Dời bến đúng giờ quy định (mười lăm phút một chuyến). Chiếc xe khách Hạ Long đi Mỹ Đình – Hà Nội vo vo lăn bánh trên đường Mười Tám. Đường mới rải nhựa phẳng lì, đen bóng. Nhà cửa, phố phường, làng mạc, núi đồi, cây xanh vun vút trôi qua bên ngoài cửa kính. Tháng năm. Mùa hè. Vừa mở mắt ra, trời đã xanh ngằn ngặt. Nắng như lửa thiêu, lửa đốt trần gian. Ở ngoài trời ba mươi sáu độ xê. Nhưng ở trong xe vẫn mát như ru, như có đứa quạt hầu. Mà còn hơn cả quạt hầu. Đó là máy điều hòa nhiệt độ.
Được mát mẻ, thảnh thơi. Lữ khách có người lim dim ngủ gật. Người rì rầm chuyện gẫu. Người lắng tai nghe nhạc, nghe đài…
Qua thị xã Uông Bí, đến lối rẽ, xe không chạy thẳng hướng Đông Triều - Phả Lại, mà rẽ sang đường Mười. Con đường mới tinh, vừa khánh thành đưa vào sử dụng.
Vượt qua cầu Đá Bạc, sang bên kia là đất Hải Phòng. Xe vừa đến chỗ đầm hoang, đồng không mông quạnh thì dừng lại. Không biết có chuyện gì, tôi bỏ dở câu chuyện với ông bạn ngồi bên cạnh, mở cửa thò đầu ra bên ngoài nhìn. Kia rồi. Bên kia đường, đằng sau xe chúng tôi, cách khoảng hơn chục mét, có chiếc ô tô cảnh sát giao thông và ba chiến sĩ áo vàng. Đứng bên cạnh họ, là một chàng trai đầu trần và chiếc Drim Tầu cũ kĩ. Chắc anh ta phạm luật giao thông. Không đội mũ bảo hiểm.
Đây là khu vực giáp ranh, là “vùng biên” giữa hai tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng. Nơi xa trung tâm, xa thành phố. Cuối tầm nhìn của các nhà quản lý và lãnh đạo. Cho nên những hành vi ám muội, những việc làm phi pháp thường xẩy ra ở đây.
Các nhà chức trách chọn địa điểm này để thực thi công vụ, quả là có con mắt nghiệp vụ tinh đời!
Xe vừa mới giảm tốc độ, anh chàng Lơ nhanh như con sóc trèo cây, đã rút “soạt” quyển sổ, mở cửa nhẩy vọt xuống đường, đi ngược lại phía sau. Cũng lúc ấy, ở đằng kia, một chiến sĩ cảnh sát cũng tách khỏỉ tốp, tiến lên phía trước. Hai bên gặp nhau. Chẳng biết họ có nói gì với nhau không? Ở trên xe chúng tôi không nghe thấy gì. Cả quyển sổ cũng chẳng nhìn thấy. Vì khuất lưng anh Lơ. Mà có lẽ cả ở chỗ hai viên cảnh sát và anh Drim Tầu cũng vậy. Nếu muốn nghe hoặc nhìn, họ cũng không thấy gì. Vì khoảng cách và khuất lưng anh cảnh sát ở đằng trước.
Tuy không ai nói ra, nhưng ai cũng biết, những cuộc “tao phùng, hội ngộ” như thế này, từ lâu vẫn thường xuyên diễn ra, trên khắp các nẻo đương giao thông trong cả nước. Trông bên ngoài ai cũng tưởng đó là cảnh sát giao thông và người tham gia giao thông, đang thi hành công vụ. Song cái việc được gọi là đi “trình sổ” ấy, chỉ là cái cớ để che mắt thế gian. Chứ thực ra đó là những cuộc đi “nộp tiền” theo đúng nghĩa. Mà dân lái vẫn gọi tránh đi là đi “làm luật”. Còn cái luật ấy ở đâu ban ra và ban ra từ bao giờ thì… Có lẽ cả hai bên, cả cảnh sát và dân xế cũng đều không biết.
Khoảng năm, mười phút sau, cuộc “trình sổ” ấy kết thúc. Xe chúng tôi lại tiếp tục hành trình.
- Bị mấy “quất”?
Người vừa hỏi anh Lơ câu đó là một chàng trai có làn da trắng trẻo, trông như một thư sinh. Chiếc Láp tốp (máy tính xách tay) để trên đùi, đang mải miết đọc. Thấy anh Lơ trở lại chỗ ngồi, anh ta gấp máy rồi vừa cười vừa hỏi như vậy.
- Một “quất”. Anh Lơ trả lời – Luật ở đây còn tương đối thoáng.
- Hứ! Một trăm nghìn đồng mà lại bảo thoáng! Người phản ứng là một bà tuổi trạc ngũ tuần, ngồi ở hàng ghế bên phải xe, đang rấp rim, nửa ngủ, nửa thức. Bỗng bà ta ngóc đầu dậy, vả bằng một chất giọng rin rít của người căn cơ, chặt chẽ, nói: - Không phạm luật giao thông. Không chở hàng quốc cấm, mà vẫn phải nôn tiền ra cúng biếu các ông ấy. Rồi cả ngày, cả tuần, cả tháng, cả năm sẽ là bao nhiêu?.. Vậy thì phải công nhận là nặng, là vô lý, là bất công mới đúng chứ? Sao lại bảo là “thoáng”!
Bà ấy nói đúng.
Tôi đoán chắc lúc nẫy tay cảnh sát chẳng phải nói năng gì, chỉ lặng lẽ mở sổ, đưa hai ngón tay ra cặp lấy tờ giấy pôlime có mệnh giá một trăm nghìn đồng, rồi trả sổ cho anh Lơ. Tờ bạc được ém vào trong lòng bàn tay, trước khi chui vào trong túi. Nó kín đáo và gọn gẽ đến mức ở trên xe khách, hay bất cứ chỗ nào đó, nếu có người cài đặt máy ghi hình thì cũng không thể phát hiện được tờ giấy bạc. Và vụ việc thế là xong, nhanh chóng và trót lọt. Rồi, nếu có nhã ý, hoặc để tỏ ra là người có văn hóa, biết xử sự lịch lãm, nhà chức trách sẽ mỉm cười “thưởng” cho bên đối tác một câu: ‘Chúc thượng lộ binh an”!
Nghĩ ngợi linh tinh như vậy, bỗng tôi lại nhớ ngày kháng chiến chống Pháp. Lúc bấy giờ cả khu mỏ Quảng Hồng còn nằm trong vùng địch chiếm. Tôi hoạt động nội thành, dưới dạng một nhân viên văn phòng của Sở than Hồng Gai.
Một hôm tôi đến nhà Đoan (Cơ quan thuế của địch), ký giấy xác nhận đã đóng thuế cho một chiếc tầu buôn nước ngoài vào ăn than, sắp dời bến cảng. Sếp Đoan đi vắng. Tôi ngồi chờ ở phòng làm việc của một nhân viên thư ký. Có lẽ hôm ấy là ngày đến hạn, bà con ngư dân ở hai xã nằm trên vịnh biển là Giang Võng và Trúc Võng phải lên bờ ký sổ hành nghề. Cho nên bên ngoài cửa lùa nhà Đoan, người xếp hàng dài dằng dặc. Gọi là cửa lùa, nhưng chỉ nhỏ như cái cửa tò vò bán vé ở các rạp hát vậy. Người xếp hàng ở bên ngoài thò tay vào, “xạch” một tiếng, bỏ quyển sổ xuống mặt bàn. Chẳng phải nói năng, thưa bẩm gì. Viên thư ký cũng vậy. Y lặng thinh cầm sổ mở ra, xoay quản bút gạt nhẹ một cái, tờ bạc hai mươi đồng Đông Dương rơi xuống chiếc ngăn kéo đã mở sẵn từ trước. Rồi thầy ký lúi húi viết mấy chữ, xong khoắng bút ký tên. Rồi đánh “kịch” một tiếng, cái dấu tròn xoe, tím lịm trùm ngay lên những nét mực xanh, loằng ngoằng, xiên xẹo trên mặt giấy trắng. Rồi thầy ký gấp sổ lại, quẳng qua cửa tò vò ra bên ngoài. Vẫn lặng thinh không hề nhếch mép. Và ngay lập tức, lại “xạch” một tiếng. Một quyển sổ khác tiếp tục rơi xuống mặt bàn…
Cũng có trường hợp vừa mở sổ ra, ông ký đã cau mày gấp sổ lại, và quắc mắt lên, vung tay ném phứa ra bên ngoài. Vì trong sổ không thấy kẹp tờ giấy bạc. Hay có, nhưng không đúng mệnh giá. Bởi lẽ đã là “Luật”, dù chẳng có văn bản gì. Nhưng bọn dân ngu khu đen ấy, muốn sống thì phải tự tìm hiểu lấy. Và nhất là phải tuyệt đối tuân theo, chứ không được phép trốn tránh.
Là người đi theo Cách mạng, đang chiến đấu cho độc lập và tự do của Tổ quốc, nhìn thấy cái cảnh bóc lột trắng trợn đó, tim gan tôi như sôi lên… Căm giận mà chẳng làm gì được. Tôi đành nghiến răng chửi thầm tên Việt gian ôm chân bám gót giặc, dựa vào khẩu súng của giặc để đục khoét, bóc lột đồng bào mình.
Lúc bấy giờ tôi không thể tưởng tượng được rằng, bây giờ đất nước mình đã dành được độc lập, tự do từ lâu rồi mà vẫn còn rơi rớt lại cái thứ cũng gọi là “Luật” y như ngày xưa, ở trong vùng hậu địch.
Đấy! Tham nhũng công khai. Tham nhũng bày ngay ra trước mắt thiên hạ đấy chứ đâu. Chẳng cần phải điều tra điều chiếc gì cho thêm rách việc.
Ông bạn ngồi bên cạnh tôi, có vẻ bức xúc thốt lên như vậy. Rồi người đàn bà căn cơ, ngồi bên phải xe lại rin rít, nói chen vào:
- Người dân chẳng ai còn lạ gì. Mà đến ngay cả Chính phủ cũng thừa biết cái kiểu nhũng nhiễu ấy. Nhưng không có bằng chứng cũng chẳng làm gì được họ.
- Hì…Hi…Này! các bác ơi! Anh chàng thư sinh, trắng trẻo gõ gõ ngón tay trỏ vào chiếc máy tính, vừa cười, vừa nói: - Nhà dột từ nóc, các bác ạ. Cháu nghĩ chúng ta cũng nên thông cảm với họ. Lỗi là ở cấp trên. Nếu cấp trên không cầm phong bì của họ, thì có mượn cổ họ cũng không dám nhũng nhiễu.
Đấy các bác nghĩ xem, thời buổi bây giờ, làm việc gì cũng phải bỏ vốn ra đầu tư. Nuôi con ăn học cũng là một kiểu đầu tư. Con học xong, bố mẹ phải lo chạy việc làm. (Ấy là nói những đứa học được. Còn những đứa dốt, bố mẹ lại phải chạy cho mảnh bằng. Thấp nhất cũng là bằng trung học phổ thông). Vào được cơ quan xí nghiệp rồi. Nếu là cơ quan có nhiều quyền hành, thì vốn bỏ ra phải nhiều trăm triệu. Được biên chế rồi, muốn thu hồi vốn về, họ lại phải rải phong bì vào các cửa. Các Sếp có ô kê cho, họ mới được cầm cái còi ra đứng ở đầu đường chứ. Mà “Đẻ thì giầu, chia nhau thành khó”. “ Xấu mặt kẻ xin tương, xin ra cả phố cả phường cung xơi”. Kiếm được đồng nào, họ có được tiêu cả đâu. Phải chia năm sẻ bẩy…
Lời lẽ đang trào ra như mây bay, nước chẩy, bỗng anh chàng thư sinh ngừng lời, nhìn ra bên ngoài cửa kính, có vẻ tư lự, ngẫm nghĩ. Một lát sau anh ta mới quay vào nói tiếp:
- Vả lại, họ cũng chỉ là cấp dưới, là nhân viên thừa hành. Lòng tham của họ cũng có thể chẳng thua kém gì ai, nhưng nhũng nhiễu thì được là bao? Chả thấm tháp gì, nếu so với các sếp. Cuộc điều tra dân số và nhà ở đầu năm vừa rồi, người ta đã phát hiện ra rất nhiều nhà giầu nứt đố đổ vách. Người ta còn tính được là: Nếu lương chủ nhân của các ngôi biệt thự ấy đạt mức hai mươi triệu đồng tháng, thì thời gian tích lũy cũng phải bốn trăm năm sau, họ mới có được số của cải khổng lồ như vậy. Ấy là còn chưa kể đến (vì không nắm được) số ngoại tệ, họ đã “tuồn” ra nước ngoài, gửi các nhà băng là bao nhiêu?
Người ta còn phát hiên ra cả một số vụ tham nhũng lớn. Nhưng có vụ không xử lý được. Vì… “Rút dây lại sợ động rừng”. “ Vuốt mặt còn phải nể mũi”. Nên phải lờ đi, vụ nào không vùi lấp đi được, vì dư luận quá bức xúc, thì người ta phù phép, đưa ông sếp ấy ra vành móng ngựa, nhưng chỉ xử riêng cái tội “Mua bán dâm trẻ vị thành niên”, để trấn an, xoa dịu dư luận.
Nghe đến đây, bỗng ông bạn ngồi bên cạnh tôi, vừa nhếch mép cười buồn, vừa bực dọc vuốt vuốt mái tóc hoa râm nói:
- Hỏng! Hỏng ráo cả. Chẳng biết ở các nơi khác thế nào, chứ ở địa phương tôi, mấy ông chống tham nhũng, chẳng có mặt nào đáng là Bao Công. Chỉ rặt các quan bụng rượu, bị thịt. Sáng cắp cặp đi.Tối cắp cặp về. Chẳng được cái tích sự gì!
Anh chàng thư sinh lại hì hì cười. Cặp mắt trẻ trung, trong sáng nhắm tít lại. Anh ta có vẻ là người vui tính, hay nói, hay cười, quan tâm đến thế sự. Và có lẽ, do có chiếc máy tính nên anh ta nắm bắt được khá nhiều thông tin:
- Chắc các bác cũng thừa biết, chống tham nhũng là viêc khó khăn, phức tạp và rất nguy hiểm. Vì nó động chạm đến nhân cách, địa vị, quyền lợi, tài sản, thậm chí cả sinh mạng của con người. Cho nên mới có trường hợp đã bắt vào tù rồi, mà lại phải thả ra. Như trường hợp ông Nguyễn Việt Tiến đấy! Tại sao? Vì nếu ông ấy mà phải đi tù, thì những vị còn ở bên ngoài, vẫn được coi là đạo đức, là chí công vô tư kia, liệu ông ta có để cho họ được yên vị không?... Mà các nhà lãnh đạo thì cũng chẳng khác gì những người chơi cờ. Cùng lắm thì họ thí tốt, chứ chẳng ai chịu để mất con xe.
Bác bảo các vị chống tham nhũng chẳng làm được tích sự gì à? Không! Nhìn chung cũng không đến nỗi thế. Họ cũng có một chút thành tích đấy. Nhưng cũng chỉ như muối bỏ bể, chả thấm tháp gì. Tham nhũng vẫn ngày càng phát triển, quy mô ngày càng sâu rộng hơn, tinh vi hơn, và đã trở thành quốc nạn. Ấy là còn chưa kể đến trường hợp, ông chống tham nhũng cũng giống như ông thanh tra. Mà dân gian đã đúc kết thành câu ca: “ Thanh cha, thanh mẹ, thanh gì/ Hễ có phong bì thì lại thanh kiu”! Cũng giống chuyện ông bác sĩ đi chống dịch lại bị lây bệnh. Ông chống tham nhũng, lại dính vào tham nhũng. Âu cũng là điều dễ hiểu.
Nghe đến đây thì cái giọng rin rít của người đàn bà căn cơ, chặt chẽ không kìm được nữa, bật lên bẻ lại ý kiến của anh thư sinh:
- Hứ! Nói như cậu, chẳng hóa ra Đảng và Nhà nước chịu thua bọn tham nhũng à?
- Không! Không! Đảng và Nhà nước không thua, chỉ chưa thắng, chưa đẩy lùi được nạn tham nhũng thôi. Hi..hi..
Bỗng ở cuối xe có người lên tiếng. Người đàn ông đó vào hàng trung trung tuổi, trên năm, dưới sáu mươi, mặt mũi khôi ngô, quắc thước. Nhất là đôi mắt, với những ánh nhìn đầy vẻ thông minh lanh lợi. Ông ta đội chiếc mũ cối cũ, vải lợp mầu lá cây đã xờn, bạc. Trông rất giống một cựu chiến binh. Ông ta nói:
- Tôi nghĩ cái nạn tham nhũng trầm kha của ta hiện nay, có nhiều nguyên nhân. Nhưng chủ yếu vẫn là, tại pháp luật của ta chưa nghiêm. Hãy thử nhìn sang Trung Quốc xem. Họ cũng có hoản cảnh xã hội tương tự như ta. Nhưng tệ nạn xã hội của họ có nặng nề như ta đâu. Cái xe đạp hoặc xe máy để ở ngoài vỉa hè cả ngày cũng không mất. Vì sao vậy? Vì pháp luật của họ được áp dụng chặt chẽ hơn, triệt để hơn, nghiêm hơn. Ủy viên bộ chính trị mà tham nhũng, họ cũng đem ra xử bắn. Ông cựu chiến binh ngừng lời, ngả mũ ra lau mồ hôi trán, rồi nói tiếp:
Mà cũng chẳng việc gì phải bắt chước ai. Các vị lãnh đạo Nhà nước ta cứ học tập ông cha mình ngày xưa cũng chẳng thiếu gì tài, trí… Cứ tề gia, trị quốc theo kiểu của cụ Trần Thủ Độ, thì bọn tham nhũng dù to gan lớn mật đến đâu cũng phải co vòi lại.
Rồi ông cựu chiến binh kể:
“Ngày xưa, thời Nhà Trần. Quốc mẫu (Tức bà Trần Thị Dung, trước là Hoàng hậu của Lý Huệ Tông, sau là vợ Trần Thủ Độ) nói với chồng xin cho một người được làm “câu đương” ( một chức dịch ở làng xã). Khi xét duyệt đến xã ấy, ông sai gọi tên. Người ấy vui mừng, vội vàng chạy đến. Trần Thủ Độ bảo: “Nhà ngươi vì có Công chúa (tức bà Trần Thị Dung) xin cho được làm câu đương, không như người làm câu đương khác. Vậy nên phải chặt một ngón chân để phân biêt”. Người ấy sợ quá, kêu van rối rít xin thôi, giờ lâu quan Tể tướng Trần Thủ Độ mới tha cho. Từ đấy không ai dám đến thăm riêng nữa”.
Thế là tất cả lữ khách cùng bừng lên. Người đang ngủ thức đậy. Người đang rì rầm ngừng bặt. Người đang nghe đài bỏ nghe. Cả chuyến xe, bốn năm chục con người, cùng nhao nhao bàn tán. Kẻ gật đầu tán thưởng. Người vung tay phản đối. Lời lẽ va vào nhau, quấn lấy nhau, ào ào tuôn ra như nước lũ tràn bờ. Có người vừa cười vừa kêu toáng lên:
- Chết! Chết!.. Nếu học tập như vậy thì số cán bộ tham nhũng, bị chặt mất một ngón chân sẽ rất nhiều. Lợi sẽ bất cập hại. Vì để những người ấy ở lại cơ quan, xí nghiệp, họ sẽ không còn đủ uy tín để làm việc. Nhà nước sẽ phải cho họ nghỉ. Do vậy, rất nhiều chiếc ghế (kể cả ghế quan trọng) sẽ bị bỏ trống. Nhiều cơ quan, xí nghiệp sẽ vắng bóng người. Nhiều bộ máy tổ chức sẽ lâm vào tình trạng khủng hoảng nhân sự. Nhiều dự án kinh tế sẽ không được ký kết. Hoặc dự án đang triển khai sẽ phải bỏ dở. Nền kinh tế thị trường “định hướng xã hội chủ nghĩa” của ta đang tăng trưởng nhanh, sẽ bị chững lại. Vì nhiều khâu, nhiều mắt xích đã bị rệu rã, xộc xệch. Giá cổ phiếu trở về con số không. Giá nhà đất đang leo thang, nhẩy vọt, đột nhiên bị tụt dốc. Kéo theo hàng loạt công ty kinh doanh địa ốc, phải tuyên bố phá sản. Và đặc biệt tai hại là các tụ điểm, các khu vui chơi giải trí, các khách sạn nhiều sao. Nhà hàng mát xa. Karaoke, bar nhẩy… bỗng dưng vắng khách. Khiến các ông chủ, bà chủ phải thải bớt người làm. Các nàng tiếp viên váy ngắn, chân dài, mắt xanh, mỏ đỏ, tay va ly, túi xách, nước mắt ngắn, nước mắt dài, lũ lượt quy cố hương!
- Ấy là còn chưa kể ngành Y tế sẽ phải bỏ ra một khoản kinh phí khổng lồ để mua bông băng, thuốc sát trùng. Và phải huy động một số lớn y bác sĩ, hộ lí (tất nhiên những người này phải còn đủ cả mười ngón chân) để tiến hành các ca phẫu thuật, băng bó chữa trị vết thương cho những người bị kỉ luật.
- Khơ!..Khơ!..Thật là tuyệt! Lại một người nữa vừa cười vừa nói – Nhưng theo tôi nghĩ, chẳng việc gì mà phải lo lợi bất cập hai. Tôi tán thành chống tham nhũng theo kiểu cụ Trần Thủ Độ. Chỉ có lợi chứ chẳng hại gì. Vì vụ việc sẽ tiến hành theo phương châm “xử lí nội bộ”. Tức là không thông qua thủ tục pháp lí. Cho nên chẳng cần lệnh bắt người của Viện kiểm sát. Chẳng cần án tuyên của quý tòa sơ thẩm, phúc thẩm chi chi sất. Chỉ cần có chỉ thị của lãnh đạo, và hai chiến sĩ đặc nhiệm mặc thường phục, áp giải đương sự đến bệnh viện, để các bác sĩ tiến hành phẫu thuật. Thế là xong. Ngừng lời giây lát, rồi người ấy lại nói tiếp:
- Sở dĩ vừa nẫy tôi nói “chẳng có hại gì”, vì bọn tham nhũng đâu có dại gì mà để cho thiên hạ trông thấy chân của chúng bị chặt mất một ngón. Họ sẽ chờ khi vết thương lành. Bác sỹ vừa cắt băng, họ liền đút tọt chân vào trong giầy. Rồi họ sẽ đi giầy suốt cả bốn mùa: Xuân - Hạ – Thu – Đông. Đi cả ngày và đeo cả đêm. Thậm chí, đêm đi ngủ, leo lên giường, nằm đắp chăn rồi mà họ vẫn không dám bỏ giầy ra. Vì cái cảm giác nơm nớp sợ hãi: Có người trông thấy chân mình bị chặt mất một ngón, sẽ xua tan mất giấc ngủ.
Và do vụ việc được giữ kín như vậy, cho nên những người đã bị chặt mất một ngón chân, ai ở ghế nào vẫn được yên vị ở ghế ấy. Bộ máy cơ quan, xí nghiệp vẫn nguyên vẹn. Mọi hoạt động của cuộc sống xã hội, vẫn không ngừng phát triển. Các tụ điểm, các khu vui chơi, giải trí vẫn tấp nập đông vui. Như chưa hề có chuyện gì xẩy ra.
Đặc biệt riêng ngành da giầy thì phát triển theo kiểu “đại nhẩy vọt”. Nhà nước ta chẳng phải lo Chính phủ Hoa Kỳ và Khối thị trường chung Châu Âu (EU) áp đặt chính sách thuế chống bán phá giá, bất công đối với hàng da giầy của Việt Nam nữa.
A..ha..ha!.. Các bác, các cô ơi! Bất chợt anh chàng thư sinh reo lên, hớn hở nói – Hay lắm! Cháu nghĩ ra rồi. Đây là cơ hội nghìn năm có một. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường nội địa gia tăng đột biến. Cháu nghĩ chúng ta, tất cả những người cùng đi trong chuyến xe này, sẽ thành lập một công ty da giầy. Công ty có thể đặt tên là “VINACODI”. Chuyên sản xuất giầy, chứ không sản xuất dép. Các bác, các cô có đồng ý không ạ?
- Đồng ý!
- Đồng ý!
- Vâng. Và theo đúng luật thành lập công ty cổ phần của Nhà nước đã ban hành. Cổ đông nào có cổ phiếu cao nhất thì  người ấy sẽ được làm Chủ tịch hội đồng quản trị.
- Không! Không! Tôi không tán thành. Làm như vậy chỉ có lợi cho những người giầu. Họ có nhiều tiền, mua được nhiều cổ phiếu, được làm lãnh đạo. Nhưng tài năng và đạo đức lại không xứng đáng thì sao?
- Phải đấy. Lãnh đạo một công ty, cũng như người chủ một gia đình, người đứng đầu một xã, một huyện, một tỉnh. Nếu không có đủ tài, đủ đức thì công ty ấy chắc chắn sẽ có ngày phá sản. Tôi xin đề nghị: Chức chủ tịch hội đồng quản trị, cứ để cho các cổ đông được tự do lựa chọn và trực tiếp bỏ phiếu bầu. Như các nước người ta bầu tổng thống đấy. Dân ai cũng có quyền lựa chọn và bầu cho người nào mình tin tưởng, tín nhiệm.
Tuy nói vậy. Đòi hỏi là như vậy. Nhưng trong thực tế liệu chúng tôi có làm được như vậy không? Hay lại như các tổ chức khác, các cơ quan, đoàn thể khác. Hễ có chiếc ghế nào trống là y như rằng, có rất nhiều cái mông cùng muốn ngồi vào. Chẳng kể gì chiếc ghế ấy cao hay thấp, to nhỏ ra sao, người ta cũng tranh dành nhau. Thậm chí có những chiếc ghế chưa trống, người ngồi trên đó chỉ sắp sửa về hưu. Người ta đã tung tiền ra mua, rồi gọi tránh đi là “chạy chức”. Cho nên thị trường “mua quan bán chức” lúc nào cũng sôi động. Người ta mua cả hai phía. Mua người có quyền cất nhắc, đề bạt hay tuyển dụng người vào cơ quan. Và mua cả người sắp mãn nhiệm, được quyền đề cử, giới thiêu người thay mình.
Chạy được chức rồi, thì tìm cách đục khoét của công, để thu hồi vốn về. Nếu chẳng may bị cơ quan chức năng phát hiện ra, thì lại đem tiền đi “chạy tội”. Tạo ra một cái vòng luẩn quẩn, toàn những “chạy” và “chạy”!
Còn chúng tôi (những người đang chuẩn bị thành lập công ty da giầy), ai cũng muốn tỏ ra mình là người tiến bộ, biết vượt lên trên hoàn cảnh xã hội mình đang sống. Mình không đi vào vết xe đổ. Không dùng tiền để mua quan bán chức. Nhưng dường như ai cũng tự cho mình là người có đủ tài năng và đạo đức. Mình mới là người xứng đáng được ngồi vào chiếc ghế chủ tịch hội đồng quản trị. Cho nên ai cũng muốn bày tỏ cho mọi người thấy khả năng của mình, và phải công nhận mình là người xứng đáng. Cuộc bàn bạc, trao đổi do vậy mà trở nên vô cùng hào hứng, sôi nổi. Thậm chí có lúc còn giằng co nhau, gay go, quyết liệt, mãi mà vẫn chưa đến hồi kết thúc.
Và giữa lúc đó thì xe đến bến Mỹ Đình. Thế là cái dự định của chúng tôi sẽ thành lập công ty da giầy “VINACODI”, chuyên sản xuất giầy (chứ không sản xuất dép), để phân phối cho các cán bộ thám nhũng, bị chặt mất một ngón chân, đã vĩnh viễn chỉ  là một câu chuyện phiếm trên xe khách!..
Mọi người đành phải chia tay nhau. Ai cũng ngẩn ngơ nuối tiếc.

*

Tay Lơ xe mở cửa nhẩy xuống sân bến, chậm chạp chứ không nhanh như lúc sáng đi trình sổ. Đang ở trong xe có máy lạnh, giờ bước ra ngoài, trời nắng chang chang, xanh ngắt, không một bóng mây, không một làn gió mát. Là người ở vùng biển, khí hậu ôn hòa hơn, giờ đây tôi mới thấy hết cái gay gắt của mùa hè Hà Nội.
Bến Mỹ Đình đầy ắp những chiếc xe ca to lớn, đẹp đẽ và sang trọng, đang xếp hàng chờ khách nằm san sát bên nhau kia. Và cả những chiếc đang lăn bánh trên các nẻo đường, liệu có chiếc nào ngày hôm nay gặp may không phải làm “Luật”?./. 
Uông Bí, tháng 8/ 2009 
Đại Lải - Vĩnh Yên, tháng 7/ 2010 
T - H - Đ 

Xem Tiếp: ----