(Trong tuyển tập Chuyện Cổ Tích Xanh)
Cho đến bây giờ, cả nhà đều gọi cô là út Ti. Nhưng cô đâu phải con út…sau cô còn có Dũng, rồi Hào, rồi em Nguyệt…
Mẹ bị sẩy thai Hào, sau đó mẹ có bầu em Nguyệt. Em ra đời trong mùa Trung Thu nên ba mẹ đặt tên em là Thanh Nguyệt, như vậy cô có được hai lâu la để sai sửa trong nhà.
Phải công nhận, trên cô là chị Năm, hiền khô, hai đứa em của cô cũng rất ngoan, chỉ có cô ở giữa, xếp sòng…
Ngày đó cô cũng gần 6 tuổi rồi chứ còn nhỏ nhít gì nữa, vậy mà vẫn được làm con cưng…nhà có một tấm phản bằng gỗ vân gì cô không nhớ, mà mặt gỗ phẳng phiu bóng láng vì dùng qua nhiều năm, hình như ba mẹ lúc dọn nhà từ Huế vào Đà Nẵng đã chở theo. Những ngày hè, gió hây hây thổi, ba chị em nằm sắp hàng ngang trên phản mát rượi…bú sữa bình. Bình hết sữa, em Nguyệt nhỏ nhất mà lãnh phận sự đi cất bình, bà vú bế em xuống đất, tay ôm cả ba bình sữa đi chập chửng thấy thương…chị Ti vẫn nằm vắt chân ngắm trời xanh xuyên qua giàn bông giấy nở hoa màu hồng thẩm … mới bây lớn đã biết làm tư lệnh chỉ huy rồi….hết ý kiến!!!
Thuở đó ba mẹ làm ăn bận rộn lắm, ba có hãng thầu bốc hàng cho những thương thuyền lớn từ ngoại quốc cập bến Đà Nẵng, mẹ cô lo kinh doanh hãng xe đò từ miền trung vào Sài Gòn và có cây xăng Shell ở trước nhà. Nhưng chắc ba mẹ yêu nhau lắm nên chịu khó sanh nhiều con thật….Hình như thời xưa, miễn có tiền thì không lo chuyện nuôi con. Trong nhà có đến mấy bà vú, cô cũng sắp vào lớp mẫu giáo mà bà vú của cô, gọi là mụ Xạ, vẫn còn ở đó chăm lo cho cô. Bà vú của Dũng, trong nhà gọi Bà Đội, người nhỏ thó, thêm cái lưng còng nên trông còn già hơn bà vú của cô. Chỉ có chị Hiên giữ em Nguyệt là trẻ măng, nhỏ hơn dì út Dung vài tuổi. Ở trong nhà, có hai anh con chú bác từ ngoài quê vào đi học trường Phan Châu Trinh. Cô nhớ anh Đãi hay phụ chị Hiên làm những việc nặng. Chị Hiên thường săn sóc trả lại bằng cách luộc khoai hay bắp mang cho anh ăn lúc anh thức khuya học thi tú tài…
Nhưng cô nhớ ba mẹ cũng chơi với con cái rất nhiều. Những ngày chủ nhật, cả nhà chất lên chiếc Land Rover đi biển hay về Hội An ăn mì Hoành Thánh…Ba quay phim rồi đem về ráp nối, buổi tối ăn cơm xong thì cả nhà cùng các người giúp việc quây quần ngồi xem phim….ai cũng được làm tài tử nên mọi người nao nức trông chờ hình của mình hiện lên khung vải…đó là một trong những sinh hoạt của gia đình cô, vẫn luôn in đậm trong ký ức…
Em Nguyệt nhỏ nhất nên được đóng phim nhiều hơn mọi người. Khuôn mặt tròn trịa như trăng rằm, dễ thương sao đâu, hơn hai tuổi đã biết làm dáng, đứng chống nạnh hay đưa tay vẩy vẩy lúc thấy Ba hướng ống kính về em…Em thường ưa mặc chiếc áo đầm hoa tím li ti có viền cổ màu tím than, thích nhón chân đi lúp xúp từng bước nhỏ như đang vũ ballet…
 Cô thường bày đủ trò cho các em chơi…
Thuở đó nhà cô bán xăng, có bán luôn các vỏ bánh xe hơi nên nếu chơi trốn tìm, cô có rất nhiều chổ để trốn, hai nhóc còn nhỏ quá, đâu có thể nào leo vào đống vỏ bánh xe được, thế là kiếm tìm cô đến đỏ con mắt vẫn chẳng thấy cô đâu. Lúc nào cũng chờ đến các em mếu máo, cô mới bò ra…
Mấy lần cô đem ‘ông Michelin’ cao lớn gấp đôi em, là hình nộm thổi phồng của hãng lốp xe hơi, để dọa em, lần nào em cũng sợ đến khóc thét. Thật ra cô thương hai em nhỏ lắm nhưng tánh cô rắn mắt, nên khoái chọc ghẹo người khác…Cô thường bị ba đánh đòn nhiều hơn các em là cũng vì vậy…
Cô nhớ ngày Nguyệt ngã bệnh, chưa biết em bị bệnh gì, nhưng thấy Ba Mẹ âu sầu. Ba đã mời hết các bác sĩ nổi tiếng trong thành phố, nhưng  không định được bệnh…Ba mẹ quyết định đem em vào bệnh viện Grall ở Saigon. Bác sĩ chẩn đoán em bị bệnh viêm màng não. Nghe ba mẹ kể em thường bị rút nước từ tủy xương sống để thử nghiệm, cô thương em xót xa…
Thế là trong khoảnh khắc, cuộc sống gia đình cô bị xáo trộn. Mẹ bỏ hết công việc kinh doanh, vào chăm sóc cho em, ngủ lại nhà thương ngày này qua tháng nọ. Các chị em cô ở nhà với O Ấm, Ba ra vào SG hầu như mỗi tháng…Rồi đến lượt O vào thay thế Mẹ, trông nom em… Ngày xưa, chỉ là Méningite (bệnh viêm màng não)mà sao chửa trị khó khăn thế? Cô nhớ rằng Mẹ vắng nhà lâu lắm lắm…hình như qua một cái Tết…
Hình như tiền bạc trong nhà cũng bắt đầu sa sút, vì chuyện làm ăn bị gián đoạn quá nhiều…
Rồi cũng vào những ngày gần Tết, như khoảng thời gian này…Mẹ trở về….
Mẹ về….một mình, không có em, không có Ba…
Mẹ về, mặt mẹ buồn hiu hắt…
Buổi tối Mẹ ngồi trên giường, mùng vén qua một bên, cô nghe Mẹ khóc, kể với các chị ngồi bao quanh mẹ, Ba vào Saigon thăm em và đi họp hội nghị Phòng Thương Mãi, mới tuần đầu tiên thì bị mất tích, đến nay, cả tháng trời, vẫn chưa có tin tức. Bổng nhiên  bệnh tình của em trở nặng, rồi em qua đời, ngày rằm tháng chạp….Chú Thím cùng Mẹ lo chôn cất em ở nghĩa trang Đô Thành…
Cô đứng nép vào tường, im lặng nghe chuyện. Nhìn mẹ sụt sùi, ánh đèn lù mù hắt xuống giường càng thấy mẹ gầy gò xanh xao thêm…Các chị khóc theo mẹ, sầu thảm…Cô cũng khóc nhiều nhưng nổi buồn chưa thấm vào đâu vì cô còn nhỏ quá….mới 9 tuổi đời…
Cái Tết năm đó nhà cô đìu hiu chi lạ…
Áo Vàng
Chuyện cổ tích Xanh

Xem Tiếp: ----