Đi làm về tôi thấy mẹ mình đang nói chuyện với khách trong nhà, bà cụ và người đàn ông trạc bốn mươi. Cách ăn mặc biết là người miền Nam ra. Tôi thoáng nghĩ: Ai thế nhỉ? Mẹ mới ra Hà Nội sống với vợ chồng tôi mấy năm, quen biết ai đâu. Có thể người ở quê vào miền Nam sống, nay ra chơi rẽ vào thăm mẹ? Hay khách công việc của mình?Bà cụ trông khuôn mặt phúc hậu. Tuổi cụ đã cao nhưng... tóc xanh dày. Thấy con vào chào khách, mẹ tôi giới thiệu với bà cụ, giọng gần gũi:- Thằng út đấy bà ạ! Nó sinh năm Canh Tuất, gần bốn mươi mới được mụn con gái. Nói đến đây mẹ hướng về tôi: -Anh biết ai không nào? Cô, à... bà Tỉnh Bé đấy!... Cái người năm đói bốn nhăm, cụ Trương Tùng cứu...
À, tôi nhớ ra rồi, người từ xe xác đói, bạn hàng xóm thuở thiếu thời của mẹ. Câu chuyện mẹ kể nhiều lần đến mức, chúng tôi biết tất cả tên hàng xóm quanh nhà bà ngoại tôi. Mẹ tôi sinh ra và lớn lên ở phủ Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Khi mới chiếm và cai trị Bắc kỳ, phủ ấy người Pháp đánh giá là quan trọng và đặt là một trong những đại lý của hai mươi tám tỉnh thuộc xứ Bắc kỳ. Nhà bà ngoại tôi ở phố bờ sông- phố Bè. Bà buôn hàng nan, bán cót, gầu, dậm... Năm 1945 lúc đó mẹ tôi chừng mười bốn, mười lăm tuổi. Hàng ngày mẹ theo bà ngoại hay các bạn chợ của bà đi bán hàng: đi chợ Hà, chợ Gừng - phủ Vĩnh Bảo, chợ Gạch - huyện Tứ Kỳ, chợ Mụa huyện - Quỳnh Côi... Đầu năm bốn lăm nhiều người đói tụ tập về phố phủ Ninh Giang. Bến tàu thuỷ, bến ô tô, bến đò Nhống, đò Tranh, quán Ga và các phố nhan nhản người đói vật vờ xin ăn. Đầu tháng hai đã lác đác người chết đói. Gần nhà bà ngoại tôi có gia đình, vợ chồng ông bà Khang. Nhà ấy nghèo lắm, chuyên đan cót gầu đặt- nhận tiền công trước, giá rẻ, rồi đan trả nợ. Ông bà có hai mụn con gái, Tỉnh Lớn và Tỉnh Bé. Người gái đầu bằng tuổi mẹ tôi. Chớm vào trận đói, nhà họ cháo độn rau, sau cám trộn củ chuối. Người lớn chịu đói hơn lớp trẻ. Ông bà Khang gầy guộc vì đói nhưng còn nhúc nhắc được. Hai con gái đang sức ăn, gặp đói lâu ngày, chân tay sưng phù, da vàng bủng, người cứ rũ ra. Đói mà chỉ biết nhìn nhau, lúc ấy đến cót gầu đặt cũng chẳng có mà đan. Sàn tuổi nhau, mẹ tôi thường qua lại với Tỉnh Lớn, Tỉnh Bé. Biết mình sẽ chết, hai chị em Tỉnh, cứ mẹ tôi sang là tủi thân, rấm rức khóc. Thương bạn, thỉnh thoảng mẹ giấu nhà, khi cho bát gạo, lúc cho tấm bánh. Con gái đến tuổi biết ngượng, Tỉnh Lớn quần áo vá chằng vá đụp, hở cả da thịt, mẹ tôi cho bộ quần áo cũ. Một hôm, sau phiên chợ Gừng về, mẹ hay tin, Tỉnh Lớn chết. Biết chuyện cho quần áo, mấy người bạn chợ nói, người chết mặc đi, mình sẽ điên, sợ quá mẹ tôi phải đến năn nỉ xin lại... Ông bà Khang chỉ đủ sức khiêng con gái ra xe. May có chiếc chiếu mới - chiếu phát chẩn, phu túm mấy vòng lạt. Nhìn phu kéo xác đi, hai người đói không còn nước mắt khóc con.
Người đói kéo về phủ Ninh Giang ngày một đông; người chết ngày một nhiều. Sáng có nhà phố dọn hàng, thấy người dựa hiên, mắt trừng trừng mở, ra xua hoá ra là xác chết ngồi. Sợ xúi quẩy, chập tối, người ăn kẻ ở mang nước đổ ra tu-toà (vỉa hè). Ướt, kẻ đói không nằm được nữa. Sáng sáng xe ba gác lọc cọc các phố gom xác đói. Ít thì một chuyến, nhiều thì ngày bốn năm chuyến. Xác chết chôn chung, xe chở ra tùng bê xuống hố. Đổ ngày nào phủ đất ngày đó cho đỡ thối.
Nhà ông Khang, Tỉnh Lớn chết rồi, hàng xóm ai cũng đồ đến lượt Tỉnh Bé, thế mà ông bà Khang chết, nó vẫn lay lắt sống. Như đón chờ cái chết, Tỉnh Bé không đi xin, từ bé chỉ biết chăm chỉ làm ăn có bao giờ ngửa tay xin ai. Hôm nào trên phố có phát chẩn nó mới cố lết đi. Tuần một hai lần, bát cháo chẩn chỉ kéo lùi thêm ngày chết. Sau hôm Tỉnh Lớn chết, mẹ tôi không dám sang và cho gì nữa. Nghĩ cảnh nhà người mà lo cho mình. Thỉnh thoảng thấy Tỉnh Bé mẹ tôi đành lánh. Rồi nghe nói Tỉnh Bé lần ra bến tàu thuỷ mấy ngày, không thấy con bé về. Mẹ tôi đồ rằng, nó nghĩ bến xuất nhiều thóc tạ, sẽ có thóc gạo rơi vãi. Làm gì có chuyện rơi vãi. Kẻ đói mà bén mảng đến, cai phu đánh chết. Ở bến tàu đám người đói chỉ dám đứng từ xa nhìn thóc tạ chuyển xuống tàu. Và ngày nào xe cũng xuống bến thu xác đói.
Hôm ấy là phiên chợ Gạch. Trong đám đàn bà con gái đi chợ, mẹ tôi ít tuổi nhất. Chớm hè nắng oi ả. Xế trưa đám người về đến gần phủ. Mẹ tôi gánh gánh hàng lút cút theo sau cùng. Đi đầu là bà Trương Tùng, lặc lè gánh nồi đất. Bà dân gốc làng Cậy, làng có tiếng ở Hải Dương, chuyên làm nồi đất, bát, đĩa, tiểu sành... Goá chồng, không con nhiều năm mà bà chưa tái giá. Vốn thương người, hôm nào đi chợ bà cũng dành phần nắm cơm trưa bố thí cho kẻ đói. Đang kẽo kẹt theo nhịp gánh hàng, mẹ tôi loáng thoáng nghe tiếng bà Trương Tùng:
- Lại xe chở xác đói. Giờ mà vẫn còn chuyến..! Thôi các bà ơi, nghỉ một tí! Lên đê cho cái xe đi qua. Xú uế người chết tanh tưởi lắm!
Theo lời bà Trương Tùng, mọi người hạ gánh tản lên đê. Dưới đường chỉ còn mình mẹ tôi, mệt bà ngại trèo. Từ xa phu rạp mình ngắc ngư kéo xe xác. Xe khô dầu kêu rin rít. Xác nhiều xếp chồng đống. Bánh xe lốc cốc lăn trên đường đá. Chợt mẹ tôi nghe tiếng rên rỉ:
- Hờ hờ... Lạy ông... Van ông... Cháu... hờ hờ
Tiếng rên trên xe. "Quỷ nhập tràng"- mẹ tôi sởn gai ốc, chẳng kịp phản ứng gì cả, trân trân đứng. Cái xe nặng nề trườn qua sát mặt. Mẹ chết lặng nhìn theo, thấy cả những con nhặng bay lên đậu xuống các xác chết.
- Hờ hờ...Van ông... Cháu... chưa... hờ hờ
“Đúng là tiếng người. Giữa ban ngày ban mặt, làm gì có ma quỷ". - Mẹ tôi trấn tĩnh lại, lấm lét nhìn. Cái xác trên cùng chổng ngược, chân bị dây ghì dây, đầu cái xác dốc xuống đít xe. Cánh tay khẳng khiu mềm oặt, lắc lư theo nhịp xe. Mớ tóc chảy dài, lệt bệt, lệt bệt trên mặt đường, rê lên vệt bụi nho nhỏ. Ô hay, mẹ tôi như thấy... mồm cái xác hơm hớp. Đúng, nó hớp thật. Chợt mẹ nhận ra, buột miệng thét lên:
- Cái Tỉnh... Cái Tỉnh! Bà Tùng ơi... Bà Tùng ơi! Nó... nó còn s..ố..n..g.
Trên đê mấy người đàn bà lúc trước hình như cũng nghe thấy tiếng rên, họ đứng lặng sợ hãi. Có người nhận ra cái Tỉnh Bé. Đến khi nghe tiếng kêu của mẹ tôi, mọi người nháo nhác. Bà Trương Tùng là người đầu tiên luống cuống chạy xuống, vừa chạy vừa thất thanh gọi:
- Ông... ông gì ơi! Ông phu xe ơ..i!
Nghe người hét rồi tiếng người gọi, phu xe chậm chậm ghếch nón, ngoái lại:
- Cái gì... hở? Nhà bà kia gọi phải không?
Bà Trương Tùng và mẹ tôi lúc này chạy đến gần. Giọng bà Trương hớt hải:
- Ông... ông ơi, nó vẫn còn s..ố..n..g!
- Giời ơi! Tưởng gì... (phu xe bực dọc cắt ngang). Đang mệt bỏ mẹ lên đây này. Chết... không chết nay thì chết mai. Còn sống (!)... Hừ, định chiều nay chở mình nó một chuyến chắc?
Đến đây tiếng rên lại cất lên:
- Hờ hờ... Bà ơi... cứu...với...
Bà Trương Tùng hốt hoảng:
- Đấy, nó còn sống. Ông làm phúc!... làm Phúc!
- Bà muốn làm phúc hả? Thì đấy, khuân xuống. Càng nhẹ. Hừ, bây giờ còn được chôn chứ! Cái thân tôi đây này, khéo lúc chết chẳng ma nào nó nhặt.
Nói đến đây phu xe rướn mình kéo nhanh hơn. Hốt hoảng, mẹ tôi nhìn bà Trương Tùng cầu cứu. Một thoáng lưỡng lự rồi bà Trương quyết. Bà băm bổ chạy vượt lên. Vừa chạy tay bà vừa tháo cái ruột tượng. Đến ngang tầm phu xe, bà ấn mấy đồng xu vào tay ông ta, miệng van vỉ:
- Ông làm phúc... ông làm phúc!
Thấy tiền, phu từ từ kìm xe lại. Xe dừng, uể oải hạ càng, ông ta gác một chân lên cho xe khỏi tùng bê, một tay cởi dây, đoạn dây níu chân "xác" Tỉnh Bé cho khỏi tuột. Bà Trương và mẹ tôi nhào vào, chưa kịp đỡ, “xác” con bé đã đổ xoài xuống đường. Động, đám ruồi nhặng ào ào bay lên.
Câu chuyện diễn ra đã hơn năm mươi năm. Hai người con gái xưa gặp lại nhau nay đều lên bà. Đêm ấy, mẹ con bà Tỉnh Bé nghỉ lại nhà tôi. Bao năm, chuyện cũ hai người già rỉ rả đến khuya.Sau đận ấy Tỉnh Bé được bà Trương Tùng nhận làm con nuôi, ngày ngày theo mẹ nuôi gánh hàng đi chợ. Cách mạng tháng Tám thắng lợi. Hưởng độc lập tự do chưa được bao lâu thì giặc Pháp lăm le quay lại. Phố phủ Ninh Giang tiêu thổ, dân tản cư. Trong loạn lạc cái chết chẳng tha ai. Cuối năm năm mươi, một lần chạy càn, bà Trương Tùng bị Tây bắn. Bà mất ở cái làng xa lạ. Chôn cất mẹ nuôi xong Tỉnh Bé theo đám người tản cư chạy khỏi vùng Tây càn. Tháng ngày cực nhọc, đám người tản cư và Tỉnh Bé phiêu bạt vào tận Thanh Hoá- khu tự do hồi đó. Hoà bình 1954 vài năm, Tỉnh Bé lập gia đình, chồng là bộ đội tập kết công tác ở Thanh Hoá. Đường xa, lại hoàn cảnh gia đình, bà chưa có dịp trở lại Ninh Giang. Giải phóng, bà theo chồng về quê Đà Nẵng. Con cái bà Tỉnh Bé nay đều phương trưởng, người giáo viên người bác sĩ. Đến giờ bà mới có dịp về thăm quê mình, tìm mồ mả người thân. Mộ cha mẹ và chị ruột làm sao tìm được, xác người đói chôn chung. Bà vẫn nhớ ngày mất và tên cái làng nơi cụ Trương Tùng mất. May mắn khi bà tới, dân làng ấy còn nhớ người đàn bà lạ chạy tản cư bị Tây càn bắn chết. Bà Tỉnh sang cát, đưa cụ Trương Tùng về nghĩa địa Ninh Giang, gần với mộ cụ ông.
Lúc tiễn đưa mẹ con bà Tỉnh Bé, người con trai bác sĩ xúc động nắm tay mẹ tôi, cảm ơn bà từng cưu mang bác và mẹ anh ta. Mẹ tôi rưng rưng:- Con ơi! Người đời làm phúc, ai mong nhận trả ơn. Còn nếu kẻ nào chỉ mong nhận ơn, họ đã không làm ơn và không có phúc phần để hưởng./.
 

Xem Tiếp: ----