Vừa đi công tác xa về tôi vội phóng xe đến thắp nén hương trên bàn thờ vọng cho bác ruột của anh bạn thân. Bố anh ta vái trả tôi 2 vái với nét mặt xa lắc và vô cảm.
Tạng của ông là người có năng lực nhân tính sôi động. Còn đây một ông già khác, thần sắc biến dạng vì một nỗi u uẩn nào đó. Khi đã ngồi đối diện bên chiếc bàn gỗ lim lên nước đen bóng, tôi dò dẫm – “Hình như… bác có điều gì khang khác ngoài nỗi đau mất một người anh?”.
Ông rít một hơi thuốc lào, ngửa cổ nhả làn khói đặc quánh phủ trùm tròa lên mái tóc muối tiêu.
Rồi cất tiếng khê nồng: Tôi đang nẫu cả ruột ra đây… Luật đời sinh tử là thường, vả lại, anh tôi cũng ở cái tuổi “cổ lai hi” rồi. Chỉ hiềm nỗi lúc này vong linh bác ấy không thỏa…
Ông ngước nhìn tấm ảnh viền đen. ở đó, cũng có một ông già giống ông như hai giọt nước. Chỉ có khác mái tóc bạc như cước và trông quyết đoán hơn qua ánh nhìn nghiêm nghị và làn môi mím chặt.
Tôi lặng im, uống từng ngụm chè xanh màu vàng chanh sóng sánh. Thứ chè thứ thiệt của xứ Gay uống vào là ngọt lừ tận cổ. Tôi vốn không lạ gì tính tình của bố bạn. Cứ tự ông bộc bạch thích thì tâm sự, không thích thì có cạy miệng cũng không chịu hé răng. Với “xêri” kiểu này phải biết học thuộc lòng bài “Trường kỳ chờ đợi”. Và quả sự kiên trì của tôi được đền bù. Ông già bỗng lên tiếng:
“Nhận được điện, tôi về ngay chiều hôm đó thì khuya cụ mất. Tỉnh táo, minh mẫn lắm, dù đã ngót tám mươi. Cụ không cho tôi rời nửa bước. Nào là viết những điều dặn dò con cái, vì đến vài ba đứa con ở tít Sài Gòn, Lạng Sơn về chưa kịp. Rồi viết hiệu bút để khi đưa tang để trước quan tài. Từ lễ nhập quan, thành phục, lễ tổ tiên, tam ngụ, 49 ngày, bách nhật, đến giỗ hết khó làm ra sao; nhất nhất cụ bắt tôi ghi chép tỉ mỉ. Thật hiếm ai phút lâm chung minh mẫn như vậy. Cả nhà dựng tóc gáy cả lên, còn mấy bà thì mếu máo khi cụ bắt tôi đọc bài văn tế cụ viết cho chính mình cách đây một năm.
Tôi phải chiều cụ, vừa đọc theo giọng văn ai vừa giàn giụa nước mắt… Còn cụ cười khè khè chế tôi:
- Chú mày khóc nhè như hồi con nít ở trong nhà với cha mẹ ta vậy.
Bỗng cụ thì thầm: “Chú bảo cả nhà ra ngoài đi. Mình chú ở lại với anh thôi. Anh có câu chuyện muốn nói riêng với chú”. Khi chỉ còn lại 2 anh em, cụ cầm tay tôi khẩn thiết:
- Anh nhờ chú một việc hệ trọng. Chú có nhận lời anh mới yên lòng nhắm mắt. Tôi nghẹn ngào: Anh cứ nói đi, việc gì em cũng xin vâng!
Mắt cụ sáng lên – một thứ ánh sáng của nắng quái chiều hôm dữ dội và vàng vọt. Cụ nói rành rẽ: “Chú viết vào lòng tay phải của anh mấy chữ nho này… Vừa nói cụ vừa rút trong túi áo ngực 1 tờ giấy gấp tư cỡ nhỏ chìa cho tôi. Vốn dốt chữ Hán, đọc xong, tôi không hiểu gì cả: - Thưa anh! Nghĩa 5 chữ này là sao ạ? Cụ phân giải: Nghĩa của nó là: Cự tuyệt không ăn bát cháo mê hồn ở âm cung.
Tôi tò mò: - Sao lại phải cự tuyệt hả anh?
Cụ kiên nhẫn: Trần thế có luật pháp, âm phủ có luật lệ. Xuống đó, các hồn được ăn bát cháo mê hồn; không ăn thì đói, còn ăn vào thì lú lẫn không tìm được đường về dương gian nữa. Anh không muốn chết vĩnh hằng, anh còn mê chốn dương gian này lắm. Chú viết đi, kẻo không còn thời gian… cụ rối rít.
Tôi lưỡng lự… phân vân quá! Tôi thương anh tôi quá chừng! Tôi có đọc lõm bõm một số tài liệu nói về thế chất linh hồn, về cõi âm, cõi dương… Không hẳn cõi ấy đã có hãy không, chỉ biết tâm linh tôi mách bảo một điều: Không thể để anh tôi lang thang đói khát ở nơi ấy vì cự tuyệt bát cháo mê hồn. Thôi thì hãy để anh tôi mãi mãi yên nghỉ ở chốn suối vàng, tìm về dương gian mà làm gì cho khổ…
Cái kiếp người của anh đã lầm lụi một đời. Hết theo sau mông con trâu cày, bừa đồng sâu, đồng cạn giữa cái xứ gió Lào cát bỏng. Trưa, tối về ăn bát cơm với mấy quả cà muối mặn và bát canh rau tập tàng loãng đoãng… lại đến cầm súng trèo đèo lội suối đi hết Tây Bắc đến Trường Sơn. Có được mấy chữ Hán võ vẽ là do học mót của ông nội tôi. Còn đọc được tờ báo chữ quốc ngữ là nhờ đập đuốc chuyên cần tham gia lớp bình dân học vụ ban đêm. Một đời chưa được ăn 1 bữa cơm không độn. Từ mua bát tiết một, hạt gạo cõng ba bốn miếng sắn, miếng khoai hay củ dong hoặc ngô xay nhỏ. Còn nói chi đến bia lon, gà tần, bồ câu quay như người ta bây giờ…
Tôi ngẩng lên gặp ánh mắt cầu khẩn, van lơn của cụ. Mủi lòng quá! Nhưng mà tôi lại nghĩ đến cái kiếp người sao mà lao đao lận đận! Xa xôi gì đâu, cái kiếp của tôi đây sung sướng gì cho cam! Có một chút danh vị đấy, có nhà lầu và đi xe DreamII đấy nhưng có nhàn tâm một chút nào đâu. Đường con cái lại nhọc nhằn. Trừ thằng Lương là tử tế còn mấy thằng sau chỉ toàn ăn với phá. Cứ lo ngay ngáy một ngày nào đó công an đem còng số 8 quàng vào cổ tay chúng. Mà tôi thấy mình là một ông bố bất lực. Việc cơ quan ngập đầu, ngập cổ. Quanh năm suốt tháng mấy khi được ăn một bữa cơm nhà. Lần nào ló mặt về, bà nhà tôi cũng chì chiết: - Thà ông làm “phó thường dân” như ngày trước còn hơn. Bây giờ ông “làm to” rồi, gánh nặng bầy con ông trút lên vai tôi. Ông xin nghỉ mà dạy dỗ, chứ đến ngày phải đi đưa cơm tù cho chúng, tôi không có sức mà đi đâu…”. Nghĩ đến đó, tôi ngán ngẩm quá. Tôi nhìn anh tôi và lắc đầu. Tưởng rằng sẽ đón nhận một ánh nhìn giận dữ, nào ngờ cụ cười, nụ cười cuối cùng ở cõi trần mà bao dung độ lượng làm sao. Rồi anh tôi nói tỉnh queo: Thôi chú từ chối không giúp anh thì anh… đi… đây! Cụ nghẹo cổ… Tôi cuống quýt hô hoán mọi người, nhưng không kịp!”.
Nghe đến đó, suốt lượt hai cánh tay nổi da gà, tôi nhìn bố bạn thăm dò: - Việc gì cụ bắt bác viết vào lòng bàn tay. Xuống đến âm phủ, cụ cứ thẳng thừng từ chối chứ ạ! Ông lại vê một điếu thuốc lào cho vào nõ và thủng thẳng – ấy là cụ phòng trường hợp mình líu lưỡi nói không được thì giở tay ra cho lính canh cửa của Diêm Vương đọc chứ sao!
Tôi chợt nẩy ra một ý dí dỏm:
- Thế ngộ nhỡ mấy chàng canh cổng kia cũng mù chữ thì bác bảo sao nào? Ông cười buồn: Chú ngây thơ lắm! Những thằng dốt đời nào nó chịu chết cho. Dưới ấy toàn những cụ thông thái cả. Vả lại đã dốt nát có xuống đó cũng không ai giao cho làm cái công việc trọng đại ấy.
… Giờ có lẽ đến hai ba giờ sáng. Vợ tôi ngủ rất sâu, khuôn ngực phập phồng qua làn áo mỏng. Tôi trằn trọc vì câu chuyện của bố bạn ám ảnh. Đã vài chục năm cầm bút, tôi tưởng mình đã hiểu con người. Nào ngờ với ông bác của bạn tôi thì nhân loại quả là một rừng nhiệt đới hoang vu. Nếu định nghĩa về cuộc đời cụ chỉ cô đúc trong hai từ: vật lộn, vật lộn để kiếm sống. Vật lộn chống quân thù để quyết sinh. Dây thần kinh của cụ chắc phải đúc bằng kim cương mới chống chọi giỏi giang như thế. Cuộc đời cụ, ý nguyện cuối cùng của cụ làm tôi thèn lẹn tự thấy cái “thằng tôi” của mình hèn quá!
Tôi xấu hổ nghĩ có lúc bí bức tinh thần, khủng hoảng đến mức tôi định mượn 20 viên gacđenan để cứu rỗi linh hồn. Gần đây, tôi có đọc tiểu thuyết “Đừng chết trước khi chết” của tác giả E.Eptusencô để thấm thía bao kẻ trên đời đang tồn tại sờ sờ ra đó nhưng về bản chất tinh thần thì đã bị hủy diệt rồi. Còn ông bác của bạn tôi, đã góp phần làm khuynh đảo những quan niệm nhân sinh của tôi. Chết xuống âm phủ rồi cụ lại muốn quay trở về dương gian để sống làm Người. Dù cái nhân gian ấy với cụ, cụ đã một lần lãnh đủ sự lầm lụi và đắng đót tận cùng của một số kiếp.

Xem Tiếp: ----