Một ngày tháng Bảy năm 1952, gã đàn ông mặc áo tang xuất hiện trong ngôi làng nhỏ bên sông Chaco. Hắn cao, gầy, hơi có vẻ da đỏ và khuôn mặt không thần sắc như một thằng khờ hay như mặt nạ. Dân thị trấn đối xử với hắn một cách tôn kính, không phải vì hắn là ai, mà vì vai trò hắn đang đóng hay lúc này đã thành hình. Hắn chọn căn nhà gần sông. Mấy bà hàng xóm giúp hắn gác tấm ván lên hai giá cưa, trên đó hắn đặt cỗ quan tài giấy bồi bên trong có một hình nộm tóc vàng. Thêm nữa, họ thắp bốn ngọn nến trên giá nến cao và đặt hoa khắp chung quanh. Chả bao lâu dân thị trấn bắt đầu tụ tập. Mấy bà già tuyệt vọng, lũ trẻ con sững sờ tròn mắt, bọn thợ công nhật kính cẩn giở nón bấc - họ xếp hàng đi qua quan tài và nói: Xin chia buồn cùng ông Tướng. Gã tang tóc ngồi ủ rũ ở đầu quan tài, bàn tay để chéo trên bụng như một bà có bầu. Hắn sẽ đưa bàn tay phải bắt tay những ai đưa tay ra và trả lời với lòng quả cảm và cam chịu: Số mệnh. Việc trong khả năng con người đã xong. Hộp thiếc quyên tiền thu hai peso vào cửa, và nhiều kẻ đến một lần vẫn chưa thỏa mãn.
Tôi tự hỏi loại người gì đã nghĩ ra và đóng trò đưa đám đó - một thứ cuồng tín? Một kẻ buồn phiền mòn mỏi? Một gã điên? Một tên giả mạo cay độc? Liệu lúc đóng vai đưa đám của kẻ góa vợ quỷ quái, hắn có tin mình là Perón 1? Chuyện khó tin nhưng có thật - và có lẽ xảy ra không chỉ một mà nhiều lần, với diễn viên khác và những dị bản địa phương. Trong trò đó ta có thể thấy biểu tượng tuyệt hảo của một thời hư ảo, và giống hình ảnh giấc mơ hay như đoạn kịch trong vở kịch Hamlet. Gã đàn ông tang tóc không là Perón và hình nộm tóc vàng không là người đàn bà Eva Duarte 2, nhưng Perón không là Perón, Eva cũng chẳng phải Eva - họ là bọn vô danh hay nặc danh (chúng ta sẽ chẳng bao giờ biết tên và mặt thật của họ) đóng trò thần thoại thô bỉ và đê tiện đối với lòng yêu mến nhẹ dạ của tầng lớp lao động.
Phạm Văn dịch
Nguồn: Trích trong Collected Fictions - Jorge Luis Borges, do Andrew Hurley dịch sang Anh ngữ, Viking xuất bản năm 1998 tại New York

Xem Tiếp: ----