1. Hai người bước vào thang máy. Thang máy là một loại máy móc đưa người ta lên hoặc xuống những tầm cao theo chiều thẳng đứng. Khi ở trong thang máy, mọi người gần nhau hơn là bình thường.
Anh nhìn nàng. Nàng đẹp không bàn phím nào tả xiết. Anh nhìn sâu vào mắt nàng. Mắt nàng đẹp không bàn phím nào tả xiết.
Anh nói: Em có biết không, anh sẵn sàng cho đi tất cả những gì anh có để được ở bên cạnh em.
Nàng nở nụ cười mê hồn. Không phải ai cũng có nụ cười mê hồn như thế.
Nàng nói: Tất cả những gì anh có là những gì?
Chẳng lẽ lại liệt kê ra những gì anh có: nhà, xe, bằng cấp, nghề nghiệp, sách, đàn… Hoá ra nàng không chỉ đẹp mà còn thông minh, và có thể chuyên nghiệp nữa. Thời buổi này nói ai đó chuyên nghiệp là một lời tán tụng.
Anh nói: Anh có nhiều thứ, nhưng anh nghĩ thứ quan trọng nhất anh có là trái tim yêu em và tôn thờ em.
Nàng nở nụ cười mê hồn. Không phải ai cũng có nụ cười mê hồn như thế.
2. Thực ra khi hai người bước vào thang máy họ không hề quen nhau. Anh có vẻ ngoài khiêm tốn của dân Đông Á, nàng đẹp rực rỡ và quyến rũ như nàng tiên cá. Khi bước ra khỏi thang máy từ tầng 12 xuống, họ không đi chung đường.
Thang máy từ tầng 12 xuống, với anh như thang máy xuống địa ngục. Địa ngục của sự cô đơn. Có ai đó bảo: "Điều bất hạnh lớn nhất của con người là anh ta không thể sống một mình". Có ai đó bảo: "Cô đơn ơi, tên mi có nghĩa là nghị lực"; với anh bây giờ thì: "Cô đơn ơi, tên mi có nghĩa là địa ngục".
Hôm nay là Giáng sinh. Thành phố thắp lên ngàn vạn ngọn đèn và ngàn vạn cây nến. Thành phố rung lên ngàn vạn tiếng chuông. Nhưng ngàn vạn cây nến không đủ sưởi ấm lòng một người. Nhưng ngàn vạn tiếng chuông không hề làm vui cho một người.
Vì sao anh cô đơn? Anh bỗng nhớ đến một bài hát từ ngày xưa, bài hát "Vì sao anh ra đi": "Khi muôn tia nắng ban mai tràn khắp phố phường, thành phố buồn tênh, anh đã ra đi như chim bay xa bỏ em đi mãi…". Vì sao anh cô đơn?
Tất cả những gì anh có là những gì? Nếu ở Việt Nam, anh có thể mạnh dạn làm quen với cô gái tóc nâu môi trầm đẹp mê hồn đi cùng thang máy từ tầng 12 xuống. Nhưng ở đất nước của những ông vua dầu mỏ, vua kim cương này, tất cả những gì anh có thể liệt kê ra nghe buồn cười, như thể thành trì của những chú kiến cần mẫn trước con mắt của người khổng lồ.
Có ai đó bảo: "Tại sao cứ thích gặm nhấm nỗi cô đơn của mình, tại sao cứ tự chôn sống mình?". Ừ nhỉ, có gì đâu, dẫu sao ta cũng có một người bạn, người ấy tên là cô Đơn. Đơn hóa ra là một cô gái, thích cà phê đen và im lặng.
3. Thực ra câu chuyện này do K. nghĩ ra một buổi sáng, lúc còn chưa ra khỏi giường.
Bắt đầu một ngày bằng câu chuyện về một cô gái đẹp mê hồn, đẹp như nàng tiên cá, đẹp không bàn phím nào tả xiết… cũng không phải là tồi. Đó có thể là một cái cớ, một động lực khiến K. tung chăn, làm vài động tác thể dục.
Buổi sáng hôm qua, lúc còn chưa ra khỏi giường, K. nghĩ ra câu chuyện về một cô giáo nghèo mở lớp dạy chữ cho những đứa trẻ tàn tật.
Một buổi sáng tỉnh dậy, K. thấy mình bị biến thành nhà văn. Một trong những biểu hiện của căn bệnh này là mỗi buổi sáng K. lại cần có một lý do nào đó để tỉnh dậy. Có bệnh thì vái tứ phương, gia đình đã đưa K. đi chữa ở các bệnh viện A, B, C, D... gần hết bảng chữ cái; gia đình đã đưa K. đến các ông lang, bà lang và cả bác sĩ Trung Quốc. Xem bói thì thấy thầy ở Thường Tín bảo K. có duyên tiền kiếp với cô Sách cô Vở gì đó, phải làm lễ đốt hình nhân thế mạng để cắt duyên.
Một buổi sáng tỉnh dậy, K. thấy mình bước vào thang máy. Thang máy là một loại máy móc đưa người ta lên hoặc xuống những tầm cao theo chiều thẳng đứng. Khi ở trong thang máy mọi người gần nhau hơn là bình thường.
4. Thực ra nhân vật K. cũng chỉ do ai đó tưởng tượng.
Ngoài đời thực thì ở đâu đó trong thành phố, có hai người bước vào thang máy, cùng đi lên tầng cao. Ngoài đời thực thì ở đâu đó trong thành phố không có sự cô đơn. Ngoài đời thực thì ở đâu đó có Thiên đường?

Xem Tiếp: ----