Cuộc họp liên ngành kết thúc sớm. Chạy xe ra khỏi bãi, thấy Bích đứng trên vỉa hè, Thiện dừng xe lại:
- Đức chưa đến đón hả?
- Đâu biết về sớm vậy. Anh có đem theo điện thoại đó không?
- Khỏi gọi, lên xe anh chở về luôn.
- Anh không đi đón Mỹ sao?
- Mỹ đi công tác, tuần sau mới về. Cu Tín ở nhà trẻ. Mấy ngày ay, trưa nào anh cũng lang thang bụi bờ.
- Vậy trưa nay về nhà em đi.
Xe chạy qua chợ. Bích đập vai Thiện:
- Ngừng lại, đợi em tí xíu. Em mua gì về nấu cho vui.
- Thôi, có gì ăn nấy đi Bích. Đừng bày vẽ...
Bích cắt ngang:
- Bày vẽ gì đâu. Phải cám ơn anh thì có. Ngày thường tụi em cũng dã chiến lắm. Có anh, nấu nướng đàng hòang, chắc em được anh Đức khen.
Tiếng Bích cười khúc khích sau lưng. Thiện qụeo vô ngõ chợ, thấy vui vui. Hồi mới cưới, vợ chồng anh và vợ chồng Bích cứ cuối tuần là rủ nhau nấu nướng.
Dừng xe ở góc đường chờ Bích, nhìn quanh, thấy nhiều người đàn ông giống mình, Thiện chợt cười khẽ, như là mình đang đợi vợ đi chợ... Bích mà biết ý nghĩ này, sẽ cười vào mũi.
Bích trở ra với con gà luộc sẵn ở trong túi nylon, cái mỏ nhọn xỉa một lỗ thủng, mấy cái túi khác đựng rau và đủ thứ lỉnh kỉnh. Vành mũ che mát nữa trên mặt Bích, từ sống mũi xuống chỗ nắng, cộng thêm mặt Bích nhăn nhăn, rất buồn cười:
- Đi chợ buổi trưa khó có đồ ngon.
- Sao nói nấu nướng đàng hòang mà mua đồ luộc sẵn?
Tiếng cười tinh nghịch rộ lên sau gáy Thiện:
- Để chữa cháy, nếu chẳng may món nộm cải ngồng bị hư. Cô bạn đi công tác về, khoe được ăn món nộm cải ngồng ngon lắm. Em chỉ nghe miêu tả thôi, hôm nay mới thực hành.
Thiện cười:
- Anh tin là số anh hên.
- Em hy vọng vậy. Nhưng cứ có sẵn con gà cho chắc ăn.
Nhà Bích ở cuối con đường không xa phố lắm. Buổi trưa hoàn toàn yên tĩnh. Bích mở khóa cổng và chỉ tay về gốc bơ ở góc sân rộng:
- Anh dựng xe đằng kia cho mát. Bọn em định trồng hoa hoài mà vận chưa trồng đựơc, nhìn trống hoác như nhà hoang.
- Để đó, bữa nào anh bàn với Đức mở quán cà-phê.
- Chà, lạy trời...Quán có ế, rút đi nơi khác, để lại những chậu kiểng cho em nghe.
Thiện bật cười. Bích mở khóa cửa và đi thẳng xuống bếp, nói vọng lại:
- Tự nhiên nghe anh Thiện. Anh đọc báo hay nghe nhạc tùy ý. Có bia trong tủ lạnh, nhưng đừng uống bây giờ, tí ăn mất ngon.
Điện thoại reo vang. Đức gọi. Thiện nghe tiếng Bích la lên: “Thôi, hẹn hò lúc khác đi. Trưa nay có anh Thiện ăn cơm với mình. Đang ngồi đợi anh nè. Em đang nấu... trời ơi... cháy...”.
Thiện hình dung khuôn mặt Bích láu lỉnh như đang có món gì trên bếp bốc mùi khét. Rồi Bích nhô đầu ra, đúng vẻ láu lỉnh như Thiện hình dung:
- Ngày nào cũng tiếp khách, ngày nào cũng nhậu, làm như không nhậu thì không xong việc vậy.
- Bây giờ ai cũng vậy mà em.
- Lại bênh nhau. Đàn ông các anh...
Bích xuống bếp lại. Thiện với tay lấy tờ báo và mở nhạc. Cái đĩa sẵn trong máy vang lên khúc Serenade quen thuộc. Thời sinh viên, có cái máy cassette nhỏ xíu, sinh nhật Thiện, Bích mua tặng băng nhạc có bài này rồi... mượn lại, mượn luôn cả cái máy.
Đọc được phần ba tờ báo thì tiếng chặt thịc lốp cốp, mùi thơm bay lên.
Rồi giọng Bích:
- Trời ơi, giờ này mà anh Đức vẫn chưa chịu về sao?
Vừa dứt câu càu nhàu thì tiếng xe dừng trứơc cổng, tiếng chốt lách cách, rồi Đức xuất hiện, mặt đỏ gay:
- Đợi lâu quá hả? Phải uống mấy ly tụi nó mới cho về. Khổ quá cái chuyện khách khứa này.
Thiện cười. Có vẻ như Đức phân trần với vợ thì đúng hơn. Bích đi lên, hai tay hai dĩa đầy ụ:
- Mình ăn trên này cho thóang, nhà bếp bừa bộn lắm.
Đức nhìn hai đĩa vừa đặt xuống bàn:
- Tiệc tùng hòai, về nhà chỉ thèm canh rau.
Bích lườm:
- Cái anh này. Chỉ nghĩ tới bản thân mình thôi sao?
- Đó là anh nói thật lòng vậy.
Bích lườm thêm cái nữa:
- Thật cái kiểu kỳ cục của anh.
Đức cười xòa, cúi xuống đĩa nộm:
- Món gì lạ vậy em?
- Món học được đó. Anh với anh Thiện thử đi. Ngon không?
- Tay em đụng vào thì chai nước khóang cũng ngon.
Tiếng cười vang.
Thiện và Bích chơi với nhau từ hồi còn đi học. Ai cũng tưởng hai người sẽ đi đến một đám cưới tưng bừng sau khi tốt nghiệp, nhưng không. Bích kể Thiện nghe những gì mà những người thân thiết có thể chia sẻ với nhau. Còn Thiện, dù không kể lể dông dài như Bích, nhưng rồi những gì của Thiện, Bích cũng biết.
Ngày Bích làm luận án tốt nghiệp, thời máy vi tính còn hiếm hoi, Thiện thức trắng hai đêm trên ámy vi tính của người bạn để gõ cho kịp xấp luận án dày cộp. Sáng ra, Bích đạp xe ba cây số để mua cho Thiện ổ bánh mì, ở nơi mà Thiện có lần nhận xét “ngon hơn bất cứ nơi nào”.
Vậy mà hai đứa chưa bao giờ đỏ mặt khi nhìn nhau, chưa bao giờ bối rối khi có ai tò mò hỏi. Hồi đó, hai đứa chỉ xưng tên, khi nổi giận thì “ông ông, tui tui” và “bà bà, tui tui”. Đến khi lập gia đình, họ chuyển qua “anh, em” rất tự nhiên.
Hồi đó, Thiện hay qua phòng tập thể cơ quan Bích chơi và Đức là người bạn Thiện rủ theo. Có lần, Mỹ nói: “Cứ tưởng anh qua chơi là có tình ý với Bích”.
...Mà sao không là vậy? Gần ngày cười Bích, anh chợt tự hỏi. Như thế là đến lúc này anh mới nhận ra Bích là một phần của mình! Quá thân thiết nên anh đã không nhận ra... Anh có Bích bên cạnh, từ thuở đi học. Có Bích trong cuộc vui bạn bè. Có Bích làm hòa những khi anh và Mỹ giận nhau... Tất cả những điều ấy thản nhiên đến nỗi anh không nghĩ ngợi về nó. Cho đến khi Đức nói: “Tao và Bích sắp lấy nhau”, anh thốt ngạc nhiên...Dường như là vô lý!
Thỉnh thỏang, tình cờ cùng ghé nhà trẻ đón con, anh và Bích cho hai đứa nhỏ đi ăn kem. Bên cạnh cu Tín con anh và bé Su con Bích đang líu lo, anh ngồi đối diện Bích, thấy nỗi xúc động dịu dàng.
Anh nhận ra ý nghĩ thấp thóang hối tiếc trong mình. Và anh cố dập tắt nó đi. Một điều lạ là trong anh không hề có ý muốn chiếm hữu. Anh nhìn bàn tay Bích bày cho hai đứa nhỏ cách xắn viên kem, thấy lòng nhẹ nhàng.
Cũng như khi Bích nói chuyện, anh nhìn đôi môi tươi tắn, lòng không gợn. Cũng như khi họp hành gặp nhau, giờ giải lao, vừa uống nước vừa tranh luận, anh thấy Bích thật bướng và muốn cốc một cái lên mái tóc. Vậy thôi...
Chỉ cần nhìn thấy Bích, biết Bích đang sống vui...Hoặc lâu không gặp, anh gọi điện thoại và giọng cười trong trẻo vang lên là anh yên lòng. Chỉ vậy thôi.
Bữa cơm chiều. Mỹ nói:
- Chiều nay em đón cu Tín, gặp Bích. Mẹ nuôi con giỏi quá nên bé Su mập mạp, tròn quay.
- Ừa, Bích khéo nấu nướng ép người khác ăn lắm.
Một lần khác, Mỹ nói:
- Gặp anh Đức đón bé Su. Con nhỏ nhõng nhẽo với ba hơn má. Nhìn nó tùm túm ba nó, ai cũng cười.
Anh nhìn cu Tín, nghĩ bâng quơ: “Nếu là mình thì bé Su có nhõng nhẽo với mình không?”. Rồi ngay lập tức, anh gạt ý nghĩ đó. Mỹ là người vợ hiền thục, dù cũng có khiếm khuyết như bất kỳ ai.
Có lần, anh cũng lẻo mép với Bích khi Bích than thở: “Anh là bạn, anh phải nói giúp em. Anh Đức cứ uống tiếp khách hòai, rồi mai mốt ghiền luôn thì sao? Em nói, ảnh cứ than đàn bà nhiều chuyện”.
- Là bạn bè, em cũng nói dùm anh. Cứ mỗi lần anh nói thèm canh chua là Mỹ đổ vô nồi một ký lô me với khế. Mỗi lần anh đứt hột nút áo là Mỹ mua nguyên cái áo mới.
Bích hắng giọng:
- Được ăn, đựơc mặc, nhất rồi còn gì.
Anh độp lại:
- Vậy chồng đi nhậu, không tốn tiền nhà, còn than thở nỗi gì?
Cả hai cùng cười.
Kỳ lạ là khi nói với Bích về những vụng về của Mỹ, anh không cảm thấy mình nói xấu vợ! Cảm giác dễ chịu như đựơc chia sẻ...Và nói xong rồi thì anh nhìn những vụng về của vợ với ánh mắt nhẹ nhàng hơn!
Nhẹ nhàng nhất là những cú điện thoại không liên quan tới Mỹ, tới Đức, tới bé Su, tới cu Tín. Không cả Bích và không cả anh! Sau một chuỗi dài những ngày bận bịu, trong tâm trạng trống rỗng thanh thản của một người đã hoàn thành công việc và muốn trò chuyện gẫu với ai đó như một cuộc thư giãn, anh nhấc điện thọai.
Giọng Bích vang lên:
- Anh không ngủ à?
Anh giật mình nhìn đồng hồ. Một giờ sáng!
- Xin lỗi, anh vô ý...Nhưng em còn thức sao?
Tiếng Bích cừơi khẽ:
- Thức khuya không là độc quyền của ai cả.
Anh đợi Bích hỏi: “Có chuyện gì không” để anh phân trần và cũng là để kể Bích nghe về phần việc anh vừa hoàn thành, nhưng Bích không hỏi gì cả. Sự yên tĩnh giữa đường dây thật an nhiên như thuở sinh viên hai người im lặng ngồi quán cà-phê, nghe khúc Serenade. Anh nhớ hồi đó, mỗi lần anh gọi cà-phê đá là Bích ngâm nga: “Gọi cà-phê đen ví không có tiền mua cà-phê đá”.
- Anh nhớ hồi đó tụi mình hay đọc thơ của Nguyễn Tất Nhiên không?
Câu hỏi như chìa khóa mở tung lòng anh. Nguyễn Tất Nhiên, đúng vậy. Sinh viên ai cũng thuộc lòng những bài thơi đầy tâm trạng đó.
Anh thổi vào ống nghe:
- Mường Mán nữa.Chân nhớ ai mà chân bối rối
Ai nhớ ai lồng lộng đôi ta
Đường về nhà qua mấy ngõ hoa...- Cơ quan em có cậu làm thơ hay lắm.
- Hay làm thơ mà thơ có hay không?
- Em đọc anh nghe nghe.Đêm dịu dàng
đằm thắm tuổi hai lăm
anh hát đấy
sao bay ngà ngọc
ru mùa thu trên võng trăng nằm...Anh có đang nghe không?
- Có. Em đọc tiếp đi.
- Quên mất đoạn sau rồi.
- Cậu ta làm gì?
- Phó phòng kinh doanh.
- A...
- Anh nghĩ gì?
- Nghe em gọi là cậu ta, anh tưởng...
- Anh tưởng gì?
- Người còn trẻ vậy...
Giọng Bích cừơi:
- Lại áp đặt nữa rồi. Người ta bây giờ văn võ song tòan. Không phải như mình, lấy lý do bận kiếm sống mà đầu óc bận bịu không còn chỗ cho bất cứ điều gì khác...
- Em làm anh tự ái nghe Bích.
Đặt máy xuống, anh nhận ra mình đã không nói gì như đã định. Nhưng thật dễ chịu.
Mỹ kể, gặp trứơc nhà trẻ, Đức nói Bích đang nằm bệnh viện, chuẩn bị mổ. Anh giật mình. Lâu lắm rồi, công việc ôm đồm, anh bận bịu quá. “Chiều nay đón cu Tín về, cả nhà mình đi thăm Bích nghe anh”, Mỹ nói. Anh “Ừ” khẽ trong cổ.
Bích trong tư thế nửa nằm nửa ngồi, khuôn mặt mệt mỏi giữa gối mền trắng tóat. Nụ cười chào nhợt nhạt khiến anh đau lòng. Và anh nhận ra, rất rõ ràng, mình muốn ở vị trí của Đức, ngồi sát cạnh và xoa bóp nhẹ bàn tay bàn chân bị tê cứng vì không hoạt động. Anh ghìm người lại.
Đưa Mỹ và cu Tín về, anh bồn chồn quay vào bệnh viện lại. Ban nãy, Đức cầm tờ giấy bác sĩ yêu cầu Đức ký đồng ý mổ. Dù biết chỉ là thủ tục hành chính, nhưng sao vẫn không yên. Muốn làm một điều gì đó cho Bích! Biết Đức sẽ thắc mắc, nhưng không làm sao cưỡng lại ý muốn điên rồ này. Mình sẽ đứng bên ngòai, nhìn vào một chút thôi...
Anh không biết là mình đang mâu thuẫn ghê gớm. Muốn làm một điều gì đó cho Bích, nhưng rồi lại là chỉ cần nhìn Bích một chút thôi!... Lỡ ra... nàng đi xa mãi mãi mà anh không kịp...
Bích nói khe khẽ, ánh hồng ưng ửng trên đôi má xanh xao:
- Em biết thế nào anh cũng quay lại.
Anh lặng người. Như tên trộm bị bắt quả tang, anh ngồi xuống mép giường, lặng lẽ cầm tay Bích, không nói một lời. Nói gì lúc này cũng muộn rồi.
Bích nhè nhẹ rút tay lại:
- Anh Đức vừa ra căng-tin.
Anh đứng lên. Đức xách cái phích từ ngoài đi vào:
- Để quên cái gì hả?
-... Ờ, cái chìa khóa.
- Tìm thấy chưa?
-... Chưa. Chắc mình làm rơi ở đâu rồi...
Giọng Bích dịu dàng nhưng thật cương quyết:
- Từ đâu đến đây thì anh hãy quay về nơi đó, chắc sẽ tìm ra.
Anh nhìn Bích. Nàng không nhìn anh. Anh rời bệnh viện như người mộng du. Hành lang bệnh viện giống hành lang trường đại học thuở đó. Thuở ngu ngốc, vô tâm, anh đã đánh rơi cái chìa khóa đời mình mất rồi.

Xem Tiếp: ----