Người đàn ông nằm thiêm thiếp, lồng ngực phập phồng hơi thở yếu, khuôn mặt xanh tái môi hơi hé mở, mắt nhấp nháy không đóng hẳn. Căn phòng sáng mờ, những ngọn đèn túyp tỏa ánh trắng xanh buồn bã. Tiếng máy đo nhịp tim bíp bíp đều đặn như tiếng tích tắc đồng hồ đếm thời gian mòn mỏi, lâu lâu tiếng xì dài đơn điệu từ chiếc máy bơm dưỡng khí, bén ngót cắt khối tĩnh lặng trong phòng.
Người thiếu phụ ngồi thu mình trên ghế, khuôn mặt trông không rõ. Nhập nhòe. Đầu cúi, quyển sổ gáy lò xo trên tay.
“Ngày, tháng, năm 1969
Em yêu, bây giờ đêm đã thật khuya, tất cả mọi người đã ngủ, nhớ em. Tám tuần sơ khởi đã qua, anh biết em đã đợi nhưng không cách gì anh viết được. Những đêm mệt nhoài ngủ vùi như chết. Bạn anh có thằng ngủ với lon sữa hộp đang tu dở, từ khóe miệng sữa chảy dài xuống gối, sáng dạy phải làm vệ sinh khổ sở.
Sài gòn vẫn vui? Những nhánh lá me Trần Qúy Cáp vẫn đan nhau? Đường Duy Tân bóng lá vẫn đổ dài? Và em vẫn thênh thênh trên đường về học? Chỉ anh là vắng.
Khí lạnh cao nguyên se se, hơi sương ngọt, trời trong rộng hơn, thấp hơn những đêm canh gác, mắt trũng sâu vì chưa quen ngủ đất. Đêm mưa cao nguyên lại càng thê thảm hơn. Giày nhèm nhẹp đất đỏ, muốn thắp điếu thuốc có khi mất nửa hộp diêm.
Anh nhớ Saigon nhớ cái nóng hừng hực trên lưng, giọt mồ hôi lăn trên má, tóc em sợi mỏng,vài sợi quấn vào cánh tay anh, khi anh gò lưng đạp lên con dốc Tự Do.
Tại sao anh sống nơi đây? Tại sao anh chọn đời binh nghiệp đến bây giờ anh chưa trả lời cho chính anh được. Còn qúa sớm để trả lời nhất là sau ngày hành xác nhập trường. ói mửa ra mật xanh mật vàng, bò lê bò càng trên bãi bùn sền sệt, ngước mắt nhìn lên, chỉ thấy đôi giày ống đen kinh hòang chực đá. Những ngày chạy từ phòng ăn đến cột cờ vô ý thức, chỉ hoàn tòan theo lệnh của các niên trưởng đàn anh, đã qua, anh thấm thía hiểu rằng đời sống binh nghiệp phải tuân theo điều luật, tuân theo mệnh lệnh một cách máy móc, khác với thời học sinh chỉ có vài điều kỷ luật đơn giản. Không hút thuốc trong lớp học, phải bỏ áo vào quần, tóc không được dài qúa ót.
Anh không hối hận khi bỏ SàiGòn ra đi, anh không tiếc nuối cơ hội được miễn quân dịch, mảnh bằng tú tài hai ưu hạng đủ để anh đứng ngòai cuộc chiến, nhưng anh đi dù nhớ.”
“Ngày, tháng. năm 1969
Đêm hôm qua cả đại đội lên đồi Bắc, chu kỳ hai tháng qua rất nhanh. Hơn một trăm người rải đều canh gác cho các anh lính Thượng về nhà đi phép. Ngọn đồi ngan ngát thông xanh ban ngày, đêm xuống thành mảng dày đen kịt chập chùng. Hương đêm nức mũi, khói basto xanh phủ trong tấm áo poncho, che đốm lửa, xông thẳng vào mũi vẫn không át được. Đêm huyền hoặc hơn với những bóng đen lầm lũi. Yên ắng nhịp tim rừng, đều đặn tiếng bước chân của người bên cạnh, đôi khi hỏang hốt tiếng gãy của cành khô. Những câu thơ Quang Dũng – khói thuốc xanh dòng khơi lối xưa – giăng giăng mưa bụi quanh phòng tuyến – lúc ấy thấm ngầy ngật như vừa uống xong ly rượu đế nồng độ cao. Anh tự hỏi mệnh số nào, làm đất nước Việt Nam, con người Việt Nam gánh chịu cảnh chia ly nhiều như thế - Xa qúa rồi em người mỗi ngã, bên này đất nước nhớ thương nhau – Thóang hiện em về trong đáy cốc, nói cười như chuyện một đêm nao. Anh có ý làm thơ, anh có ý viết ra những điều dằn vặt nhớ nhung, muốn thổ lộ đôi điều từ con người nhỏ bé của anh, giữa thiên nhiên ngùn ngụt, trong đêm dài canh sáng, mà anh tắt tị, chẳng chữ nghĩa nào hiện đến, ngòai những vần thơ Quang Dũng. Khỏang cách giữa nhà thơ và anh tít tắp, cả không gian lẫn thời gian, nhưng ông đã viết thay anh.”
“Ngày, tháng, năm 1970
Nếu có những dự định cho đời mình, ngay khỏanh khắc này anh chỉ muốn ra trường ngay, về đơn vị ngay và chiến đấu, nhất quyết sống chết với chúng nó. Chúng nó mặt vuông tròn, anh không cần biết, lý tưởng có hay không anh không cần biết. Anh chỉ biết đêm qua bạn anh đã chết, cái chết tức tưởi ngột ngạt, chết như mơ, chết tình cờ không định trước. Lựu đạn tấn công lén lút, những tên đặc công ma mãnh, chui rúc như chuột, đợi đêm tối chui ra. Anh nhớ ra tại sao anh lìa thành đô hoa lệ, treo mảnh bằng theo nghiệp kiếm cung. Mùa xuân Mậu Thân buồn tang tóc, anh tức qúa, thằng thanh niên trong anh đau đớn qúa. Dãy nhà bị phóng hỏa thí để mơn man cho cơn cuồng điên khát vọng thống trị chủ quyền, người chết phơi thây ngay trong thành phố. Em bé da thịt
cháy đen. Huế điêu tàn đổ nát, bao nhiêu mạng người bị đem chôn sống trong những hố tập thể, chủ thuyết nào, cá nhân nào đã gây ra bao cảnh kinh hòang như vậy?
Thằng bạn đã hóa thiên cổ, mảnh đạn thù mang nó đi khi nó chưa kịp thù hận như anh. Mắt nó còn mở trừng nhìn anh, khi anh đến nhìn nó lần cuối. Chưa ra trận, đã chết vì đạn thù. Anh đang thù hận, anh mang lòng thù hận. Nỗi thù hận đã có lý do.
Ngày, tháng, năm 1971
Thời gian đi nhanh qúa, anh đã ở đây gần ba năm. Em lại lên nghỉ hè mỗi năm. Nhớ phố chợ đông vui, mỗi lần anh cùng em sóng bước. Nắng tô vàng vạn vật, mắt em sáng ánh hồ trong, tóc em mây tràn đỉnh núi, tà áo em vờn quấn bước chân anh. Anh nghĩ đến làn da thanh xuân mịn màng tay vuốt, anh muốn ôm ghì em cho hả nhớ nhung dồn nén, mà anh phải giữ anh lại, chỉ dám nhẹ nhàng dìu em khi lên con dốc dài đại học, chỉ dám khẽ khàng sửa vài hàng tóc rối, gío nghịch phủ lên mắt môi em. Anh muốn hôn em ngấu nghiến, anh muốn nhiều hơn điều anh có thể muốn. Em Eva của anh Adam ngày khai thiên lập địa, tại sao anh phải đợi chờ, tại sao có chiến tranh, tại sao hai ta không thong dong trong vườn cây đầy táo đỏ. Đêm nay anh ngủ với hình bóng em đầy tay ôm, hương em đầy trí tưởng, ngày mai em sẽ lên. Sinh nhật lần này, anh sẽ hôn em, nụ hôn đầy hơn nhung nhớ, nụ hôn ngọt hơn táo thơm. Món quà sinh nhật của em chỉ hai chúng ta biết được, anh sẽ hỏi em có đủ yêu anh để làm vợ anh không, có yêu anh đủ để là mẹ của con anh không, những đứa con trai con gái đẹp xinh. Uyên ơi.
“Ngày, tháng, năm 1971
Em đã chết, chiếc xe nhà binh mười hai bánh đổ dốc, khúc quanh bờ hồ. Chiếc khăn quàng cổ màu rượu chát. Anh trong trường chưa ra kịp. Ngày sinh nhật cũng là ngày em ra đi. Định mệnh nào em ơi.
“Ngày, tháng, năm 1971
Anh thôi không viết nữa, quyển sổ này sẽ theo em. Mang tình yêu của anh dành cho em theo em với nhé. Vĩnh biệt người anh yêu đầu đời và mãi mãi.Hoàng Ngọc Thúy Uyên.”
Cửa phòng mở, người con gái bước vào khẽ khàng. Cô nhỏ nhắn, mái tóc demi garcon dài hơn ót, khuôn mặt bơ phờ:
-“Chào cô, cám ơn cô đã đến, cháu không ra đón cô được, xin lỗi cô”
Người thiếu phụ ngước mặt, khuôn mặt buồn, đôi mắt ướt, giọng nhỏ nhẹ:
-“Cô phải cám ơn cháu mới đúng, nếu cháu không cho phép làm sao cô tìm đến được nơi đây. Cháu là con duy nhất của anh Nghi?”
-“Dạ không, cháu còn một người chị cùng cha khác mẹ. ”
Im lặng, người con gái đến gần giường bệnh, sửa lại mép chăn, vuốt lại sợi tóc cho bệnh nhân.
- “Chị Hoài cháu bất cần đời, tự tử một lần không chết, bây giờ cháu cũng chẳng biết chị ấy ở đâu?”
- “Cô rất tiếc, rất buồn khi biết tình trạng này, may mà các anh cùng khóa với ba cháu cho cô số điện thoại. Nguyên nè gia đình sang đây hồi nào? cháu sống ra sao? nói chuyện trên phone ngắn ngủi qúa cô không hiểu hết.”
-“Dạ, gia đình cháu sang đây theo diện tị nạn chính trị, HO 4. Ba cháu có một đời vợ trước, bà đi vượt biên năm 1979, bỏ chị Hoài lại cho nội nuôi. Ba bị đi tù hồi đó. Khi về, bà nội nói lấy má cháu, tại má cháu lo cho nội với chị Hoài lâu lắm lận. Nội cháu chết sau khi ba cháu về được 4 năm. Ba cháu buồn dữ lắm. Tại nội chết chứ không chắc ba cháu còn ở Việt Nam đó cô.”
-“Còn tại sao má Nguyên bị tai nạn?”
Nguyên hơi cúi đầu hạ giọng
-“Dạ ba cháu lái xe ra freeway bị xe tải húc đằng sau, má cháu văng ra ngòai. Ba với cháu ngồi phía trước, không sao hết. Hôm đó má đòi đi thăm chị Hoài trong nhà thương, sau khi chị cắt gân máu. ”
-“Trời ơi sao khổ vậy con?”
Người thiếu phụ nắm tay Nguyên sụt sùi
-“Hồi sang tới đây chị Hoài đòi đi tìm má ruột, để ở với má ruột, ba cháu cho chị ấy đi. Chừng hơn năm chị ấy trở về lại và buồn lắm. Chị ấy nói cho cháu nghe là má ruột không thương chỉ, bà vẫn hận ba cháu lắm.”
“Hận ba cháu lắm” cô cũng hận ba cháu lắm. Lòng hận của người phụ nữ, biết người mình yêu, vẫn còn giữ mãi trong tim bóng hình người khác, dù hình bóng ấy là chị ruột của chính mình. Sau ngày chị Uyên chết đi, anh đã khổ sở ray rức. Quyển nhật ký anh đưa nhờ liệm chung cùng chị, em đã cố tình giữ lại vì tò mò. Mỗi mùa hè theo chị lên Đà Lạt, vài lần được đi theo uống cà phê Tùng, có lần được đi ban ( ball) trong hội qúan. Hai chị em cách nhau một tuổi giống nhau như tạc. Chị mất em thay chị viết thơ an ủi, thay chị đến cùng anh, và yêu anh mê đắm. Và hận anh tê tái, hận anh vì anh đáp lại tình yêu em chỉ bằng mối tình anh đã dành riêng cho chị.
Giọng cô gái cất lên phá không gian tĩnh mịch
-“Ba cháu có biết cô đến chưa?”
-“Từ lúc cô vào đến giờ ba không tỉnh, cháu biết bệnh trạng của ba thế nào không? ”
-“Má cháu mất, ba cháu tiều tụy dần, phần vì chị Hoài bỏ đi nữa. Ba đi phụ người ta xây cất cực lắm. Cháu đi học về nhà nấu ăn, chắc ba không vừa miệng, ăn ít, rồi ba đang làm việc ngất xỉu, mang vô nhà thương, bây giờ người ta nói hư phổi rồi.”
-“Cháu còn đi học không?”
-“Dạ, cháu mới nghỉ mùa này. Bây giờ cháu đi làm rồi ạ. Mà cô ăn gì chưa?
-“Chưa, nhưng cô không đói.”
- “Tối cô về đâu? Nếu cô không ngại về nhà với cháu, cháu có một mình sợ lắm. Có ở lại đây người ta cũng bắt ra ngòai phòng khách cô ạ. ”
Cô y tá bước vào, đo mạch, lấy máu. Phiên trực đêm đã bắt đầu. Hai cô cháu ra về. Hành lang bệnh viện yên ắng sâu hun hút, đèn sáng choang ngột ngạt. Tiếng bước chân vọng lại buồn tênh. Ra khỏi nhà thương, đèn đường hiu hắt nặng nề, phố xá xa lạ. Những con đường tít tắp, vài bóng xe vụt ngang như qúa khứ bất chợt hiện hình thảng thốt. Đèn đỏ, đèn vàng, đèn xanh là thực tại, người yêu, người bạn xưa đang nằm chờ chết. Phận mình long đong trôi nổi, có chồng, có con, không chồng, chẳng con. Một mình lại một mình.
-“Cô ơi tới nhà rồi.”
Căn nhà chung cư nhỏ, phòng khách trang trí vén khéo. Đập vào mắt là tấm hình người phụ nữ trên chiếc bàn thờ nhỏ, bên góc trái. Ngọn đèn nến màu đỏ bằng điện, soi đôi mắt người trong hình long lanh, như sống.
-“Hình má cháu đó cô, hồi mới có 43 tuổi thôi. Tại không có hình mới nên ba cháu rửa đỡ hình này đó”.
Nguyên thắp một nén nhang, mùi hương thỏang nhẹ.
-“Mẹ Nguyên dịu hiền qúa”
-“Cô nghỉ trong phòng cháu nha.”
-“Mặc cô cháu ạ. Cháu đi nghỉ đi, cô tự lo cho cô được mà”.
Còn một mình trong khung cảnh lạ, quen chăng là tấm ảnh bán diện treo cạnh phù hiệu “Tự Thắng Để Huy”, chiếc mũ casket che bớt vầng trán cao, sống mũi thẳng. Bờ môi tương xứng chiếc cầm vuông cương nghị. Ánh mắt xa xăm thăm thẳm, dõi vào cõi mộng mơ hồ. Khuôn mặt đã từng cúi thật gần mê đắm, làn hơi quyện làn hơi, một lần thảng thốt gọi tên, tên người con gái đã chết. Anh ơi! em không thể, không thể chấp nhận sự lẫn lộn giữa sống và chết, giữa qúa khứ và hiện tại, em không thể chấp nhận tình yêu thay thế. Không thể là thân xác cho một hồn ma tồn tại. Tình yêu không thể giải bầy vì thế này, hay thế khác. Anh đã không thả hồn ma vào qúa khứ. Anh đã không nhận ra em là hiện tại sờ mó được. Nên em chuồi khỏi vòng tay anh mà trốn chạy. Trốn chạy định mệnh tình yêu anh dành cho chị Uyên thừa mứa đổ xuống em. Ngỡ ngàng tê tái, thốn đau tận óc sau bao năm đợi chờ hò hẹn, bao quấn qúit mê say. Ngày em lên thăm anh trên đơn vị, trong chiếc lều chỉ huy, mùi mồ hôi quyện hăng hắc bộ trây-di vương khói súng. Cuồng điên nào để anh gọi tên Uyên Sao không là em, không là tên em.
Từ ngày ấy, đời em sóng dữ nổi trôi. Những đêm trốn nhà đi nhẩy thâu đêm, suốt sáng, những người tình giống anh, người giống mái tóc, kẻ giống miệng cười, cả cách châm điếu thuốc, cách phả khói vòng cũng làm em điên đảo. Trách anh không buông bóng hình qúa vãng, em lại cột thắt yêu thương hờn oán. Oán chồng chất oán. Em oán anh, chồng em oán em. Đời sống ngộp ngụa pha trộn giữa trách nhiệm bổn phận, con người, xã hội. Những ràng buộc như sợi giây thừng thít chặt đớn đau, hơn là sợi tơ thịt hòa vào thịt, nhớ nhau suốt đời.
Đàn bà nổi trôi như chiếc lá dập dềnh, không mục rữa cũng tả tơi. Còn lại là mảnh chấp vá tình yêu đầu đời khờ dại, mảnh vá vụng về không che được cõi lòng trống hoắc như tượng con búp bê bằng sứ.
Nhìn Nguyên, cô bé thản nhiên chấp nhận đau khổ đang xẩy ra cho gia đình. Ánh mắt trĩu ưu tư khó dấu, cách nói chuyện ngắn gọn, đầy đủ. Giống anh. Giống anh khéo che dấu những tình cảm trong lòng, không tỏ lộ ra cho người khác biết. Giống anh kiêu hãnh hiên ngang, ngẩng đầu ưỡn ngực như tượng đồng trơ trơ triền dốc, có biết đâu theo thời gian rỉ sét cũng làm thay đổi đồng thau. Em cũng đã kiêu hãnh. Kiêu hãnh đã đưa em đến chỗ ngu dại một lần, đủ chuyển vần con tạo, đủ hành hạ đời mình, đủ biến yêu thương thành oán ghét, đủ thay đổi cuộc vuông tròn thành méo mó dị hình. Em kiêu hãnh, em muốn thay đổi anh, thay đổi cách suy nghĩ của anh về tình yêu. Kiêu hãnh biến em thành ngoa ngoắc, ghen tị. Ghen với người đã khuất là tự mình chịu thua, tự mình hạ thấp chính mình. Em không biết điều này đến bây giờ, đến gần trạm cuối cuộc đời, va chạm rạn vỡ gần hết lòng kiêu hãnh mới hay ra mình ngốc nghếch thảm thương. Hai khối kiêu hãnh em - anh đã đụng nhau mãnh liệt, lửa tình yêu không đủ hàn gắn, hay vì chiến tranh, anh một nơi em một nẻo, chúng mình không có thời gian san bằng gò mối qúa khứ đùn cao trong huyệt mộ chị Uyên. Em khốn khổ tìm câu trả lời, không tìm ra, đành an ủi mình: “ đôi khi ông tơ bà nguyệt già nua, se nhầm mối tơ hồng khúc khủy, sợi tơ cũ mục, bở đứt dễ dàng để em và anh một đời lận đận, vào ra vòng tròn tình cảm mơ hồ ri rỉ máu tim khô – đau đớn”. Đau đớn cho chính mình đã xong, lại lan sang cả những người không may mắn bị dính líu vào đời mình.
Không gian này anh đã sống, bây giờ em ngồi đây nghĩ về em, về anh về những luyến lưu không phai nhạt.Những luyến lưu với em là vết sẹo khắc sâu trong tâm khảm, đủ để em không ngần ngại làm cuộc hành trình đối diện qúa khứ. Qúa khứ của người đàn bà càng ít càng hạnh phúc, qúa khứ của em không ít, nên hạnh phúc của em lưa thưa.
Bây giờ em phải làm gì đây để chụp lại qúa khứ, biến nó thành thực tại. Bạn bè anh giúp anh một phần vật chất, con gái anh còn đời của cháu, không thể thay thế người bạn đồng hành cuối đời. Em, đang lững lờ ưng hay không ưng bước thêm bước nữa. Hai bước hụt hẫng đã xong, ngậm ngùi nhưng không chua xót. Liệu bước thêm nữa không, lời cầu hôn mỡ màng vật chất và hình bóng anh, như vết xâm đậm đen không sao tẩy xóa ra khỏi tim em. Anh ơi! hai bàn tay em mong được nâng giấc anh hôm sớm, bây giờ là lúc anh cần. Anh ơi tấm lòng em nhớ nhung anh gần hết kiếp, bây giờ là lúc em được cận kề. Em sẽ ngồi bên giường đọc cho anh nghe từng trang nhật ký, bón cho anh từng muỗng cháo miếng cơm, dìu anh đi khi anh còn khập khễnh và hai đứa mình cùng nhau nghiệm lẽ sống cuộc đời: sinh ra để khổ rồi chết.
Với tình yêu em còn dành cho anh, với sự kiêu hãnh của em, em sẽ tính ra cách làm sao giựt lại anh, từ bàn tay thần chết.
Ấu Tím

Xem Tiếp: ----