16h15'. Thôi chết, muộn mất rồi. Còn chưa đầy cây số nữa là đến bệnh viện, đường lại bị tắc. Thế nào cũng bị càu nhàu. Không biết hôm nay bác sĩ nào trực buồng nhỉ?
Buồn cười thật. Cuộc đời thì dài nhưng ai cũng cố tranh cướp từng phút. Dù thời gian chẳng phải bao giờ cũng quý. Xe các loại ùn ùn. Bụi rực lên quánh lại thành từng đám vàng xuộm. Tiết xuân mà nực như mùa hạ. Người đông như nêm. Phải choài chân xuống đường đẩy xe, nhích từng tấc, chợt thấy nóng rát nửa người dưới. Quay lại, bắt gặp mắt của một ông trẻ. Trẻ lắm. Hắn có cái nhìn đong đưa, táo tợn đến tội nghiệp. Nhìn dại lắm chú mình ạ. Dù sao còn hấp dẫn được các chú là còn tàm tạm. Hôm nọ tắm cùng với cái Hương ở khoa, nó bảo:
- Ngân vẫn đẹp. Nhưng là thứ đẹp lạnh. Có thứ lạnh vì kiêu sa. Còn Ngân...
Nó không nói hết. Ôi dào, hơi đâu mà nghĩ. Nóng hay lạnh cũng vẫn vậy. Quái, đã đến giờ tan tầm đâu mà đông thế không biết. A, hoá ra có đám rước dâu phía trước. Buồn cười thật, bây giờ người ta đón dâu vào bất kỳ lúc nào trong ngày. Họ tuân theo giờ tốt. Cứ như thể vì thế mọi tai ương có thể tránh khỏi. Cứ việc tin để mà bíu vào nhau đến tóc bạc, răng long. Còn tin được là còn sống được.
Thoát rồi, một kẽ rộng nứt ra. Đoàn xe cưới đã tạt vào ngõ. Tốt quá. Thốc ga lên. Gió cuốn ào ào. Cùng quá là bốn rưỡi nhận trực. Muộn nửa tiếng đồng hồ. Cứ việc càu nhàu.
- Bác sĩ. Bác sĩ Ngân!
Người đàn ông to roành, mặt quen quen chắn ngay cổng. Dừng xe. Trông quen, nhưng chẳng biết là
ai. Ông quen mặt cười. Cả cái cười cũng quen:
- Chào bác sĩ Ngân!
Vẫn không tài nào nhớ nổi. Thật chán mớ đời. Ông "to roành" loay hoay. Có vẻ ông muốn bắt tay nhưng không dám vì phép lịch sự.
- Bác sĩ không nhận ra tôi. Năm trước cháu Thuỳ nhà tôi được bác sĩ chữa khỏi viêm gan. Cháu đã thi đỗ đại học. Nhắc đến bác sĩ luôn. Tôi có cuốn sách mới in. Mang đến tặng bác sĩ. Tiện thể...
Nhớ ra rồi. Ông nhà thơ Hồng Tiến. Thảo nào thấy quen quen. Vì mặt ông hay hiện trên tivi đọc thơ, chứ không phải vì cái cô Thuỳ viêm gan nào đó. Ti tỉ bệnh nhân làm sao nhớ hết được. Cuốn thơ rất mỏng có tên là "Sao băng" và tít nhỏ ở dưới "Tập thơ tình chọn lọc". Bìa sách đẹp, giấy tốt nhưng chữ ông viết tặng quá xấu. Lại khó đọc. Khó hơn cả chữ bác sĩ kê đơn. Lạ nhỉ, tình mà như sao băng thì còn gì là tình. Nhưng cái tên gợi đấy chứ. Mặt ông cục mịch thế sao thơ lại có tên nho nhã đến vậy. Mặc kệ, cảm ơn nhé. Ông nhà thơ có vẻ tần ngần. Hay ông định tán tỉnh mình. Không phải. Điệu bộ trân trọng nhường kia không thể sàm sỡ được. Quả nhiên:
- Bác sĩ! Cháu Thuỳ muốn mời cô chủ nhật này đến chơi. Cháu liên hoan mừng sinh nhật.
Hay đáo để cái ông nhà thơ này. Vẫn không nhớ được mặt con bé.
- Cháu đỗ trường nào ạ?
- Cháu theo nghề của cô.
Suýt nữa thì bật cười. Lại một cô "từ mẫu" nữa xếp vào đội ngũ. Thì đến. Mặt ông nhà thơ rạng hẳn lên. Chắc ông phải yêu con lắm mới mừng được ra mặt thế kia. Ông đi rồi mới nhớ đã bao giờ biết nhà ông đâu. Khỉ thật, tội nghiệp cô bé viêm gan sẽ phải chờ đỏ cả mắt.
16h40'. Bác sĩ Tuấn đã gióng xe giữa sân. Đóng bộ nghiêm chỉnh đợi. Biết ngay mà. Cấm cẳn:
- Con gái, con đứa. Vô duyên. Giờ này mới vác mặt đến. Muộn gần một tiếng. Lỡ bu nó bữa bia rồi. Ế chồng là phải.
Bật cười:
- Bia ở đâu?
- Bệnh nhân mời.
- Ăn của cả bệnh nhân. Hèn thế.
- Ra viện rồi. Bố nó là "kễnh", giàu lắm. Một bữa bia nhằm nhò gì.
Ờ, nhằm nhè gì thật. Cái đầu xoăn vút đi. Học cùng khoá đấy. Hai con rồi. Chẳng biết hồi sinh viên tóc hắn có xoăn không nhỉ? Để ý đâu mà biết, vớ vẩn thật, xoăn tự nhiên hay sấy cũng ảnh hưởng gì đến mình. Đúng là vô duyên.
Phòng y tá ồn ào. Một đám quây tròn đánh tá lả. Quân trốn chồng, hết giờ vẫn không thèm về.
- Tao ù. Con zi tép. - Chút chút tiếng hôn gió - Đen tình, đỏ bạc. Căng với lão hâm suốt tuần nay.
- Mày vơ hết tiền bồi dưỡng trực của các bà, căng cả năm vẫn lãi.
- Xì, tao cho ván ù này. Thí nhé!
Cười như chợ vỡ. Đám tá lả túa ra. Mặt mũi đỏ gay. Phải học đánh mới được. Để tiêu diệt thời gian. Hoa bảo:
- Ngân đây rồi. Có một ông không già, không trẻ, không xấu, không đẹp, hỏi. Tao chỉ ra ngoài cổng. Nom mặt rõ quen.
Cái Hoa tủm tỉm. Rõ thật. Nó nghĩ mình có vấn đề với ông kia chắc. Người nó tròn ung ủng. Cả khoa Lây gọi nó là Hoa mít. Người tròn đến cái cười cũng tròn. Cả lòng tốt cũng tròn trịa, đầy đặn. Chắc lại vẫn ông "sao băng". Có điềm gì chăng? Hiền dô bảo:
- Lúc ba giờ chiều, Ngân có điện thoại. Tên là Yến, nhắn đi sinh nhật đứa nào đấy, bạn phổ thông. Tao cáu. Bảo dẹp hết cái trò nhăng nhít ấy đi, để yên cho nó lấy chồng. Bạn mày cười, tốt tính đấy.
Điều ấy thì khỏi phải bàn.
  17h00. Tua một vòng. Các phòng bệnh vắng như chùa Bà Đanh. Mùa xuân, các bệnh lây hình như cũng nghỉ ngơi, chả bù cho mùa hè, giường bệnh xếp chật hành lang.Vắng lặng đi kèm với hoang hiu. Trước Tết, bệnh viện đã cho quét lại vôi tường. Lớp vôi vàng bợt, phủ vội, nom các khu nhà càng dài dại. Có khác gì ông già cũ kỹ khoác bộ cánh mới sặc sỡ. Sang xuân, lộc nảy tua tủa từ mấy cây bàng gầy guộc đứng ủ rũ trong sân. Một cơn gió nhỏ xoáy tít giữa đám lá non run rảy. Có tiếng la từ phòng cấp cứu:
- A, bác sĩ đây rồi.
Một ông béo nằm chật chiếc giường sắt. Bệnh nhân ỉa chảy.
- Bác sĩ. Tôi nằm từ chiều, được vài viên thuốc. Chẳng ai ngó ngàng gì cả. Tôi có bảo hiểm. Các người làm ăn thế này... Đừng đùa. - Nhác thấy mặt mình có vẻ nín nhịn, ông càng cao giọng - Tôi sẽ kiện. Đừng đùa.
Ông béo bị ngộ độc thức ăn. Ông la suốt buổi. Ông ỷ vào tấm thẻ bảo hiểm. Tốt thôi. Chẳng cần nó thì căn bệnh của ông cũng phải tống khứ bằng hết đám thiu thối nhồi nhét trong ruột.
Hết vòng tua, về phòng trực ngồi. Người sao thế này, cứ rấm ra rấm rứt. Sực nhớ đến quyển thơ. Hai sáu bài thơ, đọc một lèo. Chắc ông thi sĩ phải chắt cả đời yêu đương của mình mới lọc ra được ngần ấy. Cũng được, nhưng hiu hiu buồn. Đọc thơ lại nghĩ đến người. Thơ ông và người ông chẳng ăn nhập gì cả. Chẳng biết hồn ông diện mạo thế nào chứ mặt ông hơi bị khó coi. Hình như thơ ca là vậy.
Nó chỉ tìm những bộ dạng như thế để náu. Chắc nó không chịu được sự hào hoa phát tiết. Ngước mắt, trời sập tối từ bao giờ. Bộ chấn song gỉ trơ xương sắt. Sẽ phải giam mình hết đêm nay ở đây.
18h00. Thành "kem" ào vào. Gọi thế vì người gã đuồn đuỗn như một que kem. Thành là y tá. Đang trục trặc với vợ nên trực hộ người khác suốt. Gã đắm mình trong bệnh viện để thoát địa ngục gia đình. Gã bảo:
- Bà không đi ăn à? Cái gì thế này? Ôi, thơ tình. Đừng nghe chúng nó. Thơ thẩn chỉ đi lừa bọn nhẹ dạ cả tin thôi - Giọng gã hạ rất thấp - Lấy chồng đi Ngân ạ.
- Lấy ai?
- Ai cũng được. Đừng chọn. Thành chết vì chọn. Cứ lấy sẽ thấy mình rũ bỏ được nhiều thứ. Chẳng hạn....
Tay gã chỉ vào cuốn sách. Thoáng khó chịu.
- Cảm ơn nhé. Cái Tuyết đâu?
- Quên à, hôm nay thứ bảy, thằng bồ đến. Nó xin phép đi một lúc. Chắc là dẫn nhau đi ăn. Tình yêu bây giờ thế đấy. Thực chứ không mơ.
Đúng một cách tàn nhẫn. Chuyện của Công và mình cũng thế. Công sáng nhất trong đám người yêu cũ. Đám kia mờ nhạt, không nhắc. Chỉ còn Công như một ngôi sao. Lỡ làng vì thế chăng?
Ngược thời gian. Chỉ một chút thôi về Công. Hơn Ngân bảy tuổi. Cao ráo, khoẻ mạnh. Kỹ sư kinh tế. Vui tính và tốt bụng. Trai tỉnh lẻ về Hà Nội học và đậu lại. Thành phố vốn là ước mơ cháy bỏng của những người muốn rũ đi gốc rễ lầm lụi của mình. Công đã toại nguyện. Gặp Ngân, hẳn Công có thêm điều kiện để biến ước mơ kia thành sự thật. Nhưng không.
- Công này, em đã nhận quyết định phân công công tác. Một bệnh viện trung tâm thành phố.
- Chúc mừng Ngân.
- Mình quen nhau đã bốn năm. Em nghĩ kỹ rồi. Có lẽ anh nên rời bỏ căn hộ giường tầng.
- Anh sẽ ở đâu?
- Còn ở đâu nữa, chả bao lần...
Im lặng. Ngân vốn là con út của một gia đình công chức trung lưu. Công có thể ở rể mà không gặp bất cứ trở ngại gì. Tình yêu của họ đã được thử thách. Nhờ nhà vợ tuy chẳng mấy vinh nhưng lại chả chán vạn lần hơn chui rúc ở xó tập thể cơ quan xếp chật giường tầng. Vẫn im lặng.
Kết cục, Công từ chối cơ hội không phải ai cũng may mắn có được kia. Từ chối bằng một khát vọng chính đáng. Mặc nhiên đó là hành động của lòng tự trọng. Tốt thôi, cái đó là phẩm cách mà thời hiện đại ngày một hiếm dần. Nhưng Ngân biết rõ rằng đi quá giới hạn của kiêu hãnh, Công đã bị sa vào vòng quẩn của mặc cảm.
Công biến đi từ dạo ấy, hết vào Nam lại ra Bắc. Công hăm hở cố tạo cơ hội cho mình. Ngân biết sẽ mất Công. Dù vậy cô vẫn mong đợi gặp Công. Để làm gì, Ngân không biết nữa. Thời gian trôi, thấm thoắt những mùa xuân tươi xanh đã nối nhau đi không trở lại.
19h20'. Cái Tuyết về. Mặt mũi phởn phơ. Chẳng lẽ tình yêu như chiếc bánh mì mình đang nhai. Chắc nó đã nhai xong suất của nó. Không đúng! Nghĩ thế phải tội chết. Tuyết ngáp:
- Em cho thuốc xong rồi. Không có gì đặc biệt. Mỗi ông béo rên la, em vừa nạt, im thít. Em ngủ một lát, có việc, chị gọi.
Ngáy ngay. Tuyết, hăm nhăm tuổi, y tá trung cấp. Tuổi nó, mình còn vô tư hơn. Một cô, một cậu sinh viên ríu rít đi vào. Cả hai đều đẹp. Bỗng dưng cáu:
- Đi đâu từ tối? Tôi sẽ không nhận xét kết quả đâu. Thôi, đi xuống buồng làm bệnh án.
Hai cái bóng trắng khép nép khuất sau cửa. Thấy hối. Vô lý quá. Đừng giận chị nhé. Chuông điện thoại reng.
- A lô, khoa Lây đây.
- Khoa Lây à, nhầm máy, tôi xin lỗi.
Sập mạnh. Giọng đàn ông quá nhũn nhặn. Chán quá. Một sự nhầm lẫn chẳng ra gì. Vô lý, mình thì có ai gọi. Nhẽ ra nhiều đấy. Nhưng sao chán bọn họ đến thế. Hệt như một lũ gà khoe lông và rỉa cánh. Có tiếng ồn ào. Cô sinh viên hớt hải:
- Bác sĩ trực, có ca cấp cứu.
22h35'. Ổn rồi. Thằng bé đã thiêm thiếp ngủ. Gương mặt non tơ bắt đầu rạng lên ánh hồng. Khổ, ba tuổi biết gì. Gần hai ngày đi ngoài tuồn tuột. Mất nước trầm trọng, chậm chút nữa thì nguy. Bây giờ mới nhìn kỹ mẹ nó. Còn trẻ, phốp pháp. Kiểu dáng giống chủ sạp hàng ngoài chợ. Ngót chục món trang sức bằng vàng phân bổ khắp người minh chứng cho nhận định này. Bảo:
- Chị nuôi con phải cẩn thận. May đưa vào viện kịp.
Đợi có thế, chị ta oà lên:
- Vâng, đội ơn bác sĩ. Khốn nạn thân tôi, suốt ngày phơi mặt ngoài chợ. Chồng ơi là chồng, con ơi là con...
Nãy giờ anh chồng thấp thoáng ngoài cửa không dám vào. Chợt nhìn thấy bên mép tấm ga đắp con mèo bằng nhựa. Xinh quá. Thằng cu con lả thế vẫn ôm đồ chơi của nó vào bệnh viện. Con mèo nhựa vàng, mắt chẫu sơn xanh. Ngày xưa, một lần sinh nhật mình, Công cũng tặng con mèo hệt thế này.
Ôi mèo, tướng tinh của mình. Con mèo Ngân sinh năm Mão. Mày đã sống mấy mươi năm. Không biết bây giờ Công ở đâu? Chỉ một chút mặc cảm nghèo hèn mà Công chạy trốn, để Ngân chơ vơ như con mèo nhựa bây giờ vương ngoài tấm đắp. Giật bắn mình vì tiếng người đàn bà gắt gỏng.
- Khốn nạn chưa kìa, chồng với con. Có vào trông nó để con này chợp mắt, mai còn kiếm miếng đút miệng hay không?
Giá không có khẩu trang đã bật kêu thành tiếng. Người đàn ông hấp hoảng chạy vào chính là Công. Anh ta đấy, trong một tư thế khép nép đáng phẫn nộ trước người vợ uy quyền. Mắt con mèo nhựa vàng bằng hai chấm sơn, chợt tuyệt vọng long lên xanh lè.
Không rõ giờ. Khuya. Sân thượng bệnh viện ướt đẫm sương. Có cảm giác bầu trời gần lắm, giơ tay là với được. Mùa xuân nhưng trời quang đáng ngờ. Gió thổi mạnh, sao dày đặc dạt cả về phía trời nam. Chợt thấy lạnh. Sao nhấp nháy, li ti. Không buồn, không vui nhưng vẫn oán ông nhà thơ. Người rấm rứt quá. Cuốn "sao băng" như là điềm gở. Chợt một ngôi sao đổi ngôi toé thành vệt sáng dài. Ngày xưa, Công bảo, mỗi người chỉ có một tình yêu. Mỗi tình yêu là một ngôi sao.
Lại một ngôi sao nữa toé ra. Vỡ thành ngàn, vạn mảnh. Chắc gì những thiên thạch nhỏ bé kia sẽ chết. Nó vật vờ đâu đó trong thiên hà. Tiếng của Thành "kem":
- Không biết bà Ngân biến đâu nhỉ?
Tiếng Thành khê đặc. Chắc gã vừa trút món nợ gia đình vào rượu. Tội nghiệp cho con bé viêm gan. Chủ nhật này nó sẽ đỏ mắt vì chờ đợi. Phải chi, mắt nó xanh thì tốt bao nhiêu. Nhưng biết làm sao được. Vẫn khối người chờ đợi, mắt không đỏ bao giờ.

Xem Tiếp: ----