Chơi thân với An nhưng 3 tháng sau tôi mới biết cháu không còn bố. Ba An mất khi má có bầu 8 tháng. An không biết mặt ba. Bây giờ hai má con ở với nội. Má An làm thợ may.
- Chú Thắng - một lần cháu hỏi tôi - nếu má cháu đi lấy chồng, cháu có khổ không hở chú?
Tôi ngơ ngác:
- Sao cháu lại hỏi thế?
- Cháu hỏi cho biết.
- Cũng có lúc khổ lúc sướng. Tôi trả lời chung chung.
- Nếu má cháu lấy chồng, nội sẽ mất cháu!
Tôi sợ hãi:
- Tại sao ở cái tuổi ấy cháu đã có những ý nghĩ đau lòng như vậy? Ai nói với cháu như thế?
- Cháu nghe bà nội nói với ông như thế.
Thực tình những loại chuyện như thế tôi không am tường lắm, không dám giải thích, tôi chỉ động viên cháu chung chung.
Ngày hôm sau nữa An ỉu xìu, làm mấy bài toán sai hết. Tôi hỏi, An kể:
- Tối qua đang ngủ chợt thức, cháu nghe má cháu khóc. Cháu hỏi, má nói má buồn. Má muốn đi học lớp sư phạm cấp tốc sắp tới. Các bác trên xã biết má học xong tú tài muốn vận động má đi vì hiện nay xã đang thiếu giáo viên. Nhưng bà nội không đồng ý. Bà nói dạy tháng mấy đồng bạc ăn gì...
Câu chuyện An kể trở nên nghiêm trọng làm tôi ái ngại. Đáng lẽ ở tuổi cháu nên tránh những chuyện buồn phiền như thế... Mười hai năm nay má An ở vậy thờ chồng nuôi con. Gia đình nhà chồng nghe nói còn nặng đầu óc phong kiến. Ông bà sợ má An đi đây đi đó giao thiệp rộng quen biết nhiều mà "lửa gần rơm lâu ngày cũng bén". Nếu Hiền đi lấy chồng con theo mẹ, ông bà mất cháu... Và những mắc mớ trong gia đình đã lây sang ý nghĩ của thằng bé.
Một hôm đang chăn bò, An bị trúng gió, mấy đứa trẻ đưa An vào phòng tôi, lấy dầu đánh gió. Trưa đó An khoẻ. Tôi không cho cháu về. Ngoài sân hai con bò thản nhiên gặm cỏ, ban sáng tôi nhờ mua được mấy bó rau muống, ít măng và dăm khuôn đậu phụ.
- Chú Thắng ở một mình có sợ không? Cháu thì cháu sợ lắm. Cháu cũng chưa bao giờ nấu cơm. Nội nói con trai xuống bếp lú lẫn học dốt, phải thế không chú?
Thằng bé nói huyên thuyên. Trẻ con ở tuổi mười hai mười ba vậy đó, nhưng ở nhà mấy khi An được cởi mở vậy đâu vì ông bà nội, cả má nữa không hợp với An. Tôi trở thành chỗ tin cậy cho An dốc bầu tâm sự.
- Dọn chén bát đi chú bé, lấy tô múc canh, cơm sắp chín rồi đây. Tôi cúi người thổi phù phù vào mấy hòn than cho cơm nhanh chín. Đột ngột An hét tướng lên:
- Má, chú Thắng ơi, má cháu đến!
Ngước lên, trước mắt tôi người phụ nữ có khuôn mặt đẹp, dễ thương rất giống An. Nhìn chị không thể biết chị đang ở tuổi ba mươi mà trẻ hơn tôi tưởng rất nhiều. Chị chào tôi rồi sẽ sàng ngồi xuống ghế, ôm con vào lòng.- ở nhà nghe mấy đứa nhỏ nói lại, ba má tôi lo cuống lên. Trưa không thấy cháu về lại càng lo... Gia đình tôi mang ơn anh nhiều lắm.- Sao chị lại nói thế? Tôi lúng túng một cách kỳ lạ.
- Anh nói vậy, ai sống trong hoàn cảnh gia đình tôi mới hiểu được cái ơn cái nghĩa ấy. Chị lặng đi trong nỗi xúc động. Chị quay sang trách con nhưng nửa như để giấu đi sự lúng túng của mình:
- Con không về làm nội với má hết cả hồn.
- Tại chú Thắng đó má, chú không cho con về. Chú nói ở lại với chú ăn cơm cho vui. Mà... con cũng muốn ở lại. - An cười rất ngây thơ. Rồi chú như nửa muốn giới thiệu nửa như muốn khoe với má làm tôi phì cười. - Má! Đây là chú Thắng, chú Thắng mà con hay kể với má nghe đó.
Chị Hiền gõ vào trán con, vẻ ngượng nghịu.
Giờ mời chị ăn cơm với chú cháu tôi. Nói rồi tôi quay sang An: Cháu lấy thêm chén đũa mời khách nhé. An đi lấy thêm chén, miệng chúm chím cười. Bữa cơm so với xưa nay khá chu đáo. Suốt bữa ăn má An ngồi nhìn chú cháu chúng tôi.
- Anh ở đây có một mình? - Chị hỏi
- Vâng, làm việc thì đông nhưng hết giờ họ về nhà riêng hết. Chị à, dùng cơm đi.
Có hai chú cháu sao anh nấu nhiều cơm thế?
- Tôi thường nấu một bữa ăn hai. Buổi chiều mong cho xong việc chỉ kịp khoá cái ngăn tủ là chạy ra sân banh với mấy chú nhỏ.
- Anh mê bóng đá lắm nhỉ? Cháu về lúc nào cũng khoe và kể về anh...
Bữa cơm chúng tôi qua nhanh. An xin phép má ở lại chiều chăn bò luôn. Hiền chào tôi ra về phần vì lý do công việc, phần vì ngại ngồi lâu.
Sau đó ít ngày, vào buổi trưa tôi vừa dứt cơn sốt đang tìm nước uống thì nghe gọi.
- An phải không? Vào đi cháu!
- Chú Thắng ơi, nội cháu ra thăm chú. An nhanh nhảu giới thiệu: Đây là chú Thắng nội ạ. Bà cụ một tay xách nải chuối, tay kia xách chiếc túi nhỏ. Đặt các thứ lên bàn cụ vào thẳng chuyện:
- Nghe cháu kể nhiều về chú giờ mới ra thăm chú được. Tôi ra để cảm ơn chú về việc hôm trước.
- Trời đất, bác tính chi chuyện đó. An với cháu là chỗ thân quen, có An cháu thêm vui đó bác. Trưa nắng thế này mà bác phải ra đây!
- Chú ạ, đã có cái ơn cái nghĩa xa mấy tôi cũng ra cho đến nơi. Ông nhà tôi cũng định ra thăm chú mấy lần, nói chú thứ lỗi, thực tình chưa có dịp... Thế bên chú ông bà có khoẻ không?
- Dạ cháu chỉ còn mẹ. Mẹ cháu đang ở với anh cháu ngoài Huế.
- Chú mấy cháu rồi, cô ở đâu? Tôi cười thành thật:
- Cháu chưa có gia đình, bởi cháu đi đây đi đó nhiều nơi, không có điều kiện. Mà lấy vợ khó quá bác ạ.
Bà cụ cười:
- Nói vậy, người như chú nhiều cô mến lắm đó. Mà một lấy hai lấy ba mới khó, một lấy một xưa nay là lẽ thường. Chỉ tại chú kén quá. Nói đoạn cụ thân mật hơn: - Chú thế là muộn, thằng Hải con tôi có vợ năm mười chín có con năm hai mươi. Con Hiền sinh thằng An năm mười tám... Ngồi chơi một lúc bà cụ ra về. Ra đến cửa còn nhắc đi nhắc lại chiều mai đến dự buổi liên hoan cho Hiền đi học.
- Chú nhớ chiều mai nhé. Tôi thì không muốn cho má thằng An đi, từng đó tuổi còn bon chen làm gì, nhưng ông nhà tôi và mấy chú trên xã động viên riết rồi cũng phải xiêu. Ông nhà tôi còn cho tôi là lạc hậu. Nói có trời, mình thương con thương cháu mình nghĩ vậy thôi... Thôi tôi về, chú nhớ chiều mai nhé.
Hôm sau tôi đến nhà theo lời mời. Ngôi nhà khang trang được rào dậu cắt tỉa công phu. Đây là ngôi nhà nề nếp nho giáo, nhưng có vẻ gì đó nghiêm khắc. Ngôi nhà không phù hợp với lối sống của An nhưng có lẽ phù hợp với Hiền hoặc Hiền đã cố ép mình để sống cho phù hợp với khuôn nếp tạo nên của gia đình. Trong bữa tiệc, Hiền không ngồi vào bàn, chị lo tiếp thức ăn, nhưng đọc trong đôi mắt to đen sâu thẳm của Hiền tôi thấy đôi mắt ấy toả ra tia sáng tràn trề hạnh phúc. Hiền đi học. An xa má nhớ má cậu ta càng gắn bó với tôi, thường ở lại ngoài trạm với tôi nhiều hơn. Ông bà nội cũng thương và rất chiều cháu.
Thời gian qua nhanh, Hiền về dạy học ở trường làng sau mười hai tháng học sư phạm cấp tốc. An một buổi đi học, một buổi chăn bò. Nhiều lúc vắng cháu tôi nhớ nôn nao, lâu lâu phải tìm vào nhà An cho đỡ nhớ. Một buổi trưa nằm bên tôi dáng tư lự, An hỏi tôi:
- Chú Thắng, rồi chú có chuyển công tác đi nơi khác không?
Tôi giật thót người, không hiểu căn cớ gì mà An hỏi tôi câu đó, cái câu hỏi đã âm ỉ mấy năm nay. Tôi băn khoăn nhìn An, cặp mắt chú bé làm tôi hiểu tôi phải trả lời như thế nào. Thực tình tôi chỉ trả lời cho đôi mắt ấy chứ không phải trả lời cho câu hỏi. Tôi lắc đầu mỉm cười đưa tay quàng ngang người cháu.
- Chú không đi thực chứ? Mắt An sáng lên long lanh: Vậy mà má cháu nói thế nào chú cũng chuyển đi.
Tôi ngạc nhiên, câu chuyện có liên quan gì đến má An? Tôi tò mò:
- Má cháu nói sao?
- Hồi hôm, má cháu hỏi cháu nếu chú Thắng đi con có buồn không? Cháu cãi với má là nhất định chú không đi.
- Tại sao cháu biết chú không đi?
An không cười, nét mặt nghiêm trang:
- Cháu cũng không biết tại sao nữa nhưng tự nhiên cháu nghĩ chú sẽ không đi... và cháu đã đúng phải không chú? Trầm ngâm một lúc An nói tiếp: - Hồi đêm má cháu còn hỏi con thương chú Thắng nhiều hơn hay thương má nhiều hơn. Cháu nói cháu thương cả hai người, ai cháu cũng thương.
Tôi cười khoái trá trước câu chuyện của An: May mà cháu trả lời thế - Nếu cháu nói cháu thương chú nhiều hơn chắc má cháu ghét chú lắm.
An giãy nảy: Không! Má cháu rất thương chú. Như để chứng minh cho câu nói của mình, An tiếp: Má cháu hay hỏi chuyện về chú lắm.
Thế đó, sự vô tình của An làm tôi xúc động. Chẳng hiểu sao lần chuyện trò ấy tôi bắt đầu suy nghĩ nhiều về Hiền...
- Chú Thắng, hôm qua cháu nghe bà nội nói với ông: Má thằng An dạo này khác lắm. Ông cười bảo: Bà khó tính quá đó, con Hiền đi dạy nó sửa soạn tí chút cũng được chứ sao. Bà cãi ông: Tôi nói khác là khác chuyện khác. Ông cười: Tôi biết bà muốn nói gì rồi, neúe như có đám nào vừa ý nó thì tôi với bà phải đứng ra lo cho nó chứ sao, đáng lý nó phải lấy chồng từ mấy năm trước...
- Má cháu định lấy ai? Tôi hỏi giật giọng. Không ngờ từ miệng tôi lại thốt ra câu hỏi lạ lùng đó. Thì ra tình cảm của tôi và Hiền đã đi xa hơn ý nghĩ thường ngày của tôi.
- Cháu cũng đâu có biết, mà cháu cũng không cho má cháu đi lấy chồng đâu. Bà nội cũng không muốn. Bà nói má muốn đi đâu thì đi nhưng phải để cháu ở lại với ông bà. Giọng An như sắp khóc: Cháu không muốn xa má, cũng không muốn xa nội.
Tội nghiệp cháu tôi còn ngây thơ, khờ dại. Còn Hiền quá khắt khe với bản thân mình. Ông bà vì quá thương cháu mà đâm ra ích kỷ, An thiếu tình cảm của một người cha. Đến bây giờ tôi mới tự giải thích được trên nét mặt ngây thơ rất đẹp của cháu có những nét buồn bất chợt. Câu chuyện của An là tình huống có vấn đề làm tôi nhiều đêm trằn trọc. Hơn nữa tôi không giấu được lòng mình, tôi đã yêu Hiền.
Những ngày cuối cùng của năm học không gian như chững lại. Cái kim dài trên chiếc đồng hồ nài nỉ tích tắc kéo chiếc kim ngắn nhích lên từng chút một, từng chút một. An bận thi suốt cả tuần, nên tôi nhớ nó quá. Bây giờ với tôi, An là nỗi nhớ gấp đôi. Bởi có An tôi mới có tin tức của Hiền. Hơn nữa, qua An tôi mới tìm được những nét dễ thương của má nó, tôi cũng khuây khoả chút ít vấn vương.
Ăn cơm chiều xong tôi uể oải ngồi nhìn mưa. Dưới hàng hiên những chiếc bong bóng thi nhau trồi lên nổ tí tách. Phía ngoài xa, dưới hồ chứa tiếng ễnh ương đều đều vọng lên buồn bã. Không gian rộng, âm thanh bi đát quá mỏng chơi vơi lơ lửng giữa cánh đồng quạnh quẽ. Tôi càng thấy thấm thía nỗi cô đơn của mình.
Chú Thắng! Thằng An bị thương. Hai đứa nhỏ ướt như chuột lột đến từ lúc nào thi nhau hét vào tai tôi. Tôi giật mình, hoảng hốt. Sau một phút bàng hoàng tôi khoác đại chiếc áo lên người băng vào làn mưa. Trời chập choạng tối, tôi đến nhà An, nhà vắng hoe. Thấy tôi bà cụ oà khóc - Chú ơi thằng cháu tôi, tôi đã giữ cháu ở nhà. Chiều nay đi thi về còn sớm nó đòi ra thay cho ông về kẻo lạnh. Trời xui đất đẩy An ơi, cũng tại bà cả...
- An ở đâu rồi bác?- ở trên trạm xá chú ạ! Tôi an ủi bà cụ rồi vội vã ra đi. Con bò mẹ mất con thoáng thấy bóng tôi rống lên thảm thiết.Tại phòng cấp cứu của trạm xá người rất đông. Không khí căng thẳng. Thằng bé yếu lắm rồi, sợ không qua nổi. Hình như nó đang chờ ai. Nghe câu nói tôi lạnh toát cả người, lấy hết sức cố chen vào trong. Tôi đến gần An. Hiền phờ phạc gục đầu bên con nấc nghẹn. Thấy tôi, đôi mắt Hiền mấp máy những âm thanh tả tơi nát vụn.
- An... cháu đang mong anh.
- An ơi! Chú đến với cháu đây. Nghe gọi An từ từ mở mắt, đôi mắt đờ đẫn vô định. Khi thấy tôi đôi mắt chợt sáng lên. Bàn tay An chới với nắm tay tôi.
- An ơi, chú đây mà.
An kéo tay ra hiệu cho tôi cúi xuống. Cặp môi khẽ động đậy, tiếng An đứt quãng:
- Chú... thương má cháu với. Cháu không muốn má cháu lấy... chồng... An lịm dần. Bàn tay cháu băng lạnh trong tay tôi.
An! Cháu đừng chết, An! Tôi gào lên ôm chặt thân hình lạnh ngắt của An. Chơi vơi trong đớn đau, đổ vỡ tôi oà khóc mặc dù trong tiềm thức tôi vẫn còn một góc tỉnh táo để tôi hiểu rằng bây giờ tôi là chỗ dựa của hai ông bà đau khổ, của một người phụ nữ bất hạnh, tôi phải cứng rắn lên. Vẫn biết vậy, nhưng nỗi đau quá bất ngờ đã làm tôi kiệt sức...
Ba ngày sau khi mở cửa mả cho An, Hiền ngồi lặng lẽ bên mồ con, không khóc. Khuôn mặt Hiền gầy rạc, cặp mắt to khô lạnh đau đáu nhìn đâu đó trong cõi hư vô. Tội nghiệp Hiền phải chịu hai lần tang tóc của con và của chồng...
Một cơn gió lạnh thoáng qua, tôi đến bên Hiền:
- Hiền ta về thôi, trời sắp tối rồi. Hiền đứng lên sau mấy lần tôi giục, bước như một cái máy, lặng lẽ vô hồn.
Một tia chớp loé lên kéo theo những tiếng sầm rền rĩ ngang lưng trời. Tôi cố dìu Hiền đi nhanh hơn để kịp tránh cơn giông đang sắp sửa kéo đến.
ĐINH ĐÌNH CHIẾN

Xem Tiếp: ----