"Bao lần ta tự hỏi ta
Sẽ ra sao nếu đời không có mẹ
Sẽ ra sao khi vắng mẹ trong đời
Sẽ ra sao nếu đôi lần vấp ngã
Ai sẽ người nâng đỡ bước chân ta "
Ngày Vũ ra trường với mảnh bằng bác sĩ trong tay cũng là lúc mẹ nằm mê man trong bệnh viện. Nhận được điện tín. Vũ đi chuyến xe tốc hành về ngay. Bảy năm dài đằng đẳng với bao nhiêu là khổ nhọc oằn lên vai mẹ. Vũ nghĩ đến đâu lòng thắt đau đến đó. Vũ đến thẳng bệnh viện, chạy tìm phòng mẹ. Lao đến bên giường mẹ, Vũ đứng sững. Mặt mẹ trắng phờ, mắt nhắm thiêm thiếp. Vũ nắm chặt tay mẹ. Bảy năm, những vết hằn sâu hun hút lên trán mẹ. Bàn tay gầy khô cằn, cặp mắt quầng thâm sâu thẳm. Vũ áp tay mẹ lên má:
- Mẹ ơi đừng bỏ con. Mẹ ơi con không thể mất mẹ đâu. Chợt Vũ nghe tiếng thì thào yếu ớt:
- Không đâu, mẹ chưa đi được, mẹ chưa có dâu, mẹ chưa có cháu, mẹ chưa đi được... rồi mẹ thiếp đi trên tay Vũ.
Chị hai Tâm hàng xóm cho biết, mẹ Vũ bệnh khoảng mấy tháng nay rồi nhưng vì không muốn Vũ lo lắng nên bà không cho Vũ hay. Với lại, vì ráng lo cho hai công rẫy sau vườn để gửi tiền cho Vũ. Mẹ đã lao lực quá nhiều nên bệnh ngày một nặng và sáng nay mẹ đã không dậy nổi. Vũ quặn lòng nhìn mẹ. Vũ phải làm chút gì cho mẹ. Và mẹ trở thành bệnh nhân đầu tiên của Vũ.
Sau hơn một tháng với sự chăm sóc của Vũ, mẹ đã hồi phục dần. Vũ rước bà về nhà. Căn nhà nhỏ bé được sửa sang lại rất khang trang. Mảnh vườn sau nhà vẫn còn trồng trọt, nhưng mẹ chỉ có việc coi sóc còn làm vườn Vũ đều mướn người làm để mẹ được thảnh thơi. Rồi mẹ hối thúc Vũ cưới vợ.Thấy chuyện nhà cửa cũng ổn định. Vũ cũng xin chuyển về gần để được cận kề mẹ. Vũ bèn thưa chuyện cô Trang ở xóm trên, từng là bạn học và Vũ để ý từ lâu. Bà mẹ vui mừng bảo Trang tuy nhà nghèo nhưng biết làm lụng, lại hiền ngoan, thấy Vũ không tham sang khinh người nghèo khó bà rất mừng. Rồi bà mẹ sắm đủ mười mâm sính lể. Tiệc cưới linh đình qua rước Trang vào nhà.
Nửa năm đầu trôi qua, cái chuyện mẹ chồng nàng dâu Vũ không còn lo ngại nữa khi thấy Trang biết kính trên nhường dưới dù đôi lúc cũng than phiền về mẹ. Nhưng Vũ cũng nhẹ nhàng khuyên giải vợ:
- Ráng đi em, mẹ già rồi. Người lớn tuổi nên tính tình đâm ra khó khăn đôi chút, em đừng để bụng mà chi.
Cứ tưởng những chuyện đó trôi qua êm thắm nào ngờ một ngày kia vô tình Vũ về sớm. Đứng nép bên nhà bếp, Vũ thấy mẹ ngồi trên tấm phản gỗ mà ngày xưa Vũ thường hay nằm cúi cho mẹ đánh. Mâm cơm đơn sơ bày trước mặt mẹ. Trên khóe mắt mẹ ngân ngấn đôi dòng lệ. Vũ nghẹn ngào nghĩ lại hèn chi dạo này mẹ ít ăn cơm chung cùng vợ chồng Vũ. Mẹ thường xua tay:
- Vợ chồng con ăn đi, mẹ ở nhà mà nên ăn sớm rồi. Vũ cũng không quan tâm mấy, cứ ngỡ Trang sẽ thay chàng săn sóc cơm, trà cho mẹ, nào có ngờ đâu... Vũ định bụng tối nay sẽ hỏi Trang cớ sự. Mẹ chồng cũng như là mẹ nàng, tại sao lại đối xử như thế.
Trang nũng nịu sà xuống bên Vũ. Vũ định đẩy Trang ra, nhưng Trang làm ra vẻ bí mật cho chàng xem giấy khám thai của nàng sáng nay. Niềm vui mừng lộ rõ trên khuôn mặt Vũ. Niềm vui sắp làm cha, và Vũ đã quên mất đi chuyện mâm cơm ban chiều.
Mang thai được hơn sáu tháng, Trang bắt đầu phiền hà nhiều hơn về mẹ. Vũ ngoài im lặng không biết nói gì, làm gì. Mỗi khi đặt tay lên chiếc bụng tròn tròn của Trang để cảm giác sự cử động của con. Vũ không muốn mất cảm giác thiêng liêng đó.Và như thế cái bản tính hiếu thảo ngày thường trong Vũ biến đi đâu mất thay vào đó là lòng nhu nhược. Trang bảo:
- Một là cất nhà riêng cho mẹ, hai là em về nhà mẹ em. Vũ nghe nhói đau trong lồng ngực, biết làm sao cho vẹn vẽ đôi bề. Chợt có tiếng động ngoài phòng. Vũ bước ra xem thử, thấy bóng lưng lom khom đi về bóng tối. Vũ giật mình... Là mẹ!. Trang hỏi vọng ra:
- Gì thế anh?
- Không, con mèo nhảy làm ngã cái ghế thôi em. Không biết sao Vũ lại nói dối như thế. Rõ ràng là mẹ mà!
Sáng, ngồi trên tấm phản gỗ. Mẹ kêu vợ chồng Vũ lại:
- Mẹ lớn tuổi rồi, mẹ biết người già thì không dễ chịu, nên mẹ tính thế này, mẹ định cất cái mái che sau vườn luôn tiện coi sóc vườn tược mà cũng được gần hai con.... Mẹ vừa nói vừa cười mà mắt mẹ đỏ hoe.
Vũ cúi đầu im lặng, muốn giữ mẹ lại nhưng không biết sao Vũ không thể mở miệng. Mẹ đỡ lời Vũ:
- Mẹ biết con thương mẹ, nhưng mẹ cũng có đi đâu xa mà con sợ. Chỉ ngay sau vườn thôi. Thôi thì quyết định vậy đi nghen. Mẹ quơ ta ra chiều cương quyết:
- Để mai mẹ kêu tụi thằng Sáu đẵng tre dựng luôn sẵn dạo này trời nắng, chớ để mai mốt mưa gió thì phiền phức lắm.
Vũ nghe nghèn nghẹn.Trang không nói một lời giữ mẹ, dù rằng chỉ một lời khách sáo. Rồi mẹ nhanh nhẹn bước ra đầu ngõ gọi ơi a:
- Sáu ơi, thằng Tám lại cho bác nhờ chút nghen tụi con. Căn nhà tre chẳng cần hai ngày đã dựng lên xong, hàng xóm nhìn Vũ xầm xì. Bà mẹ đỡ lời con:
- Tui ra đây cho yên tịnh, già cả rồi chịu không nổi sự ồn ào. Nhà trên thì lúc nào cũng khách khứa, rồi bịnh nhân. Tui mệt qúa đi. Nhiều khi muốn nghỉ trưa cũng không được, nên nài tụi nó cất cho tui cái mái để ra vô cho tiện. Nói thì nói vậy chứ lúc nào thấy Vũ bận rộn với bệnh nhân, mặt mẹ lộ hẳn niềm vui. Niềm vui được nhìn thấy con thành tựu, cứu nhơn độ thế. Vậy mà bây giờ...
Những ngày đầu, đi làm về đến cửa Vũ liền chạy ra thăm mẹ, hỏi han mẹ cơm nước thế nào. Dặn dò Trang nấu cơm cho mẹ. Vũ hy vọng sự ra riêng của mẹ làm Trang đỡ phần nào khó chịu, nên có lẽ Trang sẽ đối xử với mẹ tốt hơn. Nhưng không biết Vũ dặn Trang thế nào mà bếp lò ông táo, sáng trưa vẫn đỏ lửa, củi tre khói tỏa từng gợn lên trời.
Những ngày tiếp theo, bận rộn với công việc, với bệnh nhân, Vũ quên hẳn mẹ. Có khi hai ba ngày Vũ chưa bén chân ra thăm mẹ một lần. Sáng, Vũ nhủ thầm "Để chiều về ra chơi với mẹ " Chiều Vũ lại bảo " Bận qúa, thôi để ngày mai vậy "... Nhưng mẹ ngày nào cũng vào nhà đưa cho Trang nào là mướp, bí, khổ qua để Trang nấu canh, kho cá.
Rồi có một hôm mẹ không vào, không những một hôm mà hai hôm, rồi ba hôm. Sáng ngày thứ tư chị hai hàng xóm gọi vọng vào trong khi Vũ sửa soạn đi làm:
- Chú Vũ ơi, ra coi bác gái sao nè.
Bỏ chiếc cà vạt thắt dở, Vũ chạy ra thấy mẹ nằm trên chiếc phản gỗ, món đồ duy nhất mẹ dọn "ra riêng" từ "nhà trên " của Vũ. Bà nắm nhẹ tay Vũ và trút hơi thở sau cùng. Vũ cắn môi im bặt. Hai tiếng "Mẹ ơi " đang gào thét trong lòng.
Chiếc áo quan hạ xuống cùng lúc với giọt nước mắt Vũ. Nhưng giọt nước mắt đất trước. Giọt nước mắt nặng hơn chăng? Có lẽ. Câu trả lời vẫn lửng lơ. Ngày xưa mỗi lần đánh Vũ, chiếc roi buông xuống cùng lúc với giọt nước mắt mẹ, nhưng lúc nào giọt nước mắt cũng chạm đất vỡ tan nhanh hơn chiếc roi tre trên tay mẹ.
Trang quấn khăn tang qùy bên Vũ, đôi mắt Trang đỏ hoe. Giọt nước mắt lặng thầm rơi trên má. Có lẽ gần làm mẹ nên Trang hiểu được tâm sự người mẹ chăng?.
Vũ bước vào ngôi nhà tre của mẹ. Chị hai Tâm chặn lại đưa cho Vũ giỏ đồ. Bảo bác gái dặn mua dùm hôm qua. Nói là than để cho vợ thằng Vũ nằm sau khi sanh em bé. Vũ đỡ lấy bước vào trong. Thấy trên giường mẹ có mấy gói đồ vuông vắn bọc cẩn thận. Vũ mở ra xem. Bên trong mỗi gói đều có mảnh giấy "Tả dùng cho em bé, dầu khuynh diệp, chăn đắp... "mắt Vũ nhòa đi theo dòng chữ mẹ viết. Vũ thì thầm " Mẹ ơi con là đồ bất hiếu, mẹ đánh con đi " Rồi chàng nằm xấp trên tấm phản tưởng tượng như mẹ đang cầm roi đứng bên cạnh. Câu thơ ai văng vẳng...
"Đâu phải ngày xưa khổ mẹ mới hy sinh
Mà hôm nay vì hạnh phúc con mình... " (°)
Xuân Vy,
(°) thơ mượn

Xem Tiếp: ----