Phần I

muckienlien.jpg
Mục Kiền Liên Bồ Tát 
Trong Địa Tạng Thập Luân Kinh có ghi lại rằng, vị Bồ Tát này vì ẩn nhẫn bất động như đại địa, tịnh lự thâm mật tựa bí tạng nên ngài được tín đồ Phật giáo xưng tụng là Địa Tạng Vương Bồ Tát.  Ngài đã được đức Phật Thích Ca ký thác ở lại trần gian trong thời gian sau khi Phật diệt độ cho đến trước khi Phật Di Lặc ra đời để giáo hóa chúng sanh.  Trong lý thuyết của nhà Phật, thì chúng sanh được chia ra làm sáu cõi luân hồi, hay còn được gọi là Lục Đạo.  Đó là Thiên, A Tu La, Người, Súc Sinh, Ngạ Quỷ, và Địa Ngục.  Thiên giới và A Tu La gồm có những chúng sanh đã tạo được thiện căn ở vô số tiền kiếp, giới này gồm có các Thiên Tiên, các Thần, Long Vương, Quỷ Vương, Dạ Xoa, v.v...  Loài Người thì thấp hơn một bậc.  Còn ba cõi Súc Sinh, Ngạ Quỷ, và Địa Ngục là những chúng sanh có nghiệp chướng nặng hơn.  Nhất là Địa Ngục, gồm có những chúng sanh mà tiền kiếp đã có nhiều tội lỗi nên phải ở lại đó để chịu những hình phạt.  Địa Tạng Vương Bồ Tát nhận lời ký thác của Phật để hóa độ cho những chúng sanh còn trầm luân trong bể khổ.  Ngài còn phát thệ rằng nếu như Địa Ngục chưa hết chúng sanh chịu khổ thì ngài quyết không thành Phật.  Giới chúng sanh hữu tình (tức chúng sanh trong Lục Đạo) chỉ cần tụng niệm danh hiệu và thường xuyên lễ bái kim thân của ngài sẽ đạt được công đức vô lượng.
Để cho chúng sanh giác ngộ và tin vào sự nhân quả, tôn kính Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng) cho nên ngài mới xuất hiện dưới hình tượng của một người tu hành như vậy.
Nam Mô Địa Tạng Vương Bồ Tát.
0O0
Đao Lợi Thiên còn có tên là Tam Thập Tam Thiên, là một cõi thiên giới.  Cõi này nằm ở dãy núi Tu Di.  Trong dãy núi này có bốn ngọn núi cao nhất nằm ở bốn bên.  Mỗi núi đều có những vị thần Dược Xoa trấn giữ.  Chính giữa thiên giới này có một lâu đài tên là Hỷ Kiến Thành.  Đó là nơi cư ngụ của ngài Đế Thích, một vị thiên vương.  Phía ngoài thành Hỷ Kiến có bốn khu vườn thượng quyển, là chỗ chúng sanh trong thiên giới giải trí.  Phía Đông Bắc là vườn Viên Sinh Thọ, có hoa cỏ xanh tươi thơm ngát.  Phía Tây Nam có Hỷ Pháp Đường, là nơi mà các thiên chúng quy tụ để bình luận về pháp lý.  Chung quanh tám hướng của Hỷ Kiến Thành, mỗi một hướng còn có tám thiên nhỏ cộng chung lại là ba mươi ba cõi.  Vì vậy mà nơi đây được gọi là Tam Thập Tam Thiên.  Mẹ của Phật Thích Ca là bà Ma Gia phu nhân sau khi mệnh chung đã lên cư ngụ tại Đạo Lợi Thiên này, Phật Thích Ca sau khi đắc đạo đã lên cung Đao Lợi Thiên để thuyết pháp cho mẹ.
1.  Đao Lợi Thiên cung hiển thần thông
Một hôm, đức Phật Thích Ca Mâu Ni đến Đao Lợi Thiên cung để thuyết pháp cho mẹ là bà Ma Gia phu nhân.  Lúc đó, ở khắp thập phương thế giới có vô số Phật, Bồ tát biết được tin này nên đều tụ tập tại Đao Lợi Thiên để hội kiến và nghe ngài thuyết pháp.
Thập phương chư Phật và Bồ Tát đều tán dương thần thông của Phật Thích Ca.  Tuy ngài sinh ra trong ngũ trược thế gian mà vẫn có thể phát đại trí huệ, đại thần thông để giáo hóa những chúng sanh còn trầm luân và ương ngạnh trong cõi tục.  Nhiều chúng sanh nhờ sự giáo hóa này mà hiểu rõ được sự khổ trong lý thuyết nhân quả mà tu hành. Vô số chúng sanh nhờ đó đã đắc đạo và đã giải thoát khỏi kiếp luân hồi.
Đức Phật Thích Ca mỉm cười, nụ cười tươi sáng của ngài đã phóng ra trăm ngàn vạn ức đám mây ánh sáng khiến cho bầu trời rực rỡ chưa từng thấy.  Trên không du dương tiếng nhạc kỳ diệu khiến tất cả chúng sanh có mặt cảm thấy lòng dạ thơi thới.  Lúc đó, Ta Bà thế giới và những thế giới khác có vô số thiên, long, quỷ, thần đều tụ đến Đao Lợi Thiên để nghe đức Phật thuyết pháp.
Đức Phật Thích Ca quay lại hỏi Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát: "Này Văn Thù Sư Lợi, con xem thử có tất cả bao nhiêu Phật, Bồ tát, thiên, long, quỷ, thần, và chúng sanh đã tụ họp ngày hôm nay tại cung Đao Lợi này?"
Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát trả lời: "Thưa đấng Thế Tôn, nếu vận dụng thần thông của con tu luyện trong quá trình vạn kiếp để tính toán, con cũng không biết được con số này là bao nhiêu.
Phật bảo Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát rằng: "Ngay như ta vận dụng thần thông Phật nhãn để nhìn cũng không nhìn thấy hết.  Đây là tất cả những chúng sanh đã được Địa Tạng Vương Bồ Tát từ muôn ngàn kiếp trước cho đến nay đã độ, đang  độ, và sắp độ được.  Những chúng sanh này có người đã tu thành tựu, có người đang tu sắp thành tựu, và cũng có người chưa tu thành tựu."
Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát thưa với Phật rằng: "Lạy đức Thế Tôn, con đã nhiều kiếp tu tích thiện căn, chứng đạt được trí tuệ, vì vậy khi con nghe đức Thế Tôn nói như vậy thì lập tức tin ngay.  Thế nhưng trong lục đạo chúng sanh, chắc chắn sẽ có người không tin lời của ngài.  Để tránh sự phỉ báng của chúng sanh, cầu xin đức Thế Tôn vì chúng sanh mà nói rõ hơn về công đức, lời phát nguyện, và sự thành tựu của ngài Địa Tạng Vương Bồ tát để cho tất cả chúng sanh có mặt nơi đây được rõ."
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni trả lời Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát rằng: "Thí dụ mỗi một sự vật từ cây cỏ, núi rừng, cát đá, bụi bậm của ba ngàn thế giới đều biến thành những con sông Hằng Hà.  Mỗi một hạt cát của những con sông Hằng Hà này đều tỉ dụ như một thế giới.  Mỗi một hạt bụi trong thế giới đó tượng trưng cho một kiếp, thì Địa Tạng Vương Bồ tát đã tu luyện và chứng đạt được Thập Địa quả vị còn hơn ngàn lần con số kiếp đó.  Huống hồ, Địa Tạng Bồ tát đã bắt đầu tu luyện từ thời Than văn, Duyên giác thì còn tạo được công quả cao dầy biết chừng nào.  Này Văn Thù Sư Lợi, vị Địa Tạng Bồ tát này có một uy lực thần thông rất lớn và ước nguyện vĩ đại không thể nào lường được.  Nếu như trong đời vị lai có thiện nam tín nữ nào nghe đến tên của vị Bồ tát này hoặc giả tán thán, lễ bái cung kính, xưng tụng danh hiệu của ngài hoặc giả dùng hương đăng hoa quả cúng dường, hoặc giả thờ phụng hình tượng của ngài bằng kim loại, bằng gỗ quý, bằng mộc bản, bằng đất nung, bằng hình họa thì người thiện nam tín nữ đó sẽ được vãng sinh lên cõi Tam Thập Tam Thiên trăm lần không bị trụy lạc xuống vòng ác đạo.  Này Văn Thù Sư Lợi, Địa Tạng Bồ tát từ thuở xa xưa là con của một vị trưởng giả.  Lúc đó có một vị Phật danh hiệu là Sư Tử Phấn Tín Cụ Túc Vạn Hạnh Như Lai.  Chàng công tử con của vị trưởng giả đó khi thấy pháp tướng của Phật rất trang nghiêm nên mới hỏi Phật rằng: "Ngài đã hành nguyện như thế nào mà đạt được pháp tướng trang nghiêm phúc đức viên mãn như vậy?"  Phật Vạn Hạnh Như Lai trả lời rằng: "Nếu như ngươi muốn chứng được thân như vậy thì phải nhiều đời nhiều kiếp phổ độ siêu thoát cho tất cả chúng sanh đang chịu khổ trong vòng sinh tử luân hồi."
Chàng công tử con của vị trưởng giả nghe lời Phật dạy như vậy thì lập tức phát đại thệ nguyện rằng: "Kể từ hôm nay cho đến muôn nghìn kiếp vị lai, đệ tử nguyện sẽ dùng tất cả mọi phương pháp để giải thoát cho chúng sanh trong sáu cõi luân hồi đang chịu khổ ách.  Nếu như tất cả chúng sanh đều được giải thoát và hưởng phúc cực lạc thì lúc ấy đệ tử mới nguyện thành Phật."
Kể từ lúc thệ nguyện trước Phật Vạn Hạnh Như Lai cho đến nay đã trải qua không biết bao nhiêu trăm ngàn vạn ức kiếp mà ngài vẫn còn đang tiếp tục phổ độ chúng sanh không chịu thành Phật, vì vậy mà ngài vẫn hãy còn là một vị Bồ Tát.
Lại nữa, không biết bao nhiêu kiếp về trước, lúc đó trên thế gian có một vị Phật hiệu là Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai, vị Phật này có thọ mệnh là bốn trăm ngàn vạn ức a tăng kỳ kiếp.  Lúc đó có một thiếu nữ sinh ra trong một gia đình theo đạo Bà la môn, thiếu nữ là một người chí hiếu, đạo đức được mọi người chung quanh kính trọng.  Mỗi khi đi, đứng, nằm, ngồi, thiếu nữ đều được chư vị thiên thần theo bảo hộ.  Nhưng mẹ của thiếu nữ này là người theo tà giáo.  Bà thường hay khinh mạn tam bảo Phật, Pháp, Tăng.  Thiếu nữ đã nhiều lần dùng lý lẽ phải trái khuyên răn người mẹ, hy vọng rằng mẹ sẽ dần dần có niềm tin vào Phật pháp.  Nhưng người mẹ chưa kịp trọn vẹn lòng tin thì bà đã mệnh chung qua đời.  Thần hồn của bà đã theo nghiệp quả mà bị đọa vào Vô Gián Địa Ngục.
Thiếu nữ biết rằng mẹ nàng lúc sinh tiền không tin vào thuyết nhân quả, thì lúc chết chắc chắn sẽ sa vào vòng ác đạo.  Để cứu mẹ, nàng đã không ngần ngại bán tất cả điền sản để sửa sang đền chùa, bố thí cho chúng sanh.  Nàng cũng mua sắm thật nhiều hoa, nhang đèn, và những phẩm vật để cúng dường chư Phật, nàng mang tất cả những phẩm vật vào đền chùa thờ cúng Giá Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai để cúng dường.  Đứng trước kim thân từ bi trang nghiêm của đức Phật, thiếu nữ đã đến gần chiêm ngưỡng mà trong lòng cảm thấy gia tăng sự tin tưởng.  Nàng lẩm bẩm tự nhủ thầm rằng: "Danh hiệu của Phật là Đại Giác, chắc chắn mang đầy đủ trí tuệ của bậc thánh nhân.  Nếu như Phật còn tại thế thì ta có thể đến hỏi ngài để biết mẹ của ta hiện thời đang vãng sanh ở nơi nào?"
Càng nghĩ, thiếu nữ càng cảm thấy tủi thân, bất giác hai dòng lệ của nàng rơi lả chả.  Lúc đó, bỗng nhiên trên không có tiếng văng vẳng: "Thánh nữ, con đừng đau buồn, ta sẽ cho con biết chỗ ở hiện thời của mẹ con."
Thiếu nữ chấp tay vái về hướng không trung và thưa rằng: "Xin hỏi vị thần linh nào đã an ủi con như vậy?  Kể từ khi mẹ con qua đời, con ngày đêm nhớ nhung.  Nhưng không biết nơi nào hỏi thăm để biết được đường hướng vãng sanh của người."
Tiếng nói từ không trung tiếp tục trả lời thiếu nữ: "Ta là Giác Hoa Định Tự Tại Như Lai mà con đã cúng dường từ trước tới nay.  Vì thấy con là người chí hiếu, cho nên ta đến để chỉ điểm nơi vãng sanh của mẹ con."
Thiếu nữ nghe Phật chỉ điểm như vậy thì mừng quá, vội vã hướng về không trung lạy lấy lạy để.  Rủi thay thiếu nữ vấp té trúng nhằm khớp xương chân nên nào xuống ngất xỉu.  Cũng may nhờ hai người hầu đỡ cho nàng đứng dậy.
Thiếu nữ tiếp tục hướng về không trung van vái rằng: "Kính đức Phật từ bi, xin ngài hãy cho con biết được chốn dung thân của mẹ con.  Con nghĩ rằng thân con cũng chẳng sống được bao lâu nữa."
Phật trả lời: "Sau khi cúng dường xong, con hãy trở về nhà, nghiêm chỉnh ngồi thiền định và đọc danh hiệu của ta.  Như vậy thì con sẽ biết được nơi chốn mà mẹ của con đang vãng sanh."
Thánh nữ trở về nhà, tắm sạch sẽ rồi ngồi tham thiền.  Trong lòng thành khẩn niệm danh hiệu của Phật Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai.  Trải suốt một ngày một đêm không ngừng nghỉ, đột nhiên thiếu nữ có cảm giác như đang đứng ở một vùng bờ biển.  Nơi đó, nước biển sôi sục cuồn cuộn.  Trên biển có rất nhiều giống quái thú thân sắt, đầu quỷ dữ dằn bay lượn trên mặt nước.  Thiếu nữ lại thấy có hàng trăm ngàn người đang lặn ngụp dưới biển bị những con quái thú này sát hại.  Những con người lớp ngóp dưới sóng biển sôi sục hình như không có sức để chống chọi lại, họ chỉ như những con mồi trước lưỡi hái của tử thần mà thôi.
Cái thảm trạng này xảy ra khiến cho thánh nữ không nhẫn tâm nhìn lâu.  Cũng nhờ thánh nữ trong lòng thầm niệm Phật hiệu của Giác Hoa Tự Tại Vương Như Lai cho nên không một chút sợ hãi.
Lúc đó bỗng có một vị quỷ vương tên là Vô Độc xuất hiện trước mặt thánh nữ.  Quỷ vương cất tiếng hỏi thánh nữ rằng: "Thiện tai, xin hỏi vị Bồ Tát này từ đâu đến đây?"
Thánh nữ vội vàng đáp lời: "Tôi được Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai dẫn dắt đến đây để tìm gặp mẹ, xin hỏi quỷ vương nơi đây là chốn nào?"
Quỷ vương trả lời: "Vùng này là khu vực núi Đại Thiết Vi, đây là phía Tây ngọn núi được gọi là tầng biển thứ nhất."
Thánh nữ hỏi tiếp: "Thưa ngài, tôi nghe nói bên trong khu núi Thiết Vi là địa ngục, có phải vậy không?"
Vô Độc quỷ vương trả lời: "Đúng vậy, phía trong khu núi Thiết Vi này là địa ngục A Tỳ.  Nếu như không có uy đức thần thông như ngài, thì chỉ có những người mang nhiều ác nghiệp mới tới chốn này mà thôi."
Thánh nữ hỏi: "Tại sao nước biển ở đây lại sôi lên sùng sục?  Tại sao lại có nhiều người lặn ngụp dưới biển sâu và bị đàn thú dữ đua nhau cắn xé như vậy?"
Vô Độc quỷ vương trả lời: "Những người này đều là những người làm nhiều điều ác trong Diêm Phù thế giới.  Lúc còn sống không lo tu nhân tích đwusc, sau khi họ chết đi, mà trong bốn mươi chín ngày không có thân nhân làm việc phước đức cứu khổ cứu nạn cho họ, thì do cái nghiệp lực nặng nhẹ mà họ phải chịu báo ứng vào nhiều tầng lớp của địa ngục, họ phải trải qua nhiều sự đày ải.  Biển này có tên là Đại Khổ Hải, chỉ là một đoạn đường nhẹ nhất.  Phía Đông của biển này còn có thêm hai tầng biển rộng hơn mà ở đó những hình phạt còn nặng hơn gấp bội.  Những hình phạt này đều áp dụng đặt lên những chúng sanh đã có quá nhiều tội ác lúc sinh tiền.  Cho nên những nơi này còn được gọi là Nghiệp Hải."
Thánh nữ lại hỏi tiếp: "Như vậy thì địa ngục nàm ở tận nơi đâu?"
Quỷ vương trả lời: "Phía chính giữa của ba vùng biển này là Đại Địa Ngục.  Trong Đại Địa Ngục lại được chia làm nhiều tầng.  Gồm có 18 tầng địa ngục lớn và 500 tầng địa ngục nhỏ.  Cuối cùng có thêm 1000 địa ngục nhỏ hơn nữa.  Những chúng sanh ở trong mỗi tầng địa ngục này đều phải thọ những hình phạt muôn vàn đau khổ."
Thánh nữ nghe đến đây thì rụng rời, nàng mới hỏi rằng: "Mẹ tôi lúc sinh tiền, thường hay theo tà giáo lại thường xuyên phỉ báng Tam Bảo, không biết sau khi chết linh hồn bà trôi nỗi đi đâu."
Quỷ vương hỏi xem tên tuổi, thánh nữ vội vàng cho biết: "Cha mẹ tôi đều là dòng Ba la môn giáo, cha tôi tên là Thi La Thiện Kiến, mẹ tôi tên là Duyệt Đế Lợi."
Vô Độc quỷ vương chấp tay trả lời rằng: "Xin thỉnh Bồ Tát hãy trở về đi, đừng nên u sầu.  Bà Duyệt Đế Lợi tuy có phạm tội lúc sinh tiền nhưng ba hôm trước đã được thăng thiên.  Cũng nhờ Bồ Tát đã tu bổ chùa cho Giác Hoa Tự Tại Vương Như Lai.  Lòng thành của ngài đã giúp mẹ ngài thoát khỏi cảnh khổ ở địa ngục.  Phúc đức của Bồ Tát thật là lớn lao.  Vì trong ngày hôm ấy, tất cả những tội nhân trong Vô Gián địa ngục cũng nhờ sự thi ơn bố đức của Bồ Tát mà được sinh vào cảnh thiên giới để hưởng phúc luôn."
Vô Độc quỷ vương nói xong liền cung kính chấp tay lui về.  Không bao lâu sau thánh nữ như người tỉnh giấc mộng liền đến trước bảo tháp của Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai mà phát nguyện rằng: "Con xin thề nguyện trước đấng Như Lai, đời đời kiếp kiếp sau này con sẽ vận dụng mọi phương tiện để cứu vớt tất cả những chúng sanh đã tạo nghiệp dữ.  Mãi cho đến khi nào tất cả chúng sanh đều thoát ly khỏi cảnh khổ, về cùng cực lạc."
Kể đến đây, Phật Thích Ca Mâu Ni quay trở lại Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát mà nói rằng: "Vị Cô Độc quỷ vương ngày trước bây giờ chính là Tài Thủ Bồ Tát.  Còn vị thánh nữ hiếu thuận dòng Bà la môn giáo ngày xưa chính là Địa Tạng Bồ Tát này đây."
2.  Phân thân tụ hội
Lúc này, vô số phân thân của Địa Tạng Vương Bồ Tát từ vô lượng thế giới và các cõi địa ngục đều tụ hội về Đao Lợi Thiên cung.  Đồng thời do Phật pháp nhiệm mầu của đức Thích Ca Như Lai mà tất cả những Bồ Tát và chúng sanh đã được giải thoát từ vô lượng thế giới đã tề tụ lại.  Mỗi chúng sanh đều mang đến rất nhiều hoa tươi để cúng dường Phật.  Những chúng sanh tụ hội nơi đây đều nhờ sự giáo hóa của Địa Tạng Vương Bồ Tát nên đã thành chánh đẳng chánh giác.  Những chúng sanh này từ muôn ngàn kiếp xa xưa đã chịu sự luân chuyển trong sáu cõi.  Nhưng bây giờ thì họ nhờ lời thệ nguyện lớn lao đại từ đại bi của Địa Tạng Vương Bồ Tát mà đã được cứu độ, ai ai cũng điều chánh đạt quả vị.  Những chúng sanh này đều hân hoan được đến Đao Lợi Thiên cung.  Họ cung kính tập trung ánh mắt chiêm ngưỡng hướng về đức Phật.
Lúc này, đức Phật Thích Ca Mâu Ni đưa bàn tay hoàng kim của ngài vỗ lên đầu tất cả những phân thân của Địa Tạng Vương Bồ Tát và phán rằng: "Ta ở tại ngũ trược ác thế giới giáo hoá những chúng sanh cương cường ngoan cố, mục đích là để cải biến cái tâm tính khiến họ làm nhiều điều lành, tránh bao điều dữ, cải tà qui chánh.  Thế nhưng trong mười chúng sanh thì cũng còn một hai kẻ không bỏ được tính ác.  Ta cũng đã phân thân thành vô số hóa thân, những chúng sanh có căn tính khác nhau để họ có thể sớm thoát khỏi biển khổ để về vùng cực lạc.  Hoặc giả ta hiện thành nam nhân, nữ nhân để cứu độ họ.  Hoặc giả ta hiện thành thiene, long, thánh, thần, quỷ vương, để khuyên răn họ.  Hoặc giả ta hiện hình núi non, cây cỏ, sông ngòi, suối giếng để tạo lợi ích cho họ.  Hoặc giả ta hiện thành Thiên Đế, Phạm Vương, Chuyển Luân Vương.  Hoặc giả ta hiện hình thân cư sĩ, quốc vương, thừa tướng, quan liêu, tỳ kheo, tỳ kheo ni, ưu bà tắc, ưu bà di, cho đến thanh văn, la hán, bích chi Phật, Bồ tát, để thoát độ cho họ, chứ không chỉ dưới thân Phật để hóa độ cho họ.
Này Địa Tạng Bồ Tát!  Ngươi thấy từ thuở vô lượng kiếp đến nay ta đã ân cần cực khổ để hóa độ những chúng sanh tội khổ mà họ hãy còn cương cường ngoan cố.  Đối với những chúng sanh còn chưa được hóa độ, họ chắc chắn sẽ tuỳ theo ác nghiệp nặng nhẹ mà bị truỵ lạc vào vòng ác đạo để chịu khổ ải.  Ngươi nên ghi nhớ lời dặn của ta ngày hôm nay tại Đao Lợi Thiên cung này, từ nay cho đến khi Phật Di Lặc ra đời, phải tiếp tục giải thoát cho hàng vạn chúng sanh trong Ta Bà thế giới, khiến họ vĩnh viễn rời khỏi tội lỗi và khổ ải, khiến họ luôn tin tưởng vào Phật pháp và khiến họ luôn ghi nhớ những lời răn của Phật."
Lúc này tất cả những phân thân của Địa Tạng Vương Bồ Tát của tất cả thế giới đều hợp lại thành một thân, rơi lệ lưu luyến và thưa với đức Phật Thích Ca rằng: "Từ bao kiếp xa xưa cho tới nay nhờ sự giáo huấn của đức Phật, khiến con lãnh hội được thần thông vô lượng và đạt được trí huệ.  Hiện nay con phân thân khắp nơi trong vô lượng thế giới để hóa độ vô lượng chúng sanh.  Với mục đích khiến tất cả chúng sanh đều quy y Tam Bảo, vĩnh viễn rời khỏi kiếp sinh tử luân hồi.  Mặc dù cũng còn nhiều chúng sanh chưa chịu làm điều thiện, nhưng con cũng cố gắng dẵn dắt họ, cứu độ họ, khiến họ ngày càng nhận được nhiều điều lợi ích.  Xin Thế Tôn đừng ưu tư quá nhiều vào những chúng sanh còn  nhiều ác nghiệp trong hậu thế."
Địa Tạng Vương Bồ Tát tiếp tục bạch với Phật Thích Ca ba lần như vậy.  Đức Phật Thích Ca gật đầu tán thán rằng: "Tốt lắm, Địa Tạng Vương Bồ Tát từ vô lượng kiếp cho đến nay đã không ngừng nghỉ hóa độ, giải thoát cho chúng sanh.  Ngài đã giữ vững thời thệ nguyện ngày nào.  Công quả đó xứng đáng chứng được trái tim Bồ Đề."
3.  Nhận thức nhiệp duyên của chúng sanh
Lúc này, mẹ của đức Phật Thích Ca là bà Ma Gia phu nhân cung kính chấp tay hỏi Địa Tạng Vương Bồ Tát rằng: "Thưa thánh giả, mỗi một chúng sanh trong Diêm Phù Đề thế giới khi tạo ra tội nghiệp, ác nghiệp đều không giống nhau, sau này họ sẽ lãnh những sự báo ứng như thế nào?"
Địa Tạng Vương Bồ Tát trả lời: "Trong ngàn vạn thế giới có nơi có địa ngục, có nơi không có địa ngục.  Có nơi có phụ nữ, có nơi không có phụ nữ.  Có nơi có Phật pháp, cũng có nơi không có Phật pháp.  Sự báo ứng ở cõi địa ngục vì vậy cũng không giống nhau."
Ma Gia phu nhân lại hỏi tiếp: "Tôi thật lòng muốn nghe để biết trong Diêm Phù Đề thế giới, một khi chúng sanh phạm phải ác nghiệp thì sẽ cảm ứng để nhận những ác báo như thế nào?"
Địa Tạng Vương Bồ Tát trả lời Phật mẫu rằng: "Trong cõi Nam Diêm Phù Đề, chúng sanh sẽ nhận chịu những tội hình như thế này.
Nếu như chúng sanh nào không hiếu thuận, thậm chí còn sát hại đến bậc sinh thành thì lập tức họ sẽ rơi vào trong Vô Gián địa ngục, trải qua trăm ngàn vạn ức kiếp mà không bao giờ thoát ra khỏi chốn này.
Nếu như có chúng sanh nào làm chảy máu Phật, hủy hoại, phỉ báng Tam Bảo, không cung kính với kinh sách của Phật cũng sẽ lập tức rơi vào Vô Gián địa ngục trải qua trăm ngàn vạn ức kiếp vẫn không thoát ra được.
Nếu như có chúng sanh nào xâm chiếm hủy hoại nơi tăng ni thường trú, phá hoại khung cảnh tu hành của tăng ni khiến họ không thể giữ được giới luật.  Hoặc gian dâm, sát hại tăng chúng trong chùa chiền, miếu tự thì những người này sẽ lập tức rơi vào Vô Gián địa ngục.
Nếu như có chúng sanh nào giả dạng kẻ tu hành mà thâm tâm lại không giữ gìn giới luật, hủy hoại nơi chốn thanh tịnh, lại gạt gẫm những người tu tại gia, thì họ sẽ lập tức rơi vào Vô Gián địa ngục mà không bao giờ thoát ly ra được.
Nếu như có chúng sanh nào trộm cắp tài sản, gạo, thực phẩm, y phục, hoặc là một vật nào của nơi chốn thờ phượng, mà không được phép của chủ nhân thì cũng sẽ lập tức rơi vào Vô Gián địa ngục mà không bao giờ thoát ly ra được.
Chúng sanh vào phạm vào năm khoản tội nghiệp trên thì phải chịu sự cảm ứng trụy lạc vào chốn địa ngục để nhận lãnh cực hình đau khổ cho thân xác.  Dầu muốn tạm thời đình chỉ sự đau khổ dù chỉ trong một giây phút cũng không thể nào có được."
Ma Gia phu nhân lại hỏi Địa Tạng Vương Bồ Tát rằng: "Thưa thánh giả, những địa ngục đó tại sao có tên là Vô Gián địa ngục?"
Địa Tạng Vương Bồ Tát trả lời: "Thưa Phật mẫu, tất cả những địa ngục đều nằm trong dãy núi Thiết Vi.  Trong đó có 18 tầng địa ngục lớn, sau đó còn có 500 tầng địa ngục nhỏ hơn, kể tiếp theo là hàng ngàn tầng địa ngục nhỏ hơn nữa.  Mỗi một tầng địa ngục này đều có danh xưng không giống nhau.
Nói đến Vô Gián địa ngục, đó là một ngục thành có chu vi dài hơn 8 vạn dặm, tường cao 1 vạn dặm, tất cả đều được tạo dựng bằng sắt.  Trên thành lửa cháy rực trời.  Bên trong ngục thành, mỗi một địa ngục đều dính liền với nhau thành một chuỗi, nhưng lại có danh xưng không giống nhau.  Trong đó có một nơi gọi là Vô Gián.  Địa ngục này có chu vi 1 vạn 8 ngàn dặm, tường cao 1 ngàn dặm, từ phía dưới thành có lửa cháy sáng rực lên đến đầu thành.  Trên đầu thành còn có những con chó sắt, rắn sắt liên tục phun lửa để canh gác những tội nhân.  Với cách bố trí như vậy quả thật không một tội nhân nào có thể trốn thoát được.  Sàn hỏa ngục này rộng lớn đến trăm ngàn dặm vuông.  Những tội nhân sẽ tự thấy thân thể của họ hóa thành trăm ngàn hình hài nằm lăn lộn chịu khổ ải trên sàn hỏa ngục này.  Đó là sự báo ứng do nghiệp quả của họ gây ra trước kia.
Đó là cảnh quả báo trong Vô Gián địa ngục, có nghĩa là chịu sự khổ ải không ngừng nghỉ, không gián đoạn.
Thế nào gọi là năm loại Vô Gián?  Thứ nhất là ngày đêm không ngừng nghỉ chịu sự khổ ải.  Thứ hai là khi họ thọ hình phạt, thì thân hình họ sẽ bị hóa thành trăm ngàn vạn hình hài cùng chịu cảnh dày vò thân xác.  Thứ ba là những hình cụ dùng để xử tội rất là đầy đủ.  Những dao nhọn, dùi đụt, chim sắt, chó sắt, mãng xà sắt, cưa to, cối lớn đều là những thứ công cụ dùng để hành hạ thân xác những kẻ thọ hình.  Lại còn có những hình phạt khác như lăng trì, lóc thịt, lột da, chặt đầu.  Cũng có hình phạt như chảo dầu, lưới sắt, v.v...  Đôi khi còn có những con ngựa sắt dùng móng nhọn dày xéo lên thân xác tội nhân.  Cũng có kẻ còn bị dạ xoa chế sắt nóng chảy lên người.  Khi tội nhân đói sẽ bị đút vào miệng những viên đạn sắt nóng bỏng.  Khi họ khát sẽ bị đổ vào miệng những muỗng dầu sôi.  Nói chung thì sự đau khổ của họ không hề gián đoạn.  Thứ tư là không phân biệt nam, nữ, phụ lão, ấu, sang hèn hay ngay cả thiên long quỷ thần, nếu như do sự cảm ứng của tội nghiệp thì cũng đều chịu chung một hình phạt đồng đều ngang nhau.  Thứ năm là trong Vô Gián địa ngục mỗi một ngày đêm đều có vạn lần sinh, vạn lần tử.  Ngay cả một giây phút nghỉ ngơi cũng không có.  Chỉ trừ khi thụ xong nghiệp báo rồi thì mới có thể đầu thai sinh ra cõi khác.  Vô Gián địa ngục đại khái có những cảnh tượng như vậy.  Nếu như tỉ mỉ chi tiết để diễn tả thì có thể cả một kiếp cũng không thể nào nói cho hết được."
Ma Gia phu nhân sau khi nghe xong lời giải thích của Địa Tạng Vương Bồ Tát, bà thở dài cảm thương cho số phận của những chúng sanh đang chịu cảnh khổ ải đó rồi chấp tay đảnh lễ, từ tạ ngài trở về chỗ ngồi.
4.  Nghiệp cảm của chúng sanh Diêm Phù Đề thế giới
Lúc này, Địa Tạng Vương Bồ Tát thưa với Phật rằng: "Lạy đức Thế Tôn, con xưa nay nhờ uy đức thần lực của ngài mà có thể phân thân đến trăm ngàn vạn ức thế giới để cứu độ vô số chúng sanh đang thọ nghiệp báo mà phải chịu khổ trong vòng địa ngục.  Nếu như không nhờ đại từ lực của Như Lai thì con cũng không thể nào phân thân ra như vậy được.  Bây giờ, con lại được ngài giao phó trọng trách cứu độ chúng sanh trong lục đạo thoát khỏi biển khổ luân hồi từ nay cho đến ngày Phật Di Lặc ra đời.  Thưa Thế Tôn, con nhất định sẽ phụng theo ý chỉ của ngài, xin Thế Tôn đừng ưu tư."
Phật nói với Địa Tạng Vương Bồ Tát rằng: "Tất cả những chúng sanh chưa được giải thoát đều có tâm tính bất định, cho nên lúc nào cũng có thể tạo ra ác nghiệp.  Vì vậy mà những chúng sanh này cứ tiếp tục lẩn quẩn trong năm cõi luân hồi.  Chúng sanh đã trải qua nhiều chướng ngại mê hoặc của vô số tiền kiếp, cũng như cá lọt vào vòng lưới bủa vây và vẫn cứ tưởng là đang bơi lội trong dòng nước tự do.  Hoặc là khi họ vừa thoát khỏi vòng lưới đó rồi trong chớp mắt lại tiếp tục rớt trở lại mà vô phương giải thoát.  Ta ưu tư là vì còn rất nhiều chúng sanh ương ngạnh không chịu thuần hóa tâm tánh.  Nhưng bây giờ con thệ nguyện sẽ tiếp tục hoàn thành sứ mạng giải thoát cho những chúng sanh tạo nghiệp này thì ta đâu còn gì để ưu tư nữa."
Lúc này có một vị Định Tự Tại Vương Đại Bồ Tát bước ra thưa với Phật rằng: "Thưa Thế Tôn, bây giờ con muốn biết Địa Tạng Vương Bồ Tát trong muôn ngàn kiếp quá khứ đã phát những tâm nguyện nào?  Nhờ sự tán thán của ngài mà con mới biết được người có tâm địa Bồ Đề, xin Thế Tôn hãy vì chúng sanh mà nói cho chúng con được rõ những hằng nguyện của vị Địa Tạng Vương Bồ Tát này."
Phật Thích Ca đáp lời: "Các ngươi hãy lắng nghe, hãy dùng ý niệm tư duy suy nghĩ, ta sẽ phân giải lời hằng nguyện của Địa Tạng Vương Bồ Tát cho các ngươi được rõ.
Muôn ngày kiếp trước, có một vị Phật danh hiệu Nhất Thiết Trí Thành Tựu Như Lai, thọ mệnh của vị Phật này là sáu vạn kiếp.  Trước khi xuất gia, ngài là quốc vương của một nước nhỏ.  Nước láng giềng của ông ta cũng có một vị quốc vương.  Hai vị quốc vương của hai nước này vốn là bạn thâm giao và cùng tu trì Thập Thiện Tịnh Hạnh để nguyện cầu lợi ích cho chúng sanh của hai nước.
Dân chúng sống trong hai quốc gia nhỏ này thường tạo nhiều ác nghiệp.  Vì vậy mà hai quốc vương mới họp lại để nghiên cứu kế sách.  Họ thảo luận nhiều phương thức, tạo nhiều điều kiện thuận lợi để dân chúng làm điều lành bỏ điều ác.  Một vị quốc vương mới phát nguyện rằng: "Tôi cố công tu hành để chóng thành Phật, sau khi thành Phật rồi thì tôi sẽ cố gắng cứu độ tất cả nhân dân trong nước được thành Phật, không để sót một người nào cả."  Vị quốc vương kia thì lại phát nguyện rằng: "Nếu như tôi không độ được tất cả những chúng sanh đã tạo ác nghiệp và đang chịu nghiệp báo ở địa ngục thì tôi nguyện không thành Phật."
Sau này vị quốc vương phát nguyện muốn nhanh chóng thành Phật quả nhiên trở thành Nhất Thiết Trí Thành Tựu Như Lai, còn vị quốc vương muốn độ tất cả chúng sanh trước rồi mới chịu thành Phật chính là ngài Địa Tạng Vương Bồ Tát này đây.
Cũng từ nhiều kiếp trước, đó có một vị Phật ra đời có Phật hiệu là Thanh Tịnh Liên Hoa Mục Như Lai.  Vị Phật này có thọ mệnh là bốn mươi kiếp.
Trong thời gian mà Thanh Tịnh Liên Hoa Mục Như Lai được phụng thờ trên thế gian thì có một vị A la hán đã chứng được quả vị.  Vì A la hán này thường ngày nhận sự cúng dường của chúng sanh.  Những chúng sanh lúc đó hết lòng tin tưởng vào ngài và thường được sự chỉ diểm giải đáp, giáo hóa cho nên rất nhiều người đã một lòng hướng Phật.
Một hôm ông tiếp nhận sự cúng dường của một thiếu nữ tên là Quang Mục.  Thiếu nữ dâng thực phẩm cúng dường lên cho ngài và thưa rằng: "Khi mẹ con qua đời, con có lập mâm chay cúng dường chư Phật, và cũng đồng thời xuất tiền kho bố thí kẻ nghèo và tu sửa đường xá để tích phước và chuộc những lỗi lầm của mẹ con đã làm trước đây.  Nhưng con vẫn không biết là mẹ con hiện nay đã được giải thoát và đã đi đầu thai nơi nào hay chưa?"
Vì A la hán nhìn thiếu nữ Quang Mục với ánh mắt thương xót.  Sau đó ngài đã nhập định và sử dụng thần thông huệ nhãn để nhìn khắp cõi địa ngục.  Ngài đã bắt gặp cảnh tượng mẹ của nàng Quang Mục đang chịu khổ ải đày đọa dưới địa ngục.  Vị A la hán mới hỏi nàng Quang Mục rằng: "Trước kia chẳng hay mẹ con có làm điều gì tàn nhẫn, thất tâm không?"
Nàn Quang Mục trả lời: "Mẹ của con lúc sinh tình thích ăn cá tôm và đồ hải sản.  Đặc biệt là bà rất thích ăn trứng cá tươi.  Vì vậy lúc sinh tiền có nhiều loại cá đã bị bà giết để ăn thịt và trứng.  Kính xin tôn giả rủ lòng thương cứu vớt mẹ của con."
Vị A la hán cảm động trước tấm lòng hiếu thuận của nàng Quang Mục cho nên ngài mới nghĩ ra một phương pháp: "Con hãy về nhà thành tâm niệm Phật hiệu của Thanh Tịnh Liên Hoa Mục Như Lai.  Đồng thời trong nhà con họa hình tượng của ngài để sớm hôm cung kính tôn thờ.  Như vậy có thể giúp ích rất nhiều cho những linh hồn đã qua đời và ngay cả những người còn sống nữa."
Nàng Quang Mục nghe theo lời của vị A la hán.  Nàng về nhà bán bớt những trang sức và nhờ thợ khắc vẽ hình tạc tượng của Phật, để vào một nơi trang nghiêm thanh tịnh.  Hàng ngày nàng thành tâm cúng dường Như Lai và sớm hôm đảnh lễ để mong chuộc được lỗi lầm ngày xưa của mẹ nàng gây ra.
Một hôm nọ sau khi cúng dường xong, tượng Phật trong nhà nàng bỗng tỏa ra hào quang rực rỡ.  Đức Phật hiện thân ngự trên tòa hoa sen nói với nàng rằng: "Mẹ của con nhờ sự cúng dường và tu nhân tích đức của con cho nên chẳng bao lâu sau sẽ đầu thai thành người và sẽ được hạ sinh trở lại trong gia đình con.  Khi đứa bế vừa biết được cảm giác nóng lạnh, đói no thì sẽ biết nói chuyện được như người lớn."
Tuy nhiên mẹ cũng chỉ sống được 13 năm rồi sẽ trở về địa ngục tiếp tục chịu những sự khổ ải.  Vậy con gắng tìm xem có phương pháp nào để giải thoát cho mẹ được hay không?  Mẹ rất sợ phải trở lại địa ngục A Tỳ."
Nàng Quang Mục nghe đứa bé xong thì nghẹn ngào nói rằng: "Mẹ đã được đầu thai trở lại cõi thế, thì có lẽ mẹ cũng đã hiểu được nguyên do tội lỗi ngày trước như thế nào rồi chứ gì?"
Đứa bé sơ sinh trả lời rằng: "Mẹ có hai cái tội rất nặng là nghiệp sát sinh và phỉ báng Tam Bảo, vì vậy nên mới bị đày ải nơi chốn địa ngục.  Nhờ con có lòng từ bi, một lòng hướng Phật, chứ nếu không thì chắc mẹ không bao giờ được giải thoát."
Nàng Quang Mục mới hỏi mẹ những sự báo ứng dưới cõi địa ngục thì đứa bé trả lời rằng: "Tựu trung là rất ư đau khổ.  Nếu kể ra thì cả ngàn năm cũng không thể kể cho hết được, mẹ cũng không muốn nhắc tới làm gì."
Nàng Quang Mục nghe xong lời đứa bé thì ứa nước mắt, nàng chắp tay nhìn về hướng không trung van vái rằng: "Con thành tâm van vái, nguyện xin cho mẹ của con sau khi sống hết 13 năm trên cõi trần thế sẽ vĩnh viễn không phải trở vào địa ngục. Xin thập phương chư Phật rủ lòng thương xót.  Con xin phát lời thề nguyện như thế này: Nếu như mẹ con được vĩnh viễn thoát ly được ba đường ác đạo, và không đầu thai sinh làm kiếp tôi đòi thì trong kiếp này và muôn ngàn kiếp lai sinh con nguyện sẽ cứu độ tất cả chúng sanh trong tất cả ba ngàn thế giới, trong cõi địa ngục, và ba đường ác đạo.  Nếu như tất cả chúng sanh đều được thành Phật và cõi địa ngục đã trống không thì con mới nguyện trở thành chánh giác."
Nàng Quang Mục vừa dứt lời thệ nguyện thì nàng lập tức nghe văng vẳng bên tai đức Phật Thanh Tịnh Liên Hoa Mục Như Lai nói với nàng rằng: "Này Quang Mục, chư Phật mười phương rất cảm động vì lời thệ nguyện của con.  Ta đã thấy trước mẹ của con sau 13 năm chịu sống dưới số kiếp tôi đòi thì sẽ đầu thai trở thành một vị quan lớn và hưởng thọ trăm tuổi.  Sau khi thọ xong nghiệp báo này sẽ đầu thai vào nước Vô Ưu, nơi đó con người có thọ mệnh rất dài, sau đó sẽ được chư Phật dìu dắt trở thành chánh giác để phổ độ chúng sanh của ba ngàn thế giới."
Kể xong câu chuyện này, Phật Thích Ca quay sang Định Tự Tại Vương Bồ Tát và nói rằng: "Vị A la hán đã chỉ điểm cho nàng Quang Mục phương pháp cứu mẹ bây giờ đã chứng đạt được quả vị Vô Tận Ý Bồ Tát.  Mẹ của nàng Quang Mục hiện nay là Giải Thoát Bồ Tát.  Còn nàng Quang Mục hiếu thuận và đã phát lời trọng thệ phổ độ chúng sanh muôn ngàn kiếp trước chính là Địa Tạng Vương Bồ Tát này đây.
Địa Tạng Bồ Tát từ muôn ngàn kiếp trước đã mở lòng từ bi, hiếu thuận phát lời đại nguyện.  Trong thế giới vị lai, nếu như có người nào không chịu làm điều thiện mà chỉ biết tạo ác nghiệp và không tin vào nhân quả, nếu như có người làm điều tàm dâm, vọng ngữ, ác khẩu, bày chuyện thị phi, phỉ báng kinh điển Đại Thừa, thì chúng sanh tạo nhiều ác nghiệp àny sẽ bị trụy lạc vào ba cõi ác đạo.  Nhưng nếu gặp được người ngay, kẻ hiền chỉ điểm, những chúng sanh nào trong tức khắc phát được Bồ Đề tâm, quy y thuần phục Địa Tạng Vương Bồ Tát thì chúng sanh đó sẽ tức khắc được giải thoát khỏi ba đường ác đạo.
Nếu như chúng sanh nào hàng ngày cung kính lễ bái, tán thán công đức của ngài và dùng hương hoa hay món ngon vật lạ để cúng dường ngài thì người đó trong muôn ngàn kiếp vị lai sẽ được sinh ra trong cõi thiên giới.  Sau khi thọ hết phúc phần trên thiên giới mà đầu thai vào nhân gian thì cũng được sinh ra trong gia đình vua chúa, công hầu.  Đồng thời những người này cũng sẽ còn giữ được cái ký ức về nhân quả trong vô số tiền kiếp của họ.
Này Định Tự Tại Vương Bồ Tát, Địa Tạng Vương Bồ Tát đã có đại uy thần lực rộng lớn không thể tưởng tượng này để cứu độ chúng sanh như vậy, ta mong rằng chư vị Bồ Tát nên ghi nhớ quyển Địa Tạng Vương Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh này để có thể tuyên dương và truyền bá rộng rãi cho mỗi chúng sanh noi theo đó mà tu hành."
Định Tự Tại Vương Bồ Tát thưa với Phật Thích Ca rằng: "Thưa Thế Tôn, xin ngài đừng ưu tư.  Chúng con nhất quyết nhờ vào Phật uy thần lực để truyền tụng bộ kinh này dưới cõi Diêm Phù Đề để tạo lợi ích cho chúng sanh."
Định Tự Tại Vương Bồ Tát thưa xong, ngài chấp tay cung kính lui ra.
Lúc này Tứ Đại Thiên Vương cũng từ chỗ ngồi đứng dậy, bốn vị chấp tay thưa với Phật rằng: "Thưa Thế Tôn, Địa Tạng Vương Bồ Tát từ muôn ngàn kiếp trước đã phát lời trọng thệ này.  Nhưng tại sao mãi cho đến bây giờ vẫn còn chưa độ hết được tất cả chúng sanh?  Đến bây giờ ngài lại phải phát lời trọng thệ nữa, xin Thế Tôn giải thích cho chúng con được biết."
Phật Thích Ca trả lời bốn vị Thiên Vương rằng: "Tốt lắm, điều này đối với các con cũng như chúng sanh trong những kiếp vị lai đều có rất nhiều ích lợi.  Bây giờ để ta nói cho các ngươi rõ tất cả những phương pháp mà Địa Tạng Vương Bồ Tát sẽ phải dùng đến trong khi cứu độ chúng sanh của Ta Bà thế giới.
Địa Tạng Vương Bồ Tát từ vô số kiếp tới nay đã độ thoát được không biết bao nhiêu chúng sanh thọ khổ vì bị nghiệp báo.  Nhưng cho đến bây giờ vẫn chưa thể hoàn thành lời phát nguyện lớn lao kia là vì tâm của ngài còn thương xót cho chúng sanh chịu nhiều khổ ải.  Ngài đã thấy rằng trong vô số kiếp vị lai, những chúng sanh vì nghiệp báo nhân quả còn liên miên không dứt, cho nên ngài phải lập thêm lời trọng thệ để cứu độ chúng sanh.  Vì vậy mà Địa Tạng Vương Bồ Tát ở cõi Diêm Phù Đề của Ta Bà thế giới đã phải dùng trăm ngàn phương tiện ở những hóa thân để dạy bảo và cứu độ chúng sanh.
Địa Tạng Vương Bồ Tát khi gặp phải những kẻ sát sinh thì ngài sẽ dạy họ rằng: "Không nên hại mạng sát sanh, nếu không thì các ngươi sẽ phải chịu sự báo ứng chết non, chết yểu."
Nếu như gặp phải những phường trộm đạo, thì ngài sẽ dạy họ rằng: "Không nên hành nghề trộm cắp bất lương, tội này sẽ bị sự báo ứng trở thành nghèo khổ trong nhiều kiếp."
Nếu như gặp phải kẻ tà dâm thì ngài sẽ dạy họ rằng: "Không nên gian dâm kẻ khác, nếu không thì sẽ bị báo ứng đầu thai trở thành chim chóc ở kiếp lai sinh."
Nếu như gặp phải những người miệng mồm độc địa thì ngài sẽ dạy họ rằng: "Không nên chửi bới người khác, nếu không thì sẽ bị sự báo ứng về những chuyện bất hòa, tranh cãi trong vòng thân thuộc."
Nếu như gặp phải những người hay phỉ báng kẻ khác thì ngài sẽ dạy họ rằng: "Không nên phải bán người khác, nếu không sẽ bị chứng câm điếc hoặc bị lỡ mồm."
Nếu như gặp phải những người có lòng sân dễ hay phát sinh nóng giận thì ngài sẽ dạy họ rằng: "Không nên nóng giận thù ghét người khác, nếu không thì kiếp lai sinh sẽ sinh ra với dung mạo rất xấu xí hoặc bị tàn phế."
Nếu gặp phải những người keo kiết, bủn xỉn thì ngài sẽ dạy bảo họ rằng: "Không nên keo kiết, bủn xỉn, nếu không thì ước nguyện trong đời sẽ không bao giờ được thành toại."
Nếu gặp những người ăn uống phung phí không có mức độ thì ngài sẽ dạy họ rằng: "Ăn uống phải giữ chừng mực, nếu không thì sau này sẽ bị quả báo về đói khát, hoặc bị bệnh yết hầu đau đớn."
Nếu như gặp những kẻ săn bắn sát sinh thì ngài sẽ dạy họ rằng: "Đừng nên săn bắt sát sinh bừa bãi, nếu không thì sẽ phải chịu báo ứng giật mình, hồi hộp đến uổng mạng."
Nếu như gặp người không hiếu thuận với cha mẹ thì ngài sẽ dạy họ rằng: "Phải nên hiếu thảo với cha mẹ, nếu không bị trời tru đất diệt, gặp phải báo ứng về nạn nước, lửa, thiên tai."
Nếu như gặp những kẻ phá phách đốt rừng thì ngài sẽ dạy họ rằng: "Không nên nổi lửa đốt rừng, nếu không thì sẽ bị mất trí điên cuồng, hoặc sinh ra loạn trí tự sát."
Nếu như gặp những kẻ thường xuyên hành hạ con ghẻ, con nuôi thì ngài sẽ dạy họ rằng: "Không nên sinh lòng đố kỵ, tàn nhẫn như vậy, nếu không thì kiếp lai sinh sẽ bị báo ứng về nạn roi vọt."
Nếu như gặp những kẻ gài bẫy bắt chim, dùng lưới bắt cá thì ngài sẽ dạy họ rằng: "Không nên lưới chim bắt cá, nếu không thì sẽ bị báo ứng về cảnh cốt nhục phân ly."
Nếu như gặp những kẻ phỉ báng Tam Bảo, thì ngài sẽ dạy họ rằng: "Không nên phỉ báng Tam Bảo, nếu không thì sẽ bị báo ứng trở thành đui mù, câm điếc."
Nếu như gặp những kẻ khinh mạn Phật pháp, thì ngài sẽ dạy họ rằng: "Không nên khinh mạn Phật pháp, nếu không sẽ bị quả báo vĩnh viễn đầu thai trong ba đường ác đạo."
Nếu như gặp những kẻ thường xuyên phá hoại tài sản kẻ khác thì ngài sẽ dạy họ rằng: "Không nên làm như vậy, nếu không thì sẽ bị quả báo vô lượng kiếp luân hồi trong địa ngục."
Nếu như gặp những kẻ xâm phạm tiết hạnh hoặc vu khống người xuất gia thì ngài sẽ dạy họ rằng: "Không nên làm như vậy, nếu không sẽ bị quả báo đời đời kiếp kiếp đầu thai ở cõi súc sinh."
Nếu như gặp phải những kẻ dùng nước sôi lửa bỏng sát sinh thì ngài sẽ dạy họ rằng: "Không nên làm như vậy, nếu không thì sẽ bị quả báo luân hồi đền mạng."
Nếu như gặp phải những kẻ tu hành phá giới thì ngài sẽ dạy họ rằng: "Không nên phá giới, nếu không sẽ bị nghiệp báo trở thành cầm thú."
Nếu như gặp những kẻ vô lối hủy hoại vật dụng của người khác thì ngài sẽ dạy họ rằng: "Không nên làm như vậy, nếu không sẽ bị báo ứng suốt đời chịu cảnh nghèo túng."
Nếu như gặp những kẻ kiêu căng ngạo mạn thì ngài sẽ dạy họ rằng: "Không nên kiêu căng, ngạo mạn, nếu không sẽ bị báouwnsg làm kiếp tôi đòi bị kẻ khác sai khiến."
Nếu như gặp những kẻ thường xuyên ly gián, bày chuyện thị phi thì ngài sẽ dạy họ rằng: "Không nên làm như vậy, nếu không sẽ bị báo ứng trở thành thụt lưỡi hoặc bị đớt lưỡi."
Nếu như gặp những kẻ tâm tính không được ngay thẳng thì ngài sẽ dạy họ rằng: "Không nên làm việc trái chánh nghĩa như thế, nếu không sẽ bị đầu thai sinh ra ở chốn hoang dã."
Trên đây đại khái là những ác nghiệp mà chúng sanh trong Diêm Phù Đề thế giới thường hay làm và những nghiệp báo ứng.  Những nghiệp báo ứng tùy theo trình độ, nặng nhẹ khác nhau.  Địa Tạng Vương Bồ Tát sẽ dùng tất cả mọi phương pháp để giáo hóa cho chúng sanh.
Những chúng sanh tạo những nghiệp này sau khi đã thọ xong quả báo còn phải chịu sự đày ải dưới địa ngục.  Vì vậy các ngươi lúc nào cũng nên bảo vệ chúng sanh và đất nước, đừng dung dưỡng những chúng sanh tạo nghiệp này làm những điều ác."
Tứ Đại Thiên Vương nghe lời căn dặn của Phật Thích Ca Mâu Ni xong, bốn vị đều sụt sùi rơi lệ, cung kính chấp tay lui ra.
5.  Danh hiệu những địa ngục
Lúc này, Phổ Hiền Bồ Tát, đại đệ tử của Phật Thích Ca bèn nói với Địa Tạng Vương Bồ Tát rằng: "Thánh giả, xin ngài hãy vui lòng giảng cho thiên, long, chư thần, tứ đại thiên vương, và tất cả những chúng sanh của hiện tại, tương lai nghe và biết được danh mục của những địa ngục và những sự báo ứng mà chúng sanh của Ta Bà thế giới và Nam Diêm Phù Đề phải hứng chịu.  Như vậy thì chúng sanh chưa từng nghe biết về Phật pháp sẽ biết được những sự việc quả báo như vậy mà tự răn mình."
Địa Tạng Vương Bồ Tát trả lời: "Xin vâng, tôi dựa vào uy lực thần thông của Phật và lực lượng của đại sĩ, xin kể ra đây một số danh xưng của địa ngục và những tình trạng báo ứng bên trong như sau.
Phía Đông của Diêm Phù Đề thế giới có một vùng tăm tối không thấy ánh sánh được gọi là Thiết Vi Sơn.  Trong đó có một đại địa ngục tên là Cực Vô Gián.  Bên trong Cực Vô Gián có một địa ngục tên là Đại A Tỳ.  Bên trong Đại A Tỳ còn có những cõi địa ngục như Phỉ Đao, Hỏa Tiễn, Xe Sắt, Giường Sắt, Trâu Sắt, Ngục Sắt, Bào Lạc, Hỏa Ngục, Dầu Sôi, Rút Lưỡi, Chặt Đầu, Đốt Chân, Móc Mắt, và còn nhiều vô số kể.  Thưa Bồ Tát, trong dãy núi Thiết Vi này có vô số những địa ngục như vậy.
Lại còn đó những cõi địa ngục khác như Hầm Phân, Xiềng Xích, Voi Lửa, Chó Lửa, Ngựa Lửa, Cưa Răng, Lột Da, Uống Máu, Đốt Tay, Đốt Chân, v.v... Trong những địa ngục này lại còn có những địa ngục nhỏ khác với nhiều danh xưng khác nhau.  Thưa Bồ Tát, trong cõi Nam Diêm Phù Đề thế giới, vì chúng sanh tạo ra quá nhiều nghiệp ác mà phải chịu sự cảm ứng thụ hình phạt như vậy.  Tội ác này nếu chất chồng lên thì đo cao hơn dãy núi Tu Di, rộng hơn muôn ngàn bể cả.  Vì vậy mà làm chướng ngại sự tu hành trong thánh đạo.  Chúng sanh cũng đừng nên xem thường những điều tiểu ác, đừng cho rằng những việc ác nho nhỏ là không đáng kể, không đáng tội.  Chỉ sau khi chết thì sự báo ứng mới rõ ràng và không một mảy may chênh lệch.  Ngay cả chí thân như cha con, chồng vợ mà đến chết cũng sẽ phải chịu những nghiệp báo riêng biệt.  Không một ai có thể hứng chịu thay thế cho ai được cả.  Tôi nay nhờ hưởng được uy quyền thần lực của đức Phật mà có thể đại khái nói rõ tình trạng báo ứng bên trong những địa ngục này như vậy."
Phổ Hiền Bồ Tát tiếp lời rằng: "Từ lâu nay tôi đã biết qua sự quả báo trong tam ác đạo rất nặng nề.  Tôi hy vọng rằng những lời Bồ Tát chỉ điểm hôm nay có thể khiến cho chúng sanh trong vị lai thế giới, trong thời mạt pháp sẽ sợ hãi mà tránh bớt những điều tội lỗi và phát tâm quy y Tam Bảo để khỏi phải chịu những cảnh khổ ải báo trong tam ác đạo này."
Địa Tạng Vương Bồ Tát trả lời rằng: "Thưa thánh giả, những hình phạt về tội báo tại địa ngục xảy ra như thế này đây.  Hoặc là lưỡi của tội nhân bị kéo ra xỏ vào cái cày cho trâu kéo; hoặc là tim của tội nhân bị móc ra cho dạ xoa, ác quỷ ăn; hoặc là những tội nhân bị liệng vào chảo dầu đang nung sôi sùng sục; hoặc là những tội nhân bị cột vào những cột đồng mà bên trong có bỏ than hồng nóng bỏng; hoặc là những tội nhân bị liệng vào những đống lửa đang cháy.  Cũng có những tội nhân bị đặt vào hầm nước đá lạnh buốt xương, cũng có người bị ngâm vào hầm phân hôi thúi cùng cực; hoặc có người bị đặt vào hầm đầy sâu bọ nhung nhúc.  Khổ hơn nữa là có những cực hình như xiên thân người qua những mũi giáo mác nhọn và nóng bỏng; cũng có người bị đốt tay, chặt chân, cũng có người bị những con mãng xà bằng sắt quấn cổ, bị chó sắt rượt đuổi chí mạng.
Thưa thánh giả, những tội báo kể trên đều được thực hiện ở hầu hết các cõi địa ngục.  Những loại hình cụ được dùng trong những địa ngục này đều được chế tạo bằng sắt, đồng, đá, lửa.  Những loại sắt, đồng, đá, lửa này đều là quả báo chieue dụ đến từ những ác nghiệp của chúng sanh.  Ở trong mỗi một tầng địa ngục đều có đủ trăm ngàn loại hình phạt đau khổ như vậy, huống hồ gì còn có hằng hà sa số địa ngục trong các cõi luân hồi của thập phương thế giới.  Tôi nay nhờ hưởng được thần uy lực lượng của đức Phật và chư vị Bồ Tát cho nên mới đại khái trình bày những tình trạng về tội hình xảy ra trong những tầng địa ngục.  Còn nếu như muốn tường tận chi tiết để kể cho rõ nét thì có tốn đến một kiếp cũng không thể nào diễn tả cho hết được."
6.  Như Lai tán thán
Lúc này, toàn thân của Phật Thích Ca tỏa ra muôn vạn hào quang, chiếu sáng cùng khắp trăm ngàn vạn ức vô lượng thế giới.  Ngài phát ra đại âm thanh trầm hùng để nói cùng tất cả những vị Bồ Tát, các thiên, long, quỷ, thần, loài người và các giới khác rằng: "Hôm nay, ta đã tuyên dương và tán thán công đức của Địa Tạng Vương Bồ Tát.  Bây giờ các ngươi đã hiểu thấu được rằng trong thập phương thế giới này đã xuất hiện nguồn uy thần từ lực mạnh mẽ không thể tưởng tượng để cứu vớt tất cả những tội khổ của chúng sanh.  Sau khi ta diệt độ, ta hy vọng rằng chư vị Bồ Tát, thiên long, quỷ, thần, hãy tận lực chăm sóc và bảo vệ cho quyển kinh Địa Tạng Vương Bồ Tát này được truyền đạt đến tất cả chúng sanh để mọi người đều có thể chứng ngộ được sự bất diệt và được giải thoát lên cõi Niết bàn."
Lúc này, trong hội có một vị Phổ Quảng Bồ Tát đã chấp tay cung kính nói với Phật rằng: "Thưa Thế Tôn, hôm nay nghe lời của ngài tán thán đại uy thần lực của Đại Tạng Vương Bồ Tát.  Con cũng xin ngài hãy vì chúng sanh của những kiếp vị lai thời mạt pháp mà thuyết giảng về những sự việc lợi ích và nhân quả trong việc cúng dường ngài Địa Tạng Vương Bồ Tát.  Chư vị thiên, long, quỷ, thần và tất cả chúng sanh trong những kiếp vị lai nhờ vậy sẽ thấu hiểu hơn, và sẽ càng tin lời của ngài dạy bảo hơn."
Đức Phật Thích Ca gật đầu nói với đại chúng: "Các ngươi hãy lắng nghe đây, ta sẽ nói một số việc mà Địa Tạng Vương Bồ Tát sẽ làm để tạo phúc, tạo lợi ích cho chúng sanh.
Trong những kiếp vị lai, nếu như có người nghe đến tên của Địa Tạng Vương Bồ Tát mà cung kính chấp tay, tán thán uy đức, lễ bái, hoặc có lòng ngưỡng mộ thì người đó  sẽ được siêu việt qua khỏi 30 kiếp tội nghiệp.  Nếu như có người nào vẽ hoặc in tranh ngài trên giấy, trên gấm vóc, hoặc tạc tượng của ngài bằng đất, gỗ, hoặc nung đúc tượng của ngài bằng bạc, đồng, để chiêm ngưỡng lễ bái, thì người đó sẽ được hơn trăm lần lên sống ở cõi Tam Thập Tam Thiên mà không bị trụy lạc vào đường ác đạo.  Sau khi người này hưởng hết phúc phần tại thiên giới rồi sẽ đầu thai trở lại làm người cũng sẽ được sinh vào gia đình vua, chúa, không mất đi những điều lợi ích của công đức mà họ đã làm lúc trước.
Nếu như những người sinh ra trong thân phận nữ giới mà muốn kiếp sau được đổi thân phận, thì họ nên thành tâm cúng dường trước tượng hoặc tranh vẽ của Địa Tạng Vương Bồ Tát và hàng ngày nghiêm chỉnh khấn nguyện.  Hoặc giả có thể dâng hương đăng, hoa quả, y phục, kỳ phướng lên lễ bái cúng thì họ sẽ nhận được công đức hồi hướng của Địa Tạng Vương Bồ Tát.  Trừ phi người phụ nữ này từ bi phát nguyện muốn thụ giới trở lại số kiếp phụ nữ để phổ độ chúng sanh, còn bằng không thì dù trải qua trăm ngàn vạn kiếp họ cũng không luân hồi trở lại thân phận người phụ nữ.
Nầy Phổ Quảng, nếu như có người phụ nữ nào sinh ra trong hình hài xấu xí, lại mang thêm nhiều tật bệnh, thì họ lại cần phải tôn thờ và cúng dường Địa Tạng Vương Bồ Tát.  Chỉ cần công quả ngắn ngủi trong thời gian thắp tàn một nén nhang, thì trong muôn ngàn vạn kiếp lai sinh, họ sẽ được sinh ra trong một dung nhan đoan chính, và đẹp đẽ.  Nếu như người phụ nữ này thích làm thân phụ nữ giới thì họ sẽ thường được hạ sinh ra làm con cái của những giới thượng lưu, hoặc con của vua quan, phú hộ mà còn được ban cho nhan sắt mỹ miều.  Những sự hồi hướng này tựu trung đều là công đức của họ trong lúc chiêm ngưỡng, phụng thờ và cúng dường Địa Tạng Vương Bồ Tát.
Phổ Quảng, nếu như có chúng sanh nào thường ngày ca tụng công đức của Địa Tạng Vương Bồ Tát, hoặc dùng hương hoa, âm nhạc, tấu khúc cúng dường ngài; hoặc giả khuyên nhủ người khác tin vào công đức của ngài thì họ sẽ được thiên, long, quỷ, thân gia trì phò hộ đời đời kiếp kiếp.  Ngay cả chuyện xấu xa nhơ nhớp cũng khó lọt và tai họ đừng nói gì những chuyện không may, rủi ro làm sao có thể xảy ra cho họ và thân quyến trong gia đình của họ được.
Này Phổ Quảng, nếu như trong vị lai thế giới có những kẻ gian ác, ác thần, ác quỷ dám khinh mạn, phỉ báng những tín đồ đang cúng dường tán thán công đức của ngài Địa Tạng Vương Bồ Tát thì những kẻ này sẽ phải chịu những nghiệp qur về sự khinh mạn của họ.  Không những vậy, những kẻ phỉ báng chỉ đứng sau lưng người khác để phỉ báng sự tín ngưỡng của tín đồ Phật giáo đối với lòng tin tưởng vào Địa Tạng Vương Bồ Tát hoặc khuyến khích người khác đồng thời phỉ báng, hoặc trong đầu của người này chỉ sinh ra ý niệm phỉ báng chê cười thì cũng đều đã có một tội nghiệp rất nặng.
Những người này không những sẽ phải chịu sự đày ải khổ cực ở chốn địa ngục A Tỳ một thời gian dài lâu mà còn phải trải qua nhiều kiếp luân hồi trong giới súc sinh.  Không những vậy, sau cả trăm ngàn kiếp họ mới được cơ hội trở lại làm người.  Tuy nhiên họ cũng sẽ bị sinh ra trong những giới đê tiện, nghèo nàn, đồng thời lục căn của họ cũng sẽ không được hoàn chỉnh, chỉ vì ác nghiệp hãy còn vướng chặt vào tim của họ.  Vì vậy sau những kiếp này họ lại tiếp tục rơi vào vòng ác đạo.  Phổ Quảng, chỉ vì việc khinh mạn, miệt thị sự cúng dường của kẻ khác mà phải chịu sự báo ứng như vậy thì huống hồ gì những người sinh ác ý muốn hủy diệt đến Phật pháp nữa.
Này Phổ Quảng, nếu như trong vị lai thế giới, có những người lâu ngày nằm dài trên giường bệnh, sống thì lây lất, chết thì hấp hối.  Hoặc giả nếu có người hằng đêm nằm mộng thường xuyên thấy ác quỷ dọa nạt, hoặc nhìn thấy những người thân đã qua đời đến quấy nhiễu mà sinh ra bệnh hoạn và tâm thần bất ổn, đó là những người mà trong tiền kiếp của họ đã tạo ra nhiều ác nghiệp, vì vậy mà đã cảm dụ đến những oan hồn đang đợi họ phải trả lại những món nợ mà họ đã vay lấy trước đây.  Cũng còn tuỳ vào nghiệp báo nặng nhẹ mà chưa đến lúc báo ứng, vì vậy mà họ phải chịu sự hành hạ của thân xác mà chưa thể chết đi ngay lập tức.  Có thể rằng họ phải chịu lấy sự đày đọa của bệnh tật mà không bao giờ hết.  Những tình cảnh này những người phàm phu tục tử với nhãn quan bình thường làm sao có thể hiểu hết cho được.
Những người mang bệnh tật tai ương như vậy nên cung kính thờ phụng đấng Địa Tạng Vương Bồ Tát, hoặc lớn tiếng niệm Phật hiệu của ngài.  Người thân của họ cũng có thể lấy những món trân bảo, y phục mà người bệnh yêu thích trước kia mang ra khấn nguyện là sẽ bán đi để cúng dường hoặc thiết lập kim thân Bồ tát, hoặc cất chùa, xây tháp, hoặc cúng dường bố thí, v.v...  Chủ yếu là những lời khấn nguyện này phải được cung kính thành tâm và lớn tiếng rõ ràng nói cho người bệnh nghe.  Nếu như người bệnh đã lạc thần lạc phách hoặc đã tát thở, thì trong vòng bảy ngày lìa cõi đời cũng nên lớn tiếng nói những lời khấn nguyện này cho lọt vào tai của họ.  Được như vậy thì người bệnh tuy chết đi nhưng những tội nghiệp đó đáng lẽ phải đi đế vùng Vô Gián địa ngục để thọ hình cũng sẽ được tiêu tan giải thoát.  Không những vậy, tuy có đầu thai đến một nơi nào đi nữa thì họ cũng sẽ biết được rõ ràng những sự việc của kiếp trước.  Họ cũng còn biết được những kinh sách sao chép trước kia là do họ đã làm hay là đã mượn tay người khác làm ra.  Người này sẽ thọ nhận được rất nhiều lợi ích từ những quả báo công đức của họ.
Này Phổ Quảng, nếu như ngươi thấy có chúng sanh nào siêng năng tụng niệm, hoặc truyền bá, hoặc tán thán bộ kinh Địa Tạng Vương Bồ Tát này, thì ngươi nên thường xuyên khuyến khích và tạo điều kiện cho họ.  Ngươi cũng nên khuyên nhủ họ đừng nên thối chí.  Vì việc làm này sẽ khiến vị lai của họ nhận được những công đức vô vàn.
Này Phổ Quảng, nếu như có chúng sanh nào trong vị lai thế giới hay thường nằm mơ thấy những điều mộng mị khủng khiếp, hoặc nửa đêm hoặc thét sợ hãi, thở dài hoặc thấy tiền thân phụ mẫu, anh em, vợ chồng, quyến thuộc chịu sự đày ải khổ sở trong đường ác đạo mà không thoát được thì ngươi gắng khuyên nhủ họ nên tu thân tích đức tạo nhiều thiện căn để hồi hướng lại cho những cô hồn để những on hồn này sớm thoát khỏi khổ ải của vòng ác đạo.
Này Phổ Quảng, ngươi nên dùng thần thông để khuyên nhủ quyến thuộc của những oan hồn kia thường xuyên khấn nguyện chí thành hoặc tụng niệm kinh Địa Tạng Vương Bồ Tát.  Những người không biết chữ thì nhờ người khác đọc.  Chỉ cần đọc qua từ ba đến bảy lần là những oan hồn kia sẽ được giải thoát.  Do đó, những người thân của những oan hồn này trong giấc ngủ sẽ không còn thấy những điều mộng mị không hay nữa.
Này Phổ Quảng, nếu như trong vị lai thế giới có những kẻ sinh ra trong số kiếp nô tỳ đê tiện, không có được một cuộc đời tự do.  Những người này nếu như biết giác ngộ mà muốn hối cải những tội nghiệp của họ trong tiền kiếp thì ngươi khuyên họ nên thành tâm đảnh lễ trước hình tượng ngài Địa Tạng Vương Bồ Tát từ một đến bảy ngày, hoặc ngươi khuyến khích họ tụng niệm danh hiệu của ngài đến một vạn lần thì người này sẽ có cơ hội đầu thai vào làm con của những gia đình quyền quí cao sang để hưởng phúc không phải chịu khổ ải trong vòng tam ác đạo.
Phổ Quảng, nếu như trong vị la thế giới, người nào mới có con mà trong vòng bảy ngày, chịu vì đứa bé tụng niệm quyển kinh Địa Tạng Vương Bồ Tát và xưng tôn danh hiệu của ngài thì đứa bé sẽ giải trừ được những hoạ báo vấn vương từ tiền kiếp và sẽ được an khang trường lạc.
Này Phổ Quảng, trong vị lai thế giới, cứ mỗi ngày mồng 1, 8, 14, 15, 18, 23, 24, 28, 29, 30 sẽ có Thiên Tào xuống trần gian để thẩm định tội nghiệp của chúng sanh.
Tất cả những ngôn tử hành động của chúng sanh đều là tạo nghiệp.  Những hành động tà dâm, gian ác đều được ghi lại rõ ràng như nghiệp báo của một con người.  Nếu như có người nào trong 10 ngày trai nhật mà thành tâm đảnh lễ trước Phật đài, Bồ Tát, hoặc đọc kinh Địa Tạng Vương Bồ Tát một lần thì không những tạo được phúc đức cho riêng bản thân họ mà còn khiến cho chu vi trăm tuần nơi họ cư ngụ sẽ không gặp phải thiên tai.  Đồng thời những gia đình trong phạm vi vừa kể cũng sẽ được sống trường thọ yên vui, tránh được những bệnh tật hiểm nghèo không những cho kiếp này mà còn cho cả những kiếp lai sinh nữa.
Này Phổ Quảng, Địa Tạng Vương Bồ Tát có trăm ngàn vạn thứ thần thông lực lượng để tạo nhiều lợi ích cho chúng sanh.  Chúng sanh trong Nam Diêm Phù Đề thế giới vốn có mối nhân duyên thâm hậu với vị đại Bồ Tát này, thế nên những chúng sanh trong thế giới này như thường xuyên nghe đọc danh hiệu ngài, hoặc nhìn thấy tranh tượng của ngài, thậm chí nghe được một vài trang, một vài đoạn trong quyển kinh Địa Tạng Vương Bồ Tát thì sẽ được sống yên vui trong kiếp hiện sinh, và còn có thể sinh trưởng ra trong dáng dấp tôn nghiêm, cao quý, đầu thai vào những gia đình quyền quí trong những kiếp lai sinh.
Và cũng để cho chúng sanh trong vị lai thế giới biết được sự lợi ích vô lượng này, xin đấng Thế Tôn hãy vì chúng sanh mà đặt tên cho bộ kinh, đồng thời cũng xin ngài chỉ dẫn cách thức để lưu hành bộ kinh này."
Đức Phật Thích Ca trả lời rằng: "Quyển kinh này sẽ có  ba tên: Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh, Địa Tạng Bồ Tát Bổn Hành Kinh, Địa Tạng Bồ Tát Thệ Lực Kinh.  Đây là vị Địa Tạng Bồ Tát ngay từ thời xa xưa đã phát nguyện vì chúng lợi ích của chúng sanh mà xuất thế.  Cho nên các ngươi cũng nên noi theo lời hằng nguyện của ngài, tuyên dương công đức Địa Tạng Vương Bồ Tát để lưu hành quyển kinh này khắp các vùng thế giới."
Phổ Quảng Bồ Tát nghe lời chỉ thị của đức Phật Thích Ca.  Người cung kính chấp tay đảnh lễ lui ra.