Tôi còn nhớ rõ rành, tối hôm ấy là một đêm trăng về cuối hạ. Chúng tôi đang ngồi học trong nhà, thì chú tôi nhân đi tỉnh về, ghé lại thăm.
Thấy em gái tôi ngồi nghê nga học chữ Hán, chú tôi đến đứng gần bên bàn, mỉm cười, nhìn nó chòng chọc. Nghe nó học, chú tôi đưa mấy ngón tay thon thon móng dài, thong thả vuốt chải chòm râu xuống, ra vẻ đắc ý lắm.
Nhưng em tôi thì hẳn không đắc ý chút nào, vì chữ Nho là thứ chữ xưa nay nó vẫn sợ. Theo ý nó cũng như theo ý tôi về thời bấy giờ, thì người ta bắt chúng tôi học chữ Nho là làm một việc hoàn toàn vô ích. Chữ Nho khó học cũng như khó hiểu, và chỉ đem lại những sự rắc rối thêm cho đời học sinh chúng tôi.
Nhưng mỗi lần nghe thầy học bàn giải những nghĩa thâm thuý của nó thì chúng tôi lại đâm ra ngờ vực. Dầu sao, chúng tôi vẫn đồng lòng khinh và sợ những buổi học ác nghiệt nặng nề kia. Không mấy khi trong giờ chữ Nho, anh em tôi đọc thuộc bài. Tôi thì nhanh trí, lõm bõm còn đọc được vài ba chữ, chứ em tôi thì đứng ngậm câm ra đó như pho tượng.
Những ngọn thước quá thẳng tay của thầy Thiện đã bắt em tôi ghét luôn cả thầy lẫn chữ của thầy dạy nữa.
Nó thường gọi thầy Thiện là một ông ác thần râu quặp. Và một hôm trước mặt học trò, nó còn dám cả gan gọi thầy là ông đồ gàn. Tôi còn nhớ một hôm tan buổi học chiều, nó hớn hở đến tôi và nhí nhảnh bảo tôi rằng:
- Anh Thanh ạ, thầy dạy chữ Hán tên Thiện nhưng kỳ thật thì ác lắm. Mà ác hơn thầy Thiện thì không phải một thầy tên là Ác mà chính là ông thanh tra tên Le Bon. Anh có biết không, sau khi đến viếng lớp anh thì ông ta lại vào lớp em với ông đốc trường Mỹ Lý. Gặp thầy Thiện, ông ta liền ân cần hỏi ngay bằng một câu tiếng Pháp: "Monsieur, comment vouz appelez-vouz?" (Thưa ông, ông tên là gì?). Không ngần ngại, thầy Thiện liền chắp tay cung kính trả lời: “J'ai Thiện” (Tôi có Thiện. - ý ông ta muốn trả lời: Tôi tên là Thiện - nhưng nói tiếng Pháp không thành). Thế là muốn tránh cơn tức cười, ông thanh tra phải vội vàng đi thật nhanh qua lớp khác.
Em tôi và tôi ghét chữ Hán bao nhiêu thì chú tôi lại thờ chữ ấy bấy nhiêu. Dùng đến chữ "thờ" để tỏ lòng chú yêu quý nó, tưởng cũng không quá đáng. Vì chú tôi đã lắm lần tỏ ra vẻ thờ nó thật. Chẳng vậy mà chú tôi lại đi rửa mặt, mặc áo đen dài trước khi đọc đến chữ Hán. Hay mỗi lần vô ý làm rơi quyển sổ chữ Hán xuống đất, chú tôi lại lật đật cúi lượm lên, rồi kính cẩn đội trên đầu gần vài phút.
Những cử chỉ ấy tưởng cũng không lạ mắt lắm. Vì chú tôi là một nhà thâm Nho lỡ vận. Cũng như các nhà hủ Nho khác, chú tôi ghét bọn Tây học vô cùng. Chú tôi bảo bọn trai theo Tây học, sau này chỉ tổ bất hiều. Chú tôi còn mỉa mai bảo vần chữ Tây như b (bê), q (cu), h (hát), hay n (anh), m (em) là một thứ vần khi đọc lên thì không cao thượng chút nào cả. Ý hẳn chú tôi lại muốn nói văn chương Pháp chỉ quanh quẩn trong nghề ca hát (k, h), trong đạo anh, em (n, m) chứ không có gì cao siêu hơn nữa. Về vấn đề này chú tôi đã lắm lần cãi lý với cha tôi rất kịch liệt.
Chú tôi bảo:
- Anh cho thằng Thanh đi học chữ Tây thì sau này không khéo nó lại xách lư hương nhà ta đi bán mất. Thì nhà Tây có bàn thờ đâu mà bảo nó để lư hương ông bà nó lại.
- …
- Nếu ông nghe lời tôi cho nó đi học chữ Hán, sau này tệ đi nữa thì nó cũng làm hương làm lý với nước với làng. Mà tên ông bà trong gia phả lại khỏi phải nhờ ai đọc hộ nữa. Còn gì bất hiếu bằng lúc đem gia phả nhà ta nhờ người khác đọc. Anh nghĩ lại xem, ngòi bút mềm mại dịu dàng thì họ lại thay vào ngòi bút sắt. Mà bút sắt chỉ tạo được quân làm giặc, chứ tạo ra người quân tử hiền lương thế nào được? Ừ, nghĩ cho kỹ tóc trên đầu là máu mủ của cha mẹ, họ còn đang tay cúp phăng đi được nữa là.
- …
- Tôi không hiểu dân trong làng nghĩ thế nào mà cho con đi theo Tây học được? Vì cái gương bất hiếu đã lộ ra trước mắt mà họ không chịu nhìn cho rõ. Không bất hiếu mà bọn Tây học dám kêu ông bà chúng nó là "ai ơi" (aieux) in như lúc chúng kêu một người không bao giờ quen biết.
-...
Trước bao nhiêu lý luận nghiêm nghị và ương gàn ấy, cha tôi vẫn lẳng lặng mỉm cười, chứ không bao giờ đáp lại.
Lần này có lẽ là lần đầu chú tôi mới ghé lại bên bàn để nghe chúng tôi học. Nghe em tôi đọc lớn mấy chữ Hán, chú tôi mừng rỡ lắm.
Chú tôi lần tay trong chiếc bao con đeo trước ngực, lấy cặp kính ra rồi nâng hai cái cóng để trên mép tai rất cẩn thận. Đoạn chú tôi chống tay lên nhìn quyển vở chữ Hán của em tôi đang học.
- Thầy dạy cháu chữ Hán tên gì?
- J'ai Thiện.
Em tôi nói xong liền kề má trên quyển sách cười ngặt nghẽo.
- Thế nào? Thầy cháu họ Ro à?
Câu hỏi bất ngờ ấy lại làm cho em tôi cười lớn hơn nữa. Không hiểu chuyện gì chú tôi cũng cất tiếng cười theo, nhưng với một giọng cười đạo mạo nghiêm trang của phần đông người theo Nho học.
Một lúc sau, em tôi ngồi khoanh tay trên bàn, giả vờ làm nghiêm rồi nói sẽ:
- Chú ạ, thầy cháu tên Thiện nhưng ác lắm.
- Ừ, thầy thương mới cho roi cho vọt cháu ạ.
- Nếu thầy thương bằng cách ấy thì thà cháu chịu thầy ghét còn hơn.
Muốn nói lảng qua chuyện khác, chú tôi liền thấm nước miếng trên đầu hai ngón tay rồi vừa lật từng tờ giấy quyển vở chữ Hán vừa khẽ hỏi em tôi:
- Chữ Hán cháu viết hay cháy đồ?
- Cháu viết đấy.
- Nếu vậy thì cháu viết tốt hơn trước nhiều lắm!
- Chú bảo thế, chứ thầy Thiện thì cứ bảo chữ cháu viết như gà cào.
- Thì ai cũng vậy, đầu có gà cào thì sau mới...
- Mới gì chú!
-... Mới phụng múa được.
- Thế người bạn cháu tên Phụng sao chữ chị ta viết cũng như gà cào?
- Lý sự như cháu thì ương gàn lắm. Biết nói đến lúc nào mới hết được! Thôi, này lặng để nghe chú hỏi: Khổng Tử viết là nghĩa gì cháu có biết không?
- Là xừ Khổng Tử nói rằng...
- Ấy chết! Đừng nói dại. Phải gọi ngài là Đức Thánh mới được.
- Vâng, thì Đức Thánh Khổng Tử nói rằng...
- Không được kêu tên của ngài, chỉ nói Đức Thánh là đủ rồi. Mà đã Thánh thì phải dùng chữ "dạy" mới nghe được chứ!
- Rõ khổ, thế sao người làm sách lại không nói "Đức Thánh viết?"
- Nếu nói Đức Thánh viết thì ai biết là Đức Thánh nào. Thôi cháu chớ cãi nữa. Dạy sao thì học vậy, con nít mà đòi ngang tài với Thánh Hiền chẩng những không phải đạo với "người trên đầu trên cổ" lại còn không nên nữa cháu ạ.
- Thôi được, thì không nên. Nhưng không biết Đức Khổng Tử có họ hàng với ông Khổng Minh không?
- Không, Đức Thánh là người nước Lỗ...
Không để chú tôi nói hết câu, em tôi liền láu lỉnh ngắt lời hỏi:
- Lỗ... là lỗ vốn à, phải không chú?
Lần này không nén được cơn tức giận đã tràn trề trong lòng, chú tôi liền hậm hực vào nhà lấy dù, rồi trở ra đi thẳng.
Đã hơn ba tuần, chú tôi không qua nhà tôi nữa. Ngày nào chú tôi cũng xách dù đi quanh nhà hàng xóm để khuyên những người lân cận cho con đi học chữ Hán. Nhưng đạo Khổng, cũng như chú tôi, đã già rồi, đã khản hơi rồi, không ai còn chịu mất thì giờ nghe chú tôi giảng nữa.
Nói không ai nghe, chú tôi liền mở trường dạy chữ Hán để quyến rũ con dân trong làng đến học. Nhưng trường mở cửa đã mấy hôm mà số học sinh vẫn không quá hai người. Mà hai người ấy không phải ai xa lạ, chính là hai đứa con của chú tôi lên mười tuổi. Thấy bọn con nít trong làng đua nhau đi xin học ở trường Mỹ Lý, chú tôi lại đâm ra ghen ghét. Có một lần, một bọn học trò trường Mỹ Lý đi ngang qua nhà chú tôi, rồi cất tiếng nhại giọng học của mấy cậu con. Qua mấy ngày sau, chú tôi liền đi qua mấy làng Diệp Hải, Từ Sơn để quyến thêm học trò đến học. Nhưng số học trò của chú tôi vẫn như cũ dẫu lời hứa sẽ dạy không lấy tiền đã tràn ra khắp huyện. Trái lại trường Mỹ Lý cuối năm ấy, phải mở rộng thêm hai lớp mới đủ chỗ cho con dân trong làng đến xin học.
Một hôm, tôi đến thăm thì thấy nhà chú tôi chật ních cả học trò. Tôi còn đương ngạc nhiên thì chú tôi kêu tôi lại gần rồi mỉm cười sung sướng sẽ bảo:
- Đạo Thánh Hiền thì không bao giờ suy đồi được cháu ạ!
Tôi hiểu chú tôi đang tranh cạnh một cách âm thầm với trường Mỹ Lý. Tiếng học lớn của bọn học trò chữ Hán đã làm chú tôi vui vẻ, vì trường Mỹ Lý vẫn còn thua trường chú tôi về sự ồn ào náo nhiệt. Có một điều rất lạ là học trò trường chú tôi chẳng những khỏi trả tiền thầy, lại được thầy cấp giấy mực để học và luôn cả bữa cơm trưa tại nhà thầy nữa.
Qua tháng sau tôi lại đế thăm, nhưng lần này thì nhà chú tôi hiu quạnh yên tĩnh, không huyên náo như xưa nữa. Văng vẳng chỉ nghe được mấy tiếng lè nhè của hai đứa con chú tôi ngồi học. Hỏi đến học trò thì chú tôi ngồi ôm đầu gối thở dài rồi sẽ bảo:
- Chúng nó cũng theo học a, b rồi cháu ạ.
Nói xong chú tôi lièn gục đầu ôm mặt.
Thì ra hôm nay tôi mới biết, bọn học trò đông đảo của chú tôi ngày trước là bọn chăn trâu mà chú tôi đã quyến rũ được ở ngoài đồng làng Quan Mỹ.

Xem Tiếp: ----