Trên chuyến xe về Trung, đi qua mỗi miền quê hương đất nước đều có những đặc sản của quê hương.
Phan Rang với những cánh đồng lúa chín làm lòng người lữ khách nhớ lại quê hương trong những ngày mùa vàng rực. Nhớ đến những con chuột đồng mập ú, những con cá tràu, cá rô lóc mình lướt chạy trong cơn nước “hết mùa”. Và nhớ nhất là những buổi sáng chiều, cánh đồng với những bóng người dập dìu lo thu hoạch mùa lúa.
Phan Thiết với những rừng Thanh Long chạy dài bên mặt quốc lộ. Những trái Thanh Long đỏ thắm nằm chằn chịt bên những chiếc lá xanh như đang khiêu khích sự thèm khác của người đi đường. Rồi cũng trên con đường về Trung, đi xa hơn một chút là những vườn nho Phan Thiết. Nho có vẽ to trái, trông đẹp mắt nhưng hình như không ngọt lắm. Có lẽ vì đất nơi đây không hợp cho nho.
Qua khỏi Nha Trang lữ khách chỉ còn thấy những dãy núi đá trải dài theo quốc lộ, có những công trình đập đá vẫn còn đó đây trên triền núi!
Người về miền Trung nếu rời Sài Gòn trên chuyến xe đò vào buổi sáng tinh sương, khi qua khỏi Nha Trang sắp vào đèo Cù Mông, thì mặt trời cũng sắp xuống núi. Với những đoạn đường đèo khúc khủyu, cong queo và núi rừng trùng trùng điệp điệp, lòng người lữ khách chắc cũng thiếp đi trong giấc ngủ!
Rồi trong chuyến vô Nam nào đó, tình cờ người lữ khách chắc cũng nhìn thấy những ruộng mía bao la bát ngát ở Phú Yên.
Mía. Chỉ một tiếng mía cũng đủ làm cho người ta muốn chun vào đám mía ngồi xước một lèo cho đã đời! Và cũng chỉ chữ mía đã mang theo biết bao nhiêu thứ trong cái tên gọi rồi. Từ ngày ngọn mía được cắm xuống, đến hôm những đọt mía cao nghêu nghễu kêu xào xạc trước gió, rồi đến lúc mía sắp trổ cờ mang theo mùa làm đường, mùa đánh chim mía, những cục đường mía ngọt lịm bên những trái chanh xanh dờn, những buổi chiều hù chim cút trong mía! Đó là chưa kể đến những thú vui trong mùa làm mía như uống nước chè hai, đường chén, kẹo kéo, khoai lang nhúng đường, …
Mía cũng có rất nhiều loại, nhiều giống, to nhỏ cứng mềm khác nhau. Loại mía được trồng nhiều nhất ở miền Phú Yên, Quảng Ngãi vào thập niên 60, 70 là mía ta. Mía ta nhỏ cở bằng cán dao, tương đối mềm, màu tim tím, vào lúc thu hoạch, sau khi dứt ngọn và lá, mía cao chừng một thước rưỡi, hai thước.
Nhưng mía không như những loại cây khác được trồng bằng củ hay hột. Và dưới đây là cách trồng mía thủ công (theo ký ức người viết) ở một vài nơi trong quận Nghĩa Hành, Quảng Ngãi trong những thập niên 60, 70 và trước đó.
Những ngày làm mía thợ róc mía sau khi dứt ngọn mía xanh, róc lá mía khô cho sạch sẽ, dùng rựa dứt phần trên ngọn cở chừng hơn hai gan tay. Phần ngọn mía này sẽ được mang về nhà chất thành dòng để làm mía ngọn (giống) cho mùa sau, hay bán cho những chủ ruộng mía khác. Cứ như thế ngọn mía mùa này là giống mía mùa sau, và như thế đã bắt đầu từ ngàn năm xưa.
Vào cuối muà đường mía (tháng 3 tháng 4 âm lịch), những gốc mía đựơc cuốc lên để phơi nắng. Không thể dùng cày để cày gốc lên vì trâu bò không kéo nổi những gốc mía còn tươi. Khi gốc mía đã khô người ta đập ra và lấy gốc mía khô dùng để chụm lửa nấu nướng. Bây giờ người ta mới cày lên và bừa cho đất nhuyễn, trong khi đó ngọn miá cũng sẽ được bóc lột vỏ khô kỹ. Thường thì người ta hay lột ngọn vào chiều hôm trứơc để ngọn khỏi bị hư vì nắng nóng. Hôm sau mía bắt đầu được trồng xuống.
Công việc trồng mía quan trọng là phải có một người lái cày có kinh nghiệm. Người nông dân này cày giỏi để cân những đường cày đều nhau, cách nhau chừng nửa thước, và có độ sâu cần thiết để trồng mía. Đi sau người cày là một người rãi ngọn mía, và kế đến là những người cắm ngọn mía xuống đất. Mía cắm xuống đất theo góc khoảng 30 độ (nói chung thì cây cối gì khi mới trồng, nếu trồng vói góc nghiêng nghiêng cây cối sẽ mọc mạnh hơn trồng thẳng.), ngọn mía này cánh ngọn mía kia khoảng hơn hai gan tay, và chừa phần ngọn ló ra chừng hơn gan tay. Thông thường mỗi ruộng miá phải trồng trong môt ngày vì để ngọn lâu không tốt, mía sẽ yếu.
Khi mía non cao khỏang đầu gối người ta bắt đầu xới rãnh cao giữa hai luống mía, bỏ phân rồi khỏa rãnh bằng phẳng. Và muốn cho mía đựơc nhiều đường, thường sau mỗi cơn mưa người ta hay xới đất khi mía chưa qúa cao vì sợ đất mắc ván mía không phát triển mạnh. Chỉ xới khi mía chưa cao qúa đầu người.
Sau khi mía đã đựơc khoảng hai ba mắt thì thỉnh thỏang người ta hay giẫy bớt cỏ dại hoặc nhỗ bớt bìm bìm để mía mau phát triển. Có những chủ ruộng không chăm sóc kỹ nên có cùng diện tích như nhau mà thu hoạch lại qúa khác biệt vì thiếu sự chăm sóc khi mía còn trong thời kỳ đầu phát triển.
Khi mùa mưa bắt đầu là lúc ruộng mía không cần chăm sóc nhiều, và khi đó người ta bắt đầu chuẩn bị cho mùa làm miá sắp tới. Nghĩa là phải có muỗng rửa sạch, che rà sẳn sàng, vôi, những dụng cụ nấu đường, bã khô, và chà khô, v.v. cho những ngày mở cửa lò đường.
Nhưng trồng một đám mía rất công phu nên chủ ruộng mía thường sau khi hạ mía làm đường sẽ giữ gốc mía cũ lại, cào lá mía khô và làm cỏ sạch sẽ để gốc mía nhảy mầm thành cây mía mới. Loại mía này được gọi là mía gốc. Những đám mía trồng từ ngọn được gọi lá mía tơ. Mía gốc thường chỉ nên giữ được một hai mùa, sau đó phải phá đi trồng lại mía tơ (như trên) mới có được nhiều đường.
Ngày nay ngành trồng mía (nhiều nơi) đã được kỷ nghệ hóa. Chủ ruộng mía có thể trồng mía bằng hom mía giống từ những ruộng nhân giống. Hom mía được chặt từ những cây mía giống đã trưởng thành. Hom mía dài chừng 5cm, có một mắt khỏe, lồi và không bị trầy trụa, sau khi chặt sẽ được trồng trong một hộp nilon lớn cở bắp chân và chứa hổn hợp gồm phân và đất trồng cây. Hom mía giống sẽ được nuôi trong môi trường thích hợp, được tưới bằng hơi nước để giữ độ ẩm. Khi hom mía giống mọc được bốn, năm lá mới (khoảng hai tháng sau) thì hom mía giống có thể đem trồng xuống ruộng mía. Và cách chăm bón khi mía lớn lên cũng như cách trồng mía thủ công ngày xưa.
Chiếc cày, con trâu và người nông dân trên những luống cày ngày càng biến mất. Nhưng, người của năm xưa, mỗi lần dừng chân bên bến xe đò nghe tiếng rao “Mía ghimmmm … đây”, chắc lòng sẽ nhớ về một miền quê... xa xôi!

Xem Tiếp: ----