Một cuộc điện thoại sáng:
- Chú Chí mới mất rồi con.
- Ủa, chú Chí nào hả ba?
- Chí ở quê mình đó.
- Trời! Chú mất sao vậy?
- Ngủ một đêm, sáng dậy đi luôn.
- Thôi, cũng mừng cho chú, ra đi thanh thản được vậy. Rồi ba tính sao?
- Chắc ba phải về. Con biết rồi, chú có một mình, đâu ai lo đâu.
- Dạ. Nhưng ba nhớ ăn và uống thuốc đúng giờ nhe.
- Ừ.
Ừ thì ừ vậy thôi chứ tôi biết ba mình mà, lại vài đêm thức trắng nữa đây.
Theo lẽ thường, khi một ai đó nằm xuống, những ký ức về họ trong lòng ta lại đứng dậy.
Và sáng nay, trong tôi, ký ức về một người chú, một người bạn, một trong những thần tượng lại lũ lượt nắm tay nhau dắt díu về, ấm áp và ngọt ngào.
Tôi biết chú từ hồi bảy tám tuổi, biết nhưng không quen, không dám quen. Nhà chú, mà cũng hổng ra nhà lắm đâu, chính xác là nơi chú ở, nằm cong mình bên một con hẻm lao động nhỏ trong xóm Căn Cứ sau lưng nhà tôi. Tôi biết rõ, nhớ rõ nó vì đó là nơi tôi phải tránh xa trong những cuộc đi phá làng phá xóm với lũ bạn. Vì tôi sợ chú. Mà kể cũng lạ, chưa bao giờ được tiếp xúc, chưa bao giờ thấy chú bắt nạt ai nhưng nghe đến tên, lũ trẻ chúng tôi đều sợ chết khiếp. Có lẽ bởi cái tên mọi người dùng để gọi chú đáng sợ với trẻ con quá mà: Chí khùng.
Đứa nào mê chơi, phá phách hay chỉ đơn giản là không thèm ăn cơm, trốn ngủ trưa, chắc chắn tên chú sẽ là lựa chọn đầu tiên cho việc đe dọa. Cũng có những người con trưởng thành nhưng sống không được phải, tôi nghe cha mẹ họ kêu: "Phải biết đẻ ra đứa như mầy, tao đẻ thằng Chí sướng hơn." À, vậy là chú này cũng có cái gì đó hay lắm nè nên mấy ông mấy bà đó mới nói vậy. Lúc đó tôi chỉ biết cười: Trời, có thằng con khùng mà sướng sao ta.
Lớn lên một chút, trở nên lì lợm hơn, tôi bớt sợ chú. Vì chú hay sang nhà tôi chơi, đúng hơn là sang nhậu với ba tôi. Nhìn từ đằng xa, tôi không thấy chú uống ly nào, chỉ ngồi bốc mấy trái chùm ruột chát chấm muối rồi nhăn mặt, cái mặt xấu hết biết. Rượu cạn, chú xách chai qua quán bà Bắc, nhiều lúc tôi thấy ba cũng chẳng đưa tiền. Sau những buổi nhậu ấy, tôi giận ba mình ghê gớm. "Hết người nhậu rồi sao, ba đi ngồi với cái ông khật khùng như vậy?" Ba tôi chỉ cười.
Mối quan hệ của hai chú cháu trở nên tốt đẹp từ một buổi trưa chú ghé ngang nhà và ngoắc tôi ra cho trái mãng cầu teo héo. Cũng e dè lắm nhưng lần đầu tiên nhìn thẳng vào mặt chú, thấy bọc quanh hàm răng đen sì lởm chởm một cụ cười thật hiền, tôi thích lắm. Sau bữa đó, tôi không còn sợ chú nữa, thậm chí còn cả gan cách vài ngày lại mang mấy trái dừa khô qua bán cho bà Bảy, má chú.
Mấy thằng bạn nhìn tôi hiên ngang ra vào nhà chú, chúng ngưỡng mộ lắm. Nếu không gặp thì thôi, mà gặp chú rồi thì tôi sẽ có quà, luôn luôn như vậy. Khi thì cục kẹo, lúc thì con khô, cũng có khi chỉ là trái dưa leo đèo nhưng thường nhất là những trái tim, những trái tim được tết thật đẹp từ những cọng lá dừa.
Chán quá những trái tim, phải chi con châu chấu hay chiếc trực thăng thì hay biết mấy nhưng nếu không nhận, chú sẽ giận. Một ngày bạo gan hỏi sao chú không thắt cái gì đó khác đi, trái tim con hổng khoái lắm. Chú thả rụng từng lời: "Người ta khen trái tim của tao là đẹp nhứt" - "Người ta nào vậy?" Chú không trả lời mà quay mặt đi, một giọt nước rớt cái độp xuống tàu lá. Thấy thương đứt ruột.
Chạy te về nhà khều khều ba:
- Ba ơi, con thấy chú Chí khóc.
- Có chuyện gì hả?
- Hổng có, tự nhiên hà, ngồi xé lá dừa thắt cho con trái tim rồi khóc.
- Thôi, ba biết rồi, chú nhớ người ta đó. Cứ để chú khóc đi con. Mấy lúc như vậy là lúc chú tỉnh táo nhất đó.
Nhờ ba, tôi mới biết hồi trẻ chú cũng đẹp trai và hiền lành lắm, cũng từng thương, rất thương một người con gái. Chú nghèo nhưng có chí đúng như cái tên mình vậy, siêng năng chịu khó khỏi chê. Nhưng nhà người ta không muốn con gái mình khổ khi về với cái thằng không có nổi cục đất chọi chim, tương lai mờ mịt. Ngày người ta bỏ bến, chú leo lên chống dột cái mái nhà, mồ hôi đầm đìa gương mặt. Sao tự nhiên giữa mùa khô mà sửa mái nhà vậy kìa? Bà Bảy lôi chú xuống, xuống đi, trông mong gì nữa con ơi, người ta có ngó lên đó nhìn mầy đâu mà ngồi nắm níu, khóc lóc hả con, cái áo hường đó nhà mình mua có nổi đâu.
Bà nắm tay chú, nín đi, má nghèo quá mà... - "Hổng có đâu má, nắng quá con đổ mồ hôi chứ khóc hồi nào, cũng chưa có gì sâu nặng hết mà..."
Nói vậy thôi chứ gần tháng sau, làng xóm bắt đầu thấy chú suốt ngày ngồi thắt lá dừa, thắt xong rồi tháo, tháo rồi thắt lại. Không ai dám tới gần xem chú thắt gì. Chỉ bà Bảy biết, bà lén đem đốt hết mấy lá thư, mấy tấm hình. Bà kèm nhèm vá lại cái mùng mà trước đây chú không cho, chú kêu để đó đi, người ta hứa mai mốt về người ta vá. Nhưng lòng chú nát, bà biết vá sao đây. Bà xót xa khi người đi đã không những mang theo kim chỉ mà còn mang giấu cả linh hồn đứa con.
- Thằng Chí hóa dại rồi!
Có những trai gái yêu nhau thề non hẹn biển thế nào cuối cùng chàng trai lại kết thúc bằng: "Em mà bỏ anh, anh khùng như thằng Chí cho coi!"
Khùng nhưng lành. Những ngày sau đó chú không làm phiền ai, cũng chẳng nói chuyện với ai, chỉ khóc cười như trẻ. Sáng sớm bà Bảy ngồi cạnh mấy chục dừa trên xe, chú đẩy ra chợ, xế trưa chú đẩy về, ngày nào cũng như ngày nấy, nắng cũng như mưa. Bà già rúm ró ngồi trên xe, thằng con thong thả đẩy. Có những trưa cháy nắng, tôi thấy chú cởi cái áo sờn trùm lên đầu má mình như thể chở che cho một sinh linh nào mỏng manh lắm. Những lúc bà Bảy ngồi chợ, chú đi gánh nước, sơn cửa, leo dừa, đốn cây.... Ai mướn gì chú cũng làm, người khá giả trả chú tiền, người khó trả chú mấy cái trứng vịt, lon gạo hay mấy củ khoai lang, chú cũng hịch hạc cười. Những buổi khuya, ba tôi đem chú vô đội bốc vác của mình để chú kiếm thêm chút đỉnh.
Sau mấy ngày không thấy chú ra bến xe, cũng không thấy hai mẹ con qua ngang nhà, ba tôi kêu chạy qua nhà chú xem có chuyện gì. Mà đúng là có chuyện thật. Bà Bảy đau. Tôi thấy bà mẹ ngồi xiêu xiêu dán lưng vào cái ghế bố, chú Chí bưng ra chén cháo nóng từ góc nhà, ngồi bệt xuống đất, nghiêm cẩn thổi và đút bà từng muỗng. Sau vài muỗng, chú lại lấy cái khăn ướt lau mặt, lau miệng người mẹ như chăm một đứa trẻ. Húp chưa được nửa chén, bà Bảy muốn thôi, chú lưng tròng năn nỉ: "Má ráng ăn miếng nữa đi cho mau hết bệnh nấu cơm con ăn, có má nấu con ăn mới nhiều. Ờ mà hổm rày giáp Tết con kiếm cũng bộn tiền, con ráng Tết này mua cho má cái ti vi trắng đen cũ cũ coi cải lương chơi, khỏi qua hàng xóm coi cọp nữa".
Chiều ấy ba tôi mang qua nhà chú Chí hộp sữa Ông Thọ.
Nhưng nửa đêm hôm đó, khi hộp sữa còn chưa kịp khui, cha con tôi đang say giấc, nghe tiếng đập cửa và tiếng gọi của chú. Ba tôi càu nhàu: "Thằng Chí chứ hổng ai, mới giờ này mà kêu ra bến xe nè". Ra mở cửa, đúng là chú Chí rồi nhưng không phải kêu ra bến xe, chú hớt hải nhờ ba tôi qua xem má chú bị sao đó, kỳ lắm, chắc phải chở vô nhà thương. Không kịp mặc cái quần dài, hai cha con chạy sang nhà chú nhưng... "Chí ơi... khỏi đưa đi đâu hết, để má nằm đó đi, anh đi lo hậu sự".
- Là sao? Má em đang ngủ mà, phải hôn anh? Má tao đang ngủ phải hôn Hải?
Chúng tôi quay đi.
Chú ngồi xuống, quạt cho bà Bảy rồi cất tiếng hát ru khẽ bằng cái giọng khàn đục và nghèn nghẹn... À ơi, chớ cây khô đâu dễ mọc chồi...
Khùng mà sống được một cuộc đời tràn yêu thương như vậy, đáng khùng lắm chứ.
Chú Chí ơi, con không tiễn chú được nhưng có nhờ ba con mang về cho chú một nụ cười, vài lời yêu thương và trăm lòng kính trọng.
Cho con gởi lời thăm bà Bảy luôn, nhe chú.

Xem Tiếp: ----