Bỏ chân xuống giường, bà cụ đứng lên mò sờ cửa sổ phòng mình. Ở chân giường là cái tủ đứng ngăn với lối đi, và từ tủ cột một sợi kẽm, treo tấm màn dọc theo chiều dài giường - đó là "phòng" của cụ.
Từ cửa sổ, cụ bước dọc theo tường tới cửa xuống bếp. Qua khỏi cửa bếp, cụ phải sờ thấy tay vịn cầu thang, và cách đấy vài bước cụ sờ vào góc tường phòng tắm. Rồi cụ quay gót, sờ đụng tay vịn cầu thang, bước tới cửa bếp, về "phòng", sờ vào cửa sổ, leo lên giường, sì sụp lạy bốn phương... ngày hai bận.
"Phòng" cụ thì vỏn vẹn cái bàn nhỏ để quà bánh và cái giường đôi. Vì giường thì đôi mà cụ chỉ một mình nên phần nửa giường cụ để cái quạt máy chưa bao giờ dùng (và chắc sẽ không bao giờ dùng), hai cái thau nhựa to tướng hãy còn tốt (vốn liếng còn sót sau bao nhiêu năm cụ làm thương mại) đựng lỉnh kỉnh vài chai lọ, và một hộp thiếc to đựng thuốc lá.
Giang sơn của cụ ít ỏi bao nhiêu thì lộ trình sinh hoạt của cụ cũng ngắn ngủi bấy nhiêu, xa nhất chỉ là lên gác thắp nhang bàn thờ, cũng sì sụp lạy bốn phương, cũng ngày hai bận. Không ai biết được bao nhiêu cái cụ phải lạy trong ngày và cũng không biết cụ lạy cái gì. Thì giờ còn lại cụ ngồi trên chiếc ghế nhỏ sát giường, tay phe phẩy quạt. Cụ quạt không ngừng tay bởi trời Sài gòn hừng hực nóng, cụ ngồi trong căn "phòng" bưng bít mà lại mặc áo len. Có người hỏi tại sao, cụ cười:
- Áo mình là kiểu xưa, hắn giặt rồi đưa cho mình áo khác. Chớ áo mình làm chi có nối ở vai phồng phồng như con gái rứa. Nên chi mình bận áo len che bớt đi, chớ không thì như bận áo nính.
Những ngày trời mưa, trong bếp nước từ dưới nền xi măng ứa lên, ứa lên tràn ngập, có khi cao cả vài chục phân. Cụ cũng cứ giữ thói quen đi lại, cứ chân trần lội nước mà đi. O Hậu vừa tát nước tràn vào ngập nhà trước, vừa nói mợ ơi làm ơn ngồi một chỗ đi, chớ lỡ trợt chơn té thì làm răng. Nhưng cụ làm như không nghe thấy.
Mỗi lần muốn ăn, từ cái tủ đứng ở chân giường, cụ lần mò ra tới bàn, ngồi ở ghế nhất định, không nói gì, cho tới khi O Hậu đặt trước mặt cụ một đĩa gì đó, thường là bánh xèo, bánh cuốn, bánh khọt, chả giò... ít khi nào cụ chịu ăn cơm.
- Bữa ni không có bánh xèo mợ à, mợ muốn ăn cái chi?
- Ta muốn ăn bánh xèo.
- Nhưng bữa ni không có, hắn đau không đi bán.
- Răng không bán, không bán hắn sống bằng cái chi. Tại mi không muốn cho ta ăn.
Rồi cụ bắt đầu liệt kê tất cả tội lỗi của O Hậu mà cụ có thể tưởng tượng. Rằng mi giặt quần áo mới của ta mi đổi, mi đi chơi đêm về leo lên cửa sổ mà vào nên chi bực gạch bị bể, mi tò te chi với thầy Nhỏ, tại ta thương chồng con nên mới lụy vào mi chớ ta với mi có họ hàng chi, con cái bới cho ta thì mi hưởng hết, ai tới nhà ni cũng chỉ biết mi chớ không biết tới ta, chừ ta mù rồi thì mi muốn làm trời làm đất trong cái nhà ni... Có khi O Hậu tức cười trước những lời vu vơ chẳng đâu vào đâu ấy, nhưng nhiều lúc cụ nói đanh thép bạc bẽo thì O Hậu buồn, thường kể lại lời trách móc của chị O, rằng răng mà mi chịu được, rằng việc chi mi đang thong thả một mình lại phải cưu mang, khi cậu mất bà có thèm để tang cho cậu mô mà mi phải tình nghĩa...
Chuyện xưa, không biết cụ ông bỏ bà hay cụ bà bỏ ông, chỉ biết là cụ ông đi biệt xứ. Cụ bà cưu mang con cái nhưng nuôi với lòng thù hận chồng, giữa mẹ và các con không có lòng trìu mến nhau. Lớn lên con cái lập gia đình hay chưa thì cũng mỗi đứa một nơi. Cụ sống một mình, làm lụng có bao nhiêu thì ngày ngày quà bánh nhang đèn lên chùa. Có con dâu duy nhất từ Trung vào lo lắng săn sóc cụ, mà dạo đó cụ còn sáng nên càng khó, con dâu khóc với chị chồng nhưng vẫn cứ chiều. Vài năm rồi gia đình con trai đi Mỹ theo diện HO, năn nỉ O Hậu về ở với mẹ. Khi vợ chồng tới chào, cụ không nói không rằng, không cả một lời chúc lành.
Có người từ xa tới ở thăm O Hậu ít ngày, chứng kiến sinh hoạt trong nhà và nghe O Hậu kể, hỏi:
- Các chị con cụ có thường tới lui không O?
- Không cô ơi, chị Thuần thì cả năm ni không tới một lần.
- Còn mấy cháu ngoại ở gần đây thì sao?
- Bà cháu có bao giờ tình nghĩa chi mô mà hắn tới. Một năm may ra tới một lần. (Cười mỉa) Hồi mợ tui còn làm ăn được, có bao nhiêu cũng ngày ngày đem cúng mấy ông sư ông sãi, mà cô coi chừ mợ tui không đi cúng kiến được nữa thì có ai ở chùa tới hỏi thăm một tiếng mô.
- Cụ cúng sư sãi nên Phật gởi O tới ở với cụ đây nè. À mà O à, sao cụ chỉ có một người con trai mà cũng bỏ cụ đi Mỹ?
- Dạo nớ mợ tui còn sáng cô à, còn lành lặn nên gay lắm. Ở với ai cũng không hạp được. Với lại anh chị tui có bốn đứa con, hai đứa lớn ra trường mấy năm tìm không ra việc, vì họ chỉ mướn ai có học ở ngoại quốc về tê. Tụi hắn đi dạy Anh văn. Mà cô biết dạy ai không? Tụi hắn dạy mấy ông giám đốc không mướn tụi hắn chớ ai! Anh chị tui đi hai năm thì mắt mợ tui mới hư.
- Vì cụ khóc nhớ con cháu à?
O Hậu bật cười dòn tan:
- Mợ tui có biết thương nhớ ai mô. Mắt hư thì hư.
- Cụ mù thiệt hay còn thấy?
- Còn thấy mờ mờ.
- Ờ, hèn chi em tới cửa vừa lúc cụ đi vòng thứ ba, cụ hất em ra, rất mạnh.
- Ờ, mợ tui còn mạnh lắm cô à.
- Vậy sao không lo chạy chữa mắt cho cụ? Chỉ là vảy cá, người già thường bị, lột ra là mắt sáng lại thôi.
O Hậu nói như nói một mình:
- Chị Thuần nói thôi duyên của mợ mà nợ của em, chớ chị đang lo là phải đem mợ về với chị thì không biết làm răng mà sống, em lại nhận lời ở với mợ. (Thở dài) Cũng là cái duyên của tui nữa cô à, ở nhờ nhà thằng em thì vợ con hắn cũng chẳng vui vẻ chi, mặc dù mình cũng tự túc làm ăn chớ có ăn của ai mô. Tui chừ cũng gần đất xa trời, cái là còn mạnh khoẻ hơn mợ.
Rồi O buồn buồn:
- Mới đầu, các chị còn lại bên ni cũng bàn tán nhau về chuyện nớ, chuyện mổ mắt cho mợ tui. Nhưng cuối cùng là đành bỏ qua, bởi vì mợ tui như rứa thì tui mới ở với mợ được. Chớ mợ tui mà sáng thì có ai ở gần cho nổi, rồi đêm hôm lỡ có chuyện chi thì làm răng. Già cả mệt lắm cô ơi!
MIENG
Paris, 19 Octobre, 1997.
 

Xem Tiếp: ----