Từ năm mười ba tuổi tôi đã có ước muốn đi ngược dòng sông. Ngày ấy, ông ngoại thường dắt tôi ra sông. Mặc cho tôi nghịch cát, ông lặng lẽ đứng nhìn về phía thượng nguồn. Dọc triền sông là dãy đồi thấp mọc chen chúc những cây sim, tháng bảy cả vùng tím ngát màu hoa, mênh mang, buồn! Lác đác vài bụi chà là thấp lè tè đầy gai góc.
Lẻ loi giữa rừng hoa một ngọn đồi trọc cô độc nhô lên, mỗi chiều về đất đỏ sẫm như máu. Ông tôi bảo, dưới ngọn đồi có vàng hời, “Kim khắc mộc” nên cây cối không mọc được, chỉ có mỗi loài hoa trắng nhỏ nhoi tinh khiết, mọc rải rác sườn đồi. Loài hoa ấy “linh hồn của các trinh nữ”. Ngày xưa, trước khi dời đô một ông vua đã chôn các cô gái còn trinh theo kho tàng để làm thần giữ của. Ông còn bảo, vào những đêm trăng có bầy heo bằng vàng đủng đỉnh trên sườn đồi để ăn những bông hoa trắng. Tôi hỏi:
- Loài hoa ấy tên gì hả ông?
- Nó không có tên - ông trả lời.
- Hôm nào lớn cháu sẽ lên đồi!
- Lên chi? Tìm vàng hả? Của “hoạnh tài bất phú” đừng có ham cháu ạ! Ngày trước ông nội thằng Trầm bắt được con heo vàng, về đến nhà hộc máu chết, cha của nó bài bạc hết sản nghiệp phải đi ăn mày, đến đời nó mới khá được.
- Không, cháu không tìm vàng, cháu hái hoa, cháu sẽ đặt cho hoa một cái tên.
Ông nhìn tôi, lắc đầu lẩm bẩm: “Thằng này rồi sẽ khổ, đời chẳng ra gì”. Tôi muốn hỏi tại sao, nhưng ông lơ đãng nhìn dòng sông. Tôi cũng nhìn theo và lúc ấy tôi nẩy ra ý định sẽ ngược dòng sông.

*

Không ngờ ước muốn tưởng chừng vu vơ ấy lại lớn dần theo tuổi đời của tôi. Dĩ nhiên ước muốn không dừng lại ở ngọn đồi hoa trắng, tôi muốn về tận ngọn nguồn con nước dòng sông.
Từ năm mười bảy tuổi đến nay, tôi đã quần nát mấy ngọn đồi sim, mỗi ngày chặt hai gánh bổi. Hàng ngày, tôi đứng trên đồi để nhìn về phía thượng nguồn, trập trùng đồi núi, tầm mắt của tôi xa hơn, rộng hơn, vì không còn bao nhiêu cây lớn che khuất. Cây cối lần lượt theo dòng sông trôi về xuôi, biến thành vàng thành bạc, thành mọi thứ mà con người có thể nghĩ ra. Hết cây đào đến gốc, nhưng tôi vẫn tin rằng trên tận cùng của dòng sông vẫn còn nhiều điều kỳ diệu mà con người chưa khám phá.
Ngày đầu đi chặt sim, đưa lưỡi rựa bén ngọt vào gốc sim đang mùa nở hoa, tôi nghe rờn rợn như đang cắt cổ ai đó. Dần dần tôi thành tên đồ tể tàn ác, chặt không nương tay. Thấy tôi xốc vào hai đầu cây đòn hai bó sim lớn, ai cũng lè lưỡi. Tôi chặt sim bán cho ông Trầm đốt lò gạch, bao nhiêu tiền tôi đưa cả cho chị Hai. Chị tôi quán xuyến gia đình thay cho mẹ. Chị không chồng mà có con, chuyện ấy bây giờ không còn hiếm ở quê tôi. Trai làng bỏ quê lên thành phố cả, gái lỡ thì đầy đồng, đi cấy con gái, đi cầy cũng con gái. Nghe đâu thời trẻ, chị cũng có người yêu, nghèo quá, anh ấy đi đãi vàng trên Trà Nú, núi sập đè chết. Năm năm sau chị có bầu, người làng xầm xì “Chắc lại con của thằng cha Trầm”.
Ông Trầm “con của kẻ ăn mày” bây giờ là người giàu nhất làng, ông ta có bốn lò gạch, mỗi ngày xuất cả chục vạn viên, đủ loại. Ông Trầm xấp xỉ lục tuần mà còn trẻ như thanh niên, tướng cao lớn, mũi to và đỏ ửng như mũi lân, miệng rộng, môi dày. Đến nhà chơi, ông Trầm thường nói với cha tôi: “Xứ này chó ăn đá gà ăn sỏi, chỉ có đất và củi là sẵn, bán hai thứ ấy thì làm giàu được”. Cha tôi bảo: “Bán đất là bán tổ tiên”. Ông Trầm cười khẩy bỏ đi. Ông tôi ngồi trầm tư trên sập gụ uống trà nhìn theo ông Trầm, nhận xét “Thằng ấy tướng sang mà dâm”.
Mỗi chiều, khi những cánh chim xao xác bay về núi, chị tôi hát ru con “ầu.... ơ đói lòng ăn nửa trái sim. Uống lưng bát nước đi tìm người thương!”. Lòng tôi chùng xuống, tôi ra sông, những lúc ấy tôi lại dậy lên ham muốn đi về phía thượng nguồn của dòng sông.
Tôi đặt tên cho loài hoa trắng trên ngọn đồi “ Kim khắc mộc” là hoa Linh Chi, tên của người yêu tôi. Thực ra tên nàng là Nguyễn Thị Chi, thế thôi, nhưng tôi ghép thêm tên chữ Linh cho ra tên của loài hoa. Chi không còn bố, sống với mẹ trong căn nhà tranh ở xóm Gò. Chi đẹp và thánh thiện như loài hoa trắng mà ông tôi gọi là “Linh hồn các trinh nữ”. Mẹ tôi dường như không hài lòng lắm với mối tình của tôi, thấy tôi thân mật với Chi, bà lấp lửng nói “ nuôi heo chọn nái, kiếm gái chọn dòng”. Trong cuộc chiến tranh vừa qua mảnh đất này mỗi tấc đất một tấc bom đạn, sau chiến tranh vẫn còn người chết vì mìn con cóc, mìn ba râu... Vì thế chuyện Chi sống với mẹ không có gì lạ, tôi nghĩ vậy!
Tôi là gã trai cày hiếm hoi còn sót lại trong cơn sốt “bỏ quê ra phố” của bọn trẻ. Tôi giúp mẹ con Chi cày ruộng, gặt lúa, gánh phân, chặt bổi. Tình yêu của chúng tôi cũng mộc mạc như rơm rạ. Tôi còn nhớ hôm đi cày đám ruộng vuông, lúc nghỉ trưa hai đứa ngồi dưới gốc Duối, tôi ôm Chi, Chi đẩy ra, cười và mắng “quỉ này!”. Hành động ấy coi như lời tỏ tình.
Chúng tôi ra sông, sau một ngày nhọc nhằn, Chi bám vai, áp bầu ngực trinh nguyên săn chắc vào cánh tay tôi. Tôi biết Chi đang mơ ước về một mái nhà tranh nho nhỏ và những đứa con xinh xắn. Còn tôi, tôi chưa bao giờ nghĩ đến điều ấy, tôi đau đáu một ý nghĩ khác, một ý nghĩ mà mẹ tôi bảo “oan nghiệt!”. Cha tôi chẳng hề quan tâm đến tôi, ông suốt ngày lặng lẽ bên bàn thờ Phật, ăn chay trường. Tôi nghe nói trước đây ông từng là thợ săn khá nổi tiếng. Có lần ông Trầm nói với tôi “Cha mày là thằng khó chơi”. Tôi hỏi “Tại sao?”. “Trong khi mọi người đang còn sắp hàng dưới trần gian, cha mày đã lo giành một chỗ ở trên niết bàn”. Tôi đem chuyện này kể lại với cha, ông không nói gì, chỉ nhìn lên khẩu súng săn hai nòng đen bóng treo trên bàn thờ và bỏ đi. Chi níu nhẹ vai tôi.
- Này anh!
- Có chuyện gì hả em?
- Hôm qua thằng Quân đón đường em.
- Nó làm gì?
- Nó bảo, nó yêu em, nếu em chịu, nó đưa về thành phố.
Tôi tức tối đá viên sỏi xuống dòng sông.
- Anh ghen hả?
- Không, nó là thằng đểu.
Quân là con trai của ông Trầm, ở thành phố, lâu lâu mới về làng. Hồi còn học phổ thông nó đã biết dở trò với bọn con gái. Bây giờ ra thành phố nó càng lưu manh tợn. Vừa dẻo mồm lại giàu có nên khối con gái ễnh bụng ra vì nó. Một thoáng lo sợ mơ hồ trong lòng tôi. Chi ngã đầu vào vai tôi nũng nịu.
- Em chỉ yêu mình anh thôi.
- Thôi mình về! - Tôi ra lệnh, Chi ngoan ngoãn bước theo, sự ngoan ngoãn cam chịu như thân phận của những người phụ nữ ở quê tôi.
Gặp Quân phóng xe trên bờ đê, đến trước mặt chúng tôi, nó dừng lại, chống chân xuống đất nhìn tôi cười cười trông rất mất dạy. Nó hất hàm hỏi:
- Người yêu mày hả?
Tôi không trả lời trừng mắt nhìn nó, Quân rút bao thuốc thơm hờ hững chìa trước mặt tôi:
-Bạn bè lâu ngày không gặp, hút với tao điếu thuốc.
Tôi gạt tay Quân kéo Chi bỏ đi, Quân nhếch mép cười.

*

Tôi đi ngược dòng sông, nắng gay gắt, mồ hôi nhễ nhại, hai bên dòng sông đồi núi trọc hết, trơ đất như hoang mạc, dòng sông là cái khe nước đem ngòm, sâu hun hút. Những con thú còm cõi trơ xương nhảy nhót cuồng loạn, có con chỉ còn bộ xương, hàm răng trắng ởn, nhìn rõ các chân răng cắm vào xương sọ. Giữa đám thú một bóng người cao lớn vung khẩu súng bắn ra những luồng lửa đỏ như máu. Khuôn mặt xương xẩu, dữ tợn, tôi bàng hoàng nhận ra người đàn ông ấy... “Ch...a!” - Tôi gào lên, tiếng kêu tắc nghẹn trong họng... ú..ớ.
- Dậy! dậy... đi em.
Tôi giật mình tỉnh giấc, chị Hai lắc vai, tôi chồm dậy, cổ họng khô khốc. -Dậy ăn miếng cơm đi em, chưa ăn uống gì mà ngủ như vậy hại lắm!
Lúc chiều đi làm về, chưa kịp tắm rửa, mắt ríu lại, tôi leo lên bộ phản ngủ say như chết. Chị Hai đặt tay lên trán tôi;
- Nóng quá,chắc bệnh rồi, để chị nấu lá cho em xông.
- Khỏi, không sao đâu.
Tôi vươn vai đứng dậy ra lu múc gáo nước tu ừng ực, dòng nước mát thấm hút vào cơ thể. Tôi đưa mắt nhìn về phía dòng sông, dòng sông lấp lánh và êm đềm chảy. Mặt trăng đã lên cao. Chợt nhớ tối nay có hẹn với Chi, tôi lao ra bờ sông.
Sững lại, một thoáng thôi, tôi hiểu tất cả, mãi sau này tôi không lý giải được tại sao lúc ấy tôi lại bình tĩnh đến vậy. Tôi chậm chạp tiến dần về phía Quân, hai tay nắm chặt, sự bình tĩnh của tôi khiến Quân chôn chân tại chỗ. Tôi trút lên Quân tất cả sức mạnh và lòng căm thù trai trẻ, cho đến khi hắn gục xuống trên bãi cát. Tôi quay lại dựng Chi lên. Chi run rẩy vòng cánh tay ôm lấy ngực, quần áo tả tơi...
Trong lúc mọi người nhộn nhịp đón tết, tôi lặng lẽ thu xếp đồ đạc. Hai mẹ con Chi đã bỏ đi biền biệt sau cái đêm hôm ấy. Mẹ tôi khóc lóc níu tay tôi. Cha tôi gỡ tay mẹ ra và bảo “Hãy để nó đi!”. Tôi lặng lẽ đi, lầm lũi và cô đơn, bên tai văng vẳng tiếng hét hoảng loạn của mẹ con Chi trước khi bà ngất xỉu “Thằng Quân, trời ơi! Con Chi là em ruột của nó! Ông Trầm ơi!... Ông Trầm!”.
Tôi đi vào một ngày cuối năm, dòng sông vẫn miệt mài trôi về phía của muôn đời.

Xem Tiếp: ----