Kính thưa quí độc giả, tôi là... cái bàn quèn. Tôi có ba chân bằng nhau, một chân cà thọt, cụt hơn mấy người anh em kia khoảng lóng tay. Có tật có tài. Tôi có tài “bà Tám” nhiều chuyện.
Trong quán phở một ngày biết bao người tới, tôi nghe biết bao nhiêu là chuyện. Tôi rất bận bịu, như quý khách thấy, hiện giờ trên mặt tôi đầy những dĩa rau, những chai tương, chén ớt. Và tôi đang liếc nhìn một ông khách. Sáng nào ông ta cũng từ con hẻm nhỏ đi tới cửa quán. Vẻ nôn nóng. Hôm nay nhìn thấy tôi quá bận, vì khách ăn phở hôm nay đông hơn mọi ngày, nên ông ta lui ra, ngồi đâu ở mấy cái bàn ngoài vách. Nhưng một lúc sau ông đi vào nhà, tới ngồi kế bên tôi. Giận dữ, ông lấy tay gạt đi nhiều thứ trên mặt tôi rồi ngồi cúi nhìn xuống đất, im re một lúc khá lâu. Bỗng ông ngước mặt nhìn lên trần nhà la lớn, làm cho tôi giật thót... bàn; còn các vị khách thì giật mình:
- Ăn hết ngon!
Tôi nghĩ là quí khách nghe chuyện khẽ hừ một cái, và có thể khẽ cười. Tôi phải ngưng chuyện của tôi một chút để tường thuật sốt dẻo về ông khách mặt rỗ hoa, màu da tai tái như con gà mái này. Môi ông khẽ nhếch lên, phô vài cái răng trắng nhởn. Ông ta to con, vì vậy mà... hao xăng, tốn nhiên liệu, tánh xấu đói. Người đàn bà nấu phở vội vã nói với chồng:
- Anh hỏi coi ảnh ăn gì.
Ông kia cằn nhằn:
- Hỏi mẹ gì nữa, nấu vàng ăn cũng hết ngon.
Người chồng của bà nấu phở tới đứng cạnh tôi, không nhìn ông khách cũng không hỏi ông ăn gì. Ông kia hằn học nói lớn:
- Tô khô như cũ, nước lèo, đầu gà để riêng.
Người chồng của bà nấu phở quay đi. Khi trở lại, trên tay ông là một tô phở nóng, khô queo không có nước lèo, cố ý dằn mạnh trên mặt tôi, trước mặt ông kia. Ông khách cay cú nhìn tô phở, vừa cằn nhằn, vừa nghiến răng, vừa bẻ, vừa lặt đủ thứ rau, rồi lườm lườm múc tương ớt, tương đen; bực bội bỏ giá sống (giá sống phải trụng để riêng trong cái chén cho ổng) trộn vào phở. Ông cự nự... nặn chanh. Ông lầm bầm... bỏ ớt vào tô phở “xe lửa” bự chảng. Ông hầm hừ thò đũa cuộn tròn một mớ phở, như người Tây ăn mì Ý, cho cuộn phở vô miệng, nút một phát, sợi phở chạy rột tuốt vào miệng. Sau đó hai tay ông trân trọng cầm cái tô nước lèo, tái nạm, sụn gân, tủy đuôi, nước béo, thêm mấy cái đầu gà luộc, mỏ gà vêu lên, mắt gà nhắm híp. Nâng tô nước lèo lên môi, ông uống một ngụm, khuôn mặt biến chuyển lạ kỳ. Từ lo lắng bây giờ mới giãn ra, vẻ khoái trá.
Thường thì người ta chỉ ăn mì khô hay hủ tíu Nam Vang khô kiểu nầy. Phở, tái nước hột gà ăn thêm thì có. Phở, áp chảo sốt vang cũng có. Còn phở... khô thì tôi mới thấy mỗi một mình cha này ăn một cách kỳ cục.
- Hành trần. Củ cải.
Mồ hôi nhỏ giọt trên trán, cái miệng láng mỡ. Trong lúc chờ ông ta cau có nhìn quanh, nói lớn:
- Nhìn cái gì. Tui bị lên máu biết không. Đói là hạ đường huyết, tay run vầy nè biết không. Sáng mà không ăn kịp là có khi chầu trời. Tôi vô trước kêu trước (phải, tôi thấy ông ta ngồi bên cái bàn ngoài vách) mà cả tiếng đồng hồ ngồi chờ. Chờ ngóng cổ dài râu mà... đ.m. nó, nó cứ bưng tô phở đi ngang mình rồi đưa cho người khác. Tức không. Ăn hết ngon.
Ông này dữ tánh lại háu ăn hơn người. Phục vụ trong quán phở chỉ có hai ngoe. Người đàn bà có cái mông lớn, đứng nấu phở coi cũng dữ tướng, đôi môi nhỏ màu son nâu tím Hàn Quốc lúc nào cũng mím chặt. Bà rầy ông chồng cũng to con, da màu nâu sẫm trời cho, chân mày xếch ngược lên cái trán thấp, mắt lộ trắng dã, ria mép trên cái môi dày chọc vào miệng, râu quai nón kín hàm lởm chởm ngả màu đỏ, khuôn mặt gây sự, chân đi chấm phẩy.
Bà vợ nói:
- Biết vậy thì anh bưng trước cho ổng đi, khổ quá!
Ông chồng nghiến răng:
- Tao thấy nó vô tao chết liền.
Câu nói “chết liền” mới nảy sinh trong dân gian mấy lúc gần đây; trong trường hợp nào tôi không biết nhưng ở hoàn cảnh nầy nghe suông tai.
Ông Trương Phi râu đỏ đứng cạnh vợ, phụ bỏ hành, múc nước lèo trong cái thùng bốc khói đổ vào tô. Mà coi ngộ ghê chưa, ông ta cũng vừa nghiến răng, vừa múc. Vừa chửi thề, vừa nhón tay nhúng cọng hành trần vô nước nóng. Vừa cự nự vừa vớt cọng hành lên. Vừa lầm bầm chửi vừa như muốn liệng mẹ cái muỗng lớn ra ngoài đường. Giận. Tôi lại nghĩ rằng quí độc giả hừ lên một tiếng nữa. Và cũng có thể cười nụ.
Bàn tay to lớn, mấy ngón tay như trái chuối sứ của ông Trương Phi run run, cái miệng dữ dằn rít nhỏ:
- Mày... mày mà gặp tao mấy năm trước là rửa cẳng lên bàn thờ ngồi nghe con.
Ông ta thở mạnh, cho thấy răng đang cắn chặt, nổi lên từng thớ thịt trên cái quai hàm bạnh ra. Ông cà nhắc đi tới, tay cầm cái chén hành trần với vài củ cải trắng dằn mạnh trên mặt tôi, trước mặt ông kia. Rồi lại rít nhỏ hơn qua kẽ răng:
- Mày biết bản tánh khốn nạn của tao mà. Tao giận là tao run, tao run là lên máu, tao lên máu là chém, nghe chưa.
Ông chồng thở hổn hển, cà nhắc trở lại đứng bên vợ, tay cầm con dao phở chặt vào cái thớt mòn. Bà vợ giật con dao lại, mím môi thở ra kẽ răng mấy tiếng:
- Buôn bán mà làm cái gì như ăn cướp vậy, mất khách chết đói cả đám.
Vậy là mình có hai ông bạn hiếm thấy. Một ông đói thì giận. Một ông bưng tô “nhạy cảm” thì cũng giận. Hai ông đều có bệnh giống nhau. Run tay lên máu quạu quọ. Lạ kỳ trong cái chuyện đời nhiêu khê này. Thường thường những ông sống nhờ vợ lại có tướng mạo oai phong, tánh tình quạu quọ. Trong lúc ông này bực bội, nực nội, nóng hơ bỏ ra cửa quán, tay cầm ly trà đá, tay cầm một vạt áo phe phẩy cho nguội thì ông kia cũng tự ái giận hờn, ngồi nghiến răng.
Điều lạ với người mới biết chuyện là như vầy. Ăn phở khô thì ông ta sảng khoái thấy rõ nhưng ngần ngại. Nhìn cái đầu gà luộc to tướng mà chính ông gọi, ông lo lắng moi cái óc gà nhỏ xíu bỏ vào miệng, nhắm mắt khổ sở nuốt mắt gà đục ngầu. Xong một cái lại ngần ngại cố ngậm trong miệng cái đầu con gà khác. Bóc cái mào cứng của nó, bỏ vào miệng trệu trạo nhai và nuốt trọn. Nhìn ông dùng đầu gà một cách thành kính như một lễ cúng ai cũng lạ mắt và hơi tức cười. Chân ông ta ở dưới bàn co giật, đụng mạnh vào cái chân cà thọt của tôi đang kê trên một nút khoén. Chân tôi sụp thì mặt tôi chông chênh nghiêng. Tô nước lèo sóng sánh đổ tràn ra. Ông ta vẫn cố ngậm cái đầu gà ở khoảng cái cổ dài của nó. Thành ra khi ông cúi xuống bàn nhìn cái chân thiếu thước tấc của tôi, tôi thấy bốn con mắt giống nhau; hai con mắt của ông và hai con mắt của cái đầu gà. Hình như nó chớp chớp mi mắt.
Hình như cái đầu gà còn sống và nó muốn gáy. Một chân của ông ta, ngón cái và ngón kế bên khéo léo gắp cái quai dép cũng của ổng, đẩy nhẹ chiếc dép kê vào cái chỗ hở giữa đất và chân tôi. Ông ta rùng mình trợn trắng cho tới khi cất cái đầu lên. Miệng ông đang nút cái mỏ gà, cái mỏ gà hình như cũng đang nghiến răng, nhắm mắt chịu trận. Nếu như con gà có răng... Thủ cấp con gà nòi đã chết, luộc tái. Cái mặt gà đỏ rần hung dữ gây hấn lúc còn sống bây giờ trắng nhợt nín thinh. Qua một nụ hôn môi sặc mùi hành.

*

Trở lại chuyện tôi. Tôi là cái bàn xấu xí đứng khập khễnh cuối vách tường bám đầy khói bếp và bồ hóng. Chỉ có một cái ghế khá cao, cũng sứt tai gãy gọng, suốt ngày đứng cạnh tôi. Luôn luôn đứng cạnh tôi. Vì nó cao mà mấy bàn phở kia thì thấp, không ai chuộng nó. Chuộng nó, tức là ngồi lên nó, người ăn phở phải còng lưng cúi cái mỏ xuống cho gần miệng tô, quá khó khăn khi ăn sợi phở dài. Có những điều bất tiện như vậy trong đời sống hằng ngày nhưng vẫn không thay đổi, kéo dài triền miên. Duy chỉ có Ba Gà Mổ, người khách tôi vừa kể ăn phở khô, là hay ngồi cái ghế cao và ngồi cạnh tôi cũng rất thấp, dù ông ta cũng phải còng lưng cúi sát xuống miệng tô. Tôi nghiệm ra ông ta ăn phở như cái đám giỗ nhỏ, chén dĩa đầy bàn. Nên nếu không có gì trở ngại, nghĩa là nếu tôi không quá bận bịu thì ông mặt tái luôn chọn cái góc này. Để được ngồi làm cái lễ kỳ lạ với những cái đầu gà chăng? Việc gì cũng phải có nguyên nhân của nó.
Tôi làm trong cái quán phở bèo của vợ chồng cha nội Hai Thọt khá lâu. Ông chủ của tôi cũng chân cao chân thấp. Như hồi nãy tôi có nói, người ta hay gọi loại chân kiểu nầy là chân chấm phẩy. Hai đứa tôi, tức ông Hai Thọt và cái bàn, không hề bẩm sinh mà bị què. Một hôm có vụ ẩu đả trong quán phở giữa buổi chiêu đãi của các tay đá gà độ, trong đó có Ba Gà Mổ, ông Hai trượt chân xuống bậc thềm đầy mỡ. Tức cười là mấy ngày sau, khuỷu chân nơi mắt cá của ông Hai sưng lên. Đi bó con gà ác với rượu thuốc cả tháng vẫn cứ sưng, nhức nhối chịu không thấu. Bà Hai chở ông đi Tây y chấn thương chỉnh hình, bác sĩ nói:
- Ông bị nứt xương chảy tủy ra rồi. Bệnh nầy phải mổ thôi. Mà nói trước, mổ cũng chưa chắc hết chảy tủy.
Một năm sau, chân Hai Thọt vẫn chảy tủy, sưng vù, hoại thư, phải cưa bỏ bàn chân. Người ta cười khẩy. Ông Hai “nhạy cảm” một hôm nổi hứng đá chiếc trực thăng đang bay trên cao. Sự tích châm biếm lạ lùng đó cộng thêm nét dữ tướng, thêm cái chân thọt kiểu hải tặc coi ông càng ngầu hầm. Cái cảnh một hảo hán kiểu Lương Sơn Bạc vừa cự nự vừa bưng từng tô phở chiều khách, coi buồn cười. Tôi là bạn đồng... tật với Hai Thọt nhưng tôi vẫn cứ nghĩ đây là một đòn trừng phạt khéo léo của ông Trời. Trời cao có mắt, trừng phạt khổ sai nhọc nhằn về mặt tâm lý một kẻ chuyên xài chiêu bạo lực. Giờ thì bắt buộc phải nhũn như con chi chi. Khách ăn phở tủm tỉm kín đáo cười nhìn Hai Thọt nghiến răng bưng tô nước lèo, hành trần cho Ba Gà Mổ. Sau đó lần nào Hai Thọt cũng uống trà đá.
Sự tích cái chân Hai Thọt thì vậy. Còn chân tôi thì đơn giản, như là chuyện giỡn. Tất cả đều do ông thợ mộc quên. Ông quên tề bớt ba chân kia cho bằng với chân tôi nên tôi mới què. Sự đời nhiều khi đơn giản như vậy mới chết chứ. Nói ngay vô chuyện là Hai Thọt. Con quỉ một giò này cũng là dân giang hồ có số. Lúc sau này dân anh chị bị chiến dịch truy quét hốt vô khám hơi bị nhiều, Hai Thọt cũng chung số phận. Trong khám ông ta cố gắng sống tử tế. Gỡ mấy cuốn lịch rồi khi về nhà với cái giấy tạm tha giắt trong lưng. Vậy mà sự “nhạy cảm” cũng như cũ.
Song nói thật lòng, nhờ cái giấy tạm tha, kiểu như vòng kim cô của Tam Tạng gây nhức nhối trên trán ông khỉ đột Tề Thiên, cho nên mỗi lần nổi cơn “nhạy cảm” Hai Thọt cũng chỉ dám nghiến răng, hít thở... uống trà đá. Không biết ai chỉ Hai Thọt cái chiêu này: khi nào thấy trong lòng trào dâng bức bối nóng giận, nên tự làm một ly trà đá, chịu khó uống từng ngụm nhỏ. Uống trân trọng theo kiểu trà đạo, nhưng uống ly cối và có nhiều nước đá. Rồi ra ngoài gió, phe phẩy hai vạt áo thì trong người nguội bớt nhiệt độ, bớt... “nhạy cảm”.

*

Ba Gà Mổ là dân chơi cầu ba cẳng. Cố tật cãi cha cãi mẹ, bản chất đâm bị thóc, thọc bị gạo, ngồi đầu cầu thổi ống tiêu, đâm cha thuốc chú hãm chị dâu. Huýt gió kích động,đá cá lăn dưa đã quen. Cái môi cố tật cứ nhúc nhích rồi nhếch lên khinh bạc làm cho người ta cứ tưởng ông ta cười mỉa. Nhưng bây giờ trông ông ta không khác con gà chọi trúng thương, buồn hiu, khắc khoải. Ba Gà có nghề nuôi gà nòi, nên sân nhà của Ba tự nhiên thành trường gà mini.
Ngày chủ nhật, ông công an khu vực chạy xe ngang sân nhà Ba Gà, nhìn sơ một chút rồi thôi. Lập tức từ giờ cao điểm đó cho tới chiều tối, tiếng chửi thề vang lên cùng với tiếng gà xổ cánh, chân gà quấn cựa sắt quần thảo không dứt. Tất nhiên những con gà xấu số ngã quị trên nền đất đẫm máu trong trường gà này hằng ngày phải mười mấy trự. Ba Gà Mổ vừa bán băng keo dùng quấn cựa gà, vừa lấy xâu tiền vô nước gà. Ông thầu luôn phần thịt gà nòi mà thường các chủ gà đá thua chửi thề bỏ đi.
Hai Thọt và Ba Gà Mổ có quen nhau trong khám Chí Hòa. Và không ưa nhau cho lắm. Binh giáp rã rời sau mấy trận bị truy lùng tận số, giờ thì anh chị cách mấy cũng xụi râu về với đời thường. Ba Gà Mổ hợp đồng với Hai Thọt, cung cấp gà nòi chết cho Hai Thọt nấu cà ri bán buổi chiều. Cũng bán ngay quán phở buổi sáng của vợ y. Đổi lại, trong hợp đồng miệng này Ba Gà có nói hai ba lần, đầu gà nòi bỏ vô thùng nước phở dành riêng cho Ba dùng “làm thuốc” mỗi buổi sáng. Ai mà chịu bỏ đầu gà vô thùng nước phở của mình nhưng Hai Thọt năn nỉ vợ thông qua cũng vì món lợi xác gà nòi mà Ba cung cấp. Nói nào ngay, gà nòi da dai thịt cứng mà hầm nấu cà ri là trên cả tuyệt vời. Nhiều vị khách sành điệu cà ri gà tới ăn. Mặc dù không khí căng thẳng nhưng vợ chồng Hai Thọt sống được quán phở sáng và cà ri chiều.
Chuyện cung cấp thịt gà đó cũng có sự tích. Một hôm Ba Gà Mổ đi coi... tướng. Ông thầy coi tướng mặt mày lạnh lẽo nhìn là ớn lạnh. Ông thầy cư ngụ trong cái miễu hoang giữa vườn chuối vùng ngoại ô. Vừa nhác thấy Ba Gà dựng chiếc xe Honda cánh én trước thềm, ông liền nói vói ra cửa; tiếng cha thầy tướng này sao cũng the thé như gà mái:
- Ông Ba nuôi gà nòi đá, mỗi ngày phạm giới sát sanh, làm chết không biết bao nhiêu mạng gà. Năm nay là năm con gà; cơ hội cho nhiều gà lãnh hộ chiếu xuất cảnh đầu thai. Nhưng nguyên tắc mới: gà không có đầu thì diêm vương không in dấu triện. Do vậy mà chính ông phải chịu hình phạt, mỗi buổi sáng phải gặm, ăn óc, nút mỏ ít nhất là ba bốn cái đầu gà. Được vậy thì may ra ông mới hết oan gia nghiệp báo. Còn nếu như cự cãi thì trước sau cũng bịnh nặng. Ngáp gió, kêu cục tác như con gà mái đẻ. Và câu lưu trở lại Chí Hòa uống trà đá, ăn bánh ình.
Chuyện như là giỡn chơi. Không hiểu sao ông thầy coi tướng mặt tủ lạnh lại biết tỏng Ba Gà chứa gà đá. Chỉ có tôi biết, là do một hôm có tay nuôi gà địch thủ của Ba Gà vô tình ngồi ăn phở đúng ngay cái bàn tôi. Anh ta nói ông thầy coi tướng Ba Gà chẳng ai xa lạ, cũng là Độc Thủ Cầu Bại móc túi, đổi giỏ trên chốn giang hồ. Ông này có gặp Ba Gà Mổ và cả Hai Thọt trong khám. Hai Thọt biết nhưng thâm không hề tiết lộ. Ba Gà Mổ không hề biết. Tội nghiệp cho kẻ gian tà, trời hại đúng thằng gian. Gặp ngay cố nhân nói rất đanh thép ngay chuyện mà ông Ba lo nhất cho hậu sự của ông.
Cho nên mỗi sáng ông ta nôn nóng tới quán phở, cố gặm cho hết ba bốn cái đầu gà nòi. Ông trời có mắt biến tấu trừng phạt. Phạt Ba Gà Mổ về cái tội đá gà độ, cờ bạc, gian manh nhiều thứ. Ba Gà Mổ coi tướng dữ dằn vậy mà nhát, thường thì cái tướng cái tánh hung dữ bất lương hay đần độn ngu si. Ông ta còn dị đoan, tin chắc chuyện gặm đầu gà sẽ cứu ông ta khỏi trở vô nhà đá.
Cho nên nói đi rồi cũng nói lại. Mỗi sáng ông Ba phải làm cái lễ. Vừa hậm hực, vừa cằn nhằn, cau có chửi rủa Hai Thọt, vừa nhẫn nại lo lắng gặm đầu gà nòi chết. Vậy đó. Và cũng đúng với câu mà con gà trống nào cũng vỗ cánh gáy mỗi buổi sáng:
- Đời... chỉ... có... thế... mà... thôi...