Chương 1

Xóm Bình Khang bỗng nhiên náo động, từ một đồn mười, mười thành trăm, trăm thành ngàn... cứ như vết dầu loang ra toàn thành phố.
Ai ai cũng nghe ở đây vào lúc nửa đêm có một con quỷ già và một con ma trẻ xuất hiện. Mức độ ma quỷ xuất hiện không chỉ trêu ghẹo người đời, mà hai con ma con quỷ còn rất tàn nhẫn giết người không gớm máu, hoặc ám quẻ không cho đám gái ăn sương hành nghề.
Vì thế xóm Bình Khang trở nên ảm đạm thê lương, các cô gái bán hoa không ai dám ngủ lại đêm hay phải chuyển sang vùng khác để kiếm sống.
Mụ Hai Sương - một tú bà sống trong xóm thường thở ngắn than dài, vì mối oan nghiệt này mà mọi người trong xóm đều đổ hết tội vào đầu mụ ta và tên chồng trẻ Sáu Giang, hai người gây ra cớ sự của ngày hôm nay.
Mà có phải vậy không? Mọi người nói con ma trẻ chính là cô Ba Phượng, còn con quỷ già kia có lẽ là bà má của nó đi theo hồn ma con gái về đây để quậy phá, ám ảnh mọi người không cho làm ăn.
Hàng đêm cứ vào khoảng nửa đêm khi mọi nhà trong xóm đều đóng kín cửa đi ngủ không còn tiếp khách. Vì mặc dù bọn chiến binh Pháp không ra lệnh giới nghiêm, nhưng ai ra đường trong những giờ này đều sẽ gặp bao điều phiền toái, nên ai ai cũng trở về nhà trước lúc canh ba.
Vào giờ đó trong xóm Bình Khang mọi người nghe có giọng một người con gái, đang ai oán ca lên một bài hát Nam Ai hay đôi khi xuống vài câu vọng cổ nghe thật mùi mẫn. Khi nhìn ra ngoài mới thấy dáng một người con gái đang ngồi xoả tóc, trên cổ còn đeo một sợi dây thòng lọng và thân thể mặc thứ áo tang trắng toát, ai trông thấy cũng sợ kinh hồn.
Bóng ma cô gái không ai khác chính là cô Ba Phượng, một gái bán hoa trong động mụ tú bà Hai Sương. Cô Ba Phượng đã thắt cổ tự tử chết mấy năm nay, bây giờ âm hồn cô hiện về trong xóm mà ngồi than khóc tỉ tê cho số phận.
Đó mới chỉ hình ảnh của con ma trẻ, còn con quỷ già mới thật khủng khiếp.
Con quỷ già có tóc tai bù xù, hai mắt lồi ra đỏ hau háu, còn hai tay giang ra phía trước nhìn thành góc 90 độ, một tay cầm lưỡi dao bén ngọt, trên người mặc cái áo màu đỏ mà nhảy cà tưng đi khắp nơi.
Về đêm khuya nên mọi người không thấy con quỷ già còn có hai cái răng nanh nhọn hoắt, đang chìa ra bên mép miệng. Sau này họ mới biết con quỷ già thuộc loại quỷ nhập tràng, ẩn hiện rất thông minh. Chính con quỷ già đã cắn cổ chết hết mấy thằng lính Tây, bởi cũng tại chúng vào nửa đêm hứng chí đi vào xóm Bình Khang tìm gái.
Có người biết chuyện kể lại:
– Mẹ mấy thằng lính Tây! Cứ nửa đêm mà vào đây thế nào cũng gặp hồn ma cô Ba Phượng dẫn dắt đến chỗ miếu oan hồn, rồi cho con quỷ nhập tràng cắn chết không kịp ngáp.
Thông thường bọn lính Tây trắng Tây đen đâu sợ bọn chiến binh Pháp cấm đường. Chúng biết xóm Bình Khang là khu động điếm được chánh quyền bảo hộ cho công khai hoạt động nhưng đâu biết nơi này đang bị quỷ ám, cứ thong dong đi đến đầu xóm tìm gái để được thoả chí bình sinh. Ở đầu xóm luôn có một cô gái dáng dấp cao cao thân thể đẫy đà, trên người mặc áo bà ba may bằng vải lụa, còn quần là thứ vải Mỹ A bóng lộn, mái tóc xức dầu dừa thơm lừng cả mũi, nên cô ta trông thật gợi cảm vô cùng.
Thấy cô gái là bọn lính Tây phải cười híp mắt “chịu đèn” ngay, không thèm nhìn ngó xung quanh còn có cô nào để chọn lựa. Chúng cũng không còn biết dưới ánh sáng của ngọn đèn đường, mà sao cô gái không có bóng in trên mặt đất. Dáng đi như bay bổng thướt tha, lúc nhẹ nhàng như mây trôi cuối trời. Cô gái dẫn chúng đến một ngôi nhà to như ngôi miếu cổ, đoạn cô ta đưa chúng vào một căn phòng riêng biệt có sàn giường, sẵn chậu nước và cả cái khăn lông - thứ vật dụng phải có trong các phòng dùng hành lạc. Sau đó cô gái mới tha thướt cỡi hết áo quần như để làm phận sự của một gái ăn sương.
Do ngôn ngữ bất đồng, bọn lính Tây cũng chẳng buồn hỏi han tâm sự, thấy cô gái cỡi hết quần áo bọn chúng cũng cởi theo. Nhưng không ngờ khi cô gái vừa cỡi xong quần áo, da thịt cô ta bỗng nhiên biến thành làn khói trắng bay toả lên không, rơi từ từ và biến mất dần trong màn đêm tăm tối.
Còn đang ngơ ngác ngạc nhiên, có tên phải buột miệng thốt kêu:
– Pourquoi? (tiếng Pháp, nghĩa là:cái gì thế?) Rồi từ sau tấm màn cửa lại hiện ra một người đàn bà luống tuổi đang đi vào.
Bọn lính Tây còn chưa hết kinh sợ khi vừa gặp phải một cô gái ma, giờ chúng như đang thấy một con quỷ già đứng trước mặt, tóc tai bù xù, da mặt sần sùi, hai mắt đỏ như máu, hau háu nhìn chúng chăm chăm.
Bọn lính Tây run sợ thật sự, chúng biết đã gặp phải ma quỷ hiện hình nên định mặc lại quần áo để chạy thoát thân. Nhưng không còn kịp, con quỷ già đã giơ thẳng tay nắm lấy cổ chúng, rồi kéo ghì vào miệng. Bấy giờ chúng mới thấy rõ hai cái răng nanh vừa vươn ra khỏi mép miệng của con quỷ. Dù thân xác tên Tây trắng Tây đen nào cung to con khoẻ mạnh, nhưng chúng không thể vẫy vùng ra khỏi cánh tay của con quỷ già gớm ghiếc kia.
Trước khi thân xác không còn giọt máu nào, chúng chỉ kêu to được câu:
– Đa-cu-la!
Tiếng kêu Dracula là muốn ám chỉ bọn ma cà rồng chỉ có ở phương Tây, còn phương Đông con ác quỷ này được thay bằng hình ảnh của quỷ nhập tràng hay loài ma cà tưng.
Nói về ma cà rồng, theo truyền thuyết châu Âu thì chúng thuộc loài ác quỷ mang xác người sống còn linh hồn là quỷ dữ, chuyên sống bằng hút máu người.
Còn quỷ nhập tràng là hồn ma mượn xác chết đội mồ sống dậy, chúng “ăn nhang đèn” của bá tánh. Quỷ nhập tràng thường không hút máu người như ma cà rồng. Loài quỷ này chỉ cắn người cho máu tuôn chảy hết mới thôi. Chúng có ma lực như thế bởi quỷ nhập tràng là hồn ma mượn xác, khi xuất hiện có hình có bóng không như hồn ma bóng quế.
Cho nên đến sáng mọi người trong xóm Bình Khang, thấy xác những tên lính Tây nằm loã lồ sóng sượt trên vũng máu trước miếu oan hồn, trên cổ còn in đậm hai dấu răng nanh. Ngôi nhà to về đêm chính là ngôi miếu oan hồn này.
Từ đó xóm Bình Khang dần dần mất khách làng chơi lui tới, vì ai cũng sợ gặp phải ma quỷ hiện hình, không bị cắn cổ cũng bị quỷ ám cho khiếp vía.
Khi mọi người trong xóm nhận ra con ma nữ chính là cô Ba Phượng - vì mụ Hai Sương mà cô Ba phải thắt cổ tự tử chết - lúc đó mọi người như chợt nhớ lại những năm trước đây...
Cô Ba Phượng đến xóm Bình Khang sinh sống trong nhà mụ Hai Sương từ lúc nào không một ai hay biết. Chỉ thấy trong nhà mụ ta có một cô gái dáng người cao cao, mặt mày thanh tao, có đôi lông mày lá liễu, sóng mũi dọc dừa, làn da trắng như ruột hột gà hột vịt, cùng một thân thể thật cân đối đầy đặn.
Cho nên khi ai trông thấy cô Ba Phượng là đâm thèm muốn, vì cô Ba trông rất gợi cảm không khác gì một cô đào hát hay nữ tài tử xinê.
Những mụ tú bà sống ở quanh đấy phải ganh tị với sự may mắn của mụ Hai Sương, không rõ mụ ta tìm đâu ra một người có sắc đẹp đến thế mà phải lưu lạc đến đây làm gái bán hoa. Hèn gì trong động mụ Hai Sương khách ra vào nườm nượp không ngớt, muốn đuổi bớt khách đi cũng không được.
Những ngày đầu, người ở sát vách nhà mụ Hai Sương nghe thấy tiếng khóc nức nở của một người con gái cùng với những tiếng van xin. Mà chuyện này thường không làm ai phải bận tâm suy nghĩ thật hư.
Đa số các cô gái đến đây do bọn mặt rỗ đầu gấu rù quến được từ các tỉnh đưa về làm gái bán hoa, nếu ai không chịu hành sự tức thì bị chúng đánh đập tàn nhẫn, cho đến lúc chịu đi khách mới thôi.
Có lẽ cô Ba Phượng cũng vậy, nên họ nghe cô Ba thường lớn giọng van xin:
– Em lạy chị Sương hãy thương em, trả em về với gánh hát, còn mai này nếu em có chết cũng xin hiện về phù hộ cho chị và anh Giang.
Tiếng của mụ Hai Sương lại tru tréo lên:
– Về lại gánh hát hả, chính mày làm tao với anh Giang phải thân bại danh liệt. Tụi tao đưa mày về đây là để trả mối hận năm xưa đó!
Còn tên Sáu Giang liền giở thói du côn, hắn lấy roi da quất lia lịa vào thân thể đẹp đẽ của cô Ba Phượng rồi gằn giọng nói:
– Mày đẹp quá làm mọi người phải say mê, còn vợ chồng tao ngóc đầu lên không nổi phải về đây lập động để kiếm sống qua ngày. Mày phải tiếp khách để trả nợ những gì tụi tao đã mất.
Cả một tuần lễ liền cô Ba Phượng bi ăn đòn muốn chết đi sống lại. Về đêm cô bị nhốt kín trong buồng mà khe khẽ cất lên những câu vọng cổ như để than thân trách phận. Khi cô Ba xuống đến câu cuối cứ kéo dài hơi nghe thật thê thiết khôn nguôi, đến ai nghe được cũng cảm thấy mũi lòng, xót xa giùm cho hoàn cảnh đơn độc thế cô.
Cả xóm Bình Khang, mọi người ai cũng biết tánh nết của vợ chồng mụ Hai Sương rất độc ác và hung dữ, có lẽ mụ ta giận cá chém thớt mà trút giận vào đám gái dưới tay. Bởi trên mặt mụ Hai Sương còn hằn lên hai vết sẹo lồi chạy dài ra một bên má, thứ chứng tích bị tình địch rạch mặt vì trận đánh ghen nào đó.
Có lẽ cô Ba Phượng ham sống sợ chết, nên không bao lâu cô Ba đành chấp nhận làm gái bán hoa. Ngày ngày không biết chấp nhận đi bao nhiêu “dù” nên chỉ vài tháng sau đã thấy thân hình cô Ba đã trở nên tiều tuỵ, xanh xao gầy yếu.
Một đêm khuya trong cảnh tĩnh mịch của phố phường khu xóm, cô Ba Phượng không tài nào chợp được mắt để ngủ dù người cô đang mỏi mệt, rã rời.
Cô Ba Phượng còn đang nghỉ đến thân phận mà nằm tức tưới khóc một mình bên ánh đèn dầu leo loét bỗng nhiên thấy một người đàn bà đi thẳng vào phòng.
Cô Ba tưởng chừng mụ Hai Sương đi vào kiểm soát sợ cô bỏ trốn chăng?!
Nhưng không, hình dáng người đàn bà này rất quen thuộc đối với cô, khiến cô Ba phải thảng thốt kêu lên trong sự ngạc nhiên:
– Má! Má còn sống sao? Má là người hay ma?
Hình dáng người đàn bà đã hiện rõ trong phòng, bà ta đưa tay lên môi như ra dấu cho cô Ba Phượng im tiếng. Bấy giờ cô Ba mới thấy tóc bà bù xù không được chải chuốt, còn quần áo tanh tưởi như mùi xác chết để lâu ngày, gớm ghiết hơn là đôi mắt bà đang lộ hẳn ra màu máu đỏ, biết chắc má cô là ma hiện về.
Lúc đó cô Ba Phượng đã nghe bà ta lên tiếng:
– Dù ta có giận con cách mấy, nhưng không bao giờ cọp lại ăn thịt con. Mấy tháng nay ta thấy xót xa cho con quá, bị vợ chồng con Hai Sương đưa về đây đoạ đày thân xác khiến thân thể héo mòn, sức lực ngày càng suy kiệt...
Ba Phượng nghe mẹ nói làm cô thêm tủi phận, bèn nức nở khóc to đến bên bà mà không sợ đang gặp ma giữa cảnh đêm khuya thanh vắng. Bởi con ma già này đâu ai khác là người từng sinh cô ra đời, nuôi nấng cô cho đến ngày khôn lớn trưởng thành.
Cô Ba Phượng mới nói trong tiếng khóc:
– Con khổ quá má ơi! Vợ chồng mụ Hai Sương đánh đập con tàn nhẫn, bắt nhốt trong phòng để hàng ngày phải đi mấy chục người khách, làm sao con không kiệt sức héo mòn!
Giọng nói của má cô đã trở nên ma quái, nghe thật lanh lảnh bên tai:
– Ta về đây cốt đem con đi, đưa đến nơi ta đang sống chờ ngày hai má con ra tay trả hận.
Cô Ba Phượng nghe mẹ định đưa mình thoát ra khỏi hang ổ của bọn bất lương chuyên sống trên thân xác phụ nữ đã khấp khởi vui mừng, cô liền reo to:
– Hay quá, con được giải thoát rồi!
Bà mẹ đau khổ nhìn con gái nhưng không thể khóc được, bởi giờ đây bà đã là thứ quỷ nhập tràng. Nên thấy con gái vô tư như ngày nào, tin người như ngày nào mà phải truân chuyên, lưu lạc nơi đất khách quê người, bà cảm thấy thương tâm.
Nghe con gái vui mừng mà hớn hở reo to, bà mới lắc đầu rồi nói:
– Vậy con có biết hiện giờ ta là ai không?
Cô Ba Phượng không ngần ngại gật đầu đáp:
– Má là ma! Vì thương con nên hiện về đưa con thoát khỏi động điếm của mụ Hai Sương!
Bà mẹ vẫn lắc đầu. Đoạn bà trả lời:
– Ta không phải là ma mà là con quỷ cái từ dưới âm ty trở về. Ta đưa con đi chỉ bằng cách này...
Nói xong bà mẹ đưa ra trước mặt cô Ba Phượng một sợi dây thừng to bằng ngón tay cái, đã thắt sẵn thành thòng lọng, rồi bà nói tiếp:
– Sợi dây này sẽ đưa con đi theo ta...
Cô Bô Phượng từng thấy người treo cổ tự tử bằng dây thừng mà chết, có cái lưỡi thè dài ra cả tấc, nên đâm kinh hãi mà ấp úng nói với má cô:
– Con tưởng má về dẫn con đi trốn khỏi đây, ai dè má lại muốn con chết! Má ơi, con còn muốn sống!
Con quỷ già lại lắc đầu nói:
– Con hãy nhìn lại mình xem sống có bằng chết hay không? Hơi thở con đã mòn mỏi vì kiệt quệ tâm sức. Người con xưa kia đẫy đà như một hoa khôi nay tiều tuỵ ốm o như con khô cá đuối. Con không chết hôm nay bằng cách này thì ngày mai cũng sức cùng lực kiệt, nhắm mắt xuôi tay mà không ngờ được.
Vừa nói con quỷ già vừa ấn sợi dây thòng lọng vào tay cô Ba Phượng, đoạn nó nói tiếp:
– Con có chết kiểu này thì oan hồn mới không siêu thoát, mới có thể trở về trả mối hận mà vợ chồng con Hai Sương đã đày ải con suốt mấy năm qua và chưa hết đâu, con có biết tên Chín Vọng - chồng con hiện giờ sống ra sao không?
Cô Ba Phượng làm sao biết được. Từ khi cô bi vợ chồng mụ Hai Sương bắt đưa về đây là tách biệt với thế giới bên ngoài. Cô thường cầu mong Chín Vọng đi tìm mà giải thoát cô về, nhưng đã qua bao tháng trời vẫn bặt vô âm tín khiến cô càng thấy mũi lòng. Tiếng khóc càng nức nở, cô hỏi lại mẹ mình:
– Anh Chín bây giờ ra sao hả má?
– Tên Chín Vọng đâu thèm nhớ gì đến con! Con vừa mất tích mới có mấy ngày là nó lấy ngay con đào phụ làm vợ rồi. Nghe đâu tên Chín còn đòi cưới thêm vợ bé nữa.
Tin này khiến cô Ba Phượng thấy viễn cảnh tương lai hoàn toàn sụp đổ, cô thấy không còn biết bám víu vào ai được nữa. Má cô đã qua đời giờ đây thành loài quỷ nhập tràng, còn ông chồng háo sắc đa dâm đã quên cô mất rồi.
Ba Phượng không cần hỏi thêm con quỷ già câu nào nữa, đã lẳng lặng đứng lên ghế thắt nút đầu dây với cây xà ngang rồi tròng sợi thòng lọng ngay vào cổ, còn tâm trí chỉ nghĩ đến việc báo thù như lời má cô vừa nói.
Giọng con quỷ già vẫn âm hưởng bên tai:
– Phượng Vân ơi, con giỏi lắm! Đã biết nghe lời má rồi. Hai má con ta chỉ chờ giờ ra tay rửa hận thôi.
Cái chết của Phượng Vân làm nao núng vợ chồng mụ tú bà Hai Sương. Tên chồng trẻ Sáu Giang đang cay đắng mắng mụ vợ:
– Bà thấy không, cả núi tiền mà không biết giữ. Bà hành xác con Phượng Vân đến thân tàn ma dại, mỗi ngày bắt tiếp khách đi mấy chục dù, nó còn hơi sức đâu nữa! Tự tử chết là phải lắm.
Mụ Hai Sương cũng không vừa:
– Ở thành phố thiếu gì gái mà sợ thiếu đào. Tại tui muốn con Phượng Vân chết trong đau khổ như thế mới hả được giận.
Hình như tên Sáu Giang đã đồng cảm với vợ, hắn mới nói:
– Nhưng con Phượng Vân chết đi tôi thấy tiếc, còn mấy cha khách nghe tin nó chết đều buồn thiu.
Mụ Hai Sương liền liếc nhìn tên chồng, đoạn mụ trề môi nói:
– Mấy cha khách buồn thiu hay chính anh buồn thiu? Ngày trước anh phải tình nó mà. Bây giờ nó thắt cổ chết thành cô hồn thế nào cũng bám theo anh.
Mà thật như vậy, từ sau cái chết của cô Ba Phượng trong nhà mụ Hai Sương luôn bị biến động không ngừng. Cứ vào lúc nửa đêm khi hai vợ chồng mụ đang ngủ, là nghe thấy tiếng động từ phòng cô Ba Phượng nổi lên:
hết tiếng giường tre nghe kẽo kẹt đến tiếng nước đổ vào thau nghe rào rào. Đôi khi còn có tiếng cô Ba cất lên ca sáu câu vọng cổ hay một bài Nam Ai than oán nghe mà não nuột ruột gan.
Vợ chồng mụ Hai Sương cứ quíu cả người không ai dám bỏ chân xuống đất.
Biết ở phòng cô Ba Phượng hiện giờ không có ai, vậy chỉ có ma!
Các cô gái điếm sống trong nhà mụ Hai Sương cũng tỏ ra sợ hãi, thường nói với vợ chồng mụ:
– Anh chị Hai ơi, tụi em sợ quá không dám ngủ ở đây nữa đâu. Đêm nào cũng thấy một con ma già tay lăm lăm cầm con dao đến đuổi tụi em đi khỏi đây.
Tên Sáu Giang lo sợ đám gái điếm mà bỏ đi, vợ chồng hắn sẽ không còn người ra tiếp khách, nên phải sừng sộ nói:
– Tụi bay mê tín quá, con Ba Phượng mới chết làm gì thành ma bà già mau vậy? Tụi bây đầu óc cứ nghĩ đến cái chết của nó mà đâm suy diễn lung tung.
Nhưng tên Sáu Giang dù có trấn an thì đám gái điếm cũng từ từ trốn đi hết, chúng còn truyền miệng đi nói khắp nơi trong nhà mụ Hai Sương có ma. Nhiều người không tin lời của đám gái bán hoa - cũng như tên Sáu Giang - họ liền lên tiếng trấn an:
– Thời buổi Tây qua đây chứng minh khoa học, cho biết trên thế gian làm gì có chuyện ma trêu quỷ ghẹo! Tụi bay cứ nghĩ đến con Phượng vì mụ Hai Sương mà thắt cổ tự tử chết, nên khi nghe dế kêu cứ tưởng tượng ra hồn ma con Phượng cất tiếng ca sáu câu vọng cổ chứ gì?
Riêng mụ Hai Sương mới thần hồn nát thần tính. Chính mắt mụ trông thấy hình bóng bà Tư Trà, một chị nuôi khi xưa ở gánh hát Long Vũ hiện đến. Bà Tư Trà chính là má ruột của cô Ba Phượng. Tay bà Tư Trà lăm lăm con dao cứ dí vào mặt mụ ta mà lên tiếng:
– Diễm Sương ơi mày hại chết đời con gái tao rồi! Vợ chồng mày phải trả giá cho mối hận này!
Mụ Hai Sương năm nay đã ngoài bốn mươi, từng đi đây đi đó nhiều nơi, từng nghe kể về chuyện ma quỷ nên hiểu hồn ma bà Tư Trà hiện ra không phải là ảo ảnh mà từ dưới âm ty hiện về.
Lời hăm doạ của hồn ma người chết thường dự báo trước với mọi người qua giấc chiêm bao, nhưng sao mụ ta vẫn mở to mắt chưa ngủ, mà bóng dáng của Tư Trà vẫn còn hiện ở trước mắt? Bóng dáng ấy khiến mụ Hai Sương - một người có nhiều bản lĩnh, mụ biết đã gặp phải ma quỷ hiện hình - sợ đến nỗi đái cả ra quần, còn miệng mụ không ngớt lời kêu xin:
– Chi Tươi, tụi tui có hại gì con Phượng Vân đâu, tự nó thắt cổ tự tử chết mà!
Con quỷ già tay vẫn cầm con dao dí vào mặt mụ ta, rồi nó nói tiếp:
– Ta với mi xưa kia không thù oán nên ta không giết mi đâu, hãy đợi khi con Phượng Vân luyện xong ma lực mới về tính sổ với vợ chồng mi. Bây giờ mi hãy cố nhớ lại năm xưa đã gây ra bao chuyện tày đình thế nào, để kịp ăn ăn sám hối...
Lời của hồn ma Tư Trà khiến mụ Hai Sương phải nhớ lại tất cả mọi chuyện khi xưa...
Không biết bấy giờ mọi người nên gọi Phượng Vân là cô bé hay một thiếu nữ, bởi Phượng Vân mới chỉ mười sáu tuổi nhưng thân hình đã cao ráo nẩy nở như cô gái ở tuổi hai mươi, khiến chàng trai nào nhìn thấy cũng mơ ước được ôm ấp cô vào lòng.
Phượng Vân là con gái bà “chị nuôi” Tư Trà trong gánh hát Long Vũ của ông bầu Chín Vọng. Sống trong gánh hát cho nên Phượng Vân được mẹ và ông bầu mong muốn đào tạo nàng trở thành một cô đào thương, nhằm sau này nàng sẽ thay vai của Diễm Sương, cô đào chánh thường hay đòi hỏi quyền lợi một cách quá đáng.
Với sắc đẹp và vóc dáng trời ban trước tuổi và giọng ca ngọt ngào luyến láy dài hơi, Phượng Vân rất được mọi người trong gánh Long Vũ thương mến.
Trước đây Phượng Vân chỉ góp mặt trong đám nữ vũ công hay những vai tì nữ, vì thế cô đào chánh Diễm Sương thường không để ý, cho đến khi nàng được ông bầu Chín Vọng cho sắm vai đào thương cạnh tranh với vai diễn của cô ta, Vân đã trở thành cái gai trước mắt của cô đào chánh này.
Phượng Vân nào hiểu được sự đời. Mặc dù nàng được ông bầu đào tạo bài bản từ sơ cấp đến nâng cao, nhưng với số tuổi mười sáu, Phượng Vân vẫn còn là cô đào nhí trong gánh hát, nói theo người đời là chưa mọc đủ lông cánh để có thể bay cao.
Còn Diễm Sương lại là con cáo già lão luyện, cô ta cặp đôi với tên kép trẻ Uyên Giang và cả ban tân cổ hình thành ra một phe chống lại ông bầu cùng số đào kép không ăn cánh khác.
Biết ông bầu Chín Vọng muốn đào tạo Phượng Vân sau này sẽ thay thế mình, nên mỗi khi Phượng Vân bước ra sân khấu dưới ánh đèn màu, phía trước có đông đảo khán giả, khi nàng vừa cất cao giọng hát là Diễm Sương nháy mắt cho ban nhạc đánh cho rớt nhịp liền. Vì thế Phượng Vân không tài nào thi thố được tài năng mà còn bị mọi người chế giễu.
Gặp những đêm diễn như thế, Phượng Vân nằm bên bà Tư Trà khóc nức nở rồi tâm sự với mẹ:
– Mẹ nói ông Chín cho con đóng vai tì nữ còn sướng hơn làm đào phụ, hình như cô Diễm Sương ghét con lắm! Cô ta luôn cho ban nhạc “đì” con hát rớt nhịp để cho khán giả la ó rần trời.
Bà Tư Trà mỗi khi nghe xong đều thở dài não ruột. Giá mà ba Phượng Vân còn sống, bà đâu chịu cảnh làm chị nuôi trong gánh hát và để con gái cho người ta hà hiếp đến như thế. Ngày xưa ông là bầu cũ của gánh Long Vũ, chẳng may bi phá sản mà sang gánh hát lại cho Chín Vọng, rồi ông quẫn trí lao mình xuống dòng sông Hậu tự tử.
Lúc đó Tư Trà đang là đào độc đào lẳng đóng những vai phản diện trong gánh hát, được ông bầu chiều chuộng mà bà hiến cả cuộc đời cho ông ta, lúc đó bà chỉ mong sao ông bầu thương nhớ mà cho ra sân khấu hát hàng đêm. Khi nghe tin ông sang gánh hát rồi nhảy sông tự vận, bà mới nhận ra mình đang mang trong người dòng máu của ông ta từ bao giờ.
Tư Trà cố buộc dây nén bụng cho mọi người trong gánh hát không biết bà đang mang bầu, nhưng ngày qua ngày cái bụng bà cứ to dần lên không thể giấu giếm được nữa. Lúc đó ông bầu Chín Vọng mới hay, phải to tiếng nói với bà:
– Tư Trà ơi, em có bầu sao không cho qua hay, em biết khán giả miệt vườn họ mê tín dị đoan lắm, thấy ai mang bầu là sợ gặp xui, giờ em nghĩ hát đi.
Bấy giờ Tư Trà đang tứ cố vô thân, vì mê đi hát cải lương rày đây mai đó mà bà bỏ nhà, bỏ cha mẹ để theo gánh hát Long Vũ này. Giờ đây bụng mang dạ chữa không ai giúp đỡ, nếu không được ông bầu Chín Vọng cho hát thì bà lấy đâu ra tiền để sống, để chờ ngày sinh con?
Bởi thế Tư Trà ôm lấy chân ông bầu Chín Vọng, bà vừa khóc vừa van xin ông ta:
– Em cắn cỏ ngậm vành lạy anh Chín, nếu anh Chín không cho em hát thì cho em đi theo gánh để có cơm ngày hai bữa nuôi cái thai còn nằm trong bụng.
Ông bầu Chín Vọng tỏ ra ái ngại trước tình cảnh của Tư Trà. Trước khi làm bầu gánh ông thường nghe các ông bà xưa hay mỉa mai giới nghệ sĩ là “xướng ca vô loài”, miễn sao đạt được mực đích ai muốn sao cũng được, từ tiền bạc cho đến thể xác.
Tư Trà có lẽ là một trong số người đó, còn mang bầu với ai chắc ông ta không thể đoán ra, bởi trong gánh hát ai ai Tư Trà cũng cần sự giúp đỡ, đầu tiên là bầu gánh luôn là người có thực quyền, kế đến mấy tên kép hát khi đóng cặp trên sân khấu thường diễn tả mùi mẫn với các cô đào, gây ra hiện tượng quyến luyến; rồi bọn nhạc công cũng xí phần, nếu cô đào nào chịu hiến thân hay có quà cáp thì chúng mới để yên cho hát.
Ông bầu Chín Vọng tuy mê cải lương, dám bỏ tiền sang gánh Long Vũ, nhưng ông không phải là dân chuyên nghiệp. Mục đích làm bầu gánh là để được ôm ấp cô đào chánh lúc bấy giờ, vì khi còn làm khán giả ông từng ao ước phải làm sao chiếm được thân xác cô ta mới thoả mãn được lòng.
Tính nết bọn đàn ông thường hay háo sắc. Khi trở thành bầu gánh, Chín Vọng ôm ấp được ngay cô đào chánh mà không tốn chút hơi sức tán tỉnh, lại được vui đùa với mấy cô đào phụ hay nữ vũ công trẻ đẹp, thật thoả mãn cho số tiền ông ta đã bỏ ra mua lại gánh Long Vũ.
Rồi cứ mỗi năm ông lại thay thế người, số diễn viên ngày càng trẻ trung đẹp hơn xưa, ông càng thoả sức lôi cuốn họ vào trong vòng tay luyến ái. Hôm nay Tư Trà đang ôm lấy chân, đang van xin ông ban ơn.
Hồi mới về làm ông bầu gánh, Chín Vọng chưa để mắt đến bà vì còn say sưa với cô đào chánh, nay nhìn lại Tư Trà - một cô đào chuyên đóng vai phản diện mới làm ông để ý đến.
Lâu nay Tư Trà biết mình mang bầu nên thường hay tránh mặt ông. Lúc đó bà mới hơn hai mươi lăm tuổi. Theo ý nghĩ của Chín Vọng bấy giờ, với số tuổi này chắc bà đã qua tay nhiều tên trong gánh hát, cho nên sắc vóc nảy nở trông hấp dẫn quá.
Nghĩ như vậy mà Chín Vọng nâng Tư Trà đứng lên rồi cho hai tay ra sau để ôm bà vào người vuốt ve an ủi, ông ta nói:
– Qua cũng thấy thương Tư Trà lắm, nhưng em mang bầu to đùng thế này làm sao đứng trên sân khấu để hát đây. Hay là...
Tư Trà nghe ông bầu Chín Vọng nói thêm hai chữ hay là thì lúc đó bà như đang bơi trên biển vớ được phao cứu sinh, đã lắp bắp hỏi lại ông ta:
– Hay là sao anh Chín?
Chín Vọng không trả lời ngay, ông đã đẩy người bà nằm xuống giường rồi như một con thú lâu ngày bị bỏ đói, vồ dập bà không chút thương tiếc.
Tư Trà hiểu việc gì muốn đạt được cũng phải có cái giá phải trả. Bà đi theo gánh hát đã lâu hiểu rành quy luật này, nên không hề chống lại hành động của ông bầu, nhưng lúc đó Tư Trà phải khẽ kêu xin:
– Anh Chín ơi hãy thương cho cái bầu còn nằm trong bụng, nó mà hư thì em chết mất!
Chín Vọng mới nhớ ra Tư Trà đang mang bầu, chính vì điều này ông ta đang muốn xua đuổi bà ra khỏi gánh hát, nhưng đuổi thì thương vương thì tội. Một gánh hát chuyên đi lưu diễn ở các làng xã để kiếm sống mà nuôi một người đàn bà mang thai không đóng góp công sức thì mọi người sẽ bàn tán dị nghị.
Rồi ông bầu Chín Vọng lại chợt nhận ra trong chuyện ăn nằm với Tư Trà, bà ta làm ông thấy hứng khởi hơn các cô đào khác, để bà ở lại trong gánh hát lâu lâu còn được hưởng lạc thú.
Nên để tỏ sự ban ơn, bấy giờ ông bầu Chín Vọng mới lên tiếng trả lời:
– Thôi Tư Trà xuống bếp làm “chị nuôi”, qua mới có cớ để em ở lại trong gánh hát.
Từ đó Tư Trà trở thành chị nuôi trong gánh Long Vũ. Bà sinh Phượng Vân đã mười lăm năm nay. Một thời gian dài đằng đẵng, nhưng bà cũng chỉ là người tình qua đêm của ông bầu, không ai trong gánh hát biết đến vai trò của bà trong đời sống của ông ta. Để bà còn có một chỗ đứng cho xứng đáng, mà bà muốn trở thành vợ chánh thức của ông bầu gánh.
Khi cô đào chánh cũ rời gánh hát. Diễm Sương được mời về hát, ông bầu Chín Vọng lại càng bỏ bê Tư Trà hơn, từ đó bà không còn tha thiết với ước muốn trở thành vợ của ông bầu nữa. Bà nhận ra Chín Vọng chỉ thích hưởng thụ thể xác mà ông ta cho rằng “để ban ơn” và không thích cho ai cái gì.
Rồi Tư Trà chỉ lo làm tròn trách nhiệm của một chị nuôi, an phận cảnh mẹ goá con côi, chăm sóc cho Phượng Vân trở thành người hữu dụng mai sau.
Bỗng một đêm ông bầu Chín Vọng lại mò vào mùng bà lúc mọi người trong gánh hát đang trong giấc ngủ say. Ông ta nói:
– Cái con Diễm Sương lúc này chảnh quá! Nó đòi qua trả cátsê cao gấp hai lần, hoặc trở thành bà bầu gánh cùng qua, nếu không chịu nó dẫn theo thằng kép mùi Uyên Giang bỏ gánh Long Vũ đi luôn!
Tư Trà liền hứ lên một tiếng, rồi bà tỏ ra giận dỗi nói với Chín Vọng:
– Chắc nó đòi hỏi như vậy chưa được nên đá anh Chín rớt xuống giường, bây giờ anh Chín mới chịu mò vô đây tìm tui!
Ông bầu Chín Vọng vẫn còn giọng than thở:
– Thôi mà Tư Trà, em giận làm chi tội nghiệp cho thân qua! Giờ đây qua mới nghĩ lại, chỉ có em là chung tình, mười mấy năm nay dù no hay đói vẫn đi theo gánh hết!
Tư Trà vẫn chưa thôi giận trong lòng, bà nói:
– Anh Chín chỉ biết hưởng thụ khoái lạc chứ có nhớ đến ai đâu, đâu hiểu tình cảnh đàn bà goá như tui, chờ đợi anh từng đêm!
– Thì đêm nay anh đến với em đây!
Tư Trà lại hứ lên một tiếng dài như ngày xưa bà từng sắm vai đào độc, đoạn nói tiếp:
– Thôi cũng được, nhưng tui cũng có điều kiện:
nếu anh Chín muốn... nối lại tình xưa!
Có lẽ Chín Vọng còn ấm ức bởi chuyện cô đào Diễm Sương làm mình làm mẩy với ông. Ông ta bèn hỏi lại ngay:
– Điều kiện gì em nói cho qua biết, nhưng qua biết Tư Trà không đòi hỏi quá đáng như con Diễm Sương đâu.
Tư Trà từng đóng vai đào lẳng đào độc, từng trải qua các tuồng tích tình cảm thời đại, nên bà mới quay sang nhìn Chín Vọng rồi tình tứ nói:
– Tui không đòi hỏi như con Diễm Sương làm vợ ông bầu gánh đâu, chỉ muốn anh Chín đào tạo con Phượng Vân trở thành một đào thương để mai mốt thay con Diễm Sương trên sân khấu. Anh Chín có chịu vậy không?
Lời đề nghị của Tư Trà không vượt qua tầm tay của Chín Vọng. Nghĩ lại năm nay Phượng Vân cũng đã mười bốn, mười lăm tuổi, đang trong thời kỳ trổ mã, thêm vài năm đào tạo thành nghề là đủ sức đóng vai đào chánh. Ông mới nói:
– Tưởng em ra điều kiện gì, chứ chuyện đào tạo cho con Phượng Vân thành đào hát dễ như trở bàn tay...
Từ ngày đó hai người chăm chút lo cho Phượng Vân tập dượt, từ tì nữ, vũ công cho đến vai đào phụ, rồi năm Phượng Vân sắp bước qua tuổi mười bảy lại cho đóng thế vai chánh, khiến cô đào Diễm Sương vô cùng tức tối sinh ra ghen tị.
Bây giờ Tư Trà đã tuổi bốn mươi, bà nằm bên con gái hiểu được nỗi ẩn ức của con, hiểu được phe phái trong gánh hát nhưng ông bầu Chín Vọng quá nhu nhược. Làm bầu gánh chỉ biết lo thoả mãn dục tình, còn điều hành giao cho tên kép mùi Uyên Giang để đổi lấy cặp đào kép Uyên Giang - Diễm Sương ở lại trong gánh hát.
Những đêm Phượng Vân nằm khóc tâm sự với bà, Tư Trà chỉ còn biết lựa lời an ủi con:
– Ông Chín Vọng làm bầu mà nhu nhược quá, tiếng nói không có chút trọng lượng nào để tụi thằng Giang con Sương làm mưa làm gió trong gánh, để hôm nào má nói cho Ông Chín biết đến vụ này.
Phải chăng Phượng Vân chịu ảnh hưởng bởi cái gien của má nàng - thứ gien yêu kiếp cầm ca đã ngấm vào máu thịt? Biết hiến thân cho một ai nếu đem đến cho nàng thứ ánh hào quang dưới ánh đèn màu sân khấu?
Năm Phượng Vân vừa tròn mười bảy tuổi, nàng bắt đầu ảnh hưởng bởi cái gien ấy! Phượng Vân bắt đầu sắm các vai đào lẳng đào thương, bộc lộ rõ tính nết lẳng lơ như bà Tư Trà năm xưa thường hay diễn xuất, làm mọi người ai cũng khen là nàng diễn rất xuất thần.
Mới mười bảy tuổi nhưng có ai biết Phượng Vân chưa qua tuổi thành niên.
Tướng người cao dong dỏng, thân thể đẫy đà như cô thiếu nữ vừa qua tuổi đôi mươi. Phượng Vân ôm xà nẹo lấy anh kép Uyên Giang ngay trên sân khấu giống như thật ngoài đời.
Bởi không ai biết với tuổi mười bảy Phượng Vân đã bước qua đời con gái...
Một hôm gánh hát Long Vũ xuôi về một vùng cây trái, nơi có những quả xoài to, vỏ mọng vàng đã hút hồn mọi người. Ai nấy đều được ông bầu cho nghỉ xả hơi, cho tự do đi tham quan đây đó.
Riêng ngày hôm đó, cô đào chánh Diễm Sương lại bị ông bầu chôn chân bắt ở lại nhà trọ. Còn bà Tư Trà cũng không thể đi theo con gái do phải lo cơm nước cho mọi người.
Đôi đào kép trẻ Uyên Giang cùng Phượng Vân nắm lấy tay đi vào khu vườn xoài rợp bóng cây. Người chủ vườn biết cả hai là đào kép của gánh Long Vũ đang dựng rạp trong xã, đã mặc tình cho cả hai tung tăng đi dạo trong vườn không cần phải giữ gìn.
Phượng Vân là gái mới lớn đang trong tuổi dậy thì, nàng còn vô tư chưa biết đến mùi đời nhưng đang bắt đầu cảm nhận ra giữa da thịt nam nữ khi va chạm như có luồng điện giật trong người. Cho nên Phượng Vân tò mò muốn tìm hiểu thứ cảm giác ấy.
Bởi vậy ngày hôm đó Phượng Vân được tự do đi bên Uyên Giang, một anh kép mùi mà từ lâu nàng xem như thần tượng. Anh ta có giọng ca thanh thoát, khi xuống đủ sáu câu nghe thật mùi mẫn, lại diễn toàn những vai đa tình hào hoa phong nhã, trên sân khấu luôn có mấy đào chánh, đào phụ xum xoe ôm lấy anh thật tình tứ vô cùng.
Đến khi Phượng Vân trở thành đào mầm non trong gánh hát, nàng càng tiếp cận với Uyên Giang nhiều hơn, anh ta tỏ ra chăm chút nàng dù ở sau hậu trường hay ngoài sân khấu, thường ôm lấy nàng âu yếm như một người tình.
Cải lương không như phim chiếu bóng được cho hôn môi, nên cứ giữ mãi truyền thống cố hữu không được phạm thuần phong mỹ tục. Đôi khi trên sân khấu trong những vở tuồng tình cảm, Uyên Ciang chỉ dám hôn phớt lên bên má Phượng Vân, khiến đêm về nàng đâm mơ mộng sẽ có ngày nào như... hôm nay; được anh ta ôm trong vòng tay, rồi thật sự đặt nụ hôn lên môi, để xem cảm giác sẽ ra sao.
Điều tò mò đó Phượng Vân cầu được ước thấy, khi hai người đến một khu cây cối xum xuê cành lá, Uyên Giang liền dìu Phượng Vân ngồi xuống bãi cỏ xanh những lá. Đoạn anh ta nhìn nàng đắm đuối nói:
– Phượng Vân đi theo gánh hát Long Vũ, em đã biết yêu ai chưa?
Phượng Vân lắc đầu, nàng vô tư đáp:
– Em còn nhỏ có biết yêu đương là gì đâu!
– Nhưng Phượng Vân coi trong tuồng tích rồi diễn cặp với anh, bộ không hiểu tình yêu là gì sao?
Nghe Uyên Giang hỏi đến đây làm Phượng Vân cảm thấy đỏ mặt, nàng đâm ấp úng, trả lời:
– Cũng biết, nhưng trong gánh hát có ai đâu để em đặt trái tim vào người ấy?
Còn anh đã có cô Diễm Sương rồi!
Tên kép Uyên Giang liền đáp:
– Anh đâu có gì với Diễm Sương, cô ấy là người của ông bầu Chín Vọng, như Phượng Vân thấy hôm nay cô ta phải ở bên ông ấy. Còn anh vẫn sống độc thân mà!
Phượng Vân nhìn anh ta, rồi nàng nguýt một hơi dài mới nói:
– Xí, không dám đâu! Em thấy hai người cứ xà nẹo bên nhau như vợ chồng.
Sở dĩ hôm nay cô Diễm Sương ở nhà với ông Chín là vì...
– Vì sao? - Kép Uyên Giang tuy biết rõ Diễm Sương ở lại nhà trọ cùng Chín Vọng để làm gì, nhưng anh ta muốn Phượng Vân phải nói ra.
Phượng Vân vẫn vô tư đáp:
– Em nói là vì cô Diễm Sương muốn lấy lòng ông Chín, nếu không ổng đuổi đi tìm cô đào khác về thay ngay.
Kép hát Uyên Giang nghe xong chợt thở dài. Câu nói của Phượng Vân quá đúng với Diễm Sương trong thời gian này:
ông bầu muốn đào tạo Phượng Vân trở thành cô đào chánh trong gánh, như để hăm doạ cô ta. Nghĩ đến đây Uyên Giang lại chăm chú nhìn Phượng Vân, rồi đưa tay ôm lấy nàng đoạn nói:
– Diễm Sương chỉ mê anh chứ làm sao cô ta dám xa ông bầu, nên đôi khi anh thấy mình cô độc quá! Rồi từ khi Vân lên sân khấu diễn chung, anh mới nhận ra là em đẹp hơn Diễm Sương nhiều, khiến anh phải say mê nhưng không dám nói.
Nói đến đây Uyên Giang mới siết nhẹ người Phượng Vân vào trong vòng tay, đoạn nói tiếp:
– Hôm nay hai đứa mình tự do, tâm sự thầm kín này đang bộc phát trong anh dữ dội, nên anh phải nói ra cho Phượng Vân hiểu tâm trạng của anh bây giờ là lời nói thật tình.
Phượng Vân cứ lâng lâng người sau mỗi câu nói của anh kép trẻ Uyên Giang, nàng muốn run rẩy trong cánh tay anh nhưng cố kiềm chế lại để nói:
– Anh nói yêu em mà sao cứ để cô Diễm Sương ăn hiếp em hoài, còn tụi nhạc công cũng vậy, đến lúc em xuống câu vọng cổ nào là chúng gảy đờn đánh phách cho trật nhịp, làm em buồn muốn chết.
Uyên Giang hiểu rõ tâm trạng của cô gái mười bảy tuổi, dù ông bầu Chín Vọng muốn cất nhắc nàng trở thành đào chánh, nhưng Diễm Sương nhận ra điều đó đã ganh tỵ toạ rập với mọi người nhằm không cho nàng được nổi lên.
Bởi vậy Uyên Giang liền tỏ ra là người có thực quyền, anh ta nói ngay:
– Để anh trị bọn nhạc công, nếu thằng nào còn dám phá đám Vân, anh nói ông bầu đuổi cổ chúng, rồi đi tìm nhóm khác về. Em đừng lo gì nữa!
– Nhưng còn Diễm Sương?
– Diễm Sương à? Cô ta rất sợ anh, nếu anh không đóng cặp là cô ta sẽ hết thời ngay. Diễm Sương đã trên ba mươi tuổi rồi còn gì!
Vừa nói Uyên Giang đã lôi kéo Phượng Vân nằm xuống bên, đoạn đưa tay vuốt ve lên thân thể nàng, làm Phượng Vân có cảm giác lâng lâng trong người.
Chẳng mấy chốc nàng đã run rẩy trong vòng tay thần tượng mà không chút phản đối.
Có lẽ đây là lần đầu Phượng Vân cảm nhận ra thứ cảm giác khi nam nữ ở gần bên nhau là như thế nào, bởi trên sân khấu khi nàng hát với Uyên Giang được anh nắm tay cũng không làm nàng xao xuyến người như bây giờ.
Đời người con gái chỉ có một lần duy nhất, cho nên bấy giờ Phượng Vân chấp nhận tất cả không một chút ân hận hay hối tiếc. Vì Uyên Giang đã nói yêu nàng bằng thứ tình yêu chân thật, và cũng vì tương lai sự nghiệp trong đời ca hát, nàng đang cần anh ta dìu dắt để vượt qua mọi chướng ngại.
Tục ngữ có câu “ăn quen rồi, nhịn không quen”. Đôi khi Phượng Vân thấy Uyên Giang đi đôi với Diễm Sương trong phòng trọ là khiến nàng muốn nổi máu ghen, định đến lôi kéo anh ta xa rời ngay khỏi tay cô đào chánh ấy.
Nhưng rồi nghĩ đến thân phận mà Phượng Vân tủi thân đành im lặng đứng nhìn, nàng chỉ là con của một bà bếp, không có phe cánh trong gánh hát như cặp Uyên Giang với Diễm Sương. Chỉ có ông bầu Chín Vọng là còn bênh vực cho nàng, nhưng ông quá nhu nhược lại rơi vào bẫy tình của Diễm Sương.
Phượng Vân muốn đánh ghen Diễm Sương chỉ nhận phần thua thiệt, đôi khi hai mẹ con nàng còn phải cuốn gói ra đi, bởi lúc này tên tuổi nàng chưa được ai biết đến.
Nghĩ như vậy Phượng Vân đành ngậm đắng nuốt cay, nên mỗi khi lén lút gặp lại Uyên Giang, nàng chỉ biết khóc để nói lên nỗi niềm tâm sự ấy:
– Anh Giang sao ác quá! Anh lấy đi cuộc đời trong trắng của em, nói là yêu em thành thật. Vậy mà cứ bỏ rơi em đi với Diễm Sương, làm em nhớ anh muốn chết đi sống lại!
Lời than thở của cô đào trẻ không làm anh kép Uyên Giang bấy giờ thấy động lòng, anh ta đã lấy xong cuộc đời nàng, nên bây giờ Phượng Vân chỉ là món hàng cho anh ta giải trí; nàng không tên tuổi và chỉ là thứ đào nhí không phe cánh trong gánh hát.
Còn Diễm Sương lại khác, cô ta có tên tuổi trong làng kịch xướng. Nếu bỏ rơi cô ta chưa chắc anh thành người nổi tiếng, trái lại sẽ bị vùi dập không ngóc đầu lên nổi.
Uyên Giang từng thấy Diễm Sương đón tiếp mấy ông chuyên viết trang kịch trường, mỗi lần cô ta tiếp họ là mấy ngày sau có báo lăng xê không tiếc lời, hoặc đả kích một nghệ sĩ nào đó mà anh biết chính Diễm Sương đã tung tin.
Phượng Vân muốn ở trong giới cầm ca phải biết chấp nhận, nghệ sĩ thay chồng đổi vợ như thay áo hàng ngày.
Nhìn lại Phượng Vân thân cô thế cô, đôi khi cũng khiến anh kép Uyên Giang mủi lòng, nên đôi khi anh ta đành phải lựa lời an ủi lại nàng:
– Phượng Vân đừng vội trách anh vô tình với tình yêu của hai đứa mình. Sở dĩ anh đi với Diễm Sương là vì em, muốn cô ta thôi ganh tị để em mau chóng phát huy tài nghệ. Em thấy sau này bọn nhạc công có ai dám phá đám khi em ca nữa không?
Phượng Vân không thể phủ nhận điều đó, cũng như mẹ nàng hàng đêm ngồi sau cánh gà nhắc tuồng đã có nhận xét:
– Mày đã cặp với thằng Uyên Giang, phải vậy không con?! Mày đã hiến thân cho nó để đổi lấy tiếng nhạc và cả sự im lặng của con Diễm Sương?
Với tuổi mười bảy, Phượng Vân nào từng trải đời như mẹ nàng, nên lúc ấy nàng cố cãi lại:
– Má chỉ đoán mò, anh Uyên Giang coi con như em gái nên ảnh mới giúp đỡ vậy thôi.
Tư Trà liền trừng mắt nhìn con, bà nói:
– Tao theo gánh hát này trên hai mươi năm, biết rõ con ruồi bay qua là ruồi cái hay ruồi đực, cả con ruồi cái nào bụng mang dạ chữa nữa. Vậy mày đừng lấy vải thưa che mắt thánh.
Vừa nói bà Tư Trà vừa hứ lên mấy tiếng, như đã hiểu rõ tất cả. Rồi bà lại nói tiếp:
– Thằng Uyên Giang đâu phải thứ người quân tử, mày như cục mở trước miệng mèo làm sao nó lại không ăn. Cho nên mày muốn gì phải có qua có lại mới toại lòng nó chứ! Mà tao thấy mày có gì ngoài tấm thân con gái đâu? Mày mất trinh vì thằng kép dâm đãng này rồi con ơi!
Câu nói thẳng thừng của mẹ làm Phượng Vân không giấu giếm được nữa.
Nàng mới trả treo nói như để phân trần:
– Con cũng như mẹ hồi xưa, muốn đạt được mục đích phải hiến thân cho người ta. Nhờ vậy tài nghệ mới không bị trù dập.
Nghe câu trả lời trơ tráo của con gái làm bà Tư Trà muốn tát chéo cho Phượng Vân một cái để răn dạy tính hỗn xược, nhưng nghĩ lại cuộc sống của hai mẹ con và bà cũng mong nàng trở thành cô đào hát nổi danh nên đành chấp nhận cho con gái thử trao đổi như thế.
Thế rồi chuyện ăn nằm lén lút giữa Phượng Vân với tên kép Uyên Giang cũng bị ông bầu Chín Vọng phát giác. Ông ta thấy tức tối khi hay biết tên kép trẻ đã phổng tay trên ông.
Phượng Vân là người ông ta bảo bọc mười mấy năm nay, từng đợi chờ ngày nàng mọc đủ lông đủ cánh mới đem ra vặt lông vặt cánh, thế mà vẫn chậm đi một bước.
Dù tức giận tên kép Uyên Giang, nhưng ông bầu Chín Vọng không thể trả mối thù này, bởi đào kép Uyên Giang với Diễm Sương đang làm người hâm mộ say mê, hàng đêm kéo màn đều đông kín người ái mộ. Vì thế ông chỉ biết nuốt nước bọt để tiếc nuối, đành chịu hưởng sau thiên hạ.
Một hôm Chín Vọng sai Tư Trà lên tận chợ tỉnh mua thêm đạo cụ, ở lại nhà trọ ông ta vội kêu Phượng Vân đến phòng để hỏi chuyện:
– Chú thấy hình như cháu thường qua lại với thằng kép Uyên Giang?
Phượng Vân hết bị mẹ tra vấn giờ đây đến lượt ông bầu. Nàng cũng cố cãi lại:
– Chú Chín nói gì con không hiểu? Thì hàng ngày hai đứa tập tuồng rồi diễn trên sân khấu, qua lại gặp nhau là chuyện thường mà!
Ông bầu Chín Vọng đâu chịu buông tha con mồi có thân xác đẫy đà như thế kia. Gái mười bảy bẽ gãy sừng trâu được rồi, mà sao khi nhìn còn thấy gợi cảm hơn cả cô đào Diễm Sương. Ông mua gánh hát Long Vũ chỉ có mục đích để thoả mãn tính háo sắc, được ôm ấp kề cận với mấy cô đào hát.
Chín Vọng chưa ôm được Phượng Vân ngay từ đầu để tên kép Uyên Giang hớt trên tay, đã làm ông mất mặt, tự ái bị tổn thương nặng nề. Bây giờ ông phải gở gạc lại chút công cưu mang hai mẹ con Tư Trà mười mấy năm nay mới thoả được lòng.
Chín Vọng liền húng hắng lên tiếng:
– Cháu làm sao qua mặt được chú, nhìn dáng đi đứng của cháu là chú hiểu cháu từng tư tình và với ai trong gánh hát này rồi. Không ngoài thằng Giang, còn mấy người kia đều đã có gia đình.
Phượng Vân lấm lét nhìn ông bầu Chín Vọng, nàng không biết ông nói điều này ra làm gì. Phượng Vân biết ông ta thường đến tằng tịu với mẹ nàng, cho nên muốn biết rõ để nói với bà chuyện giữa nàng với Uyên Giang chăng?
Mà chuyện này mẹ nàng đã biết rồi, cho nên Phượng Vân không cảm thấy lo sợ nữa. Nàng mới trả lời lại ông bầu:
– Thì trai chưa vợ gái chưa chồng, tụi con có quyền yêu nhau chứ chú!
– Phải mà không phải. Vì chú là bầu gánh, muốn đuổi ai ra khỏi gánh hát mà không được. Thí dụ như chú đuổi hai mẹ con cháu, vậy thằng Giang có dám đi theo không? Hay nó sẽ ở lại với con Sương? Hoặc ngược lại chú đuổi thằng Giang, nó sẽ kéo theo con Sương chứ không phải là cháu đâu!
Nghe ông bầu Chín Vọng phân tích tình cảm tay ba giữa nàng với Uyên Giang và Diễm Sương. Bấy giờ Phượng Vân mới thấy choáng váng, thấy nàng đặt tình yêu không đúng chỗ, giao đời con gái lầm người.
Trong lúc đó, Chín Vọng đã nói tiếp:
– Chú biết thằng Giang hứa hẹn sẽ đỡ đầu cho cháu trên đường xây dựng sự nghiệp cầm ca, đấy chỉ là lời nói suông, bởi nó có gì đâu ngoài tài ca diễn. Chú mới đúng là người để đỡ đầu cho cháu, vì chú là bầu gánh. Còn thằng Giang chỉ thuộc người làm công, nên chú muốn đuổi đi lúc nào mà không được. Nhưng mà thôi...
Nói đến đây đôi mắt Chín Vọng bỗng long lên chăm chú nhìn Phượng Vân hau háu, khiến nàng đâm hoảng sợ với ánh mắt ấy. Thấy ông bầu không nói thêm nữa, làm Phượng Vân khấp khởi mừng thầm và thấy cần xoa dịu với ông ta đôi câu:
– Chú bỏ qua chuyện giữa cháu với anh Uyên Giang rồi phải không? Vậy cháu cám ơn lời chú vừa nhắc nhở.
Ông bầu Chín Vọng liền lắc đầu, ông ta vội vàng làm nghiêm nét mặt lại mà nói:
– Nếu cháu mà có bầu như má cháu ngày xưa, chú phải cho cháu thôi hát.
Khán giả miền quê họ mê tín dị đoan lắm.
Khi ra đòn này Chín Vọng biết Phượng Vân sẽ phải lo sợ, bởi ai mang nghiệp cầm ca mà bị đuổi hát chẳng khác nào như mang bản án chung thân, sống không bằng chết.
Còn ở tuổi Phượng Vân bấy giờ lại ít giao tiếp với đời đâu hiểu thế nào khi bụng mang dạ chừa. Vì vậy nàng thấy lo lắng thật sự, nhìn ông bầu bằng đôi mắt cầu khẩn, rồi lắp bắp nói:
– Chắc không có đâu chú Chín, xin chú thương hai má con cháu!
Chín Vọng chỉ chờ có vậy, ông ta mới tỏ cừ chỉ như để ra ơn, kéo vội Phượng Vân vào lòng ôm ấp như con cháu, tay vuốt ve lên mái tóc nàng rồi thì thầm nói bên tai:
– Nếu Phượng Vân muốn trở thành nghệ sĩ nổi danh, qua sẽ giúp hết mình bởi qua có đủ điều kiện. Qua sẽ đuổi cặp Uyên Giang - Diễm Sương đi khỏi gánh hát cho Phượng Vân lên sắm vai đào chánh.
Phượng Vân nghe ông bầu đòi đuổi Diễm Sương ra khỏi gánh hát cho nàng đứng thay vai thì trong lòng rất mừng rỡ, nên nàng liền gật nhẹ đầu vào ông ta.
Thấy Phượng Vân đã rơi vào bẫy, Chín Vọng lại lên tiếng nói tiếp:
– Nhưng với điều kiện...
Chín Vọng thường nói lấp lửng như để thăm dò thái độ của Phượng Vân.
Còn nàng khi nghe ông bầu đã đổi cách xưng hô đã lấy làm ngạc nhiên, liền ngước mặt lên thấy đôi mắt ông ta đang nhìn nàng một cách đắm đuối, còn vòng tay ông đang siết lấy thân thể nàng vào sát người hơn.
Trước đây Phượng Vân nằm trong vòng tay của Uyên Giang nàng thấy thật hạnh phúc, như anh đang âu yếm vuốt ve. Còn bây giờ cũng đang trong vòng tay của ông bầu lại khiến nàng sợ hãi, định thoát ra khỏi đôi tay ấy nhưng không thể được.
Phượng Vân run giọng hỏi:
– Chú Chín muốn có điều kiện gì?
– Cho qua được ôm ấp Phượng Vân như thằng Giang vậy!
Lời nói trắng trợn của ông bầu Chín Vọng làm Phượng Vân thêm sợ, nàng liền lắc đầu đáp:
– Không được đâu chú Chín, má con biết được bả sẽ giết con chết. Vả lại chú Chín thường đi lại với má con, như vậy con lăng nhăng quá!
Cơn dâm tính đang cuồn cuộn nổi trong người, ông ta không còn uốn lưỡi bảy lần trước khi nói, mà bằng giọng kẻ trên trước liền buông ra lời hăm doạ nàng ngay:
– Nếu Phượng Vân không ưng qua là đánh mất tương lai tươi sáng đang chờ đón đó, vì hai má con em phải đi khỏi gánh hát, thứ mang bầu không người thừa nhận sẽ gây xui xẻo cho mọi người lắm.
Phượng Vân nghe câu hăm doạ, nàng đã phải phân trần tiếp:
– Nhưng con có mang bầu với anh Uyên Giang đâu mà chú nói thêm nói bớt!
– Qua phải nói như vậy mới có cớ cho hai má con em ra đi. Còn nếu em chịu điều kiện của qua, ở lại đây qua sẽ lo xong mọi chuyện.
Chín Vọng vừa dùng cây gậy lại thêm củ cà rốt nhử trước miệng thỏ, làm thái độ của Phượng Vân đang từ chống đối đã tỏ ra mềm mỏng hơn. Nàng mới hỏi khẽ lại ông bầu:
– Vậy chú Chín hứa đuổi cô Diễm Sương đi, cháu mới ưng điều kiện của chú!
Chín Vọng không chờ đợi gì hơn câu nói này, ông ta đã gật đầu lia lịa đoạn lên tiếng trả lời:
– Muốn Phượng Vân trở thành đào chánh thì qua phải đuổi Diễm Sương đi khỏi gánh hát, mà cô đào này cũng làm qua bực mình từ lâu rồi, vì chưa có ai thay vai nên qua còn dung dưỡng cho đến nay.
Lời hứa hẹn của Chín Vọng trước Phượng Vân nghe thật ngọt ngào, làm nàng lại tin vào lời nói của ông bầu, như trước đây nàng từng tin vào lời nói của tên kép Uyên Giang.
Lúc này bên tai Phượng Vân chỉ nghe văng vẳng câu nói thì thầm:
– Từ giờ trở đi Phượng Vân đừng gọi qua bằng chú nữa. Hãy gọi bằng anh Chín, còn Phượng Vân xưng em hay xưng tên nghe cho ngọt...
Phượng Vân đang nằm nhắm mắt nghĩ đến tương lai, nàng sẽ trở thành cô hát nổi danh.