Chị là giáo viên đã thành đạt trong nghề. Ngoài lương bổng chị còn thừa hai vườn cây đặc sản do cha mẹ để lại. Cuộc sống đầy đủ quá đi chứ! Không, thế mà vẫn thiếu!
Chị ao ước có một mái ấm gia đình để ngoài giờ dạy, chị sẽ được làm một người vợ, một người mẹ. Vậy mà nó lại lớn lao quá đối với chị. Chị đã ngoài bốn mươi rồi. Một ngày nọ, chị thong thả đạp xe đến trường. Một chiếc xe máy tông phải chị. Người chủ xe tức tốc đưa chị đến ngay bệnh viện tỉnh. Kết quả chị bị gãy xương đùi.
Biết chị không có ai là thân nhân họ hàng, người ấy ở lại bệnh viện để chăm sóc chị. Ðấy là một gã đàn ông tuổi khoảng năm mươi. Ông ta chăm sóc chị rất chu đáo: Từ miếng ăn thức uống đến mọi thứ sinh hoạt khác. Những bệnh nhân cùng phòng ai cũng lầm tưởng chị với ông ta là đôi vợ chồng. Họ thường khen: "Chồng thương vợ quá! Chăm sóc vợ cẩn thận quá!" Ông ta lặng thinh còn chị cảm thấy hạnh phúc thật sự. Khi mới đưa vào viện, chị rất hận ông ta. Nhưng trước sự chăm sóc nhiệt tình và lời nhận xét cuả những người xung quanh, chị không còn hận nữa. Chị nghe như tim mình ấm lại. Hơn một tháng điều trị, vết mổ ở chân để sắp xương lại, đã lành. Bác sĩ khuyên chị nên luôn tập đi để chân mau bình phục. Ông ta là người duy nhất tập cho chị nhấc từng bước. Cả tháng nằm trong phòng, hôm nay được nhìn thấy khoảng trời xanh và bên chị là người đàn ông đã tận tụy săn sóc, chị thấy đất trời đẹp lạ lùng và lòng chị rộn rã hẳn lên. Ông ta dìu chị trước băng đá, trước hành lang bệnh viện. Họ vui vẻ ngồi trò chuyện bên nhau. Và một lúc sau.... chị...gục đầu vào vai ông ta....
Chị được xuất viện, về đến nhà, trừ những lúc bạn bè và học trò đến thăm, chị cảm thấy cô đơn nhiều. Chị thầm nghĩ giá như chân mình chậm khỏi! Ông ta mang đến cho chị đôi nạng gỗ để chị tập đi cho dễ dàng. Ði bằng đôi nạng gỗ sao chị thấy khó nhọc quá! Phải chi có người ấy bên cạnh để dìu chị tập đi! Mỗi chập tối, ông ta đến thăm và mang thức ăn ngày hôm sau đến cho chị. Ngồi bên ông ta, chị thấy ấm áp và vui vẻ lạ thường. Ông ta khuyên chị nên cố gắng tập đi, chỉ thời gian ngắn thôi, chị sẽ trở lại bình thường. Lúc đó ông ta sẽ làm lễ cưới cùng chị.
Buổi trưa hôm ấy, chị gọi thằng bé bán kem vào mua. Thì ra đây là đứa học trò cũ của chị ba năm trước. Năm nay nó đã học lớp tám. "Thanh à, nghỉ hè em không đi học thêm sao?".
-Thưa không cô ạ!
"Tại sao vậy?".
"Gia đình em đã sa sút rồi, ba em vừa mất việc, ở hãng cho biết cả tháng nay ba em không đi làm nên người ta cho nghỉ."
"Vậy ba em đâu?".
"Em cũng không biết nữa, cứ vài ba ngày ba em lại về nhà một lần, lấy ít tiền rồi vội vã ra đi, ai hỏi ba cũng bảo là đi có việc riêng. Hiện giờ mẹ em mắc nợ nhiều lắm. Mấy ngày nay ba em ở nhà và luôn gây chuyện với mẹ em. Ba cương quyết bán nhà và đòi ly dị".
Thằng Thanh bán kem nức nở khóc, chị dỗ mãi nó mới nín. Chị cho nó một số tiền và giục nó đi bán nốt số kem còn lại.
Thằng Thanh bán kem đi rồi, lần bước về nơi bàn viết, mở tủ tìm lại cuốn sổ chủ nhiệm lớp ba năm về trước. Chị giở từng trang, tìm lý lịch từng đứa học trò. Chị choáng váng khi biết Huỳnh Thanh là con của Huỳnh Phúc. Huỳnh Phúc chính là ông ấy, là người sắp sửa đem lại hạnh phúc cho cái tuổi tứ tuần của chị! Chị khuỵu xuống sàn nhà nức nở khóc. Ðây là lần đầu tiên trong đời chị khóc nhiều như vậy.
Chị cắn chặt môi gượng dậy, lòng chị rối như tơ vò. Huỳnh Phúc đến với chị bằng tình yêu thật sự và không hề vụ lợi. Chị phải làm gì trước nghịch cảnh éo le này? Ðến với phúc hay trả Phúc về cho gia đình?  Ngoài bốn mươi rồi. Có cơ hội nào nữa không? Chị suy nghĩ thật nhiều, thật nhiều....
Trời sắp tối, chắc Phúc cũng sắp đến với chị. Chị đến bàn, viết cho Phúc lá thư. Chị mở tủ lấy hai lượng vàng gói cẩn thận vào phong thư. Ðến bên góc nhà, chị nhặt một chiếc nạng gỗ. Chị buộc chặt phong thư có số vàng vào chiếc nạng và đặt nó ngoài cửa. Chị vào nhà cẩn thận khóa chặt chốt cửa, cắt luôn cả cầu dao điện.
Trong nhà tối om, chị lên giường nằm...

Xem Tiếp: ----