Lướt nhẹ những ngón tay lên xuống trên gương mặt của Đạt, bạn thân tôi, đang nằm đó bất động, gương mặt đã được đánh một lớp phấn dầy che lấp đi màu đen thâm trên mặt cũng như cùng khắp thân thể vì sau những lần của hóa học trị liệu, màu của phấn hồng cũng che lấp đi những dấu thâm của quầng mắt, dấu vết của những ngày chịu đựng vật vã của những cơn đau hành hạ, đã nhanh chóng biến anh từ một người năng động, đầy tánh hài hước, luôn với những lời nói bóng gió, xỏ xiên duyên dáng mang đến những tiếng cười trong những lần họp bạn...để bây giờ trở thành một thân xác không có phản ứng nằm đó trước mặt tôi. Không biết từ khi nào tôi đã có thói quen lướt những ngón tay trên mặt xác người chết trong những lần có mặt để như tiển đưa những người bạn thân thiết của tôi về một thế giới đằng sau của cuộc đời nầy. 
 
Có lẻ sau cái chết của Diễm, em gái tôi  sáu  năm trước.
 
°
Được tin Diễm trở bịnh sau lần giải phẩu ung thư mấy tháng trước đây, tôi biết chắc là ngày của Diễm, em gái tôi không còn nhiều và nhất là câu nói.
 
“ Em chờ anh tư về rồi em mới chết được... “
 
Câu nói như xé nát lòng tôi, như  ray rức trong tận cùng của trái tim, như thôi thúc một cách mảnh liệt về để gặp lại em tôi.Vào sỡ để xin phép nghĩ bốn tuần, không được chấp thuận vì ngày nghĩ quá dài khi nhu cầu công việc đòi hỏi càng nhiều, không tìm được người thay thế. Tôi liên lạc với công ty tôi làm trước đây, họ cũng đang tìm người kinh nghiệm, biết việc như tôi, điều kiện là sau một tháng mới nhận việc và được chấp nhận. Vợ chồng tôi liền bay về Việt Nam.
 
Ôm khuôn mặt của em  trong hai bàn tay tôi khe khẻ nói:
 
-  Anh tư đã về với em đây, Anh tư đã về rồi...
 
Không còn là gương mặt của Diễm, không phải là gương  mặt của em tôi ngày nào mà chỉ là một gương mặt trắng nhạt xanh xao, không còn có chút màu hồng của sự sống, mắt nhằm nghiền trong cơn mê vì những liều morphine liên tiếp chích vào thân thể, đầu đã được cạo trọc và ngay trên đầu cục bướu mọc thêm, bướu đã lên đến nảo bộ, thân thể khẳng khiu như chỉ còn lại xương với da... Nhìn em tôi trong tiếng rên khe khẻ, trong nét nhăn đau đớn như đang chịu đựng những cơn đau liên tiếp, liên hồi. Tôi bật khóc, điều mà ít khi xảy ra trong cuộc đời của tôi.
 
-  Anh tư! anh về rồi hả? Em biết anh sẽ về mà...
 
-  Ừ... Anh tư đã về rồi... Em thấy trong mình như thế nào?
 
-  Có Anh tư về thăm em, em vui lắm, em vui lắm...Anh tư có mệt không?
 
- ... Không, anh  không mệt...
 
- ... Anh tư  à, anh có nhớ nhà mình hồi ở Lê Quang Liêm không?
 
Vừa nói vừa nắm chặt lấy cánh tay của tôi, câu hỏi đột nhiên nầy làm cho tôi chút sững sờ, ngạc nhiên rồi những hình ảnh ngày xưa bổng trở về tràn ngập tâm tưởng tôi, những ngày sống tại Sài Gòn, tại bến Lê Quang Liêm, Quân 6 trong một xóm lao động ồn ào, hổn độn... Hứa chở em đi Sở Thú vì tháng đó em được hạng nhất trong lớp, đèo em trên chiếc xe đạp củ kỹ, tôi chở em từ Chợ Lớn xuyên qua trung tâm thành phố đến Thảo Cầm Viên, nắm chặt cánh tay tôi, không rời  em huyên thuyên cười nói, hỏi không biết bao nhiêu điều, liếng thoắng nhìn quanh trong niềm vui lộ rỏ trên đôi mắt, trong nụ cười, lần đầu tiên em được biết nơi mà trong tuổi thơ ai cũng đã đến chơi bao lần...Cũng chiếc xe đạp nầy có lần chở em  đi học, bất cẩn gót chân em chạm vào những cây căm của bánh xe làm gót chân em tôi bị bóc đi một mãng da lớn, màu của máu như tươm tươm trên lớp thịt trắng toát.
 
Tôi hỏi em:
 
-  Đau không em? Sao em không nói  ?
 
-  Không sao, em sợ anh tư rầy em.
 
Ôm em tôi trong cánh tay, tôi khẻ nói:
 
-  Anh xin lổi...
 
Nói tiếng xin lổi khi lòng đau như cắt như thấy thương em tôi vô cùng... rồi  nhìn dáng em khập khiển đi vào trường học mà tôi như rưng rưng  ... Và bây giờ tôi đang khóc, tiếng khóc và những giọt nước mắt như đã bị dồn nén bao nhiêu năm giờ được thỏa thê tuôn tràn, những giọt nước mắt ấy lả chã rơi trên tay của em tôi, bàn tay vẫn còn đó, đang nắm chặt lấy cánh tay của anh mình, người anh uy quyền mà em luôn kính sợ, người anh cứng rắn như cây cổ thụ lúc nào cũng như che chở, bảo vệ các em mình, người anh nghiêm khắc, độc đoán của em đang khóc đây...Em lại trở về với giấc ngủ mê, không biết em tôi có nhìn thấy người anh uy quyền, cứng rắn trong tuổi thơ của em đang khóc hay không?
 
  Trong khoảng thời gian của hun hút, mịt mù... xa xôi, của gần ba mươi năm anh em tôi  sống gần nhau chỉ có thể đếm được bằng ngày trong một bàn tay qua những lần về lại thăm quê, thăm má và các em tôi có chăng chỉ là những hình ảnh của thưở xa xưa, những hình ảnh ẩn hiện trong ký ức của những tháng ngày lận đận, những tháng ngày thiếu thốn lẩn với những lo âu.
Im lặng nhìn em tôi trong tiếng thở mệt nhọc, lướt những ngón tay lên xuống trên gương mặt xương xẩu của em mà hình dung gương mặt má mỉm bầu duyên dáng, đôi mắt đen láy hồn nhiên ngày nào mỗi lần nhìn anh mình như vừa sợ sệt vừa trộn lẩn yêu thương, hình ảnh  của  ngày xưa  .
 
 -  Anh tư! hát thánh ca cho em nghe đi anh tư.
 
Ừ... Tôi bắt đầu hát những bài ca thánh, lời của những bài hát như đưa dẩn những linh hồn về một miền miên viễn, một nơi đầy bình an trong phước hạnh.
 
“  Miền vinh hiển kia rạng soi hơn ô vàng, nhờ lòng tin ta trông thấy cảnh hiển vinh,
vì Cha ở  bên kìa mong ta trọn đàng, Ngài đang sắm cho phần ta nơi đẹp xinh.
 Bên bờ đẹp nơi chúng ta mong gặp nhau “.
 
Mọi lo âu khó khăn không còn và bao tăm tối tan đi, sầu đau kinh khiếp biến tan rồi.
Ngày vinh quang rất diệu kỳ...”
 
Mỹ Láng, vợ tôi cũng vừa thức giấc sau giấc ngũ mệt nhọc lại cùng tôi hát những bài thánh ca quen thuộc, lời hát như vang vang trong đêm khuya tỉnh mịch, tịch liêu như đêm nay, không biết lời hát nầy có vang vọng  đến đươc với ai đó đang trong khó ngũ, trong lo âu, trong lo sợ về ngày cuối cùng của cuộc sống nầy không?
 
Anh tư!... em mơ thấy một vùng trời xanh lơ... thật là đẹp đẽ vô cùng... có cái thang thật dài... đi thẳng lên cao... có rất nhiều người như cố níu kéo em lại nhưng em vượt qua họ và... em cứ lên cao... lên cao...
 
Những tiếng thở của em tôi sao như càng lúc càng ngắn dần đi, lịm dần, lim dần và em tôi đã trút hơi thở sau cùng trong khi gương mặt như không có chút gì của đau đớn, sợ hải mà với nét mỉm cười  thật rạng rở, thật bình an.
 
Hay là em đang hướng linh hồn mình lên một nơi hạnh phước, nơi không còn khổ đau, muộn phiền, nơi không còn những phiền lụy của cuộc đời, nơi của hạnh phúc thật mà được gọi là thiên đàng?
 
°
 
Phải chi Đạt bạn tôi chịu khám bệnh sớm hơn, không chần chừ, né tránh những lần khám bịnh, không để bệnh trạng phát tác qua thời kỳ sau cuối và với những tiến bộ của y học ngày nay thì đã không có chuyện  hôm nay. Phải chi Diễm em tôi khi cãm thấy những đau nhức trong thân thể mình sớm khám bịnh để biết bệnh trạng trầm trọng mà lo chửa trị không cứ chịu đựng những cơn đau âm ỉ trong thân thể mình thì làm gì có chuyện chia xa đau xót?
Phải chi! Có bao nhiêu lần trong cuộc đời mình đã nói tiếng phải chi trong chua xót, ngậm ngùi!
 
Vẫn với những ngón tay lướt nhẹ trên gương mặt của bạn, tôi  khẻ nói với Đạt hay như đang nói với chính tôi.
 
“ Rồi tao cũng sẽ giống như mầy ”
 
Câu nói đó cũng giống như tôi đã nói với em tôi.
 
“  Rồi anh cũng sẽ theo em  ”
 
 
 
 
Lãng Lãng

Xem Tiếp: ----