Cuộc thi kéo dài 3 ngày. Ngày thi đầu nhằm chủ nhật nên đại hội hóa trang được tổ chức trước hết. Tám giờ sáng phải có mặt ở Rạp Thống Nhất. Mỗi đứa mang theo quần áo, đồ nghề lũ lượt kéo đến. Thiên hạ đi qua cứ tưởng gánh hát tuồng nào vừa thành lập. Tôi và Thanh Mai đến hơi muộn, phía hậu trường đã đông nghẹt giai nhân ….và tài tử, đang hóa trang để trình diễn tổng dượt trước khi ra mắt khán giả. Vừa thấy tôi, thầy Ðàn giơ cao cây roi mây: - Giờ này mới đến, các cô toàn văn nghệ ngủ trưa. Tôi cười chống đỡ: - Tụi con kẹt xe ạ - Ðúng mười giờ các bà tới xem đó. - Vâng. Loan đang vẽ hề lên mặt. Tôi và Thanh Mai mở gói giấy báo, lấy ra hai cái váy bằng bao bố ướm vào người. Váy bao bố được rút sợi ngang, tua ra những sợi cứng ngắc vì sơn. - Tao mặc màu đỏ nghe Mai Nhót mặc Jupon ở trong rồi quấn bao bố bên ngoài. Tôi nhìn: - Ừ, cũng đẹp. Khéo sau ngày Hội Hai Bà, ngoài chợ Sài Gòn có mốt bận váy bao bố cho mà xem. Mai Nhót gật gù, tiếp tục thay áo lót đen rồi cuốn mảnh bao bố khác, đủ mầu sắc sơn nham nhở. Một sợi ruban mọi cột ngang đầu với chiếc lông gà ở ngay chỗ thắt nút. Loan khen: - Giống ghê. Mai Nhót khoái chí giơ hai tay lên trời, uốn éo. Tôi với Loan vỗ tay theo nhịp tế thần cho Nhót nhảy múa. Tôi hỏi Loan: - Phù Thủy Khanh đâu? - Nó quên cái xâu đầu lâu rồi, nên về nhà lấy. - Khiếp cái gì? Loan cười, tiếp tục vẽ những lằn bạc dữ dằn lên mặt: - Lát nữa nữa sẽ biết. Lát sau Khanh đến, thở hổn hển như người sắp đứt hơi. - Không biết đầu lâu có bị vỡ không? Nó rút ra một xâu đầu lâu làm bằng vỏ trứng vịt, ngắm nghía: - Trông cũng ghê ghê. Ai dạy mi vậy. - Tao dạy tao. Hóa trang xong, trông Mã Thày gớm khiếp. - Tụi Đệ Thất thấy mày không khéo khóc thét. - Hà … hà.. Hú.. ú. Tôi than: - Không khá. Bận áo bao bố ngứa quá. Loan gãi bụng như khỉ đột. Mai Nhót cười: - Ừ, tao ngứa nách từ nãy mà cóc dám gãi. Có tin bà Tổng và các giáo sư đến. Tụi nó quýnh lên. Mấy cô dâu chẳng có gì là e lệ, ngoác miệng ra réo … bố chồng: - Linh lấy cho tao cái lược, mau đi. Bố chồng mặc áo the đen, đầu đội khăn đống, chạy loạn lên tìm lược cho con dâu làm rớt cả râu. - Trời, rụng râu rồi. Mi đi tìm đi, ta phải dán lại râu đã. Cái con “ông mai” thì phất phơ ba cây nhang đi tới đi lui tìm hộp quẹt. Thầy Hòa đem mấy giỏ bánh mì chất đống trên bàn kê sát góc sân khấu. Mai Nhót vờ ngây thơ hỏi thầy Hòa: - Bánh mì mua làm gì nhiều vậy thầy? - Cho các cô ăn trưa chứ làm gì? - Trời, thầy “xoang” quá, khao tụi con bánh mì Lan Hương nữa. Thầy khoái chí cười thật tươi: - Các em cố gắng trình diện cho hay, Ðại Hội thành công, thầy với thầy Đàn dắt cả lũ văn nghệ đi ăn nhà hàng. - Nhà hàng nào thầy. Continental hay International ạ. - Tùy tùy. Nhà hàng nào cũng được. Bà Hiệu từ ngoài bước vào cùng mấy giáo sư. Tất cả cúi đầu chào. Bà mỉm cười đáp lại, đi quan sát một vòng. Gặp Khanh phù thủy, bà nheo mắt ngó, gật gù: - Giống nhỉ. Rồi sờ tay lên chiếc áo của chúa mọi Loan: - Bằng gì thế. - Dạ, bao bố ạ. Bà Hiệu bật cười: - Gớm, chịu các cô Trưng Vương. Ðến Bà Hiệu Trưởng của Trưng vương mà còn chịu nữ sinh Trưng Vương thì chiều nay, khán giả sẽ còn phải phục nữ sinh Trưng Vương sát đất. Thời gian đi thật nhanh. Thế mà đã 2 giờ trưa. Ðứa này gối đầu lên bụng đứa kia, đứa kia gác chân lên người đứa nọ, chúng tôi chen chúc nhau nằm la liệt trong hậu trường.Bên ngoài sân sau hậu trường, thầy Hòa đang điều khiển dượt lại lần chót bản Hòn Vọng Phu hợp xướng. Theo thầy, đây là màn vĩ đại nhất trường, với bốn mươi tiếng hát Trưng Vương hòa ca trong hai mươi phút. Xong, thầy khen luôn miệng: - Hoàn hảo không ngờ. Bốn mươi cái miệng nhao nhao như chợ vỡ: - Thưa thầy con không có giầy trắng. - Chị có giầy mầu gì. - Dạ mầu hồng. Thầy cau mặt: - Hừ, chị đứng ngay hàng đầu à. Thôi Liên Hương đứng sau đi tạm giày hồng, đổi giày trắng cho Cúc đi. Hương đổi cho Cúc nhưng không vừa chân. - Các chị ở hai hàng dưới ai đi vừa giầy Cúc đổi giúp tôi đi. Thế nào chả có người, xong một chuyện. - Thầy con khiếu nại - Sao? - Áo con đưa thầy nhuộm, thầy làm rách của con. - Sao lại rách. - Ðây, đó thầy thấy không? Thầy cười xí xóa: - Thôi ở đằng sau khán giả không nhìn thấy đâu. Chị vá khéo lắm, không chỉ thì chả ai thấy. - Nhưng con bắt đền thầy, con hết cả áo đi học rồi. Tôi biết các nàng làm eo thầy, chứ áo trắng đưa thầy đem nhuộm là áo cũng sắp bỏ rồi. Thế nhưng lúc này, thầy phải chiều, gật đầu đại: - Rồi.. rồi hậu xét. Cả bọn cười ồ rồi nhao nhao bắt đền thầy nhuộm áo nên hết áo trắng đi học. Thầy chỉ biết cười trừ. ° Sau ngày Ðại Hội ở Thống Nhất, hai ngày sau là thi đua thể thao, báo chí và hùng biện. Hôm thứ hai đó trường thật vui. Bà Tổng gọi trong máy, tất cả các nữ sinh không dự thi phải vào lớp học, nhưng hình như tất cả đều bị mắc bệnh.. điếc cấp tính, cứ đứng ỳ ở sân đợi xem thi xe đạp chậm. Chúng tôi dắt xe lên sân trường, bạn bè đứng đầy 2 bên cổ võ. Vừa đi Nhót vừa ghé tai tôi nhắn nhủ: - Bình tĩnh, bình tĩnh nhé - Ừ, bình tĩnh mà run. Môn thi này dễ mà khó. Làm sao giữ thăng bằng trong vận tốc tối thiểu và thời gian tối đa nhất mới thắng được. Không hiểu cái thân nhẹ nhõm như tôi và nặng ký như 2 nhỏ kia, cái nào có lợi. Sân trường vạch dài ba lằn, chia làm bốn khoảng, như vậy mỗi lần có bốn cua rơ thi, mỗi cua rơ rùa có số gắn sau lưng. Tội nghiệp Cúc Gà Mỹ, tấm thân “như thế” lại còn gặp đúng số 35. Có khoảng năm mươi người dự thi, vừa to đầu vừa bé xác, và bốn cô trọng tài đứng cách khoảng để canh đồng hồ và kiểm soát cua rơ chống chân xuống đất. Ai ngã hoặc chống chân xuống đất quá 2 lần thì bị loại, thay ngay người khác vào. Cuộc thi đã bắt đầu. - Số 22 chống chân hai lần. - Số 15 ngã rồi.. em nào tiếp đi. Tôi đẩy Cúc vào, nó hơi chùn người rồi dắt xe vào. Cô Phi giơ tay ra hiệu bắt đầu rồi thổi còi khẽ và bấm giờ. Vừa lúc đó số 22 chống chân lần thứ 3. Thanh Mai vào thay thế. Cúc cúi đầu gò từng nhịp bánh xe lăn, có lúc tay Cúc run rẩy liên hồi rồi lại giữ được thăng bằng. Mai Nhót thỉnh thoảng liếc qua Cúc rồi mím môi ghì tốc độ. Cua rơ rùa vẫn tiếp tục được thay thế. Một vài đứa đã đến mức trắng, trong khoảng thời gian tối đa đang đứng chờ xem có cua rơ nào chậm hơn mình không. Tiếng reo hò của “khán giả lậu” trong hành lang cổ võ ồn ào cả trường. Cúc lại xui xẻo nữa. Một cô cua rơ bị té, chạm nhẹ vào bàn đạp xe Cúc. Cúc loạng choạng rồi té nhào theo. Tôi chạy lại dắt xe cho Cúc, nó nhăn nhó xoa chiếc đau. Mọi người mải để ý đám này, không ai nhìn thấy Thanh Mai chống chân xuống đất, ngoài tôi. Thanh Mai nháy mắt cười mỉm với tôi. Ai cũng tin tưởng Thanh Mai thắng cuộc, vì nó đi thật chậm và vững. Bạn bè vung tay khuyến khích. Chỉ còn nửa thước là tới mức ăn thua. Mọi người hồi hộp chờ đợi. Bịch. Thanh Mai rớt xuống, chiếc xe nhào theo. Chúng tôi ùa ra. Thanh Mai nằm im không dậy nổi. - Sao thế? - Tao bị vọp bẻ. Tôi bật cười: - Gò mãi, gò mãi. Chán cho mày. Tôi, Mã Thầy, Toét xốc nách Nhót vào trong nhà chơi, bộ mặt nó đầy thảm não đau khổ. - Mày có biết tại sao mày bị vọp bẻ không? - Sao? - Thiếu ….Calcium. Nhớ lần sau có thi phải uống trước 1 chai Calcigénol. - Tưởng gì. Nhưng năm sau còn được thi nữa đâu. Một thoáng buồn đến. - Ừ nhỉ. Còn nữa đâu mà tính chuyện năm sau với Trưng Vương. Mã Thày không để ý đến chuyện đó, chỉ thầy Đàn đang đứng trên hàng lang Đệ Nhất nhìn tụi tôi cười: - Thầy cười mày không thuộc Vạn Vật đó. ° Ngày cuối cùng mới là ngày hội chính. Lẽ ra nữ sinh được nghỉ, nhưng bà Tổng muốn nữ sinh đến dự lễ tưởng niệm Hai Bà, mọi người đến dự đông đảo để tỏ ra xứng đáng là con cháu Hai Bà. Sau lễ chào cờ và bài hát Trưng Nữ Vương như thường lệ, Như Lan – ca sĩ lớp tôi - được mời lên hát bài Giòng Sông Hát trong giây phút tưởng niệm Hai Bà. Giọng Như Lan buồn vời vợi, ru hồn đám nữ sinh ngược giòng lịch sử, về 1 giòng sông oai hùng trong trí tưởng. Cả trường im lặng như tờ. “Giòng sông Hát nước xanh mờ sâu, Êm đềm trôi về đến nơi đâu …” Giọng Như Lan đã dứt từ lâu mọi người mới như bình tỉnh. Một giáo sư Sử Địa dẫn dắt học sinh hướng về lịch sử, chiêm ngưỡng một thời vàng son oanh liệt của tiền nhân, để nhìn thấy lòng yêu nước mãnh liệt của dân tộc Việt. Cuối cùng là bài hùng biện của một nữ sinh Ðệ Nhất với đề tài “Vai Trò Của Người Phụ Nữ Việt Nam Xưa và Nay”. Chấm dứt buổi lễ là hợp ca Ðêm Mê Linh với giọng ngâm thơ phụ họa của Kim Xuyến, cùng lớp tôi. Sau đó mọi người ra về, trừ những ai dự thi gia chánh. Cuộc thi khởi đầu từ chín giờ sáng. Lớp tôi có 8 đứa dự thi cùng 1 toán: Hoàn, Tuyết, Hồng Ù, Cận Dâm, Mã Thày, Mai Nhí, Ngỗng (Thủy, vì nó đòi làm món ngỗng nhồi) và tôi Mai Nhắng. Bát nữ quái tái xuất giang hồ, ai nghe cũng muốn dội. Lu dự thi làm búp bê nên qua chỗ khác. Lúc này sân trường vẫn nhộn nhịp vì 4 giờ chiều nay là giờ mở hội cho phụ huynh và các bạn trường ngoài vào thăm. Mỗi lớp được 1 khoảng sân để triển lãm tùy ý. Bên ngoài đã ồn, trong này còn ồn bằng vạn. Người ta bảo ba người con gái làm thành cái chợ rồi, thế mà ở đây có tới hơn ba chục. Gọi nhau ơi ới, bàn nhau, cãi nhau loạn xạ. Rồi... “chửi nhau” nhỏ nhẹ. Chịu, tôi không biết ví là cái gì, đành phải dùng danh từ của thầy Dư: Hỗn độn y như cái thùng rác. Mâm cỗ cùa tụi tôi là năm món Huế, làm suốt từ 9 giờ sáng đến 2 giờ rưỡi chiều mới xong. Tôi rủ Mã Thày và Hồng Ù đi một vòng quan sát. - Tụi nó làm xôm quá mi ơi. - Trời, đẹp quá. - Chắc ăn đứt tụi mình mất. Cái bánh cưới thật cao và lộng lẫy của lớp nào thế, có nhiều người xuýt xoa khen ngợi nhất. Ai cũng phải trố mắt nhìn, làm tác giả thấy mặt mình vác lên cao. Cỗ thạch của tên nào thật vĩ đại, lại có hình Hai Bà ẩn bên trong. - Chắc cái này nhất quá. - Trời, sao tụi nó khéo tay thế. Hồng Ù luôn miệng kêu trời, khen ngợi làm tôi càng lo mâm cỗ của mình hạng bét. Buồn năm phút. - Ê, mâm bàn này còn món gà luộc nữa há. Con gà vàng ngậy, nằm ngậm cuống hoa mào gà đỏ chói. Tôi mon men lại gần: - Gà rút xương đấy. - Sao mi biết? - Nè, đề bảng nè Tôi thấy mình ngượng ngùng vì quá thua sút, với các bạn cùng lớp tôi đã thấy không bằng rồi, thế mà càng chả thấm vào đâu so với các lớp ngoài. Chúng tôi trở về vị trí. Mã Thầy nói: - Tụi nó làm đẹp lắm, không có mâm nào làm tệ như mâm của mình đâu. Hoàn Héo tự ái: - Kệ tụi nó. Làm mệt muốn chết mà tụi mi còn chê. Cả bọn khênh bàn cỗ ra ngoài lều của lớp mình. Lu, Xuyến, Tú … đang trang hoàng cửa hàng. Không biết chúng nó mượn được ở đâu mấy bộ áo tứ thân, mặc vào trông duyên tệ. Thấy Ban Gia Chánh, tụi nó sáng mắt: - Gì thế, cho ta nếm thử xem. - Bậy. - Chấm điểm chưa? Hạng mấy. - Ba bà chấm riêng. Chưa biết được kết quả. - Bánh gì đây? - Bánh lá.... món Huế không à. - Tụi mi dân Bắc Cờ mà dám làm món Huế để thi, khá nhỉ. Sân trường bắt đầu nhộn nhịp vì cổng sau đã mở cho học sinh của trường vào trước. Mã Thày rủ tôi: -Vào thay đồ hóa trang đi mi …. tụi nó đã đi thay hết cả. Bọn hóa trang đám cưới vừa bước ra, mấy cô nhỏ buổi chiều đã đeo theo xúm xít. Vài cô mặc áo tứ thân làm cô bán hàng. Vài nàng khoác áo, khăn hoàng hậu. Những bộ y phụ lạ mắt, đầy màu sắc đã nhởn nhơ khắp sân trường. Mã Thày là nhiều “tín đồ” nhất vì bộ đồ và dáng Phù Thủy của nó. Vài chú bé đi theo phụ huynh đã khóc thét lên khi chúng tôi kéo nhau ra cửA trước đón gia đình tới dự. Mẹ tôi không đến, chỉ có ông chú và hai thằng em đi dự thế. Vừa thấy tôi chú đã bật cười làm tôi ngượng với các bạn. - Con mọi của chú - Mẹ cháu không đi à - Mẹ cháu bận. Tôi dắt chú vào dự hội - Cháu đưa chú vào hàng lớp cháu. Nhưng chú có mang tiền để mua không đó? - Ký “sếch” được không? - Í, sếch không được đâu. Lỡ không tiền bảo chứng … ớn lắm. Mai Nhót cười tươi: - Khỏi cần ký sếch. Chú gởi lại cái đồng hồ được rồi. Vừa gặp Mã Thày chú tôi dội ngược. Mã Thày tỉnh bơ đứng trước mặt chú, cầm cây gậy có gắn đầu lâu khua khua trước mặt, miệng lầm bầm đọc thần chú. Tụi tôi ôm nhau cười. Khanh cũng không làm tỉnh được nữa, bật ra cười. - Gớm, mấy đứa này nghịch quá. Dự hội về chú bị đau tim mất. Lu nhảy ra trước mặt chú: - Làm sao mà về được. Muốn về phải bước qua xác ta đây. Nếu không, phải mua 1 hàng trong lều này. - À, “cái” Loan. Thôi chứ các cô. Các cô bán hàng kiểu ấy sang năm làm sao có khách. - Tụi cháu đâu có cần khách về sau đâu chú. Sang năm ra khỏi trường rồi. - Rồi, có gì đẹp mang ra đây - Chú ngắm đi. Có bao nhiêu tụi cháu bày ra hết rồi đó. Cửa hàng chúng tôi bắt đầu đông khách. - Chị mua đi ạ. Búp bê em vừa làm dự thi, chị mua về chưng thì tuyệt. - Anh. Món Huế tụi em vừa làm ngon lắm. Anh ăn thử vài thứ rồi trả tiền sau ạ. Loan Lu và Hoàn Héo đua nhau rao hàng. Tôi dắt ông chú đi vòng quanh gian hàng cùng 2 đứa em. - Chú mua khăn tay về tặng bồ chú đi. Tụi cháu thêu đẹp hơn ở Tax nữa đó. - Được rồi, để người ngoài mua đã. Tôi đưa chú đi các lều khác. - Đây là lớp Nhị A3, chú xem tụi nó làm cái này đẹp không? - Ừ, ừ. Các cô Trưng Vương khéo quá. Mai Nhót dài miệng: - Còn phải nói. Trai khôn cưới vợ Trưng Vương mà chú. - Tiếc quá. Phải chi chú chưa có bồ cháu sẽ quảng cáo chú cho tụi nó chấm … Vài cô nghe nói cười khúc khích. - Trưng Vương tổ chức “gồ” nhỉ. Tôi nhìn chú, cười sung sướng. Nhớ đến những lời kể của bạn bè hôm trước: - Mẹ tao khen văn nghệ trường mình hay. - Bố tao bảo trường tổ chức buổi lễ to thế mà không cần cơ quan nào bảo trợ là giỏi đấy. Mũi đứa nào cũng nở phinh phính: - Nghe mà đã lỗ tai. - Công nhận Trưng Vương mình gồ ghề nhưng không lởm chởm. - Có hai tờ báo khen trường mình ngay ở trang đầu, tụi nó mua coi đông lắm. Thầy Ðàn họp tụi nó lại cho biết tin ấy thì thầy mới biết hóa ra tin của thầy là tin… chậm nhất. Lúc ấy có hơn 50 đứa họp quanh thầy. Thầy mà lỡ nói câu gì không vừa ý thì thật tội cho cái tai không có tướng giàu của thầy. Tụi nó đòi thầy món nợ đã hứa: - Thầy đãi tụi con. - Hôm nay tụi con uống thuốc sổ đợi thầy đấy ạ. Thầy bịt chặt lấy tai bỏ chạy ra ngoài. Tụi nó ào theo kéo trở vào, đòi nợ. Con cháu Hai Bà vẫn hùng dũng như thủa nào thì làm sao thầy chạy thoát. Lúc này thầy mới thấy gọi chúng nó xuống khen là dại. - Thôi, xuống câu lạc bộ làm ly nước. Cả bọn ồ lên cười, kéo nhau xuống. Vài cô ngọt miệng mời: - Thầy xuống cùng tụi con. - Cứ xuống trước, nói tính tiền ở thầy... Tôi đưa chúc và hai em lê la khắp cửa hàng đến khi Nhót chạy đến kêu tôi đi trình diễn. Chú cười: - Đi đi, mặc chú. Hội Hai Bà kéo dài suốt tuần và kết thúc bằng lời khen của bà Tổng sau lễ chào cờ sáng thứ hai. - Tôi thay mặt toàn ban Giám Ðốc để khen các em đã sốt sắng tham gia nên ngày Hội Hai Bà của trường ta đã thành công tốt đẹp. Ban Giám Ðốc rất hài lòng. Nhưng sự thành công này chỉ là phụ, sự thành công trong việc học hành của các em mới là chính. Sinh hoạt trong năm cũng đã đủ, các em cần để hết tâm trí vào việc học, nhất là những lớp thi. Tiếng vang to nhất của trường vẫn tùy thuộc vào kết quả thi cử của các em, vậy tất cả phải cố gắng. Những lớp không thi cũng phải cố, đừng để bị ở lại cuối năm, điều đó sẽ làm cho các bậc dạy các em buồn lòng không ít. Vẫn như mọi khi, cả trường ồn lên sau khi lời dặn dò, khen ngợi chấm dứt. Thanh Thủy ghé vào tai tôi: - Mi thấy mấy hôm nay bà Hiệu, bà Tổng hớn hở ra mặt không? Tôi lững thững lên lầu, nghĩ mình phải học thế nào để đền bù lại thời gian qua bỏ bê bài vở. Vừa thấy thầy vào, chúng tôi bấm nhau cười khúch khích. Thầy nhìn bọn tôi một lát rồi lắc đầu: - Thật là kinh khủng. Tôi không thể tưởng tượng được mức ăn quà của nữ sinh Trưng Vương. Khi nghe bà chủ Câu Lạc Bộ tính tiền tôi mới nghĩ rằng mình không mơ. Cả lớp - ngoài bọn văn nghệ tụi tôi - ngơ ngác không hiểu chuyện gì nên nhao nhao hỏi: - Chuyện gì đấy ạ? Vẫn vẻ mặt ngao ngán, thầy kể tiếp: - Các chị tưởng tượng xem, có chừng hơn năm mươi cô mà ăn gần hai chục ngàn bạc quà, vừa ô mai, vừa bánh bò, vừa kem, hầm bà lằng... cũng may là đãi các cô đơn giản, chứ mà đi nhà hàng chắc bán cả trường cũng không đủ tiền các cô ăn. Cả lớp cười ồn. Tụi tôi ôm nhau cười nắc nẻ: - Trưng Vương mà thầy. Văn võ toàn tài ạ. Cái gì cũng phải đứng hàng đầu. Tin cô Duyên, Giáo sư Sử Địa, nghỉ hộ sản được đón nhận rất là hoan hỉ. Không phải hoan hỉ mừng cho cô mà là đón chào giờ phút giải phóng linh thiêng này. Tất cả, mặt mũi hớn hở thay thế cho bộ mặt rất là thầy cúng “mắt nhắm nghiền, miệng lâm râm”. Cô Minh đứng nhìn cả lớp ồn ào mà không biết làm sao hơn và tay cô hình như đã đỏ rừ vì đập bàn. Cô viết lên bảng thật to. - Trừ 10 điểm hạnh kiểm cả lớp. Tiếng ồn ào yên dần. Cô Minh nói to: - Khiếp quá. Làm gì mà loạn lên thế. Còn giờ thứ 5 của thầy Đàn. Các cô không được về nghe chưa. Lẽ ra phải ngồi trong lớp nhưng 2 giờ cũng dài, thôi các em xuống sân chơi. Cả lũ vội ôm cặp xuống, trong giờ học ngôi trường thật yên, chúng tôi phải nhón guốc cho đỡ ồn. - Ê, trực chỉ Câu Lạc Bộ hay ra ngoài đường. - Ngoài đường hấp dẫn hơn. - Sợ ông Trọc không cho ra - Tùy cơ ứng biến. Đi qua mấy lớp Đệ Nhị ở tầng dưới mấy nàng đang ngồi học trố mắt ra nhìn. Hà hà. Tụi mi thèm thuồng giờ phút này của tụi ta lắm sao. Vừa ngang văn phòng, bà Tổng ló đầu ra hỏi: - Các cô đi đâu thế này? - Dạ, chúng con nghỉ 2 giờ cô Duyên ạ, cô cho chúng con ra ngoài chơi. - Các cô chỉ thích ra ngoài chụm 5 tụm 3 trai gái không ai chịu được. - Trời ơi, cô. Tụi em lớn rồi đâu có bê bối vậy cô. - Ui chao. Lớn mới đáng lo. Thế các cô đòi ra làm gì? - Cô nghĩ coi. Ngồi 2 giờ liền trong Câu Lạc Bộ tội nghiệp chúng em. Bà Tổng lườm: - Hừm. Lát tôi ra mà gặp hẹn hò thì chết với tôi Chúng tôi rúc đầu khúch khích rồi kéo nhau ra. Hoàng Tử Trọc đã đứng canh ngay ở cổng, chặn đầu: - Này các cô không được ra đâu, bà Tổng dặn rồi - Tụi cháu xin phép rồi mà bác. Bác Ba vẫn nhất định không mở. Tức ghê. Loan kéo tay tôi: - Cổng nhà bà Hiệu Trưởng mở kìa - Khe khẽ, không thì chết. Cả bọn 10 đứa lách vội ra ngoài, thở phào nhẹ nhõm. Mấy ông học sinh trường khác đang đứng vẩn vơ thất nghiệp được dịp chọc ghẹo. - Há, cúp cua há. Vào méc cô coi - Trời, mặt cô nào trông cũng thật thông minh thế mà cúp cua. Giận quá, cái mặt tụi nó mới đúng là dân cúp cua mà không biết phận. Hoàn tỉnh bơ, đề nghị: - Ra thăm sức khỏe ông bò khô đi. Gớm, 1 ngày mà không nhìn thấy “chàng” là tao nhớ ngẩn người - Tao chịu bò bía hơn. Mai Nhót góp ý. Toàn thể lực lượng hùng hổ kéo về phía trước sự chờ đón của mấy bà bán hàng. Tôi ngại ngùng vì bọn con trai trước cổng trường: - Khiếp, đông quá - Chúng nó có ăn thịt được mình đâu mà ngán. Mấy thằng con nít, nếu mày muốn tao trừng mắt là tụi nó đi liền. Nên nhớ giang sơn của mình, mình có quyền “líp ga”. Tôi cười kéo Loan vào hàng nước. Hoàn Héo, Mai Nhi, Cúc Gà Mỹ đang tranh nhau đĩa bò khô nhiều thịt nhất. Mai Nhót và Xuyến tử thủ 2 bên hàng bò bía, bên cạnh đó Ngọc Cận và Toét đang canh bà hàng kem với 2 miếng ổi trên tay cho đỡ phí 5 phút chờ đợi. Đây là “nghiệp dĩ” của bọn con gái, và chúng tôi là những kẻ trung thành với nghiệp dĩ nhất, thế nên nhỏ Mai Nhí đã phát biểu rất hùng hồn – sau khi tiêu thụ xong 5 dĩa bò khô và 8 cái bò bía – 1 câu như sau: - Tiên khoái khẩu, hậu minh tâm. Mai Nhót phụ họa: - Nhất khẩu, nhị túc, tam não Đại khái câu nào cũng đề cao cái miệng. Ấy là năm thi mà vậy đó. Trả tiền nước xong tôi rủ Loan: - Vào con đường lá chơi đi. Với tôi và Loan, con đường lá là nơi nghỉ ngơi thần tiên nhất sau những giờ học làm căng thẳng đầu óc. Chúng tôi khoác vai nhau, ôm eo nhau đi thật chậm, miệng nhấm nháp đậu phộng hay bánh que của thằng bé chà và. Đứa nọ nói với đứa kia: - Không hiểu mai mốt đi với bồ có giống như tụi mình đi với nhau không nhỉ. Có cảm giác nào thi vị hơn không. - Chắc đến thế này là cùng. Làn gió nhẹ đưa tà áo quấn quít vào chân. Tôi ngửa mặt: - Trời mát quá! - Con đường càng thơ mộng hơn. Tôi kéo Loan ngồi xuống tảng đá bên đường cạnh gốc cây - Ngồi đi mi, ta mỏi chân rồi - Mày lười ghê Loan nhặt tấm lá khô phe phẩy: - Này Mai, cho mi …. Hãy như cuộc đời này Tôi cầm lấy chiếc lá nửa vàng nửa xanh Loan đưa. Hơi ngơ ngác: - Sao nói thế? Loan cười nhẹ: - Tao thấy cuộc đời chỉ có nghĩa khi mình nằm xuống lúc nửa vàng nửa xanh như chiếc lá …. Bước qua màu vàng để khỏi tiếc đời mình chưa tận hưởng và còn lại màu xanh để thiên hạ thương tiếc đời mình. Tôi ngước lên: - Mày buồn gì vậy? - Buồn cho chiếc lá. Nỗi buồn cho 1 người nằm xuống … Tao nhớ đến Toàn. Loan lấy chiếc que nhỏ vẽ mạnh những vòng tròn rồi nhỏ dần nhỏ dần, cuối cùng là 1 chấm nhỏ, và đóng khung lại cẩn thận. - Tao đố mi nó nghĩa là gì? Tôi nhìn và nghĩ mãi, rồi chịu thua - Tao chịu - Mi biết không, cái này Toàn vẽ và đóng khung treo trên tường, chàng giải thích là cái gì rồi cũng thành cát bụi. Tôi cười, gật gù: - Hay nhỉ. Nó thuộc loại tranh suy tưởng. Ngồi 1 lúc Loan kéo tôi đứng lên: - Thôi đứng dậy đi nàng. Tôi cười cười đứng dậy theo nó, hình như nắng vừa rực sáng qua khe lá, khoảng trời trong xanh lấp ló sau tàng cây. - Mi xem màu trời đẹp không? - Ừ - Ước gì mình có 1 chiếc áo màu như vậy nhỉ - Ừ - Nhưng đi trong con đường này mình chỉ nên mặc áo trắng mới đẹp. - Ừ - Mày hôm nay như cóc chết í, cái gì cũng ừ Loan gắt lên với tôi rồi bật cười: - Ta có cảm tưởng mi đang không nói chuyện với ta - Ừ, ta chả nghe mi nói gì cả - Thế nhà mi đang nghĩ gì? - Nghĩ gì à? Chả nghĩ gì - Theo dự đoán của tao có thể mày bị chạm dây thần kinh số 10. - Khỉ, mày chạm đấy …. Tao đang giật mình vì hôm nay là thứ 7. - Sao lại giật mình, ngày nào chả là ngày - Cố nhiên. Nhưng qua đi 1 thứ 7 là qua đi 1 cuộc vui, mất đi 1 đoạn đời tuổi trẻ…. - Tao bắt đầu sợ thi rồi Loan mở to mắt: - Thi à. Tháng 6 mới thi mà, mi khéo lo xa - Tính đi. Bây giờ gần hết tháng 2 rồi. Hôm qua nhỏ Tuyết vừa nhắc tao là còn 1 trăm 10 ngày, làm tao giật mình. - Tụi mi tính từng ngày 1 là run thấy mồ …. Làm tao lo theo rồi đấy ….thi khổ quá, lúc nào cũng thi, lấy chồng quách cho rồi Tôi nhìn Loan: - Lấy ai đấy Loan, hì hì, rủ tao với - Ừ, tao với mày đăng báo đi, điều kiện tất yếu hết hạn nộp đơn là 16 tháng 6. - Ngu, phải hết hạn trước tháng 6 chứ đúng vào ngày thi ông học xong rồi ông cóc lấy chồng làm gì nữa - Ừ nhỉ. À, cần phải điều kiện chưa lần nào thi chứ dân đã từng thi thì thế nào cũng đoán ra là mình lấy chồng để trốn thi. - Mi mới là vô duyên. Mình có lười mới lấy chồng theo kiểu đăng báo chứ. Bộ ế sao? Loan cãi lại: - Lỡ chả có ai ưa cái lười của mình rồi 16 tháng 6 chả có ma nào nộp đơn mới là quê. - Thế thì học thi quách cho rồi Hai đứa cùng bật cười. Mải nói chuyện vẩn vơ chúng tôi đi hết con đường lúc nào không hay, hai hàng kẽm gai chắn trước mắt được thơ mộng hóa bằng những cây dại leo chằng chịt. Những hoa cỏ trắng vươn lên quá đầu gối, đong đưa trong nắng. - Phải chi đừng có hàng kẽm gai này tao với mi vào trong kia chơi nhỉ. Mi xem, ngập lá không còn hở chỗ nào, đẹp ghê. - Cái gì cũng bị giới hạn vì chiến tranh... Mi còn nhớ hồi Ðệ Thất, Ðệ Lục gì đó tụi mình đạp xe theo con đường này ra bờ sông, vui quá há. Chợt nhớ ra, tôi vén tay áo đưa khuỷu tay cho Loan xem: - Ðây này, cái thẹo này, hôm tao, m con Ngọc đi nhặt gáo rồi dành nhau té trầy cả tay. Loan cười, chưa kịp nói thì á.. á. Theo phản xạ, tôi và Loan cùng nhảy phóc ra ngoài đám cỏ, ngồi thụp xuống ôm ngực thở hổn hển. - Cái gì vậy? - Tao …tao thấy cái gì động đậy. Nghi rắn quá. - Rắn, rắn à. Tôi vùng chạy ra. Loan chạy theo. 1 đám bạn đang vẫy chúng tôi đằng xa, Loan kéo tay tôi: - Mi khỉ kinh khủng... tao đoán thế chứ có phải rắn đâu mà cong đuôi chạy thế. Hai đứa thở hổn hển. Tụi bạn lại gần: - Hai nhóc ư ừ. Tụi mi chơi cút bắt đi chứ? Giọng con Xuyến to nhất. Cúc nháy mắt: - Thấy tụi mi chạy, tao nghi gặp vụ đó quá Nhót, Nhí ồn ào hơn: - Vụ gì, vụ gì hấp dẫn không? Loan nhăn mặt: - Lũ nỡm, có cóc khô gì đâu. Tại thấy tụi mi vẫy nên chạy lại Mai Nhót nhảy lên: - Á à. Nó đánh hơi tài quá. Biết có mục gì không? - Cóc biết Nhót đưa ra 1 xấp carte nho nhỏ: - Tao vừa gặp tụi Tuấn Hùng, chúng nó mời mình chiều nay Tôi giật mình: - Tụi Tuấn Hùng tới trường à. Gan cùng mình nhỉ? - Bốn mạng tới. Ðưa carte và nói sơ sơ lý do mở Bal rồi chạy liền, không thì chết cả đám. - Dịp gì vậy. Chắc lại sinh nhật sinh nguyệt chứ gì Tôi mở tấm carte đề tên mình: - Ủa, Hùng đi lính à. Thật không đó, hay bày chuyện. - Chàng muốn làm anh hùng không gian. - Surprise quá, bày đặt. - Vội gì. Còn gặp nhau chiều nay thôi. Chưa từ biệt nhau phải không? - Mày méo mó. Cả bọn ngồi xuống gốc cây. - Chiều nay làm sao, vẫn như mọi khi nhé. - Mọi khi là sao … tụi ta tới nhà mi rồi mấy ông kia tới đón à. - Ừ. Mấy ông ấy cũng hẹn thế Mai Nhí nhăn nhó: - Tao ớn chiều nay không đi được quá. Ông già vừa điểm mặt xong. Tôi cũng nói: - Lần trước xin bà má đã nhăn nhăn rồi, lần này dám mùng mền vào mặt quá. Mai Nhót than với tôi: - Bà già tao cũng ghét vụ nhẩy nhót lắm. Hay mi gần nhà ta mi qua xin phép cho ta đi Mai. Bà cụ tao cũng chịu miệng mày lắm. - Ừ tao xin cho mày, mày xin cho tao nhé. - Gồng mình vậy. Tao cũng ngán ngán. Tôi quay lại Mai Nhí: - Mi với Loan nhà gần đến xin phép cho nhau đi. Loann xua tay: - Để tao xin phép cho nó. Còn tao khỏi cần. Hoàn cũng nói: - Tao tự xin lấy Xuyến bó gối cười: - Tao “líp”. Ông bà bô chả bao giờ để ý. Cúc phủi tay đứng lên: - Còn tao đến đó một mình, tụi mày khỏi đợi. Mai Nhí vỗ tay: - Hôm nay Gà Mỹ xé lẻ. Tối nay có Gà Mỹ trống cõng Gà Mỹ mái nghe tụi bây. Mai Nhót mở carte d’ inivitation ra xem: - Mời 6 giờ chiều, chắc cũng phải 7 giờ rưỡi mới commencer. Tất cả có mặt ở nhà tao 7 giờ đi. Tôi gật gật đầu, trong lòng lo lo. Học hành, thi cử, vui chơi …. Những cái đó, cùng lúc dằn vặt mình làm tôi không mấy khi thấy lòng thoải mái. Mẹ tôi thỉnh thoảng đề cập đến: - Bao giờ con thi nhỉ. Năm nay con cố gắng hơn đấy nhé. Hoặc: - Sao mẹ không thấy con đi thư viện như những năm trước. Ráng làm sao đậu được Mesion mẹ cho đi ngoại quốc. Những lời đó làm tôi áy náy, chuyện xin phép đi chơi cũng chả khó khăn gì, nhưng tôi sẽ không thể nào vui được. Nhất là khi nghe mẹ cho phép: - Ừ, con thấy cuộc vui cần thiết thì con cứ đi. Con lớn rồi, mẹ để tùy con. Con thương mẹ thì để tâm vào mà học cho chăm. Khổ thế đấy, chẳng thà mẹ cấm thẳng: - Không được đi, phải ở nhà học. Thế nào tôi cũng dậm chân bành bạch đến sụp cầu thang hay nằm vật ra giường khóc cho sưng mắt, rồi ngủ luôn. Mai Nhót hỏi tôi: - Còn mi, tao đến nói xin phép cho mi đi đâu. Ði nhẩy đầm nhé. - Í bậy, nồi niêu xoong chảo vào mặt tao đó mi. Không dỡn đâu à. Thì...thì mi nói xin phép cho tao đi ăn cưới. Mẹ tao cho đi liền. - Ðám cưới đứa nào. Chẳng lẽ nói tao - Ðứa nào cũng được. Như lần trước tụi mi xin cho tao ăn đám hỏi con Xuyến đó. Xuyến giật mình: - Xin gì ác vậy. Lỡ mai mốt tao tới, bà bô mày hỏi, tao ăn nói làm sao. - Bởi vậy tao đâu cho mi đến nhà tao. Xuyến nhăn nhó: - Sư tụi mi…. Bộ tao chùa sao? Lần trước đám hỏi, lần này đám cưới, chắc tuần sau có mục xin phép đi thăm tao ở Từ Dũ quá. Tôi đứng lên. Mai Nhót lại kéo ngồi xuống: - Khoan đã, chưa chuông mà. Tụi mi định mặc gì đây? - Mặc gì thì mặc, miễn đừng có áo dài thôi - Ừ, mặc áo dài lúc Soul như thằn lằn đứt đuôi - chắc tao mặc midi hồng. - Tao thì mini Hoàn bảo Mai Nhí: - Ừ, đẹp đấy. Nhất là đeo cái dây đỏ của tao vào thì tuyệt. - Có phải mi có nhã ý cho tao mượn không, ông cóc thèm từ chối đâu Hoàn biểu môi: - Mốc khô, bỏ 200 ra ông cho mướn. Cả bọn bàn cãi ỏm tỏi về quần áo đi dự Bal. Thấy tôi khôn góp ý kiến Loan hỏi: - Mi định mặc gì? Tôi vờ như không nghe, ngồi nghịch con kiến trên tay Loan hét vào tai tôi: - Nỡm, khỉ, heo, lợn, bò, gà … tao hỏi sao không trả lời. Đồng ý với cả bọn là mặc Midi nhé - Cóc mặc - Chứ mi định mặc gì? - Bikini Hoàn cười sằn sặc. - Mày mà mặc tao chịu gọi bằng bà cố nội - Có cái khỉ khô gì mà thách. Mai Nhí gật gù: - Ừ, tao thấy cũng chả có gì … mặc Zérokini đi Mai, cam đoan thiên hạ sẽ lăn đùng ngã ngửa vì rơi bố nó tim. - Chỉ sợ chưa ai lăn đùng nàng đã bị xe bắt chó hốt rồi. – Cúc tiếp. Tôi bật cười: - Sư mày Tiếng chuông reo làm cả bọn giật mình, hết 2 giờ nghỉ. Còn giờ thầy Đàn. Giờ thứ 5 bao giờ cũng làm ngại ngùng. - Ê, ông khát nước quá. Đứa nào còn tiền không? - Ừ, ăn bò khô đã quá hết cha nó tiền để bây giờ uống nước. - Vào xin thầy Đàn. - Tao thách. - Chỉ sợ thầy bỏ quên ví ở nhà Chúng nó xúm vào khích tôi: - Xin đi Mai - Nhỏ Mai Sweet Words lắm mà Lỡ đại ngôn, đàng mặt trơ mày trẽn vậy. Vừa lên cầu thang thì gặp thầy ở văn phòng Giám Thị ra. Cả bọn chào: - Thầy ạ. Rồi bỏ chạy hết vào lớp, để tôi 1 mình đứng gãi đầu, thầy quay lại: - Cái gì thế, sao không vào lớp đi - Thầy …. Con thấy sao ….khó học quá ạ - Sao lại khó? - Dạ …. tại cái bụng nó ….khó học quá ạ. - Sao lại khó? - Dạ ….tại cái bụng …nó xẹp, cổ khổ queo, vừa đói bụng vừa khát nước đầu óc nó uể oải ạ. Thầy Đàn lắc đầu cười: - Lại vòi cái gì rồi? Rồi thầy đi vào lớp. Tôi lẽo đẽo theo sau, nháy mắt với tụi nó. Cả lớp ồ lên vòi. - Thầy, nếu không có cà rem học không được ạ - Thưa thầy, thầy cứ đưa con xuống mua tự nhiên ạ - Tại nghỉ 2 giờ nên tụi con gởi tiền cho ông bò khô với bà bò bía giữ hết rồi ạ Lũ học trò nhao nhao rồi reo lên khi thầy móc túi lôi ra tờ 500 đưa cho tôi - Xem cả lớp bao nhiêu người mua cho đủ - Trời, thầy nhiều đức quá Tôi cùng với Xuyến xuống mua 36 hộp kem lên. Thầy trò ngồi ăn … hoan hỉ mất gần 30 phút mới bắt đầu học. Nhưng có bao giờ chúng tôi chịu ngồi yên để học đâu, nhất là giờ thầy Đàn, lời thầy đi suốt tai này qua tai kia. - Ê, cái hộp gì của thầy để trên bàn? Tôi ghé tai Loan: - Viết thư bảo nhỏ Ngọc thủ cái hộp ấy xuống cho mình dấu chơi. Chả mấy chốc, cái hộp nhỏ vào tay tôi: - Thuốc nhỏ mắt của thầy mi ạ. - Thầy đâu có bị đau mắt. - Lỡ thầy mua cho con thầy. - Bậy, thầy chưa vợ mà con cái gì. Ba đứa quỷ sứ chúi đầu vào nhau: - Vậy chắc chắn đào của thầy bị đau mắt rồi. - Ừ, thầy mua tặng đào. Tôi chợt nhớ ra, úp mặt cười: - Gì thế? Loan hỏi. - Im, chờ đó. Tôi lục cặp ra mấy vỉ thuốc sán lải. Hai đứa kia cười sùng sục. - Giở của nợ này ra làm gì vậy? - Lần trước tao đau bụng nghỉ ở nhà. Hai con khốn Tuyết Ngọc gửi tặng tao cái của nợ này. Tụi nó gói giấy hoa cẩn thận làm ông tưởng bở. Tức quá, tao giữ lại chờ dịp trả thù tụi nó. Tôi mở hộp thuốc lôi cái lọ ra rồi nhét mấy vỉ thuốc vào. - Mau lên, nhớ gói cái giấy đỏ của thầy vào cho tử tế. Răng dây thun nữa. Loan giục. Tôi gởi Ngọc để lại trên bàn. Thầy đang mải vẽ bộ máy tiêu hóa trên bảng. - Mày có thể hình dung ra bộ mặt đào của thầy khi nhận được thuốc không? Chúng tôi cười rúc rích cho đến lúc chuông reo. Thầy hấp tấp cầm hộp thuốc đi ra. Cả bọn cười nghiêng ngả, rồi bắt đầu lo lo cho cái nghịch tính của mình khi Ngọc phát biểu: - Tụi bây nghĩ sao nếu thầy mua hộp thuốc nhỏ mắt cho cụ bà ở nhà? - Chết rồi, làm sao bây giờ? ° Nhưng dự đoán của chúng tôi đều sai lạc, hôm sau giờ thứ 2, Thầy vừa vào lớp đã nhăn mặt lắc đầu: - Chịu, tôi chịu các cô. Nghịch quá là nghịch, còn hơn con trai nữa. Hồi đó tôi cũng nghịch cũng phá, tưởng là không ai bằng nhưng bây giờ tôi phải công nhận thua các cô xa. Cả lớp bò ra cười. - Nhưng đùa để đùa mà thôi, chứ các cô cho tôi xin lại lọ thuốc để nhỏ mắt cho mấy con gà. Tôi đang nhe răng cười, giật mình hỏi: - Thuốc nhỏ mắt gà hở thầy? - Ừ, tôi nuôi mấy con gà, mấy hôm nay mắt nó bị đau - Trời vậy mà chúng con cứ tưởng thầy mua cho …. Hì hì … Nhỏ Cúc cầm lọ thuốc lên: - Thầy nuôi gà làm vốn để … có tiền … cho chúng con ăn bánh quế ạ? Lúc này cây Giáng Tiên trước cửa lớp bắt đầu rụng hoa. Từng đợt cánh hoa nâu khô đang đùa xoay trong gió. Nắng thật êm và mây thật ngập ngừng. Tôi lơ đãng nhìn ra cửa sổ, tiếng giảng bài của giáo sư thoảng nhẹ dần thành âm hưởng đưa hồn tôi vào nắng nhẹ xoay tròn cùng với cánh Giáng Tiên nâu. Tôi muốn trườn dài theo bẩy năm vừa qua để nhìn lại những dấu ái của thủa bắt đầu làm cô bé nữ sinh. Tôi muốn được trở lại những vẻ ngây thơ trong mái tóc cắt bum bê cũn cỡn. Tôi muốn được đôi mắt tròn to ngơ ngác nhìn ngôi trường cao ngất quá tầm mắt, dáng ngập ngừng dò dẫm trên thảm cỏ xanh non nhặt những cánh phượng đỏ ngất ngây. Tôi muốn dấu hết sách vở ở sân trường để chui vào vườn hoa đối diện, hái những cánh lưu ly tím. Tuổi thơ ngọc bích toàn những hoa và lá xanh. Tôi không biết mình đánh mất tuổi thơ. Tôi đổ thừa cho thời gian đem nó đi và đoán là khi tiếng cười vỡ vụn bị đọng thành một khối buồn lo. Chợt khẽ thở dài, biết mình đang tiếc nuối: - Lá rơi buồn ghê. - Ừ buồn. Hình như tiếng lá vừa trả lời. Làm sao không buồn cho được khi mình sắp giã từ tất cả. Không biết rồi cuộc sống nối tiếp sẽ ra sao. Tôi muốn ôn lại thật nhiều kỷ niệm để bấu víu tuổi mơ, tôi không muốn là tôi bây giờ nữa. Tôi muốn mình là cánh Giáng Tiên nâu khô, là cánh phượng đỏ, là đóa lưu ly tím, là cỏ non … vì tôi muốn mình được nhìn lại mình bẩy năm đã sống đầy yên ả. Kỷ niệm xoay tròn rồi bay như lá bay. Mây thời gian nhẹ bay rồi hờ hững đọng lại từng giọt trên mi mắt, nuốt nhẹ nỗi buồn để thấy mặn ở môi. Tôi sắp chẳng còn gì nữa cả, làm sao níu kéo lại bây giờ. Ôi, chợt thương vô vàn những khuôn mặt bạn hữu thân thiết, những ánh mắt thầy cô bao dung. Làm sao để còn mãi mãi trong thiên đường áo trắng này. Tôi nhìn quanh. Không hiểu sao, chỉ thấy tất cả như bình thản chấp nhận, như say sưa với bước đi của thời gian. Vô lý và dại dột. Chúng mày có nhớ, có biết mình sắp phải thay mầu áo, hay chúng mày đang đợi mầu áo mới. Chúng mày ơi! Tao sợ mất chúng mày yêu dấu của tao quá đi thôi. Tôi trở về tôi, tiếng giảng của giáo sư rõ dần. Tôi chán nản dựa dài ra ghế và lật quyển vở Triết hững hờ. - Chả hiểu hôm nay học đến đâu? Loan nhìn sang tôi hồi lâu: - Sao ngây như Tản Ðà thế? - Lá rụng. Loan nhìn ra ngoài: - Sắp thi rồi đấy. - Sao? - Không nhớ thầy Mẫn bảo à? - Bảo sao. - Thầy bảo năm nào cũng thế khi cây Giáng Tiên này rụng lá là gần thi rồi đấy. Bởi vậy không biết vô tình hay cố ý mà bà Tổng lại cho Đệ Nhất lên tầng I này. - Ðể nhìn cây rụng lá. - Buồn quá nhỉ. Tự nhiên mình lại học Đệ Nhất, tự nhiên mình lại sắp xa trường... chán chưa? - Xa trường, cuộc sống sắp tới có gì vui không nhỉ? Ai cũng bảo bước chân ra khỏi ngưỡng cửa trường Trung Học là đời cằn cỗi thêm một tí, mặt già thêm một tí. Nghĩ mà thương cho mình. - Mi định gì sau thi? - Chán lắm, đừng hỏi lúc này. Tôi chỉ về cây Giáng Tiên: - Định trở lại trường, dưới gốc cây kia nhặt cánh chim nâu. - Hồi đó mình vui ghê há nhỉ. Khiếp, mỗi lần kéo mi ra nhặt là phải năn nỉ đứt lưỡi. Lúc nào cũng học, học cả ngày. - Thế nên bây giờ nuối tiếc. Muốn nhặt cũng không được, muốn đừng học cũng không xong, nhìn nó mà buồn rũ cả lòng. Lớp đang yên lặng như sắp ngủ, bỗng xao động vì sự hiện diện của bác lao công. Nhìn cuốn sổ mầu đen trên tay bác, tôi giật mình: - Mai mốt có lễ gì không? - Lễ gì? Hình như thông cáo của Xã Hội hay sao, nghe đâu tụi nó vừa họp. Tôi buông thỏng tiếng “à” rồi ngả người ra thành ghế tìm lại tư thế lơ đãng cũ. Như đỡ lấy cuốn sổ dầy trên tay giáo sư vừa ký xong, cất tiếng đọc: - Lịch trình thi Ðệ Nhị Lục Cá Nguyệt. Tôi giật nẩy mình, trợn tròn mắt. Ngoài sân, cây Giáng Tiên hình như bị gió lay mạnh đổ lá ào ào. Cả lớp nhốn nháo, vẻ mặt đứa nào cũng đầy lo lắng. - Thi đệ nhị đấy à? - Mau quá, mới hôm nào còn Tết. Tôi thần người, kỳ thi cuối cùng trong đời làm nữ sinh sắp đến. Chả còn gì để bấu víu nữa, ngồi tiếc nuối mãi thì thời gian cũng vẫn đi. Tôi lật phía sau của quyển vở trước mặt, và cầm bút viết theo tiếng đọc: “Tuần lễ bắt đầu từ 24 tháng tư đến 31 tháng tư..” Cả lớp nhốn nháo hơn - Hả, thi trong 1 tuần à? - Chết rồi, cuối tháng tư đã thi - Thi trong 1 tuần mệt quá Cô Giang đập bàn cho lớp yên lặng, và giải thích: - Đó là lịch trình thi của các em lớp 11 và 12. Bà Giám Học muốn cho các em học hết chương trình rồi mới thi, như vậy khi nghỉ hè các em chỉ việc ôn thôi. Các em ráng kỳ đệ nhị này vì nó như một kỳ thi Tú Tài 2. Bà Giám Học cũng đòi hỏi chúng tôi cho các em đề tương tự như thi thật. Cả lớp ngồi yên nghe giáo sư nói, mắt mở to: lo âu, hồi hộp, run sợ đang đè nặng tim mỗi đứa. - Mười sáu tháng sáu các em thi phải không. Có lẽ trường sẽ cho các em nghỉ trước một tháng, tức là khoảng mười lăm tháng năm, trễ lắm là hai mươi tháng năm. Thôi các em ghi tiếp lịch trình thi. Ngọc Như tiếp: - Thứ hai 24 tháng Tư Từ 7giờ 30 đến 9 giờ 30: Triết Từ 9 giờ 30 đến 11 giờ 30: Sử Ðịa Công Dân - Thứ Ba 25 tháng Tư: Nghỉ Cả lớp lại ồn lên: - Khiếp quá. Thứ hai, ba môn dồn lại. - Nguyên Triết đã chết rồi, còn Sử, Địa, Công Dân làm sao nhớ được. - Ớn quá, thi với cử già cả người. -Thứ Tư 26 tháng Tư Từ 7 giờ 30 đến 9 giờ 30: Sinh Ngữ I Từ 9 giờ 30 đến 11 giờ 30: Toán - Thứ Năm 27 tháng Tư: Từ 7 giờ 30 đến 10 giờ 30: Vạn Vật Từ 10 giờ 30 đến 11 giờ 30: Sinh Ngữ II - Thứ Sáu 28 tháng Tư: Nghỉ Thứ Bẩy 29 tháng Tư: Từ 7 giờ 30 Ðến 10 giờ 30: Lý Hóa. Loan buông bút: - Năm nay cực ghê. Bài nhiều gấp bội mà thi lại sớm gần 1 tháng nhỉ. - Năm ngoái học thấy đời mình đa truân quá rồi, thế mà so với năm nay chả thấm vào đâu. Nghĩ lại thấy thương năm ngoái ghê cơ. Lại nghĩ lại, lại nhớ lại, lại thương lại, lại tiếc lại. Cái gì qua rồi mới thấy đẹp, mới tiếc nuối. Hôm nay ngồi tiếc hôm qua và ngày mai lại nhớ tiếc hôm nay. Tất cả tuần tự như một chu kỳ. - Thôi đừng nghĩ nữa. Tôi nói với mình. Phải trở về với hiện tại, có lịch trình thi trước mắt, có chồng sách đầy chữ đang sẵn sàng vật vã xoay tròn tôi để đánh bật tôi ra khỏi đời nó. Sách vở là một lũ ích kỷ và lì lợm. Tôi ghét nó, nhưng luôn luôn tôi sợ xa rời nó. Từ hồi có lịch trình thi Đệ Nhị Lục Cá Nguyệt, tôi phải làm không biết bao nhiêu là thời khóa biểu cho chương trình học thi của mình. Cứ làm rồi nợ, rồi bỏ đi làm lại. Cả khúc đầu chương trình tôi bỏ hẳn để chăm chú vào khúc đuôi cho kỹ. Các giáo sư càng ngày dạy càng mau, nhất là Vạn Vật. Lúc Tết vào thì hai giờ một bài, lúc này hai bài một giờ. Ai không hiểu cũng không dám hỏi. Mãi rồi tôi cũng chán ngồi lại trong lớp. Mới đầu trốn giờ Công Dân - Sử Ðịa. Lần lần bỏ luôn cả Sinh Ngữ II với Vạn Vật. Các thầy cô thấy lớp vắng dần cũng bực mình. - Năm thi mà các cô cúp cua thế này thì đậu sao nổi. Nhưng với chúng tôi lúc này cúp cua không có tội. Cúp cua để học, để vùi đầu vào bài vở ở một góc, một khu nào vắng vẻ trong trường. Một con kiến bò lên chân tôi. Bất ngờ, nó cong người chích. Tôi la ai ái, và đập đánh bốp. Thủy đang ngồi học, giật mình hỏi: - Gì thế? - Con kiến. - Giời. Mày sợ kiến à? - Không. Nó cắn lén tao - Cắn là cắn, còn cắn lén nữa. Ai bảo mày đặt bàn tọa vào tổ nó. Kìa khiếp, ngay phía mày ngồi lắm kiến quá. Tôi nhảy bổ lên, phủi vội mấy con kiến đang bò lên chân: - Mày ngủ gục hay sao mà nó bò lên cũng không biết? - Biết chứ, tưởng nó bò lên chơi thôi, ai ngờ đâu nó đểu thế. Thủy chép miệng: - Gần thi thế nào cũng phải có vài đứa mát dây. Tao chia buồn là trong đó có mày. - Học xong bài Não cũng đủ để mình mát rồi nói gì đến nhai cả quyển chắc nổi điên quá. Thủy lật phía trước tìm bài Não rồi lẩm bẩm đếm số trang. Tôi bật cười: - Lại đếm. Mười bẩy tờ, ba mươi lăm trang. Tao không biết mày đếm bao nhiêu lần rồi? Thủy đóng ập quyển sách lại và úp mặt xuống: - Ớn quá rồi. Làm sao nhai cho hết chữ. Tao học bằng nào quên bằng đó. - Thôi dẹp chuyện thi đi. Ra Câu Lạc Bộ uống nước. Khiếp, ăn chữ no ứ cả bụng. Hai đứa khoác tay nhau trở vào trong. Trường, trong giờ học lặng như tờ, tiếng ê a đọc sinh ngữ của lũ Đệ Nhị nghe chán như nhai cơm nếp nát và buồn như mấy bà hàng quà ngồi đợi giờ ra chơi. Tiếng chuông ra chơi làm tôi giật mình. Nữ sinh các lớp kéo xuống ồn ào, chả mấy chốc đã ngập Câu Lạc Bộ. Tiếng kêu bán, tiếng réo hàng ồn cả tai. Mấy nàng Đệ Nhị ở dưới nhà nhanh chân xuống trước, nét mặt hí hửng với tô bún riêu trên tay, rủ nhau quây quần ở một bàn, la oang oác. - Ê, qua bên kia lấy hũ mắm tôm với chai ớt đi tụi mi. Tiếng cười nói, tiếng húp bún xùm xụp. Một bọn khác vớ được chai xì dầu rủ nhau lại góc phòng tha hồ mà xịt vào khúc bánh mì vừa mua. Ðám đông chen chúc nhau, hò ăn gọi hàng như rao bán ngày Tết. - Cho mười gói ô mai me, năm gói ô mai gừng, hai cái kẹo lạc đi. - Ba cái bánh dừa. - Hai cái bánh vàng vàng và một cái bánh gan. Lấy lẹ đi. Tay này với, tay kia níu. Có nàng sốt ruột vì bà bán hàng chưa chiếu cố, ngúng nguẩy quay đi. - Khan cả cổ mà không thèm bán. Thủy đã nhập cuộc để mua mấy gói ô mai. Tiếng ồn ào mỗi lúc một thêm, nên khi Thủy gọi tôi không nghe thấy, nó phải đập vào vai tôi mới quay lại. Mặt nó nhăn nhăn, nhễ nhại mồ hôi, vừa thở hổn hển, vừa chỉ vào vạt áo: - Sư mấy con ranh con đú đởn. Tôi ngửa mặt cười sằng sặc: - Cái gì thế? - Mắm tôm chứ cái gì. Khắm ghê. - Chúng nó làm sao mà rơi cục mắm tôm vào áo mày vậy. Thủy cúi nhìn cục mắm tôm nằm lì lợm trên tà áo rồi cũng bật cười. - Vừa mua được hai gói ô mai, quay ra thì hai con ranh con đang giành nhau quệt mắm tôm vào soài ở sau lưng tao. Chúng nó phang luôn một cục vào áo... Tôi cười phì ra. Thủy lườm: - Sướng lắm đấy mà cười mãi. - Thôi ra máy nước rửa đi. - Ðúng là sao quả tạ chiếu. Xui ghê. - Sao mắm tôm, chứ sao quả tạ. Hôm nay ra ngõ gặp “ghế” rồi cưng ơi. - Ðúng là tại con mẹ Tư ở xóm tao cà chớn, cứ nhè giờ người ta đi học là mẹ ấy xách giỏ đi lù lù ở đầu ngõ rồi. Thủy búng vào vạt áo cho cục mắm tôm rớt xuống rồi dí vạt áo vào máy nước, vừa vò vừa lằn nhằn: - Khắm quá, chỉ có chết. Vạt áo Thủy ướt sũng, đốm đen vì cục mắm không sạch hết. Hai đứa vội vã trở lên lầu. Gặp cô Diễm - giáo sư dạy giờ tôi vừa cúp - đang đi xuống, tôi vội vàng nép mình vào cửa gần đó. Thủy cũng vội vàng chuồn lối khác. Vài con mắt tò mò nhìn rồi nói nhỏ: - Nhìn kỹ xem, cái chị người đẹp vũ Thiên Thai hôm tất niên phải không? - Ừ. Sao bây giờ coi chị ấy tàn như mùa thu chết ấy nhỉ. Nghe mấy câu to nhỏ, lòng tôi vui trước rồi buồn sau. Chao ơi là cái dung nhan mùa thu chết vì thi cử, vì học hành. Lếch thếch lên tới lớp, tôi gặp lại Thủy. - Tao muốn về. Áo đã ướt, bài lại chưa làm. - Làm sao ra được. Phải có giấy của bà Tổng, Hoàng Tử Trọc mới cho ra. Nó nhăn nhó đau khổ. Tôi bật cười: - Chia buồn cùng mày. Thầy Mẫn vào lớp, tất cả lại giật mình vì thầy đang mở sổ. Tháng thi bắt đầu báo hiệu bằng những khuôn mặt xanh mướt của dân Đệ Nhị và Đệ Nhất. Mỗi ngày vào lớp gặp nhau ngao ngán. Tuần lễ thi sắp đến rồi, mắt có quầng thâm, má phơn phớt hồng hôm nào nay nổi đầy mụn trứng cá, môi khô nẻ không buồn liếm, nhìn nhau cười ngao ngán. Ðã bao nhiêu lần thức trắng đêm, uống hết bao nhiêu tách cà phê đắng, mệt lả người. Một câu nói bâng quơ, lạc lõng: - Mai chủ nhật …. Chủ nhật, kẻ nào có đủ can đảm phác họa cho mình 1 cuộc chơi ngắn ngủi ngày mai? Hay chủ nhật và thứ hai là 1? Và miệt mài với sách vở vây quanh. Buổi chiều không đi thư viện nên ngồi buồn nhiều hơn học. Tôi ngủ bù tối qua thức khuya nên đến ba giờ mới dậy. Hư đốn cả người, dậy rồi mới thấy mình hối hận. Bây giờ có vác thân đi cũng chả có thư viện nào nhận lãnh kẻ lười này. Gần thi nên thư viện nào cũng đông. Ngay cả thư viện Ðắc Lộ nhận người giới hạn mà vào khoảng hai rưỡi là hết chỗ rồi. Đành ngồi nhà ngáp, đành ngồi nhà buồn như con chó đói. Bốn giờ, bà bún bò đi ngang qua, tiếng rao lè nhè nhưng hấp đẫn hơn quyển sách Vạn Vật dầy cộm. Con em út lên gọi: - Chị Mai xuống, mẹ gọi. Biết ngay mà, nhắm mắt cũng không được, bịt tai cũng không xong. Chả lẽ lại không ăn, đành gập sách đi xuống. Nhìn đồng hồ đã gần năm giờ chiều rồi. Bụng đầy hai tô bún bò làm sao còn chỗ để nhét chữ. Liếm môi còn thơm mùi ớt cay nên nhai chữ thấy ngại ngùng. Tôi định đứng lên, nhưng những dòng chữ dán trước mắt lại làm tôi phải dằn lòng ngồi xuống và mở sách ra. Bây giờ tôi mới thấy tác động của những dòng chữ mình viết từ đầu niên học. - Phải học, phải cố gắng học. - Năm thi phải cố gắng học cho đậu. - Rớt nhục lắm, rớt buồn lắm, rớt sẽ tủi hổ lắm. Tôi cất quyển Vạn Vật và lấy sách Triết ra, chưa kịp mở thì đã nghe con em kế kêu tên: - Chị Mai, mẹ bảo em đem lên cho chị. Khổ tôi rồi, lại cốc chè chuối chưng nước dừa thơm ngậy. Tôi muốn bảo nó “đem xuống, tao không ăn” nhưng tôi lại gật đầu. Tôi tức tôi quá. Nên ăn xong cốc chè tôi không thèm học nữa, lên giường trùm chăn cho khỏe. Ðúng là dân lười, lúc nẫy đổ thừa bụng đầy nên nhét chữ không vào, thế mà cả cốc chè lại trôi tuốt luốt. Tôi bật cười. Tiếng xe quen thuộc dừng trước cửa nhà. Và: - Chị Mai ơi, có khách. Tôi vùng dậy, thở dài, chải lại mái tóc rồi đi xuống. - Trời, đến cầu may chứ tụi này không dám nghĩ là Mai có nhà. Tôi cười ngồi xuống ghế. - Gớm, cứ làm như người ta hay đi chơi lắm …. vừa thôi. - Thứ bẩy mà có nhà.. quả hiếm có. - Hiếm có, nhưng có Mai. - Thật sao? - Sao không thật.. Mai còn ngồi đây mà. - Nhưng tí nữa Mai đi. - Hôm nay tu. - Vô lý …. đi xi nê với tụi này nghe. Tản rủ. Tôi cười: - Kém thông minh quá. Ðã bảo không đi mà còn cứ rủ. - Sao lại không đi? - Tại không thích đi. - Sao lại không thích? - Không thích là không thích. Không hứng. - Thứ bẩy mà lại không nổi hứng thích đi chơi? - Ừ, lạ thế đấy. - Lạ thì chả lạ. Hơi lập dị. - Lập dị cho người ta chú ý. - Thích người ta chú ý à. Có nhiều cách làm cho người ta chú ý hơn là ở nhà chiều thứ bẩy. Chỉ làm bực mình. - Sao, ai bực mình? - Tản và Nghị. - Sao bực Mai? - Rủ đi chơi không được thì bực chứ sao. Nhất là lý do lửng lơ của Mai. Tôi cười cười: - Thôi, cho xin. Tản và Nghị cùng cười theo: - Nói thế chứ, bực với Mai là dại. Rủ Mai không đi thì hai thằng đi với nhau vậy, chỉ buồn năm phút thôi. - Rất ân hận. Hai người bạn đứng lên: - Mai nợ đi. - Ơ, nợ gì? - Nợ tụi này một chầu xi nê. - Sẵn sàng. Chỉ sợ lúc đó cũng không có hứng đi giống hôm nay. - Sợ cái hứng của Mai thật. Tôi cười nhẹ như gió chiều vừa lùa vào tóc. Tiếng xe hai người bạn xa dần ngoài đường cái. Sắp hết một buổi chiều, tôi thẫn thờ quay vào. Hai đứa em sắp đi chơi, ríu rít ủi quần áo. - Tụi mi đi đâu đấy. - Ăn cưới con bác Phúc với cậu mẹ. - Phải nhỏ Bích không? - Ừ, bằng tuổi chị đấy, nhưng học tới Đệ Ngũ rồi ở nhà chơi luôn. Vậy mà bây giờ cũng làm bà Bác Sĩ chớ bộ. - Lấy bác sĩ à? - Chứ sao. Người ta có tiền nên chả cần học cái quái gì cũng thành bác sĩ. Ở nhà phây phây, chải chuốt cho đẹp. Cỡ như chị học xơ xác cả người cũng không thấy bò lên nổi chức bà Bác Sĩ. Tôi cau mặt: - Im mồm đi. Tôi bước vội lên lầu, không muốn nghe thêm câu nào của đứa em. Tôi đóng quyển sách lại và gục xuống bàn. Chả có cái quái gì cho tôi buồn cả. Chưa chắc tôi đã thua sút chị Bích con bác Phúc. Gia đình tôi không hơn người ở tiền bạc, nhưng chúng tôi phải hơn người ở kiến thức. Mục đích cái học của tôi không tạo chức bà bác sĩ, bà dược sư. Không cố ý đưa mình lên những ngôi vị to tát của xã hộ. Tôi không cần cái hình thức đó, mà muốn tôi có giá trị với chính tôi. Tôi phải hài lòng với chính mình, để gia đình, thầy cô, bạn bè cũng hài lòng hãnh diện về tôi. - Nhỏ Mai làm gì thế? Khóc hay ngủ? - Chả gì cả. Hai chị sắp đi chơi đấy à? - Ừ, đi với tụi tao cho vui. - Thôi, em sắp thi rồi. Hai bà chị cũng đi luôn. Căn nhà còn lại mình tôi, vắng lặng lạ lùng. Tôi tủi thân và muốn khóc. Cô đơn tràn ngập, chiều thứ bẩy tôi chiến đấu với tôi trong mọi cám dỗ. Tự nhiên tôi muốn ngủ thật say, nhưng không được. Mọi người vô tình và tàn nhẫn với tôi. Nước mắt tràn ra, ướt gối. Tôi khóc thật to, khóc thật say sưa... - Làm gì đó Loan? - Biên phiếu nghỉ. Ông hết cả bệnh để khai rồi. Tôi cầm phiếu xanh của Loan lên. Chỉ hơn hai tháng mà nó khai đủ thứ bệnh để nghỉ: Kiết lỵ, nhức đầu, đau răng, đau bụng, cảm, cúm, sốt, nóng lạnh..., hết danh từ y học, hết cả bệnh tật thì đến đám ma ông nội, đám ma bà ngoại, đám cưới chị. Tôi đứng lẩm bẩm đọc mà nhịn cười không được. - Sư mày, vừa đám ma xong, tuần sau đã đám cưới. Loan nheo mắt cười: - Hết bố nó lý do rồi. - Ủa, hôm qua mi đâu có nghỉ. - Mấy ngày rồi. Tại mới phát phiếu nghỉ xong. - Mày chết. Bà Tổng để ý cho coi. - Để ý cũng chả sao. Tao nghỉ có phép mà chưa quá ba mươi ngày. Mới có hai mươi mốt ngày. Còn tám ngày bỏ uổng. - Ừ, rồi thơ đòi … xem mặt bố mẹ mày thì đẹp. - Đẹp, lớp mười hai rồi không còn trò con nít vậy đâu. Mày bảo tao phải khai bệnh gì đây? - Nhức đầu, đề đại. - Nhiều nhức đầu quá rồi. - Ðau bụng mấy cái. - Ba. Cúc ngồi cạnh quay sang góp ý: - Ðề vào.. ốm nghén. Loan cú đầu Cúc: - Cà chớn. Tôi hùa theo: - Phải đó mi. Như vậy có thể nghỉ luôn 1 tuần, vì mày đề theo diễn tiến.. Cúc cướp lời tôi: - Đúng đấy, ốm nghén rồi tới đau đẻ, rồi chuyển bụng, rồi đẻ. Cuối cùng còn ở cữ nữa. Loan nói: - Bậy. Đầu phải là đám hỏi, đám cưới rồi hưởng tuần trăng mật nữa mới đẻ. Hoàn ghé lại, tưởng bở: - Ðứa nào lấy chồng đấy? - Loan, con Loan. Hoàn không tin: - Sạo. Loan làm tỉnh: - Thật, vài ngày nữa tao nghỉ. Mấy ngày còn lại này để từ giã tụi mi. - Có chó nó lấy mày. Loan vờ giật mình: - Trời, con này đoán đúng quá. Chàng đó tuổi Tuất. Hoàn hơi nghi ngờ: - Sạo, cái mặt mày mà lấy chồng, không khá được. - Rồi coi, xem tao có gởi thiệp cho mày không. - Mày lấy ai, chàng Thi hả? - No, chàng đó chỉ làm người yêu bé bỏng được thôi. Người này bố mẹ tao gả. Chời, tao coi vậy chứ ngoan lắm à, đặt đâu ngồi đó. Cúc xí dài: - Thời này không có vụ con ngoan để bố mẹ gả chồng đâu mi. Có con trắc nết rồi bố mẹ đặt đâu ngồi đó. Tôi cười, chỉ mặt Cúc: - Kể ra Cúc Gà Mỹ nó cũng hơn tụi mình về kinh nghiệm. Loan kêu: - Ðề gì đây, sắp chuông đến nơi rồi. Hoàn ghé mắt vào: - Trời, con này còn 9 ngày, đã quá. Tao còn có 3 ngày à. - Ðề đại kiết lỵ đi Loan. - Mới kiết lỵ rồi. - Thì thổ tả vậy. - Thôi, nghe khiếp quá. - Còn khó, tuần sau nghỉ rồi. Loan chặc lưỡi: - Mới thi đệ nhị lục cá nguyệt xong. - Còn hơn một tháng là thi Tú Tài, chạy theo chương trình không kịp, làm sao ôn bài? - Lấy chồng bây giờ là sướng nhất. - Khổ, chả ai chịu hỏi. - Chắc phải đăng báo quá. Tôi gật gù: - Phải đó, ông chú tao nhà báo. Nhờ ông ấy đăng cho - Đăng sao? Viết cho láng láng một chút nhé - Một số nữ sinh, học thức, ăn nói hoạt bát, cần tuyển chồng … - Tao nghĩ mình cần chồng, mình phải nói cho thiết tha, làm cao quá có chó nó lại. Phải viết như: Một số nữ sinh vừa đúng tuổi trăng sầu mộng.. - Thôi, thôi, xin can. - Dầu gì mình cũng phải có điều kiện tối thiểu. Loan nhanh nhẩu: - Chắc chắn phải trên thước mốt. Gớm, như người yêu bé bỏng của tao cũng buồn. - Cần phải đầy đủ tay chân đừng thiếu thốn. Hoàn tiếp: - Và đừng Anormal. Tao sợ tên chồng bất bình thường. Tôi nói: - Biết đàn và không biết ăn mắm tôm. Và cười khúc khích. Tiếng chuông vào học bỗng chói tai, to hơn tiếng cười. Lớp chúng tôi nghỉ trước mấy lớp nhỏ một tuần. Những ngày sau cùng của niên học cả lớp thật bệnh hoạn, buồn hiu hắt. Chả còn đứa nào để ý đến đứa nào, vòng tay học trò đang lỏng lẻo, sắp xa nhau rồi. Một chồng chữ cao sắp chôn lấp tuổi áo trắng thơ mộng, sắp xa nhau rồi mà chả có giây phút nào để nhìn lại mặt nhau cho rõ. Mỗi đứa mỗi góc vườn, mỗi đứa mỗi chỗ học. Thời gian như vội vàng quá quắt, vo tròn tụi tôi thành những vỏ ốc co ro. Không dám ngó trời, không dám ngắm lá. Giật mình thấy mình chỉ còn 2 ngày làm nữ sinh, sững sờ, vội vã vơ quàng kỷ niệm, tôi tìm lũ bạn bảo chúng nó phải tận hưởng những gì mình sắp mất. Đứa nào cũng đồng ý bỏ nguyên ngày mai để chụp ảnh, ăn quà. - Phải đó, một ngày cũng chả học được gì. - Tao sợ quên mất trường và chúng mày. - Ném bố cái thi hộc tủ. Trong lớp chỉ còn nhóm tôi ngồi khoanh tay. Thầy Dư vào dạy nốt bài cuối của chương trình. Thầy rõ tâm trạng chúng tôi, nên thầy cười cũng chả tươi: - Còn hôm nay nữa thôi, phải không? Chả đứa nào tiếp lời thầy. Nỗi buồn lắng xuống đến đáy tâm hồn. - Tôi giảng đoạn cuối này nữa là xong, các chị có thể về sớm. Bài này không quan trọng vì không có trong chương trình thi, tôi dậy để các chị thi vào đại học. Tôi mỉm cười buồn: - Chưa lo xong Tú Tài mà thầy đã bàn Ðại Học rồi. Thầy khuyến khích: - Ðậu, các chị dư sức đậu mà. Thầy bắt đầu giảng. Không biết có lời giảng nào của thầy lọt vào đầu chúng nào không, chứ tôi là trơ rồi. Vì tôi vứt cái thi vào hộc tủ rồi còn đâu. Tôi ngẩn ngơ nhìn ra ngoài cửa sổ. Cây Giáng Tiên hết lá đệ rụng rồi, trơ cành ủ rũ. Thế là xong, mọi sự êm đềm rồi phải hết. Xong tuổi hồn nhiên, xong nụ cười vô tư và xong một đời làm nữ sinh. Tôi nhìn xa hơn trong khung trời bàng bạc trắng, nắng đang lướt nhẹ trên ngói đỏ phủ rêu mờ. Nghe nóng mi mắt, tuổi mơ đã qua đi. - Làm gì mà ngẩn ngơ, tao chụp ảnh cũng không hay. Tôi cười nhẹ: - Vừa chụp tao đấy à. Tối thế làm sao chụp được. - Ðược, nhưng mờ. - Thôi, đừng chụp nữa, thầy giảng bài. - Mình ngồi nói chuyện - Có chuyện quái gì để nói? - À, hình như con Xuyến nó sắp lấy chồng. - Sắp thi đến nơi còn chồng con gì. - Tao nghe tụi nó nói là nó không thi, cả tuần nay tao không thấy nó đi học, mà cũng không gặp ở thư viện nữa. Tôi ngồi im. Xong, một đứa sắp từ giã bạn bè, từ bỏ đời học hành để sống một đời mới, ồn ào hay lặng câm hơn. Một tình nguyện bắt buộc, bỏ cuộc chơi dài từ thuở thiến niên để đi về một chân trời khác. Ðã có 1 ít thay đổi rồi đó, trong cuộc chơi đã thiếu một đứa rồi. Tôi chép miệng, nghĩ đến thân phận những đứa còn lại. Rồi còn dịp nào để nghĩ đến nhau không? Thầy Dư vừa giảng hết, chấm dứt chương trình học bằng vài bài toán thi trong sách. Tụi nó rú lên: - Gần thi mà thầy còn khủng bố tinh thần thì tụi con chết mất. Thầy phủi phấn trên tay: - Làm đi. Các chị dư sức làm. Làm được hết mấy bài này, thế nào cũng đậu. - Ðậu thầy thưởng nghe thầy. - Các chị phải khao thầy chứ. - Thầy thưởng trước, tụi con khao thầy sau. - Rồi rồi. Ðậu sẽ có thưởng. - Thầy thưởng gì ạ. - Ai lại nói trước mất vui. - Thôi thầy, chứ giống như năm ngoái, tụi con kéo đến báo tin thi đậu, thầy Ðàn thưởng một chầu... quạt máy, chán chết. Thầy cười cười: - Thôi về đi. Cứ đậu rồi tính sau. Nắng lên cao, chúng tôi mời thầy chụp chung 1 tấm hình lưu niệm. Vừa xong, thầy Mẫn cùng thầy Ðàn đi ngang qua. Chúng tôi níu lại mời chụp luôn. Rồi các thầy xuống văn phòng họp. - Tụi mi lấy học bạ chưa? Cả bọn ùa đến văn phòng Giám Thị. - Cô ạ, tụi em có học bạ chưa cô? - Lớp nào nhỉ? - Dạ, 12AP2 ạ. - Rồi, các lớp A đều có cả rồi. - Cô, năm nay tụi em ra khỏi trường cô có thương tụi em không? - Thương. Năm nào cũng thương. - Ra khỏi trường, thỉnh thoảng tụi em đến thăm cô được không cô. - Sao lại không, các em là học trò cũ của trường mà. - Chỉ sợ đến thăm cô, cô không nhớ đuổi ra làm sao? - Quên thế nào được, nhất là cô Mai lém này. - Không, nó không phải là Mai Lém, nó là Mai Nhắng ạ. Cô nhớ em nữa nghe cô, em là Mai Nhí. - Em là Mai Nhót. Cô Minh cười: - Nhớ, nhớ hết. Thế bao giờ các cô cho tôi ăn bánh. Tôi vờ vĩnh: - Kìa Hoàn, mày hứa làm bánh cho cô xơi đâu, sao để cô phải nhắc. - Không, tôi hỏi bao giờ các cô lên xe hoa đó! Tôi láu táu: - Cũng nó nữa đó cô. - Ù, Hoàn trưóc hả Hoàn. Phải cái cậu phi công không? Hoàn nhẩy lên: - Ðâu có cô, em còn ngây thơ chưa biết gì. - Gớm, tôi lờ đi chứ, mấy lần tôi đứng ở cửa sổ trường đều gặp hết. - Chết rồi, cô biết hết trơn, nguy quá. - Chả lẽ lại phạt các cô, dù sao các cô cũng lớn rồi. Loan tếu: - Cô thông cảm quá. Ngày xưa cô cũng vậy nhỉ cô? Cô Minh mỉm cười, không nói. Ðôi mắt cô hình như chợt xa xăm, nhớ đến một thủa nào làm nữ sinh áo tím của Trưng Vương Hà Nội. Nhưng chắc chắn cô hiền hơn lũ nữ sinh bây giờ, dù tâm hồn vẫn giống nhau. Cả bọn cầm học bạ, chào cô bước ra ngoài. Gặp cô Giang dạy Tâm Lý, chúng nó hét lên, ào tới vây quanh mời cô chụp hình. Tôi cũng chụp với cô 1 tấm, đứng trước hàng chữ Trưng Vương đỏ chói. Cô cười, vuốt má từng đứa 1 chúc thi đỗ, rồi đi về cuối hành lang. Chúng nó xúm xít lại chụp hình lưu niệm. Trong lớp, ngoài hành lang, vườn thư viện, cạnh cột cờ, gốc cây Giáng Tiên, sân trước, sân sau. Cuối cùng là con đường lá đổ. Con đường lá đổ nhiều lá hơn mọi ngày, rơi ngập hai bên đường, vỡ ròn tan dưới chân chúng tôi. Chúng tôi chạy đuổi nhau, cười đùa rôồ ngồi buồn. Mười đứa mặc áo lụa trắng ngồi ôm vai nhau trên đống lá khô. Ðứa nào cũng cố pha trò cười vì sợ nỗi buồn ào ạt đến. - Chụp hình nhé. Bây giờ tụi mi đều nhe răng ra cười thật nham nhở, tao khoái cái cười nham nhở của tụi mày. - Tụi mình đứng dọc lề đường, mỗi đứa làm một trò. Đứa thè lưỡi, đứa trợn mắt, đứa này làm ngáo ộp, đứa kia làm đười ươi nghe. Bầy trò rồi ôm nhau cười ngả nghiêng, những hình ảnh thân yêu được ghi hết vào cuộn phim nhỏ, trong ký ức của mỗi đứa. - Bây giờ đứa nào khóc đi, tao chụp cho. Tao không biết khóc. - Cùng khóc đi, ôm mặt khóc đi. Đứa nọ giục đứa kia. Tấm ảnh cuối cùng, khóc đi. Tôi thấy mắt mờ đi, và con đường sắp tan, tan tành hết. Một giọt nước làm mặn đầu môi. tôi khóc rồi sao? - Tao cố không khóc, vậy mà tao khóc trước mặt chúng mày. Đứa này nhìn đứa kia buồn vời vợi. Tôi thấy mắt Mã Thày mọng đỏ, Mai Nhót cắn chặt môi, Mai Nhí quay đi, Cận Dâm thở dài và Hoàn héo nắm chặt tay Cúc Gà Mỹ run run, còn Lon thì cúi mặt. Nước mắt, cùng lúc, chan hoà trên má những đứa sắp bỏ trường mà đi, mà ngã xuống đời, mà bỏ thầy mất bạn, để sống một đời trôi nổi khắp nơi. Tiếng “U” dài than thở đánh mất thời gian, mười hai giờ rồi. Cả bọn lững thững trở ra, không nói với nhau lời gì. Mỗi đứa sẽ mang tâm trạng một người đi tiễn đưa và được đưa tiễn. Tôi lên tiếng trước cho tan nỗi nặng nề: - Mình ra ngoài ăn quà đi. Vài đứa ừ nhỏ. Vẫn thế, buồn rồi vui. Một lũ ra là con đường bắt đầu nhộn rồi: - Ăn bò khô trước nghe. - Ừ, tụi mình ăn hết hàng quà Trưng Vương. - Hết thì chắc không nổi, ăn mỗi hàng một tí cho nhớ. Cả bọn xúm xít bên ông hàng bò khô, tranh nhau dĩa gan cháy: - Xịt tôi tí xì dầu đi ông. - Tôi thêm tí ớt đi ông. - Ui cha, cay quá, hấp dẫn. Xong, qua hàng bò bía. Rồi hàng kem, xoài ngâm, tầm ruộc, đậu đỏ, sương sa. Bụng đứa nào cũng đầy ắp những vị đáng nhớ của trường. Vài em nhỏ học buổi chiều đến sớm, đứng trố mắt nhìn tụi tôi. Tôi ghé tai Cúc: - Tụi nó sướng quá mi nhỉ. Hồi đó mình bằng tụi nó, mình đâu có biết mình sướng. - Rồi đứa nào chả thế. Nó đâu biết nỗi khổ tâm khi ra trường của tụi mình để nó thấy là nó đang sướng. - Sướng thật, tụi nó sướng thật. Nhớ mình hồi nhỏ … Mấy em bé mặc áo đầm trắng tung tăng chạy đuổi nhau, rủ nhau chơi nhẩy dây, lũ đằng kia tụm nhau chơi đánh đũa. - Thôi về. Về đi. Ðứng nhìn lại ngày xưa buồn quá. Chúng tôi lầm lũi vào trường lấy xe. Nắng tràn ngập sân trường vắng. Lá kh phơi mình trong nắng vàng óng. Chúng tôi dắt xe ra, mở máy rồi đi bên nhau thật chậm. - Chia tay ở đây nghe. - Ừ, về nghe. - Tụi mình phải đậu. - Ừ, tụi mình phải đậu hết và sẽ gặp lại nhau. - Con Xuyến hư quá. Nó bỏ tụi mình, nó sẽ buồn hơn mình. - Tụi mình còn lại nhau đừng đứa nào bỏ nữa nhé - Về đi. - Mày về trước đi. - Về nhé. Trong tháng này đừng tìm gặp nhau nhe. - Ừ, một tháng sẽ không tìm gặp nhau. - Thôi, về nhé, hôm lấy phiếu báo danh tao sẽ lơ tụi mi. Chào nhau mà tay vẫn không rời. Loan nhìn tôi cười: - Tao chửi sư bố đứa nào thi rớt. - Ừ, đậu hết chứ. Chia tay nhau từ phút đó. Một lần cuối quay lại nhìn ngôi trường ngói đỏ, hàng cây me cao, và con đường ngập lá. Bỏ lại sau lưng tất cả với bao tiếc nuối, bâng khuâng. Nhìn dáng bạn bè rẽ ngã ở cuối đường, tà áo lụa phất phới bay trong nắng, lòng tôi quặn thắt nỗi buồn….. Cuối cùng rồi cũng bỏ nhau. Mỗi đứa bây giờ mỗi ngả, tôi chỉ còn gặp lại một vài đứa bạn ngày xưa cũ. Mấy năm đã qua đi, biết bao thay đổi. Không phải chỉ mình Xuyến lấy chồng mà nhiều đứa khác cũng bỏ cuộc chơi. Gặp một đứa bạn này, nó kể về đứa bạn khác. Một số, trong đó có tôi, nhiều may mắn lên được Ðại Học, nhưng mỗi đứa mỗi phân khoa. Vài đứa bỏ ngang đi tìm việc. Vài đứa khác lên xe hoa về... bên ấy. Thế là xong. Một cuộc đời hoa mộng đã thực sự chấm dứt. Không còn gặp lại nhau, không còn được gọi tên nhau âu yếm. Và không còn biết tin tức gì của những ngày xưa cũ, đã xa vời. Ðại học với những xô bồ, hỗn độn làm tôi chán ngấy, nhưng vẫn phải đeo đẳng cho trót một đoạn đời. Không đâu bằng ngôi trường ngói đỏ với thầy cô yêu dấu, bạn bè yêu dấu mà tôi đã sống êm ả trong bẩy năm dài. Vậy mà tôi không còn dịp nào để sống lại, dù chỉ trong phút giây. Tất cả chúng tôi đều đã đi vào quá khứ, vào lãng quên. Vì tất cả đều đã bỏ cuộc chơi mất rồi. Và từ nay, vĩnh biệt Trưng Vương ngàn đời dấu ái. 10 - 1973 Võ Hà Anh – Hoa Mai