QUÁN GIẢI KHÁT CỦA BÀ LÀNH NHỎ nhưng sạch sẽ, gọn gàng. Bà Lành đôn hậu, luôn xởi lởi nên quán đông khách. Quán nằm đối mặt với khách sạn Hoàng Nguyên và phía sau lưng là trường cấp 3 của thành phố. Mấy tháng nay, có đứa cháu gái dưới quê lên phụ giúp nên bà cũng nhàn nhã hơn. Những khi rảnh khách, bà thường ngồi bế đứa cháu ngoại và ngồi nhìn sang phía khách sạn. Cứ nhìn vậy, chẳng biết trong đầu bà đang nghĩ gì? 
Bên ấy có một người khách đã làm bà chú ý. Thấy lạ mà chú ý, chứ bà chẳng có ý gì xấu đâu. Ông khách là lạ ấy đến đấy đã ba ngày rồi, mà hình như chẳng đi đâu. Một lần, mới chỉ một lần thôi, ông ấy vào quán của bà. Ông ta có mái tóc xoăn, rậm rì; cộng với cặp kính đen, bộ ria mép đen càng tôn thêm cái vẻ ngồ ngộ. Ông thường ra ngồi ở một góc của phòng lễ tân, nhìn sang phía đối diện. Sáng thứ tư, ông khách sang đường, lững thững vào quán bà lần thứ hai. Ngồi vào bàn kê ở góc quán, ông gọi một li cafe, cứ nhâm nhi và ngồi mãi đấy như chờ ai, đợi ai. Khách đã vắng, ông gọi bà chủ quán lại và thưa:
- Cảm phiền bà! Tôi muốn nhờ bà chút việc.
- Có việc gì ông cứ nói.
Lưỡng lự giây lát, rồi ông cũng nói rõ ý định của mình:
- Tôi có một người bạn tên là Tân đang dạy trong trường cấp ba. Không tiện vào trường, nhờ bà hỏi giùm tôi số điện thoại của thầy ấy.
- Trong trường có hai thầy tên Tân, bạn của ông dạy môn gì?
- Anh ấy dạy Vật lí.
- Tưởng ông nhờ chuyện gì khó, các thầy trong ấy vẫn thường uống cà phê ở đây. Sáng mai chắc có thầy ra quán, tôi sẽ hỏi hộ ông.
Đã nhập số điện thoại của Tân mà bao nhiêu lần mở máy, Tính lại tắt đi. Rồi như đã quyết định, lần này ông gọi:
- A lô! có phải anh Tân đấy không? Tôi là Tính, tôi muốn gặp anh và có việc muốn nhờ anh giúp.
Từ máy bên kia:
- Xin lỗi! Tính nào nhỉ, tôi không quen ông. Có việc gì mời ông vào trường cấp ba. Sáng nay tôi có giờ dạy, chúng ta sẽ gặp nhau.
- Cảm phiền anh, tôi không thể vào trường được. Anh ra khách sạn Hoàng Nguyên, tôi ở phòng 302. Tôi có việc thiết tha muốn nhờ anh giúp.
Dẫu không quen biết, nhưng người ta đã nhờ khẩn thiết vậy nên hết giờ dạy, Tân cuốc bộ sang khách sạn. Anh vừa đi, vừa lục lọi trong trí nhớ: Tính là ai, sao lại không vào trường gặp mình?...
Cửa phòng 302 khép hờ. Tính đang chờ Tân. Bước vào phòng, Tân gặp ngay một người lạ hoắc, không thể biết được ông ấy là ai. Dáng đi hơi lệch về bên trái, vì cánh tay phải không còn. Mái tóc xoăn tít trùm lấy đầu. Bộ ria mép rậm rì, gần như che kín cái miệng. Với giọng nói Nam Bộ khàn khàn, Tính vừa giới thiệu, vừa mời Tân ngồi xuống ghế:
- Anh ngồi xuống đi. Đừng nhìn tôi chằm chặp như vậy. Anh không thể nhận ra tôi đâu. Ba bảy năm rồi, bình thường cũng khó nhận ra nhau, huống hồ tôi lại trong bộ dạng thế này. Tôi là Tính, quê ở xóm Vĩnh Yên, học cùng khoá với anh, nhập ngũ với anh một ngày hồi bảy hai. Anh còn nhớ nữa không?
Không thể là thằng Tính. Bộ dạng này không thể là Tính. Ngày đó, tóc nó có quăn đâu. Sao nó lại nói giọng Nam Bộ? Không thể chờ đợi được nữa, Tân sốt sắng:
- Ông là ai, ông nói thật đi? Ông cần gì ở tôi?
Tính đưa cánh tay còn lại lên lột mớ tóc giả ra, và giở bộ ria mép xuống, trước sự ngỡ ngàng của Tân. Trời đất! Đúng thằng Tính rồi. Nó là ma hay người, biệt tăm gần 40 năm rồi nay lại xuất hiện. Vì sao nó phải giả dạng như vậy? Giả dạng để làm gì? Nhận biết đúng mặt thằng Tính, máu trong người Tân bỗng chốc như muốn sôi lên. Vì nó, bao nhiêu năm nay anh phải sống vật vã trong những cơn đau. Vì nó, ba bảy năm trước đơn vị anh đã phải khốn đốn. Những thằng như nó sao không chết quách đi. Mà còn sống sao dám vác cái mặt đớn hèn, phản bội về đây. Nó là kẻ thù, kẻ thù không thể đội trời chung.
Nhìn ánh mắt long lên ròng sọc, hai bàn tay nắm chặt lại của Tân, Tính sợ. Mặt hắn tái đi. Lấy lại bình tĩnh, Tính rót một cốc nước đưa cho Tân, một cốc cho mình. Uống trọn cốc nước, như một bản năng tự vệ của kẻ yếu hèn, Tính quỳ xuống trước mặt Tân:
- Bình tĩnh đi Tân ơi. Chuyện đâu còn có đó. Vả lại, chuyện đã qua đi gần 40 năm rồi. Tôi quỳ xuống van lạy anh tha thứ. Biết là về đây gặp anh, anh thù, anh căm phẫn tôi là điều không thể tránh khỏi, nhưng tôi không còn ai khác để nhờ vả việc này. Tôi đang cần anh giúp đỡ.
Uống xong cốc nước, và trước những lời van lơn của Tính, lòng Tân đã dịu xuống. Những khi vết thương tái phát hành hạ, anh nghiến răng lại để cố quên đi hình ảnh của một kẻ phản bội, một kẻ đê hèn, vì nó mà anh phải sống trong đau đớn bao nhiêu năm nay. Trong chốc lát, quá khứ nhục nhã của một thằng bạn đã chôn chặt trong anh bao nhiêu năm rồi, nay đã ào về.
 

*

Ấy là mùa hè năm bảy hai. Trên dãy núi Sơn La, bom pháo mổ chát chúa, chớp giật như giông bão đã gần chục ngày. Không một giây ngơi nghỉ tiếng nổ. Không tài nào phân biệt được đâu là tiếng súng của ta, đâu là tiếng nổ của địch. Ban ngày, nhìn lên ngọn núi thấy một màu đỏ quạch của đất rừng bị cày xới, trộn lẫn những làn khói đen kịt. Ban đêm nhìn lên ngọn núi, có cả trăm ngọn lửa từ những đám cháy bốc lên. Ánh lửa từ ngọn núi hắt lên, trên trời áng sáng từ những chiếc pháo sáng ma quái hắt xuống, tất cả tạo nên một thứ ánh sáng nhập nhoè, quái dị. Hai bên giành giật dãy núi cả tuần rồi, chưa phân thắng bại. Chiều hôm ấy, đại đội của Tân lại tiếp tục tấn công lên đỉnh. Trận ấy thắng. Thương vong không nhiều, nhưng một trường hợp hi hữu đã xảy ra, đã có một tay chạy sang phía bên kia, đấy là thằng Tính. Hắn đã bị địch chiêu hồi.
Lúc đang đánh nhau, việc thằng Tính bị chiêu hồi mới chỉ là ngờ ngợ. Năm ngày sau, sự thể đã rõ ràng. Địch mở một trận tấn công mới. Lần này trận tấn công của chúng có quy mô lớn hơn. Sau những trận pháo kích dữ dội, hai thằng OV.10 quần lượn, xoi mói, rồi từ trên một chiếc, tiếng loa chiêu hồi phát ra những âm thanh nghe đến rợn người. Chúng đang gọi Việt cộng hạ súng đầu hàng, về với chính nghĩa quốc gia. Chúng gọi đúng tên Tiểu đoàn trưởng, tên Đại đội trưởng  đơn vị Tân. Đúng là thằng Tính đã chạy theo địch. Tin tức phát ra từ chiếc OV.10 kia là do thằng Tính cung cấp.
Trận ấy, đại đội Tân lại bị đánh bật xuống, Tân bị thương nặng. Vì thằng Tính mà anh buộc phải rời quân ngũ từ sau trận đánh. Cứ mỗi lần nghĩ về nó, lòng anh lại sôi lên vì căm giận, vì thấy nhục nhã thay cho một thằng bạn đồng hương. Là sinh viên một lứa với nhau, hàng trăm đứa đã đứng vững nơi ác liệt nhất mùa hè năm ấy, tại sao nó đớn hèn đến vậy? Kẻ bạc nhược, kẻ hèn nhát, kẻ phản bội... Sao nó không chết đi, để đến bây giờ lại vác mặt về sụp lạy trước mặt Tân?
Tính thấy Tân không nói gì, hắn cũng im lặng. Được giây lát, Tính vừa kể lể vừa van lơn, nài nỉ:
- Tân ơi, tha lỗi cho tôi. Ngày ấy, hôm tấn công lên đỉnh Sơn La, ác liệt quá, chỉ một phút chao đảo, vậy là...Tưởng sang bên chúng nó, tôi không phải ra trận. Ai dè, ba tháng sau, tôi đã được trả giá. Chính pháo của chúng đã phạt đứt cánh tay của tôi, khi tôi chần chừ tụt lại phía sau trong một trận đánh, không dám cùng chúng nó lên đỉnh.
- Sao mày không chọn một con đường khác, như đào ngũ chẳng hạn?
- Anh xem, đào ngũ rồi đi đâu, về đâu.
- Rồi sau đó mày đi đâu?
Thằng Tính thấy Tân đã dịu lại, hắn bộc bạch hết quảng đời chui lũi 37 năm qua. Điều trị xong vết thương, hắn trở thành thương phế binh. Không còn con đường nào khác, hắn lặn biệt tăm vào tận miệt Nam Bộ sinh sống. Giải phóng rồi, nỗi sợ hãi nhất của hắn là gặp người quen. Sau vài năm giải phóng, trời đất run rủi, hắn biết Tân vào dạy ở trường sư phạm cùng tỉnh. Cách nhau có dăm bảy cây số mà hắn không dám tìm gặp Tân. Cứ mỗi lần có việc lên thị xã là hắn lại hoá trang y như ra sân khấu. Hắn lần mò tin tức gia đình, bà con ở quê. Cha chết, hắn không về được để thắp cho người đã nuôi nấng mình một nén nhang. Từ ngày cha chết, mẹ hắn cũng suy sụp theo. Hắn biết, tất cả hắn biết nhưng không dám về. Và bây giờ, khi đã sắp bước vào tuổi lục tuần, nhớ quê, nhớ cha mẹ, nhớ em...đến cồn cào, đánh liều hắn đã mò về.
Cũng lí thú đây. Tân chăm chú nghe hắn kể. Chăm chú nghe để xem cuộc sống chui lũi của một tên phản bội như thế nào, để xem 37 năm qua hắn sống ra sao. Tính ngừng kể, mắt nhìn qua cửa sổ, xa xăm về một cõi nào đó. Tân hỏi:
- Thế ra đây rồi, sao mày không về luôn dưới đó.
  - Tôi không dám về. Muốn có ai đó cùng đi với mình cho đỡ sợ. Bao nhiêu năm qua tôi vẫn biết tin tức của anh. Ngày anh còn dạy trong đó, đã mấy lần tôi định đánh liều đến gặp anh, nhưng đi rồi tôi lại quay về. Ngày anh chuyển ra ngoài này, tôi thấy hụt hững.
- Thế bây giờ mày cần gì ở tao?
- Bao nhiêu năm tích góp được một ít tiền, tôi muốn về thăm bà cụ, đưa cho bả tiền để dưỡng già. Tôi tính, tôi sẽ giả dạng một người xa lạ để về dưới đó. Về giây lát rồi tôi đi. Tôi muốn có anh cùng đi, thiết tha nhờ anh đi cùng tôi.
Sự thể đã diễn ra vậy rồi, bây giờ Tân có mắng, có chửi, có thù, có hận thì cũng vậy thôi. Tâm trạng ấy, dẫu sao đã dần nguôi ngoai trong anh. Anh bảo thằng Tính cứ đàng hoàng mà về, về xin lỗi mẹ, xin lỗi bà con lối xóm để lấy đường mà trở về lần sau. Lẽ nào nhìn thấy mặt mẹ rồi lại ra đi biệt tăm lần nữa. Những điều Tân nói, Tính biết, nhưng Tính không sao vượt qua được cái rào cản của một kẻ đê hèn, phản bội. Biết đâu mẹ anh, chú bác, bà con lại tống cổ anh ra khỏi nhà. Nếu vậy, anh thấy càng đau khổ hơn, nhục nhã hơn.
Thôi được, ý Tính đã vậy, Tân chiều. Tân và Tính cùng một xã. Thỉnh thoảng về quê, Tân vẫn qua lại thăm gia đình Tính. Bà cụ mẹ Tính, bao nhiêu năm mòn nỏi trông tin con, trong thân tâm bà, linh tính mách bảo, Tính còn sống. Nghĩ mà thương bà cụ, một mình vò võ. Ở một góc nào đấy mà nhìn, nghĩ cũng tội cho Tính. Một vở kịch trở về của Tính được dàn dựng vội, người thủ vai chính là Tính. 
 
Chiều ấy, ngồi sau xe Tân, lòng Tính nôn nao. Tính len lén nhìn sang hai bên phố. Cái thị xã nghèo ngày nào giờ đây đã thay da, đổi thịt. San sát nhà cao tầng. Nhộn nhịp, ngược xuôi đủ các loại xe trên đường phố. Cái đầu chụp mớ tóc giả lên rồi, hàng ria giả gắn chặt vào rồi, đôi mắt đã có chiếc kính đen che kín rồi, vậy mà Tính vẫn ngỡ như có người đã phát hiện ra anh. Con đường về làng đã hiện ra trước mắt. Nó không còn lầy lội, trơn trượt như ngày Tính ra đi. Đường đã được rải nhựa bằng phẳng, thênh thang. Xa xa, trong luỹ tre quen thuộc kia là nhà anh. Những ai đang ở trong đó? Mẹ anh đang làm gì? Cô em gái lấy chồng về đâu? Mộ bố nằm ở đâu?... Bao nhiêu câu hỏi cứ dồn dập đến mà không sao trả lời được. Lát nữa thôi, vở kịch anh diễn có thành công hay không? Lỡ bị lộ, sẽ tính sao đây, chuyện gì sẽ diễn ra đây? Đã ôm choàng lấy Tân, úp mặt vào lưng Tân mà Tính vẫn thấy run, thấy sợ. 
Ba bảy năm rồi, căn nhà lá tềnh toàng nơi Tính chào đời và lớn lên vẫn vậy. Có khác chăng, mái rạ xù xì đã được thay bằng mái ngói. Cũng vừa mới đây thôi, ngói còn vàng óng. Cây bưởi đầu hồi vẫn đấy, nó đã cao vượt lên, xum xuê che lấp cả một phần ngôi nhà nhỏ nhoi. Trong nhà, nghe có tiếng người đàn ông và tiếng dăm ba người đàn bà. Tính chột dạ, đứng sững lại trước hiên. Tân đằng hắng một tiếng rõ to và đẩy Tính vào.
Thấy có khách lạ, mọi người đứng dậy. Tính đảo mắt một lượt quanh nhà. Trên chiếc giường gỗ sẩm đen, bà Mịch - mẹ Tính đang nằm nghiêng, quay mặt vào tường. Trên chiếc bàn kê giữa nhà có mấy hộp sữa, gói đường và mấy quả cam. Tính nhận biết nhanh một số người. Người đàn ông kia là cậu Minh. Người đàn bà, có mái tóc bạc kia là dì Nguyệt...Ông Minh đứng ra bắt tay Tân:
- Chào thầy Tân. Thầy từ trên đó về lâu chưa?
- Dạ thưa, về hồi... sáng. Đây là bạn của tôi, anh ấy ở trong Nam ra. Nghe tin bà cụ đang ốm nặng, chúng tôi sang thăm bà.
Nãy giờ, bà Mịch nằm quay lưng ra ngoài, bà vẫn tỉnh. Nghe thầy Tân giới thiệu có người từ trong Nam ra, bà chống tay uể oải ngồi dậy. Nhanh tay, Tính đỡ bà ngồi lên mép giường, rồi ngồi sát bên cạnh bà. Mắt Tính đang nhoè đi vì quá xúc động, cổ họng nghẹn cứng lại không sao nói nên lời. Tim đang co thắt nỗi đau của một đứa con bất hiếu. Ba bảy năm rồi, ngày ra đi mẹ còn trẻ, còn khoẻ. Phiêu bạt ngần ấy năm, Tính như kẻ lạc loài. Bây giờ trở về, trong bộ dạng của một kẻ giấu mặt. Mẹ đây, cậu đấy, bà con đấy mà Tính không dám ngước mặt lên nhìn. Mắt bà Mịch bị mù, nhưng tai bà còn thính, đôi tay còn mạnh. Chẳng hiểu vì bản năng nhận biết của người mẹ, vì linh tính hay vì một lí do nào khác, bà ôm chầm lấy Tính và nấc lên:
- Trời ơi! Thằng Tính. Bà con ơi, thằng Tính. Con ơi! Bao nhiêu năm nay con ở đâu? Vậy là con tôi còn sống. Ông ơi! Mòn mỏi bao nhiêu năm trông ngóng, khi thằng Tính về thì ông đã ra đi - Bà vừa khóc vừa sờ soạng khắp người Tính. Tiếng khóc của bà càng thống thiết hơn, khi đôi tay già nua dừng lại ở cánh tay cụt của Tính. Bà sờ lên mặt, lên đầu, xoa xoa mớ tóc xoăn. Bộ tóc giả lệch đi và tuột khỏi đầu. Tính từ chỗ bàng hoàng rồi toàn thân như cứng lại, miệng há hốc. Mồ hôi túa ra. Bộ ria giả ngấm mồ hôi đang chực rớt xuống. Tính vuốt mồ hôi, bộ ria theo đó mà mà bị tùa đi. Tính gục đầu vào lòng mẹ, nức nở như đứa trẻ lên năm.
Nãy giờ mọi người đang sững sờ trước cảnh thương tâm của mẹ con Tính. Im lặng trong giây lát, rồi tiếng trầm trồ rộ lên. Vở kịch mà Tân vừa  đạo diễn, vừa là diễn viên đã hạ màn. Hai diễn viên tồi, vở kịch thất bại. Đằng sau bức màn ấy, một người xa lạ đã lộ nguyên hình ông Tính bằng xương bằng thịt như thằng Tính trai trẻ gần bốn mươi năm về trước.
Tân ngồi đấy, lặng đi. Chiến tranh qua lâu lắm rồi, nhưng nỗi đau; và có khi là nỗi đắng cay, nhục nhã đâu đó đang đọng lại trên thân phận mỗi con người, ngần ấy thời gian chưa đủ khoả lấp. Hơn ba mươi năm trong nghề sư phạm, anh đã giải quyết bao nhiêu tình huống, vậy mà tình huống này anh đành để nó cuốn theo tình mẫu tử. Tình cảm thiêng liêng ấy làm sao che lấp được. Nước mắt người mẹ dành cho con, bao giờ cũng là nước mắt từ lòng nhân hậu. Ráng chiều tưởng sẽ tắt nhanh, nhưng lại đang loang loáng, vàng rực trên cánh đồng trước ngõ.
Hà Tĩnh, tháng 7/200

Xem Tiếp: ----