Tư sinh vào năm con chuột nên cha mẹ đặt tên Tý. Thân mình ốm và đen, chân đi khập khiễng, lưng hơi khòm, mặt dài và nhọn, mấy chiếc răng cửa vểu ra ngoài với hai chòm râu bên mép trông giống như con chuột biết đi hai chân. Đã vậy, không biết kiếp trước có liên hệ gì với loài động vật nầy hay không mà Tư lại chọn nghề buôn chuột đồng…để suốt đời bị mang tên ‘thằng Chuột’! Nhưng Chuột sung sướng chấp nhận danh gọi nầy, cứ mỗi lần nghe ai nhắc nghề nghiệp, Tư thường tự hào về đặc sản chuột đồng do nó thu mua từ tỉnh đem về bỏ mối cho các quán nhậu ở Sàigòn.
Sinh ra và lớn lên tại xóm lao động trong khu vực Cầu Muối, Tư Chuột theo học chữ vài ba năm vừa đủ làm bài tính cộng, trừ đơn giản và đọc lõm bõm được trang báo lá cải thì bỏ trường đi bụi đời. Cha làm nghề đạp xe xích-lô, mẹ đứng giao hàng sỉ rau cải trong chợ. Ông Bảy muốn Tư lớn lên chạy xe xích-lô máy nhưng mẹ nó thì ngược lại, bà khuyên Chuột cố gắng trở thành người xếp chợ thu tiền chỗ, công việc nhẹ nhàng mà có thể kiếm thêm lợi nhuận do bạn hàng hối lộ. Từ lúc bỏ học, Tư Chuột theo nhóm anh chị của khu vực Cầu Muối, nhờ có ít chữ trong đầu, biết qua vài bài tính nên được đàn anh phân công tác nhàn rỗi hơn những người khác. Công việc nhẹ nhàng như tính toán, xếp đặt công việc hằng ngày cho thuộc hạ trong nhóm theo lệnh của đại ca. Nhưng xui cho Chuột, một ngày kia gặp cảnh ‘trâu cột ghét trâu ăn’, Tư bị đuổi khỏi chức vụ ‘ngồi mát ăn bát vàng’, trở thành phu khuân vác sau khi lãnh một trận đòn hội chợ. Bị oan ức nhưng không thể giải thích khi Tư Chuột bị tố cáo ăn xén một số tiền của băng đảng. Nghe lời của một đàn em, đại ca bắt quả tang đúng số tiền thất thoát do ai đó đã nhét vào túi quần Tư. Chuột bỏ băng đảng về tỉnh sống với ông bà ngoại và đổi nghề bằng cách thu mua chuột đồng đem lên Sàigòn bỏ mối. Sau đó trở lại thủ đô, Tư chọn nghề nầy làm kế sinh nhai. Một công việc nhàn hạ và kiếm được khá tiền. Chỉ cần mỗi sáng chịu khó thức dậy sớm, Tư theo xe đò xuống tỉnh nhận hàng, chiều lại quay trở lại bỏ mối. Ông bà ngoại thu mua chuột và đóng sẵn vào hai thùng lớn bằng giây kẽm, mỗi thùng có lúc lên đến năm bảy chục con, Tư chỉ việc đưa lên Chợ Lớn cân ký giao cho các quán nhậu là xong việc trong ngày.
Bản tính hiền lành, chăm chỉ làm việc nhưng có thói quen, cứ đến chiều tối Tư Chuột thường ngồi đầu đường góc hẻm nhậu rượu trắng pha cồn cho đến khuya với đám bạn cùng xóm. Làm nghề thu mua chuột đồng từ dưới quê nhưng Tư chưa bao giờ thưởng thức loại đặc sản nầy. Múi me, trái cóc đến miếng cá khô đều có thể làm mồi cho vài ba chum đế. Đến lúc men rượu lộ ra mặt, tai ù, hoa mắt và đầu không còn kiểm soát được miệng lưỡi thì Chuột biết dừng lại kịp thời và lẳng lặng về ngủ để sáng hôm sau tiếp tục xuống Long An, Mỹ Tho nhận hàng về như thường lệ. Nghề buôn chuột đồng nghe không được êm tai nhưng đã đem lại một nguồn lợi đáng kể. Đến vụ mùa, chuột đồng ăn lúa, con nào cũng mập ú, lông vàng óng ả, cân nặng ít ra cũng gần nửa ký. Mỗi chuyến giao hàng sau khi trừ các khoảng phí tổn Tư cũng kiếm được bạc ngàn. Cuộc đời Tư thật sự lên hương là nhờ chuột, nhưng sau đó, phong trào nuôi mèo của nông dân và chiến dịch rải thuốc diệt chuột đã gây trở ngại trầm trọng đến nghề nghiệp của Tư!
Trong thời gian giao hàng cho các quán nhậu ở Chợ Lớn, Tư phải lòng Mão, một nữ nhân viên hãng bia 33, nhưng không phải nhà máy sản xuất bia mà là một xưởng nhỏ súc vỏ chai do một ông ba Tàu làm chủ. Ở đây chủ thu mua vỏ chai 33 từ các nhà hàng quán nhậu về rửa, súc và giao lại cho nhà máy theo hợp đồng. Một xưởng nhỏ nhưng nhân công cũng trên hai chục người. Hằng ngày Mão phải súc khoảng năm bảy trăm chai, sắp vào két gỗ và chất lên xe tải. Công việc có vẻ nặng nhưng cũng thoải mái, làm nhiều ăn nhiều làm ít ăn ít tính theo số lượng chai chất lên xe giao hàng.
Lúc đầu Mão không chú ý đến lời tỏ tình của Tư. Dưới mắt Mão, vóc dáng của người đàn ông đã lùn lại xấu mà còn làm nghề ‘lái chuột’ thì khó lòng chiếm được cảm tình cô nàng chứ đừng nói đến chuyện hôn nhân. Nhưng Tư vẫn áp dụng chiến thuật cố đấm ăn xôi của những anh chàng lì, bám hoài, nói riết để hy vọng có ngày Mão sẽ ngã lòng. Đúng vậy, chờ mãi vẫn không có ai ngoài Tư Chuột đến tỏ tình cầu hôn, sợ phải ở góa nên Mão đã áp dụng câu châm ngôn ‘Chồng xấu dễ dạy’, miễn cưỡng chấp thuận để ông bà Bảy đem cau trầu đến…
Mão mập, lớn người, so ra cao hơn Chuột gần một gang tay. Nhưng Tư thích mẫu người nầy và thường nói với bạn bè rằng nó khoái đàn bà cao lớn, có da có thịt, khi ôm thấy ‘phê’ hơn ôm con khô mắm… Nghe Chuột xin cưới vợ thì gia đình mừng, ông Bảy hy vọng nhờ tay một người đàn bà, may ra đủ bản lảnh để kềm con ông khỏi hư thân mất nết. Nhưng bà Bảy vừa nghe đến Mão thì đã nhảy đựng lên:
- Mầy gầy như con tép đứng ngang cổ người ta mà đi cưới một con trâu, không sợ nó đè bẹp ruột ra à?
Tư cười hề hề:
- Có sao đâu má, trời lạnh ngủ ấm chứ sao!
- Mầy nói hay lắm, lấy gì nuôi nổi tấm thân bồ trượng con vợ mầy?
- Má không biết, đàn bà con gái dù cao lớn mập mạp đến đâu cũng ăn như mèo!
Sực nhớ ra điều quan trọng, bà Bảy chợt hỏi:
- Thế, nó tuổi con gì?
- Dạ chưa hỏi, nhưng tên Mão!
- Vậy thì chết mẹ mầy rồi! Tên Mão là tuổi con mèo…mà mầy là chuột thì sống với nhau đâu được. Nó không ăn thịt thì cũng hành hạ mầy không còn manh giáp.
- Má đừng lầm, không ai ăn hiếp được thằng Chuột nầy được đâu!
Bà Bảy chúm chím cười:
- Ngon lắm! Không ai ăn hiếp được mầy, nhưng lớn con mập mạp như vậy, ngày đêm nó ‘dần’ mầy cũng toe tua. Coi chừng sớm đi theo ông bà đó con.
- Để má xem rồi ai ‘dần’ ai! Chưa đụng độ thì đâu biết tay nào gục trước!
Nói thì hay nhưng sau khi cưới xong về chung sống với Mão tại Chợ Lớn thì Chuột thật sự te tua. Ngoài công việc thu mua và giao hàng hằng ngày, về đến nhà Tư phải làm hết công việc như một người nội trợ giỏi. Từ giặt áo quần, đi chợ, nấu ăn rồi dọn sẵn lên bàn chờ Mão về. Tối đến Chuột còn bị Mão ‘dần’ đi ‘dần’ lại nhiều lần mới cho phép nằm yên ngủ. Nhưng Tư cảm thấy hạnh phúc đối với cuộc đời của một người đàn ông Trời bắt xấu mà kiếm được vợ đẹp lại đa tình nữa, dù có làm trâu ngựa kiếp nầy cũng cam lòng. Kết quả cuộc tình mặn nồng là một năm sau Mão cho ra đời đứa con trai đầu lòng. Gánh nặng lại bắt đầu đổ thêm xuồng đầu Tư trong lúc công việc làm ăn càng lúc sa sút.
Cũng vì nông dân nuôi mèo và kế hoạch rải thuốc, chuột biến mất khá nhiều. Số lượng thu mua của từng vụ lúa xuống thê thảm, ông ngoại Tư gửi con cháu đến các quận của tỉnh cũng không đủ nhu cầu cung cấp cho các nhà hàng quán nhậu. Vợ đi làm suốt ngày, những lúc rỗi rảnh Chuột thường đến các quán café bình dân tán dốc với bạn bè. Trong dịp nầy Tư gặp một người đứng tuổi thường
bám theo làm quen, đồng thời ngỏ lời giúp đở Chuột tìm một việc làm vững chắc hơn đi bỏ mối chuột đồng. Ông ta cho biết, vì thấy tội nghiệp hoàn cảnh của Tư Chuột nên động lòng trắc ẩn muốn giúp đở chứ không có mưu đồ cũng không ăn chận tiền đầu như những mối lái khác. Thật sự Tư muốn đổi nghề từ lâu, nhưng tiền của không có, chữ nghĩa chẳng ra gì, nếu xin việc mới thì cũng không gì hơn ngoài chuyện làm phu khuân vác ở chợ hay bến tàu.
Tư than thở:
- Cám ơn anh, nhưng tôi đâu đủ sức để lao động chân tay, như làm lục lộ cầu đường hay phu khuân vác?
- Lầm rồi, tôi sẽ lo cho chú em những công việc ngon lành, đàng hoàng đâu phải làm những chuyện vớ vẩn như chú em nghĩ.
Tư Chuột hớn hở:
- Thế anh kiếm việc gì cho em?
- Mà phải theo anh học tập một thời gian cho thành thạo trước khi ra nghề.
- Bao lâu vậy thưa anh?
- Chừng hơn một tuần thôi. Trong thời gian đi học, chú em sẽ được cấp dưỡng tiền bạc để ở nhà cho gia đình. Công việc thì đã có sẵn, tôi giới thiệu giúp, nhận hay không là việc của chú em.
Tư Chuột chụp lấy cơ hội:
- Dạ, anh đã thương, chuyện ngàn năm một thuở làm sao em dám từ chối.
- Được chú em thu xếp với vợ con, chuẩn bị theo tôi một tuần.
- Dạ bao giờ lên đường?
- Không lâu đâu.
Tối đến cơm nước xong, Tư bàn với vợ:
- Em à, lúc nầy bẫy chuột thật khó khăn vì nông dân phát động chương trình nuôi mèo và sở nông nghiệp đang cho phun thuốc chung quanh bờ ruộng. Hơn nữa, nhiều người cũng nhảy ra làm ăn theo đường nầy. Hàng đã khó thu mua mà giá sỉ bị cạnh tranh. Thật khó đeo đuổi việc bỏ mối chuột đồng. Anh định bàn với em là sẽ đổi nghề.
Mão hỏi nhanh:
- Nghề gì?
- Anh phải theo học một nghề nào đó, không lý phải trở lại khuân vác tại chợ hay đi đào đường đặt cống. Nghề nào cũng khó khăn với anh, làm thế nào vác nổi vài ba chục ký lô hay suốt ngày tám tiếng dầm mưa giải nắng giữa đường!
- Vậy định học gì? Lâu mau và lương bổng thế nào sau khi học xong?
- Yên chí, anh được một người tốt bụng đở đầu, sắp xếp tất cả mọi chuyện cho gia đình.
Người đở đầu trao cho Chuột mười ngàn đồng xem như ứng tiền lộ phí để Tư lo cho gia đình trước khi theo ông ta. Đêm lên đường gồm có thêm mấy người nữa, nhưng sau khi tập trung ở Củ Chi, Chuột bị tách riêng và bắt đầu run khi được hai người trang bị súng hộ tống đi kèm theo. Tư lo sợ hỏi ân nhân:
- Thưa anh, đi…học sao lại vào rừng và…?
Người đàn ông cười, an ủi:
- Khóa học tổ chức đặc biệt trong rừng, chỉ một tuần sẽ xong và chú em sẽ trở về Sàigòn nhận việc.
- Sao lại học trong rừng?
- Vấn đề an toàn!
Bây giời thì Tư Chuột hiểu mục đích của người đở đầu nhưng đã lỡ ngồi trên lưng cọp, đi giữa hai người trang bị súng, la lên không ai tiếp cứu, chạy thế nào cũng không thoát, chỉ còn nước giả vờ để tìm kế thoát thân. Nhưng khi vào đến mấy cái chòi nhỏ dưới lùm cây thì Chuột nhận ra đây chính là trường học chính trị của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam mà Tư đã nghe qua một vài người bạn đã bị bắt vào đây. Nếu tỏ ra chống đối hay tìm cách bỏ trốn là tự tìm cái chết, chi bằng, nhắm mắt cho xong chương trình khóa học mà họ dành cho những thanh niên thiếu nữ đã nghe lời đường mật của các bộ nằm vùng, bị ép buộc vì một lý do nào đó hoặc bị Mặt Trận Giải Phóng bắt cóc đưa vào đây. Các bài học lý thuyết đều nên cao tinh thần yêu nước, bổn phận và trách nhiệm của thanh thiếu niên, phải đứng lên đánh đuổi đế quốc Mỹ và lật đổ chế độ Ngụy Quân-Ngụy Quyền để đem lại tự do hạnh phúc cho Miền Nam. Qua đến thực hành thì học cách chuyển vận và rải truyền đơn, bắn súng, liệng lựu đạn, gài mìn, đặt chất nổ…Trước khi được ra về, học viên phải thề trung thành với Mặt Trận Giải Phóng. Tổ chức trưng các bằng cớ như hình chụp, số tiền nhận trước để gài tất cả học viên trở thành kẻ có tội với chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, đồng thời để buộc thành phần trẻ nầy phải lệ thuộc và chịu sự chỉ huy của mạng lưới Việt Cộng nằm vùng.
Tư Chuột đặt câu hỏi với cán bộ giảng viên:
- Sau khi học xong, việc làm ăn sinh sống của chúng tôi, các anh bố trí như thế nào?
Một người đội nón cối, mang súng lục trả lời thế giảng viên:
- Các anh sẽ được phân chia công tác, thời gian và nơi chốn sẽ do cán bộ giao liên truyền lệnh. Mỗi công tác sẽ được thưởng một số tiền.
Chuột vẫn thắc mắc:
- Thưa ông, người dẫn dắc tôi vào đây có hứa sẽ tìm công ăn việc làm đàng hoàng cho tôi, bây giờ xin ông cho biết.
Ông ta nghiêm nét mặt:
- Thì bây giờ Mặt Trận Giải Phóng cho các anh đi làm ‘cách mạng’!
Thế là cuộc đời của Tư xem như xong, vô tình bị lọt vào bẫy, đưa tay nhận tiền của Mặt Trận và đã vào mật khu học tập chính trị để trở thành những tên khủng bố! Chuột ân hận, đành ngậm đắng nuốt cay, không dám hé môi với cha mẹ cũng như vợ con, chỉ biết làm thêm kiếm tiền đưa về gia đình để khỏa lấp nguồn gốc công việc mới. Nhưng đâu yên với mấy người nằm vùng, vài ba hôm xuất hiện một nhân vật đến nhắc nhở bổn phận, nhiệm vụ và ứng trước một ít tiền cho công tác sắp đến.
Sứ mạng giao cho Tư thi hành được chính ân nhân ngày trước ra lệnh trực tiếp: Ném một khối chất TNT đã gài ngòi nổ vào giữa chợ Cầu Muối đúng 10 giờ sáng ngày 25 tháng 4 năm 1975. Nghe xong, Tư choáng váng mặt mày nhưng lệnh đã ban ra không thể không chấp hành. Như vậy, chính Chuột sẽ ra tay giết mẹ mình và hai bà dì ruột đang bán hàng chạy trong khu vực nầy. Nhưng nếu không thi hành, chắc chắn sẽ bị thủ tiêu vì đó là lệnh của cách mạng! Suy nghĩ một đêm và Chuột nhất quyết không thể làm một việc độc ác vô nhân đạo, ném chất nổ vào chỗ đông người để giết hại biết bao mạng sống. Tuy nhiên trong cơn cấp bách, Chuột tỏ vẻ thuần phục nhận gói chất TNT, ngòi nổ và hai chục ngàn đồng bạc. Nhận để tránh cấp trên nghi ngờ, nhưng liền sau đó, Tư ghé tiệm thuốc tây mua một chai thuốc xổ. Đến sáng 25.4.1975, Tư uống một hơi hết chai thuốc. Hàng xóm phải chở Chuột vào bệnh viện cấp cứu và công tác đặc chất nổ xem như bị hoãn lại vì lý do kỹ thuật.
Nhưng sáng 30.4.1975, vừa nghe ông Dương Văn Minh ra lệnh cho toàn thể quân nhân các cấp phải buông súng đầu hàng vô điều kiện để ông trao chính quyền lại cho địch thì Tư là nười đầu tiên chụp lấy cơ hội kiếm công, tiên phong hô hào đồng bào ra đường đón tiếp đoàn quân Cách Mạng vào tiếp thu thành phố. Chuột giành lá cờ Xanh-Đỏ Sao Vàng và miếng vải đỏ trên tay của một người trong xóm, chạy ra đường Thống Nhất, phất cờ hoan hô đoàn quân chiến thắng. Cánh tay phải cột băng đỏ, tay trái cầm cờ, miệng hô các khẩu hiệu: ‘Hoan hô Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam’. Đoàn quân Cách mạng muôn năm. Đảng Cộng sản muôn năm, Hồ Chủ tịch vĩ đại muôn năm …Chiều trở về xóm lao động, Tư kêu gọi thanh niên thiếu nữ ra làm ‘cách mạng’, đứng lên tố cáo các thành phần chế độ cũ, thành phần địa chủ bóc lột và những tên ác ôn hút máu đồng bào. Chỉ trong vòng nửa ngày, Tư Chuột trở thành lãnh tụ lũ con nít còn mặc quần giây thun, đám bà già trầu và bọn đầu trâu mặt ngựa Cầu Muối. Đoàn quân cách mạng do Tư cầm đầu trang bị soong chảo, thùng thiếc, gậy gộc, tay đeo băng đỏ cầm cờ giải phóng, hùng hổ diễn hành trên các đường chính của Thủ đô.
Chuột được người ân nhân cũ thăm hỏi và khuyến khích tụ tập tất cả du đảng để giữ gìn an ninh cho thành phố, thi hành chỉ thị cấp trên, lùng bắt các quân cán chính ác ôn chế độ cũ đồng thời xúi giục dân lao động đứng lên tố giác những thành phần theo danh sách Cách mạng đưa xuống. Chuột tự cho rằng thời cơ đã đến với nó, một người đã được huấn luyện để trở thành anh hùng cứu nước, là người của Cách mạng, giờ đây là một nhân vật quan trọng của chế độ mới. Qua sáng hôm sau, mấy thằng du đảng khu Cầu Muối tự động tìm đến gặp Chuột gập đầu tuân phục. Tư sai một thằng đàn em kiếm chiếc nón cối, đôi dép râu và cái bị bằng vải kaki rồi ra lệnh tập họp những băng đảng từ các vùng Sàigòn-Chợ Lớn-Gia Định về họp bên hông tòa án trên đường Nguyễn Huệ. Trước mặt gần hai trăm đầu trâu mặt ngựa, Chuột vỗ ngực:
- Tao theo Cách mạng nằm vùng từ lâu và trong thời gian qua đã thi hành chỉ thị cấp trên, tiếp tay với Mặt Trận, với Đảng để hoàn thành nhiệm vụ cao cả là giải phóng Miền Nam nầy. Tao đã ra lệnh cho đàn em phá hoại, gây tổn thất cho Ngụy Quân Ngụy Quyền ngay tại thủ đô cũng như các vùng ngoại ô. Giờ đây tao là ‘Cách Mạng’, tao ra lệnh cho bọn bây đến đây để nhận chỉ thị.
Đám cô hồn các đẳng ngổ ngáo ngày trước, giờ đây trước mặt lãnh tụ mới đứa nào mặt mày cũng xanh như tàu lá. Một tên cúi đầu lễ phép:
- Kính thưa.. đại ca
Chuột nạt lớn tiếng:
- Tao không phải đại ca của tụi bây! Tao là Cách Mạng, tao có bổn phận thi hành lệnh của chính quyền giữ gìn an ninh, truy lùng những tên phản động và hô hào dân lao động đứng lên tố cáo..
Một tên trùm ngày trước kính cẩn:
- Dạ thưa..tố cáo ai ạ?
- Để tao đi họp với chính quyền rồi sẽ đưa cho bọn bây danh sách. Tao sẽ phân công cho bọn bây địa bàn hoạt động để khỏi dẫm chân lên nhau.
- Dạ, xin ‘Cách mạng’ phân chia rõ ràng địa bàn hoạt động không thì tranh nhau trước sau gì cũng đổ máu..
Tư vung tay lên:
- Đứa nào lộn xộn tao bắn bỏ tức khắc.
Cả đám đứng yên không dám có phản ứng. Chế độ cũ chưa giết một thằng du đảng nào nhưng ‘cách mạng’ đâu có tha, mạng người lương thiện còn rẻ hơn một con vật huống gì những tên du đảng như bọn chúng. Trước khi ra về, Tư Chuột ban hành lệnh thứ nhất:
- Tất cả hãy nghe! Đây là lệnh của tao: Tất cả các cơ sở, công ty xí nghiệp, thương mại lớn nhỏ, công hay tư của chế độ cũ đều được cách mạng ta quản lý. Bây giờ anh em ta đang làm chủ. Bọn bây, tùy theo địa bàn hoạt động, đến các nơi nầy tiếp tay với cách mạng để trị an, quản lý và thanh lọc ngay thành phần ác ôn, đuổi chúng ra khỏi tổ chức, phối hợp với các cán bộ cách mạng cơ sở và chờ lệnh của tao!
Tối về đến nhà, vào phòng dựng Mão dậy, Chuột hớn hở:
- Ta đã làm chủ đất nước rồi!
Thấy vợ đang rầu vì công việc trong xưởng làm, Tư ngồi xuống mép giường:
- Lo gì nữa, công nhân sẽ làm chủ tất cả các nhà máy, cơ sơ sản xuất, thương mại…Chúng ta đã dành được từ tay của bọn bóc lột. Phải hồ hởi phấn khởi lên em!
Mão buồn rầu:
- Làm chủ đâu chưa thấy, chiều nay em có đến xưởng, một thằng làm vệ sinh hốt rác trong xưởng đứng lên kết tột chủ là tư sản mại bản, bóc lột sức lao động rồi đuổi ông ta ra đường, đồng thời tự bầu thành ban quản trị xưởng do chính thằng chó chết đó làm chủ tịch.
- Còn em thì sao?
- Bọn chúng cũng tập trung em và các người thợ khác vào một phòng, xỉ vả một hồi rồi đưổi về đợi lệnh.
- Đ.m. bọn tép riu! Để anh trị cho chúng nó một bài học.
Mão hứ một tiếng:
- Anh cũng chạy theo ăn có với bọn du đảng, có gì hơn chúng nó đâu?
Chuột vỗ ngực:
- Anh là một nhà cách mạng đầy mình! Bây giờ anh mới cho em hay, anh là người của cách mạng từ lâu nay. Bây giờ anh được cách mạng giao công tác lãnh đạo các ‘đoàn thể’ tại Sàigòn-Chợ Lớn để trị quốc an dân!
Mão nghi ngờ:
- Anh làm gì được mấy thằng trong xưởng của em?
Chuột hăng tiết:
- Anh sẽ thẳng tay trừng trị bất cứ thằng nào dám xem thường em. Em là vợ của một nhà cách mạng mà!
Nhưng rồi Tư Chuột chẳng làm được gì. Chỉ một thời gian ngắn, Cộng sản thành lập vội vã ủy ban quân quản Sàigòn-Chợ Lớn và công an nhân dân được đưa khẩn cấp từ Hà Nội vào. Bọn ba mươi, nhất là thành phần du đảng, cướp bóc, tù tội chẳng những bị hất cẳng mà còn bị xếp vào loại phá rối trị an. Tư Chuột cũng không thoát khỏi trường hợp nầy. Bất mãn, Tư liệng ngay băng vải đỏ vào sọt rác và theo mấy tay bị thất sủng nhậu đế trắng từ góc đường nầy đến hẻm khác…Tư Chuột lúc nào cũng say, lảm nhảm suốt ngày…Đ.m. đồ khốn nạn, bịp bợm, láo khoét. Cách mạng tráo trở dụ ông dọn mâm để rồi cả giòng họ chúng bây kéo nhau vào hưởng!
Mão được trở lại làm việc, ban giám đốc bây giờ là bọn nằm vùng trước đây hoạt động bí mật trong phạm vi SàiGòn-ChợLớn. Công nhân giờ đây mang danh làm chủ nhưng phải đạt chỉ tiêu sản xuất hằng ngày, cấp chỉ huy đến trể về sớm, ăn nhậu và chỉ có một động tác duy nhất là ngồi chấm công ghi sổ. Việc làm của người thợ được chủ nhân lên gấp đôi mà tiền lương thì hạ xuống, đi ngược với tuyên truyền của một chế độ ưu việt ‘làm nhiều hưởng nhiều làm ít hưởng ít’!!!. Dù đang mang thai nhưng Mão phải đi làm để được nhà nước cấp phiếu hàng tuần mua bobo, bột mì và gạo mốc. Đến lúc bụng lớn, sắp đến ngày sanh đứa thứ hai, Mão làm đơn xin nghỉ đẻ nhưng không được nhà nước chấp thuận vì chưa đến thời kỳ ấn định theo luật của Xã Hội Chủ Nghĩa. Khi được cấp trên cho phép thì đúng lúc phải dùng xe cấp cứu chở ngay sản phụ vào xưởng đẻ. Mão bị băng huyết trầm trọng sau khi đưa được bào thai đã chết ra ngoài.
Mão phải bán chiếc nhẫn cưới và cầm luôn chiếc xe gắn máy của Tư để đủ tiền chi từ anh gác cổng, trà nước cho các người làm vệ sinh, nhân viên cung cấp mền chiếu, bông gòn, xà phòng, thau kéo, chỉ cột….đến các ông bà y tá và bác sĩ để được vào nhà thương đẻ con! Sau khi đưa được bào thai ra, xưởng đẻ cho biết muốn cứu sống người mẹ thì phải chi tiền mua máu. Tư tình nguyện lấy máu mình truyền cho vợ nhưng bị nhân viên nơi đây, sau khi nhìn Chuột từ đầu xuống chân, từ chối thẳng thừng với nhiều lý do…vì loại máu không hạp nhau, vì máu có vi trùng bệnh…và buộc Tư phải đóng tiền trước tức khắc để được cứu chữa. Đang điên đầu chưa biết tính toán thế nào thì bọn cho vay của xưởng đẻ đề nghị giúp Tư đủ số tiền để cứu người vợ đang hấp hối với 10 phân lời mỗi ngày. Chuột chỉ làm nổi ba bài tính cộng-trừ-nhân, đâu đủ khả năng để hình dung tiền lời sinh ra sẽ cộng thêm vào tiền nợ từng ngày. Hơn nữa đang bận tâm lo mạng sống của Mão trong cơn hấp hối, Chuột gật đầu chấp nhận tất cả điều kiện của bọn ma giáo được xưởng đẻ che dù đở đầu để ăn chia. Nợ chồng chất mỗi ngày một lên cao, bọn côn đồ hăm dọa thanh toán, Tư phải kiếm một giải pháp để vừa trả nợ vừa tiếp tục nuôi vợ tại xưởng đẻ vì chưa thể đưa Mão về nhà trong tình trạng còn quá yếu. Chỉ còn một con đường để giúp Tư kiếm đưọc tiền: Bán máu cho nhà nước.
Mua máu của nhà nước thì giá cao tới mây xanh mà khi đem bán thì nhà nước lại trả rẻ như bèo. Mỗi ngày Tư phải đến để người ra rút ra một túi nylon 250 phân khối, nhưng làm thế nào cũng không đủ để trả cho số tiền lời đang chồng chất và những chi phí chính thức cũng như phụ trội và quà cáp cho nhân viên xưởng đẻ. Không được ăn uống đầy đủ, tẩm bổ không đúng mức, Chuột đã ngất xỉu tại chỗ sau khi bán tới nửa lít máu của mình. Khi tĩnh lại về nhà thì hay tin Mão đã từ trần. Xưởng đẻ yêu cầu Tư chuẩn bị tiền để thanh toán những khoảng còn thiếu mới được phép đem xác chết vợ về mai táng…
Chôn cất vợ xong và gởi đứa con đầu tại quê nhà, chuột trở lên Sàigòn bán đồ đạc và căn nhà của Mão để trả hết số trả nợ còn lại. Tư đau lòng nhìn lại tổ ấm một lần cuối trước khi ra đi, bỗng Chuột chợt thấy trên vách, hình của cha già lãnh tụ đang âu yếm mỉm cười nhìn mình. Chuột tiến đến gở xuống, phân trần:
- Xin tha lỗi, bấy lâu nay tôi vô tình không chú ý nên dán hình bác trên vách ván một cách thô sơ. Tôi thật đui mù và ngu muội nên đã phạm thượng đến bác. Bây giờ quá hối hận, đồng thời cũng đã sáng mắt, tôi sẽ đích thân ‘lộng kiếng’ hình bác và để vào một nơi thật xứng đáng với thành quả vĩ đại của việc Giải Phóng Miền Nam và Thống Nhất Đất Nước do bác lãnh đạo!
Bỏ hình bác xuống….giật nước xong, Tư ra bến xe đò mua vé về quê nội ở Thốt Nốt. Khi qua phà sông Hậu, bất thần nó nhảy xuống sông. Dù ít học và lớn lên trong hoàn cảnh khó khăn, khắc nghiệt, nhưng Chuột đã sớm sáng mắt trước cảnh thiên đường của Xã hội Chủ Nghĩa và Tư muốn mượn cái chết để chuộc những sai lầm của một đứa con bất hiếu với cha mẹ, của một người chồng, người cha thiếu trách nhiệm với vợ con.
Một vài khách trông thấy, hô lên:
- Có người nhảy sông tự tử!
Nhưng tất cả đều bình thản nhìn xuống và phà vẫn tiếp tục qua sông…

Xem Tiếp: ----