Êrênhđira đang tắm cho bà nội thì cơn gió bất hạnh của cuộc đời cô cũng bắt đầu nổi lên. Căn nhà khổng lồ, tường đã lở vôi, vốn đã xiêu vẹo trong cảnh cô đơn của hoang mạc, rùng mình ngay từ cơn gió giật đầu tiên. Nhưng Erênhđira và người bà đã quen với những nguy hiểm của thiên nhiên hung bạo ấy, cho nên cả hai người, đang ở trong buồng tắm, cái buồng tắm được trang trí bằng những chiếc lông công bện lại và bằng những bức khảm nổi thường dùng trong các nhà tắm thời các Hoàng đế Xêda – hầu như không nhận ra được sức gió mạnh tới mức nào. 

Bà già, trần truồng và khổng lồ như một con cá voi, nằm trong chậu tắm bằng đá hoa cương. Cô cháu vừa xấp xỉ tuổi mười bốn, dáng người mảnh khảnh và quá ngây thơ so với tuổi của mình. Với cử động thong thả mang vẻ kính cẩn, cô cháu tắm cho bà mình bằng thứ lá thơm mà cứ mỗi bận dội nước xong, lá bám vào cái lưng nần nẫn, lá bám vào mái tóc ngả màu cước, lá bám trên đôi vai vạm vỡ có xăm hình nhăng nhít với vẻ giễu cợt của các thuỷ thủ. 
-Đêm qua bà nằm mơ thấy mình đang chờ thư – người bà nói. 
Êrênhđira, vốn chỉ nói khi thật cần thiết, hỏi bà: 
-Bà nằm mơ vào hôm nào cơ? 
-Vào ngày thứ Năm! 
-Vậy là một lá thư buồn bà ạ! Nhưng có lẽ không khi nào nó tới, bà đừng lo! 
Khi tắm xong cho bà già, cô cháu dắt bà mình vào phòng riêng. Bà già béo ục ịch tới mức mỗi bận đi lại bà phải vịn vào vai cô cháu hay chống một cái ba-toong giống hệt cây gậy của Đức giáo chủ. Nhưng trong những cử chỉ nặng nề ấy của bà già, người ta vẫn nhận ra cái vẻ oai phong của lối sống vương giả đã hết thời. Trong căn phòng bày biện có phần hơi bừa bãi y hệt sự bày biện trong toàn căn nhà, Erênhđira phải mất hai giờ liền mới trang điểm xong cho bà nội mình. Trước tiên cô cháu gỡ từng sợi tóc một, xức nước hoa và chải mượt mái tóc cho bà sau đó mặc cho bà bộ váy áo hoa sặc sỡ. Cuối cùng cô tô điểm cho bà: thoa phấn da mặt, tô môi son, đánh má hồng, tô móng tay. Khi trang điểm xong cho bà mình như trang điểm cho con búp bê có cỡ người thực, Êrênhđira dẫn bà ra vườn hoa, cái vườn hoa nở toàn hoa sặc sỡ y hệt màu hoa trên váy áo bà, rồi để bà ngồi trên chiếc ghế có tay dựa y như chiếc ngai vàng của các đấng Quân vương, một mình lặng lẽ nghe đĩa hát. 
Khi người bà đắm say trong những kí ức xa xưa thì cô cháu lo lau quét nhà, một căn nhà tối, loang lổ ánh sáng, bày biện lộn xộn những bàn ghế giuờng tủ, những bức tường tạo hình của Đức Hoàng đế Xêda, những ngọn đèn chùm, những bức tượng thánh bằng thứ thạch cao tuyết hoa, một cây đàn pianô thiếp vàng và một lô đồng hồ đủ kiểu đủ dạng. Ngoài sân có một bể chứa nước trong nhiều năm thứ nước giếng do những người thổ dân Anhđiêng gánh từ xa về. Ngay xích nước có một chú đà điểu dị kỳ, một con vật lông vũ duy nhất đã sống sót sau những trận giông bão phũ phàng của miền hoang mạc, bên cạnh một con xóm nhỏ toàn nhà lá có những con dê cũng phải buồn khi cơn gió bất hạnh thổi tới. 
Cuộc sống ẩn dật không thể hiểu được ấy do chính chồng bà tạo nên. Y là một tên buôn lậu nổi tiếng với cái tên Amađix. Bà già chung sống ngoài giá thú với y, sinh được một người con trai cũng tên là Amađix. Người này là cha đẻ của Erênhđira. Câu chuyện lan truyền rộng rãi bằng tiếng thổ dân Anhđiêng ở đây kể rằng: Amađix bố đã cướp người phụ nữ đẹp nhất của một nhà chứa ở vùng Angtidat bằng cách dùng dao đâm chết một người đàn ông rồi sau đó mang cô gái về sống ngoài vùng cương toả tại hoang mạc này. Khi cha con Amađix chết, người bố chết vì những cơn sốt tương tư, người con chết vì đạn của kẻ tư thù xăm lỗ chỗ khắp thân thể, người đàn bà đã chôn hai thây ma ấy ngay tại sân nhà, rồi đuổi mười bốn cô hầu gái đi, một mình thụ hưởng giấc mộng quyền uy trong căn nhà tranh tối tranh sáng này nhờ lòng tận tụy hầu hạ của cô cháu gái ngoài giá thú do chính bà nuôi từ khi mới lọt lòng 
Chỉ để lên dây cót và chỉnh lại kim cho những chiếc đồng hồ có trong nhà, Êrênhđira phải mất sáu giờ liền. Ngay hôm sau nỗi bất hạnh của đời cô bắt đầu, cô không phải làm cái công việc đó bởi những chiếc đồng hồ này còn dư sức chạy cho tới ngày hôm sau. Tuy thế cô vẫn không được nghỉ ngơi. Ngày hôm ấy cô bé phải tắm và trang điểm cho bà mình, phải lau sàn nhà, nấu ăn trưa và đánh bóng các cửa kính. Đến lúc 11 giờ trưa, khi cô đang thay xô nước mới cho chú đà điểu và nhổ cỏ dại mọc um tùm trên nấm mộ song táng của cha con Amađix thì ngay từ lúc ấy trở đi cô phải gắng hết sức mới đứng vững trước sức giật của cơn gió hung hãn. Thế mà cô bé vẫn chưa nhận ra cơn gió ấy là một điềm gở báo cho cô biết nỗi bất hạnh của đời cô đã bắt đầu. Đến lúc 12 giờ trưa khi cô đang đánh bóng nốt mấy chiếc cốc uống sâm banh thì ngửi thấy mùi nước thịt thơm lừng. Thế là cô bé ba chân bốn cẳng chạy một mạch tới nhà bếp như người có phép lạ không hề làm đổ vỡ các cốc tách bằng thủy tinh xứ Vênêxia. Cũng may cô tới kịp để nhấc xanh thịt ra khỏi bếp lửa, rồi đặt tiếp nồi nước xốt lên bếp. Trong lúc chờ đợi, Êrênhđira ngả lưng xuống một chiếc ghế dài kê trong nhà bếp nằm nghỉ. Nhắm mắt lại rồi ngay sau đó mở mắt ra, cô cảm thấy người mình khoan khoái dễ chịu. Cô đứng dậy đi múc súp ra bát loa. Cô làm việc trong lúc ngủ.  
Người bà một mình ngồi vào bàn tiệc đã bày những cây đèn nến bằng bạc và đồ dùng ăn uống cho mười hai người ăn, bà rung chuông và chỉ một lát sau cô cháu đã bước vào phòng ăn, tay bưng bát súp đang nghi ngút bốc hơi. Trong lúc cô cháu dâng món súp thì người bà nhận ra những động tác mộng du của cháu gái mình. Người bà huơ huơ tay trước mặt cô cháu như thể đang lau một tấm kính vô hình. Cô bé vẫn không hay biết gì. Người bà tiếp tục quan sát cháu mình. Đến khi Erênhđira quay lưng để bước vào nhà bếp, lúc ấy bà quát: 
- Êrênhđira! 
Cô bé giật nảy mình thức dậy, để rơi bát súp xuống tấm thảm trải nhà. 
- Ấy bà gọi thế thôi! Chẳng có việc gì cả đâu cháu ạ – người bà nhẹ nhàng nói- Cháu mắc bệnh mộng du rồi. 
- Cháu đã quen thói rồi! – Cô cháu tự bào chữa. 
Êrênhđira cúi nhặt chiếc bát loa và định lau vết súp vấy bẩn trên tấm thảm trong trạng thái ngái ngủ. 
- Để nguyên đấy cháu ạ! – người bà nói vẻ vỗ về – Chiều nay cháu hãy làm cũng được. 
Thế là ngoài những công việc thường xuyên của buổi chiều, cô bé phải giặt tấm thảm trong nhà ăn, cả quần áo đã thay từ hôm thứ Hai. Cô làm những công việc này trong lúc cơn gió cứ lồng lộn quanh nhà tìm khe hở để chui vào. Cô bận túi bụi đến mức đêm đến lúc nào cũng không hay. Khi cô trải tấm thảm xuống nền nhà phòng ăn thì cũng là lúc tới giờ đi ngủ. 
Cả buổi chiều hôm đó người bà chơi đàn pianô, bằng giọng the thé hát cho mình nghe những bài hát của thời trẻ. Trên mi mắt bà còn ngấn đọng những giọt lệ. Ấy vậy mà khi vừa nằm dài trên giường, bà già đã lại chìm đắm trong những kỉ niệm đẹp có pha vị cay đắng của cuộc đời. Bà mặc bộ váy áo ngủ bằng thứ vải mỏng. 
- Ngày mai cháu hãy giặt tấm thảm phòng khách nhé – Người bà bảo Êrênhđira- tấm thảm ấy đã lâu ngày chưa thấy mặt trời đấy. 
- Thưa bà, vâng ạ! 
Cô bé cầm lấy chiếc quạt lông quạt cho người bà bất lương. Còn người bà ấy tiếp tục đọc tên những công việc cần làm cho cô cháu trong lúc giấc ngủ từ từ đến với mình: 
- Hãy là tất cả quần áo trước khi đi ngủ để ngủ cho yên giấc cháu nhé. 
- Thưa bà, vâng ạ! 
- Hãy kiểm tra kĩ các tủ quần áo kẻo những đêm gió nhiều như đêm nay, gián đói sẽ nhấm hết quần áo đấy cháu ạ!  
- Thưa bà, vâng ạ! 
- Lúc rảnh cháu nhớ đưa hoa ra ngoài trời cho nó thở! 
- Thưa bà, vâng ạ! 
- Nhớ cho đà điểu ăn nhé! 
Người bà đã ngủ rồi, tuy nhiên vẫn ra lệnh cho cháu gái mình và cái nết thức trong khi ngủ ấy của bà đã được cô cháu kế thừa. Êrênhđira nhẹ nhàng bước ra khỏi phòng để làm nốt những công việc còn lại. Trong khi làm, cô bé trả lời đầy đủ những lời dặn dò của người bà đã ngủ say. 
- Cháu nhớ cho ngôi mộ của cha con Amađix uống nước nhé! 
- Thưa bà, vâng ạ! 
- Trước khi đi nằm cháu nhớ rằng tất cả các thứ vặt vãnh đâu đã vào đấy. Bởi vì cũng như một con người ấy mà, những đồ vật này sẽ khó chịu một khi nó không được nằm đúng vị trí của mình. 
- Thưa bà, vâng ạ! 
- Nếu cha con Amađix có về thì bảo họ chớ vào nhà bởi vì đồng đảng của Porphiriô Galăng đang rình giết họ đấy. 
Êrênhđira thôi không trả lời nữa, bởi cô bé biết rằng bà mình đã ngủ rồi và từ lúc này trở đi chỉ còn nói nhảm mà thôi. Sau khi kiểm tra lại tất cả các then cửa, đã tắt đến những ngọn nến cuối cùng trong nhà, Êrênhđira cầm lấy một cây đèn nến nơi phòng ăn để soi đường vào phòng mình. Bên ngoài tiếng gió gầm rít từng chập, từng chập hoà nhịp với tiếng ngáy vang vọng và đều đều của người bà ở trong phòng. 
Phòng riêng của cô bé cũng lộng lẫy tuy rằng nó không thể bì nổi với phòng riêng của bà già. Trong phòng cũng bày la liệt những con búp bê được cuộn bằng những mảnh vải, và những con vật làm bằng dây da, những thứ đồ chơi của tuổi ngây thơ mà cô bé vừa trải qua. Quá mệt mỏi bởi công việc trong ngày, Êrênhđira chỉ kịp đặt cây nến lên chiếc bàn rồi lên giường nằm vật ra, không còn tâm tưởng nào mà nghĩ tới việc thay quần áo ngủ. Sau đó, cơn gió bất hạnh của đời cô, như một bầy chó ngộ, đã ùa vào phòng cô hất đổ cây nến đang cháy vào màn cửa. 

Sáng ra khi bão tan cũng là lúc có mấy hạt mưa to lác đác rơi làm tắt những mẩu than hồng còn sót lại và làm nguội đám tro tàn còn bốc khói của ngôi nhà bị cháy. Dân chúng trong làng, phần lớn là thổ dân Anhđiêng, đang cố thu nhặt những thứ còn sót lại sau vụ hỏa hoạn: cái xác cháy thành than của chú đà điểu, bộ khung của cây đàn piano, thân một bức tượng…Người bà nhìn số tài sản còn lại quá ít ỏi, lòng đầy ngao ngán. Êrênhđira, ngồi bên cạnh ngôi mộ song táng của cha con Amadix, cũng vừa nín khóc. Khi nhận ra rằng giữa đống tro tàn chỉ còn lại một số ít đồ vật nguyên vẹn, người bà nhìn Êrênhđira lòng thương hại: 

-Ôi cháu ơi!-Mụ thở dài- Cả đời mình cháu cũng không thể trả nổi món nợ này cho bà đâu, cháu ạ! 
Ngay chính chiều hôm đó cô bé đã phải trả nợ mụ. Dưới trời mưa tầm tã, mụ dẫn cháu mình tới nhà lão lái buôn trong xóm, một người đàn ông goá bụa già trước tuổi, người hom hem. Gã là người nổi tiếng khắp hoang mạc về tính bốc trời có thể tiêu tiền như nước trong việc chơi gái tân.Trước thái độ trơ tráo của người bà, gã lái buôn chẳng ngại ngùng gì hết. Gã cứ xét nét Êrênhđira như lái trâu xem xét con vật. Gã định giá độ săn chắc của bắp vế, độ nở của bộ ngực và bộ mông cô bé. Lão làm việc chăm chú tới mức không hề mở miệng nói lấy một lời. 
-Con bé hãy còn nhãi ranh- Gã nói- Vú vê gì mà bé như vú chó thế này! 
Ngay sau đó gã bắt cô gái lên bàn cân. Êrênhđira chỉ nặng 42 kg. 
-Đắt lắm cũng chỉ đáng một trăm đồng pêxô thôi. 
Người bà liền nổi cơn tam bành: 
-Một trăm đồng một cô gái hoàn toàn trinh tiết! Ông không xấu hổ sao! Trả như thế chẳng hoá ra ông cũng là hạng đàn ông rẻ rúng chữ trinh lắm sao? 
-Trăm rưỡi vậy. 
-Con bé vừa làm thiệt hại của tôi những một triệu đồng kia. Nếu với món tiền ông trả cho cái sự trinh tiết của nó như thế thì e nó phải trả nợ tôi trong vòng hai trăm năm mất. 
-Thực tình mà nói chỉ có tuổi trẻ của con bé là đáng giá thôi bà chị ạ! 
Cơn gió to đe doạ giật đổ căn nhà ọp ẹp của lão lái buôn. Mưa rơi trong nhà y như mưa rơi ngoài trời vậy. Người bà cảm thấy quá ư đơn độc trong cái thế giới đầy tai họa khủng khiếp này. 
-Ông anh xem có thể trả cho nó được ba trăm không? 
-Thôi, tôi cũng trả hai trăm rưỡi đấy. Bà chị có đồng ý không? 
Cuối cùng bọn họ ngã giá như thế này: người đàn ông goá vợ trả hai trăm hai mươi đồng tiền mặt. Số còn lại trả bằng hiện vật gồm lương thực, thực phẩm. Người bà ra hiệu cho Êrênhđira đi với gã đàn ông goá vợ. Gã này dìu tay cô bé đưa vào nhà trong y hệt người cha dẫn con mình đến trường học. 
-Êrênhđira này, bà đứng đây đợi cháu nhé. 
-Thưa bà, vâng ạ! 
......... 
Khi trong làng không còn người đàn ông nào có thể xài tiền để chơi Êrênhđira, người bà liền mang cô bé lên một chiếc xe tải đi tìm bọn buôn lậu. Giữa những tải gạo và thùng bơ là đồ đạc còn sót lại sau vụ hỏa hoạn của mụ: một vài thang giường, kiểu giường bà phó vương, một tượng thần chiến tranh, một chiếc ghế dựa có tay ngai cháy nham nhở và một số đồ vặt vãnh. Trong một chiếc hòm có vẽ hình chữ thập nguệch ngoạc đựng hài cốt cha con Amađix. 
Người bà dùng chiếc ô đã sờn mép để che nắng. Mồ hôi hột vã ra và bụi bậm quấy rầy khiến mụ thở phì phò vẻ nặng nhọc. Tuy nhiên mụ vẫn giữ cái phong độ quyền quí của mình. Sau đống tải gạo và thùng bơ, Êrênhđira trả cước phí hàng hoá và tiền vé hai bà cháu bằng việc làm tình với gã phụ xe. Thoạt đầu cô cự tuyệt anh chàng này giống như cô đã cự tuyệt gã đàn ông goá vợ nọ. Song cách tán gái của gã phụ xe khác hẳn: thong thả từng bước và có kinh nghiệm hơn, do đó gã đã chinh phục được cô bé. Khi chiếc xe tải đi tới làng đầu tiên sau một ngày chạy miết thì Êrênhđira và gã phụ xe đã mệt lữ vì tình nồng say ở đằng sau đống hàng hoá chất cao. Người lái xe tải nói như quát vào tai người bà: 
-Từ đây trở đi chúng ta đã bước vào một thế giới khác hẳn, bà ạ! 
Người bà nghi ngờ nhìn những con đường bẩn thỉu và thưa thớt bóng người trong một làng tuy có lớn hơn nhưng cũng buồn tẻ như chính cái làng bà cháu mụ vừa mới bỏ đi. 
-Chẳng có gì khác cả - Mụ nói. 
-Đó là đất dưới quyền cai quản của Hội truyền giáo. 
-Đây chẳng tìm của bố thí mà chỉ tìm những người buôn lậu thôi. 
Đang mải nói chuyện với gã phụ xe ở đằng sau đống hàng hoá, Êrênhđira thọc tay vào một tải gạo. Bỗng ngón tay đụng phải một sợi dây.Cô túm lấy nó rồi lôi ra. Đó là một chuỗi hạt ngọc trai rất đẹp. Cô bé thảng thốt ngắm chuỗi hạt, tay cứ mân mê nó như mân mê con rắn chết. Trong lúc đó, ở phía buồng lái, người lái xe cãi lại bà già: 
-Thôi đi, chớ có mơ tưởng hão huyền đi bà chị. Làm gì có bọn buôn lậu! 
-Sao lại không có? 
-Không tin thì đành chịu vậy. Bà chị cứ việc đi tìm và rồi bà chị sẽ thấy- Người lái xe nói để chọc tức bà già- Cả thế gian cứ đồn ầm lên về bọn buôn lậu song không một ai nhìn thấy họ ở đâu cả. 
Gã phụ xe thấy Êrênhđira đã lôi ra được một chuỗi hạt ngọc, vội vàng giật lấy nó và nhét vào tải gạo như cũ. Tuy cái làng này nghèo thật nhưng bà già đã quyết định dừng lại ở đây. Mụ gọi cô cháu gái tới giúp mình xuống xe. Êrênhđira vội vã hôn từ biệt gã phụ xe. 
Bà già ngồi trên chiếc ghế dựa có tay ngai đặt ở giữa đường cái đợi cho tới khi bốc hết đồ lề của mình xuống. Cái hòm đựng hài cốt cha con Amadix được bốc xuống sau cùng. 
-Ôi chao! Cái của này sao nặng thế, nặng y như một cái thây ma ấy.-Người lái xe nói rồi cười. 
-Những hai đấy chứ không phải một đâu! Anh hãy kính trọng vong linh họ. 
-Có lẽ là những bức tượng tạc bằng ngà- người lái xe lại cười nói. 
Người lái xe đặt bừa cái hòm đựng hài cốt cha con Amađix xuống bên cạnh những đồ vật cháy nham nhở khác, rồi chìa tay ra trước mặt bà già: 
-Xin bà chị 50 đồng! 
-Ô kìa, cháu đã trả cho người của anh rồi thôi! 
Người lái xe ngạc nhiên quay lại nhìn người giúp việc của mình. Anh này làm hiệu đã nhận tiền rồi. Người lái xe trở lại ca-bin. Một phụ nữ mang khăn tang, trên tay bế một đứa bé đang khóc nức nở vì không khí ngột ngạt, đã ngồi ở trong đó. Với giọng đầy tự tin người phụ xe nói với bà già: 
-Nếu cụ không phản đối, Êrênhđira sẽ đi cùng cháu. Cháu nói thật lòng đấy cụ ạ! 
Cô bé vội chen vào: 
-Hay nhỉ, tôi có hứa hẹn với anh điều gì đâu nào! 
-Anh nói điều anh nghĩ thôi, em ạ! 
Bà già nhìn chăm chú vào gã không phải để tỏ ý khinh thị mà để xem gã bạo phổi tới mức nào. 
-Tôi không ngăn cản anh, nếu anh trả tôi số tài sản mà cô bé, do vô ý, đã làm thiệt hại. Số tài sản ấy trị giá cả thảy là tám trăm sáu mươi hai ngàn ba trăm năm mươi đồng pêxô. Nếu trừ đi bốn trăm năm mươi đồng đã trả được thì nó còn nợ tôi tám trăm sáu mươi mốt ngàn tám trăm tám mươi lăm đồng nữa. 
Chiếc xe tải rồ máy. 
-Cụ ơi! Cụ hãy tin rằng cháu sẽ đưa cụ khoản tiền kếch xù đó nếu cháu có- Gã nói nghiêm chỉnh- Quả thật cô gái đáng giá bấy nhiêu tiền đấy, cụ ạ! 
Bà già, nhận ra tấm lòng thành thực của chàng trai, nói: 
-Vậy hãy trở lại khi nào cháu có đủ tiền nhé! Còn bây giờ thì hãy cút đi kẻo ta tính lại tiền thì cháu hãy còn nợ ta 10 đồng nữa đấy. 
Gã phụ xe nhảy lên thùng chiếc xe tải đang chạy vẫy tay chào từ biệt Êrênhđira. Nhưng cô gái không kịp đáp lại bởi cô chưa qua cơn thảng thốt vừa xảy ra xong. 
Êrênhđira và người bà dựng tạm một túp lều ngay trên bãi đất hoang. Họ lợp lều bằng những tấm tôn và dùng mấy mẩu thảm cháy dở để che chung quanh lều. Trải hai chiếc dát giường xuống đất rồi lấy đệm đặt lên làm giường ngủ và hai bà cháu ngủ ngon lành như ở trong nhà vậy. Đến khi mặt trời lên cao xuyên nắng qua khe hở trên nóc lều rọi vào mặt, lúc ấy hai bà cháu mới thức dậy. Khác với mọi khi, hôm nay bà già trang điểm cho Êrênhđira. Mụ thoa son phấn lên mặt cô cháu, tô điểm theo kiểu đẹp u hoài, một mốt thịnh hành trong thời con gái của mụ. Người bà kết thúc công việc bằng cách đính thêm đôi lông mày giả và buộc thêm một chiếc nơ đen, nom y hệt một con bướm, lên mái tóc cô cháu. 
- Cháu thấy đẹp chưa? - mụ hỏi- trang điểm theo mốt này thì thật là tuyệt. Bọn mày râu là chúa hám của lạ
Cả hai bà cháu đều nghe thấy tiếng chân la nện trên nền đất cứng nơi hoang mạc trước khi nhìn thấy chúng. Theo lệnh bà mình, Êrênhđira nằm trên một chiếc giường tạm bợ- cô làm ra vẻ vụng về y hệt một diễn viên mới vào nghề lúng túng trước khi lên sân khấu mở màn. Chống cây ba-toong của Đức Giáo chủ, bà già chui ra khỏi túp lều đến ngồi trên chiếc ghế có tay ngai đợi đàn la tới. 
Một nhân viên bưu điện đi tới. Gã chưa tới tuổi 20, thế mà nom già khọm. Gã vận bộ đồ ka-ki, đi ủng cao ống, đội chiếc mũ bộp, lưng đeo khẩu súng lục,có một băng đạn dài vắt chéo ngang vai. Gã cưỡi trên lưng một con la và dắt theo một con la khác. Con này thồ các túi thư. 
Khi qua trước mặt bà già gã giơ tay chào, rồi cứ thế đi thẳng. Nhưng mụ già đã kịp làm hiệu cho gã nhìn vào trong lều. Gã thấy Êrênhđira trang điểm lộng lẫy, mặc bộ váy áo có dải lưng màu tím sẫm nằm trên chiếc giường làm tạm bợ. 
- Anh có thích không? - mụ già hỏi. 
Cho tới lúc này gã nhân viên bưu điện mới vỡ nhẽ điều bà già mong đợi ở mình. 
- Tuyệt! 
- Năm mươi đồng, xin mời! 
- Ôi chao! Đắt hơn vàng- gã nói - Số tiền ấy bằng tiền ăn cả tháng của tôi đấy chứ có phải chơi đâu! 
- Chớ có mà hà tiện quá thế anh bạn ạ! Nhân viên bưu điện hàng không giàu lắm đấy, lương còn xộp hơn cả lương cha cố kia mà! 
- Bà nhầm rồi. Tôi chỉ là nhân viên bưu điện nội địa thôi. Nhân viên bưu điện hàng không họ đi xe ô-tô kia. 
- Gái cũng cần thiết như cơm ăn, nước uống hàng ngày đấy anh bạn ạ! 
- Nhưng không trừ bữa được bà ạ! 
Đến đây bà già vỡ nhẽ rằng cái con người sống không bằng những hy vọng hão huyền có thừa thời gian để mà cò kè bớt một thêm hai. Cho nên mụ nói thẳng: 
- Hiện giờ anh có bao nhiêu tiền? 
Gã nhân viên bưu điện liền xuống ngựa. Rút trong ví ra vài tờ giấy bạc nhàu nát gã đưa cho bà già. Mụ chìa tay ra vớ vội lấy như vớ quả bóng. 
- Thôi được! Ta hạ giá cho anh nhưng với điều kiện anh phải loan tin đi khắp nơi. 
- Xin hết lòng hầu bà. Tôi sẽ loan tin rõ rộng, rõ xa, sang tới tận bờ bên kia Đại Tây dương. 
Êrênhđira, lúc ấy đang mở to mắt đầy vẻ ngạc nhiên, liền gỡ đôi lông mày giả rồi nằm né sang một bên giường nhường chỗ cho gã nhân tình ngẫu nhiên. Ngay sau khi gã nhân viên bưu điện bước vào trong túp lều, bà già liền đóng trái cửa lại. 
Việc làm ấy rất kiến hiệu. Bị cám dỗ bởi những lời tuyên truyền từ miệng gã nhân viên bưu điện, bọn mày râu từ mọi miền dù xa mấy, cũng ùn ùn kéo tới để thưởng thức cái tân kỳ của Êrênhđira. Bọn người này tới kéo thêm những bàn xổ số, những quán nhậu và cả một cửa hàng ảnh lưu động. Cửa hàng ảnh này chỉ có một cỗ máy chụp ảnh đặt trên giá và một tấm phông vẽ cảnh những con thiên nga có chân đứng bên hồ nước. 
Ngồi trên chiếc ghế có tay ngai, tay phe phẩy chiếc quạt lông, bà già tỏ vẻ thờ ơ với chính cái quang cảnh náo nhiệt như hội chợ trong tiệm chứa của mình. Mụ chỉ để ý tới trật tự của hành khách đợi tới lượt và số tiền trả đủ trước khi vào với Êrênhđira. Thoạt tiên cũng xảy ra một vụ cãi vã khá gay gắt tới mức mụ phải đuổi một khách hàng vì vị này đã gian lận trả thiếu năm đồng. Những tháng gần đây đã cho mụ những bài học đích đáng bởi vậy mụ quyết định nhận tất cả những vật dụng có giá trị bảo đảm như huy chương các thánh, kỷ vật của gia đình và cả nhẫn cưới nữa thay cho tiền. 
Vào lúc kết thúc một thời gian tạm trú khá dài trong cái làng đầu tiên ấy, người đã thu được khá nhiếu tiền để có thể sắm được một con lừa. Nhờ con lừa này mụ sẽ đi ngày một sâu hơn vào hoang mạc tìm đến những địa điểm dễ kiếm tiền hơn, nhanh chóng thu lại số tiền Êrênhđira còn mắc nợ. Bà già ngồi trên một chiếc yên làm tạm đặt trên lưng lừa. Êrênhđira đi bộ cầm chiếc ô đã sờn mép che nắng cho bà mình. Sau bà cháu Êrênhđira là những người Anhđiêng khiêng vác những đồ đạc không thể bỏ lại được như giường chiếu, cái ghế dựa có tay ngai, vị thần hộ mệnh, và cả chiếc hòm đựng hài cốt của cha con Amađix. Bác phó nháy ngồi trên chiếc xe đạp của mình cũng đi theo đoàn tuỳ tùng của bà cháu Êrênhđira, nhưng lúc nào bác cũng đi sau cách một khoảng khá xa. 
Đã đước sáu tháng trời kể từ ngày xảy ra vụ hoả hoạn ấy. Đó cũng là lúc bà già có thể có một cái nhìn chung đối với công việc làm ăn của bà cháu mụ. Bà già nói với Êrênhđira. 
-Nếu công việc cứ thuận buồm xuôi giá như lúc này thì cháu sẽ trả xong công nợ cho bà trong tám năm sáu tháng mười ngày. 
Với đôi mắt lim dim, bà già soát lại những con số ấy cho chắc chắn bằng việc lần đếm những hạt ngọc moi ra từ túi đựng tiền. Rồi mụ bảo: 
-Dĩ nhiên là chưa tính tới tiền lương và cơm ăn hàng tháng của bọn Anhđiêng làm cho mình cùng một số những chi tiêu lặt vặt khác. 
Êrênhđira, lúc này đã mệt bã người vì không khí ngột ngạt và đầy bụi bậm trong khi cuốc bộ bên cạnh con lừa, không tranh luận để bác bỏ những con số tính toán của bà. Tuy nhiên cô bé phải ngậm bồ hòn làm ngọt. 
-Bà ơi! Người cháu mỏi như có ai dần trong xương ấy. 
-Mày lại muốn ngủ chứ gì? 
-Thưa bà, vâng ạ! 
Cô bé nhắm mắt lại, hít thật sâu vào phổi thứ không khí nóng hầm hập rồi tiếp tục vừa đi vừa ngủ. 
Bỗng xuất hiện một chiếc xe tải cỡ nhỏ chở toàn lồng chim làm cho bầy dê nháo nhác chạy giữa làn bụi dầy đặc in nơi chân trời. Tiếng chim kêu gợi một cảm giác tươi mát giống như cảm giác nhận được sau một trận mưa rào trút xuống cái làng nhỏ Xăng Mighen thuộc vùng hoang mạc vào một ngày chủ nhật buồn tẻ. Ngồi sau vô-lăng là lão lái buôn cam người Hà Lan. Da lão sần sùi, xạm nắng, dấu ấn không thể chối cãi của khí hậu khắc nghiệt vùng hoang mạc. Bộ râu của lão vàng hoe, vật thừa kế được của tổ tiên mình. Uylix, con trai lão ngồi bên cạnh. Anh là một chàng thanh niên đang độ xuân phơi phới, có đôi mắt sáng, vẻ cô đơn, dấu hiệu ẩn dật của một thiên thần. Lão lái buôn người Hà Lan chú ý tới cái quán hàng mà trước nó tất cả lính tráng của đội cấm vệ địa phương xếp hàng dài chờ tới lượt. Chúng ngồi phệt xuống đất chuyền nhau tu khắp lượt chai rượu mạnh.Chúng đội trên đầu cành lá bàng như thể chúng ngụy trang phục kích một trận đánh. Bằng tiếng Hà Lan lão hỏi con trai mình: 
- Ở đấy người ta đang bán cái quái gì vậy? 
- Một người đàn bà- Con trai lão trả lời- Người ấy tên là Êrênhđira. 
- Sao mày biết? 
- Cả hoang mạc này đều biết! 
Lão Hà Lan xuống xe đi vào khách sạn. Uylix còn ngồi nán lại trên xe. Anh khéo léo mở chiếc cặp của cha để ở ghế xe, lôi ra một tập giấy bạc rồi rút lấy mấy tờ đút vào túi áo mình. Xong xuôi đâu đó anh cẩn thận để lại xấp tiền ấy vào chỗ cũ cho cha mình. Đêm ấy khi cha ngủ, Uylix trèo qua cửa sổ khách sạn để ra phố. Anh đến quán hàng của Êrênhđira để sắp hàng. 
Lúc này quang cảnh trước quán hàng thật náo nhiệt. Những kẻ hiếu động say khướt thi nhau nhảy một mình để khỏi bỏ phí thứ âm nhạc cho không. Bác phó nháy nháy máy ảnh liên tục bằng thứ giấy ma-nhê. Trong lúc trông coi quán hàng, bà già đếm tiền trong lòng mình. Mụ chia tiền thành từng bó đều nhau rồi xếp gọn gàng vào trong chiếc làn. Cho đến lúc này hàng chỉ còn 12 người lính nhưng sau đó cái hàng người ấy đã dài ra rất nhiều do có những người đàn ông dân sự, công chức, nhà buôn… tới tham gia. Uylix là người đứng sau cùng. 
Đến lượt một người lính vẻ thẫn thờ buồn. Bà già không những không cho gã vào mà mụ còn tránh không đụng tay tới tiền của gã chìa ra cho mụ. 
- Dù anh có tất cả số vàng của bọn mọi anh cũng không được vào. Anh bị lậu
Người lính vốn không phải là người vùng này ngạc nhiên hỏi: 
- Cái ấy nghĩa là gì? 
- Nghĩa là anh sẽ để lại một thứ bệnh nguy hiểm cho cháu ta. Chỉ cần nhìn mặt anh là biết ngay mà! 
Nói đoạn mụ gạt người lính ấy sang một bên để lấy lối vào cho người khác. 
- Mời vào, cái anh chàng nghiện xì ke kia! -Mụ tếu- Chớ có mà chậm trễ đấy kẻo tổ quốc đang đợi anh. 
Người lính vào nhưng lại ra ngay tức khắc bởi Êrênhđira muốn nói chuyện với bà mình. Mụ liền khoác cái làn đựng tiền rồi bệ vệ bước vào trong nhà. Tuy quán hàng này hẹp nhưng gọn gàng ngăn nắp và sạch sẽ. Tít trong cùng, Êrênhđira nằm trên giường, người run lên như cầy sấy. Cô bé bị bọn lính hành hạ khắp người nhớp nhúa thứ mồ hôi của chúng. 
- Bà ơi!- cô bé nức nở - Cháu chết mất thôi bà ạ. 
Người bà sờ tay lên trán cháu mình. Khi nhận ra cháu mình không sốt, liền an ủi: 
- Chỉ còn một chục thằng lính nữa thôi, cháu ạ! 
Êrênhđira oà lên khóc đầy sợ hãi. Nhận ra rằng cháu mình đang quá khiếp đảm, mụ xoa đầu an ủi cháu: 
- Chỉ tại cháu quá yếu sức thôi. Nào! Nín đi nào! Cháu hãy đi tắm nước nóng có pha muối, người sẽ khoẻ lại thôi mà! 
Bà già bước ra ngoài khi cô cháu mình đã bình tâm trở lại. Mụ trả tiền cho người lính đang đợi.- “ Hôm nay tạm dừng ở đây anh nhé! Ngày mai mời anh trở lại ta sẽ để anh vào trước tiên!”. Sau đó mụ nói to cho mọi người đều hay biết: 
- Nghỉ thôi, hỡi các chàng trai trẻ! Ngày mai, 9 giờ, mời các anh tới! 
Lính tráng và cả những người đàn ông khác tản ra khỏi hàng, miệng gào thét phản đối. Bà già hươ hươ cây ba-toong của đức Giáo chủ dọa lại họ: 
- Đồ mạt hạng! Các người tưởng cháu ta là đá sao. Đá còn biết đổ mồ hôi nữa là người. Các người cứ tự đặt mình vào hoàn cảnh của nó xem thì khắc biết khổ sở thế nào. Ấy thế mà các người cứ đòi hành hạ nó thả sức. Đồ mặt mẹt cả lũ. 
Bọn đàn ông chửi lại mụ bằng những lời còn tục tĩu hơn nữa. Nhưng bà già đã dẹp được cảnh hỗn độn ấy và giờ đây, mụ chống cây ba-toong của đức Giáo chủ đứng gác đợi cho tới khi giải tán hết các bàn ăn và quầy xổ số. Đang định bước vào quán hàng của mình, bà già bắt gặp Uylix đang đứng tần ngần ở giữa bãi tối và trống trải mà trước đây ít phút bọn mày râu đã xếp hàng chen chúc. Anh có khuôn mặt đẹp, khuôn mặt của đấng thiên thần. 
- Còn anh, anh bỏ quên đôi cánh thiên thần của mình ở đâu? 
- Thưa cụ, người có đôi cánh thiên thần chính là ông cháu, - anh thản nhiên trả lời – Nhưng chẳng một ai tin cả. 
Bà già tò mò nhìn kỹ anh hơn: - “ Thế thì ta tin anh đấy! Ngày mai anh hãy mang đôi cánh thiên thần tới đây nhé!" Nói xong mụ chui vào nhà để mặc Uylix trong tâm trạng nôn nóng đứng một mình ngoài cái bãi đã trống vắng lại tối tăm. 
Sau khi tắm xong, Êrênhđira cảm thấy dễ chịu hơn. Cô bé mặc bộ đồ lót có thêu thùa khá đẹp, ngồi hong khô tóc để đi nằm. Đến tận lúc này, cô vẫn còn tấm tức muốn khóc. Người bà đã ngủ say. 
Từ phía sau giường của Êrênhđira, Uylix nhô hẳn đầu lên. Êrênhđira nhìn thấy một đôi mắt trong như ngọc để lộ vẻ thèm muốn da diết. Không nói không rằng gì hết, Êrênhđira gỡ tấm khăn che truớc mặt để nhìn cho rõ hơn. Không phải là một ảo ảnh mà đích thực là đôi mắt người. Khi Uylix chớp mắt Êrênhđira khẽ hỏi: 
- Anh là ai? 
Uylix nhô hẳn người lên để lộ cả đôi vai, trả lời:"Tôi là Uylix". Anh vội xoè mấy tờ bạc vừa ăn cắp của cha mình cho cô gái xem, rồi nói: 
- Tôi có mang tiền đây! 
Êrênhđira tỳ tay lên giường, rướn gương mặt mình lại sát gương mặt của Uylix, rồi tiếp tục nói chuyện y như thời đi học trường tiểu học của mình: 
- Phải xếp hàng thôi anh ạ! 
- Tôi đã đợi suốt buổi tối rồi! 
- Vậy thì anh phải đợi tới ngày mai. Tôi đang mệt lắm. Chỗ thận tôi đau như có ai chọc que vào ấy. 
Chính trong lúc này người bà bắt đầu nói nhảm.
- Đã hai mươi năm trôi qua kể từ khi có trận mưa to gió lớn. Đó là một trận bão thật khiếp người đi được. Mưa to trong lúc nước thủy triều lên làm cho cả làng này lụt. Khi trời sáng thì nhà đầy cá và ốc biển. Amadix, ông nội mày đã yên giấc ngàn thu, lúc ấy nhìn thấy sao chổi sáng rực vút ngang bầu trời. 
Nghe thấy vậy Uylix vội nấp ngay xuống sau giường. Êrênhđira cười thú vị: 
- Khoan nào, đồ khỉ!- Cô bé nói- Bà tôi thường vẫn thế. Khi ngủ bà nói nhảm nhí như người điên ấy. Thế mà dù có động đất vẫn không lay tỉnh nổi bà. 
Uylix lại nhô người lên. Êrênhđira nhìn anh với nụ cười hóm hỉnh có pha chút cảm tình. Cô bé lột tấm vải trải giường đã nhàu. 
- Hãy vào đây giúp tôi thay vải trải giường đi anh! 
Uylix đi ra khỏi nơi ẩn, tới cầm lấy một đầu tấm vải, vì nó quá rộng nên phải gấp lại vài lần mới xong. Cứ mỗi lần gấp tấm vải lại là một lần Uylix xích lại gần Êrênhđira hơn. 
- Anh muốn được nhìn em như điên. Cả thế gian đồn rằng em đẹp lắm. Lời đồn ấy quả không ngoa. 
- Thế mà tôi sắp đi chầu trời rồi đấy anh ạ! 
- Mẹ anh bảo rằng những ai chết ở hoang mạc sẽ không lên trời mà đi ra biển đấy. 
Êrênhđira đặt tấm vải trải giường đã bẩn sang một bên rồi rồi trải lên giường một tấm vải khác sạch bong và còn nguyên nếp là. 
- Tôi không được biết biển như thế nào. 
- Biển mênh mông giống như hoang mạc ấy, chỉ khác cái là toàn nước thôi. 
- Thế thì người ta không thể đi lại trên biển được. 
- Cha anh biết một người có thể đi lại trên biển được, nhưng đã lâu lắm rồi. 
Mặc dù câu chuyện đang lý thú nhưng Êrênhđira lại thèm đuợc ngủ hơn. Cô bé bảo anh: 
- Nếu ngày mai anh tới sớm sẽ ưu tiên cho anh vào trước đấy! 
- Sáng mai cha con anh đã phải rời khỏi đây rồi! 
- Chẳng lẽ anh không bao giờ trở lại đây nữa sao? 
- Ai mà biết trước được! Vì bị lạc đường ở biên giới mà cha con anh phải ghé lại đây thôi. 
Êrênhđira nhìn bà mình vẻ đắn đo: 
- Thôi được, anh cho xin tiền vậy! 
Uylix đưa tiền cho cô gái. Êrênhđira nằm xuống giường nhưng anh lại đứng ngây ra, người run rẩy. Cái quyết tâm của chàng trẻ tuổi bỗng bay mất ngay trong lúc cần phải hành động nhanh chóng. Êrênhđira cầm lấy tay anh giục mau lên. Chỉ lúc này cô gái mới biết anh chàng đang sợ sệt. Cô gái thừa biết cái kiểu sợ ấy của những chàng trai lần đầu được hưởng cái của ấy
- Lần đầu tiên phải không? – Cô gái hỏi. 
Uylix không trả lời nhưng lại gượng cười vẻ thú nhận. Lúc này Êrênhđira trở thành một người khác, một phụ nữ sành sỏi. 
- Anh hãy thở đều đều và chầm chậm thôi- Cô gái nói - Lần đầu tiên người đàn ông nào mà chẳng thế. Chỉ lát nữa thôi anh sẽ thấy hết sợ. 
Cô để anh nằm bên cạnh mình. Trong lúc cởi quần áo cho anh, với thủ thuật nhà nghề, cô đã làm cho anh ngày một dạn thêm. 
- Anh tên gì? 
- Uylix. 
- Tên ấy có vẻ tên người Mỹ nhỉ? 
- Không phải. Đó là tên một người từng đi du lịch trên biển. 
Êrênhđira vạch bộ ngực của Uylix hôn lên nó rồi khịt mũi ngửi. 
- Ôi đẹp quá. Cứ như vàng ấy. À mà sao thơm thế, thơm mùi hoa quả. 
- Mùi cam chín đấy! 
Giờ đã hết lo, anh mỉm một nụ cười hóm hỉnh: 
- Để lừa thế gian, cha con anh mang nhiều chim trên xe tải. Thực tình cha con anh mang cam lậu lên vùng biên giới. 
- Cam không phải là hàng lậu. 
- Nhưng những quả cam này là một thứ hàng lậu. Em có biết không, mỗi quả cam này trị giá năm vạn đồng đấy. 
Lâu lắm rồi lần này Êrênhđira mới bật cười: 
- Gớm! Anh phịa chuyện mà mặt cứ tỉnh bơ đi. Rõ ghét! 
Cô gái trở nên thành thật và hay nói, cứ như thế tính ngây thơ trong trắng của Uylix không những khiến cô thay đổi tính tình mà còn thay đổi cả tư chất nữa. Người bà, nằm cách xa họ không bao lăm, vẫn tiếp tục nói nhảm: 
- Cũng vào thời kỳ này, khoảng đầu tháng Tư, người ta mang cháu tới nhà. Nom cháu cứ y hệt con thằn lằn cuộn trong bông ấy. Amađix bố cháu, lúc ấy còn trẻ và đẹp trai, sướng như điên rồi phái người đi kiếm cho được 20 xe bò chở toàn hoa. Khi hoa về, bố cháu reo lên ầm ỹ rồi đi khắp làng tung hoa đến nỗi làng ta trong cái ngày ấy rực rỡ toàn hoa. 
Bà già cứ nói mê như vậy trong vài giờ liền. Nhưng Uylix không nghe thấy mụ nói. Bởi vì lúc này Êrênhđira đang yêu anh, yêu anh thực sự. Lúc đầu, cô còn lấy nửa tiền, sau cho không và cứ như vậy đôi trai gái đắm say cho tới khi trời sáng. 
Giữa hoang mạc, giáo sĩ của Hội truyền giáo đứng xếp thành hàng ngang. 
Lá cờ Chúa bay phần phật trên đầu họ. Cơn gió mạnh vù vù thổi làm bay quần áo bằng vải gai và râu ria của họ. Nhiều lúc cơn gió còn thổi bạt cả người họ. Sau lưng họ là tòa nhà của Hội truyền giáo: một tòa kiến trúc thời thuộc địa, có một tháp chuông nhỏ nhô lên trên những bức tường vôi lởm chởm. 
Một giáo sĩ trẻ tuổi hơn cả, đang chỉ huy cả nhóm, tay chỉ vào một kẽ nẻ tự nhiên trên đất sét, rồi ra lệnh: 
- Cấm bước qua vạch này! 
Bốn người Anhđiêng đang khiêng bà già ngồi trên một chiếc cáng ghép bằng những tấm ván đã dừng lại khi nghe thấy tiếng thét của giáo sĩ trẻ tuổi. Mặc dù phải ngồi gò bó trên cáng và đang khó chịu vì bụi bặm và mồ hôi, bà già vẫn giữ được vẻ đài các của mình. Êrênhđira đi bộ. Sau cáng là một hàng dài tám người Anhđiêng khiêng vác những đồ đạc lặt vặt. Người đi sau cùng là bác phó nháy cưỡi trên xe túc tắc đạp theo. 
- Ta cứ đi đấy! Hoang mạc chẳng phải của ai cả - Mụ nói. 
- Của Thượng đế! – Giáo sĩ trẻ tuổi nói - Với cái nghề nhơ nhuốc của mình ngươi đã vi phạm luật lệ thiêng liêng của ngài. 
Trong cách nói năng của giáo sĩ trẻ tuổi bà già đã nhận ra cái cung cách ăn nói của những người thuộc miền bán đảo, vốn ngang ngạnh. Mụ tìm cách tránh voi chẳng xấu mặt nào. Mụ lại trở lại là chính con người mình. 
- Thưa cậu, ta thực chưa hiểu được luật lệ huyền bí của ngài. Vậy xin cậu thứ lỗi cho. 
Giáo sĩ chỉ tay vào Êrênhđira, nói: 
- Cô bé kia còn ở tuổi vị thành niên phải không? 
- Nhưng nó là cháu ta, cậu ạ! 
- Ồ! Thế thì tội của nhà ngươi càng nặng nợ hơn! Biết điều thì hãy để con bé cho chúng ta bảo trợ. Nếu không thì sẽ biết tay! 
Bà già đấu dịu để cho bọn giáo sĩ khác khỏi kéo tới thêm: 
- Được! Ta chịu cậu. Nhưng cũng xin nói để cho cậu biết: dù sớm muộn thế nào ta cũng bước qua cái vạch này. 
Đã ba ngày rồi kể từ khi có cuộc chạm trán với các giáo sĩ, bà già và Êrênhđira ngủ lại trong một làng ở gần tu viện. Đêm ấy khi bà cháu cô ngủ, có những bóng đen qua lại trước cửa quán hàng của họ. Những chiếc bóng ấy thận trọng và lặng lẽ, cứ bò lết như đang bò vào đồn giặc. Đó là sáu tín đồ mới người Anhđiêng, trẻ trung và cường tráng, mặc quần áo tu sĩ bằng vải gai thô. Chúng lấy một tấm màn chụp lên người cô bé, dựng cô đứng dậy và không làm cô thức giấc. Sau đó chúng khiêng cô đi như khiêng một con cá bị mắc lưới. Tất cả những công việc này bọn chúng làm rất nhẹ nhàng và nhanh chóng, không gây một tiếng động nhỏ. 
Để giành lại cháu mình từ tay các giáo sĩ, người bà không từ một thủ đoạn nào. Chỉ khi tất cả những thủ đoạn này, từ những thủ đoạn trâng tráo nhất đến những thủ đoạn mềm dẻo nhất, đều thất bại lúc ấy bà già mới chạy tới kêu cửa nhà chức trách địa phương do một võ quan cầm đầu. Bà già gặp ngài ngay ở ngoài sân dinh. Ngài đang trần lưng chĩa súng lên bầu trời nóng bỏng, nã đạn vào đám mây đen cô đơn đang bay. Ngài đang cố sức bắn thủng đám mây đen này để làm cho nước từ trên trời mưa xuống. Những tràng đạn của ngài nghe sao phẫn nộ nhưng cũng thật vô tích sự. Tuy nhiên ngài cũng ngừng tay để nghe bà già giãi bày. 
- Tôi chịu bó tay thôi bà ơi.- ngài nói khi đã nghe bà già nói xong- Bởi vì theo Giáo ước thì các tu sĩ có quyền giữ con bé cho tới khi nào nó trưởng thành hoặc cho tới khi nó lấy chồng. 
- Vậy ngài làm xã trưởng để làm gì? 
- Để làm mưa! 
Sau đó khi thấy đám mây đã bay ra ngoài tầm bắn của mình rồi, ngài nghỉ tay và chỉ lúc này ngài mới thực sự tiếp bà già. 
- Bây giờ bà phải tìm một người có thế lực- Ngài nói - Người ấy sẽ tự tay cho bà một tờ giấy bảo đảm đạo đức và tiết hạnh của bà. Thế bà có quen biết ông nghị Ônêximô Xăngchết không? 
Ngồi trên một chiếc ghế đẩu quá hẹp so với bộ mông rộng bè bè của mình dưới trời nắng chang chang, bà già lộn tiết đáp cộc lốc: 
- Tôi chỉ là mụ đàn bà cô đơn giữa hoang mạc mênh mông thôi! 
Mắt phải nheo lại vì nóng, ngài xã trưởng đáp lời bà già: 
- Thôi! Chớ có mà nằn nì thêm nữa! Đồ quỷ tha ma bắt. 
Nhưng quỷ thần nào có bắt mụ đi cho cam! Bà già dựng một túp lều đối diện với tu viện, rồi mụ ngồi trước cửa vẻ suy tư như một chiến binh đứng gác nhìn chăm chăm vào thành phố đang bị vây. Bác phó nháy, vốn là người hiểu được tâm can bà già đã thu xếp đồ nghề buộc lên gácbaga xe đạp của mình. Bác chuẩn bị bỏ đi nơi khác. Chỉ khi này, bác mới nhìn thấy bà già ngồi dưới trời nắng giữa trưa mắt đăm đăm nhìn vào tu viện. 
- Nào thử xem ai sẽ là người phải bỏ cuộc trước, bọn họ hay là ta? - Mụ nói. 
- Bà nhầm rồi! Bọn họ từng ở đây ba trăm năm và hiện nay họ vẫn đàng hoàng ở đấy. – Bác phó nháy nói – Thôi, tôi chuồn đây bà ạ! 
- Anh đi đâu? 
- Cũng liều nhắm mắt đưa chân! – Bác nói rồi dắt xe đi - Đường còn rộng còn dài. 
-Cũng chẳng rộng chẳng dài như anh tưởng đâu. Đồ mặt thớt. 
Dù có hối hận, bà già vẫn không chịu ngoảnh mặt đi nơi khác. Mụ cứ nhìn chăm chăm vào tu viện trong nhiều ngày với mặt trời thiêu đốt, trong nhiều đêm mưa gió. Trong suốt thời gian ấy, mụ mong mỏi có người từ trong tu viện bước ra mà chẳng có ma nào cả. Những người Anhđiêng làm thuê cho mụ dựng tạm một túp lều lá cọ ở ngay cạnh. Trong khi họ ngủ say trên võng, bà già lại thức rất khuya, cái đầu cứ ngọ nguậy trên thành chiếc ghế có tay ngai và lần đếm những đồng tiền vàng đựng trong túi với thái độ thách thức điên cuồng đối với bọn giáo sĩ. 
Một đêm nọ, có đoàn xe tải qua trước cửa nhà mụ. Những chiếc xe này bịt kín mui lặng lẽ chạy. Chỉ có những ngọn đèn âm thầm lóe sáng làm nổi đậm hình thù những chiếc xe này tựa như những chiếc bàn thờ đang quờ quạng chạy trong đêm đen. Nhưng bà già nhận ra ngay những chiếc xe này bởi chúng giống y hệt những chiếc xe của cha con Amađix ngày xưa. Bỗng chiếc xe sau cùng đi chậm rồi dừng hẳn lại. Từ trên ca-bin một ngưòi đàn ông bước xuống đi về sau chiếc xe để sửa sang một vật gì đó giấu trong thùng xe. Gã ăn mặc y hệt những người đã phục vụ cha con Amađix lúc sinh thời: cũng mũ bê-rê, cũng đi ủng cao ống, cũng khoác chéo ngực hai băng vải, cũng đeo một khẩu súng dài ở sau lưng, hai khẩu súng ngắn ở hai bên hông. Bà già không thể cưỡng lại ý muốn của mình để gọi người ấy: 
- Không nhận ra ta là ai sao, anh kia? 
Người đàn ông thản nhiên rọi đèn pin thẳng vào mặt bà già. Gã nhìn khuôn mặt đau buồn vì thất vọng, nhìn đôi mắt mêt mỏi vì thức nhiều, nhìn mái tóc đã ngả màu xám chì của người phụ nữ mà dẫu tuổi đã cao và đang ở trong tình huống cực kỳ khó khăn vẫn có thể nói đó là người đàn bà đẹp nhất trần gian. Khi đã quan sát kỹ để có thể vững tâm rằng mình không nhầm, rằng mình chưa hề gặp người đàn bà này, gã tắt đèn pin. 
- Tôi biết chắc chắn bà không phải là Đức mẹ Đồng trinh miền Rêmêđiôt – Gã nói. 
- Thế mà ta lại là phu nhân! - Mụ nói với giọng ngọt xớt. 
Theo thói quen người đàn ông sờ ngay vào báng súng lục: 
- Phu nhân nào? 
- Phu nhân của Amađix vĩ đại! 
- Vậy là ông ta đã ngoẽo từ lâu rồi – gã nói, vẻ căng thẳng – Bà muốn gì? 
- Hãy giúp ta giành lại Erênhđira, cháu của Amađix vĩ đại, con của Amađix con. Nó đang bị giam trong tu viện kia kìa. 
Người đàn ông rụt vai vẻ run sợ: 
- Bà gõ nhầm cửa rồi! Nếu bà nghĩ rằng chúng tôi dám coi thường luật lệ của Chúa thì bà không phải là người mà bà vừa tự xưng, càng không phải là người thân quen cha con Amađix, càng không phải là người ít nhiều có hiểu biết về nghề buôn lậu! 
Đêm ấy, bà già ít ngủ hơn các đêm khác. Mụ cứ trằn trọc hoài trên tấm thảm len mà suy nghĩ lao lung trong lúc đêm cứ tàn dần khiến cho trí nhớ của mụ bị nhầm lẫn lung tung và những cơn mê sảng bị dồn nén lại cứ chờ dịp bục ra như thể một quả bóng căng hơi. Mụ phải lấy tay ôm chặt lấy con tim để cho cái ký ức về ngôi nhà từng chứng kiến cuộc sống hạnh phúc của mụ - ngôi nhà ở vùng biển lúc nào cũng rực rỡ những bông hoa to và lộng lẫy - khỏi bóp nghẹt trái tim mình. Cứ như vậy mụ ngồi cho tới khi chuông tu viện đổ hồi, đèn các phòng tu viện thắp sáng và hoang mạc lại rộn lên những tiếng cầu kinh buổi sáng. Chỉ đến lúc này, một hy vọng hão choán lấy tâm hồn mụ xua tan mọi nỗi mệt nhọc. Ấy là lúc mụ đinh ninh rằng Erênhđira đã dậy, tìm được chỗ ẩn để trốn khỏi tu viện trở về với mình. 
Nhưng không đêm nào, kể từ khi bị bắt cóc về tu viện đến nay Êrênhđira ngủ không ngon giấc. Bộ tóc dài của cô bé đã bị cắt. Đầu cô bị cạo trọc tếu nom y hệt chiếc bình vôi. Tu viện phát cho cô bộ quần áo trắng bằng vải thô, một chiếc thùng đựng nước vôi và một chiếc chổi để cô quét vôi vào các bậc cầu thang mỗi bận có người dẫm lên chúng. Đó là công việc của một con lừa bởi vì bọn tu sĩ say rượu và bọn tín đồ làm nhiệm vụ khuân vác cứ nườm nượp lên xuống cầu thang suốt ngày. Nhưng Êrênhđira lại cảm thấy công việc của mình vui như trẩy hội ấy. Mặt khác cô bé không phải là người duy nhất bị mệt lử sau mỗi ngày làm việc bởi cái tu viện này được dựng lên không nhằm chống lại số phận mà chống lại cái cô đơn của hoang mạc. Tận mắt Erênhđira đã nhìn thấy những tín đồ mới người Anhđiêng phải vít đầu vít cổ những con bò sữa ương ngạnh ở trong chuồng để vắt sữa hoặc chăm nom những con dê đẻ khó. Tận mắt Êrênhđira đã nhìn thấy những tín đồ mới, da đen nhẻm, mình đầm đìa mồ hôi, gánh nước tưới rau trong mảnh vườn vốn là đất chó ăn đá gà ăn sỏi vừa được khai phá xong. Tận mắt Êrênhđira nhìn thấy cảnh địa ngục trần gian ngay ở lò bánh hay ở buồng giặt là. Tận mắt Êrênhđira đã nhìn thấy một cô nữ tu đang dồn đuổi một con lợn ngay trong sân tu viện. Tu nữ nắm lấy hai tai con vật và bị nó lôi cô trượt trên những vũng bùn, làm cô ngã lăn ra đất. Cô vẫn giữ nguyên như thế chờ các tín đồ mới chạy tới giúp sức. Một người trong bọn họ rút con dao bầu đâm vào cuống họng con vật. Thế là cả bọn người lấm lem những bùn cùng máu. Tận mắt Êrênhđira đã nhìn thấy những tu sĩ ho lao đang đợi Chúa gọi đi hầu, ngồi thêu những tấm vải trải giường đôi ở ngoài hiên một ngôi đền ngay cạnh nhà thương của tu viện. Các cô vừa làm vừa hát một bài hát buồn thê lương. Trong khi đó, các giáo sĩ đang đi truyền giáo khắp hoang mạc. Sống trong bóng tối cô bé phát hiện ra những vẻ khác nhau của cái đẹp và nỗi đau trong cái thế giới chật hẹp của mình trước kia, cái thế giới chỉ quẩn quanh bên một chiếc giường. Kể từ khi cô bé vào tu viện đến nay, không một tín đồ nào, dù là người thô bạo hay là người lịch thiệp, có thể moi nổi lấy một lời từ miệng cô. Một buổi sáng nọ, khi đang pha vôi trong xô, bỗng cô bé nghe thấy tiếng đàn trong như ánh pha lê nổi lên giữa ánh sáng của hoang mạc. Cái tiếng đàn kỳ diệu ấy đã bắt mất hồn cô bé, buộc cô phải bước vào phòng khách rộng mênh mông với bốn bức tường trơn và những cánh cửa sổ lớn. Qua những cánh cửa sổ này ánh sáng chói chang của mùa hè rọi vào và đọng lại trong đó. Ngay giữa phòng khách một cô gái đang chơi khúc kinh Paxqua trên cây đàn Clavêximbôlô. Cô bé nghe đàn không chớp mắt. Hồn cô cứ căng ra như một sợi dây đàn. Cô mải nghe cho tới khi chuông tu viện vang lên báo giờ cơm trưa. Sau bữa cơm trưa, cô bé lại tiếp tục lau trắng những bậc cầu thang. Đợi cho hết người lên xuống, cô dừng tay đứng một mình. Tại nơi vắng vẻ không bóng người này, cô mới thốt ra lời: 
- Ôi, sướng quá! 
Trong lúc ấy người bà không còn hy vọng cháu mình sẽ tìm cách thoát thân trở về. Tuy nhiên mụ vẫn kiên trì theo dõi mọi động tĩnh trong tu viện cho tới lễ Hạ trần. Trong thời gian này, các giáo sĩ vây quét khắp hoang mạc lùng bắt những cô gái bao có mang đem về làm lễ thành hôn cho họ. Các giáo sĩ ngồi trên một chiếc xe cà tàng đi tới tận những xóm nhà lá hẻo lánh nhất. Trên mỗi xe có bốn người lính trang bị đầy đủ súng ống và một thùng đựng đủ các thứ hàng hóa. Trong cuộc săn người Anhđiêng này, công việc khó khăn nhất vẫn là việc thuyết phục bọn gái bao. Bởi vì bọn này cố sống cố chết chống lại việc làm từ thiện của Hội truyền giáo bằng một luận điệu tức cười: bọn đàn ông đểu lắm cứ bắt vợ mình làm quần quật trong khi hắn nằm trên giường, dạng háng ra ngủ. Nhưng hắn lại chiều chuộng vuốt ve gái bao. Thế thì chẳng thà theo không còn hơn lấy chồng. Cần phải lừa phỉnh các cô gái bao bằng việc dùng tiếng địa phương của người Anhđiêng để giảng giải đạo lý của Chúa, để họ dễ dàng nhận ra ý lành của Chúa. Nhưng đối với những ả dễ thuyết phục nhất cũng không thể chỉ dùng lời nói ngọt được mà còn phải dùng đến những chiếc nhẫn bằng vàng giả. Trái lại việc bắt bọn đàn ông Anhđiêng về tu viện có phần dễ dàng hơn. Nếu họ chống cự thì chỉ việc phang cho mấy gậy rồi gô cổ lại vất lên xe mang đi. Thế là xong. 
Trong nhiều ngày liền, bà già nhìn thấy xe tải toàn chở bọn gái bao có chửa về tu viện. Mụ vẫn chưa nhận ra dịp may đã tới. Chính trong ngày lễ Hạ trần này mụ mới nhận ra điều đó khi thấy tiếng pháo nổ ròn rã và tiếng chuông dóng dả đổ hồi trong tu viện. Mụ nhìn thấy đám người ăn mặc rách rưới nhưng vui vẻ đang đi dự tiệc. Trong đám người ấy, mụ thấy những người đàn bà mặc đồ cô dâu khoác tay các đức ông chồng ngẫu nhiên gặp được để hoàn lương qua cái đám cưới tập thể này. Có một chàng trai đi sau rốt. Đầu anh ta cạo trọc nom y hệt quả bí ngô. Anh ta mặc bộ quần áo rách bươm tay mang một cây đèn nến có thắt nơ. Bà già gọi anh: 
- Cậu hãy nói cho ta biết cậu làm gì trong đám hội này? 
Chàng trai cảm thấy xấu hổ với việc mang cây nến trên tay và cậu ta phải khó nhọc lắm mới mím môi lại được để che bộ răng vẩu của mình đi. 
- Thưa bà, các cha sẽ làm lễ ban thánh thể đầu tiên cho con ạ. 
- Người ta trả cậu bao nhiêu tiền? 
- Thưa bà, 5 đồng ạ! 
Bà già rút tiền lấy ra một cuộn giấy bạc. Anh thanh niên nhún vai ngạc nhiên. 
- Ta trả cậu 20 đồng đây, nhưng không phải để cậu chịu lễ ban thánh thể đầu tiên mà là để cậu cưới vợ. 
- Cưới ai kia, thưa bà? 
- Cháu gái ta chứ còn ai nữa! 
Thế là Êrênhđira làm lễ thành hôn ngay tại sân tu viện mà vẫn chưa biết tên người chồng do bà mua cho mình. Cô bé vận đồ cưới trong tu viện do các tín đồ trang điểm cho. Với hy vọng còn mơ hồ, cô gái cảm thấy ngột ngạt khó thở vì nỗi đau ê ẩm phải quỳ gối trên sân toàn sỏi, vì phải ngửi mùi hôi thối xông lên từ tấm da dê mới lột, vì phải nghe thơ Sứ đồ của thánh Pablô bằng tiếng la-tinh trong không khí của oi bức. Mặc dù phải làm lễ thành hôn cho Erênhđira và chỉ làm khi đã hết phương chống lại mưu chước của bà già, các tu sĩ vẫn tin rằng có thể giữ cô bé lại trong tu viện. Tuy nhiên khi hôn lễ kết thúc trong sự chứng giám của cha xứ, của viên xã trưởng bắn mây để làm mưa ấy và đứng bên cạnh người chồng mới cưới và bà nội mình, Êrênhđira vẫn cảm nhận trong mình đang sống rất mãnh liệt cái tình ruột thịt đối với bà nội. Khi các giáo sĩ hỏi cô muốn gì thì cô không hề đắn đo, cứ thật bụng trả lời: 
- Cháu muốn đi- Cô chỉ tay vào người chồng- nhưng không phải đi với hắn mà là đi với bà cháu kia. 
Uylix mất cả buổi chiều vẫn không tài nào đánh cắp nổi quả cam trong vườn cam của cha mình. Bởi vì trong lúc tìm những cành sâu, lão Hà Lan không rời mắt theo dõi anh. Ở trong nhà, bà mẹ anh cũng để ý anh. Thế mà anh phải từ bỏ ý định của mình, tiu nghỉu làm việc cho tới khi xong. 
Vườn cam rộng bạt ngàn, âm thầm và vắng lặng. Trong khung cảnh ấy nổi lên ngôi nhà gỗ mái lợp đồng thau, cửa sổ căng những tấm lưới đồng chắn muỗi. Trước nhà là một hàng hiên rộng có cột trụ đỡ ở phía dưới. Chậu cảnh trồng toàn loại cây nguyên sinh trổ hoa to bông. Chúng được bày la liệt trên hàng hiên này. Bà mẹ Uylix ngồi trên chiếc ghế đu đưa. Hai thái dương bà dắt toàn lá hương nhu. Con mắt tinh anh của bà dõi theo Uylix giống như ánh sáng xuyên tới nơi thầm kín nhất của vườn cam. Bà là người phụ nữ trẻ và đẹp so với đức ông chồng. Không chỉ mặc y phục của bộ lạc mình bà còn am tường những điều bí mật xa xưa nhất của chủng tộc mình. 
Khi Uylix cầm chiếc kéo làm vườn bước vào nhà, mẹ anh lại sai mang tới cho bà cốc nước thuốc uống lúc bốn giờ chiều đặt ở bàn bên cạnh. Anh vừa bưng cốc nước thuốc thì lập tức cốc và nước đều chuyển màu nhanh chóng. Sau đó vì vô ý tay lại chạm phải những chiếc cốc bên cạnh. Lập tức những chiếc cốc này cũng chuyển thành màu xanh. Bà mẹ chăm chú theo dõi anh và khi đã chắc chắn bằng sự thay đổi màu sắc một cách huyền bí này không phải do căn bệnh của mình gây nên, lúc ấy bà hỏi anh rằng tiếng nói của người thổ dân Anhđiêng: 
- Con có sự thay đổi màu này từ bao giờ? 
- Từ khi con ở hoang mạc trở về. Sự thay đổi màu này chỉ xảy ra khi tay con chạm phải những đồ dùng bằng thủy tinh thôi mẹ ạ! 
Để chứng minh lời mình nói, Uylix cầm hết chiếc cốc thủy tinh này đến chiếc cốc thủy tinh khác. Chiếc cốc nào cũng đổi màu sắc rất nhanh. 
- Con có biết sự thay đổi màu sắc này chỉ xảy ra khi người ta đang yêu không? 
Uylix không trả lời mẹ. Cha anh, vốn không biết tiếng người Anhđiêng, giữa lúc ấy cũng từ ngoài vườn bước vào nhà, tay cầm một cành cam. 
- Các người đang nói chuyện gì vậy? – ông hỏi con trai bằng tiếng Hà Lan. 
- Thưa cha, không có chuyện gì đặc biệt cả ạ! 
Mẹ Uylix không biết tiếng Hà Lan. Khi thấy chồng đã bước vào trong phòng rồi, bà lại hỏi con trai: 
- Cha con bảo con cái gì vậy? 
- Không có gì đặc biệt cả đâu mẹ ạ! 
Uylix không nhìn thấy cha mình khi lão bước vào phòng nhưng rồi ngay sau đó, anh lại thấy cha mình hiện ra ở văn phòng. Đợi cho tới khi chỉ còn lại hai mẹ con với nhau thôi, bà lại hỏi con trai: 
- Hãy nói cho mẹ hay: con đã yêu ai? 
- Con không yêu ai mẹ ạ! 
Anh trả lời mẹ mình cho qua chuyện bởi anh đang mải theo dõi những hoạt động của cha mình trong văn phòng. Anh thấy cha mình đặt những quả cam ấy vào trong két bạc.Trong lúc anh theo dõi cha thì mẹ anh lại theo dõi anh. 
- Đã lâu mẹ không thấy con ăn bánh! 
- Con ngán bánh mẹ ạ! 
Khuôn mặt bà mẹ bỗng biến sắc. Bà trở nên nghiêm nghị. “Con nói dối mẹ” – bà nói – “ Chỉ tại con thất tình thôi. Những ai thất tình thì mới biếng ăn”. Giọng của bà cũng như ánh mắt bà đều mang vẻ giận dữ. 
- Tốt hơn hết là con hãy nói thực đi. Con yêu ai? Nếu không mẹ phải tắm tẩy trần cho con đấy. 
Trong văn phòng mình, lão Hà Lan mở két bạc rồi cẩn thận đặt những quả cam từ ngoài vườn vào đấy. Sau đó lão trở ra khóa trái cửa lại. Chỉ khi ấy Uylix mới rời mắt khỏi hình bóng của cha mình để cãi lại mẹ: 
- Con đã nói để mẹ biết là con chưa yêu ai cả. Nếu không tin thì mẹ hãy hỏi cha con ấy! 
Vừa hay lão Hà Lan xuất hiện ở cửa văn phòng, châm tẩu hút thuốc và dưới nách cắp một cuốn Kinh Thánh. Bà vợ hỏi chồng bằng tiếng Tây Ban Nha: 
- Mình và con có quen ai ở ngoài hoang mạc không? 
- Không quen ai cả! Nếu mình không tin hãy hỏi thằng Uylix ấy! 
Nói đoạn lão ngồi vào cuối phòng ăn cứ bậm môi rít thuốc cho tới khi thuốc cháy tọt nõ. Sau đó lão mở cuốn sách ra nguyện kinh trong hai giờ liền bằng tiếng Hà Lan trôi chảy và vang vọng. 
Đã nửa đêm rồi, Uylix vẫn còn nghĩ ngợi mông lung đến mức không thể ngủ được. Anh đi nằm lại thêm một giờ nữa cố xua đi nỗi nhớ nhung khắc khoải nhưng chính nó lại chắp cánh cho anh, tăng thêm sức mạnh cho anh, anh thấy mình cần phải hành động kiên quyết. Thế là anh vùng dậy mặc chiếc quần bò và chiếc áo sơ-mi kẻ sọc, đi đôi ủng cao ống. Nhảy qua cửa sổ, lên chiếc xe tải đã có sẵn mấy chiếc lồng chim, cho xe nổ máy, anh trốn gia đình mình. Khi xe chạy qua khu vườn cam anh ngắt liền ba quả cam. Đó là những quả cam anh không ăn cắp được trong buổi chiều qua. 
Suốt đêm ấy anh cho xe vượt hoang mạc. Sáng ra, xe anh đã chạy qua các xóm nhà lá rồi qua các bản làng đông dân hơn. Anh hỏi thăm dân chúng hướng đi của Êrênhđira nhưng không một ai có thể trả lời đích xác được. Cuối cùng anh được tin rằng Êrênhđira đang đi theo đoàn vận động tuyển cử của ông nghị Ônêximô Xăngchết. Và có thể đoàn vận động của ông nghị hiện ở làng Tân Caxtida. Anh tới làng này nhưng không gặp, phải tới làng bên mới gặp đoàn của ông nghị. Nhưng bà cháu Êrênhđira đã không đi theo ông nghị nữa vì bà già đã xin được tờ chứng chỉ do chính tay ông nghị viết. Nhờ tờ chứng chỉ này bà già đã có thể vượt qua được những cửa ải khó khăn nhất của hoang mạc. Đến ngày thứ ba Uylix gặp được nhân viên bưu điện. Gã này chỉ cho anh hướng đi chính xác của Êrênhđira: 
- Họ đi về phía biển đấy. – Gã bảo anh - Cậu phải nhanh lên mới kịp kẻo bà già đang định vượt biển đi sang đảo Aruba đấy!
Theo hướng ấy, sau một ngày phóng xe như gió, Uylix nhìn thấy một cái rạp rộng và đã hoen ố của một gánh xiếc phá sản mà bà già mua lại. Mụ mua rạp này để làm tiệm chơi. Bác phó nháy lưu động đã trở lại cùng làm ăn với bà già và bác phải thừa nhận rằng con đường làm ăn cũng không phải là dài rộng như bác đã tưởng. Bác dựng hiệu chụp ảnh của mình ngay bên cạnh cái tiệm chơi của bà già. Trong cửa hiệu của bác có bày những tấm phông vẽ cảnh điền viên. Một ban nhạc với những bản nhạc buồn đã quyến rũ khách làng chơi đến với Êrênhđira.  
Uylix xếp hàng chờ lới lượt vào. Khi bước vào trong rạp anh nhận ra ngay cái vẻ ngăn nắp, gọn gàng và sạch sẽ của nó. Giường nằm của bà già đã lấy cái vẻ đường bệ phong lưu của kiểu giường bà phó vương. Bức tượng thánh được đặt đúng chỗ ở ngay cạnh chiếc hòm đựng hài cốt cha con Amađix. Ngoài ra còn có một chậu tắm bằng thiếc được đặt trên bốn chiếc chân sư tử quỳ. Êrênhđira để trần, lặng lẽ nằm trên chiếc giường kiểu bà bá tước. Dưới ánh trăng lọc qua tấm vải bạt lợp rạp, Êrênhđira hồng lên vẻ hồng hào thời thơ trẻ. Cô gái ngủ mà mắt vẫn mở to. Uylix đứng bên cạnh cầm những quả cam chín. Nhận ra cô gái đang nhìn mà không thấy mình, anh liền chìa tay ra trước mắt cô và gọi cô bằng cái tên anh phịa ra trong lúc nghĩ tới cô: 
- Êritnêrê! 
Êrênhđira tỉnh dậy. Cô thấy xấu hổ quá vì trước mặt Uylix mình không mặc quần áo. Cô gái khẽ kêu rồi kéo tấm vải trải giường lên kín đầu. 
- Đừng nhìn em đi anh- Cô gái nói- Eo ơi, em sợ quá! 
- Da em cứ hồng như màu cam chín ấy- Uylix nói, anh chìa những quả cam chín ra trước mặt Êrênhđira để cô gái liên tưởng- Hãy xem này em! 
Êrênhđira gạt tấm vải xuống dưới để lộ hai con mắt. Cô nhìn và nhận rằng quả thật những quả cam này có màu y hệt nước da mình. 
- Bây giờ em không muốn anh ở đây đâu! 
- Anh vào chỉ cốt để em xem những quả cam này thôi. Hãy xem. 
Dùng móng tay anh bóc vỏ cam rồi hai tay anh tách quả cam ra làm đôi. Anh cho cô bé xem hạt kim cương lóng lánh ghim ở giữa. 
- Những quả cam này là hàng cha con anh mang tới biên giới. 
- Nhưng đó là những quả cam tươi- Cô gái thốt lên vẻ ngạc nhiên. 
- Đúng rồi, cha anh trồng thứ cam này mà! 
Êrênhđira không thể tin được điều đó. Cô gạt tấm vải xuống dưới hơn nữa để lộ hẳn khuôn mặt ra. Cầm lấy hạt kim cương cô ngạc nhiên ngắm nghía.  
- Chỉ với ba hạt này thôi chúng mình có thể du lịch khắp thế giới, em ạ! 
Êrênhđira thản nhiên trả lại viên kim cương cho Uylix. Uylix cố gạ gẫm thêm: 
- Anh còn có cả một chiếc xe tải nữa. Ngoài ra…còn… Hãy nhìn này, em! 
Anh rút khẩu súng lục từ trong túi áo ra. 
- Trong vòng mười năm tới em không thể bỏ đi được! 
- Em sẽ đi mà. Đêm nay khi con cá voi ấy ngủ, anh đứng ngoài bắt chước tiếng cú rúc huýt gọi em. 
Anh huýt thử cho cô gái nghe. Lần đầu tiên mắt cô bé sáng lên cười khi thấy tiếng huýt sáo ấy y hệt tiếng cú rúc. 
- Chỉ tại bà em thôi!- cô gái nói. 
- Con cú vọ phải không? 
- Không phải, cái con cá voi ấy! 
Cả hai cùng cười vẻ đắc chí vì sự hiểu lầm ấy. Êrênhđira trở lại câu chuyện: 
- Không ai có thể đi đâu được nếu không được phép của bà mình. 
- Việc gì em phải nói với bà già nhỉ! 
- Cái gì bà cũng biết hết. Luôn luôn bà em được báo mộng trước. 
- Khi bà già được mộng báo thì chúng mình đã ở tận biên giới rồi. Chúng ta sẽ sống bên nhau như những người buôn lậu. 
Rồi bắt chước bộ dạng của tài tử điện ảnh, Uylix tay nhứ nhứ khẩu súng lục miệng kêu" đoàng! đoàng!" y hệt tiếng súng nổ thật để cù cho Êrênhđira cười. Cô gái không nói không rằng nhưng đôi mắt cô lại tỏ vẻ sẵn sàng. Cô hôn tạm biệt anh. Uylix cảm động miệng khẽ reo:  
- Chỉ ngày mai thôi là chúng mình sẽ được thấy tầu thủy đi trên biển, em thân yêu ạ! 
Đêm ấy, trước lúc sáu giờ tối, khi Êrênhđira đang chải tóc cho bà mình thì cơn gió bất hạnh đời cô lại nổi lên. Những người Anhđiêng làm thuê và người nhạc trưởng đứng ở ngoài rạp đợi bà già trả tiền công. Bà già đếm xong số tiền giấy đựng trên két bạc và sau đó khi xem xong bảng thanh toán, mụ trả tiền công cho người đứng đầu bọn làm thuê người Anhđiêng.  
- Tiền lương trong tuần của bọn anh cả thảy là hai mươi đồng pêxô. Nay trừ đi tám đồng tiền cơm, ba đồng tiền nước, và năm hào tiền thuê áo sơ mi mới. Vậy bọn anh còn được lĩnh cả thảy là tám đồng năm hào. Tiền đây, anh hãy đếm lại đi!  
Người Anhđiêng đếm lại tiền. Xong xuôi đêu đó bọn họ kéo nhau ra về không quên cảm ơn mụ: 
- Xin đa tạ bà! 
Người nhạc trưởng vào ngay sau đó. Bà già xem lại bảng thanh toán, rồi nhìn bác phó nháy, bác này đang hí hoáy sửa lại ống kính máy ảnh:  
- Nào anh bạn có chịu trả một phần tư số tiền nhạc không? 
Bác phó nháy, không ngẩng đầu lên, trả lời mụ. 
- Nhạc không hiện hình trên ảnh của tôi chụp! 
- Nhưng mà nhạc khêu gợi khách hàng thích chụp ảnh. 
- Hoàn toàn ngược lại, bà ơi! Nhạc chỉ làm cho bọn khách hàng buồn thỉu buồn thiu và khi họ hiện hình trên ảnh của tôi thì mắt cứ nhắm tít lại y như người đang ngủ. Thế là tôi lại phải chụp đền cho họ.  
Người nhạc trưởng lúc ấy cũng vui miệng tham gia: 
- Nhạc không làm cho họ phải nhắm mắt lại đâu.Chính là ánh chớp của đèn chụp làm họ phải nhắm mắt lại đấy, anh bạn ạ! 
- Chỉ tại cái thứ nhạc chết tiệt của nhà anh đấy thôi! 
Bà già kết thúc cuộc cãi vã giữa hai người: 
- Thôi đi, anh gàn bỏ mẹ đi ấy!- mụ nói với bác phó nháy- Anh thử xem ông nghị Ônêximô Xăngchết đấy. Ông gặp biết bao may mắn nhờ âm nhạc đã phụ giúp ông".  
Rồi mụ kết thúc bằng biện pháp cứng rắn hơn:  
- Hoặc là anh trả phần tiền thuộc về mình hoặc là anh đi kiếm ăn một mình. Thật vô lý cứ bắt con bé phải gánh chịu đủ thứ tốn kém. 
- Thôi được, tôi sẽ đi làm ăn một mình vậy! – bác phó nháy nói – Dù thế nào đi nữa tôi vẫn cứ là cái thằng tôi, một người nghệ sĩ. 
Bà già nhún vai vẻ khó chịu. Mụ quay sang nói với nhạc trưởng: 
- Của anh có tất cả hai trăm năm mươi tư lần chơi nhạc bình thường, mỗi lần giá năm hào và ba mươi hai lần chơi nhạc vào chủ nhật và các buổi chợ, mỗi lần giá sáu hào. Vị chi anh được lĩnh tất cả là một trăm năm mươi sáu đồng hai hào.  
Nhạc trưởng không chịu nhận tiền, nói: 
- Tất cả là một trăm tám mươi hai đồng bốn hào kia, bà ơi. Nhạc nhảy đắt tiền hơn. 
- Vì sao? 
- Vì đó là những bản nhạc buồn, rất buồn. 
Tuy vậy bà già vẫn buộc được nhạc trưởng phải nhận tiền, mụ nói: 
- Tuần này mỗi điệu nhảy mà ta yêu cầu, anh hãy chơi hai bài nhạc vui. Như thế sẽ ổn thỏa hết. 
Nhạc trưởng tuy chưa hiểu hết ý tứ của mụ vẫn đành phải nhận tiền. Cũng chính trong lúc ấy cơn gió mạnh khủng khiếp suýt chút nữa giật đổ cả rạp. Trong lúc người nhạc trưởng lặng lẽ bước ra khỏi rạp thì từ bên ngoài vọng vào tiếng cú vọ rúc nghe não nùng.  
Êrênhđira đâm ra bối rối, không tài nào tự trấn tĩnh nổi mình. Cô gái khóa két bạc lại, giấu nó xuống gậm giường rồi đưa chùm chìa khóa cho bà mình. Bà già nhận thấy tay cháu mình run run khi đưa chùm chìa khóa."Cháu đừng hoảng thế. Trong những đêm giông bao giờ cú vọ cũng rúc như thế đấy". Nhưng khi thấy bác phó nháy cắp máy ra đi thì mụ lại dọa bác: 
- Nếu muốn thì anh hãy ngủ lại đây. Đêm nay thần chết sẽ lảng vảng ngoài đường đấy. Vô phúc mà gặp phải nó thì khốn. 
Bác phó nháy nghe thấy tiếng cú rúc nhưng không hề thay đổi sắc mặt. 
- Thôi, hãy nghe ta, dẫu chỉ là để tỏ lòng vì nể cái tình cảm của ta đối với anh, anh hãy ngủ lại đi. 
- Nhưng tôi sẽ không trả tiền nhạc kia. 
- Ồ không! Cái ấy thì không được. Anh phải trả tiền nhạc! 
- Đấy bà xem: bà có thương ai đâu nào! 
Bà già giận tái mặt: 
- Thế thì xéo đi cho rảnh mắt. Đồ ăn cháo đá bát. 
Bà già cảm thấy nhục nhã quá thể, miệng cứ lảm nhảm chửi bới bác phó nháy cho hả cơn tức trong lúc Êrênhđira giúp mụ nằm nghỉ:" Thằng mất dạy! Quân ăn cháo đá bát!". Êrênhđira không thèm để ý tới những lời thóa mạ của bà già bởi tiếng cú rúc giữa lúc cơn gió yếu đi càng rõ mồn một giục giã cô và trong lúc này cô đang lúng túng chưa biết làm gì. Theo thói quen bà già vừa nằm xuống giường là đã nói mê. Trong lúc quạt cho bà mình cô cháu cố xua tan những dự cảm không tốt lành về điều sắp xảy ra để trở lại sống cuộc sống thực của mình, nghĩa là lại thở hít cái không khí ngột ngạt đang bao bọc quanh cô.  
- Cháu phải dậy sớm đun cho bà nồi nước tắm trước khi khách tới nhé! 
- Thưa bà vâng ạ! 
- Khi rỗi cháu giặt quần áo bẩn mà bọn Anhđiêng thay ra vất đấy. Như vậy tuần sau chúng ta đỡ tốn một khoản chi. 
- Thưa bà, vâng ạ! 
- Cháu nhớ khi ngủ phải thở cho đều. Như thế mới ngủ ngon giấc kẻo ngày mai là ngày thứ Năm, ngày vất vả nhất trong tuần. 
- Thưa bà, vâng ạ! 
- Nhớ cho đà điểu ăn đấy! 
- Thưa bà, vâng ạ! 
Cô cháu đặt cái quạt lông xuống giường, châm lửa hai ngọn nến đặt trên bàn thờ đối diện với cái hòm đựng hài cốt cha con Amađix. Lúc này bà già mới nhắc cháu mình:  
- Thắp đèn cho cha con Amađix. 
- Thưa bà, vâng ạ! 
Êrênhđira biết rằng bà mình sẽ không thức dậy nữa bởi đã bắt đầu nói mê rồi. Cô đã nghe thấy tiếng gió sủa gầm gừ quanh nhà, nhưng cũng như lần trước, lần này cô cũng không nhận ra đó là cơn gió bất hạnh của đời mình đã nổi lên. Cô gái thò đầu ra ngoài sân đợi cho đến khi nghe thấy tiếng cú rúc vọng tới và lúc này ý muốn được tự do đã dứt đứt sợi dây tình cảm từng ràng buộc cô với bà mình.  
Cô chỉ mới bước ra khỏi rạp khoảng năm bước thì gặp bác phó nháy đang hì hục buộc đồ nghề lên chiếc xe đạp. Nụ cười hóm hỉnh của bác làm cô gái yên tâm.  
- Tôi không biết gì cả - bác nói - chẳng nhìn thấy gì và tôi cũng không trả tiền! 
Cô gái tạm biệt bác, chạy một mạch vào hoang mạc và mất bóng trong cơn gió mù mịt bụi, cơn gió đang thổi tới tai cô tiếng cú rúc. 
Lần này bà già chạy ngay tới kêu cửa nhà chức trách. Viên chỉ huy đơn vị bộ đội địa phương bật dậy khỏi giường vào lúc sáu giờ sáng cũng là lúc bà già trình trước ngài tờ chứng chỉ của ông nghị Ônêximô Xăngchết. Bố của Uylix cũng chờ ngoài cửa. 
- Đồ con khẹc… Lại còn bắt ta phải đọc thư nữa! Nào ta có biết đọc cho cam. 
- Đó là thư của ông nghị Ônêximô Xăngchết đấy ạ! 
Chẳng cần biết nếp tẻ gì hơn, viên chỉ huy với tay cầm lấy khẩu súng để ở đầu giường, rồi quát tháo ra lệnh cho bọn tùy tùng của mình. Chỉ năm phút sau, tất cả đều đã ngồi vào chiếc xe tải phóng như bay về phía biên giới. Nó phóng ngược chiều cơn gió đang xóa sạch dấu vết của những kẻ chạy trốn. Viên chỉ huy ngồi phía trước bên cạnh người lái xe. Phía sau là lão lái buôn người Hà Lan và bà già. Còn bọn lính tráng ngồi ở phía sau xe. 
Ngay sát cạnh làng, bọn họ đã dừng một đoàn xe tải bịt bạt kín mít. Những người ẩn trên những thùng xe này đã vén bạt lên chĩa họng súng máy và súng trường vào chiếc xe tải nhà binh có viên chỉ huy đang ngồi. Viên chỉ huy hỏi người tài xế ngồi trên ca-bin chiếc xe đầu tiên của đoàn xe nọ rằng họ đã gặp chiếc xe chở lồng chim cách đây bao lâu rồi. 
Người lái xe mở máy trước khi trả lời: 
- Chúng tôi không phải là quân mách lẻo mạt hạng. Bọn buôn lậu chính là chúng tôi đây! 
Viên chỉ huy tận mắt nhìn thấy những họng súng đen ngòm lướt qua ngay trước mũi mình. Gã liền giơ hai tay lên và mỉm cười. 
- Chí ít các người cũng thấy xấu hổ nếu không bắt được chiếc xe ấy ngay trưa nay- Ngài nói với đám quân lính của mình như vậy.  
Chiếc xe tải đi sau cùng có một hàng chữ bằng phấn viết trên thành hậu thùng xe: Êrênhđira, anh nhớ em! 
Càng lên phía bắc gió càng khô hơn, nóng càng gay gắt hơn và ngồi trong thùng xe tải người ta càng cảm thấy khó thở hơn trước cái không khí bụi bậm, nóng hầm hập ấy. 
Bà già là người trước tiên phát hiện ra bác phó nháy, đầu vẫn đội một chiếc khăn, vật duy nhất che chở cho bác trước trước cái thiên nhiên hung bạo ấy, đang gò lưng đạp xe chạy cùng chiều với chiếc xe nhà binh. 
- Đó! Nó đấy! Chính hắn là người đã gây ra chuyện rắc rối đấy ạ! Thằng đểu! 
Viên chỉ huy giao ngay cho một tên lính cái nhiệm vụ tóm cổ bác phó nháy
-Hãy tóm cổ nó cho ta và đợi chúng ta ở đây, nghe chưa! 
Người lính ấy nhảy xuống xe, thét bác phó nháy Đứng lại. Nhưng vì ngược gió bác chẳng nghe thấy gì. Khi chiếc xe nhà binh vượt xe bác, bà già làm dấu ra hiệu đe nẹt bác. Nhưng bác lại tưởng rằng bà già chào mình thế là bác mỉm cười, hươ hươ tay chào mụ. Trong lúc làm những động tác ấy, bác phó nháy không nghe thấy tiếng súng nổ ở phía sau mình. Bỗng bác nhảy chồm lên rồi ngã gục xuống chiếc xe đạp, sọ đầu vỡ tung do viên đạn súng trường bắn trúng mà bác sẽ chẳng bao giờ biết được nó từ đâu bắn tới.  
Gần trưa, người ngồi trên chiếc xe tải nhà binh bắt đầu nhìn thấy lông chim. Đó là những chiếc lông mới xổ ra, bay bay theo gió dọc hai bên đường. Lão Hà Lan nhận ra ngay những chiếc lông chim quen thuộc ấy. Người lái xe cứ việc lăn theo con đường có những chiếc lông chim mà nhấn hết ga cho xe chạy hết tốc độ. Chỉ một lát sau bọn họ nhìn thấy một chiếc xe ở tít nơi chân trời. 
Khi Uylix, qua chiếc gương nhìn sau, thấy một chiếc xe nhà binh đang đuổi theo xe mình, liền tăng hết tốc độ. Nhưng xe chết máy. Hai người đã đi thâu đêm suốt sáng và hiện đang lã đi vì mệt và khát. Đang ngủ gục trên vai Uylix, Êrênhđira choàng thức dậy đầy hoảng hốt. Cô gái thấy chiếc xe nhà binh sắp đuổi kịp họ và với sự liều lĩnh không tính toán vớ ngay khẩu súng lục. 
- Vô ích! – Uylix nói- Đó là đồ chơi của hãng Phrăngxi Đrăc sản xuất đấy. 
Cô bấm cò vài lần rồi vứt khẩu súng qua cửa xe. Chiếc xe nhà binh đuổi kịp xe họ và vượt lên phía trước, mở một vòng hẹp rồi đỗ lại ngay phía trước chận đường. 

Thời kỳ ấy tôi có biết bà cháu cô gái này. Đây là thời kỳ hành nghề phát đạt nhất của họ dẫu rằng lúc ấy tôi chưa có được nhiều tài liệu về đời sống của cô gái như nhiều năm sau này. Nhưng khi nghe bài hát do nhạc sĩ Raphaen Excalôna sáng tác nói về đoạn kết tấn bi kịch đời cô, tôi đã nghĩ ngay rằng nếu viết về cô ta thì hay tuyệt. Thời ấy tôi đang lang thang khắp tỉnh Riôacha để bán rong từ điển bách khoa và các sách nói về y học. Anvarô Xêpêda Xamuđiê, cũng đang lang thang như tôi để bán máy ướp lạnh bia, đã mời tôi lên xe anh mang tôi theo cốt để có bạn đường cho vui. Ngồi trên xe, chúng tôi nói biết bao nhiêu chuyện, toàn chuyện trời ơi đất hỡi; chúng tôi uống không biết bao nhiêu chai bia đến nỗi khi xe chúng tôi đã vượt qua được hoang mạc và đã đưa chúng tôi tới miền biên giới này từ lúc nào và từ chỗ nào chúng tôi không hay biết. Tại đây một tiệm chơi được dựng lên với bảng quảng cáo viết trên những tấm lụa: Tuyệt trần Êrênhđira!, Êrênhđira đang chờ anh! Thật vô vị cuộc đời nào chưa biết Êrênhđira! Cái hàng người vòng vèo và vô tận kia gồm đàn ông đủ hạng: lính tráng có, công chức, dân buôn có, da trắng có, da màu cũng có. Nó giống như một con rắn khổng lồ. Đó là những người đàn ông ông ngủ vật vờ trong những xóm nhà lá, trên quãng trường, giữa những buổi chợ đông đúc và ồn ào. Sau giấc ngủ tạm bợ ấy, bọn đàn ông này đổ ra các đường phố của thành phố biên giới ồn ào những lái buôn thập phương. Mỗi đường phố là một sòng bạc công khai, mỗi căn nhà lá là một quầy hàng, sau mỗi cánh cửa là nơi ẩn náu của bọn bụi đời. Âm nhạc ồn ào và tiếng rao hàng inh ỏi đã quyện vào nhau tạo thành hỗn độn đến rợn người trong không khí oi ả của hoang mạc. 

Giữa đám đông lúc nhúc những kẻ vong quốc và những tên ăn bám nổi lên hình ảnh bác Blacamăng- chịu thử nghiệm trên da thịt nó thứ thuốc giải độc do bác sáng chế ra; nổi lên hình ảnh một người phụ nữ đã biến thành gái làng chơi vì tội không nghe lời cha mẹ - Thị cứ đứng ra để cho bọn mày râu sờ mó nếu họ trả cho thị năm hào, và thị sẽ nói về nỗi bất hạnh nếu họ hỏi; nổi lên hình ảnh lão thầy bói đang rao giảng về sự xuất hiện không thể tránh khỏi của con dơi sao khổng lồ mà chỉ riêng cái hơi thở nóng bỏng mùi lưu huỳnh của nó cũng đủ làm thay đổi trật tự của thiên nhiên và làm cho bao nhiêu điều bí huyền bí của biển phải nổi lên trên mặt nước. 
Xóm thợ nhẫn nhục là nơi duy nhất vắng lặng của thành phố. Chỉ có hồi âm náo nhiệt của thành phố là vọng tới nơi đây thôi. Những người đàn bà tứ chiếng tới đây ngồi trong tiệm khiêu vũ và ngáp dài. Họ đã ngồi để ngủ trưa mà không một ma nào đánh thức họ dậy để làm tình. Không biết làm gì họ liền nghĩ tới sự xuất hiện của con dơi sao ấy dưới chiếc quạt bốn cánh hình chữ thập mắc trên trần nhà. Bỗng một người trong đám đàn bà ấy đứng đậy đi ra hàng hiên có trồng hoa bướm hướng thẳng ra đường. Hàng dãy khách hàng của Êrênhđira đang diễu qua đấy. 
- Ớ này các ông ơi! - Thị gọi- Con bé ấy có cái gì mà chúng tôi không có hả? 
- Tờ chứng chỉ của ông nghị! – Một người đàn ông trong bọn đáp. 
Bị lôi cuốn bởi tiếng cười ha hả và tiếng gào thét, những người đàn bà còn lại chạy ào ra hiên nhà. 
- Đã mấy ngày nay rồi cái hàng người này vẫn dài như thế- người đàn bà khác nói- Hãy tưởng tượng mà xem những 50 đồng pêxô một lần kia đấy! 
Người đàn bà ra đầu tiên nói với vẻ kiên quyết: 
- Vậy tôi phải đi xem xem con bé quắt queo ấy có gì nào! Của nó bằng vàng chắc! 
- Tôi cũng đi với- Người đàn bà khác nói- Thà như thế còn hơn ta cứ ngồi lì ở đây! 
Trên đường đi còn có một số đàn bà khác nhập bọn. Khi tới tiệm chơi của Êrênhđira thì đoàn người ấy đã trở thành một đám rước ồn ào như ong vỡ tổ.Không thèm báo trước, bọn họ cứ mặc nhiên vào tiệm, dùng gối đập túi bụi để đuổi người đàn ông mà họ bắt gặp giữa lúc giữa lúc gã đang tận hưởng cái khoái lạc đê mê nhờ đồng tiền đã bỏ ra mua. Cứ để nguyên Êrênhđira nằm trên giường, bọn họ xúm lại khiêng cả người lẫn giường ra đường cái: 
- Thật là quá quắt! – bà già gào lên- Đồ quỷ cái! – Sau đó mụ quay về phía bọn mày râu: - Còn các ông nữa! Mới chỉ có bọn đàn bà thôi mà các ông đã thụt dái lên tận cổ rồi, để mặc cho đám quỷ cái thả sức hành hạ con bé chân yếu tay mềm. Ôi! Các ông nhu nhược đến thế là cùng! 
Mụ cứ gào thét cho tới khi đứt hơi, cứ việc phang cây ba-toong của đức Giáo chủ vào bất kể kẻ vô phúc nào ở trong tầm tay mụ. Cơn giận của mụ thật tức cười giữa tiếng thét, tiếng huýt sáo chế giễu của đám đông dân chúng đứng xem. 
Êrênhđira xấu hổ quá không biết rúc đầu vào đâu cho khỏi dơ cái mặt bởi vì cô gái bị cái xích chó gìm chặt vào thành giường hậu. Từ khi bắt lại được cô, mụ già lấy chiếc xích chó xích cô vào đuôi giường. Bọn đàn bà không hề đánh đập cô. Để cô nằm nguyên như thế trên cái giường kiểu giường bà bá tước mà rước khắp phố phường nhộn nhịp và sau đó đặt cô nằm tênh hênh trên bục xi măng nóng bỏng ở giữa quảng trường dưới trời nắng đang trưa. Êrênhđira không khóc, nằm vặn người dấu mặt đi, lòng sôi lên nỗi đau đớn và căm hận cái xích chó- biểu tượng cho số phận tủi nhục của mình. Cô gái cứ nằm nguyên như thế cho tới khi có người vì lòng thương hại đã lấy chiếc áo sơ-mi che mặt cho cô. 
Đó là lần duy nhất tôi gặp bà cháu Êrênhđira. Nhưng tôi biết chắc chắn rằng bà cháu cô còn ở lại cái thành phố biên giới ấy cho tới khi két bạc của bà già chật ních mới thôi. Chỉ khi đó bà cháu cô gái này mới từ bỏ thành phố biên giới để đi miền duyên hải. Chưa bao giờ người ta thấy một gia đình giàu nứt đố đổ vách giữa cái vương quốc cực kỳ khốn khổ và bần hàn ấy. Đó là một hàng dài xe bò chở những đồ vật còn sót lại sau vụ cháy nhà và không chỉ có những bức tượng bán thân tạc các đức hoàng đế Xeda, những chiếc đồng hồ cổ quái mà còn có cả cây đàn pianô, một chiếc máy hát với những đĩa nhạc buồn. Một đoàn người Anhđiêng lo việc chuyên chở đồ dùng. Một ban nhạc đi theo cử nhạc chào mừng mỗi khi đoàn của mụ già tới một làng nào đó để báo tin cho dân chúng.
Mụ già ngồi trên chiếc kiệu hoa lần đếm hạt ngũ cốc đựng trong túi để tính số tiền hiện có. Thân xác mụ vốn đồ sộ là thế càng đồ sộ hơn bởi bên trong chiếc áo blu mụ mặc thêm một chiếc áo trấn thủ may bằng vải bạt. Trong chiếc áo trấn thủ này, mụ nhồi nhét vàng lá vào như thể người ta độn bông ấy. Êrênhđira ngồi bên, ăn mặc rất lộng lẫy nhưng cổ chân cô vẫn mang chiếc xích chó. 
- Giờ thì cháu hết ca thán rồi nhé! – Bà già nói với cô cháu khi bọn họ bắt đầu ra khỏi cái thành phố biên giới ấy- cháu có quần áo sang trọng của một hoàng hậu này, một chiếc giường quý phái này, một ban nhạc riêng này và cả 14 người hầu Anhđiêng nữa. Đời cháu như vậy là vương giả lắm rồi đấy, chứ còn mong gì hơn. 
- Thưa bà, vâng ạ! 
- Già như ta có phải đi hầu Chúa thì cháu không phải sống nhờ bọn mày râu nữa. Cháu đã có nhà riêng của mình ở ngay giữa thành phố tráng lệ. Lúc ấy cháu sẽ được tự do và sung sướng.  
Đó là một cái nhìn mới vào tương lai. Mụ già không đả động tới món nợ đời của cô cháu nữa. Bởi vì những tình tiết của nó đã trở nên nhàm chán lắm rồi và thời hạn phải thanh toán nó cứ ngày một tăng thêm khiến mụ lú lẫn trong khi cần phải tính toán con đường làm ăn. Mặc cho bà nói, Êrênhđira cố giữ vẻ thản nhiên, không hề thở dài não nuột để bà già khỏi nhận ra những suy tư sâu kín nhất của mình. Cô nghĩ tới cuộc đời nhục nhã của mình trên một chiếc giường lúc thì ở vùng mỏ diêm sinh lầy lội, lúc thì ở trong làng bản những bộ tộc cổ xưa, lúc thì ở bên cạnh những giếng khai thác mỏ đá tan. Cô gái miên man nghĩ trong lúc bà nội tán tỉnh về một tương lai huy hoàng của mình như thể đọc chúng qua những lá bài tây. Một buổi chiều nọ, sau một ngày vất vả trèo đèo, bỗng họ gặp cơn gió lộng- cơn gió quen thuộc đối với mụ già,- nghe thấy tiếng ồn ào nói chuyện của dân Hamaica. Trước khung cảnh tự nhiên thoáng mát đầy sức sống ấy, cả hai bà cháu đều náo nức một cảm giác sống mãnh liệt hơn. Đó chính là lúc bà cháu Êrênhđira tới miền duyên hải. 
- Cháu thấy chưa? Biển đấy!- Mụ già nói trong khi hít thở không khí trong lành và mắt nhìn ánh sáng vừa trong sáng vừa thoáng đãng của vùng Caribê mà đã một nửa đời người mụ không được hưởng- Cháu có thích không? 
- Có ạ! 
Bà cháu Êrênhđira dựng tiệm chơi ở đây. Đêm ấy mụ già ngủ yên giấc. Tuy mụ nói suốt đêm nhưng không nói mê. Thỉnh thoảng mụ có nhầm lẫn giữa những kỷ niệm xưa đầy lưu luyến với cái tương lai huy hoàng đang mở ra. Mụ dậy trưa hơn thường lệ với cảm giác dịu dàng trong tiếng gió thì thào của biển. Tuy nhiên, khi Êrênhđira tắm cho mụ, thì mụ lại tiếp tục tiên đoán tương lai cho cháu mình. 
- Cháu sẽ là một bà mệnh phụ- Mụ nói- là một phu nhân dòng dõi, sẽ được sung sướng và vẻ vang nhờ những bậc quyền cao chức trọng mến yêu cháu. Từ các hải cảng trên thế giới, các vị thuyền trưởng sẽ gửi bưu thiếp hỏi thăm cháu. 
Êrênhđira không để ý nghe lời bà. Nước ấm thơm mùi kinh giới theo máng nước bắt từ ngoài chảy vào chậu tắm để trong nhà. Cô lấy vỏ quả bí ngô làm gáo múc thứ nước này tắm cho bà mình. Một tay cô bé xoa xà phòng khắp người mụ, tay kia múc nước dội cho hết bọt xà phòng. Cô gái làm nhanh tới không kịp thở nữa. 
- Danh tiếng ngôi nhà của cháu sẽ bay từ miệng người này sang miệng người khác, lan từ quần đảo Angtidax sang tận nước Hà Lan xa xôi- Mụ già nói- Căn nhà của cháu còn quan trọng hơn cả dinh Tổng thống bởi tại đây những vấn đề của Nội các sẽ được bàn cãi và số phận của Quốc gia sẽ được định đoạt. 
Bỗng nước ấm trong máng cạn sạch. Êrênhđira bước ra ngoài nhà để xem sao thì thấy người Anhđiêng chuyên đổ nước vào máng lúc ấy đang phải chẻ củi ở trong bếp. 
- Thưa cô, đã hết nước rồi sao?- người hầu hỏi- Cô nhớ phải pha thêm nước lạnh vào nữa đấy. 
Êrênhđira vào bếp. Trên bếp lửa một chảo nước đang sôi sùng sục. Cô vớ lấy chiếc giẻ lau nhấc thử chảo nước thì thấy một mình mình cũng bưng nổi. 
- Tránh ra- cô thét người hầu- Để tôi tự rót lấy nước! 
Chờ cho người Anhđiêng ra khỏi bếp, Êrênhđira rụt bớt củi trong bếp, khệ nệ bưng chảo nước đang sôi lên ngang tầm máng nước. Cô rót nước vào máng. Giữa lúc ấy người bà trong nhà gọi to: 
- Êrênhđira! 
Như thể đang nhìn thấy bà mình, cô gái bị tiếng gọi giật của bà nội làm cho kinh hoàng, hối hận không dám thực hiện nốt âm mưu của mình. 
- Thưa bà cháu đang pha thêm nước lạnh đây ạ. Cháu vào ngay bây giờ đấy ạ! 
Đêm ấy Êrênhđira suy nghĩ mãi cho tới khuya trong lúc người bà đã ngủ ngon giấc, mình mặc chiếc áo trấn thủ nhồi đầy vàng lá. Như chú mèo ngồi trong bóng tối, Êrênhđira ngồi ờ giường mình ngắm bà già. Sau đó, cô đi nằm, người mệt lử như kẻ bị ngạt, hai tay ôm lấy ngực, đôi mắt mở to thao láo. Với toàn bộ sức sống hiện có, cô gọi thầm: 
- Uylix anh ơi! 
Uylix giật mình tỉnh dậy trong ngôi nhà ở giữa vườn cam. Anh nghe rõ mồn một tiếng gọi của Êrênhđira đến nỗi anh tưởng cô gái đang ở trong phòng mình vội đi tỉm khắp phòng. Sau một hồi suy nghĩ căng thẳng, anh đứng dậy đi thu dọn áp quần và giầy tất rồi cuộn tròn chúng thành một gói. Một lần nữa anh lại bỏ nhà ra đi. Khi qua hiên anh giật mình nghe thấy tiếng cha mình gọi: 
- Đi đâu đấy con? 
Nhìn thấy cha mình đang tắm trong ánh trăng. 
- Con đi đây cha ạ! 
- Lần này tao không cấm mày.- lão Hà Lan nói- Nhưng tao nói cho mà biết: dù mày đi tới đâu thì lời nguyền rủa của cha mày sẽ theo tới đấy, nghe chưa! 
- Dù có như vậy cũng chẳng sao hết cha ạ! 
Trước giải pháp dứt khoát của con trai, lão cảm thấy ngạc nhiên và có phần tự hào chút ít. Lão cứ nhìn theo con trai mình đang đi trong vườn cam ngập ánh trăng. Đội mắt lão dần dần nở một nụ cười. Bà vợ đứng ngay cạnh lão trong tư thái của một phụ nữ Anhđiêng tuyệt đẹp. Khi Uylix, đóng cửa vườn cam lại, lão Hà Lan nói: 
- Rồi mày sẽ bị cuộc đời dày vò và sẽ lại dẫn cái thân xác mày trở về nhà này nhanh hơn là mày tưởng. 
- Thôi đi! Ông sao mà thô bạo thế!- bà nói- Con nó sẽ không bao giờ trở về đâu! Rồi đấy ông xem! 
Lần này Uylix không cần phải hỏi đường của Êrênhđira. Anh trốn trong những chiếc xe tải gặp dọc đường để chúng đưa anh vượt qua hoang mạc từng chặng một. Anh ăn trộm để sống qua ngày. Cứ như thế anh đi cho tới khi gặp được tiệm chơi của Êrênhđira ở trong một làng bên bờ biển. Từ làng này có thể nhìn thấy những ngôi nhà cao tầng lộng lẫy của thành phố tráng lệ. Từ làng này cũng có thể nghe thấy tiếng còi tầu đêm hú để tiễn biệt thành phố cảng trong lúc nó nhổ neo đi đảo Aruba. Êrênhđira đang nằm ngủ, chân vẫn bị chiếc xích chó xích vào đuôi giường. Cô vẫn nằm với tư thế của kẻ bị ngạt thở, cái tư thế cô gọi anh đêm nọ. Không đánh thức cô gái, Uylix cứ đứng chiêm ngưỡng cô một lúc lâu. Nhưng vì anh ngắm cô, ngắm hoài và trong khi ngắm cô anh nghĩ về cô rất dữ nên Êrênhđira cũng phải thức dậy. Thế là trong bóng tối họ hôn nhau… họ tận hưởng những phút giây kì diệu của tình yêu xa nhau lâu ngày mới gặp lại.
Ở đầu bên kia, bà già đang ngủ bỗng cựa quậy trở mình và bắt đầu nói nhảm: 
- Điều đó xảy ra vào thời kỳ có chiếc tàu thủy của người Hy Lạp cập bến. - Mụ nói- Đó chính là một tai họa mà bọn lính thủy điên rồ gây ra cho chị em làng chơi. Chúng đến làm tình với người ta nhưng lại lấy con bọt biển sống thay tiền trả cho họ. Những con bọt biển này sau khi bò lồm ngồm khắp nhà chúng rên rẩm như người ốm nặng. Những con vật này sống bằng cách đe dọa trẻ em khóc để liếm nước mắt. 
Bà già cựa quậy mạnh rồi ngồi vực dậy: 
- Chính lúc ấy ông ta đến. Trời ơi!- Mụ gào- So với Amađix thì ông ta to hơn, khỏe hơn và trời ơi! Sao mà dễ thương… 
Cho tới lúc ấy Uylix vẫn không để ý tới cơn mê sảng của mụ. Nhưng khi thấy mụ ngồi vực dậy, anh định đi ẩn. Êrênhđira khuyên anh yên tâm. 
- Ngồi yên nào! Khi tới cái đoạn này thì bao giờ bà ngồi dậy nhưng vẫn không tỉnh ngủ đâu! 
Uylix lại nằm xuống gối đầu lên tay cô gái. 
- Đêm ấy ta đang cùng hát với bọn thủy thủ và ta nghĩ rằng việc ông ta đến là một sự kiện to lớn có thể so với trận động đất. - Mụ già lại tiếp tục cơn mê sảng của minh- Tất cả đều nghĩ như ta bởi bọn họ đều ù té chạy, vừa chạy vừa hát, vừa cười sằng sặc. Duy chỉ có ông ta đứng lại dưới mái hiên đài khí tượng. Ta nhớ rỡ chuyện ấy như là chuyện vừa xảy ra ngày hôm qua. Khi ta hát những bài hát mà thời ấy mọi người đều hát thì đến cả những chú vẹt nuôi trong sân nhà cũng phải cất tiếng hót theo. 
Và nhạt nhẽo làm sao bà già cất tiếng hát lại cái bài hát đắng cay của đời mình, cái bài hát được hát lại trong cơn mơ: 
Hãy trả lại em tuổi thơ ngây. 
Để hưởng cùng chàng mối tình đầu đắm say!
 
Chỉ lúc này Uylix mới thực sự cảm thấy thích thú cái nỗi buồn thương của bà già. 
- Chàng ta đứng đó với con vẹt đuôi dài đậu trên vai, với khẩu súng Etpintơn săn kẻ ăn thịt đồng loại. Ta cảm thấy hơi thở sặc mùi người chết khi chàng đứng trước mặt ta và bảo ta: “Anh đã đi khắp thế giới hàng ngàn lần, đã nhìn thấy tất cả phụ nữ của mọi dân tộc, vì thế anh có quyền để nói với em rằng: em là cô gái kiêu kỳ nhất đồng thời lại là cô gái đáng yêu nhất, em là cô gái đẹp nhất trần gian này”. 
Bà già lại nằm xuống giường rồi gục mặt vào gối khóc nức nở. Uylix và Êrênhđira ngồi lặng yên trong tranh tối tranh sáng. Tiếng thở khò khè của mụ khiến cả hai đều sợ run người. Bỗng Erênhđira hỏi anh một cách dứt khoát: 
- Anh có dám giết bà ấy không? 
Bị hỏi bất ngờ, Uylix không biết trả lời thế nào. 
- Ai mà biết được! – anh trả lời- Em có dám không? 
- Em chịu thôi vì đó là bà em! 
Thế là Uylix lại quan sát một lần nữa cái cơ thể khổng lồ đang ngủ như thể anh đang tính xem cái sức sống tiềm ấn trong đó, rồi quyết định: 
- Vì em anh có thể làm được!
Uylix mua nửa cân thuốc chuột về trộn lẫn với kem sữa và mứt cam rồi nhét vào giữa chiếc bánh ngọt thay cho nhân của nó đã bị móc đi. Sau đó anh lấy thứ kem sữa khác đặc hơn và dùng cùi dìa phết kem lên chiếc bánh, miết cho chúng đều chung quanh y như một chiếc bánh còn nguyên. Anh lấy 72 cây nến hồng cắm lên trên chiếc bánh ngọt.  
Bà già ngồi trên chiếc ghế dựa có tay ngai, tay vung vẩy cây ba-toong vẻ hăm dọa khi nhìn thấy Uylix đang khệ nệ bưng chiếc bánh chúc mừng sinh nhật bước vào nhà mình: 
- Rõ dơ cái mặt chưa!- mụ thét- Ngươi không biết xấu hổ sao? Thế mà còn dám bước chân tới nhà ta đấy! 
Lúc ấy, Uylix cố dấu con người thật của mình đi sau khuôn mặt thiên thần. Anh nói: 
- Thưa cụ! Hôm nay là sinh nhật của cụ, vì thế cháu đến để xin cụ tha tội cho ạ! 
Mụ bị Uylix lừa mà không biết, lại cứ tưởng anh thật bụng tới chúc mừng sinh nhật của mình nên ra lệnh bày bàn ăn như bày bàn tiệc. Mụ bảo Uylix ngồi xuống ngay bên trái mình và sai Êrênhđira hầu bàn. Sau khi thổi tắt 72 ngọn nến thắp trên cái bánh, mụ cắt bánh làm ba phần bằng nhau. Mụ đưa cho Uylix phần đầu tiên, nói:  
- Người biết cách làm cho người khác phải bỏ giận làm lành với mình là người đã chinh phục được nửa thiên hạ đấy. Ta dành cho cháu phần đầu tiên là phần của hạnh phúc. 
- Thưa cụ, cháu không thích của ngọt ạ! Xin cụ cứ tự nhiên cho ạ! 
Mụ cho Êrênhđira phần khác. Cô gái mang nó vào trong nhà ném vào thùng rác. 
Một mình bà già ăn tất cả phần còn lại. Mụ cứ nhét từng miếng bánh to vào miệng rồi nuốt chửng, luôn miệng suýt xoa kêu ngon và đưa mắt nhìn Uylix vẻ sung sướng thật sự. Khi phần mình đã hết sạch sành sanh, mụ ăn luôn phần mà Uylix chê. Trong lúc chép chép nhai miếng bánh cuối cùng, mụ lấy ngón tay vét nốt những vụn bánh rơi vãi trong đĩa rồi bỏ tất cả vào miệng.  
Bà già đã ăn hết một lượng bả chuột bằng cả lượng dùng để diệt một thế hệ chuột. Ấy thế mà mụ vẫn chơi pianô, vẫn hát cho tới nửa đêm, vẫn đi nghỉ bình thường và ngủ ngon lành như mọi khi. Chỉ có khác mọi khi là đêm ấy mụ thở khò khè suốt đêm.  
Từ chiếc giường của mình, Uylix và Êrênhđira theo dõi bà già, chỉ đợi mụ thở hắt ra. Nhưng không. Tiếng nói của mụ khỏe, đầy sức sống, cất lên oang oang khi mụ bắt đầu nói mê.  
- Trời ơi! Ta lại điên, ta lại điên mất! Ta đã chẹn hai thang cửa để hắn đừng vào. Thêm vào đó ta còn mang tới cửa cả một cái bàn, một chiếc máy hát. Ta còn chồng cả mấy chiếc ghế lên chiếc bàn ấy. Thế mà chỉ một cái gõ nhẹ đã làm cho tường chắn cửa xổ vỡ ra, những chiếc ghế rời khỏi mặt bàn, chiếc bàn và chiếc máy hát tự tách ra, rồi những chiếc thang chắn cửa cũng bung ra.  
Êrênhđira và Uylix cứ mỗi lúc một ngạc nhiên hơn bởi cơn mê sảng của mụ ngày càng mang vẻ bi kịch hơn, giọng nói của mụ sôi nổi tha thiết hơn: 
- Lúc ấy ta cảm thấy rằng mình sẽ chết. Người ta toát mồ hôi lạnh mà lòng thì khấn thầm: Lạy chúa! Cánh cửa hãy mở mà đừng mở; hắn hãy vào mà đừng vào; rằng hắn sẽ chẳng bao giờ đi khỏi cái nhà này và cũng chẳng bao giờ hắn trở lại ngôi nhà này để khỏi phải giết hắn!  
Trong vài giờ liền, mụ hồi tưởng lại tấn bi kịch của mình, y như thể nó đang sống lại trong giấc mơ của mụ. Trong lúc rạng sáng ít lâu, mụ trở mình rầm rầm trên giường và tiếng nói của mụ nghẹn lại trong tiếng khóc nức nở:  
- Ta tiến gần lại hắn nhưng hắn lại cười. Ta lại tiến gần thêm và hắn lại cười cho tới khi hắn phải trợn ngược mắt lên đầy sợ hãi, nói: ôi, lạy Hoàng hậu! ôi, lạy Hoàng hậu! Cái tiếng van xin ấy không phát ra từ miệng hắn mà lại phát ra từ vết dao chém nơi cổ họng.  
Kinh ngạc trước hành động tàn bạo của mụ, Uylix nắm chặt tay Êrênhđira, thét lên: 
- Mụ già sát nhân! 
Êrênhđira không thèm để ý tới tiếng thét của anh, bởi lúc này trời đã hừng đông. Đồng hồ điểm năm giờ. 
- Thôi anh đi đi! Bà già sẽ thức dậy bây giờ đấy! 
- Bà ấy khỏe hơn cả voi. Thật kỳ quái. 
Êrênhđira nhìn anh thất vọng: 
- Chỉ tại anh cả thôi. Đồ ăn hại! 
Lời mắng mỏ của cô gái vang vọng khắp căn nhà khiến Uylix càng cảm khái. Êrênhđira nhìn bà mình đang ngủ với một sự căm thù lặng lẽ, với một sự tức giận vì thất bại, trong lúc ở bên ngoài mặt trời đã ló rạng, chim chóc cất tiếng hót líu lo. Bà già mở to mắt nhìn cháu mình với một nụ cười dễ thương.  
- Lạy chúa! Chúa hãy cứu giúp cháu tôi.
Chỉ có một sự thay đổi đáng để ý là sự đảo lộn trật tự công việc trong một tuần. Hôm ấy là ngày thứ Tư nhưng bà già lại muốn diện bộ ngày Chủ nhật và bảo Êrênhđira không tiếp khách trước lúc 11 giờ để nhuộm móng tay và chải tóc theo mốt ngày hội cho mình. 
- Chưa bao giờ ta lại thèm chụp ảnh như bây giờ. 
Êrênhđira chải tóc cho bà mình. Nhưng khi cô vừa đưa lược vào gỡ tóc thì một mớ tóc bám ngay vào răng lược. Cô chìa cho mụ xem. Bà già cầm lấy xem rồi lấy ngón tay cuốn tóc lại giật thử một cái. Một mớ tóc khác nằm nguyên trong tay. Thế là lấy hai tay mụ tự dứt tóc mình, cười như nắc nẻ, rồi mụ tung những mớ tóc rụng ấy lên khoảng không với niềm vui kỳ quái. Mụ cứ tự dứt tóc mình như thế cho tới khi đầu mụ rụng hết tóc nom y hệt chiếc bình vôi. 
Hai tuần sau Êrênhđira mới lại thấy tăm hơi Uylix khi cô nghe thấy tiếng cú rúc. Lúc ấy bà già đang chơi pianô, đang đắm say trong nỗi u hoài luyến tiếc của mình đến nỗi không hay biết điều gì đang xảy ra chung quanh mình. Đầu mụ đội một bộ tóc giả lởm chởm. 
Êrênhđira vội chạy ra nơi có tiếng gọi mình thì chỉ thấy một sợi dây cháy chậm lòi ra từ hộp đàn pianô rồi cứ dài ra lẫn trong cỏ dại, và mất hút trong bóng tối. Cô gái chạy tới nơi Uylix đứng, cùng anh ẩn trong lùm cây. Cả hai nín thở nhìn ngọn lửa xanh lè phụt ra từ đầu dây cháy chậm, cái ngọn lửa ấy chạy qua khoảng không tối mù rồi chui tuột vào trong nhà. 
- Bịt tai lại!- Uylix bảo cô gái. 
Cả hai cùng bịt tai mà lẽ ra chẳng cần phải làm như thế. Căn nhà bỗng rực sáng bởi ngọn lửa phụt cháy dữ dội mà không hề có tiếng nổ, hay nói đúng hơn quả mìn ấy đã nổ trong im lặng. Rồi ngọn lửa ấy lại tắt phụt đi trong đám khói dày đặc. Khi Êrênhđira bạo phổi bước vào trong nhà thì thấy bà mình vẫn sống khỏe mạnh hơn bao giờ hết, tay đang phẩy phẩy tấm vải để dập tắt lửa. Bộ tóc giả của mụ cháy xém gần hết. Chiếc áo sơ mi của mụ rách bươm. Thế mà cô gái cứ đinh ninh rằng lần này thì bà già phải ngoẻo rồi. 
- Thật cứ y như chuyện ma quỉ ấy- Bà già nói- Không khi nào đàn pianô tự nhiên lại nổ cả. 
Bà già cố đoán xem nguyên nhân của vụ hỏa hoạn vừa rồi là do đâu nhưng vì Êrênhđira khéo phỉnh phờ và cứ thản nhiên như không, nên mụ không biết đằng nào mà lần. Bà già hoàn toàn không bắt gặp một sự thất thố nào trong cung cách đối xử của Êrênhđira và cũng không nhớ rằng Uylix đang có mặt tại vùng này. Mụ ngồi tới khuya hết đoán thế nọ lại đoán thế kia và tính đi tính lại những tài sản vừa bị thiệt hại. Mụ ngủ ít do đó trăn trở hoài trên giường. Sáng hôm sau khi Êrênhđira cởi giúp bà mình chiếc áo trấn thủ độn vàng lá thì thấy những vết bỏng trên vai và thấy ngực bà đỏ hon hỏn. “ Hèn nào mà ta ngủ không ngon- mụ nói- và ta còn nằm mơ một giấc mơ kì quái”. Mụ cố gắng tập trung tư tưởng để nhớ lại giấc mơ cho tới khi nó rõ mồn một trong trí nhớ của mình: 
- Một con công nằm trên chiếc võng trắng.- Mụ nói 
Êrênhđira ngạc nhiên nhưng ngay lập tức cô lấy lại điệu bộ thản nhiên thường ngày: 
- Đó là một điềm may bà ạ! Con công trong giấc mơ là điềm báo về cuộc đời trường thọ. 
- Lạy chúa! Chúa hãy chứng giám lời cháu nói vì một lần nữa chúng ta lại phải bắt đầu từ đầu.
Êrênhđira không cãi lại bà mình. Cô gái bước ra khỏi nhà tay cầm cuộn băng để mặc mụ già ngồi một mình trong tư thế để trần nửa người trên bôi lòng trắng trứng gà và cái đầu trọc tếu bôi loang lổ nước lá cây mù tạc. Êrênhđira đứng dưới mái lợp lá cọ dùng tạm làm bếp đang đổ thêm lòng trắng trứng gà vào cuộn băng thì nhìn thấy đôi mắt Uylix ở đằng sau bếp lò như lần nào cô đã thấy chính những đôi mắt ấy ở sau giường mình nằm. Cô không hề giật mình, chỉ nói với anh bằng cái giọng mệt mỏi:  
- Việc anh làm chẳng được cái tích sự gì, chỉ làm tôi thêm nợ. 
Đôi mắt của Uylix càng lúng túng. Anh ngồi ngắm Êrênhđira nhìn cô bửa những quả trứng gà. Cô gái giả bộ chăm chú làm việc không thèm để ý tới anh. Rõ ràng cô gái đã khinh anh ra mặt. Sau đó Uylix đảo mắt quanh bếp: những chiếc chảo móc quai vào tường, bát đĩa úp trong chạn, và một con dao bầu… Vốn làm việc lặng lẽ, Uylix bước vào lấy con dao bầu ấy.  
Êrênhđira vẫn không thèm nhìn anh. Nhưng khi thấy Uylix cầm con dao bước ra khỏi nhà bếp, cô khẽ nói cho anh biết: 
- Hãy cẩn thận kẻo bà già vừa được báo mộng. Bà mơ thấy một con công nằm trong chiếc võng trắng.  
Bà già nhìn thấy Uylix cầm con dao bầu bước vào trong nhà liền đứng bật dậy không cần phải chống chiếc ba-toong như mọi bận. Mụ giơ hai cánh tay lên: 
- Mày điên rồi sao, thằng kia!- mụ thét.  
Uylix đè lên người mụ đâm luôn cho một nhát dao bầu vào ngực. Mụ la lên thật to. Mụ lật người một cái nằm đè lên người Uylix. Với đôi tay lực lưỡng mụ định bóp cổ chàng thanh niên. 
- Đồ đểu- mụ gầm gừ như con sư tử cái- Bây giờ ta mới biết mi có bộ mặt của quỷ Satăng. 
Mụ không nói thêm được nữa. Uylix đã gỡ được cánh tay cầm dao bầu khỏi tay mụ, rồi đâm cho mụ một nhát nữa vào mạng sườn. Mụ rên rỉ yếu hơn và ôm ghì lấy kẻ thù của mình. Uylix lại đâm thêm cho mụ một nhát dao nữa. Một dòng máu phụt ra thật mạnh phun vào mặt anh. Đó là một thứ máu đặc sánh, óng ánh một màu xanh giống như thứ máu trong lông ống còn tơ.  
Êrênhđira tay cầm cuộn băng đứng ở cửa ra vào, theo dõi cuộc ẩu đã giữa hai người mà lòng rộn lên niềm thích thú- cái thích thú đầy tội ác. 
Mụ già cứ ôm ghì lấy Uylix, đau đớn và tức giận, cứ gầm gừ như con sư tử cái. Mụ vạm vỡ như một tảng đá nguyên khối. Máu xanh đầm đìa khắp người mụ, từ tứ chi cho tới cả cái đầu trọc tếu của mụ. Tiếng thở khò khè của mụ vang khắp nhà. Lại một lần nữa, Uylix gỡ được cánh tay cầm dao bầu ra khỏi tay mụ, rạch một đường rõ dài trên bụng mụ. Máu ộc ra phun khắp người Uylix. Thế mà mụ vẫn cố gượng dậy. Nhưng lúc này mụ đã kiệt sức ngã vật ra sàn nhà. Uylix hoàn toàn thoát khỏi đôi tay lực lưỡng của mụ tha hồ băm vằm mụ.  
Lúc này, Êrênhđira đặt cuộn băng xuống bàn, cúi nhìn mụ già. Mày cô chau lại. Khi chắc chắn rằng mụ già đã tắt thở, gương mặt cô bỗng trở thành gương mặt của người đứng tuổi đầy ưu tư, mặc dù cô chưa đầy 20 tuổi- những năm tháng cay đắng và bất hạnh. Thận trọng và nhanh nhẹn, Êrênhđira cúi xuống nhặt chiếc áo trấn thủ may bằng vải bạt nhồi toàn vàng lá rồi bước ra khỏi nhà.  
Sau trận ẩu đả, Uylix mệt rũ ngồi bên cạnh cái thây ma. Càng muốn lau sạch mặt bao nhiêu thì mặt anh lại càng xanh lè cái thứ máu ấy như thể nó đang rỏ ra từ năm đầu ngón tay anh và vì vậy anh càng lau thì mặt anh càng xanh lè. Khi thấy Êrênhđira mang chiếc áo trấn thủ nhồi toàn vàng lá đi ra, chỉ lúc ấy Uylix mới nhận ra cái tình cảnh trớ trêu của mình.  
Anh gọi to mà mà không thấy cô gái trả lời. Anh bò lết ra tới cửa thấy Êrênhđira đang chạy như bay dọc theo bờ biển để lại sau lưng mình thành phố tráng lệ này. Anh lấy hết sức bình sinh đuổi theo cô gái, vừa chạy theo vừa gọi tên cô một cách thảm thiết. Tiếng gọi của anh lúc này không còn là tiếng gọi của người tình mà là tiếng gọi của đứa trẻ thơ gọi mẹ. Nhưng anh đã kiệt sức- cái sức trẻ trung tráng kiện anh đã dùng nó vào việc tiêu diệt mụ già gian ác. Những người Anhđiêng giúp việc đã đuổi kịp anh, thấy anh nằm sấp đang khóc lóc thảm thiết.  
Êrênhđira không nghe thấy tiếng anh khóc. Chạy ngược gió mà cô chạy nhanh hơn cả hươu nai và không một tiếng gọi nào của thế gian này có thể ghìm chân cô lại. Cô cắm đầu cúi cổ chạy trong không khí ngột ngạt của vùng mỏ diêm sinh, chạy bên miệng những chiếc giếng khai thác đá tan, chạy qua những làng bản thưa thớt người của người Anhđiêng. Cô cứ chạy như thế cho tới khi vượt ra ngoài bầu không khí oi nóng, ngột ngạt của miền hoang mạc. Nhưng rồi cô cũng chưa dừng lại ở đấy. Cô vẫn mang chiếc áo độn toàn vàng lá chạy vào sâu hơn nữa trong lòng hoang mạc nơi còn xa hơn cả nơi những cơn gió nóng hầm hập và những buổi chiều buồn dài lê thê tưởng như không bao giờ chấm dứt. Từ đó chẳng bao giờ người ta nhận được thêm tin tức mới về cô gái và cũng chẳng được biết thêm những tình tiết bí mật của cái cuộc đời bất hạnh ấy.

NGUYỄN TRUNG ĐỨC dịch


Xem Tiếp: ----