Tôi lại nhìn thấy bóng gã bên kia ô cửa sổ có lớp kính trong hơi ngả màu trà. Chỗ làm của tôi nhìn sang bên ấy hơi chếch nhưng rõ.
Thật tình lúc đầu tôi cũng không để ý đến gã, chẳng qua tôi rỗi quá nên nhìn lâu rồi quen. Gã có khuôn mặt hơi hóp, mũi nhọn, đôi lông mày nhạt và đôi mắt một mí khá to. Tóm lại, một người đàn ông như thế bạn có thể túm được bất cứ nơi nào trong thành phố ngột ngạt khói xăng và bụi này. Chỉ có một thứ phân biệt gã với những kẻ khác, đó là cơ thể gã giống cơ thể của một cậu thanh niên đang trưởng thành với làn da mỏng mịn của trẻ con. Bạn có thể ngờ vực rằng, từ khoảng cách nào mà tôi có thể nhận xét làn da của người khác. Thưa, tôi đoan chắc từ xa tôi cũng có thể cảm nhận là làn da ấy rất mịn. Thật đấy, nó có màu nâu nhạt sảng khoái như màu đất sét pha với mật ong. Chúa nhầm lẫn vì đã phết lên gã cái màu tuyệt diệu ấy thay vì người có thể tặng tôi. Nước da tôi có màu cỏ úa, thật nom chẳng giống da của một người đàn bà mấy tí, nó lại ngả sang xanh, nếu không thì mọi người sẽ hiểu lầm là tôi bị viêm gan.
Tôi là người có bệnh tâm thần, tâm thần bẩm sinh. Năm tôi lên ba, bố mẹ thấy tôi chậm đi chậm nói hơn những đứa trẻ khác nên đã đưa tôi đi khám. Gõ cửa bao nhiêu bệnh viện, kết quả đều là tôi không có bệnh gì. Cho đến khi người ta giới thiệu cho bố mẹ tôi một bác sĩ chuyên khoa tâm thần. Tôi được chẩn đoán là có triệu chứng tâm thần phân liệt bẩm sinh, đôi khi biểu hiện bằng những cơn co giật thất thường. Khi đi học, tôi không phải là đứa chậm tiến, thậm chí có môn tôi còn học trội hơn bất cứ đứa trẻ bình thường nào cùng trường. Nói chung, tôi vẫn có thể tự làm mọi việc và tự nhận thức như những người khác, trừ những cơn động kinh bám dai dẳng suốt thời thơ ấu.
Hiện giờ, tôi làm một công việc rất vui và cũng rất nhàn là nghĩ ra những mẫu đồ chơi cho trẻ con. Chiến tranh và bom đạn không còn là vấn đề, nhưng hình như ở lĩnh vực này chúng ta tiến những bước tiến thận trọng trong khi có nước họ nhảy từng đoạn. Song đó là chuyện công việc, trong khi đó tôi lại muốn nói nhiều về gã hơn.
Từ nhà đến chỗ làm không xa lắm, nên tôi thường đi bộ để ngắm nghía mọi vật trước khi bị nhốt vào một hộp bằng bêtông cốt thép khi mà tôi vừa rời cái hộp khác bằng kính màu. Còn gã, hình như gã ở luôn tại chỗ làm, vì lần nào tôi đến cũng đã thấy gã ở đó. Đôi lần tôi cố tình đi thật sớm nhưng đến nơi, nhìn sang đã thấy gã đang loáy hoáy làm gì đó ở phần trong ô cửa phòng làm việc đối diện. Gã chẳng bao giờ ngẩng lên nhìn tôi. Một kẻ thờ ơ, hay một kẻ kiêu ngạo?
Thường thì, đàn ông không dám làm bạn với tôi. Không phải vì tôi độc ác, xấu xí hay ngu xuẩn gì. Chẳng qua họ ngại vì tôi từng bị tâm thần. Họ thường lén nhìn tôi, nhưng khi bắt gặp cái nhìn đáp trả của tôi, họ lại vội vàng lảng tránh. Đàn bà có lẽ cũng vậy, họ ít đến gần tôi nhưng mỗi khi tôi đi qua, lại thấy họ chỉ trỏ bàn tán. Cũng có thể, không phải họ luôn bàn tán về tôi. Nhưng như con chim phải đạn sợ làn cây cong, mỗi khi bắt gặp ai đó bụm miệng cười hay đưa mắt nhìn ái ngại, tôi đều muốn rúm người lại. Hiếm hoi lắm mới có người đến nói với tôi dăm ba câu chuyện bâng quơ, thường là những chuyện nhạt nhẽo ngớ ngẩn, vậy mà họ cứ tưởng đang ban ơn cho tôi. Còn gã? Thái độ của gã thật không hiểu nổi. Gã thực sự không biết đến sự có mặt của tôi? Hoặc giả ai đó đã kể về căn bệnh của tôi cho gã nghe, nhưng gã chẳng buồn để tâm? Dẫu sao tôi không buồn mà vẫn nhìn ngắm gã, ngày càng thường xuyên hơn. Vì chí ít, gã cũng không lẩn tránh cái nhìn của tôi.
Phòng làm việc của tôi khá rộng, bọc bằng kính hết hai phần. Khắp phòng giấy vẽ màu và những mô hình đồ chơi nặn bằng đất dẻo. Ngày nào cũng vậy, việc đầu tiên khi đến cơ quan là tôi mở cửa sổ chếch sang cửa sổ phòng làm việc của gã, an tâm khi thấy gã hý hoáy bên cái máy vi tính, và thế là tôi bắt đầu công việc của mình. Được khoảng một tiếng, tôi lại ngẩng lên nhìn gã một phút, và cứ như thế cho đến khi hết giờ làm. Gã làm tôi rất dễ chịu vì trước gã, tôi không có cảm giác bị thương hại.
Cả năm trời nay, ngày nào tôi cũng thấy gã cặm cụi làm việc trên máy vi tính. Phòng làm việc của gã cũng được làm bằng kính, nhưng che rèm hết 2/3, tôi chỉ nhìn thấy một góc. Đôi khi gã cởi áo ra và tôi thấy nước da màu mật ong pha đất sét của gã óng ánh lên qua lớp kính, đẹp và mịn màng đến đáng ngại. Gã phải đến 40 tuổi, vậy mà làn da ấy lại là của một đứa trẻ sơ sinh.
Mẹ tôi rất lo ngại vì không sao kiếm nổi cho tôi một tấm chồng - ở đây, căn bệnh của tôi chẳng phải điều bí mật. Chỉ còn cách duy nhất là chúng tôi chuyển đến một thành phố khác hay một vùng nông thôn nào đó. Bố mẹ tôi sẽ buôn bán, nhưng còn tôi? Ngoài tạo mẫu đồ chơi cho trẻ em, tôi chưa làm việc gì khác bao giờ. Bố mẹ tôi bỏ thời gian đi đăng báo, đi hỏi bạn bè để tìm địa điểm, tôi chỉ còn cách vâng lời. Nhưng trong thâm tâm, tôi thấy mọi người mới điên. Vâng, không phải là tôi mà là chính họ - những kẻ thời thơ ấu không có cơn co giật nào, lớn lên với một bệnh án trong sạch - nhưng suy nghĩ mới ngu xuẩn và ích kỷ làm sao, kể cả thằng cha bác sĩ ngốc nghếch đã giáng cái án "tâm thần" xuống đầu tôi.
Cuối cùng, bố mẹ tôi đã tìm được một nơi "rất hợp lý". Cách chỗ ở hiện thời của tôi 200 cây số, một thị xã nhỏ, sầm uất và nhiều khách du lịch. Càng gần đến ngày đi, tôi càng cảm thấy sợ. Tôi nghĩ, những kẻ xung quanh thì ở đâu cũng vậy, nhưng còn công việc của tôi, còn nước da của gã, sao tôi thấy đau đớn như phải xa một phần thân thể. Tôi không biết yêu là gì, nhưng nếu yêu là đau đớn thì đúng là tôi đang yêu. Còn gã, tại sao bao năm rồi mà gã vẫn thờ ơ với tôi đến vậy, thơ ơ như thể chỉ có gã là người duy nhất tồn tại trong căn phòng lắp kính duy nhất trên đời này. Thỉnh thoảng gã cũng có những người bạn, họ đến nói gì đó với gã rồi đi rất nhanh. Có vẻ, họ và gã không mấy thân thiết với nhau. Tôi biết những người đàn ông ấy. Thỉnh thoảng họ có sang chơi với mấy cô gái ngồi cách tôi một lớp kính. Có một người đã từng nhìn tôi và cười, thậm chí còn gật đầu như chào tôi. Nhưng khi các cô gái vừa nói vừa liếc về phía tôi thì ánh mắt anh ta nhìn tôi lại chỉ còn vẻ thương hại và tiếc nuối. A! Họ đang bàn tán về căn bệnh tâm thần của tôi ấy mà. Tôi không quan tâm đến họ, tôi chỉ rất muốn hỏi về người đàn ông bên toà nhà ấy nhưng lại ngại chạm phải cảm giác thương hại của họ.
Tôi sẽ đi, vậy thì hỏi để làm gì, gã cũng có thể nhìn tôi một cách giễu cợt và thương hại lắm chứ. Không có cách hạ nhục nào kinh khủng bằng sự thương hại. Và tôi đang nằm trong vòng vây của đủ mọi sự thương hại, tôi là kẻ ăn mày, ăn vay cái tử tế còn sót lại của người đời...
Chúng tôi chuyển đến nơi ở mới. Tôi vẫn làm công việc tạo mẫu đồ chơi cho chỗ cũ, thỉnh thoảng họ cử người xuống lấy mẫu mới lên và trả tiền cho tôi. Nói chung mọi chuyện cũng dễ chịu. Mọi người xung quanh có lẽ không biết gì về căn bệnh của tôi. Rồi người ta giới thiệu cho bố mẹ tôi một người đàn ông, chúng tôi nhanh chóng quen nhau. Anh ấy là một nhà kinh doanh, đang cần một người vợ hiền lành và tận tụy với gia đình. Có lẽ tôi là người thích hợp hơn cả trong hàng đống các cô gái mà anh ấy quen biết. Chúng tôi cưới nhau, hạnh phúc khi một đứa con ra đời, cháu cũng có những cơn co giật nhẹ, nhưng bác sĩ bảo đó là hiện tượng bình thường thôi, khi lớn cháu sẽ không sao. Tôi đôi khi cũng nhớ về gã đàn ông ở thành phố cũ, gã đàn ông có nước da màu vàng mật, màu của đất sét quyện với mật ong...
Thế rồi cơ quan tôi kỷ niệm ngày thành lập, tôi được mời với tư cách là người tạo mẫu đồ chơi lâu năm. Hai mẹ con tôi có mặt khi mọi người đã bế mạc và chuẩn bị vào tiệc. Ông giám đốc ngạc nhiên nhìn tôi: "Tôi chưa bao giờ nghĩ cô lại có thể đẹp như thế này!". Tôi cười: "Một kẻ tâm thần như tôi mà cũng có thể đẹp như người bình thường - ý ông là vậy, phải không?". Ông ta cười ngượng ngập: "Cháu bé xinh quá", "Vâng, thật may!". Tôi đáp khẽ, áp mái tóc tơ mượt mà của con vào mặt. Căn phòng cũ của tôi giờ đã được kê dọn lại, một cửa sổ đã bị bịt lại bằng một cái tủ tài liệu, nhưng ô cửa nhìn sang cửa sổ phòng gã thì vẫn y nguyên. Tôi không thấy gã bên kia, có lẽ gã đã chuyển phòng làm việc hoặc đi nơi khác. Tôi cảm thấy lòng đau nhói, mẹ con tôi lên đây đâu phải để dự buổi tiệc dở hơi này của cơ quan. Tôi chỉ muốn chỉ cho cháu người đàn ông đầu tiên không thương hại, không nhân nhượng trước khuyết tật của mẹ cháu.
Tôi ra về khi tiệc vẫn đang đông. Tôi dắt con gái sang toà nhà bên cạnh, hỏi thăm căn phòng tầng 5 đối diện phòng tôi. Ông gác cổng bảo: "A, cô hỏi phòng giám đốc", rồi chỉ lối cầu thang cho tôi. Tôi nhận ra ngay người đã nhìn tôi thương hại và tiếc nuối ngày trước. Anh ta cũng nhận ra tôi, nhưng rất lịch sự, anh ta cố không giật mình.
Tôi hỏi về gã. Anh ta cố nhịn cười: "Đó là mẫu robot tự động của chúng tôi, bây giờ nó hỏng rồi nên chúng tôi đã vứt vào kho. Cô có muốn đi xem mẫu mới của chúng tôi không?". "Không! Cảm ơn, anh có thể cho mẹ con tôi xem người cũ không?". "Được, để tôi dẫn cô và cháu đi!". Anh ta bế thiên thần của tôi lên, chúng tôi được dẫn vào kho. Tôi nhận ra gã ngay, nước da của gã vẫn mịn nhưng bẩn thỉu vì một lớp bụi, bên hông có một cái fecmeture, đó là bên mà tôi không nhìn thấy mỗi khi gã cởi trần.
Nước da gã vẫn mịn màng và ánh lên màu đất sét pha mật ong... Tôi cảm thấy đau lòng khi nhìn thấy gã bị vứt lăn lóc trong nhà kho như vậy. Với tôi, gã là một con người, người - đầu - tiên - không - nhìn - tôi - thương - hại. Gã đã làm tôi muốn sống, muốn được hạnh phúc, muốn được nhận ra là đàn bà, muốn được yêu đương. Tự dưng tôi muốn khóc, nước da của con tôi giống hệt nước da của gã. Có lẽ do tôi bị ám ảnh bởi màu sắc tuyệt vời của làn da gã chăng? "Tôi muốn mua lại, có được không?". "Cô mua làm gì, những con mới của chúng tôi tốt và đẹp hơn nhiều!" - Anh chàng giám đốc bảo. "Không! Tôi cần người này!". Anh ta kinh ngạc hỏi lại: "Cô gọi nó là người sao?". Tôi đáp: "Với các anh, đó chỉ là một robot. Còn với tôi, đó là một người". Anh ta nhìn tôi, hơi sững sờ nhưng không nói gì. Còn ánh mắt anh ta rõ ràng như muốn bảo: "Đúng là cô ta tâm thần, vậy mà mình lại ngỡ...".
Hai mẹ con tôi ôm gã ra xe. Khi nào về đến nhà, gã - người đàn ông màu vàng mật - lại hiên ngang đứng trong đời tôi.
 

Xem Tiếp: ----