Thì vẫn cứ phải gọi là chợ chứ còn biết gọi là gì? Mà nó hơn hẳn chợ cóc nhá! Nhảy từ đại lộ, qua đường sắt vào đường phường rồi đến cái hẻm chẽ tư này lúc đầu nó có tên là chợ xổm. Nhưng rồi cũng chỉ đến tám rưỡi,  chín giờ là hết xổm, chỉ còn lại bốn bàn nép vào bốn ngách.
Bốn bàn hàng ngồi qua trưa, đến chiều tối, có hôm tối mịt mới chịu dọn, mặc dù những lúc này người bán đông hơn người mua. Bốn bàn hàng rỗi rãi ngồi gẫu chuyện với nhau đợi người đi làm về muộn hối hả mua mớ tép khô, bìa đậu phụ, củ hành..; đợi người có khách đột xuất ra đặt con gà, cắt lạng giò lạng chả; đợi nam nữ sinh viên đi học về rối rít nhặt mớ rau hay cân lạng bún để còn kịp một cua học thêm hay đi sinh nhật bạn.
Bấm đốt ngón tay, thế mà nó đã được mười tuổi và chắc nó còn thọ dài dài, mặc dù suốt mười năm trường luôn luôn là sự đuổi, đuổi... Đầu tiên là những nhà lầu xung quanh. Ai mà chịu được tiếng chạnh choẹ dành chỗ, tiêng xô chậu va nhau ngay khi đất trời còn tối. Nhất là các nhà lầu này nặng về ăn hàng siêu thị. Thứ đến là cán bộ quy tắc với các lệnh mồm “ngày mai cấm!” rồi lại “ngày mai cấm!”... Nghe đâu còn có cả một hội nghị cấp cụm  “ kiên quyết giải toả trước ngày...”  vân vân...
Bàn rau là của một bà chạc bốn nhăm, năm mươi tuổi với đủ các loại hành, tỏi, xương xông, mùi tàu, lá lốt, bàu, bí, mướp... và cả những bìa đậu phụ Mơ. Còn rau muống, rau cải, rau lang... mùa nào thứ nấy có ra sớm, có dặn trước mới mua được vì chẳng có nhiều. Cái mảnh đất toen hoẻn ba thước ngũ hợp tác xã chia cho, không như người ta làm nhà cho cửu vạn, đồng nát thuê, bà chỉ trồng rau “để con bé rảnh chỗ học hành”. Khi vành đai rau xanh ngoại thành tưng bừng với những hoá chất kích thích, trừ sâu thì vườn rau chỉ là để tự túc. Thế rồi rộ lên chuyện rau nhiễm độc, người nội trợ né tránh các ngọn rau mơn mởn xanh bóng, tìm đến những cánh rau có vết răng sâu thì bàn rau của bà có giá. Người ta bảo nhau: rau mẹ con nhà họ vẫn ăn đấy. Rồi khi ồn lên rau sạch dổm thì các nhà lầu xung quanh, cả vợ con các chức sắc phường, quận cũng tìm đến bàn rau của bà. Cái sự hấm hứ đuổi nhạt dần.
Mua bán với bà thật nhẹ nhõm, ấy thế mà bà lại có tên là  La xát. Thường cứ khoảng tám rưỡi, chín giờ là máu la xát của bà lại nổi lên. Bà đi tua tất cả bốn ngách quát um lên: “Này này... dọn ngay cái đống này đi!”, “Ê cái nhà anh kia, quá cái chổi lên, vơ hết vào thồ đi”, “ A, cái chị này, ỉa ra thế này à?” v.v...Và có đám ồn là tiếng bà át đi ngay: “ Ra chỗ khác mà cãi nhau. Điếc tai, người ta - cằm bà hất về phía các nhà lầu- đuổi mẹ cả lũ bây giờ!”.
Đang quát mắng mà thấy con ra là bà im ngay và quày quạy đuổi con về. “Nó mà nhiễm cái tính “chợ búa” thì khốn!”.
Vốn là một cô gái thuỳ mỵ, phải nói là có phần nhút nhát, bà quen sự nhẫn nhịn, phục tùng. Hồi còn là thanh niên xung phong ở tuyến lửa KhuTư, bà đã nổi tiếng là chiến sỹ phá bom nổ chậm bởi nhận lệnh là bà chạy thẳng một mạch theo đúng lộ trình đã được vạch ra và thực hiện nghiêm chỉnh các thao tác kỹ thuật. Bà luôn luôn tin tưởng vào sự tính toán, chỉ đạo của ban chỉ huy.
Hết chiến tranh, chuyển sang làm người trồng rừng ở một lâm trường, bà vui vẻ chịu sự lao đao của một đơn vị làm ăn không rõ ràng giữa bao cấp và hạch toán. “Đang quá độ mà!”. Nhưng đến khi phải “tự cứu” thì bà hoang mang. Hoang mang từ bữa cơm phải nấu lấy đến khoảnh rừng được giao mà lúc ấy người ta lấy củi - gọi là chặt tỉa- đi bán là chính. Bà dần dần vỡ vạc: không thể thụ động, ngồi chờ. Có thể làm được tất cả những điều xã hội chấp nhận, kể cả chuyện...
Người lính của bà biệt tăm. Những người một thời nhòm ngó đã có gia đình hoặc xa bay... Mà cái tuổi băm thì đã gần hết. Mỗi lần nhớ lại bà vẫn không khỏi kinh ngạc cho cái lộ trình táo tợn của mình. Bà vào một làng xa, chọn một người đàn ông cao đẹp có cả một đàn con lăn lóc như hạt mít. Chẳng khó gì với cái người canh rẫy chất phác ấy. Đến khi đã chắc cả trăm phần, bà lên ban giám đốc xin nghỉ theo chế độ “một cục”. Về nhà, bà bảo với xóm giềng là chồng đã hy sinh trong một đợt tiễu phỉ. Hôm ra uỷ ban làm giấy khai sinh cho con, bà đã cáu với tay cán bộ tư pháp cứ vặn vẹo về cha đứa trẻ:
- Chúng tôi ở rừng sâu chưa kịp ra xã làm giấy chứng hôn. Tôi nghĩ: khai sinh không chỉ là quyền lợi của đứa trẻ mà còn là trách nhiệm quản lý của nhà nước.
Chủ tịch phường vốn cũng là một nữ thanh niên xung phong liền đi vào ký ngay vào giấy tờ trước cái mặt thuỗn của tay tư pháp.
Người ta còn kháo nhau về một chuyện “bằng được” của bà. Khi con gái lên cấp Hai, bà mang một gói quà đến nhà hiệu trưởng vì con bé thừa điểm mà không được vào lớp chọn. Hai lần đến không vào được, lần thứ ba -biết chắc hiệu trưởng có nhà- bà liền đưa ngay chân vào khe cửa vừa hé mở khiến vợ hiệu trưởng không thể sập ngay cửa lại khi chưa hết câu: “Không có nhà!”. Rồi mặc cho bà ta lạnh lùng quay lưng lại với những lời buông: “Tôi bận không tiếp chuyện chị đươc!”, “Chị mang cái gói kia đi, không để đấy được đâu!”, lời bà vẫn dịu dàng nhưng khá to để người trên gác cũng nghe được: “Mẹ con em hết sức biết ơn tấm lòng của anh chị”. Gói quà vụt được bỏ vào giữa bàn trước khi cái chân bước nhanh ra cửa.
Người ta hỏi bà: “Mấy vé?”.
Sao chỉ nghĩ đến mặt đen tối? Có thể do sơ xuất, lầm lẫn lắm chứ? Mấy quả soài Thái chỉ là cái đưa đẩy. Cái bà trông mong là lời thư tha thiết và sự rõ ràng của những con số thống kê: điểm thi, điểm tổng kết của tất cả các năm cấp Một. Cũng có chút “đáo để” để người trên gác thấy được cái “bằng được” của bà.
°
Đối diện với bàn rau là bàn gà vịt. Những con thịt được làm nhanh, sạch vừa lòng khách bao nhiêu thì người bán lại đáo để đầu gấu bấy nhiêu với những bu gà vịt rong. Thị sấn sổ đuổi, có khi bẹp cả bu, có lần lấy cả gà của người ta rồi trắng trợn tuyên bố “bắt thuế”, vừa đấu khẩu vừa vung dao rất kinh. Thị sừng sộ, chỉ có bà hàng rau dám đến can, thậm chí còn bắt được thị trả lại gà. Thị hùng hổ nhưng rồi cũng nghe ra: cần phaỉ yên ổn làm ăn, chớ náo động tới công an.
Một buổi vắng khách, các bàn gẫu chuyện với nhau. Chị hàng gà nói:
-Hôm qua các bác có xem xiếc trên ti-vi không? Khiếp cái con bé thăng bằng trên dây. Mấy lần đã tưởng lộn cổ xuống đất.
-Tất cả những cái ngọ ngoạy, kể cả “suýt ngã” của nó là để giữ cho trọng tâm không rơi ra khỏi tiếp điểm. Ông hàng nước bảo.
Bà hàng rau tiếp luôn:
-Cái chợ xó này cũng đang đi trên dây đấy. Chớ có làm điều gì rơi ra khỏi “tiếp điểm”. “Tiếp điểm” của ta là mang lại thuận tiện và tránh phiền hà đến -bà hất cằm đủ bốn phía các nhà lầu, đừng để động đến các ông quy tắc, nhất là công an.
-Lại còn các ông bà tổ dân phố nữa. Chị hàng bún xen vào- Nghe đâu ở cuộc họp cụm hôm nọ người ta đã bàn cho hội phụ lão thu lệ phí chợ để gây quỹ đấy! Thật lắm chuyện.
-A ha, hay đấy! Bà hàng rau cướp lời. Được như vậy là cái chợ xó này được hợp pháp đấy. Các vị không thấy các nhà xây dựng không phép mong được phạt hành chính để tồn tại đó sao?
Chợt chị hàng bún đứng bật dậy, dúi túi tiền vào đống rau. Một gã lừ khừ đi tới, tay lăm lăm con dao bầu:
-Mày có đưa ngay đây không? Năm ngàn thôi mà...
-Ôí chồng ơi là chồng ơi! Từ sáng đến giờ được vài đồng chưa đủ đong gạo. Ngày nào cũng tróc nã thế này thì bằng ông giết cả nhà.
-Thì ông giết ngay bây giờ đây...
Keng! Con dao bầu rơi xuống nền xi măng. Cái tay gã thõng ngay  xuống. Bà hàng rau vừa chạm vào khuỷu tay gã theo miếng võ học  để bắt phi công Mỹ năm nào. Máu la xát của bà nổi lên:
-Cậu thì lại phải tống vào trại cai thôi! Làm thằng đàn ông thì phải biết...

Xem Tiếp: ----