Dịch giả: Liêu Quốc Nhĩ
một
Nguyên tác : Lục Sắc Đích Tiểu Ô

 
Ảnh: Phạm Trí ( triart)
Trình bày: Huyền Băng
NĂM CHA TÖI ĐƯA KẾ MẪU VỀ NHÀ, tôi vừa tròn mười lăm tuổi. Đời sống gia đình thay đổi đột ngột với sự hiện diện của người xa lạ. Kế mẫu tôi họ Kỷ. Trước ngày về nhà bà sống cùng người anh họ, một công chức ngành ngoại giao vừa hồi hưu, nên đã từng ở Âu Châu một thời gian dài. 
Một tháng sau ngày về, bà đưa chị em tôi sang nhà thăm viếng ông anh. Người mà tôi biết bắt đầu phải gọi là cậu. 
Đó là một ngôi nhà lộng lẫy hai tầng, trước có sân rộng trồng nhiều hoa và có cả người gác cửa. 
Những bậc thang cao đưa chúng tôi lên lầu phòng khách rộng có thảm nhung êm, phòng quét sơn màu sữa. Sau khi bảo chúng tôi ngồi yên, mẹ mới vào phòng bên mời bà mợ ra. 
Bà mợ trên bốn mươi nhưng còn rất trẻ, mới trông tưởng chừng mới ba mươi. Quý phái và đẹp. Ông cậu hôm nay đi vắng, nhưng tôi đã có dịp trông thấy mặt ông hôm lễ cưới vừa rồi. Người cao lớn, vững chãi đầy phong độ. Mợ cho biết ông cậu hôm nay về trễ vì bận họp. 
Hình như để phối hợp cho gia đình này tất cả vẻ lộng lẫy toàn vẹn, chị dâu họ của tôi cũng là một thiếu phụ trẻ đẹp, ngoài vẻ đẹp bên ngoài chị còn có một tâm hồn bình thản, một khuôn cách trầm lặng quý phái, chúng tôi mỗi đứa được tặng một gói quà đẹp, bọc trong giấy kiếng không biết bên trong chứa gì, vì dì bảo về nhà hãy tháo ra và đạt nằm yên nơi kỷ trà. 
Giữa phòng khách lớn với cung cách lễ nghi chúng tôi như bị cột cứng, ngồi thẳng lưng, nói chọn lựa từng tiếng chứ không tự do như ở nhà. 
Mỗi lần người làm mang nước, trà bánh kẹo... là mỗi lần chúng tôi phải đứng dậy cung kính mời mọc người dùng. Nhìn khung trời rợp mát với hàng cây cao bên ngoài cửa, nghĩ đến món quà trong hộp, chúng tôi đứa nào cũng muốn tung người ra để tự do bay nhảy. Mẹ tuy bận chuyện vãn với mợ, nhưng lúc nào cũng để ý dò từng cử chỉ của chúng tôi như sợ những hành động vô lễ, vô ý thức có thể gây phiên phức, trong khi chị dâu tỏ ra dễ dãi hơn, đến cạnh hỏi han nhiều thứ, từ chuyện học đến gia đình, tôi ngoan ngoãn trả lời từng câu một, mùi nước hoa trên da thịt tươi mát thoảng nhẹ làm tôi ngây cả mũi. 
Thời gian như đọng lại, ngồi thật lâu kim đồng hồ mới di động đến số bốn, thế mà kế mẫu còn bảo phải ở lại dùng cơm tối xong mới về, vì hôm nay bà mợ sẽ mời cơm. 
Cố gắng lắm mới tạo được vẻ tự nhiên ngồi máy móc trả lời từng câu hỏi, chúng tôi có cảm giác mình là những diễn viên trong vở kịch câm. 
Giữa không khí loãng và bực bội dó, thì chúng tôi được giải thoát. Có tiếng chân dồn dập chạy từ lầu xuống mang theo tiếng cười dòn:
- Ồ! Đến rồi đấy à. Tuyệt thật. Không khí phẳng lặng trong phòng khách bị phá vỡ.
Tất cả người lớn quay lại với ánh mắt trách móc. Bà mợ có vẻ là người khó chịu nhất
- Hiến Cương! Mầy làm cái trò gì vậy? Nhà có khách biết không?
Gã thanh niên mang tên Hiến Cương chớp mắt tinh nghịch nhìn bà mợ cười. Anh chả có gì là phiền muộn:
- Ồ! Khách à? Nhà chúng ta làm gì có khách. Tất cả những người nầy đều là người thân trong nhà mà! 
Rồi quay sang chúng tôi anh tự giới thiệu:
- Tôi là Hiến Cương, anh cô cậu của quý vị đây.
Bà mợ bực mình:
- Cậu có thể giữ đứng đắn một tí được không? Nhìn thử cả phòng xem, có ai lại lớn tiếng, một cách vô lễ như vậy không chứ?
Hiến Cương giả vờ không nghe bước tới trước giật chén chè sen trên tay bà chị dâu rồi kề môi húp nhanh. Bà chị dâu phản đối:
- Kỳ quá! Chén này của em đã ăn rồi, anh có phần anh, để em đi lấy cho, ăn uống gì mà chẳng cần đũa với muỗng gì cả.
Anh Hiến Cương húp xong chén chè, móc khăn tay ra lau miệng, liếc vợ với nụ cười tinh nghịch:
- Có gì đâu mà quan trọng quá vậy? Sống kiểu cách mãi như mấy người ai lại chịu được chứ? 
Chị dâu có vẻ hờn, lẳng lặng thu gọn bát muỗng đem ra sau, trong khi anh Hiến Cương bước về phía cửa sổ, mở tung đôi cánh màu sữa. Gió mát đầu hè tràn vào xoa dịu không khí đầy thuốc súng bên trong. 
Bà mợ có vẻ chưa hả cơn giận:
- Vừa mới về đến nhà đã làm loạn cả lên!
Anh Hiến Cương quay lại nhìn chúng tôi cười:
- Điệu này có lẽ mấy người phải ở đây ăn cơm tối rồi đấy.
- Hôm nay gia đình chúng ta mời khách. Chị dâu nói rồi quay sang nói chồng chị tiếp:
- Tất cả đều là người trong nhà, anh ăn nói cẩn thận một tí.
Anh Cương vẫn tỉnh bơ, nói với chúng tôi:
- Để tôi đưa mấy người ra sân chơi nhé!
Cậu em trai tôi là người đầu tiên lên tiếng hưởng ứng. Hắn nhảy nagy xuống ghế và hét to:
- Ồ sướng quá!
Tôi và cô em gái đứng lên, khẽ liếc về phía kế mẫu chờ đợi, tôi thấy hình như bà không mấy hài lòng, nhưng rồi cũng miễn cưỡng gật đầu:
- Ồ! Đi thì cứ đi. 
Chúng tôi với tâm trạng của bầy chim sổ lồng, tung tăng theo anh Cương ra cửa. 
Đến bên ngoài, tôi mới có dịp nhìn rõ vóc dáng của ông anh họ tôi. Khuôn mặt, như khuôn đúc của ông cậu, có điều mắt của ông cậu thì lạnh lùng và nghiêm trang trong khi mắt của anh Cương lúc nào cũng gần như tươi mát. Anh thay âu phục thẳng nếp ban nãy bằng bộ Pyjama lụa.Thấy chùng tôi nhìn, anh nói:
- Đi với mấy cô cậu ra vườn chơi mà mặc âu phục thì trông chẳng giống ai cả.
Lời nói ngộ nghĩnh cảu anh làm chúng tôi cười, anh tiếp:
- Cha tôi thì lúc nào cũng vậy. Ông muốn tất cả mọi người trong gia đình đều phải kiểu cách quy tắc như ông. Đó mấy người có thấy vợ tôi không, lúc nào cũng muốn tôi như hình nộm, vừa thức dậy đã nghe dặn dò hôm nay phải ăn mặc chình tề vì có mấy người đến.
Chúng tôi bắt đầu thấy thân thiết và không còn ngại ngùng ngăn cách với anh nữa.
- Năm ngoái ông bố đã hứa cho tôi chọn ngành ngoại ngữ thế mà đầu năm ông lại đổi ý cho việc học ngoại ngữ là vô tích sự, và bắt tôi chuyển sang ngành ngoại giao.
- Vậy hiện giờ anh học môn ngoại giao à?
Anh Cương ngập ngừng một tí rồi nói:
- Không, tôi không thích làm quen.
- Vậy ra anh vẫn còn học môn ngoại ngữ à?
Anh Cương lắc đầu:
- Bị ông bố làm rối trí quá thành ra tôi cũng mất luôn thú trong việc học ngoại ngữ.
Tôi phì cười:
- Nghĩa là anh chả học hành gì cả?
- Vâng, tôi chả làm gì cả, vì vậy chị dâu mấy người mới dè bỉu tôi là tay chơi, công tử bột.
Rồi anh tự ngồi xuống bậc thềm. Cậu em trai tôi hỏi:
- Anh không sợ lấm quần à?
Anh lắc đầu:
- Lo gì! Quần này của ông bố tôi sắm mà, ông có tiền nhiều lắm.
Cô em gái tôi nói:
- Nhưng anh cũng phải gìn giữ chứ!
Anh Cương vỗ nhẹ lên vai cô em tôi, bảo:
- Này cô bé, đừng có học thói chua ngoa của người lớn. Sự thật tôi đâu muốn ăn mặc cầu kỳ thế này! Tôi chỉ thích quần áo vải thô thôi, mà cũng chẳng được phép. Ăn mặc cầu kỳ làm gì phải giữ gìn lôi thôi phiền phức.
Lời anh Cương làm chúng tôi phì cười, anh tiếp tục vui vẻ:
- Tôi là con người hư đốn như vậy, mấy cô cậu đừng bắt chước nhé.
Không biết đó là câu giễu cợt, cô em tôi thật thà:
- Đâu có, em thấy anh dễ thương lắm.
Anh Cương pha trò:
- Thật không? Hay vì được tôi đưa ra khỏi phòng hắc ám đó mà cô bảo rằng tôi dễ thương chứ?
Chúng tôi cười, anh Cương tiếp tục:
- Bộ tôi là hề hay sao mà cứ nhìn vào mặt tôi cười mãi vậy?
Anh Cương thật dễ mến. Ngay từ phút đầu mới gặp anh, chúng tôi đã như bị cuốn hút. Anh kể cho chúng tôi nghe thật nhiều chuyện cười và đa số những chuyện đó là những chuyện tuổi thơ tinh nghịch của anh. Sau đó anh đề nghị chúng tôi cùng chơi trò cút bắt. Mọi người bắt đầu tay trắng, tay đen. Kết quả cô em tôi là kẻ đi tìm và chúng tôi là những người đi trốn. Phạm vi của trò chơi nằm sau vườn. Em trai tôi vì trốn dưới giàn nho nên là kẻ đầu tiên bị bắt rồi kế đến là tôi. Còn lại anh Cương, tìm mãi mà chẳng thấy đâu cả, tôi và cậu em đổ nhau đi tìm hộ nhưng vẫn không thấy, giữa lúc đang hoang mang thì chợt nghe có tiếng hát phát ra đâu đây: 
Thế giới tôi màu xanh
Nơi đó mặt trời cũng xanh
Cả trăng và gian nhà nhỏ
Chiếc giường, khung cửa nhỏ
Và người yêu nho nhỏ của tôi
 
Chúng tôi đuổi theo tiếng hát, và sau cùng mới tìm ra nơi xuất phát. Đó là miệng giếng đen ngòm,chùng tôi nhìn xuống trông thấy giữa miệng giếng tròn qua nắp đậy bằng cây, anh Hiến Cương ngồi vắt vẻo bên thành thang sắt. Cậu em trai tôi phản đối, bảo là không được trốn ở nơi đây. Anh Cương trèo lên với nụ cười tinh nghịch:
- Tại sao là không có quyền, ở đây đâu có ra ngoài phạm vi đã thảo thuận đâu?
Vừa nói anh vừa đưa cho chúng tôi một trái dưa đỏ. Cậu em tôi ngạc nhiên:
- Làm gì có cả dưa hấu ở dưới giếng nữa?
Anh Cương đưa tay lên môi giả vờ suỵt nhẹ:
- Đừng nói lớn, kho tàng bí mật của tôi đấy.
Xong anh đưa quả dưa cho chúng tôi và hỏi:
- Lạnh không? Đó là chiếc tủ ướp lạnh thiên nhiên của riêng ta đấy
Xong anh bổ dưa lên tảng đá gần đấy và mời:
- Ăn đi. 
Chúng tôi không còn e dè nữa. Quả dưa thật ngon. Ăn xong, anh Cương ra lệnh cho tất cả dọn dẹp sách sẽ và dặn: 
- Đừng cho ai biết cả nhé, để họ biết họ đến lấy trộm là nguy đấy. 
Cuộc vui kéo dài chẳng mấy chốc những chiếc áo mới của chúng tôi đều lấm bẩn. Bấy giờ, ngươi làm mới từ trong nhà chạy ra mời chúng tôi vào dùng cơm. 
Anh Cương nhìn chúng tôi một lúc nói: 
- Thế này thì nguy quá! Chắc chắn cô tôi sẽ buồn ghê lắm. 
Cậu em trai tôi ra vẻ khôn vặt: 
- Không sao đâu. Mẹ mới chắc không khó đâu. 
Anh Cương gật gù: 
- Thế thì hay. Nhưng làm sao thì tôi cũng phải thay bộ áo khác. 
Cô em tôi có vẻ ngạc nhiên: 
- Thế mà tôi cứ tưởng anh bất cần tất cả chứ! 
Anh Cương cười: 
- Tại cô không biết, chứ giờ cơm là giờ ông bố tôi tìm cách hành hạ tôi đấy, gần như ngày nào chẳng hành hạ được tôi thì ông ấy ăn cơm chẳng ngon. 
Giao chúng tôi cho người làm xong anh mới về phòng thay áo. 
Bàn ăn đã dọn đầy đủ. Giữa bàn là một chiếc khăn thêu thật đẹp, những chiếc bát Giang tây với hình rồng phụng kiểu cách, những đôi đũa đen bọc đầu bạc, các ly rượu nhỏ nằm bên cạnh. Không khí càng nặng nề hơn khi bốn người tớ đứng hầu ở bốn góc bàn. 
Bà mợ mời mẹ tôi ngồi vào giữa, vì hôm nay người là quí khách và chúng tôi được sắp ngồi ở hai bên. Những chiếc áo bẩn đất khiến chúng tôi bứt rứt, mẹ có vẻ khó chịu nhưng vẫn tỏ ra mềm mỏng: 
- Ban nãy quên nhắc nhở các con chớ để bẩn quần áo. 
Bà mợ giúp chúng tôi, bào chữa: 
- Lỗi không phải ở chúng nó. Tất cả cũng tại thằng Cương. 
Ngay lúc đó ông cậu trong chiếc áo dài mùa hạ bước vào, chúng tôi cùng đứng dậy. 
Đôi mắt lạnh lùng của ông quét nhanh khắp bàn: 
- Thôi ngồi xuống đi. 
Mãi đến lúc ông ngồi xuống, chúng tôi mới ngồi theo, kế mẫu nhìn ông cậu: 
- Chiếc áo này anh mặc trông đẹp lắm. 
Ông cậu với sắc mặt không đổi, đáp: 
- Có chuyện vui trong gia đình, mặc quốc phục thích hợp hơn. 
Giữa lúc đó anh Cương bước vào, vừa trông thấy anh là chúng tôi muốn cười ngay, chiếc áo dài hoa tròn của anh mặc có vẻ hài hước làm sao. Anh càng tỏ ra quan trọng thì lại càng buồn cười. Nhưng chúng tôi cố nén để giữ lễ phép khi ngồi cùng bàn với người lớn. Chị Cương cũng thay chiếc áo khác, màu hồng nhạt, chị rót rượu mời mọi người và khi vòng đến chúng tôi thì kế mẫu khoát tay. 
- Trẻ con không nên cho uống rưọu. 
Ông cậu nâng ly mời mẹ: 
- Thế nào, tất cả đều bình thường cả chứ? 
- Vâng. Cảm ơn anh chị, mấy đứa bé đều ngoan. 
Rồi mẹ nâng ly lên đưa về phía bà mợ. 
Chúng tôi như chín cả người. Không khí nặng nề vây quanh. Liếc nhanh về phía anh Cương, những vết rêu xanh bám trên mặt chưa rửa của anh khiến tôi không nhịn cười được, thật khó khăn lắm mới giả vờ tạo được tiếng ho để chặn được tiếng cười. Nhưng hình như ông cậu đã tinh ý nhìn thấy. Đôi mắt bén của ông nhìn thẳng vào mặt anh Cương và lạnh lùng: 
- Cương. Đi rửa mặt nhanh lên! 
Anh Cương quay sang tôi rồi lấy khăn tay ra lau mặt. Tiếng ông rít lên: 
- Ta bảo là đi rửa mặt có nghe chưa? Lớn rồi mà chẳng biết gì cả, cứ làm như một thằng hề. 
Anh Cương lẳng lặng xếp khăn tay. Đứng thẳng người lên rồi đẩy ghế bước ra ngoài. 
- Trở lại đây! 
Ông cậu lại rít. Anh Cương dừng chân quay lại. 
- Kéo ghế lại ngay ngắn rồi hãy đi. 
- Nhưng con còn trở lại nữa mà! Anh Cương đáp. 
Ông cậu trừng mắt nhìn anh rồi lạnh lùng: 
- Tao nghĩ tốt nhất mày không nên trở lại nữa. 
Anh Cương yên lặng một chút rồi trở về bàn kéo ghế lại ngay ngắn. Tôi tưởng là anh sẽ đi ngay, nhưng không, anh vẫn đặt tay trên thành ghế đưa mắt nhìn chúng tôi: 
- Mấy người cứ dùng cơm đi, tí nữa ta sẽ gặp lại. 
Nói xong anh lấy trong túi áo ra ba chiếc hộp hình chữ nhật đưa cho cậu em tôi, nói: 
- Mấy món này tôi cho mấy người đấy. 
Chị Cương lên tiếng: 
- Em đã cho chúng nó rồi. 
Anh Cương liếc nhanh về phía chị Cương rồi quay lại nói với chúng tôi: 
- Xin lỗi, anh không biết, nhưng thôi cứ lấy đi. 
Căn phòng ngập đầy không khí nặng, tôi nhìn về phía mẹ. Chiếc quạt trên tay người phất nhẹ, không khí loãng dần. 
Cậu là người lên tiếng trước: 
- Mời quí vị cầm đũa lên. 
Chúng tôi bắt đầu ăn, nhưng bữa cơm không còn thấy ngon nữa. Tôi không quên được thái độ lúc bỏ đi của anh Cương. Ba chiếc hộp anh tặng còn nằm trên bàn. Nhìn những hàng chữ bên ngoài, tôi biết đây là ba chiếc khẩu cầm hiệu “bươm bướm”.