Trong cuộc tồn sinh vĩ đại, các loài vật đều có xu hướng tìm đến những nơi có điều kiện tự nhiên phù hợp với mình. Đó là những nơi có khí hậu hiền hoà, thức ăn phong phú, ít phải cạnh tranh... Tất nhiên, cái hiền hòa đối với loài này không chắc là thích hợp với loài khác; Chim cánh cụt không thích định cư ở vùng Đông Nam Á và lạc đà không khoái miền Bắc Cực. Tuy nhiên những yếu tố kể trên không bao giờ tồn tại đồng thời một cách hoàn hảo trên bất cứ nơi nào trong cái ngôi nhà chung này: Lợi lực thì thiệt đường đi, cái tài cái mệnh dễ gì ưa nhau! Nhưng tất cả các loài đã khéo léo tiến hành giải bài toán đó một cách khôn ngoan, cái hơn cái thiệt đã được cân đối một cách rất hài hoà. Đấy là nói về vĩ mô. Còn về vi mô, cũng dễ dàng nhận thấy các dạng thức tranh cướp nhau trong cộng đồng cùng loài. Trừ những động vật còn non nớt, đang được bố mẹ chở che, chăm nuôi bú mớm, còn lại, đều phải lo kiếm ăn, kiếm chỗ ở. Nếu có miếng ăn, đã có chỗ ở thì phải lo mà giữ gìn, tu tạo. Tìm đến chỗ phù hợp với mình tức là tìm đến cái lợi. Giữ lấy miếng ăn, chỗ ở tức là lo giữ lấy cái lợi.
Con người cũng là một loài vật, vậy tất phải mang lấy cái đặc tính chung của loài vật. Có điều, loài của chúng ta nhờ năng lực tư duy và đôi bàn tay khéo léo, lại có nhiều loại Kinh Thánh, Kinh Phật nên đã vượt lên trên muôn loài như một vị chúa tể hùng mạnh nhất. Mặc dù đã có nhiều đạo luật, công ước quốc tế về bảo vệ môi trường, vậy mà cái giống người, sức vóc có được bao lăm, đang làm cho các giống hổ, voi, tê giác, cá mập... có nguy cơ bị tuyệt chủng; Các cánh rừng nguyên sinh đại ngàn có nguy cơ bị xóa sổ! Vì sao vậy? Cũng là vì cái lợi!
Hành động vì lợi, đó là cái lý chung! Nhưng đối với những người lo xa, còn có một đạo lý cao hơn, đó là: Hành động vì cái lợi bền vững! Có những dân tộc không bao giờ bắt cá vào mùa cá sinh đẻ. Người làm vườn, khi thu hoạch, thì dùng kéo mà cắt quả và họ biết mình phải đặt kéo vào vị trí nào mà cắt để cây không bị tổn thương, để mùa sau và sau nữa, sau nữa... cây vẫn cho trĩu trịt quả. Nhà nông rất quan tâm đến việc chọn giống và cũng rất kỵ việc "đổ thóc giống ra mà ăn". Nhà công nghiệp thực thụ, trước khi vận hành một công nghệ mới, thì luôn muốn biết chắc rằng những chất thải của mình khi xả ra sẽ không làm tổn hại đến môi trường sống. Điều đáng mừng là khoảng một vài chục năm trở lại đây, trong các báo cáo tổng kết cuối năm, viết theo thể xã luận, người ta không thấy ngành lâm nghiệp đưa vào một loại thông tin với tư cách là thành tích "đã đưa ra khỏi rừng mấy chục vạn mét khối gỗ tròn" nữa.
Không ít người chỉ vì cái lợi mà làm những việc quá đáng, có hại cho đồng loại, cho xã hội. Cũng không ít người, ở vào cái cực còn lại, lại được sự cổ suý của những triết lý duy nghĩa Nho giáo (đành rằng là rất tốt!), đã xoay vào say sưa kể tội, lên án những hoạt động nhằm vào cái lợi: Cái giống doanh nhân chỉ thấy có cái lợi (!) Nhưng, hỡi ôi, người ta cứ hè nhau mà a dua, mà nghị luận, quên phắt đi rằng mình cũng có cái đầu đủ công năng độc lập suy xét, để cùng nhau tham luận mà tìm cho ra cái lý phải! Vẫn biết rằng ở đâu chẳng có kẻ hay người dở nhưng nếu không có họ - những doanh nhân - dân Bắc có được ăn sầu riêng, măng cụt không? dân Nam có được thưởng thức nhãn lồng, vải thiều hay không? Không có họ, liệu ta có vải vóc, tủ lạnh, nồi cơm điện, máy giặt... cùng mọi thứ vật dụng tiện nghi để thành người văn minh hay không?
Nghĩ cho cùng, lợi là điều kiện tiên quyết để mọi loài vật có thể tồn tại và phát triển được. Người châu Âu, cũng vì muốn cái lợi, muốn nhàn hạ, muốn làm ít mà hưởng nhiều, muốn thực hiện những việc vượt quá công suất cho phép của cấu tạo cơ bắp, nên mới bắt cái đầu nghĩ ra khoa học kỹ thuật, ra công nghệ, máy móc. Chỉ dùng một lực nhẹ, nhẹ hơn cả khi nhấn xuống phím dương cầm để diễn tả cái thần của một chiếc lá mỏng mảnh đang nhẹ chao xuống mặt ao thu cô tịch, để ấn vào một cái nút bé bằng cái khuy áo là đã có thể nâng bổng cả một vật nặng hàng chục tấn lên trời. Lùa gia súc vào đầu này dây chuyền sản xuất thì lúc sau, ở đầu cuối dây chuyền đã có những khoanh súc xích nóng hôi hổi, thơm phức tuôn ra.
Vậy, nếu muốn phán xét về cái hành vi kiếm lợi thì phải xem xét về cái thái độ và phương pháp của nó. Cái sự lười biếng nghĩ ngợi, ngại lao động, lấy điều dối trá làm căn bản cho phép hành xử, lại biết cách sử dụng khá thành công giọng "Teno" để véo von hoài hoài những nhời cao nhẽ cả, mê hoặc lòng người của cánh tà đạo; Hoặc cái sự lừa lọc, trôm trỉa, chộp giật,...  dù là thô bỉ hay sang trọng, của phường lưu manh tinh quái thì đương nhiên là rất không được hoan nghênh! Trái lại, dùng trí khôn sáng, lấy cái tâm chính ý thành kết hợp với cơ bắp và mồ hôi mà lao động đường hoàng để kiếm lợi thì đương nhiên là đáng để cho người người ngưỡng mộ và noi theo không biết chán! Những người như thế, cũng kể như đã thành Danh.
Về chuyện Danh, trong cái cộng đồng cùng loài, con người ta luôn có xu hướng và luôn khao khát được nổi bật như những ngôi sao trong bầu trời xã hội của mình. Đó là tính háo danh ư? Hay là khát vọng tự khẳng định mình, một ước mơ hoàn toàn lành mạnh và chính đáng?  Khoan hãy kết luận! Hãy bắt đầu bằng những gì ta quan sát được trong đời sống nội tâm của chính mình cùng những gì đang xảy ra trong đời sống quanh ta.
Ở Việt Nam, ngày xưa, xem phim chiến đấu vệ quốc, chống phát-xít của Liên-xô, có bạn nhỏ nào lại không ước mơ mình trở thành một chính uỷ sư đoàn, một chiến sỹ mặt đen khói súng, quắc mắt hiên ngang trước quân thù dã man hung bạo? Ngày nay, xem phim Tác-giăng, có bạn nhỏ nào lại không ước mơ mình trở nên người hùng thời đại! Dù là chính uỷ sư đoàn hay là Tac-giăng thì cũng đều là những người bảo vệ chính nghĩa, nâng đỡ kẻ yếu, an ủi chở che cho người bất hạnh. Mơ về những điều như vậy, liệu có thể gọi là háo danh được không?
Khi đã ngấp nghé tuổi thanh niên, những ước mơ tốt đẹp vẫn còn. Có điều chúng  không ngừng vận động, phong phú dần, giản dị hơn theo năm tuổi và kiến thức tiếp nhận được, nhưng trở nên kín đáo hơn, bởi sự trưởng thành trong quá trình tự nhận thức đã bắt đầu cho phép hé lộ, báo cho đương sự biết rằng năng lực của mình có còn phù hợp với ước mơ của mình không? Từ một bác học nào đó đã có công đem lại một phần ánh sáng cho nhân loại cho đến một bạn trong lớp đã tốt bụng, khiêm nhường lại còn học giỏi hoặc một anh ở lớp trên vừa cứu được một người thoát khỏi chết đuối ngoài sông cái... tất thảy đều làm cho cả đám học trò thán phục, ngưỡng mộ và không khỏi kín đáo đỏ mặt, tự xỉ vả mình là đồ dốt nát, kém cỏi (!). Tự xỉ vả mình vì những điều như vậy, liệu có thể gọi là háo danh được không?
Khi đến tuổi trưởng thành, người ta bắt đầu tham gia vào các hoạt động xã hội: để kiếm sống và để đóng góp phần của mình cho xã hội. Tới đây, các ước mơ đã được thu gọn hơn nhiều, thậm chí có cái biến mất, không để lại chút dấu vết. Người ta bắt đầu có những suy nghĩ thực tế hơn, nhưng vẫn không ngoài cái mong ước tự khẳng định mình. Người thì quyết tâm phải đạt được một số bằng cấp học vấn nào đó. Kẻ thì đặt cho mình mục tiêu phải trở thành một trưởng phòng hoặc hơn thế. Có người thì đơn giản hơn, họ chỉ khoái làm giàu. Người đó đã nói với bạn hữu của mình: "Tao sẽ phải giàu có. Có tiền là có tất cả! Không tin ư? Vậy hãy quan sát Maphia Italia đi! Còn nữa, Giăng Van-giăng là người chân thiện, nhưng Ma-đơ-len mới là một ông thánh!". Nỗ lực để trở thành người chân thiện, có hiệu suất sống cao, mang lại cái lợi cho cộng đồng và được cộng đồng yêu quý ngưỡng mộ là ước mơ của tất cả những người tử tế. Đó là Chân Danh.
Tất cả đều đúng, đều chính đáng. Thế thì cái cụm chữ "háo danh" kia, theo lý, phải tự biến mất đi chứ? Xin thưa: vẫn còn nguyên, mà lại còn kềnh kễnh là đằng khác!
Kim cương vì hiếm và vì đẹp khác thường nên quý. Sâm Cao Ly vì hiếm và vì những đặc tính dược liệu vô song nên quý. Chân nhân là những người mang nhiều chất thánh hiền, rất hiếm nên quý. Học vị là danh hiệu sinh ra để xác nhận và phân loại các mức năng lực của con người, giúp cho những nhà điều hành nắm được và sử dụng nguồn nhân lực có hiệu quả. Một nhà nọ, sau khi đã chốt cửa kỹ càng, ông bố bèn nói với các con: "Từ nay nhà ta sẽ gọi thằng Cả là Tiến sỹ, thằng Hai là "Mát tơ"... thằng Cả và thằng Hai phải có trách nhiệm đào tạo thằng Ba thành Nhà tư tưởng!". Trong phạm vi gia đình thì... vô tư đi! Chẳng hề phạm pháp, hoà bình thế giới vẫn còn nguyên! Vấn đề ngôn từ thì có quan trọng gì, thế nào cũng được, nhưng nhớ nói nho nhỏ, đủ nghe thôi! Có điều, xin nhớ rằng, trong cái nghề cơ khí dở hơi nhất trần đời này, sẽ là vô cùng thảm khốc nếu cứ khăng khăng "ấn định" cho một cỗ máy công cụ, vốn có độ chính xác cấp 4, là có độ chính xác cấp 7. Và, hơn nữa, lại cứ nhất định bắt nó phải tạo ra bằng được những sản phẩm có độ chính xác cấp 7 hoặc hơn thế! Thời bao cấp, hàng làm ra thế nào cũng xong. Tự mình làm ra, tự mình dùng mà. Lúc bấy giờ, không ai hơi đâu mà quan tâm xem quả bồ hòn vốn có vị gì. Nhưng thời thị trường mở cửa, người ta không mua hàng theo cái danh quảng cáo trên ti vi của nhà chế tạo đặt ra đâu; Lại càng không thể "ép đẹp" người ta mua cho được, bởi khi đi mua hàng người ta phải dùng tiền thật và có nhiều hãng để lựa chọn! Gọi là tiền thật
Người ta bảo đồ vật thì mua được, còn danh dự thì không thể. Nhưng danh thì cũng có lúc trở thành hàng hoá. Trong bài thơ Chúc tết, cụ Tú Xương bảo:
 "Nó lại chúc nhau cái sự sang
Đứa thời mua tước đứa mua quan..."
Danh, tuy là ai cũng muốn, nhưng không phải là thứ thuần vinh sáng chói. Danh bao giờ cũng đi liền với trách nhiệm, như hình với bóng. Mỗi lời nói, mỗi việc làm, mỗi suy nghĩ của người đã đắc danh đều có ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực khôn lường đến cộng đồng của mình. Đó chính là tính lãnh tụ của danh.
Nhưng cái giá trị của Danh cũng thất thường lắm, nó cũng theo thời theo thế, hệt như ngày xửa ngày xưa vậy. Bình thường thì "nhất sỹ nhì nông". Lấy được một tấm chồng kẻ sỹ, mà nhất là sỹ điều, luôn là niềm mơ ước thầm kín và chính đáng của biết bao cô gái có chút nhan sắc và hằng tâm niệm lời ông bà, cha mẹ dặn dò: Lấy chồng thì phải xem giống! Phải rồi: các nhà tư tưởng thì tìm ra lối đi cho con người; còn các nhà khoa học thì chính là những cái then cái chốt trong lịch sử phát triển vĩ đại của nền kỹ nghệ nhân loại. Thế nhưng, khi "hết gạo chạy rông" thì tình hình lại không giống như thế nữa. Tôi có được nghe người ta kể lại, vào những năm của thập kỷ tám mươi thuộc thế kỷ trước, có một bà cụ, trong một cơn bức xúc cao quý, đã xỉa xói không thương tiếc vào mặt chàng rể thộn của mình: "Đồ bịp bợm! Mày lừa bà... hồi chưa cưới con bà, mày bảo mày làm lái xe... hoá ra... mày lại... là cái giống... phó tiến sỹ! Giời ơi... con gái tôi ăn ở hiền lành... phúc đức... mà sao lại ra đến nông nỗi này hở Giời!". Đọc báo hình Trung quốc vào những năm 1967, 1968, thấy có những bức ảnh chụp các giáo sư và sinh viên đại học đang bị đày đoạ bằng những nhục hình đường phố hoặc đang phải tập trung ngồi tại ruộng, cùng ngước những khuôn mặt ngơ ngác, sợ hãi, vừa thành khẩn vừa thành kính, lên nghe nông dân Đại trại đứng giảng bài. Cũng đọc báo, thấy nói vào thời gian Liên-xô mới tan rã, lương của một nhà khoa học ngành nguyên tử còn thấp hơn lương một người lái xe buýt. Xem chương trình truyền hình của Đài trung ương về Nạn Khơ me đỏ ở Campuchia, thấy người dân phải tập trung lại, sợ hãi, nghe, học tập và nhất nhất tuân theo những điều do các cán bộ Khơ-me đỏ truyền giảng; thấy hàng đống đầu lâu người cái lành cái vỡ... Một số người dân phải trốn khỏi quê hương đến một chỗ không ai biết mình và không dám nhận mình là trí thức nữa. Chưa có nơi nào trên thế giới, nhân cách con người lại bị đày đoạ đến phi lý, nhục nhã như ở đất nước này. Đấy là một vết nhục trong lịch sử của một dân tộc đã từng có một nền văn minh Ăngco toả sáng một thời. Nhưng những chuyện ấy chỉ là thời sự!
Đọc sách xưa, thấy các cụ hay nói đến cụm chữ "công danh". Phải chăng các cụ nhà mình cũng lại rất háo danh? Nếu để ý một chút, thấy trước chữ "danh" bao giờ cũng là chữ "công". Công ở đây chính là quá trình hy sinh, lao động nghiêm túc cho cộng đồng: Đánh giặc giữ nước, mở mang bờ cõi, chấn chỉnh phong hoá, phát triển văn học, thúc đẩy kỹ thuật, cải cách kinh tế... cho nước nhà; Danh ở đây là do thành tựu đạt được của quá trình đó mà có. Vậy công danh chính là sự lao động lập công để thành danh. Đấy là một con đường đầy khó khăn, gian khổ, thậm chí hiểm nguy, nhưng cao quý để người ta tự hoàn thiện bản thân! 
Chân Lợi là động lực phát triển của mọi nền kinh tế. Chân Danh là chứng chỉ khẳng định phẩm chất cao quý của một người ưu tú. Cứ mỗi khi có một người thành danh, dù là trong lĩnh vực nào, ta lại biết chắc rằng kho lẫm tri thức của đất nước ta lại thêm phong phú, thêm hoàn chỉnh; nguyên khí của dân tộc ta lại thêm trong sáng, mạnh mẽ! Khắp nơi, tiếng cười trở nên trong hơn, nhiều hơn và ngày càng có nhiều người tuyệt đối không tin rằng cuộc đời của chúng ta vốn chỉ là một giai đoạn vật vờ "sống gửi" ở "cõi thế mù mờ" này!
Vậy, thử hỏi, có người Việt bình thường nào lại không luôn cầu mong cho nước Việt ta mỗi ngày lại có thêm nhiều người thành Danh?! 
 
Tháng 6 năm 2005

Xem Tiếp: ----