thế này? Sơn ngán ngẩm tự hỏi. Anh em trong ban cũng vậy, họ đón Thành bằng con mắt e ngại, thăm dò. Lịch sự lắm và còn khiêm nhường nữa. Nhưng hãy khoan, đừng nên kết luận vội vàng. Hãy để cho con dao phát nương và những dụng cụ phẫu thuật trong những ngày tới kết luận về hắn. Thành cũng hiểu được điều đó. Trong chiến trường, bản chất con người hiện ra rất nhanh, rất rõ nét. Cuộc sống đầy khó khăn, gian khổ, đầy thiếu thốn và ác liệt sẽ bóc đi ngay lớp mạ hào nhoáng bên ngoài để lộ ra tất cả những gì sù sì, góc cạnh nhất của con người. Thành càng ít nói hơn. Hãy để cho bàn tay và khối óc lên tiếng nói trước. Tiếng nói của thanh quản chỉ có sức thuyết phục mọi người khi họ đã tin vào tiếng nói của đôi bàn tay. Thành lao vào công việc không một chút ngần ngại. Thành còn nhớ mãi buổi phát nương đầu tiên. Hôm ấy, bầu trời xanh thẳm không một gợn mây. Mặt trời hung hãn đổ lửa như muốn thiêu trụi đi mầu xanh của lá. Ngước mắt lên nhìn trời, Nga, cô dược tá cười  bảo Thành
-Hôm nay anh Thành sẽ như một cái bánh mì quá lửa
Thành vừa đưa tay quệt  những giọt mồ hôi chảy ròng ròng trên mặt vừa trả lời
-Da tôi được cái hợp với nắng, càng ra nắng nó lại càng trắng ra
-Và càng đẹp trai nữa chứ
Cô gái chêm vào rồi phá lên cười, Một chuỗi cười giòn tan, trong trẻo.
-Cả cô nữa, càng ra nắng cô cũng càng xinh ra
Sơn hóm hỉnh thêm vào
-Khéo không anh Sơn anh ấy lại bực. Nga, mày khen anh ấy một câu
-Từ sáu giờ tối trở đi còn ai đẹp trai hơn anh ấy nữa
Sơn cười, vung dao chém phập vào một gốc cây rồi dư dứ con rựa vào mặt Nga
-Cô định giễu cái mặt rỗ của tôi hả. Cả tiểu đoàn không ai có cái mặt rỗ như thế đâu nhé
-Chả thế mà cả ban có mật ong ăn suốt mùa mưa, Ái! –Liên kêu lên một tiếng, cái roi trên tay Sơn đang hoa lên vòng thứ hai. Hoảng hốt, Liên nhẩy bổ về phía Thành rồi bất ngờ xô mạnh anh về phía Sơn. Bị mất đà, Thành dúi về chỗ Sơn vừa lúc ngọn roi trên tay Sơn hạ xuống. Tất cả phá lên cười. Ttiếng cười âm vang thung lũng. Đàn gà lôi giật mình bay lên. Càng về trưa, tiếng cười càng ít. Tiếng cười cứ lụi dần đi theo cái nắng, cái nóng của mặt trời. Khoảng mười giờ thì tiếng cười tắt hẳn. Thay vào đấy là những tiếng thở gấp và tiếng “Hự” khẽ trong cổ mỗi khi lưỡi dao phập xuống. Bàn tay Thành bỏng rát. Mỗi lần lưỡi dao phập vào thân cây là mỗi lần gan bàn tay Thành lại như có vô số mũi kim đâm vào. Nghiến răng, anh bập mạnh lưỡi dao vào một thân cây đứng thẳng dậy.Trời thoáng tối sầm. Núi rừng bỗng lắc lư một chút rồi đứng im. Lưng đau như dần. Cánh tay tê dại. Năm ngón tay cứng đơ không chịu tuân theo ý Thành. Nhổ một bãi nước bọt vào lòng bàn tay, cúi xuống nắm lấy cán rựa. Bàn tay sau một phút nghỉ ngơi động vào cán rựa  bỗng bỏng rát, Thành nghiến răng giật mạnh con rựa ra khỏi thân cây.. Cây rựa lại vung lên đều đều theo nhịp đếm. Một, hai, ba, bốn.nhát nữa, nhát nữa, nhát nữa rồi sẽ nghỉ. Mầu da trắng trẻo của Thành bắt nắng sẫm lại như quả vối rừng vừa chín
-Anh Thành, tay chảy máu rồi
Trường kêu lên. Tất cả dừng tay quay lại nhìn Thành. Anh cúi xuống. một dòng máu nhỏ rỉ qua kẽ ngón tay loang một vùng nhỏ trên mu bàn tay đang sẫm lại. Những nốt phồng đã vỡ
-Anh đừng cầm cán rựa chặt quá. Mà sao cán rựa của anh lại xù xì thế này? Đưa cây rựa của anh đây. Anh cầm lấy cây rựa này mà chặt
-Không cần đâu- Thành lắc đầu – mình dùng cây rựa này cũng được
Trường không nói không rằng  xô lại giật cây rựa trong tay Thành
-Anh lấy cái khăn này quấn vào tay cho đỡ rát
Anh đón chiếc khăn từ tay Nga, ngoan ngoãn quấn vào tay mình, cúi xuống cầm lấy cán rựa nhẵn bóng của Trường mà trong lòng trào lên một cảm xúc bồi hồi khó tả. Chưa! Họ chưa có thể tin mình nhưng dù sao mình cũng đã chiếm được một vị trí trong trái tim của họ. Phải đến nay mai, khi mình cầm dao đứng vào bàn mổ thì mình mới có chỗ trong lí trí của mọi người
-Nghỉ thôi
Sơn hoa cây rựa lên trời một vòng. Những tiếng cười đùa ồn ào lập tức trở lại. Còn Thành, anh đứng ngây người nhìn một vùng rộng lớn cây cối đổ rạp rồi nhìn xuống đôi bàn tay của mình. Đôi bàn tay nhỏ nhắn, mềm mại, tứa máu
Thành chậm rãi đi sau đoàn người đang cười nói ồn ào trở về nhà. Qua suối, anh dừng lại rửa chân tay. Ngâm bàn tay nóng rực sau một ngày làm việc cật lực xuống làn nước mát lạnh, anh thấy một cảm giác khoan khoái, dễ chịu từ dòng nước trong mát truyền qua những nốt phồng rộp đã vỡ lan đi khắp cơ thể. Những khớp ngón tay cứng đơ vì cán rựa gặp dòng nước mát bắt đầu mềm lại. Thành bỗng mỉm cười nhớ đến một câu chuyện ngày xưa anh đã đọc. Câu chuyện kể về người bác sĩ phẫu thuật Nga gìn giữ đôi bàn tay của mình như những nghệ sĩ vĩ cầm. Đấy là những bác sĩ phẫu thuật Nga. Còn những bác sĩ phẫu thuật Việt Nam như anh lại phải rèn luyện cho đôi bàn tay trở nên cứng rắn. Độ rắn của đôi bàn tay thể hiện độ rắn của tâm hồn.. Gió thổi mát rượi, nó mang đi cái nắng, cái nóng đã thấm vào từng thớ thịt sau một ngày lao động giữa trời. Gió thổi tung mái tóc mềm mại của Thành, lùa qua áo, luồn lách qua cơ thể. Bật tung cúc áo, anh ưỡn bộ ngực nở nang đón lấy ngọn gió mát rượi của rừng. Sao hôm nay rừng đẹp vậy? Vẫn dòng suối ấy, vẫn tảng đá ấy, vẫn những bụi mua hoa tím nở từng chùm thế mà sao hôm nay tự nhiên bỗng lạ hẳn. Tiếng suối reo thì thầm như tiếng hát. Những chùm hoa mua tím ngát tự ngắm mình trong làn nước trong xanh. Cái nơi mà mỗi ngày anh đi qua đấy hàng bao nhiêu lần. Nhìn tảng đá chỉ thấy một cái gì trần trụi. Nhìn dòng suối chỉ tự bảo mình à dòng suối. Nhìn bụi mua đã lên xanh mà không biết rằng bụi mua ấy có hoa. Thế mà sao hôm nay, tất cả những thứ ấy bỗng như có một tâm hồn đang sống. Khi những thứ cặn lắng trong con người được thải ra ngoài theo những giọt mồ hôi thì lúc đó cuộc sống có nghĩa là là tất cả.. Một nhành hoa, một tảng đá, một tiếng ve yên ả cũng lắng đọng giữa tâm hồn.
Thành bước vào nhà ăn thì nhiều mâm đã ăn xong
-Làm gì mà lâu thế làm mọi người đợi sốt cả ruột
Sơn hỏi khi thấy Thành cầm bát đũa bước vào. Thành thoáng đỏ mặt. Mình vô ý quá. Ai lại dứng mơ màng dưới suối trong lúc mọi người đang đợi cơm mình. Thành cười thay cho câu trả lời  rồi xới cơm vào bát. Suốt một ngày làm việc quần quật dưới nắng, bây giờ nhìn vào bát cơm chỉ thấy những miếng sắn trắng tinh, Thành thấy ớn lên tận cổ. Cố gắng lắm mới nuốt được hết bát cơm, Anh buông bát định đứng dậy thì Liên đã giằng lấy cái bát. Cô gạt những miếng sắn sang một bên đơm cho Thành những cục cơm không trắng muốt
-Cô không sợ anh ấy gen à?
Anh buông ra một câu nói đùa để cố gắng che đi nỗi xúc động của mình. Anh cầm lấy bát cơm, san bớt những cục cơm không sang bát của Nga rồi gắp thêm mấy miếng sắn vào bát của mình. Phải ăn!Đấy cũng là nhiệm vụ.
Đến tối, lúc giao ban xong, Sơn đứng lên đọc danh sách những người đi phát nương ngày mai. Thành ngạc nhiên nhìn Sơn vì không thấy có tên của mình
-Ngày mai anh ở nhà thay băng cho thương binh.
Sơn nói khi thấy Thành nhìn mình
-Anh Tháp ở nhà rồi thôi.
-Cả anh nữa
Mặt Thành đỏ bừng rồi tím lại
-Tôi không phải là một đứa trẻ con để các anh nuông chiều. Ngày mai tôi sẽ đi phát nương.
Thành bỏ ra ngoài
-Anh giận tôi đấy à?
Sơn hỏi khi hai người về nhà
-Giận quá đi chứ. Anh làm thế có khác gì anh tát vào mặt tôi trước mọi người
-Rút kinh nghiệm lần sau –Sơn cười  xòa-- xí xóa chuyện này. Đồng ý chứ?
Nói xong Sơn vặn mình cho những khớp xương kêu răng rắc rồi nằm lăn ra giường khoan khoái duỗi thẳng cơ thể mỏi nhừ của mình. Một lúc sau, Thành đã nghe thấy tiếng Sơn ngáy đều đều. Thành nhỏm dậy, mắc màn cho Sơn rồi đi ra phía giá sách lôi xuống một quyển sách tiếng Nga dày cộp. Những dòng chữ nhẩy múa lộn sộn trước mắt  anh. Mi mắt nặng trĩu như có một tảng đá buộc vào. Anh ngáp liền mấy cái. Mắt cứng lại. Ngủ thôi, anh tự bảo. Hôm nay tự cho phép mình nghỉ một đêm vậy. Thành cất quyển sách lên trên giá
°
°
Mờ sáng, Sơn tỉnh dậy. Bước ra ngoài cửa, anh khoan khoái hít thở bầu không khí ẩm ướt, trong lành buổi sáng. Trời se lạnh. Cái lạnh thấm qua lần áo mỏng chích vào da thịt khiến anh rùng mình. Buổi sáng trong rừng thật thanh bình. Những con chim sâu bé tí tẹo như những quả cau biết bay tinh nghịch, nhanh nhẹn chuyền từ cành này sang cành khác. Thỉnh thoảng chúng dừng lại, nghiêng nghiêng cái đầu,mở những con mắt đen nhánh như những hạt cườm nhìn anh như dò hỏi.Thấy anh đứng im nhìn chúng một cách hiền lành, yên tâm, chúng lại chúc những cái mỏ nhỏ xíu mầu hạt dẻ xuống những giọt sương đêm. Gió rừng luồn qua những tán lá ướt đẫm mang theo cái lạnh còn sót lại của đêm lay nhẹ những cành cây làm những hạt sương rơi lộp độp xuống đất như một trận mưa nhỏ. Xa xa,đàn vượn nào đang hú. Tiếng hú lảnh lót đuổi nhau dọc triền núi âm vang trong thung lũng. Rồi tất cả những tiếng ấy chợt lặng đi để cho tiếng chim cu vang lên ấm áp thanh bình. Ôi tiếng chim cu sao mà gợi nhớ. Tiếng gù từ rất xa, từ một miền đồng bằng bao la ở đấy có những cánh đồng nhìn đến ngút tầm con mắt. Có những xóm làng được bao quanh bởi những lũy tre bốn mùa xanh tốt. Có những chiếc ao xanh trong mầu nước. Trên những chiếc cầu ao vào những buổi sáng mùa hè như buổi sáng hôm nay Sơn nghe tiếng cu gù. Những đôi chim cu dấu mình trong những lũy tre buông ra những âm thanh trong suốt gọi một mùa lúa chín ở đồng quê. Từ thủa còn thơ chơi đùa dưới rặng tre đến lúc lớn lên sau buổi gặt về giữa trưa hè dưới lũy tre hóng mát, có bao giờ Sơn để ý nghe tiếng chim cu thánh thót, ngân nga. Thế rồi đến lúc đi xa lại thấy lại quê hương trong tiếng gù ấm áp.
Sơn chậm chạp vào trong nhà gấp chăn màn. Nhìn sang giường bên, Thành vẫn đang ngủ. Cặp má bụ sữa của anh đã biến mất nhường chỗ cho một gò má nhô cao. Thành ngủ trông hiền lành như một đứa trẻ
-Báo cáo anh…..
-Suỵt, khẽ chứ cho anh Thành ngủ
Tín hạ thấp giọng thì thầm
-Hôm nay có chuyển thương binh về phía sau không?
-Không
-Thế thì tốt quá, tôi không biết lấy đâu ra gạo nấu cơm vắt cho anh em
Tín chạy ra ngoài. Sơn nhìn theo. Thật là một người cả lo. Anh thầm nghĩ. Thật khó mà kiếm được một anh nuôi như thế
Sơn cầm khăn mặt xuống suối rửa mặt. Tiện tay, anh ngắt mấy bông hoa mọc ngay bên bờ suối mang về. Qua phòng Liên thấy cửa còn đóng kín, anh lấy tay đập vào vách cửa
-Con gái với con lứa, sáng bảnh mắt ra rồi mà vẫn còn ngủ. Dậy!
Không một tiếng trả lời. Sơn đẩy cửa bước vào. Nhà trống không. Anh hỏi vọng xuống bếp
-Cái Liên đi đâu rồi Tín ơi
Từ dưới bếp, tiếng Tín nói sang nghe thanh như tiếng con gái
-Chị ấy đi lấy gạo rồi
-Ai bảo cái Liên đi lấy gạo?
-Chẳng ai bảo cả, chị ấy tự đi thôi
Sơn nhìn xung quanh nhà. Ngôi nhà lạnh lẽo lạ. Một chiếc bàn nhỏ trên đặt một lọ hoa làm bằng vỏ đạn ba bẩy. Lọ hoa đã lâu không được chủ nhà chú ý đến đã bắt đầu lên một lớp gỉ mầu xanh. Mấy cành hoa trong lọ đã khô đen. Có cành gãy gục,rũ rượi.. Một lớp bụi mới, mỏng phủ lên trên bức tranh một đứa trẻ con mũm mĩm đang đùa với quả bí ngô treo trên vách. Một cái gương tròn, khá to đặt cạnh lọ hoa là vật còn được chủ nhà chú ý tới. Mặt gương không một tý bụi. Ngôi nhà vẫn rất gọn gàng, sạch sẽ như muốn cố dấu đi cái lạnh lẽo buồn tẻ nhưng không dấu được. Sơn dùng khăn, lau lọ hoa đến sáng bóng. Anh thay nước lọ hoa rồi cắm những bông hoa mới hái vào đấy. Những bông hoa trắng muốt khẽ rung rinh. Mùi thơm dịu của những bông hoa làm ấm lại cả gian phòng. Sơn cúi xuống nhặt chiếc cặp tóc chắc là lúc vội vàng Liên đánh rơi đặt lên trên bàn
Sơn ra khỏi phòng Liên, khép cửa rồi đi thăm các lán.. Qua lán bất động, anh thấy Tiến cởi trần đang ngồi trên giường lúi húi vạch những đường chỉ máy của chiếc áo đang cầm trên tay.Thấy Sơn, Tiến dấu chiếc áo đang cầm ra sau lưng
-Cái gì thế? Rận hả? Chết thật, thế mà các ông không nói gì cả. Thay hết quần áo ra tôi đi luộc cho. Thế nào ông Lương? Đã đỡ chưa-Anh quay sang hỏi một người thương binh đã lớn tuổi, chân bị nẹp cứng- Ông mà tháo nẹp một lần nữa là chúng tôi cưa phéng
-Gớm cái anh Sơn này sao mà nhớ dai thế. Tôi cởi có mỗi một lần mà anh cứ nói mãi.
Ở những bệnh viện tiền phương. Những người nằm lán bất động là những người khổ nhất. Bất cứ công việc gì họ cũng phải nhờ vả mọi người. Từ đi ỉa, đi đái, tắm giặt, lấy cơm. thay ống nước tiểu. Thậm chí rửa một cái bát cũng phải nhờ. Thà rằng nằm ở lán cấp cứu, mê man không biết gì thì không sao. Đằng này tỉnh sờ sờ ra đấy, ăn khỏe như voi thế mà cứ phải nhờ làm sao không khỏi suy nghĩ. Thương binh đông, người phục vụ ít. Lúc chỗ này gọi y tá ơi, lúc chỗ kia gọi nhân viên ơi nghe sốt cả ruột. Còn gì khổ tâm hơn mình thấy mình bất lực với chính mình. Mà nào thế đã thôi, như anh chàng Lương này chẳng hạn. Anh ta bị một mảnh đạn pháo làm gẫy xương đùi. đã nẹp cứng anh ta lại, tưởng thế là xong. Ba hôm sau, lúc khám bệnh đã thấy nẹp lỏng ra từ lúc nào còn anh ta đang ngồi nói chuyện. Hỏi ra mới biết, anh ta tự tháo lỏng nẹp để ngồi dậy vì sợ nằm mãi sẽ bị loét mông. Lần ấy ai cũng bực. Kiên nhẫn đến như Thành mà cũng phải quát um cả lên.. Nhân viên của ban lắm bận đổ mồ hôi hột vì tình thương của anh em thương binh giành cho mình. Cách đây ba hôm, Hàn, một thương binh sọ não mới chuyển từ lán cấp cứu xuống lán bất động. Thấy nhân viên chạy rối như đèn cù nên đã tự mình đi ngoài lấy. Vừa leo lên được mấy bậc thềm của nhà âm đã ngã quay ra bất tỉnh làm trưởng ban Tháp thức trắng mất hai đêm
Sơn ôm đống quần áo xuống dưới suối. Anh chặt mấy cành le đóng bếp rồi lúi húi nhóm lửa. Ngọn lửa cháy  đùng đùng liếm vào đít xoong hai mươi xòe bung ra. Thỉnh thoảng nó để lại  những khỏang lửa mầu xanh lơ áp sát đáy nồi.  Nước sôi, Sơn lần lượt cho từng bộ quần áo vào nồi dùng que khuấy đều như một người thợ nhuộm đang nhuộm quần áo. Hơi nước bốc lên mờ mịt
-Anh Sơn đang luộc quần áo đấy à?
Sơn quay lại, thấy Hợi đang lọc cọc chống gậy lại gần
-Mình luộc quần áo cho mấy ông ở lán bất động. mà ông lò dò xuống đây làm gì đấy?
Hợi chìa bộ quần áo bẩn đang cầm trên tay ra
-Đi giặt
-Sao không để mấy đồng chí hộ sĩ giặt cho? Thôi để đấy mình giặt cho luôn cả thể
Hợi mím môi  bước xuống mấy cái bậc. Cây gậy trong tay anh cong lại vì sức nặng của toàn thân dồn vào. Xuống hết mấy cái bậc, trán Hợi lấm tấm mồ hôi. Vết thương ở chân đau nhức. Anh chọn một tảng đá ngồi xuống. Gác cái gậy chống lên hai hòn đá khác rồi đặt chiếc chân bị thương vào đấy. Cái chân lành buông thõng xuống nước. Xong xuôi anh mới quay lên trả lời Sơn
-Anh giặt từng ấy bộ quần áo còn chưa đủ sao?
-Thêm một bộ nữa thì có đáng kể gì. Kìa, khéo không đầu băng lại dúng xuống nước.
Hợi cúi xuống kéo đầu băng lên rồi bắt đầu vò quần áo. Bàn tay anh méo mó, sù sì. Những vết sẹo mới lên da non trên tay anh đỏ ửng lên vì cọ sát mạnh
-Các anh vất vả thật đấy. Tôi mà làm nhân viên ở đây thì có lẽ tôi chẳng chịu lấy nổi một ngày
-Ông nói thế chứ chúng tôi thì thấm gì so với các ông.
-Thật đấy! Lính phía trước chúng tôi vất vả từng lúc thôi.Có chiến dịch chúng tôi chỉ nằm dài chờ nổ súng. Còn các anh, chúng tôi thấy các anh vất vả suốt. Phía sau có khi khó hoàn thành nhiệm vụ hơn phía trước ấy chứ
-Thì chúng tôi đã ít ác liệt hơn
-Cũng chẳng biết thế nào với bom đạn. –Hợi tặc lưỡi-Lên cửa mở không chết, nằm đây có khi lại sơi một loạt B52 cũng chẳng biết chừng. À, hôm nay cô Liên đi đâu anh Sơn?
-Cô ấy đi lấy gạo
-Cô ấy đi lấy gạo à? –Hợi hỏi lại rồi im lặng. Anh cúi xuống cố nén một tiếng thở dài. Một lúc sau, anh ngẩng lên, giọng trầm hẳn xuống-Mấy hôm nay nhìn cô Liên làm việc chúng tôi thấy áy náy quá. Anh tính coi, làm sao chúng tôi có thể nằm ở đây để cho những người như cô Liên phục vụ trong lúc chính cô ta mới là người có quyền đòi hỏi ở chúng tôi một điều gì đó
-Cô ta có thể đòi hỏi ở các anh cái gì?
-Một sự trả thù chẳng hạn
Hai người im lặng. Nồi nước sôi réo lên sùng sục