Hôm nay hăm chín tết. Tôi giao trụ sở uỷ ban cho cô phó chủ tịch, dành một nửa ngày cho tôi. Tôi bảo thằng Mẩy: Bố cấm con động vào vườn quả, mày động vào tao cắt cái hè Sầm Sơn, bảo trước cho mà biết. Chả là tôi hứa với nó hễ ngoan ngoãn chịu khó học hành, hè này tôi cho đi Sầm Sơn cho biết thế nào là biển. Nó biết tính tôi, quân lệnh như sơn, đã nói không đùa.
Từ lâu, tôi đã dự tính có một buổi như buổi hôm nay, tự mình hái quả trong vườn, tự mình bày mâm ngũ quả đầu tiên đón năm mới. Đây là một niềm sung sướng tôi đã chăm chút, nâng niu đón đợi từ lâu, chỉ rình đến hôm nay; nó vừa có cái hồi hộp, vừa có cái thiêng liêng lạ lùng, đã tưởng tượng từ lâu mà vẫn không biết nó như thế nào. Quả là như thế. Đây không phải mâm ngũ quả đầu tiên của một năm, năm nào mà chả thế, có năm nào không đến tay tôi bày mâm ngũ quả.
Giá có năm nào lười, giả vờ bảo tôi bận đi họp dân quân phân công trực ngày tết, mẹ nó hộ một tay, thì "mẹ nó" lườm một cái rõ dài, giẫy nẩy lên mà nói: "Tôi chịu thôi, đấy là việc của đàn ông". Không, mâm  quả này khác, không giống như mọi năm, tôi gọi đây là mâm ngũ quả đầu tiên của đời người.
Cái gì cũng có đầu đuôi của nó.
Làng tôi vốn gọi là Thảo Điền, ruộng cỏ, là vùng đồng úng quanh năm, cỏ năn cỏ lác nhiều hơn lúa má. "Đồng trắng nước trong", "Sống ngâm da chết ngâm xương", "Chiêm khê mùa thối", là những câu ca xuất phát từ nơi đây. Trong cái vùng đồng quanh năm trắng nước ấy, làng tôi lại là cái rốn nước, các cụ xưa gọi là xóm Cồn Thoi, là chỗ cao ráo nhất hình thoi, chen chúc những nhà là nhà. Ra khỏi xóm là nước. Bọn trẻ chúng tôi lớn lên trong những trò chơi vầy nước, dầm nước, "thả đỉa, ba ba, chớ bắt đàn bà, phải tội đàn ông...".
Một nửa năm trời đi lại bằng thuyền, đám cưới rước dâu bằng thuyền, đám ma chở áo quan bằng thuyền. Tôi nhớ năm bà nội tôi mất, mả trên gò, mà cha tôi, chú tôi phải lấy cây dìm áo quan xuống nước mới chèn đất lên được. Những năm gọi là  "đổi mới", trong làng cũng có một hai cái nhà tầng mọc lên, nhưng tên các chủ nhân đều  gắn với chữ Đức, nhà Lẫm-Đức, nhà Kình-Đức, là những nhà có con đi Đức mới có tiền xây nhà. Quả thật, bọn trẻ không ra khỏi làng thì không đứa nào mở mày mở mặt lên được.
Nhưng cái số tôi không ra khỏi làng được. Mười bảy tuổi vào Đoàn, mười chín tuổi đã làm bí thư, hai năm sau nữa làm đội trưởng dân quân, việc gì cũng đến tay. Chỉ được ra khỏi làng có hai lần, đi thật xa, một lần lên Lào Cai, một  lần vào Tây nguyên, không phải du lịch mà đi tìm rước hài cốt mấy thằng bạn liệt sĩ. Vinh quang thay cho chúng nó mà cũng khốn khổ thay cho vong hồn chúng nó, mộ đang chôn trên núi cao, nay về quê nằm trong nghĩa trang đồng nước, có tháng bảy phải đi thuyền vào đặt vòng hoa, thắp hương, tại đây chỉ cái đài liệt sĩ là không ngập nước.
Công việc thì lúc nào cũng ngập đầu, nhưng đám lãnh đạo chúng tôi không làm sao cho dân cho làng xóm giàu lên được. Tất cả trông vào đồng đất vào mùa đông xuân nước rút đi. Chúng tôi bày ra đủ phép: tìm giống lúa tốt, ngắn ngày, sai hạt, chen khoai màu, tận dụng đất đai đến từng ngày. Nhưng trí khôn cũng chỉ đến đấy thôi. Lại còn nội bộ đánh nhau nữa.
Một nhóm chủ trương phát triển cái chợ làm kinh tế thị trường, mở nhà hàng đặc sản, cá tôm, thịt chó, nấu rượu, rồi là đề đóm, rồi là dẫn "tiếp viên" về, đem luôn cả "ết" về. Một đằng là huy động vốn dân, lên rừng mở trại, trại đâu chửa thấy, thấy tòi ra một đám tham ô. Các cụ cựu chiến binh thì lao vào đấu tranh, đâm đơn kiện cáo. Sắp đến đại hội, các phe phái rình nhau từng miếng một, giống hệt Tôn Tẫn, Bàng Quyên.
Thế rồi, y như trong truyện cổ tích, những người ăn hiền ở lành mà lâm vào cảnh khốn khổ thì thế nào cũng có Bụt hiện về. Bụt hỏi: "Con muốn gì?"
Ông Bụt này tên là giáo sư Trương. Ông cầm đầu một nhóm nhà khoa học, đến làng tôi, đưa cái giấy giới thiệu của huyện, y như từ trên trời rơi xuống. Năm đó tôi đang làm phó chủ tịch xã, phụ trách sản xuất mùa vụ, dân quân, công an, sinh đẻ có kế hoạch... Ông Trương bảo: "Tôi đã đến đây nhiều lần, như người đi chơi thôi. Tôi đã ngắm kỹ đồng đất vùng ta. Tôi chọn cái rốn nước này giúp các cậu làm giàu. Nhưng tôi chỉ là người bày vẽ. Làm được hay không là ở các cậu".
Lúc đó tôi chưa hình dung ông là ông Bụt. Chỉ thấy một ông già nhỏ thó, đầu bạc, lông mày bạc, da cổ nhăn nheo. Chỉ có cái trán và đôi mắt nổi bật lên. Hôm đầu tiên, ông bảo tôi đưa ông ra đầu làng, chỗ cái mũi nhọn con thoi khép lại bằng một mái tranh của cựu chiến binh Hẩn. Ông bảo:
- Lúc nãy tôi trông thấy trên bàn thờ nhà cậu có một mâm ngũ quả bằng tranh. Chỉ vài năm sau cậu sẽ có một mâm ngũ quả hái ngay trong vườn nhà, không phải đi mua ở đâu hết.
- Bác nói cứ như hoá phép ra không bằng. Làm sao cháu có vườn?
Ông chỉ xuống ruộng nước mênh mông:
- Vườn ở ngay đây chứ đâu?
Rồi ông bắt đầu bày vẽ cho tôi. Đúng là một phép lạ mà sao bao đời nay, tổ tiên chúng tôi, cả chúng tôi nữa, không nghĩ ra. Rồi ông hỏi tôi có dám thuyết phục gia đình đổi mấy đám "bờ xôi ruộng mật" trên đồng Cao, lấy hẳn mấy nghìn mét vuông này, biến cánh đồng ruộng chua phèn úng ngập quanh năm thành ao cá vườn cây, ruộng hai mùa, trên heo dưới vịt hay không? Để tự tay cậu bóc cái tranh ngũ quả trên bàn thờ xuống, cái tranh ấy đẹp đấy, nhưng nó không có hồn, tự tay cậu sẽ hái quả trong vườn bày mâm ngũ quả đầu tiên thắp hương cúng ông bà ông vải nhà ta, làm gương cho cả xã  hay không?
Câu chuyện bắt đầu như thế. Cái phép lạ ông bày cho chúng tôi là thế này: Trên một mặt phẳng đồng nước, đợi đến mùa khô ta đào một cái ao ở giữa làm cái rốn nước. Đất đào ao ta đắp lên bờ ngoài cùng, cao hơn mặt phẳng nước hàng năm, vừa làm bờ, vừa làm vườn. Quãng giữa ta để nguyên làm ruộng. Đó là cả một công trình lao động, nhưng nói cho cùng chỉ đào và đắp. Ta sẽ có một khoảnh đất bậc thang, trên cùng là vườn, giữa là ruộng, mà ruộng này là ruộng hai mùa vì có thể điều tiết nước, dưới cùng là ao thả cá, chăn vịt. Lúa và cá là cái chắc. Còn vườn thì cải tạo đất, trồng cây ăn quả, xen canh với các loại đậu, rau, màu lấy ngắn nuôi dài. Giáo sư Trương bảo tôi:
- Cậu đã hình dung ra chưa? Nếu như trên vườn ta có kỹ thuật cải tạo đất, cậu trồng mươi bụi chuối, mươi cây đu đủ, mươi cây quất, cây chanh, một vạt dưa hấu, có phải ngay trong năm đầu cậu đã hái đủ trong vườn nhà một mâm ngũ quả để báo cáo các cụ rồi không?
Tôi như người bị ông bỏ bùa mê. Tôi báo cáo Đảng uỷ rồi mở một lớp tập huấn do các giáo sư ở Viện Kinh tế sinh thái Hà Nội về giảng bài và hướng dẫn. Không đợi tôi xung phong, tay Hẩn cựu chiến binh hăng hái đổi ruộng, lấy mặt nước cạnh nhà làm bài luôn. Nhưng đến lượt tôi, còn sáng kiến hơn. Cái mô hình "thảo điền" của tôi bây giờ là thế này: trên cùng là chuồng heo, thứ đến là cây quả, thứ đến ao nuôi cá, nuôi vịt, một cái ao giống như cái hào, chạy vòng quanh bao bọc mặt ruộng nổi lên như hòn đảo, ruộng có bờ ngăn cách với bờ ao đủ để điều tiết nước cho hai đến ba mùa lúa. Trên bờ ao trồng cột bêtông chăng dây làm giàn cho bầu, bí, mướp, sắn dây trên vườn leo ra.
Ngay năm đầu đào ao lên liếp vườn, giáo sư Trương cho ôtô chở tặng tôi năm cây bưởi, có ba cây chiết từ trong Nam ra, gọi là bưởi Năm Roi, hai cây chiết từ vườn cây Bác Hồ trên núi Ba Vì chỉ ông mới xin được. Ông bảo: Thứ bưởi Năm Roi này rất quý, quả nó không to, nhưng vỏ mỏng, múi dày, ít hạt, vị chua ngọt không the, ăn một muốn ăn hai, "già ăn trẻ lại, gái ăn đắt chồng".
Nhưng ông sợ bưởi Năm Roi không hợp thuỷ thổ, ông lại xin cho hai cây chiết trong vườn Bác Hồ trồng cho chắc ăn, thế nào trên mâm ngũ quả đầu tiên cũng có quả bưởi hái trong vườn nhà, cho sang. Bưởi trong vườn Bác chỉ cao ngang đầu đã cho quả.
Tôi hỏi: Tại sao gọi là bưởi Năm Roi? Ông bảo bà con trong ấy nói mỗi người một phách, hình như ông già đầu tiên trồng được cây bưởi quý, thấy ngon quá, đe nẹt con cháu hễ bắt được đứa nào trẩy trộm, ông đét cho năm roi, sau thành tên bưởi. Tôi nghe thế thú vị lắm, nhưng nín thinh trong bụng, hỏi thật kỹ cách chăm cây cho thành quả.
Bây giờ thì cái vườn nhà tôi có thể cho tôi bày "thập quả" chứ không còn là ngũ quả nữa. Quả thật từ năm tôi lớn lên làm người đàn ông trong nhà, tết năm nào tôi cũng chăm cho mâm ngũ quả bày cúng tổ tiên. Nhưng tất cả là đi mua ở chợ, có năm phải đạp xe đi hàng chục cây số mới mua được mấy thứ như ý. Năm nay, tất cả là hái trong vườn. Mà là một cái vườn mới lên liếp dăm năm nay ở một vùng gọi là rốn nước, một cái vườn không bao giờ tưởng tượng ra nó lại ở ngay sân nhà mình, một cái vườn trong mơ ước, trong thèm khát.
Nhưng tôi phải chờ bằng được có cây bưởi bói quả đầu tiên mới bày mâm ngũ quả đầu tiên. Bởi tên ông tôi là Bưởi. Bởi cái hôm trồng cây đầu tiên trên vườn, tôi nhớ đó là cây chuối, tôi bỗng nhớ ra rằng cha tôi có lần bảo tôi: "Đời tao nghèo, nuôi chúng mày thành người đã quắt cả người, chả còn hơi sức đâu nữa. Mai kia lớn lên giời cho làm ăn được thì bỏ đất này mà đi, lên vùng Đồng Cao trên kia, mua lấy miếng đất, thế nào cũng phải có cái vườn, ông nội mày tên là Bưởi, suốt đời chỉ ao ước có miếng đất trồng cây bưởi mà ăn". Vâng nó là như thế, cái vườn của cả đời người, của mấy đời người. Nhưng tôi đã từng quên khuấy nó đi.
Tôi chờ đến sáng bạch, tự bảo giờ này tốt, đem dao ra vườn hạ buồng chuối già nhất, quả vừa ưng ửng màu vàng lẫn màu xanh, chặt lấy nải đẹp nhất, để nhớ bà nội tôi. Năm nào bà cũng đi chợ chọn cho cha tôi một nải chuối có hàng quả cong cong đều để cha bày làm nền. Cái hôm đưa ma bà, lũ trẻ chúng tôi không bao giờ quên cái cảnh cha khóc hu hu cầm cây gậy tre sắm sẵn từ nhà dìm áo quan bà xuống. Hầu như năm nào mưa to gió lớn cả nhà buồn thiu nhìn ra đồng nước, cha tôi lại nhắc cái cảnh thảm ấy.
Xong nải chuối nhớ bà, tôi hái quả bưởi nhớ ông, bưởi Năm Roi cũng có nhưng tôi vẫn thích quả bưởi Bác Hồ, to tròn và có cái màu xanh mướt, thích nhất cái lúc giơ tay vừa tầm với, lấy mũi dao xoẹt một cái hạ quả bưởi xuống còn nguyên cả cuống cùng mấy chiếc lá mơn mởn. Bưởi mua chợ có mấy khi được thế. Bưởi này là để nhớ ông, nhớ cái niềm ao ước ông chưa bao giờ có được.
Rồi đến những quả quất nhớ cha. Năm nay tôi có hẳn chục cây quất trong vườn tha hồ mà tỉa những quả đẹp nhất. Ngày còn mồ ma cha tôi, năm nào cha cũng lặn lội đi tìm cho bằng được quất. Cha bảo: trên tỉnh có ông lang người Hoa vẫn gọi cây quất là "cây tắc", tắc là "được".
Đang sắp sửa hái táo thì ông Hẩn cựu chiến binh gọi to từ ngoài cổng: Khỏi trẩy táo, có cành to nhất tôi cho này. Cành táo của ông lấy giống bên Thiện Phiến - Hưng Yên, lúc lỉu những quả là quả. Quả bóng mẩy. Ông lại bảo: "Thuở bé bà đi chợ về thể nào cũng cho tôi mấy quả táo. Những quả táo này nhớ mẹ". Tôi bảo ông Hẩn: "Để em trẩy mấy quả khế ngọt biếu ông".
Hôm được già Trương mời đi họp trên Viện Kinh tế sinh thái, tôi có rẽ qua chùa Phúc Xá bên Gia Lâm mua cây khế giống, thuê hẳn một ôtô tải nhỏ khuân về cùng với một tảng đất phù sa sông Hồng. Bốn cậu dân quân hì hục cả buổi mới khuân được cây khế xuống hố. Chỉ một tháng sau những nõn khế màu tím hồng đã nảy rạo rực. Khế này là để nhớ về Thơm, mối tình đầu của tôi.
Thơm, cô gái bên Đồng Cao, nhà có cây khế ngọt nổi tiếng một vùng. Cái buổi chiều tôi rẽ vào mua khế, cũng là buổi chiều chúng tôi đưa mắt nhìn nhau một cái nhìn rõ dài, và lần đầu bắt chuyện với nhau. Thơm đi thanh niên xung phong và dính bom, hy sinh năm hai mươi tuổi.
Vẫn tưởng những ý nghĩ thầm kín chỉ mình biết với mình. Ai ngờ lúc trao chùm khế tươi rói cho ông Hẩn, vợ tôi liếc thấy, nói với thằng con, còn cố ý nói to để ông Hẩn cũng nghe tiếng:
- Còn cô Thơm bên Đồng Cao thì bố mày chả lấy tao đâu. Bố mày muốn làm rể chiếm người còn muốn chiếm cả vườn khế.
Ông Hẩn đi ra cổng nói đế vào:
- Chỉ người chết là thiệt thôi cô ạ.
Cái thúng quả nặng chĩu trên tay. Tôi bắc cái ghế đẩu lần lần bóc tờ tranh mâm ngũ quả. Tôi bưng cái mâm bồng trên bàn thờ đầy bụi xuống. Tôi lấy cái khăn mặt mới tinh thấm nước lau bụi trên mâm bồng và trên từng quả. Tôi đặt nải chuối xanh lên mâm và ngắm nghía.
Bây giờ tôi chỉ còn nhớ đến ông Bụt của đời tôi, của làng tôi. Năm nay ông đã hơn tám mươi tuổi. Bụt hiện lên và hỏi: "Con muốn gì?". Muốn khóc lại muốn cười. Ai biết đâu rằng cái anh chủ tịch xã lại đang nghĩ lẩn thà lẩn thẩn, chả khác nào một đứa trẻ con.
Tái bút
Có một chi tiết này kể cho vui (hay là cho buồn). Một hôm gần đây, máy điện thoại của tôi có cuộc gọi nhỡ. Tôi nhắn tin hỏi thì được trả lời: "bac nguyen van truong nho so may chau goi cho chu, khong duoc, bac ay di roi". Tôi nghĩ ngay đến Nguyễn Văn Trương và tìm sổ điện thoại gọi về nhà ông 42 Trần Xuân Soạn (HN). Đầu máy kia trả lời: Bố cháu chết hai năm nay rồi. Tôi giật mình, xúc động.
Đúng là hai năm nay, tôi không có liên lạc với ông. Lúc ông chết, tôi hoàn toàn không biết tin. Tôi gọi điện cho Nguyên Ngọc, thì biết đúng là ông chết. Ông Nguyên Ngọc không báo tin cho tôi vì tưởng tôi biết rồi. Từ hôm ấy không viết được bài Minh Di, trong lòng tôi không yên.
Còn tại sao có cái nhắn tin kỳ lạ ấy? Là vì tôi có một người thân là ông Nguyễn Vân Trường, ông đến chơi nhà anh bạn trẻ, nhờ máy cậu ta gọi điện cho tôi. Tôi cứ ngẩn ngơ nghĩ: hay là linh hồn cụ Nguyễn Văn Trương xui khiến ra thế. Mà việc này xảy ra vào  ngày gần đến ngày giỗ cụ: 16.5 nhuận sắp tới.

Xem Tiếp: ----