Sóng biển phủ trào qua từng cơn gió lộng ruồng vây chợt tắt lịm theo cùng cảm giác trôi dập bềnh bồng của bầy thuyền nhân vừa bị hất xuống từ con thuyền đắm. Bên dưới mặt nước cuồng nộ, biển sâu im lặng như một khối nhung mịn váng vất màu sắc huyền ảo vô định. Hai mẹ con Nương chới với chìm sâu vào lòng đại dương im lặng rợn người. Đôi tay mẹ cố gắng ôm chặt thân vóc con bé bỏng trong vô vọng rã rời. Nước sáng dần qua màu mạ biếc mờ soi vùng đá ngầm lởm chởm san hô cứa đứt lòng bàn chân Nương đau nhói. Nương nhìn “thủy mộ quan” vương vãi xác người rồi khóc ngất lên khi thấy thi hài Niên chờn vờn rong rêu vây bám…
 
Nương vùng tỉnh dậy hình như cùng lúc với tiếng khóc thét của con. Trong giấc mơ nàng đã ôm siết bé Huy quá chặc khiến thằng bé thức giấc sợ hãi. Cơn mộng dữ với hình ảnh Niên đầm đìa máu nằm chết bên bờ nước vẫn thường đến với nàng trước ngày vượt biên rồi trong trại tị nạn nhưng đây là lần đầu nét mặt oan thác tang thương của chồng trở về trong giấc ngủ sau gần một tháng mẹ con đoàn tụ với gia đình chị Nhi ở Mỹ. 
Nương thở dài.  Hôm nay chị Nhi nhận thư Nữ. Hình ảnh cô gái đơn độc trong căn nhà trống, trên chuyến đò dọc mỗi ngày theo sông về Phố hay trở lại nhà và nhang khói quyện trầm hương trên mộ chí người thân lãng đãng nụ cười Niên trên bia đá khiến nàng không thể ngăn được nước mắt. Tội nghiệp. Nữ một mình cúng Tết rồi giổ đầu cho anh. Mẹ con Nương ăn Tết hẩm hiu với nhau rồi cúng chồng cúng cha trong trại tị nạn. Không lâu sau đó mẹ con dắt díu nhau lên máy bay qua định cư nơi miền đất lạnh Song Thành, vùng Trung Tây nước Mỹ.
Nhìn bé Huy mau chóng trở về với giấc ngủ say của đứa bé vừa lên ba, Nương khẻ đặt con xuống giường rồi sè sẹ bước ra phòng khách.
Từ sau khung cửa tối, cơn tuyết đầu mùa xuân vẫn thầm thì rơi trắng sân nhà. Màu trắng lạnh se da khiến Nương ngần ngừ mỗi lần phải ra khỏi nhà theo chị Nhi chở đến văn phòng định cư làm thủ tục giấy tờ an sinh xã hội. Buổi chiều sau bửa cơm, hai chị em vừa dọn dẹp bếp núc vừa chuyện trò. Họ nhìn bé Huy mặc nính chiếc áo mùa đông đang hồn nhiên vui đùa ném tuyết với bác Dõng và anh Bờm, chị Bê.
Cháu Huy chịu lạnh qua mặt mẹ Nương rồi đó nghe! Theo anh Bờm mới mấy tuần mà đã lỏm bỏm được tiếng Anh có câu có kéo giỏi ghê…  Bà Carol hôm qua gặp chị ở siêu thị khen em trong lớp chăm học, tiến bộ nhanh lắm. Bà ta còn nói vài hôm nữa sẽ giúp em xin việc ở hảng làm cookies trong phố… hảng làm bánh đó em.
Nương nhìn chị Nhi lắc đầu cười.
Ở đó mà tiến bộ. Lớp ESL ở trại tị nạn ai cũng abc như em, còn theo được. Ở đây,  trong lớp có nhiều người đã học lâu, em ngồi nghe họ như vịt nghe sấm.
Chị Nhi trao cho cô em dâu ly trà nóng vừa pha.
Từ từ rồi em sẽ theo kịp thôi. Hồi mới qua chị cũng vậy. Chị tâm sự... Ở Việt Nam mang tiếng là cô giáo dạy Anh văn rứa mà qua đây chị cũng xấc bấc xang bang cả năm. May là anh Dõng tốt nghiệp trường Hải quân ở bên này, tiếng Anh tiếng U còn khá nên đi làm đi học ngay. Chị thì sau đó bận rộn với hai cháu nhỏ, mãi tới khi Bờm tới tuổi đi nhà trẻ mới cắp sách làm học trò già rồi đi làm ở bệnh viện.
Sân tuyết nửa khuya lặng lờ. Những nụ hoa nở đỏ rực trên tuyết trắng sáng nay giờ khuất chìm đâu đó sau khoảng tối mông lung của cây cảnh trong vườn. Loài hoa Nương chưa hề thấy bao giờ. Và biết bao điều nàng mới thấy mới gặp lần đầu. Nỗi mừng nỗi lo hoang mang lòng nhớ. Ngô đồng pha son triền hải đảo náo nức tình đầu. Sim tím rưng buồn  quanh mộ chồng. Chuyến tàu vượt biên hãi hùng tưởng thây vùi đáy đại dương. Đất lạ, trời xa, cuộc sống mới và lòng thì vẫn hằng đêm trằn trọc nhớ về kỉ niệm, gia đình, người thân còn mất.
 
 
Sau lần bồng bé Huy về thăm mộ Niên, chị em gặp nhau càng quyến luyến. O Nữ mỗi tuần đều theo ghe ra cù lao thăm cháu ríu rít không rời. Những chuyến tàu vượt biên cứ lần lửa không thành nên mỗi lần ra đảo về lại thêm một lần nhòa lệ chia tay.  Mùa hạ qua không đành trong thấp thỏm đợi chờ. Thế mà đêm tàu đến vẫn cấp bách không ngờ.  Dì Nơi run rẩy khăn gói lon gi-gô bột trứng gà cho bé Huy  rồi gạt nước mắt mở hé liếp cửa âm thầm tiễn con cháu ra đi.
Khung cảnh ghềnh đá bên bãi Hương quen thuộc thường ngày trong đêm tối chợt lạ hoắc đầy vẽ rập rình đe dọa khiến Nương càng lo sợ. Túi xách trên vai, tay ôm chặt con vào lòng nàng tất tả theo đoàn người men ghềnh đá về phía bóng tàu nhỏ nhoi chờn vờn ẩn hiện trong chút gợn sáng của màn đêm.
Chiếc ghe cá quá monh manh cho đoàn vượt biên hơn sáu mươi mạng người. Không còn kịp suy nghĩ đắn đo, đám người xô đẩy lần mò tìm chổ trong bóng tối dày đặc nhấp nhô. Khi Nương không còn cảm giác bị đẩy chúi tới nữa thì nàng cũng vừa lờ mờ nhận ra mẹ con nàng đang ngồi trong hầm phía mủi tàu bít bùng chật như nêm. Tiếng máy tàu rập rềnh cùng lúc với thân ghe bắt đầu chao lắc như liều thuốc an thần công hiệu khiến mọi người ai nấy đều thở ra nhẹ nhỏm. Tiếng người chủ ghe lạc giọng qua nắp gổ vừa được hé ra.
Bà con chịu khó ráng ra tới hải phận quốc tế rồi tui mở nắp cho thoáng.
Nương vổ về con. Bé Huy an toàn trong lòng mẹ ngủ say. Nương cũng thiếp đi sau đó…
Âm thanh rùng rùng của sóng đập vào ghe lắc lư vùi dập khiến Nương giật mình tỉnh giấc. Qua nắp hầm mở ngỏ Nương thoáng thấy bầu trời hừng đông ngã nghiêng sau những đợt nước biển tung tóe bởi từng con sóng lớn đâm sầm vào mủi rồi hung hãn xẻ dạt hai bờ hông ghe. Vài thanh niên đã leo ngồi trên boong chịu đựng ướt át để đổi lấy thoáng mát. Trong hầm đa số là người không quen đi biển bắt đầu say sóng, nôn ụa thốc tháo. Mùi tanh nồng xông lên đến ngột thở. Nương ôm con len dần ra phía cửa hầm. Hơi gió biển giúp bé Huy thôi khóc, bé nhai ngon lành từng nhúm bột trứng từ tay mẹ.
Chiếc ghe nhỏ trồi dập qua từng đợt sóng chầm chậm tiến về phương Đông. Sau mấy ngày nêm cứng trong hầm tàu cọng hưởng với ánh nắng gay gắt hấp qua vách thuyền mong manh, nhiều người bắt đầu cạn sức vì thiếu nước uống mà vẫn bị nôn mửa đến mật xanh mật vàng.  Khẩu phần hai lần mỗi ngày một vắt cơm và li nước nhỏ không đủ giúp cơ thể lấy lại sức để chống chỏi với từng cơn say sóng quặn người. Thân người chồng chéo lên nhau vì đói vì đau. Mùi xú uế lẩn quẩn càng ám đọng vào lượng không khí bị khóa chặt trong hầm tàu vốn đã thẩm thấu với tanh hôi. Một địa ngục trần gian. Cô gái cạnh Nương mệt lả sau cơn ói cạn người, nằm ôm bụng khóc rưng rức. Mạ ơi, răng mạ sinh con ra chi mà khổ ri…
Cơn giông biển kéo dài qua suốt một buổi chiều giúp con người tỉnh lại nhờ từng ngụm nước mát ngọt từ trời. Con trai, con gái bò lên boong nằm phơi hứng làn mưa xối xuống thân xác mệt nhoài. Mưa như giọt cam lồ  làm tươi lại rừng cây khô hạn vừa được tưới đẫm. Sau đôi mắt nhắm và môi hé mở họ nằm hứng trọn cảm giác đằm thắm của từng hạt mưa rưới lên thịt da thánh thót.
Giửa trời nước mênh mông con thuyền kiên trì đi về hướng mặt trời, kéo dài niềm hi vọng được cứu vớt của bầy thuyền nhân co quắp trong lòng thuyền sức tàn lực kiệt. Gió đại dương phần phật thổi ngày vào đêm sa nghiêng ngửa khung trời khuya thấp thoáng sao phía trên nắp hầm nhấp nhô theo sóng.  Trong chập chờn giữa biên giới thức ngủ Nương lắng nghe tiếng théc muồi của con và tiếng máy tàu trầm úng đều đều như nhịp đập tim mình, cần kíp và tràn đầy âu lo. Vào một lúc khoảng trời vừa rựng sáng Nương tỉnh giấc nghe ngóng theo quán tính có được từ tám chín ngày qua. Nỗi sợ  rùng tới khiến nàng vã mồ hôi lạnh toát. Con thuyền im lặng không một âm động. Nương cơ hồ nghe được tiếng sóng đập vào phần vách thuyền nơi lưng nàng đang tựa vào. Nàng cố trấn tỉnh lắng nghe. Cảm giác lặng lẽ chênh vênh của con tàu chập chùng trôi trên đại dương, nước mênh mông lấp liếm be thuyền khiến nỗi sợ hải rùng rùng  trào toát chiếm lĩnh toàn thân nàng. Nương thét lên. Tiếng người tỉnh giấc, tiếng bàn tán cải cọ giữa tài công và thợ máy vọng ra tiếng còn tiếng mất từ  phòng lái. Tàu hết dầu. Đoàn thuyền nhân lúc này đã thức giấc hay tin xấu ngồi lặng đi. Chỉ trong giây phút thực tế kinh hoàng toát ra tràn lan theo tiếng than khóc khấn cầu vang lên hỗn độn. Một lúc lâu sau người chủ ghe ló đầu nói vọng xuống hầm tàu cố gắng trấn tỉnh đám người hoảng loạn.
Máy hết dầu nhưng bà con đừng lo.  Biển đang tốt trời, gió thuận. Căng buồm đi vẫn tới nơi được. Tui cần hai hoặc ba chị lên boong giúp may buồm.
Nương vội vàng bồng bé Huy đứng dậy lên khỏi hầm tàu. Giao con cho người tài công trong phòng lái, Nương cùng vài người đàn bà khác cùng nhau may buồm theo sự hướng dẫn của anh ta. Họ tháo rời  cả chục bao gạo vãi bố chủ ghe đã chuẩn bị mang theo. Những tấm bố được trải ra trên boong rồi móc đan chắc chắn vào nhau bằng chính những sợi bố tướt ra từ bao gạo.  Lúc buồm may xong thì nhóm thanh niên cũng vừa hoàn thành chiếc cột buồm làm bằng hai mảnh ván dài gở ra từ  be thuyền. Buồm dựng lên. Người tài công tìm hướng gió rồi khéo léo nối chỉnh dây thừng từ các chéo buồm đến những vị trí khác nhau trên ghe để kéo buồm theo góc độ tính toán thích hợp nào đó. Anh loay hoay chỉnh tới lui với chiếc la bàn trên tay một hồi lâu thì buồm từ từ phồng căng no gió. Con thuyền chuyển mình thức giấc bương về phía trước.  Người tài công cắt cử thanh niên thành nhóm thay phiên nhau giữ hướng buồm và dùng các mảnh ván be thuyền còn lại làm mái dầm phụ chèo ghe.
Nương bồng con tò mò nhìn theo người tài công quăng một mảnh ván tam giác nhỏ nối bằng dây cước thật dài từ sau đuôi thuyền. Như một người câu cá anh đứng chờ vài phút rồi kéo mảnh ván vào. Anh lúi húi đo đạc khoảng cách trên dây cước, săm soi tính toán rồi lặp lại chừng đó động tác.  Sau vài lần thì người tài công trở ra phía mủi ghe, đứng mỉm cười nhìn chiếc buồm căng gió. Anh nói lớn mà hình như chỉ cho riêng mình.
Với gió này mình có thể đi được sáu, bảy hải lí một giờ, có thể hơn.
Người tài công hướng dẫn nhóm thanh niên cách xử dụng la bàn để giử hướng buồm rồi đi vào phòng lái. Anh tươi cười nhìn bé Huy đang bi bô đùa với cái bánh lái tàu.
Ông thuyền trưởng này “chì” quá ta! Không say sóng gì cả.
Nương cúi chào người tài công rồi hỏi anh ta về những động tác anh vừa làm ở sau đuôi tàu. 
Chỉ là dụng cụ thô sơ để ước tính tốc độ của tàu đó thôi. Chút lí thuyết còn sót lại từ những ngày ở trường Hải Quân.  Anh do dự vài giây rồi tiếp lời… Trước bảy lăm tôi là sĩ quan Hải Quân. Đi cải tạo gần bảy năm mới về thì được giới thiệu đi theo chuyến ghe này.
Nương nhớ lại hình ảnh những đoàn tàu phóng mình trên sông Ô Lâu về phía phá Tam Giang sóng dậy vỡ bờ những ngày đi học ngoài quê. Nàng bồng con vào lòng.
Người anh rể của cha cháu Huy trước cũng là sĩ quan Hải quân. Tôi chưa hề gặp anh ấy nhưng nghe nói là giang đoàn đóng ở Cửa Đại vào thời điểm tháng Tư bảy lăm.
Mắt người cựu sĩ quan Hải quân sáng lên, anh cao giọng hỏi dồn.
Tên người đó là gì vậy cô?  Thằng Lương, thằng Ninh, thằng Hoát, thằng Dõng, hay thằng Đức đây?  Đã hơn bảy năm biệt tăm tin tức. Có lẽ tụi nó nhanh chân hơn tôi, Paris London New York Chicago cả rồi…
Anh phá lên cười vui sướng khi nghe Nương nhắc tới tên người bạn lính cũ.
Thằng Dõng! Vậy cô là em dâu của Thục Nhi rồi. Mối tình “Một trăm đôi dép Nhật” nổi tiếng “bốn vùng duyên hải” đây mà… Ngày nào chàng ta cũng lò dò “em tan trường về, anh theo rề rề” tới nhà gia đình cô giáo cũng là một tiệm tạp hóa trong phố Hội An mua dép Nhật. Mua đủ trăm đôi thì được vợ.
Nương vui lây theo tiếng cười của người tài công.
Vậy thì mối tình của anh chị mang giày hay mang dép? Và đang ở đâu rồi?
Anh pha trò mà mắt nhìn xa xăm vào đám mây trôi trắng khoang trời.
Tình của hai đứa tôi mòn hết đôi guốc Dakao sáu phân của nàng và đôi dép râu dày bảy phân của tôi trong trại cải tạo, mỗi phân một năm mười hai tháng gian nan. Chúng tôi cưới nhau năm bảy ba, năm sau thì lòi ra một thủy thủ con. Số phần cả… Cuối tháng Tư bảy lăm, cả gia đình ở Sài Gòn. Chiều tối ngày hăm chín lo cho vợ con và cả nhà vào Bộ Tư Lệnh Hải Quân chờ lên tàu. Tôi phải chạy chiếc lambretta về Ngã Tư Bảy Hiền để trả lại cho người anh bà con. Khi vội vã đi xe ôm trở vào thì cửa Bộ Tư Lệnh đã có lệnh đóng, nội bất xuất  ngoại bất nhập. Bảy năm! Cái giá phải trả quá đắt.  May mà mấy năm gần đây vợ tôi và gia đình ở Mỹ cố gắng liên lạc được đã gởi hình ảnh quà cáp nhờ bà con mang vào trại nên cũng đở buồn.
Người tài công quay nhìn Nương, giọng tin tưởng vỗ về.
Tuy chậm chân nhưng chúng ta thế nào cũng sẽ gặp lại người thân và hạnh phúc của mình. Vợ chồng cô sẽ sum họp. Tôi sẽ đoàn tụ với vợ con mình.  Anh pha trò… Có điều cái ghe buồm này bò còn chậm hơn sên. Kì này vô tới bờ chắc tôi phải trấn nước ông chủ ghe một trận cho hả giận.
Nương cúi đầu không nói khẻ chào người tài công, bồng con quay xuống hầm tàu. Anh gọi với bước theo, ân cần trao cho Nương mấy trái cam vỏ đã khô nám.
Tiêu chuẩn tài công đó.  Em lột cho cháu ăn đở khát. Chắc cũng phải ba bốn ngày nữa mới tới bờ.
 
Cánh buồm no gió nhẩn nha giong thuyền đi về hướng Đông mặc cho đám thuyền nhân kiệt sức nằm ngồi dưới bóng mát của nó để quên đi phần nào cơn đói khát rã ruột. Trên ghe chỉ còn ít gạo và nửa lưng phuy nước đỏ ngầu màu rỉ sắt. Hết dầu để nổi lửa nấu cơm, nhóm phụ trách ẩm thực bắt đầu tháo dần những mảnh ván sàn tàu làm củi.
 
Buổi trưa sau ba ngày buồm bê theo gió, bầy thuyền nhân ngồi bật dậy hồi sinh khi nghe một thanh niên gác tay chèo nhảy nhót reo mừng chỉ về phía vệt núi mờ mờ trước mặt. Người tài công đứng trên nóc phòng lái dùng chiếc ống dòm nhỏ chăm chú quan sát hồi lâu rồi gật đầu xác nhận với nhóm thanh niên đang reo hò bên dưới. Anh còn thấy cả dòng hải lưu ngược hướng buồm quần tụ thành vùng sóng bạc đầu trước mặt và tít tắp từ chân trời sau lưng những cuộn mây nhuốm màu đe dọa của cơn giông biển đang rượt tới. Anh lo lắng cùng lúc với niềm hi vọng ghe đang đi vào vùng biển có tàu thuyền qua lại thường xuyên. 
Anh tập họp cả ba nhóm thanh niên, dặn dò tăng cường người gác buồm và tay chèo. Chẳng lâu sau ghe bắt đầu chạy vào vùng nước trở. Thân ghe rùng mạnh theo từng chuổi sóng dập liên hồi đinh tai nhức óc. Có lúc sóng cuộn mủi ghe dựng lên như  muốn hất tung cả thân tàu lên khỏi mặt nước. Lẫn trong tiếng sóng trào, tiếng gió phần phật là tiếng niệm phật, cầu kinh trộn với tiếng la khóc sợ hãi của trẻ em hổn độn kinh hoàng.
Người tài công luôn miệng quát tháo hiệu lệnh cho nhóm thanh niên điều chỉnh dây buồm, căng bên này nới bên kia, cố gắng rứt chiếc ghe ra khỏi vùng nước xoáy đang níu chặc lấy nó. Chiếc ghe lì lợm cùng với người với buồm lăn quẩy cả tiếng đồng hồ cuối cùng đã lấy lại được hướng núi trước mặt. Chưa kịp hoàn hồn, mọi người chợt nghe tiếng gổ bựt gảy từ dưới phòng máy vang lên cùng lúc với tiếng la.
Ghe vô nước! Ghe vô nước!
Người tài công chạy xuống hầm máy. Anh quan sát chổ nứt ở lườn tàu, ước chừng lượng nước đang theo chổ nứt tràn vào. Anh hối chủ ghe phân công người tát nước.
Khó là chổ nứt nằm phía dưới lốc máy, không thể đóng ván đậy lên được. Phải kêu người múc chuyền nước ra ngoài thật nhanh may ra cầm cự được.
Trở lên boong, anh dặn một thanh niên mỗi mười lăm phút xuống hầm máy quan sát rồi lên báo cáo tình hình vô nước. Hơn hai tiếng đồng hồ đứng quan sát trên nóc phòng lái, người tài công vẫn chưa thấy tăm hơi bóng dáng tàu thuyền quanh bốn phía trời. Nhóm tát nước lúc càng mệt mỏi mà vết nứt có vẽ càng rộng ra. Anh quyết định đốt một chiếc vỏ xe bỏ trong thùng phuy cắt nửa đặt trên nóc phòng lái. Nhìn làn khói đen tỏa thẳng lên trời anh thầm hi vọng.
Trời bắt đầu xế chiều, độ nổi của chiếc ghe lúc này đã xuống thấp thấy rõ. Người tài công cùng hai thanh niên đi lùng sục tất cả can nhựa rỗng, vỏ xe, áo phao dồn đống trên sàn ghe. Họ luồn cột từng nhóm năm, sáu thùng can vào dây thừng dài.
Anh nhìn hai người bạn trẻ mệt lã vì đói mệt, khuyến khích.
Hi vọng là chúng ta sẽ không dùng tới nó.
Nắng chiều trên biển đỏ ối chân trời. Qua ống dòm anh tiếp tục nhìn quanh bốn phía đại dương cố níu gần lại mặt biển sóng mênh mông. Giữa lằn biển mây hao huyễn vô định chợt trồi lên một chấm nhỏ lớn dần. Chưa tin vào mắt mình, anh dụi mắt định thần. Tháng ngày chiến hạm hải hành trong quá khứ vụt trở về linh động rõ ràng khiến anh xúc động nín thở căng mắt nhìn. Không thể nào lầm được. Anh vội vàng khêu sửa ngọn lửa đốt vỏ xe cho khói đen ngùn ngụt bốc cao. Trong khuôn tròn nhỏ của ống kính, từ hướng mười một giờ, cái chấm lúc này dài ra với những chiều cạnh gảy góc quen thuộc của một chiếc khu trục hạm.
Thần kinh người cựu sĩ quan Hải-quân căng thẳng như cậu học trò bị thầy gọi trả bài, anh cố nặn óc nhớ lại những điều đã nhiều năm không hề có dịp xử dụng hay nghĩ tới. Ánh đèn giám lộ chớp tắt lục lọi từ trí nhớ một thời biển cả chợt lóe sáng trong anh tia hi vọng sống còn. S.O.S. Tàu chìm. Vớt người…
 
Đoàn người vượt biển không ai bảo ai tranh nhau trèo lên khỏi hầm tàu nằm ngồi la liệt trên mủi ghe và tràn chật cả phòng lái. Trong sốt ruột kinh hoàng, những hốc mắt hỏm sâu vì đói khát thiếu ngủ khẩn cầu nhìn về phía con tàu cứu tinh tưởng chừng vẫn đứng vô tình bất động từ xa mặc cho  mực nước biển đã mấp mé be thuyền khẳm nặng. Họ kêu khóc giành giựt những chiếc phao, cố gắng tranh kéo phần sống về mình. Tiếng người chủ ghe gào lớn từ buồng lái.
Bà con yên tâm ngồi xuống. Chúng tôi có đủ phao cho mọi người, đừng nhốn nháo ghe mất cân bằng nước vô mau sẽ bị chìm sớm. Tàu Mỹ đang chạy tới. Thế nào chúng ta cũng được vớt.
Tín hiệu đèn trả lời từ chiếc chiến hạm vàng lấp láy trong ống dòm chợt chao mạnh nhấp nhô lúc nhóm thanh niên tát nước bỏ hầm máy rùng rùng chạy lên phòng lái. Tiếng than khóc sợ hãi lẫn trong tiếng la cải hổn độn giữa người chủ ghe và nhóm thanh niên bỏ cuộc.
Tụi bây bỏ lên hết trên này, ghe chìm chết cả lũ bây giờ.
Nước ngập lên tới bụng rồi, không tát được nữa.
Đ.M. tát gì nữa mà tát. Chìm tới nơi rồi!
Để cho chìm luôn đi. Tàu lớn thấy may ra họ tới cứu. Còn nổi lềnh bềnh họ chỉ đứng xa nhìn thì cũng chết mà thôi.
Tiếng nạt lớn và khuôn mặt nghiêm nghị của người sĩ quan Hải-quân khiến nhóm thanh niên đứng lịt mặt. Anh quắt mắt ra lệnh cho họ đi lùng quăng hết đồ đạc hành lí xuống biển cho nhẹ tàu. Đoàn thuyền nhân răm rắp làm theo lời hướng dẫn từ người lãnh đạo của họ. Mỗi thanh niên khỏe mạnh biết bơi chia nhau ngồi với từng nhóm năm sáu người, kẻ mặc áo phao người ôm chặc vỏ xe, can nhựa. Im lặng phủ trùm, chỉ còn nghe gió lùa phần phật qua cánh buồm rách bươm và tiếng nước từng đợt liếm tràn qua sàn ghe. Trong giây phút hấp hối của con tàu, những con người liều đánh đổi cái chết để tìm tự do chợt cảm thấy bình thản đến lạ lùng. Họ ngồi im lặng đợi chờ, chấp nhận sự an bài của số phận. Mắt nhắm, thân xác không chừng giữa cảm giác thô cứng của lớp gổ sàn thuyền và lay động bấp bênh của sóng nước tràn vây.
Người sĩ quan Hải-quân gọi Nương  ra hiệu cho nàng bồng con len về ngồi sát bên cột buồm ngay trước phòng lái. Anh trao chiếc áo phao cho Nương, dặn dò cách dùng rồi mỉm cười xoa đầu bé Huy lúc anh bồng cháu lên tay.
Chiếc khu trục hạm xả máy chạy về phía tàu chìm. Màu sơn trắng của danh số chiến hạm hiện rõ trong ánh nắng cuối ngày. Người sĩ quan xúc động nhớ lại những ngày Hè bảy hai tuần dương phối hợp với hạm đội Mỹ phía ngoài khơi Hải Lăng, Cửa Việt. Anh còn nhớ rõ vị trí vết đạn bị bắn ở mủi tàu vì chiến hạm này vào quá gần bờ để yểm trợ hải pháo. Tình cờ ngẫu nhiên chạm mặt nhau trên vùng biển xa lạ trở thành niềm hi vọng cuối cùng của biết bao phận đời.
Nước biển tràn khẳm hầm máy kéo chiếc ghe chìm nhanh. Tiếng gổ ván gảy kêu răng rắc làm cả sườn ghe rung chuyển vì sức nước xoáy vào.  Ngoái nhìn phần sau chiếc ghe đã khuất tăm dưới mặt nước, anh quay lại chỉ tay về phía chiến hạm trong lúc đám thuyền nhân la khóc hoảng lên vì sàn ghe bắt đầu chìm lỉm.
Bà con bình tỉnh ngồi yên, không được chộn rộn. Cầm chặc dây đừng để lạc nhau. Ba chiếc ca-nô vừa được dòng xuống từ tàu Mỹ đang chạy về phía mình. Chừng mươi phút nữa là chúng ta sẽ được vớt. Bà con yên tâm.
Anh vội vã quấn chặc bé Huy vào áo phao trước ngực rồi cúi xuống kéo Nương lên ngồi cạnh anh trên nóc phòng lái. Nương chỉ cho con trai ôm vòng qua cổ người sĩ quan, dặn dò.
Huy ôm cổ bác thiệt chặc nghe, rồi nhắm mắt lại. Đừng sợ.  Mẹ luôn ở bên cạnh con đây.
Bé Huy nhìn quanh lạ lẩm, lắc đầu.
Con không sợ. Con chưa buồn ngủ mà.
Người sĩ quan cười xoa đầu đứa bé. Anh cột một đầu dây quanh lưng mình rồi cột mấu dây kia vào cổ tay Nương.
Em biết bơi, không sao đâu.
Mủi tàu chìm nhanh. Cả chiếc ghe chỉ còn nóc phòng lái nổi lều bều trên mặt nước chừng đôi gang tay.  Không còn mặt gổ bên dưới làm điểm tựa cho cảm giác bám víu an tâm, sức nước đẩy trồi bầy thuyền nhân khỏi sàn thuyền chới với, sặc sụa. Người sĩ quan lo lắng quan sát  những cụm người trôi nhấp nhô như bầy cá thiếu không khí nổi lờ đờ trên mặt nước. Anh cảm thấy bất lực, chỉ còn biết trông mong vào ba chiếc ca-nô đang xả hết tốc lực nhảy sóng chạy vào vùng tàu đắm. Ba lằn nước bạc sáng lên trong ráng chiều.
Nóc phòng lái chợt rùng mạnh nhào ngiêng sang một bên rồi chìm lỉm. Nương mất đà, vừa kịp nghe tiếng người sĩ quan la lớn “Coi chừng!” thì toàn thân đã rớt chúi vào sóng bạt. Hớp nước biển khiến nàng ho sặc sụa cùng lúc với cảm giác mát rượi của biển sâu bọc choàng lấy toàn thân. Nương lấy lại thăng bằng sải bơi về phía tiếng của bé Huy đang khóc ré lên vì hoảng sợ. Anh chỉ tay về hướng ba chiếc ca-nô đang rọi đèn pha vớt người. Nương gật đầu. Họ bơi về phía chiếc gần nhất. 
Tiếng khóc cầu cứu văng vẳng trên mặt biển chạng vạng tối chìm úng vào tiếng sóng trào lan xa. May mà cơn giông hồi trưa đã đổi hướng. Người sĩ quan thầm nghĩ.
 
Còn hai người bị thương đi bệnh xá với mấy người nữa, cả anh tài công, cũng chưa về. Thôi mình đợi họ ăn một lần luôn thể.
Đồ ăn Mỹ mình đâu có biết ăn ra sao. Họ cười cho thúi đầu.
Người bạn trẻ thông dịch lại nài nỉ.
Thì cháu có ăn cơm Mỹ lần nào đâu mà biết. Họ nói là ăn kiểu bớp-phê. Xếp hàng, lấy cái dĩa, rồi đi dọc theo quầy thức ăn, muốn ăn món nào thì chỉ món đó. Ai tới lúc nào ăn lúc đó, không cần phải chờ.
Nương ngoắc bầy trẻ rồi dẫn bé Huy đến quầy thức ăn. Chúng đói meo háo hức cầm dĩa đẩy dọc theo quầy,  nhón người chỉ chỏ lung tung.  Cha mẹ thấy con cháu khệ nệ bưng về bàn những đĩa thức ăn đầy vun, bắt đầu lục tục kéo nhau sắp hàng. Cứ chỉ gà rô ti là chắc ăn. Nương nói đùa lúc nhìn những cặp mắt lo ra.
Đồ ăn Mỹ béo quá!
Món gì cũng ngon mà sao sửa thì lạc nhách!?
Tui lỡ lấy nửa trái bưởi không biết giờ ăn ra sao đây?
Mọi người đang trằm trồ khen chê ăn uống thì người tài công và cô gái thông dịch bước vào.  Cô thông báo áo quần mọi người đã giặt khô khiến ai nấy chưa hết ngạc nhiên về thức ăn Mỹ và bàn trái cây chất cao như núi, giờ càng thêm sửng sốt bàn tán xầm xì.
Tui tính sớm lắm trưa mai áo quần mới khô.
Người sĩ quan còn sủng ướt mà rạng rỡ tươi cười trong chiếc áo gió màu gạch rộng thùng thình.
Báo cho bà con vui là nhóm cuối cùng đã đượt vớt. Họ dầm trong nước khá lâu nên bị cảm lạnh, đang nghỉ ngơi ở bệnh xá.  Trên tàu đã chuẩn bị hai phòng lớn nam và nử với nhiều giường tầng. Bà con ăn xong thì lên nghỉ ngơi. Thiệt là may mắn, chỉ cần trể vài giờ là nhiều người trong chúng ta đã mất mạng rồi.
Đoàn thuyền nhân đang lao xao cảm ơn người tài công thì bổng có tiếng hô chào dỏng dạc vang lên. Một sĩ quan Hải-quân vóc người to lớn mang quân hàm trung tá đang tươi cười bước vào phòng ăn. Ông ta bắt tay người thông dịch cho biết muốn gặp thuyền trưởng của chiếc tàu chìm. Người tài công nghe qua câu hỏi bước đến tự giới thiệu. Viên sĩ quan Mỹ thân mật vỗ vai anh.
Anh nói tiếng Mỹ lưu loát lắm. Tôi là hạm trưởng của chiếc khu trục hạm này. Chúc mừng đoàn người của anh đã được an toàn.
Nghe giọng nói rồi nhìn nét mặt và bảng tên, người tài công  quá xúc động buột miệng.
Có phải mầy đó không Trâu Nước!?
Người hạm trưởng ngạc nhiên nhìn chăm chăm người đàn ông Việt Nam xa lạ khắc khổ gầy nhom vừa gọi biệt danh của mình thời còn là sinh viên sĩ quan.
Sinh viên trường sĩ quan Hải-quân ở Đảo Rhodes  mùa Đông 1970!
Sĩ  quan Cố vấn Giang đoàn Tuần thám ở Đồng Tháp Mười cuối năm 1971!
Khuôn mặt bạn cũ hiện dần ra sau nét hằn phong trần của thời gian khắc nghiệt,
Việt! Chúa ơi, mầy đó sao!? Thằng bạn Việt Nam duy nhất của tao trong trường Hải Quân ở Newport đây mà. Đúng rồi! Sau đó tao lại gặp mày ở giang đoàn tuốt trong vùng đất trời đánh đầy muổi mòng đó.
Sam kéo Việt đi về phía cửa.
Đi! Đi lên phòng tao. Tắm rửa, thay áo quần cho mát mẻ rồi uống lai rai chơi. Hơn mười năm rồi còn gì!
Mọi người trong phòng ăn đi từ ngạc nhiên này đến sửng sờ khác. Hồ như họ đang ở một nơi không thật. 
Bắt gặp ánh mắt dò hỏi của Nương, cô gái thông dịch lắc đầu phân bua.
Hai người nói chuyện với nhau lẹ quá, em chỉ nghe lỏm bỏm thôi. Họ là bạn cũ với nhau thời cùng học trong trường Hải quân ở Mỹ rồi sau đó chung đơn vị ở Việt Nam nữa. Hèn chi ảnh nói tiếng Mỹ nhuyễn quá.
 
Việt thức giấc vào một lúc nào đó lúc trời chưa rợn sáng. Mắt biếng lười nhấp nhem về phía ô cửa tròn nhỏ sáng chớp lên từng hồi giúp anh phần nào lấy lại ý niệm thời gian nơi chốn. Chiếc chiến hạm hình như đang chạy giữa một cơn giông. Anh nhìn nước mưa ràn rụa phía ngoài ô kính nghĩ tới hình ảnh con tàu lao mình trên sóng cuồng nộ.  Sóng bây giờ hay sóng cũ mười năm chập chùng ngã bóng thời gian, lẩn khuất bao phận người phận nước nổi trôi. 
Lắng nghe người bạn Việt Nam kể chuyện tù, chuyện gia đình vợ con cách biệt cả một nửa vòng trái đất, lòng Sam áy náy như chính mình đã góp phần gây nên cảnh tang tóc điêu linh cho hàng triệu người miền Nam. Anh xúc động nói lời xin lỗi và cảm ơn người bạn cũ mà phần số đẩy đưa đã cho anh cơ hội cứu vớt được đoàn thuyền nhân tưởng đã phải chìm sâu đáy biển.
Chính trường Mỹ là sân đấu football mà dân Mỹ thì thực tế đến mức tàn nhẫn. Những ngày cuối tháng Tư bảy lăm trên chiếc Hàng không mẫu hạm Midway tao đã rớt nước mắt nhiều lần mà rồi cũng chỉ bất lực đứng nhìn.
Sam mở nhạc, giọng ca Bing Crosby trầm buồn truyền cảm cất lên… I'm dreaming of a white Christmas. Anh đang mơ một Mùa Giáng Sinh Trắng…
Mầy còn nhớ  bài hát không?
Quên sao được! Giáng sinh 70. Mầy là thằng sinh viên sĩ quan Mỹ độc nhất ở lại trường. Hai thằng tình cờ ngồi chung bàn ăn, chuyện trò rồi quen thân nhau.
Hồi đó tao không có  tiền về thăm nhà ở Oregon. Mẹ! Ngoài trời tuyết bay, trong nhà ăn thì thằng cha Bing rền rĩ  I’m dreaming of a white Christmas… buồn muốn khóc. Mấy năm sau, trong ngày chiến dịch “Cơn gió thường xuyên”  (Operation Frequent Wind) đài phát thanh quân đội cứ cho hát bài này trong lúc trực thăng thì từng bầy thay phiên nhau đáp thả người xuống mẫu hạm rồi bay đi. Nét mặt hốt hoảng bi thương còn nuối ngoái phút giây từ biệt đoạn trường của hàng ngàn người Việt di tản đã ám ảnh tao rất lâu sau đó…
I'm dreaming of a white Christmas
Just like the ones I used to know…
Mùa Giáng Sinh Trắng bất thường. Mùa gặt ác. Tháng Tư đen bất hạnh… Việt nghĩ tới câu hát rồi  lẩm bẩm một mình sau cái ngáp dài. Anh dụi mắt nhìn quanh căn phòng lờ mờ vệt sáng đầu ngày hắt qua ô cửa kính.  Cơn giông biển đã qua tự lúc nào.
 
Sam từ đài chỉ huy xuống, ồn ào bước vào phòng với câu  chào bằng tiếng Việt lơ lớ. Anh ngồi nhỏm dậy, bật cười nhớ lại câu chuyện vui lúc Sam còn làm sĩ quan cố vấn ở cùng giang đoàn với anh.
Sam, mầy còn nhớ câu chào tiếng Việt tụi tao dạy mầy ở Đồng Tháp Mười?
Sam thả chiếc xách hành lý nhỏ xuống sàn phòng, lắc đầu cười theo.
Không, nhưng tao vẫn còn nhớ nét mặt của ông Chỉ Huy Trưởng lúc đó.
Mầy chào “Đ.M. Chỉ Huy Trưởng cà chớn”.  Tụi tao nín cười suốt buổi họp suýt nghẹt thở.
Mầy vẫn còn cười được là tao yên tâm rồi.
Phải cười chứ! Đâu thể nào để thằng Kissinger với bọn kí giả phản chiến bán luôn nụ cười của mình được.
Sam ngồi xuống ghế, trao cho Việt phong thư.
Xách áo quần của các sĩ quan nhỏ con nhẹ kí trên tàu, hi vọng mầy mặc vừa. Còn đây là chút tiền xài trong khi chờ  vào Mỹ định cư. Trong bao thư có cả địa chỉ của tao và gia đình ở Oregon. Cứ liên lạc khi cần. Lát nữa sau khi ăn sáng, đại diện thủy thủ đoàn trên tàu cũng sẽ có chút quà cho đồng bào của mầy. Tiếc là trên tàu không có y phục cho phụ nữ và trẻ em.
Hai người bạn xúc động siết chặc tay nhau. 
Tối qua tao đã liên lạc với Tòa Đại Sứ ở Manilla nhờ giúp đở. Họ cho biết  Trung Tâm Tị Nạn ở Bataan sẽ đưa xe buýt ra chở thẳng thuyền nhân về trại.  Thật là may mắn vì đây là nơi tiến hành thủ tục tị nạn cho đồng bào đã được chấp thuận vào định cư ở Mỹ từ nhiều  trại khác nhau khắp cùng Đông Nam Á.
Việt lịm người theo nỗi vui vừa ập tới. Sam vỗ vai bạn.
Ê, thằng em.  Mầy không tệ lắm đâu. Chạy bằng cái buồm rách bươm thế kia mà vào thẳng tới vịnh Binanga là khá lắm.  Chừng mười giờ sáng, sau khi chiến hạm vào vùng bờ biển Mabayo, ca-nô sẽ đưa đồng bào cập vào Morong. Từ đó xe buýt của Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc sẽ chở về trại.
Việt nén xúc động nhận chiếc xách từ tay bạn. Vừa nhớm bước đi thì Sam gọi giật lại, anh ta mồi lửa điếu thuốc PallMall gắn lên môi Việt.
Suốt buổi sớm hôm nay trên đài chỉ huy, tao ráng nhớ  lại câu tiếng Việt tụi mầy dạy về thuốc PallMall mà đành chịu.
Phải Anh Là Lính Mời Anh Lên Lầu
Tiếng Sam ngọng ngịu lặp lại câu tiếng Việt trộn giữa giọng cười vui khiến người thủy thủ dẫn đường quay nhìn lạ lẫm. Anh ta chưa hề thấy  Hạm Trưởng của mình vui như thế bao giờ.  Người đàn ông Việt Nam im lặng đi cạnh anh có lẽ cũng vui không kém. Đôi mắt ông rạng ngời.
 
 
Mẹ con Nương sống qua hai mùa Thu Đông, qua cái Tết mồ côi ở trại tị nạn Bataan mới có chuyến bay. Anh Việt kịp đoàn tụ với gia đình trước Tết. Ngày Nương dẫn bé Huy đi tiễn anh, cháu khóc rấm rức mãi. Bãi trống trước chợ khu Một buổi sáng hôm đó thành sân ga đưa tiễn sụt sùi. Tháng ngày cùng nhau vượt chết, cùng qua cảnh sống khó khăn dệt thành mối thân tình, nay tới lúc chia lìa kẻ ở người đi như những cánh chim bay cách biệt phương trời. Nương xúc động nhìn anh bồng bé Huy nhớ lại đêm tàu đắm kinh hoàng.  Anh nhìn Nương nháy mắt mỉm cười.
Bác đi rồi cháu là đàn ông trong nhà cho nên không được khóc nữa.  Lúc đi tắm suối Huy nhớ cẩn thận dắt mẹ qua cầu treo cho an toàn. 
Cháu ôm anh Việt, gật đầu nghe lời bác dổ dành, gạt nước mắt tự hào nhìn mẹ. Chiếc xe buýt chở đoàn thuyền nhân đi rồi, bãi đất vương bụi bàng hoàng người ở lại trông theo.  Hàng xoài lâu năm trồng dọc khu nhà cuối trại vắng bóng anh bước chậm rãi dưới bóng mát xanh rườm che trưa nắng.  Có khi Nương  bồi hồi nhìn vệt nắng xế qua hiên vắng cuối dãy nhà tưởng như còn dáng anh ngồi đánh cờ trong lúc bé Huy khăn tắm quấn người kiên nhẩn ngồi chờ.
Rồi tới ngày mẹ con nàng hồi hộp ngồi chờ xe lăn bánh ra phi trường về quê hương mới. Nương tươi cười gật đầu nhìn con khi bé Huy hí hửng hỏi mẹ. Mình sẽ gặp lại bác Việt phải không mẹ?  Trong giây phút đó Nương đã thực sự nghĩ anh Việt là người thân duy nhất mẹ con nàng quen biết ở nơi phương trời xa lạ đó…
 
 
Nương thở dài đứng tựa bên khung cửa. Tuyết vẫn rơi.  Màn tuyết lặng lẽ phủ trắng vùng thao thức sâu quá canh tàn. Hải đảo. Biển khơi. Thủy mộ quan°. Cõi lòng. Đau thương tình em vương vấn vùng cửa biển điêu tàn.
 
 
° chử từ tập thơ “Thủy Mộ Quan” của Viên Linh 
Phan Thái Yên
(từ Căn Nhà Sau Cửa Biển)

Xem Tiếp: ----