Rồi một ngày chợt nhận ra công việc mình đang làm trở nên mệt mỏi quá, thành phố đang sống bỗng dưng ngột ngạt quá, tôi nghĩ mình nên đi xa một chuyến và nhớ tới Tuyên. Tự dưng thèm gặp Tuyên biết bao, để được nói với Tuyên mọi chuyện trên đời, được cười khóc với Tuyên những chuyện vui buồn mà với người khác, có thể là những chuyện ngớ ngẩn không đáng để tâm. Nếu trong cuộc sống có một người nào đó mà những bộn bề thường nhật có thể làm ta không nhớ đến nhưng lúc dường như thấy cô đơn nhất, đó luôn là người đầu tiên ta nghĩ về thì Tuyên là một người như vậy. Là bạn cùng lớp với tôi ngày xưa, bây giờ đang sống ở một nơi cách thành phố của tôi gần năm trăm cây số, Tuyên luôn biết cách làm dịu đi những nỗi đau buồn của tôi, ngày xưa cũng như bây giờ...
Vậy là tôi gọi điện cho Tuyên. Giọng Tuyên nghe trên phone thật hồ hởi: "Hôm nào mầy vào, để tao đi đón!". làm tôi tự nhiên thấy mủi lòng. Cái thằng đàn ông trong tôi tưởng mạnh mẽ, gan góc là vậy mà có lúc cũng như thế này sao. Tôi ghé cơ quan xin nghỉ phép, anh Định cười: "Xin nghỉ để hỏi vợ hả? Gì chứ vụ đó là anh ủng hộ hai tay.". Tôi cũng cười lắc đầu: "Làm gì có! Ai mà thèm ưa em.", chợt thấy chạnh lòng. Mọi khi, tôi vẫn trả lời nửa đùa nửa thật như vậy mỗi lần bị anh Định trêu nhưng lần này thì... Tôi nghĩ đến Kim, từ lúc quyết định chia tay, đã không hề gặp lại nhau. Kim bướng bỉnh, kiêu hãnh, vốn không chịu thua ai cái gì bao giờ đến hồi còn quen nhau, có lúc tôi đã tự hỏi không biết Kim có thực sự yêu mình không nữa. Ngẫm nghĩ về những chuyện đã xảy ra, tôi đến chẳng hiểu nổi mình. Ngày xưa, không gặp nhau một ngày đã quay quắt nhớ, bây giờ thì thấy mình như vô cảm, không còn muốn thiết tha với cái gì nữa...
Chuyến xe khách đến Tuy Hòa trễ gần hai tiếng đồng hồ so với dự tính, sau khi chạy lòng vòng rước khách và ì ạch qua một chặng hành trình dài gần chín tiếng đồng hồ, dù gã lơ xe đảm bảo chắc một trăm phần trăm với tôi là sẽ đến sớm hơn. Đường xá có nhiều chỗ đang được thi công lại, nắng gắt, bụi mù. Tôi vừa bước xuống xe, mỏi rừ, đã thấy Tuyên chạy ra gọi tôi rối rít từ một quán cà phê bên đường: "Tao ra đây từ lúc cơm trưa xong, ngồi uống nước chờ mầy ở ba quán rồi, cứ sợ xe vô sớm, không thấy tao đón lại lớ ngớ.". Rồi Tuyên ân cần: "Sao? Đi đường mệt không?", đưa tay đỡ lấy túi xách của tôi, vừa cười vui vẻ vừa nói: "Tao không nghĩ là có ngày mầy sẽ vô đây thăm tao như thế này, vui ghê luôn!". Tôi lúng búng giữ lại túi xách: "Để tao mang cũng được!", muốn nói với Tuyên là mầy đừng có coi tao như con nít như vậy, lại thấy sung sướng một cách ngượng ngùng vì sự quan tâm thật lòng của Tuyên. Hồi còn nhỏ, tôi là đứa bé nhất lớp, Tuyên luôn là người che chở tôi mỗi khi bị tụi cùng trường chặn đường bắt nạt, bây giờ lớn lên, mỗi đứa một nơi, Tuyên vẫn không hết thói quen coi tôi là một thằng bé cần được che chở. Và cũng chỉ với Tuyên, tôi mới có được cái cảm giác của ngày còn thơ dại, bình yên, vô tư, không vướng bận...
Tuyên líu ríu kéo tôi vào quán nước, gọi ly chanh đá, Tuyên vẫn chưa quên ngày xưa tôi có thói quen uống chanh đá mỗi lần đi ngồi cà phê với Tuyên. Tuyên hỏi thăm tôi đủ thứ chuyện, chuyện nọ xọ chuyện kia, làm tôi trả lời không ngớt miệng rồi đột ngột dừng lại: "Mầy vào đây được, tao mừng quá.". Bây giờ tôi mới có dịp nhìn kỹ Tuyên. Tuyên có gầy hơn, da ngăm đen hơn, nhưng lại trông có vẻ khỏe và rắn rỏi ra. Tuyên nhìn tôi cười: "Mầy vẫn không thay đổi gì mấy, có chững chạc lên được chút xíu.", rồi ngập ngừng đề nghị: "Chỗ của tao ở cách thị xã gần ba chục cây số, tối nay mình ở lại đây, tao đưa mầy đi chơi cho biết Tuy Hòa.". Tôi gạt đi: "Thôi, về thẳng chỗ mầy đi, tao cần nghỉ ngơi, tắm rửa một chút.". Tôi còn muốn nói thêm với Tuyên là tôi vào Tuy Hòa là vì Tuyên, chứ cái thị xã bé tí này đâu có gì hấp dẫn tôi. Tôi đang cần một nơi thật yên tỉnh...
Tuyên ở trong một căn hộ tập thể cùng với hai người bạn nữa, cũng độc thân như Tuyên. Từ nhà đi qua chỗ làm chỉ khoảng vài trăm mét nhưng là vài trăm mét đường đất đỏ, mùa nắng, cứ mỗi lần xe chạy qua là nhuộm đỏ hết áo quần, đầu tóc. Trên đường về, ngồi sau lưng Tuyên, mỗi lần xe chạy xóc ngang qua ổ gà là Tuyên nói: "Ở chỗ tao buồn lắm, nhà quê lắm, sợ mầy không chịu nổi.". Tôi cười, nhắc lại ngày xưa: "Mầy làm như tao chưa từng sống ở quê.". Ngày còn nhỏ, đã có những trưa hè nắng chang chang, tôi theo Tuyên đi lội đồng bắt cá lia thia về nuôi, có lần tôi bị cua kẹp khóc thét, làm Tuyên cứ suýt xoa... Dọc đường, chúng tôi gặp mấy xe tải lớn chạy qua, bụi tung mù mịt, Tuyên quay lại cười với tôi: "Đó, mầy thấy ngán chưa?". Tôi chợt nhận ra hình như cách nói chuyện của Tuyên bây giờ có chút gì đó như thiếu tự tin, không giống một Tuyên "thích là chiều" như ngày xưa...
Hai người bạn cùng phòng của Tuyên đón tôi với một vẻ nồng hậu chân tình hiếm có. Đạt, dáng người gầy cao dong dỏng, tóc để rủ dài trước trán, chào tôi thân thiện: "Tụi em nghe anh Tuyên nói anh vô chơi, ngày hôm nay có ý chờ mãi.". Trực thấp, đẫy người hơn một chút, có nụ cười thật tươi: "Anh Nghĩa trông không khác trong hình là mấy.". Tôi hơi bối rối vì sự đón tiếp quá thân mật này, nhìn Tuyên, vẻ mặt Tuyên cứ tỉnh bơ đi. Trực, có lẻ đoán được ý tôi, cười trấn an: "Anh Nghĩa đừng ngại, tụi em sống ở đây như anh em một nhà, thân nhau lắm, lâu lâu có anh vô chơi là mừng rồi.".
Tuyên đưa tôi ra tắm ở cái giếng ở sau hè. Nước giếng mát rượi, trong veo, trong tôi có cảm giác thật nhẹ nhàng. Chỗ Tuyên ở là một vùng gò, đồng lúa bao xung quanh ngút mắt, xa xa là dãy núi nhấp nhô, xanh thẫm. Buổi chiều ở đây xuống nhanh, mới đó mà đã sụp tối. Tiếng ểnh ương kêu râm ran. Những căn hộ trong khu Tuyên ở đã lên đèn, những ngọn đèn bóng tròn vàng vọt giữa một không gian trống không làm cho khung cảnh ở đây càng trở nên hiu quạnh hơn. Trong những cái thư viết cho tôi, Tuyên không bao giờ kể cho tôi nghe những chuyện này. Cũng chưa từng có một lời than thở nào! Tôi nhớ đến căn phòng mình ở, có ti-vi, có giàn máy CD âm thanh Hi-fi, vậy mà từ ngày Kim nói chia tay, vẫn có những buổi tối tôi nằm vật vã vì trống trải, cô đơn. Về đây, tôi ước ao được sống cảnh sống bình yên mà Tuyên đang sống, rồi lại sợ mình có lúc cũng sẽ không chịu nổi cái nhịp điệu trầm tĩnh như thế này. Có lẽ trong tôi là một chuỗi những ham muốn mâu thuẫn cứ luôn giằng xé nhau, chẳng thể nào rạch ròi được. Ngày Kim nói chia tay, tôi đã muốn níu kéo Kim trở lại, không phải là tôi không còn yêu Kim nhưng rồi lại thấy quá mệt mỏi trong một cuộc tình luôn có giận dỗi, trách cứ nhau hiện diện nhiều hơn những tháng ngày hạnh phúc. Tôi nhớ đến Kim, Kim luôn coi công việc và những mối quan hệ làm ăn hơn hết, đôi lúc quên mất những quan tâm nhỏ nhoi, vặt vãnh dành cho nhau. "Mình còn có cả một đời sống sau này để cho nhau mà!". Kim vẫn thường nói như vậy cho đến một ngày, Kim đột ngột gởi trả tôi những món quà tặng và mấy dòng chữ ngắn ngủi: "Em muốn chúng mình chia tay nhau vì em có cảm giác là gần đây, em không còn được yêu nữa!" mà không hề tự vấn điều gì đã dẫn đến kết cuộc như vậy. Tôi không biết được cảm giác của mình lúc đó để rồi sau này, thấy ngày thì dài ra, và nỗi buôn trong mình cứ chất chồng lên, đầy ắp...
Buổi tối đầu tiên ở chỗ Tuyên trôi qua thật lặng lẽ. Cơm nước xong, Đạt rủ Trực đạp xe vô trong xóm chơi, cách chỗ ở gần hai cây số, chỉ có Tuyên với tôi nằm nhà nói chuyện trên trời dưới đất. Tuyên hỏi tôi: "Mầy định khi nào cưới vợ?" rồi không đợi tôi trả lời, kể chuyện tình cảm của mình với một cô bé cùng chỗ làm, rằng Lam hiền lắm, chịu khó lắm, bằng một dáng vẻ hạnh phúc không cần giấu làm tôi cứ thấy buồn buồn. Tuyên đột nhiên hỏi tôi: "Mầy có gì không ổn hả?". Không dưng, bao dự định đến đây kể Tuyên nghe chuyện này chuyện nọ trong tôi tan biến: "Đâu có gì!". Tuyên im lặng, không hỏi thêm nữa, cũng không kể thêm cho tôi nghe gì nữa, lái câu chuyện giữa hai đứa sang một hướng khác. Buổi tối ở đây thật sâu, có tiếng dế rả rích kêu đầu hè. Nói chuyện chán, chúng tôi nằm yên lặng ngắm sao qua cửa sổ. Những vì sao trong đêm lung linh, huyễn hoặc như một thứ hạnh phúc chỉ để ao ước, thèm muốn, khó nắm bắt...
Sáng hôm sau, Tuyên dậy thật sớm, dù gần như suốt đêm qua, Tuyên uống trà với tôi, tán chuyện gẫu. Đạt với Trực đêm qua về nhà tận nửa đêm, xôn xao kể chuyện đi hát karaoke trong xóm vui lắm, cũng dậy sớm, lục đục chuẩn bị đi làm. Tuyên chờ tôi sửa soạn xong, rủ vô xóm uống cà phê: "Mầy vô, tao xin nghỉ phép đưa mầy đi chơi.". Hình như từ xưa đến giờ, chỉ có mình Tuyên là đối xử với tôi như vậy. Quán cà phê là một ngôi nhà lợp tranh trên mái, có song cửa bằng nứa kết lại, nằm ở giữa một khu vườn rộng, vòm lá xanh mướt. Buổi sáng, ngoài cà phê ra, người ta còn bán cháo lòng để điểm tâm và rượu. Mới sáng sớm đã có mấy ông trung niên ngồi khề khà bên đĩa lòng heo, mặt đỏ phừng phừng. Hình như ở đây mọi người đều quen biết nhau, tôi thấy Tuyên gật đầu chào hết thảy mọi người, có người còn kéo tay Tuyên vô "mần một ly". Tôi và Tuyên chọn một cái bàn ở cuối khu vườn rộng, thật yên tỉnh. Tuyên kể cho tôi về cuộc sống ở đây, lúc đầu mới đến thấy buồn lắm, không ciné, không có chỗ vui chơi, sách báo thì thiếu thốn, tưởng đã bỏ cuộc mà đi, cuối cùng rồi cũng quen. "Lúc mới về, tao nhớ mầy, nhớ thành phố ghê lắm.". Tôi chợt thấy thương Tuyên để chợt nhận ra mình sao vô tâm quá, sao đòi hỏi nhiều quá. Rồi lại thấy Tuyên như vậy mà ngon lành hơn mình, thành công hơn mình nhiều, lâu này mình cứ như đang loay hoay trong một cái bọc điều mà mình không biết...
Tuyên rủ: "Lam nghe mầy vào, nói tao chiều nay rủ mầy về nhà chơi cho biết.". Tôi khẽ gật đầu, lại nhớ đến Kim. Tôi không sao thôi nghĩ về Kim được dù cố tự nhủ lòng: đã là chuyện cũ. Nhiều lúc ngồi một mình, tôi vẫn cứ ray rứt hoài không biết mình có vô lý quá với Kim không. Mà sao Kim cũng tỏ ra bướng bỉnh quá chừng...
Mấy ngày ở chơi với Tuyên, tôi cứ loanh quanh sáng uống cà phê, chiều đánh banh, lúc rảnh rỗi thì nằm tán chuyện hão, rồi cũng qua. Chỉ được vài ngày là tôi băt đầu thấy tẻ nhạt, lại nao nức nhớ cái không khí làm việc vùi đầu quen thuộc của mình. Đã quá đủ cho một chuyến rong chơi, rồi phải trở về với cuộc sống thường nhật thôi. Tuyên vẫn ngày ngày chịu khó ở nhà chơi với tôi, hình như Tuyên biết tôi có chuyện buồn lắm mới tìm đến Tuyên, nhưng Tuyên chưa hề hỏi gặng tôi về Kim. Tuyên luôn luôn là vậy, thâm trầm, tế nhị và bây giờ thì tôi thấy không cần thiết để làm nhọc lòng Tuyên vì những chuyện lẩm cẩm của mình. Nỗi buồn, dù lớn đến mấy thì rồi cũng quen, chẳng thể để nó quật ngã mình, càng không thể nhốt mình hoài trong một cái vỏ ốc, vì những chuyện đã qua...
Tuyên, Lam, Đạt, Trực và mấy người bạn nữa tổ chức một buổi liên hoan tiễn tôi về. Có gà xé, có thịt nai khô, và đặc sản là món rắn xào xả, con rắn mà Đạt với Trực đập chết hồi đêm khi bắt gặp nó chui vào cuộn tròn trong chái bếp. Những món ăn mà ở hầu như nhà hàng nào ở thành phố tôi sống cũng có, tôi đã từng nếm qua trong các buổi tiệc chiêu đãi khách ê hề, chưa bao giờ có được cái không khí, sắc thái như ở đây. Một chiếc chiếu cũ trải giữa sàn nhà lau sạch bóng, mấy cái chén dĩa bằng sành, đũa tre trông rất dã chiến, mùi thức ăn từ căn bếp sau nhà bốc thơm lừng... Lam có rủ thêm hai cô bạn gái tới chơi, Duyên và Thúy, Duyên có đôi mắt đen tròn, hàng mi dày và cái nhìn như mơ, giống Kim kinh khủng, chỉ khác là cái nhìn của Kim quyết đoán hơn... Đạt khệ nệ bưng vào một thùng bia, giải thích: "Lâu lâu anh Nghĩa mới vào, mình mát trời một bữa.". Tôi quay sang Tuyên, trách nhẹ: "Mầy biết tính tao quá rồi, sao còn bày vẽ quá!". Tuyên không nói gì, chỉ nhìn tôi, mắt long lanh sáng...
Lam nhiệt tình mời: "Hôm nào anh Nghĩa rảnh, mời anh lại vô chơi với tụi em. Em nghe anh Tuyên nhắc tới anh hoài à, mà lần này anh vô chơi em ít được tiếp xúc quá.". Trực cười khùng khục, mặt đỏ bừng vì bia: "Vậy thì chị Lam phải làm sao giới thiệu cho anh Nghĩa một cô, để ảnh còn có cớ thường xuyên thăm viếng bọn mình.". Lam đưa tay chỉ Duyên và Thúy: "Có hai cô này nè, anh Nghĩa thấy sao?", rồi cười, hai cô dúi vào lưng nhau, đỏ bừng mặt. Đạt sốt sắng: "Em với anh Tuyên định hôm nào nghỉ phép sẽ ghé thành phố thăm anh nhưng rồi cứ lừng khừng hoài, chưa đi được.". Tôi ngồi lúng búng, chả biết nói gì, hai tay cứ xoay xoay cái ly, lòng thấy ấm áp nhiều lắm. Thúy bạo dạn liếc tôi: "Ngó anh Nghĩa đỏ mặt kìa!" làm mọi người cười phá lên. Tuyên huých tay tôi: "Ăn đi chứ mầy, sao thấy ngồi làm thinh hoài vậy?".
Ăn uống dọn dẹp xong, mọi người mang chiếu ra trải ngoài sân. Lam pha một bình trà nóng rồi ôm cây đàn guitar ra trao cho Tuyên. Mọi người ngồi chung quanh, Tuyên ôm đàn khảy khảy vài hợp âm rồi gọi Duyên: "Duyên thay mặt bọn mình hát bài gì đó tặng anh Nghĩa đi.". Duyên "dạ" khẽ rồi hát, giọng hát ấm và trong trẻo lạ lùng: "Những buồn đau đã qua rồi, tựa thoáng mù sương giữa khung trời, để gió đưa vào lãng quên..."°. Trong tôi có một điều gì đó mới mẻ vỡ òa ra, lan tỏa, chơi vơi. Duyên say sưa hát, nét mặt của Duyên trở nên thanh thoát, dường như lúc này Duyên không cần chú ý những gì đang diễn ra chung quanh mình, chỉ còn tiếng hát. Đêm chùng xuống, thẳm sâu, những vì sao trên cao sáng lấp lánh, như có ai đó đang nhìn tôi, mắt nheo nheo chế giễu... Còn chờ gì nữa mà không mở rộng lòng ra, thả nỗi buồn theo gió bay đi...
____________________________________________________
° Lời một bài hát của Bảo Phúc

Xem Tiếp: ----