(Chỉ là hư cấu để tặng S. với tấm lòng thương mến chân thành.)
 
Sinh đứng nhìn trời từ lobby khách sạn. Mưa từ chiều vẫn chưa ngừng, và có lẽ không bao giờ ngừng ở cái nơi tạm dừng chân cho những người khách như Sinh. Lớp học năm ngày  tại Microsoft dài như bất tận, và còn hai ngày nữa Sinh mới được trở về nắng ấm Cali. Sinh đã chán ngấy những bữa ăn đơn độc trong cafeteria hay tại phòng ăn của khách sạn nên quyết định đi tìm một tiệm ăn Việt Nam trong thành phố mưa buồn này.  Customer service gọi dùm chiếc taxi, và Sinh lóng ngóng đứng chờ. 
Người tài xế đưa Sinh tới một tiệm ăn vắng vẻ ở ngoại ô mà Sinh tìm thấy địa chỉ trong cuốn điện thoại niên giám tại phòng khách sạn. Thực ra thì Sinh muốn đi tìm một không khí quen thuộc hơn là món ăn ngon nên cũng không quan tâm tìm hiểu nhưng cũng hơi thất vọng khi bước vào tiệm ăn lưa thưa vài người khách. Rũ những hạt mưa bụi bám trên mái tóc, Sinh theo chân người tiếp viên âm thầm tới một bàn gần cửa sổ. Mưa bên ngoài vẫn nặng hạt, và ánh đèn mờ trong tiệm ăn làm không khi thêm lắng đọng với tiếng hát trầm buồn một một ca sĩ thời danh. Khi người tiếp viên trở lại lấy order Sinh mới có dịp nhìn kỹ cô ta, và Sinh thoáng ngỡ ngàng:
Có phải là Phụng không?
Người con gái ngạc nhiên nhìn Sinh, rồi như chợt nhớ ra:
Anh Sinh?
Sinh lặng lẽ gật đầu, trong lúc Phụng đưa tay lên che miệng. Giọt nước mắt ứa ra lăn trên má khi Sinh đứng lên kéo ghế mời cô ngồi.
 
 
Con bé chắc chỉ độ mười tuổi, gặp Sinh lúc nào cũng nghe hàm răng nhỏ như răng chuột ra cười. Nó ở bên kia đường quốc lộ, đối diện với cửa hàng tạp hoá ở ngoại ô Nha Trang bán những đồ lặt vặt của gia đình Sinh. Nó hay qua mua hàng, thường thì chỉ là một xị rượu đế cho dượng của nó. Sinh biết gia đình nó ở tuốt trong làng gần chân núi, ba nó chết trận, mẹ nó nghèo không nuôi nổi năm đứa con nên mang đứa lớn nhất ra gửi người bà con để cho nó giúp việc lặt vặt trong nhà. Cũng may là nó vẫn còn được đi học, mỗi lần có gì không hiểu nó vẫn sang tìm Sinh để nhờ Sinh giúp. Cho đến năm Phụng mười sáu tuổi.
Buổi tối Phụng sang tìm nhìn Sinh, giọng buồn:
Mai em nghỉ học rồi.
Tưởng là con bé chán học, Sinh nhăn mặt:
Em không được lười biếng. Hay là dượng em bắt em làm việc nhiều quá nên không có thời gian tới trường?
Phụng lắc đầu:
Mai dượng mang em đi kinh tế mới. Dượng nói rừng quanh đây một cây củi mục cũng không còn, chẳng thể nào kiếm ăn được nữa.
Sinh thấy như hụt hẫng, tần ngần ôm nhẹ  bờ vai con bé:
Em đi anh buồn lắm.
Phụng bật khóc:
Em đâu có muốn đi. Anh … anh …
Con bé thút thít khóc, mặc cho Sinh ôm nó vỗ về. Từ ngày bỏ nhà ra đây nó chỉ có Sinh là bạn, dượng nó câm nín, lầm lỳ nhiều khi đáng sợ. Mẹ nó lâu lâu ra thăm nhưng chỉ lặng lẽ nhìn nó thở dài rồi buồn bã ra về. Mấy đứa bạn học đứa nào cũng ngơ ngác, có con Bích thân nhất thì nó đã trốn vô Sài Gòn đi bụi đời, chỉ còn Sinh cho nó làm bạn và nương tựa. Nay mai đi xa, Phụng buồn buồn nghĩ không biết còn ai cho mình trông chờ.
Phụng khóc lớn hơn, dụi đầu vào ngực Sinh làm Sinh bối rối. Sinh cũng vừa mới lớn, mùi hương từ mái tóc con bé và làn da trắng ngần sau cổ áo rộng làm Sinh rạo rực, nhưng anh chỉ nuốt nước bọt, nhẹ thở dài. Gia đình mình cũng đang  tìm đường vượt biên, mình xong trung học mấy năm nay nhưng cũng chẳng có nghề ngỗng gì, tương lai mù mịt, làm sao nói được chuyện yêu đương lúc này. Phụng còn thơ ngây quá, mình nỡ lòng nào gây cho em thêm niềm đau. Yêu em nhưng không mang em theo được. Thôi, cũng đành. Thật là tội nghiệp cho chúng mình.
Sinh nâng đầu con bé lên, nhỏ nhẹ an ủi:
Đừng khóc nữa em. Mình vẫn còn có thể tìm thăm nhau mà. Em biết vùng kinh tế mới nào không?
Phụng chùi nước mắt:
Em nghe dượng nói đâu đó ở Lâm Đồng.
Sinh thở dài nghĩ thầm:
Xa quá. Bao giờ gặp lại được em!
Phụng lại bật khóc:
Anh lên thăm em nhé.
Sinh gật đầu dối lòng:
Ừ. Anh sẽ lên thăm em.
 Hai người vẫn ngồi với nhau ngoài sân nhà Sinh từ chập  tối. Vầng trăng lưỡi liềm đã khuất sau rặng núi xa xa. Phụng vẫn dựa đầu trên vai Sinh, lâu lâu vẫn đưa tay gạt nước mắt.  Sinh xót xa:
Để anh đưa em về. Mai nếu anh không đưa em được thì …
Sinh nghẹn lời như muốn khóc. Phụng lau nước mắt, đứng lên thì thầm “em yêu anh”, và bỏ chạy nhanh vào bóng tối nhạt nhoà.
 
 
Già Châu nhiều lúc như muốn nổi khùng. lão thù ghét đàn bà kể từ ngày vợ lão bỏ lão mang đứa con gái còn nhỏ trốn đi. Lúc đó lính Mỹ còn đóng quân ở Cam Ranh gần đó, lão thầu giặt ủi, kiếm khá bộn tiền dù rằng vất vả, xây được mái nhà ven quốc lộ I, trương bảng hiệu “Châu Quang” ngon lành. Mẹ Phụng, em gái  họ của lão, mang con gái ra gửi, lão vui vẻ nhận liền, cho nó ăn ở có là bao, có đứa cho mình sai vặt, làm việc trong nhà, chỉ tiếc là con bé mới mười tuổi, bé tí xiú và ẻo lả như cành cây gió thổi bay.
Từ ngày vợ lão bỏ đi, lão vẫn sống với con bé, và khi lính Mỹ về nước, rồi miền Nam sụp đổ, cái tiệm giặt ủi của lão cũng chết theo, lão đổi nghề, vào rừng kiếm củi và vật liệu phế thải sống qua ngày. Kiếm được đồng nào lão uống rượu gần hết, và khi say lão lăn ra ngủ để quên đời, quên con vợ khốn nạn bỏ nhà theo trai.
Con bé Phụng vẫn sống vật vờ bên lão, nhưng đã lớn bổng. Đôi lúc nhìn nó lão thấy nôn nao nhưng rồi chỉ thở dài. Cái giống đàn bà nhà chúng nó chẳng ra gì, ông đếch thèm! Kiếm sống mỗi ngày mỗi khó khăn nên già Châu buồn não ruột, lại còn bị thằng cán bộ Bắc kỳ làm khó dễ đủ điều. Cuối cùng lão đành bán rẻ cái nhà cho nó, đi kinh tế mới cho yên thân. Lão thù ghét Mỹ vì nghĩ rằng con vợ lão bây giờ đang ở đâu bên đó, với một thằng Mỹ đen, nên không bao giờ lão nghĩ tới chuyện vượt biên.
Lên vùng kinh tế mới già Châu càng thêm rầu rĩ, nhất là từ ngày số rượu lão mang theo đã cạn. Thời tiết cũng chẳng dịu dàng như lão nghĩ. Nắng cao nguyên không gay gắt nhưng lão và Phụng cũng đổ nhiều mồ hôi trên những luống đất đỏ do lão đào sới để trồng bắp, trồng khoai chờ ngày thu hoạch. Căn nhà lợp tôn chỉ như cái lều,  đêm thì lạnh còn ban ngày thì nóng như thiêu. Chỗ tắm giặt chỉ quây sơ sài bằng mấy tấm liếp gần bên suối. Mỗi lần Phụng ra đó  lão đều nhìn thấy rõ ràng làn da trắng ngần và đôi má đỏ âu vì nắng gió cao nguyên. Lão nuốt nước bọt, bứt rứt. Nếu có xị rượu lão đã làm một hơi rồi lăn quay ra ngủ. Ở đây cái gì cũng thiếu thốn, có tiền muốn mua gì cũng phải đi bộ, băng rừng cả buổi mới tới thị xã.
Trời chiều nắng còn nhá nhem, những giọt nước trên đôi vai trần của Phụng lóng lánh dưới ánh nắng cuối ngày. Già Châu tiến gần lại chỗ Phụng đang đứng tắm, kiễng chân nhìn cho rõ hơn. Đầu lão nóng bừng, ừ mình nuôi nó lớn, sao không?
Phụng giật mình kêu thét lên nhưng cũng không ngăn được già Châu giật tung cánh cửa, bế thốc cô lên, chạy về phía căn lều. Phụng rãy rụa nhưng cũng không thoát khỏi đôi tay gân guốc của lão. Cô nức nở:
Dượng tha cho con đi.
Già Châu không nói, xiết chặt cô hơn. Phụng thét lên đau đớn, nhưng không có người nào nghe được tiếng  kêu xót xa ở nơi hoang vắng tiêu điều. Lần đó không phải chỉ là một lần độc nhất. Những ngày sau đó đêm nào già Châu cũng tìm sang giường Phụng, trút những buồn phiền hằn học trên thân xác cô, mặc cho cô thút thít khóc.  Mặc dù lo sợ nhưng đến lúc không còn chịu được cái mùi mồ hôi nồng nặc của già Châu nữa, Phụng băng rừng trốn ra thị xã, tìm về quê với mẹ, và cũng là lúc Phụng biết mình vừa mang thai.
 
 
Đành rằng là rau cháo có nhau, nhưng thực tình thì gạo nấu cháo cũng không còn. Mấy đứa bé em Phụng lang thang ngoài đám ruộng khô cằn, lượm mót bất cứ thứ gì có thể ăn được và bà Năm cũng đã nhiều ngày bữa đói bữa no. Bà nhìn Phụng xanh xao ngồi gục đầu khóc mà lòng tan nát. Làm sao bây giờ? Rồi đứa bé khi ra đời sẽ ra sao?
Phụng nghe mạ nói nè.
Dạ.
Gặp lại con mạ cũng mừng lắm, nhưng mạ không có gì để nuôi con, mà con thì xanh xao ốm yếu. Thiệt tình mạ không biết làm sao bây giờ?
Phụng lại khóc nức lên:
Con không về với dượng Châu nữa đâu.
Bà Năm đưa tay chùi mắt:
Thật là oan nghiệt.
Bà nhìn tấm hình của người chồng quá cố trên chiếc bàn thờ siêu vẹo nức nở:
Tội quá ông ơi!
Mấy mẹ con ngồi đó, trong bóng chiều im vắng. Cơn đau cũng dịu dần, Phụng hỏi mẹ:
Hồi trưa con đi qua khu nhà ngoài quốc lộ, thấy nhà anh Sinh đóng cửa im lìm. Mẹ biết sao không?
Bà Năm thở dài:
Vượt biên rồi.
Có chút tần ngần bà nói thêm:
Sinh nó có vô đây kiếm mẹ trước khi đi. Mang cho ít đồ khô nữa. Cũng mấy tháng rồi. Không biết là có đi thoát không hay là lại vùi thây trên biển.
Phụng nghe xa vắng, niềm hy vọng cuối cùng tan biến. Hình như không còn nỗi đau nào có thể đau hơn, Phụng nấc lên:
Mạ. Mai con vô Saigòn tìm đứa bạn học ngày xưa. Mạ cứ coi như con đã chết. Mạ ráng nuôi các em con. Con có sống sót thì thế nào con cũng trở về thăm mạ, thăm các em con.
Bà Năm chỉ gục đầu không nói. Ngày hôm sau khi Phụng ra khỏi nhà, bà nằm co quắp trên trên chiếc giường ọp ẹp, khóc thảm thiết như ngày nghe tin chồng chết trận bên Hạ Lào.
 
 
Phụng khóc nức nở, không buồn để ý đến những người khách ở bàn bên cạnh, và bà chủ quán đang nhìn. Những giọt nước mắt rơi lã chã như những hạt mưa lăn trên cửa kính. Sinh xót xa, khuyên nhủ người con gái nhưng nước mắt cũng như muốn trào ra:
Nín đi em. Thật là tội nghiệp.
Phụng vẫn thút thít:
Hôm đó là lần cuối cùng em nghe nói về anh. Bao nhiêu năm rồi em cũng không còn nhớ nữa.
Mười lăm năm rồi đó em.
Phụng đưa tờ napkin chặn dòng nước mắt:
Em vào Sài-Gòn, tìm được con Bích, nó đưa em đi phá cái thai oan nghiệt, và kể từ đó em sống buông thả, theo đám bụi đời. Còn gì đâu nữa mà giữ gìn hả anh. Anh có khinh em không?
Phụng lại khóc nức lên. Sinh lắc đầu:
Không em. Chỉ thấy đau xót cho em thôi. Nín đi em.  Cho anh hỏi, bây giờ đời sống của em ra sao?
Phụng ngước lên nhìn Sinh:
Năm 1984 em theo người bạn trai vượt biên, sống lây lất mãi ở Mã Lai mấy năm rồi mới được qua Mỹ định cư ở thành phố này.
Sinh thở ra:
Cuối cùng thì em cũng có một gia đình êm ấm.
Phụng lắc đầu:
Số em long đong anh ạ. Tân là kẻ vũ phu, thường đánh đập em, cuối cùng bỏ em theo một bà chủ tiệm nail. Còn em tàn tạ, lây lất trong cái nhà hàng này kiếm sống, và hàng tháng gửi cho mẹ chút tiền để nuôi các em. Chúng nó cũng lớn cả rồi nhưng gia đình thì vẫn đói rách như xưa. Em đau lòng lắm, không dám về thăm, và cũng không làm gì được hơn.
Sinh thấy mình đau xót:
Ngày đó anh không dám rủ em vượt biên, anh sợ biển hãi hùng, sợ em bị hải tặc bầm dập, và nếu chuyện đó xảy ra mà anh không bảo vệ được em thì có sống anh cũng ân hận suốt đời. Anh đâu có ngờ bỏ mặc em bên đó, em còn bị bầm dập hơn bao giờ. Anh mới là người đánh trách chứ làm sao khinh em được.
Phụng với tay qua bàn, nắm bàn tay Sinh:
Số phận cả anh ạ.
Sinh lắc đầu, giọng thiết tha:
Dù có là số phận, chúng mình cũng có thể làm lại từ đầu. Cho anh một cơ hội đền bù em.
Phụng ngạc nhiên:
Anh?
Ừ. Anh không giầu có nhưng vẫn có thể bao bọc được em. Anh cũng có những ngày buồn ở trại định cư, và những ngày vất vả chân tay ở nước Mỹ. Mấy năm cố gắng làm việc mới có đủ điều kiện trở lại trường. Anh tốt nghiệp năm ngoái,  được gửi lên đây học thêm, và không ngờ đuợc gặp lại em.
Từ khi gặp lại Sinh bây giờ Phụng mới nở được một nụ cười:
Em mừng cho anh.  Anh được mấy cháu rồi?
Sinh lắc đầu:
Anh vẫn còn độc thân. Cũng có vài mối tình ngắn ngủi nhưng đều không đi đến đâu, và vẫn còn nhớ những ngày trẻ dại của chúng mình, khi anh yêu em mà không dám nói.
Phụng im lặng, nhẹ thở dài. Sinh nhìn cô đăm đăm, nói thật rõ ràng:
Phụng, em về với anh.
Phụng nhìn Sinh ngơ ngác:
Về với anh. Anh …
Sinh gật đầu:
Ừ. Anh không muốn mất em thêm một lần.
Phụng nhìn Sinh thẫn thờ, nước mắt lại ứa ra chẩy dài trên má:
Nhưng … Anh xem, em đâu còn như xưa … Em bầm dập và tàn tạ.  Dù anh có thương xót em nhưng gia đình anh chẳng bao giờ chấp nhận em đâu. Em còn mặt mũi nào nhìn mọi người trong gia đinh anh. Em cám ơn anh,  nhưng em xin anh …
Phụng lại bật khóc nức nở, đứng lên bỏ chạy vào toilet, mặc Sinh ngồi sững sờ. 
 
 
Quang mở cửa cho em, nhìn những sợi tóc đã sớm bạc, bùi ngùi:
Có đến mấy năm rồi anh mới lại gặp chú.
Sinh gượng cười:
Dạ.
Chỉ ghế cho Sinh ngồi, Quang hỏi thêm:
Em vẫn còn ở Cali?
Thưa anh vâng, nhưng em đã moved xuống miền Nam, không ở San Jose nữa. Tuần này em có việc ghé qua Houston nên lại thăm anh.
Ngừng một chút Sinh tần ngần:
Anh có thường về thăm ba mẹ không?
Quang gật đầu:
Hàng năm anh đều có về. Ba mẹ già rồi. Em cũng nên về.
Anh biết mà. Ba cấm cửa em, không cho em bước chân vào nhà từ ngày em lập gia đìng với Phụng.
Ba nói thế thôi. Còn mẹ thì lúc nào cũng mong em. Ba thuộc lớp người cũ, vẫn trân trọng những giá trị cổ điển, dù lỗi thời. Nhưng từ ngày em không về ba câm nín và buồn bã ra mặt.
Em cũng rất buồn. Gọi điện thoại về ba không nhấc máy.
Có bao giờ ba mẹ quên được em, dù em có cãi lại vì không đồng ý với ba.
Quang buồn bã vỗ vai em nói thêm:
Mà thôi, gia đình em bây giờ ra sao?
Cháu thứ hai cũng được một năm rồi. Nhà em củng đã học xong, đang làm teacher aid anh ạ.
Mừng cho em, và nói thật với em là anh rất cảm phục em. Em là người biết yêu, biết hy sinh, và biết trân trọng tình người. Anh cũng chỉ mong các con anh sau này cũng biết thế nào là thương yêu.
Dạ, em cám ơn anh. Như anh biết, cố gắng lắm em mới thuyết phục được Phụng nhận lời làm vợ em. Em cũng năn nỉ ba mẹ hết lời, xin ba mẹ chấp nhận cuộc hôn nhân của chúng em, nhưng ba vẫn từ chối. Cãi lại ba mẹ em cũng đau lòng, nhưng em không biết làm sao hơn.
Quang vỗ vai em:
Anh hiểu. Thôi, thế này nhé, nếu em vẫn còn ngại, để anh đưa gia đình em về thăm nhà. Anh là con trưởng, lúc nào ba cũng nể anh, và anh chắc là khi gặp các con em, ba sẽ mềm lòng, chấp nhận Phụng là con cái trong nhà.
Sinh cúi đầu nhìn xuống:
Dạ. Nhờ anh xin với ba cho em.
Bóp nhẹ bàn tay em trong lúc Sinh đăm chiêu nhìn lên tấm hình bố mẹ treo trên tường trong phòng gia đình, Quang gật đầu:
Chúng mình sẽ về, thế nào ba mẹ cũng sẽ rất vui.
Giã từ anh, lái xe về khách sạn, Sinh nghĩ tới lúc mang hai đứa con về nhà, có Phụng theo sau, được mẹ ra đón từ ngoài cửa, đưa tay bồng thằng út, nước mắt Sinh muốn trào ra. Mùa nay đồi cỏ sau nhà bố mẹ đã xanh tươi, vài tháng nữa muà xuân sẽ về, hoa vàng sẽ nở rộ reo vui trong gió. Con dốc trước nhà chắc vẫn như xưa dù đã mấy năm Sinh chưa trở lại.  Sinh muốn dắt tay Phụng đi dưới những tàng cây bên đường, muốn nói với vợ là chúng mình đã tìm được đỉnh bình yên, đã về như nước trở về ngưồn, trút hết những ưu phiền vì chia cách, và  thì thầm bên tai Phụng là dù ở nơi chốn nào đi nữa thì anh cũng vẫn rất yêu em.
 
Trần Quang Thiệu
Nov. 15, 2009
Sitio Caballero

Xem Tiếp: ----