La Mai Thi Gia dịch từ bản tiếng Anh The Shadow

 Tôi đọc được một mẩu tin. Và sau đó đọc nó lại một lần nữa. Rồi lại thêm lần thứ ba. Đó là một mẩu tin thú vị. Tôi mong là mình đã có thể mỉm cười, nhưng tôi chỉ lấy làm ngạc nhiên về các sự kiện trong những lần đọc này. Tôi liếc nhanh qua trang báo, đọc thêm vài mẩu tin nữa và rời khỏi thư viện Govt.
Mẩu tin ấy cứ bám riết vào đầu tôi khiến tôi cảm thấy mệt mỏi, con đường thì thật dài và thêm một ý nghĩ khác lại chiếm lấy tâm trí tôi - đó là ý nghĩ về lời yêu cầu cuối cùng của người chủ ngôi nhà mà tôi đang thuê. Họ muốn tôi chuyển đi khỏi ngôi nhà, chậm nhất là vào cuối tháng này, mà thời hạn lại sắp đến gần. Một ngôi nhà ư? Một ngôi nhà thật sự, một cái hộp kiến trúc có hai phòng trong một tòa nhà đơn tầng, một cái bếp xinh xắn và một phòng tắm nho nhỏ xen giữa hai phòng lớn. Thực ra, một căn hộ hiện đại nhất ở Delhi lại là nơi để chịu đựng những nỗi đau của đời sống, những nỗi đau của ký ức về ngôi nhà riêng và mảnh đất mà tôi đã bỏ lại ở vùng Kashmir. Chỉ với đồng lương cố định, tiền nhà thì liên tục tăng lên và chẳng có đồng rupi nào dư ra để dự phòng thì cuộc sống quả là một hình phạt. Trong một khoảng thời gian ngắn tôi đã phải chuyển nhà đến ba lần, phải chịu đựng sự mệt mỏi do phải đóng gói và di chuyển đồ đạc, lại thêm các phiền phức khác về mặt tinh thần. Cuối cùng tôi cũng thu xếp để gặp một tay môi giới nhà đất. Hôm nay sẽ là buổi gặp gỡ đầu tiên của hai chúng tôi. Trước tiên anh ta giới thiệu cho tôi thuê một căn nhà, nhưng sau một hồi cân nhắc kỹ càng người chủ nhà lại thay đổi ý kiến. Ông ta cho rằng một căn nhà lớn hơn căn nhà của ông ta chắc sẽ thích hợp với tôi hơn. Ở nơi khác thì tay chủ nhà lại không chịu nổi cái kiểu ăn uống không chay tịnh của tôi. Thế nhưng khi tôi tỏ ý sẽ cố kiêng khem những thức ăn mặn thì ông ta cũng chẳng chịu tin tôi chút nào. Tay chủ nhà thứ ba thì muốn người thuê nhà phải thuộc cùng đẳng cấp với hắn, mà tôi thì làm sao có thể thay đổi giai cấp của mình cho được. Cuối cùng thì sự việc cũng chẳng đâu vào đâu. Nhưng ai biết được rồi sẽ có một cơ may nào đó xảy đến với tôi thì sao? Thật đáng thẹn! Ý nghĩ này khiến tôi bước nhanh hơn. Cái bóng của tôi vẫn ở đằng sau như thường lệ, bỗng dưng khi tôi gần như chạy thì nó lại đến gần và bám sát vào sườn phải tôi. Cái bóng đã thay đổi hình thù. Lúc thì trông nó giống con bò cái, rồi giống con bê, lúc thì lại có hình dạng uốn éo ngoằn ngoèo. Tôi kéo lê đôi chân đang hết sức đau nhức. Da thịt tôi như bám chặt vào thanh đường sắt nóng ran. Mồ hôi toát ra đầm đìa, tệ hơn nữa là tôi đã dùng chiếc khăn tay cáu bẩn của mình để lau. Tôi để ý thấy cái bóng của mình đã hóa thạch.
Trong vòng năm năm, từ sau cuộc di cư rời xa vùng Kashmir, tôi đã phải hít thở hàng tấn bụi rác của những con đường vừa rộng vừa dài ở xứ Delhi. Khói rác thải, cát và mồ hôi của tôi đã kết lại với nhau tạo thành một thứ dơ bẩn hết sức, gây cảm giác buồn nôn. Trong một ngày oi bức như thế này, cách trốn nóng duy nhất là chui vào phòng tắm. Tôi vẫn thường tự nhốt mình trong phòng tắm và không muốn đi ra ngoài dù với bất kỳ lý do gì. Và ở trong đó tôi mơ màng nhớ về những giọt nước lung linh ngời sáng của những dòng sông trong vắt, mát lạnh ở Kashmir, những bóng râm ở Chinar và những cơn gió nhẹ mát rượi thổi qua rặng liễu... Lẽ dĩ nhiên, đó chẳng thể nào là một ngôi nhà được xây nên bởi bốn bức tường bê tông. Có một vị thánh 1 vĩ đại đã nói một câu hoàn toàn chính xác: “Sẵn sàng từ bỏ ngàn ngôi nhà để đổi lấy một mái ấm”. Vào những lúc như thế này, một nỗi đau ngoài da, sự nhức nhối sâu tận trong cơ thể, muối xát bỏng rác trên vết thương mới. Mất quê hương là mất cả cuộc đời. Một lời đùa ác nghiệt. Một cuộc sống của đọa đày. Một góa phụ còn thanh xuân. Một người tình chia biệt. Nỗi sầu xa xứ là một trò đùa thống thiết. Các nhà tiên tri đã cảm thấy điều đó với một cảm nhận lớn lao và sự xúc động mãnh liệt. Chúng ta chỉ là những phàm nhân.
Tôi có thể nhớ lại tôi đã đọc mẩu tin gì trong buổi chiều hôm đó, tất cả các con chữ cứ hiện ra rõ ràng trong ký ức tôi.
Chính phủ của vương quốc Ubakittan tự do thông báo rằng năm nay là năm thích hợp để tổ chức lễ mừng thọ 66 tuổi của Amir Taimur. Toàn thể đất nước sẽ tỏ lòng kính trọng đến vị anh hùng dân tộc này, vì ông ta rất xứng đáng. Chính phủ còn thông báo trước công chúng rằng bất kỳ ai dám ngu xuẩn gọi Amir Taimur - người chiến thắng vĩ đại, một chiến binh dũng cảm vô song - là Taimur Què 2 thì sẽ bị pháp luật trừng trị và lưỡi của hắn ta sẽ bị lôi ra khỏi cổ họng...”
Giờ thì tôi đã mỉm cười.“Chuyện gì vậy? Anh cười cái gì?” - cái bóng bỗng hỏi tôi. Tôi lườm nó một cái sắc lẻm: “Mi thì ngon rồi, đúng là ta đang bị mắc kẹt vào tình cảnh khốn khó, nhưng điều đó không có nghĩa là ta không có quyền...”
Cái bóng mỉm cười, tôi tiếp tục:
“Nhìn đây này, mi đã sẵn sàng để ngay ta nói chưa? Hãy chuẩn bị tinh thần để đón nhận sự thật sau khi nghe điều này! Taimur què… chỉ có một chân, đúng vậy, ông ta chỉ có một chân và đó là lý do tại sao ông ta nổi danh trong lịch sử với cái tên là Taimur Què”.
- Ôi, đây là một câu chuyện...
Cái bóng của tôi thật sự vẫn chưa kịp sẵn sàng để đón nhận cú sốc này.
 Giờ thì nó nói một cách thận trọng:
- Thật chẳng lịch sự chút nào nếu gọi một người anh hùng vĩ đại như thế là Taimur Què, bất công quá!
Tôi vụt quay lại: - Ta có bảo thế đâu.
- Vậy thì...? - Cái bóng vặn vẹo tôi.
Tôi nổi giận: - Người lịch sự thì chẳng để tâm đến cái từ Taimur Què nhưng như thế không có nghĩa rằng Taimur có cả hai chân.
Chắc cái bóng của tôi cảm thấy xấu hổ, nó lẻn đi ra xa và gần như biến mất. Rất lâu nó không lên tiếng nữa, nhưng tôi biết nó vẫn quanh quẩn đâu đây thôi. Trong những ngày khó khăn này, cái bóng luôn là người bạn đồng hành tốt của tôi. Khi mọi thứ đều đã mất: niềm tin, tình yêu, tình anh em, sự cảm thông, các tương quan trí thức... tất cả mọi thứ và con người bị tách rời thành những mảnh vụn hận thù, thì tôi chẳng thể nào rời xa cái bóng của mình dù có xảy ra bất cứ chuyện gì đi nữa.
Tôi nói: - Mi nên hiểu cái ý nghĩa tiềm ẩn của từ này, nó không có thói quen bám riết lấy ta và quấy nhiễu ta như mày đâu.
Cái bóng nhìn thẳng vào mắt tôi như một con bò đực!
Tôi tiếp tục: - Tại sao mi cho rằng câu chuyện nên dừng lại ngay ở điểm này?
- Vâng, nó phải thế, có lẽ là do mẩu tin đã kết thúc, - cái bóng miễn cưỡng trả lời.
- Có thể là mẩu tin đã kết thúc, - tôi nói -, nhưng câu chuyện thì không. Câu chuyện đã được mở rộng ra. Nhiều quan điểm hơn, nhiều màu sắc khác nhau và các chiều kích ẩn giấu trong mẩu tin này đã sáng tỏ rồi.
- Ý của anh là sao? - cái bóng lúng túng hỏi tôi.
- Chỉ sau khi mi đọc xong một câu chuyện, - tôi trả lời -, thì các sự kiện và các tình huống mới bắt đầu hé mở ra. Có một quá trình. Những cái bóng của mi có thói quen xấu là theo sau người khác một cách không có mục đích. Thi thoảng ta cũng nghĩ rằng cái bóng của mi có lẽ sẽ theo dõi những người mà mi đi theo. Nó là một tay mật thám sừng sỏ của kẻ thù, làm việc như một nhân chứng cho những chuyện đã xảy ra với chúng ta. Làm sao ai biết được? Như mi biết đó, một người sống một cuộc đời tranh đấu thì có phần riêng của đau khổ và đọa đày.
Cái bóng càng sẫm bóng hơn trong im lặng. Cánh cửa ý thức của tôi đã mở toang. Đôi cánh tâm hồn tôi phấp phới. Tôi nói: hãy yên lặng và nghe đây, mi chẳng có nghĩa vụ phải theo sát ta và cũng không cần thiết phải làm cho bụi đường bay lên mù mịt như thế.
- Cũng được thôi, nhưng anh phải nói thêm cái gì nữa đi chứ? - cái bóng trả lời.
- Chứ mi muốn nghe thêm cái gì nữa?
- Nói về tất cả những điều tôi chưa biết. Tôi muốn biết mọi thứ. Nhìn đây, tôi ngậm miệng lại rồi đó.
Thế là tôi buộc phải kể cho nó nghe mọi chuyện:
- Amir Tamur cùng Hazrat Amir Mir Sayed Ali Hamadani nổi tiếng vĩ đại (còn có biệt hiệu là Shah-e-Hamadan) là những người cùng thời. Cả hai đều đến từ Ba Tư - một đất nước nổi tiếng văn minh và cổ xưa nhất của vùng Trung Á. Trong vòng 21 năm Amir Kabir đã du lịch qua nhiều nước, trong suốt cuộc hành trình ông đã gặp được những con người tài ba lỗi lạc, các vị thánh và các học giả của thời đại đó. Ông trở về nước vào năm 1370 CN.
Lúc đó Ba Tư đang ở trong tình thế chính trị hỗn loạn, hoàn cảnh xã hội thì sa suốt nghiêm trọng. Vua Amir Taimur đang ở vào đỉnh cao quyền lực. Nhân dân bị đe dọa. Taimur tự ban hành một luật lệ và truyền lại cho hậu thế thanh gươm công lý nhằm xử tội các Sasdats - hậu duệ trực tiếp của nhà tiên tri Hồi giáo. Taimur rất căm ghét bọn họ, cho rằng đó là những kẻ đối đầu đáng sợ. Vì thế mà rất nhiều Saadats đã quyết định di cư đến những nơi an toàn hơn. Số dân Sayeeds đông đảo đã phải rời khỏi Ba Tư và tiến hành những cuộc hành trình xa xôi gian khổ đến các nước láng giềng. Amir Kabir rất buồn lòng. Với lòng căm phẫn tột độ, năm 1372 CN ông cùng 700 môn đồ trung thành rời khỏi Ba Tư, họ đã đi rất nhiều con đường để đến với thung lũng Kashmir xinh tươi.
Cái bóng đang lắng nghe chăm chú bỗng thình lình hỏi tôi:
- Vậy thì sau đó ai là người thống trị Kashmir?
Tôi trả lời:
- Vào lúc Amir Kabir đến Kashmir thì Sultan Shahab-ud-din Shahmiri là người thống trị ở đó. Nhưng ông ta không có mặt ở thung lũng mà đã rời lãnh thổ trong một cuộc viễn chinh. Con trai ông là Qutub-ud-din đang tiếp quản vương quốc, anh ta đã nồng nhiệt chào đón Shah-e-Hamadan.
Vào thời gian đó, Shah-e-Hamadan đã ở lại Kashmir chỉ trong 6 tháng. Ông ra đi và 7 năm sau ông quay trở lại, ở thêm 2 năm 6 tháng. Lần thứ ba Shah-e-Hamadan đến Kashmir là vào năm 1382 CN. Chỉ sau một thời gian ngắn ông bị bệnh và mất vào năm 1384. Thi thể của ông được đưa về Khatalaan - nơi chôn nhau cắt rốn của ông.
Cái bóng của tôi lại như bị đông cứng.
Tôi không kể tiếp câu chuyện. Lời cảnh báo của ông chủ nhà trọ về việc lấy lại ngôi nhà tôi đang ở lại văng vẳng trong tai tôi. Nhưng tôi vẫn còn có thể nói tiếp rằng: Thật sự thì Amir Kabir và sau này là con trai của ông - Hazrat Mir Hamad Hamadani - đã có những tác động mạnh mẽ và để lại những dấu ấn sâu sắc trong lịch sử và văn hóa Kashmir sau này.
Chúng đã rõ ràng và dễ hiểu, minh bạch và rất xác thực. Cái bóng của tôi đồng tình.
- Thật tuyệt, - tôi nói -, thật thuyết phục khi ta hiểu được mọi thứ một cách rõ ràng.
Lời nhắc nhở dọn ra khỏi nhà trọ lại vang lên trong tai tôi một lần nữa. Tôi thấy như mình bị rơi xuống từ một độ cao ghê gớm.
- Ôi chúa ơi, - tôi bật khóc -, hãy làm một cái gì đó vì con. Một chút lòng tự trọng nhỏ nhoi cũng đã xa rời con rồi, xin chúa hãy giữ nó lại vì những đứa con của con. Hôm nay con phải làm được một cái gì đó chứ? Nếu hôm nay con không dàn xếp ổn thỏa chuyện chỗ ở thì con làm sao dám nhìn mặt vợ con đây?
Sau khi khóc thật nhiều, tôi lại thấy xấu hổ cho chính mình. Tôi cảm thấy mình thật trơ trụi, hèn hạ, bất hạnh và khốn khổ. Tôi đang làm cái quái quỷ gì đây? Cầu xin sự giúp đỡ ư? Điều này đối với tôi hết sức có ý nghĩa. “Cầu xin” và “đòi hỏi” một sự giúp đỡ, một sự quan tâm. Tôi chưa bao giờ cầu xin chúa. Lòng trắc ẩn. Tôi cảm thấy thật tủi nhục. Một cơn đau lạ lùng xuất hiện. Một căn bệnh ung thư ở vào giai đoạn cuối, đớn đau không thể nào chịu nổi. Thân thể tôi bỏng rát. Ai có thể hiểu được cơn đau mà tôi đang phải gánh chịu? Ai có thể cảm thấy được những gì mà tôi đang cảm thấy? Tôi có một trái tim bằng thủy tinh. Một vết nứt đã hằn lên nó. Làm sao tôi có thể tồn tại thêm được nữa với một trái tim đã vỡ toang trong lồng ngực mình?
Có lẽ cái bóng của tôi hiểu được cơn đau ấy. Nó luôn là người bạn đồng hành của tôi - một cái bóng dài, một cái bóng ngắn, một cái bóng co rút - và bây giờ tôi lại bật khóc trong khi tôi rất muốn cười. Một phần vì cái bóng, một phần lại là vì tôi. Tuy nhiên có một câu hỏi lại hiện lên trong tôi day dứt. Nếu Amir Kabir mir Sayed Ali Hamadani không bị Amir Taimur dùng áp lực buộc phải di cư đến vùng Kashmir thì tình hình chính trị xã hội ở đó có giống như bây giờ hay không?
Tôi vẫn đang mải miết suy tư về vấn đề này thì cái bóng bỗng hỏi tôi: Chúng ta có nên gọi Taimur - Amir Taimur là Taimur Què không?
Tôi chẳng thể thốt nên lời, đầu lưỡi tôi đã bị tê dại. Tôi bị đông cứng như một cây cột sắt. Còn cái bóng thì dính chặt vào tôi.
Nguồn: Indian literature, Sahitya academi’s Bi-monthly Journal, No 178, March & April 1997,
Accent on Kashmiri Fiction
Chú thích:
1 Nund Rishi, một thánh thi của Kashmir. - ND.
2 Taimur Què (Taimur the Lame), còn phiên âm là Timur, Temur, Tamerlane, Timur-i-Leng (1336-1405), nhà quân sự lỗi lạc vùng Trung Á trong thế kỷ 14, từng chinh phục những vùng rộng lớn khắp hai châu lục Âu - Á, đặc biệt là Nga và Ba Tư, khét tiếng vì những mệnh lệnh tàn sát khủng khiếp tại các vùng quân đội của ông ta chiếm được. -
 

Xem Tiếp: ----