Trời nắng như đổ lửa, lưng áo ướt đẫm mồ hôi và mặt mũi lấm lem bụi đất, tôi và cô em vợ đến bệnh viện nội tiết để làm xét nghiệm. Cô em vợ tôi năm nay 20 tuổi, cô mắc bệnh bướu cổ mới vài năm nhưng do mặc cảm về sự khiếm khuyết của mình nên chẳng kết bạn với ai. Trong suốt những năm tháng đó với cô là cả một cuộc đời. Bởi sống nơi thôn quê không có điều kiện tiếp xúc nhiều với thông tin y khoa, cô em vợ tôi đã không biết căn bệnh này có rất nhiều khả năng chữa trị thành công. Sau một thời gian khuyên giải và góp ý với người thân, tôi đã có cơ hội đưa cô em vợ lên thành phố trị bệnh.
Ban đầu, thủ tục cũng khá đơn giản nhưng theo tôi được biết thì đó mới chỉ là vòng ngoài, xếp xe một ngàn, vé giữ xe cũng một ngàn đồng, mãi mới tìm được một chỗ khá ưng ý tuy hơi hắt nắng một chút nhưng cũng dễ dàng lấy xe ra lúc về. Trong khuôn viên bệnh viện la liệt những chiếc ghế đá xếp san sát nhau, và tất nhiên là chẳng có ghế nào còn trống. Điều này cũng có thể giải thích được, có lẽ vì người ta phải ngồi bên ngoài đợi đến lượt mình vào khám, hoặc giả họ là thân nhân của người bệnh đến để thăm nuôi - cần có nơi thoáng khí để ngồi chờ. Nhưng khi bước vào tiền sảnh bệnh viện tôi mới biết mình lầm, hoàn toàn sai lầm! Sự thật trước mắt đã chứng minh cho điều tôi nghĩ là vô căn cứ. Chao ôi là người! Họ người thì đứng, người thì ngồi, thậm chí có người còn nằm nữa ra đấy... Thật không thể tưởng một bệnh viện tầm cỡ quốc gia lại có cơ cấu tổ chức tệ thế này. Tìm hiểu sâu hơn tôi mới biết một phần do trời nóng, một phần do bệnh nhân đông quá (hầu như toàn bộ bệnh nhân của các tỉnh phía Bắc từ hà giang cho đến Quảng Bình đều đổ dồn về đây), nên sự quá tải đã diễn ra từ lâu. Có điều là nguồn kinh phí lại hạn hẹp, tài trợ thì không có, mà do ngân sách bệnh viện biết gom góp từ đâu. Trong khi đó, khám chữa bệnh cho dân mà chi phí đắt một chút là bị kêu la, rồi thì lại thanh tra...Thật bệnh viện phần nào cũng ở vào thế như nằm giữa, trên đe - dưới búa vậy. (trích lời ông Phó Viện trưởng bệnh viện nội tiết). Cũng khó mà quy lỗi phải hay đổ trách nhiệm cho riêng bên nào. Bệnh nhân thì rõ là không được rồi, còn bệnh viện, bệnh viện thì có lý do của bệnh viện và nó nghe có vẻ cũng khá hợp lý. Vậy nhà nước nghĩ sao, chúng ta nên chăng có sự hiệp đồng tổ chức của nhà nước nhằm đầu tư nâng cấp trang thiết bị, giường chiếu bệnh nhân, kế đó là lên kế hoạch xây dựng hẳn một chuyên khu dành riêng cho thân nhân thăm nuôi người bệnh? Quả thật, để mãi tình trạng chung thế này đúng là bất cập! Thêm nữa, trên mỗi bức tường của bệnh viện đều có thông báo "Đề phòng kẻ gian", câu hỏi lớn đặt ra là trong số hàng trăm con người ở đây, khó tránh khỏi sự thất thóat tiền của. ai biết phải đề phòng ai (!) Không những thế, trên hết chúng ta phải quan tâm đặc biệt đến trật tự và vệ sinh bệnh viện, nếu bệnh viện là nơi chữa trị bệnh, nhưng cũng đồng thời là ổ vi trùng lây bệnh "tầm cỡ" như thế, thì có khác gì mang hàng trăm sinh mạng bệnh nhân đó phó mặc cho trời đất và ký sinh! Đã vậy, thật tôi thấy cái gọi là "đạt tiêu chuẩn một bệnh viện tầm cỡ quốc gia" quá phù phiếm và xa hoa khi đối diện với hai chữ "Y đức".
Nếu nói đến điều làm tôi thấy bức xúc hơn, phải đề cập đến sự vật và sự kiện phía trong - nơi tiếp nhận bệnh nhân tọa lạc ngay chính diện khu tiền sảnh. Khu này được bố cục làm 4 cửa đánh số thứ tự từ 1 đến 4, bên trong có 4 nhân viên và 1 bộ micro - loa dùng để gọi tên bệnh nhân đến lượt đăng ký khám chữa bệnh. Để được gọi tên vào đăng ký, mỗi bệnh nhân cần phải nộp hồ sơ bệnh trạng lên bàn để nhân viên gọi tên (cái này do tôi đặt ra, chứ tôi cũng chẳng biết bối cảnh ra đời cũng như chức năng của chức vụ đó). Bệnh nhân quá đông mà ai cũng lại muốn xếp trước nên gây nên tình trạng hỗn loạn trước quầy đăng ký. Thế là cảnh chen chúc nhau như thời bao cấp lại diễn ra, quan trọng là cũng chẳng thấy ban quản lý bệnh viện đứng ra dàn xếp, thôi thì cứ mặc ai muốn làm gì thì làm. Tôi cũng trong dòng người chen chúc đó, xếp được sổ khám chữa bệnh cho cô em xong, thoát ra được thì người ngợm chẳng khác nào anh phu xe mồ hôi nhễ nhại, vừa chạy cả quãng đường cả trăm kilomet vừa thở dốc! Buồn cười ở chỗ trong cái tiền sảnh chưa đầy 60 mét vuông này đây đã có đến 10 cái quạt trần và thêm 8 cái quạt thông gió. Đấy, ừ thì cứ chật vật xếp hàng đặt sổ xong cũng chưa được yên thân, chẳng có chỗ nào để mà ngả lưng, ngay cả chỗ đứng cũng khó kiếm được nơi tạm cho là dễ thở (!) Đành vậy, lại phải chọn đại một chỗ và chờ đợi.
Mãi hơn 1 giờ sau mới đến lượt gọi tên, cô em tôi nhanh nhảu luồn qua dòng người để tiến vào làm thủ tục nộp lệ phí khám chữa bệnh, đến đây mọi việc tưởng chừng như đã ổn thỏa, nhưng thật là khó mà nghĩ ra cái nhiêu khê ở bệnh viện, vào được phòng điện tâm đồ khoảng mươi phút, sang phòng siêu âm khoảng 20 phút, cuối cùng lại đến phòng xét nghiệm máu và nội tiết, phòng nào cũng làm thủ tục đặt phiếu, chờ đến lượt, vào khám và ra. Biết là không thể không thủ tục, không xếp hàng, nhưng thật không cần phải nhiêu khê đến thế. Một chút nhiệt tâm thôi cũng đã khác rồi. Nước người không ngừng cải tiến điều kiện an sinh, ngẫm lại nước ta mà buồn, điều kiện an sinh sao mà kém thế! Có khác gì cơ quan cửa quyền, mãi vẫn chưa đạt được cái gọi là "một cửa một dấu"? Lại nói tiếp, kết quả siêu âm và điện tâm đồ thì tương đối nhanh chóng, còn xét nghiệm máu và nội tiết tố thì phải đợi đến chiều, cô em tôi phải về thi học kỳ nên chiều đó không thể ở lại để lấy kết quả được, lại đến lượt tôi.
Hai giờ chiều, thật nhanh, thật đúng giờ tôi đã xuất hiện ở đúng vị trí mà sáng tôi đã đứng, đợi là cảnh thường xuyên xảy ra nên tôi không lấy làm uất ức gì (quen quá rồi cơ mà!). Nhưng cái làm tôi bực mình chính là phải đợi bác sĩ. Trong khi tôi là người đến sớm nhất, bác sĩ phải đến muộn do bận chơi trò "kết dây thun thời gian"! Cứ thử mường tượng, hai giờ ba mươi phút, bác sĩ xuất hiện, trên tay cầm kết quả xét nghiệm buổi sáng, vẫn phải tiến hành theo đúng thủ tục, xếp giấy và đợi. Lấy kết quả xong, tập hợp đầy đủ kết quả của cả ba phòng, tôi lại phải đến gặp bác sĩ trực tiếp khám để lấy đơn thuốc, lại đợi - có lẽ đợi là một vòng tròn được thiết kế khá quy mô và nghiêm ngặt gần như Vòng luân hồi của giáo lý nhà Phật thì phải (!). Sau khi kê đơn thuốc, nào PTU ngày 8 viên chia làm 2 lần uống sau khi ăn, nào là đủ loại thuốc mà tôi không thể đọc được tên... Cuối cùng, vị bác sĩ đáng kính nhắc khéo tôi một câu "Anh nên ra ngoài cổng bệnh viện mà mua thuốc, ở đó vừa rẻ hơn, lại vừa đạt chất lượng tốt nhất, số..".
Hoàn thành công tác, tôi vù chạy về nhà như bị ma đuổi, tránh xa cái nơi mà tôi vừa đến, có lẽ không có từ nào diễn tả được sự hỗn độn và tạp nhạp nơi ấy...Tạm biệt (chắc chắn rằng tôi hy vọng mình có thể nói Vĩnh biệt)

Xem Tiếp: ----