Dịch giả: Phạm Viêm Phương

LỜI GIỚI THIỆU CỦA DỊCH GIẢ:
R. Kipling (1865–1936) được gửi ăn học ở Anh từ năm 6 tuổi rồi trở về Ấn Độ năm 17 tuổi. Tại đây ông bắt đầu làm thơ, viết truyện ngắn và làm báo. Năm 1889 (24 tuổi), ông trở về Anh khi tên tuổi đã lẫy lừng. Do kết hôn với con gái một giám đốc nhà xuất bản Mỹ nên phần lớn tác phẩm quan trọng của ông, viết trong khoảng 1890 tới 1901, được xuất bản ở Mỹ. Năm 1902, ông trở về Anh, rồi du lịch châu Phi. Năm 1907, ông được trao giải Nobel văn chương. Tác phẩm của ông thường viết về những người lính hay quan chức Anh ở các thuộc địa, đặc biệt là ở Ấn Độ và Burma (nay là Myanmar). Ngoài ra ông còn có một lượng lớn những truyện viết cho trẻ em (như truyện được giới thiệu ở đây, rút từ tập Just So Stories, xuất bản năm 1902). Sự gần gũi của ông với giới chức Anh ở các thuộc địa khiến ông có xu hướng ủng hộ chế độ này, vốn trái ngược với xu thế tự do của thời đại. Nên về già ông sống rất cô đơn và khép kín. Nhưng về sự nghiệp văn chương, ông vẫn là cây bút có nghề với bút pháp tinh tế, phức hợp và đạt hiệu ứng cao.
Ngày xửa ngày xưa, các cháu ạ, bọn voi không có vòi. Chúng chỉ có một cái mũi bự, hơi đen, bằng cỡ cái ủng, có thể lắc qua lắc lại nhưng không thể dùng để nhón vật nào lên được. Nhưng rồi lại có một chú voi mới - chú voi con - một chú voi tò mò vô hạn, nghĩa là nó đặt ra vô số câu hỏi. Chú sống ở châu Phi, và làm tràn ngập châu Phi bằng những câu hỏi oái ăm vô tận của chú. Chú hỏi bà dì Đà Điểu cao kều tại sao lông đuôi của bà lại mọc như thế, và bà dì đét cho chú mấy cái bằng bàn chân rất cứng của bà. Chú hỏi ông bác Hươu Cao Cổ lênh khênh cái gì làm da bác lốm đốm thế, và ông bác lênh khênh đét chú bằng bàn chân móng guốc của bác ấy. Thế nhưng chú vẫn tò mò vô cùng! Chú hỏi bà dì dềnh dàng Hà Mã sao mắt dì đỏ thế, bà dì đét chú bằng cái chân móng guốc to bè của bà ấy, và chú hỏi ông bác lông lá Khỉ Đầu Chó tại sao trái dưa lại có vị như thế, ông bác lông lá này đét chú bằng bàn tay lông lá của ông ta. Vậy mà chú vẫn tò mò vô cùng! Chú hỏi về đủ thứ chuyện mà chú thấy, nghe, ngửi, hay sờ được, và mọi ông bác bà dì cứ đét chú. Vậy mà chú vẫn vô cùng tò mò!
Một sáng đẹp trời, chú voi con bịa ra một câu hỏi hoàn toàn mới. Chú hỏi, “Cá sấu ăn gì trong bữa tối?” Thế là mọi người kêu “Sụyt!” ầm lên với giọng hoảng hốt, và họ lập tức đét chú túi bụi suốt một hồi lâu.
Nhưng vừa xong trận đòn, chú lại đến gặp chim Kolokolo đậu trong một bụi gai rậm, chú nói, “Cha cháu đã đét cháu, mẹ cháu đã đét cháu, mọi ông bác bà dì cũng đét cháu vì thói tò mò quá độ; vậy mà cháu vẫn muốn biết cá sấu ăn gì trong bữa tối!”.
Chim Kolokolo kêu lên với giọng đau khổ, “Tới con sông Limpopo xanh xám đầy cây thuốc sốt mà tìm xem”. Sáng hôm sau, chú voi con tò mò tha một trăm cân chuối, một trăm cân mía và mười bảy trái dưa, và nói với mọi gia đình thân thuộc, “Tạm biệt, con sẽ đến sông Limpopo xanh xám đầy cây thuốc sốt để tìm xem cá sấu ăn gì trong bữa tối”. Và tất cả lại xúm vào đét chú để chúc may mắn, mặc dù chú hết sức lễ phép xin mọi người ngưng lại.
Rồi chú đi, hơi bất mãn, nhưng không ngạc nhiên, vừa đi vừa ăn dưa rồi quăng vỏ bừa bãi vì chú không thể nhặt lên được.
Chú đi từ thị trấn Graham tới Kimberley, rồi từ Kimberley đến xứ Khama, lại từ Khama theo ngả đông để ngược lên bắc, ăn dưa liên tục, và sau cùng chú đến được bờ sông Limpopo xanh xám mọc đầy cây thuốc sốt, đúng như chim Kolokolo đã nói.
Đến đây các cháu phải hiểu rằng, cho đến tuần đó, ngày đó, giờ đó và phút đó, chú voi cực kỳ tò mò này chưa từng trông thấy con cá sấu nào, và không biết nó hình dáng ra sao. Đó là tất cả nỗi tò mò của chú.
Vật đầu tiên chú thấy là một con trăn hai màu cuộn quanh một tảng đá.
“Xin lỗi bác”, chú nói rất lễ phép, “bác có từng thấy một ông cá sấu nào trong cái khu um tùm này không?”.
“Có từng thấy cá sấu không à?”, bác Trăn hỏi lại với giọng khinh thị. “Chú định hỏi thêm cái gì?”.
“Xin lỗi bác”, chú voi nói, “nhưng bác làm ơn cho cháu biết ông ấy ăn gì trong bữa tối được không?”.
Bác Trăn lập tức duỗi người ra khỏi tảng đá và đét chú voi bằng cái đuôi đầy vẩy như cây roi của ông ấy.
“Kỳ lạ quá”, chú voi nói, “vì cha cháu với mẹ cháu, rồi tất cả các bác các dì, chưa kể bà dì Hà Mã, ông bác Khỉ Đầu Chó, đều đét cháu vì tội tò mò – với bác này thì chắc cũng vậy”.
Vậy là chú lễ phép cáo lui bác Trăn, giúp bác ấy cuộn quanh tảng đá trở lại, rồi đi tiếp, hơi bất mãn, nhưng không ngạc nhiên, vừa đi vừa ăn dưa rồi quăng vỏ bừa vì chú không thể nhặt lên được, cho đến khi chú dẫm lên một thứ mà chú tưởng là một khúc thân cây nằm ngay mé sông Limpopo xanh xám mọc đầy cây thuốc sốt.
Nhưng đó chính là ông cá sấu, và ông ta nháy một con mắt - như thế này đây!
“Xin lỗi bác”, chú nói rất lễ phép, “bác có từng thấy một ông cá sấu nào trong cái khu um tùm này không?”
Ông cá sấu nháy mắt bên kia, và giơ nửa cái đuôi lên khỏi bùn; chú voi con rất lễ phép lui lại, vì chú không muốn bị đét nữa.
“Lại đây nào, chú bé”, ông cá sấu nói. “Sao chú lại hỏi chuyện đó?”.
“Xin lỗi,” chú voi nói rất lễ phép, “nhưng cha cháu đã đét cháu, mẹ cháu đã đét cháu, chưa kể dì Đà Điểu cao kều, bác Hươu Cao Cổ lênh khênh, ông này đá mạnh lắm, với dì Hà Mã dềnh dàng, rồi bác Khỉ Đầu Chó lông lá, và có cả bác Trăn Hai Màu có cái đuôi đầy vẩy như cây roi, ở ngay mé sông đàng kia, bác ấy đét còn mạnh hơn mọi người; và thế, nếu chuyện cũng như vậy với bác, thì cháu không muốn bị đét nữa đâu”.
“Lại đây nào, chú bé”, Cá Sấu nói, “vì ta là Cá Sấu đây”, rồi nó nhỏ vài giọt nước mắt để cho thấy đó là sự thực.
Thế là chú voi muốn ngạt thở, chú hổn hển, khụy xuống bên bờ sông và nói, “Bác chính là người cháu muốn tìm gặp bao lâu nay. Bác có thể cho cháu biết bác ăn gì trong bữa tối không?”.
“Lại đây nào, chú bé”, Cá Sấu nói, “ta nói nhỏ cho mà nghe”.
Chú voi con cúi đầu xuống sát bên cái mồm lởm chởm răng và có mùi nồng nặc ấy, và Cá Sấu táp trúng ngay cái mũi của chú, cái bộ phận mà đến tuần, ngày, giờ và phút đó, không lớn hơn một cái ủng, tuy rằng hữu dụng hơn.
“Ta nghĩ”, Cá Sấu nói qua kẽ răng, “ta nghĩ hôm nay ta sẽ bắt đầu bữa tối bằng một chú voi con”.
Tới đây, chú voi thấy bực bội và chú nói, qua cái mũi bị kẹp, “Buông ra! Bác làm đau cháu nè!”
Lúc đó, bác Trăn Hai Màu từ mé trên bò xuống và nói, “Bạn trẻ, bây giờ nếu chú không hết sức trì lại ngay lập tức, thì ta nghĩ anh bạn mới quen mặc áo da này (ý bác muốn nói Cá Sấu) sẽ lôi ngay chú xuống dòng nước trong veo kia trước khi chú kịp la một tiếng”.
Trăn Hai Màu bao giờ cũng ăn nói như thế.
Thế là voi ngồi phịch xuống và trì kéo, trì kéo lại, và mũi chú bắt đầu giãn ra. Cá Sấu vùng vẫy lui xuống sông, đuôi nó quơ đập làm nước văng tung tóe, và nó cũng kéo, kéo, kéo.
Cái mũi voi cứ tiếp tục giãn ra, chú voi giang cả bốn chân và kéo, kéo, kéo, và cái mũi của chú cứ dài ra. Cá Sấu đập đuôi như một mái chèo, và kéo, kéo, kéo, và mỗi cú kéo lại làm mũi chú voi dài, dài ra – và nó đau kinh khủng!
Chú cảm thấy chân mình trượt đi, và chú nói qua cái mũi bị kéo, lúc này đã hơn một thước, “Vầy là quá sức mình rồi”.
Rồi bác Trăn bò tới, cuộn mình thành một cái nút quanh hai chân sau của chú voi và nói, “Chú du khách non nớt à, bây giờ chúng ta phải tận lực kéo căng một chút, nếu không, ta có ấn tượng rằng chiếc tàu chiến cánh quạt có boong trên bọc thép kia (ý bác muốn nói Cá Sấu đấy) sẽ tiêu diệt vĩnh viễn sự nghiệp tương lai của chú mất”.
Trăn Hai Màu bao giờ cũng ăn nói như thế.
Thế là bác kéo, voi kéo, và Cá Sấu cũng kéo, nhưng voi và Trăn Hai Màu kéo mạnh nhất; và sau cùng Cá Sấu phải nhả cái mũi voi ra với một tiếng “pop” mà suốt dọc sông Limpopo còn nghe thấy.
Chú voi ngã phịch xuống, nhưng trước hết chú còn cẩn thận nói “Cám ơn bác” với Trăn Hai Màu, kế đó chú chăm sóc cái mũi khốn khổ bị kéo giãn của chú, bọc nó lại bằng lá chuối mát, rồi treo nó phía trên dòng sông Limpopo xanh xám cho nó bớt rát.
“Làm thế để chi vậy?”, Trăn Hai Màu hỏi.
“Xin lỗi,” chú voi nói, “nhưng cái mũi cháu chẳng còn ra hình thù gì, cháu chờ nó co lại”.
“Vậy chú phải chờ lâu đấy”, bác Trăn nói. “Có nhiều người chẳng biết cái gì là lợi cho mình”.
Chú voi ngồi suốt ba ngày chờ mũi co lại. Nhưng nó chẳng hề ngắn đi chút nào, mà nó còn làm chú lé mắt. Vì các cháu phải hiểu rằng Cá Sấu đã kéo nó thành cái vòi như tất cả bọn voi có ngày nay.
Cuối ngày thứ ba, một con ruồi lằn bay qua và chích vào vai chú, và trước khi kịp ý thức, chú đã vung vòi lên và đập con ruồi chết ngay tại chỗ.
“Cái lợi thứ nhất đó!”, bác Trăn kêu lên. “Chú đâu làm vậy được với cái mũi cụt ngủn. Bây giờ thử ăn cái gì đi”.
Trước khi kịp nghĩ ra, chú voi đã thấy mình vươn vòi, vơ rồi nhổ lên một lọn cỏ, đập vào chân trước cho sạch đất, và nhét nó vào miệng.
“Cái lợi thứ nhì!”, bác Trăn nói. “Chú đâu làm vậy được với cái mũi cụt ngủn. Chú không thấy nắng ở đây nóng sao?”.
“Nóng thật,” chú voi nói, và trước khi kịp nghĩ chú đã lấy vòi múc một đống bùn từ dòng sông Limpopo xanh xám và ụp lên đầu, nó đóng thành một lớp mát lạnh ngay sau đôi tai của chú.
“Cái lợi thứ ba!”, bác Trăn nói. “Chú đâu làm vậy được với cái mũi cụt ngủn. Bây giờ chú nghĩ sao khi bị đét lần nữa?”.
“Xin lỗi”, chú voi nói, “nhưng cháu chẳng ưa chuyện đó chút nào”.
“Chú có thích đét người khác không?”, bác Trăn hỏi.
“Cái đó thì cháu thích lắm”, chú đáp.
“Được”, bác Trăn nói, “chú sẽ thấy cái mũi mới rất tiện cho chú đét người khác”.
“Cám ơn bác”, chú voi nói, “cháu sẽ nhớ điều này. Bây giờ cháu nghĩ nên về với gia đình dòng họ và cháu sẽ thử”.
Và chú voi xuyên châu Phi về nhà, vừa đi vừa vung vẩy ngo ngoe cái vòi. Khi muốn ăn trái cây, chú dùng vòi hái trái thay vì chờ nó rụng như mọi khi. Lúc muốn ăn cỏ, chú nhổ cỏ lên, thay vì qùi gối xuống như vẫn thường làm. Khi ruồi muỗi cắn, chú bẻ một nhánh cây để làm cây đập ruồi; và chú làm một lớp phủ bằng bùn mát lạnh mỗi khi trời nắng gắt. Khi cảm thấy lẻ loi trên đường xuyên châu Phi, chú hát qua cái vòi của mình, âm thanh còn lớn hơn cả vài ba ban kèn đồng. Đặc biệt chú còn rẽ ngang để tìm một mụ Hà Mã dềnh dàng (chẳng có bà con gì với chú), đét cho mụ ấy mấy cú thật lực để tin chắc bác Trăn nói đúng về cái vòi mới của chú. Những lúc còn lại, chú nhặt sạch vỏ dưa đã quăng bừa trên đường tới Limpopo – vì chú là Voi Ngăn Nắp mà.
Một buổi chiều tối, chú về đến quê nhà, chú cuộn vòi lại và nói, “Xin chào cả nhà”. Họ thẩy đều vui khi gặp lại chú, và lập tức kêu lên, “Vào đây chịu vài cái đét vì thói tò mò nào”.
“Ồ”, chú voi nói. “Con e là cả nhà chẳng biết gì về việc đét người khác cả; nhưng con biết, để con làm cho coi”.
Rồi chú vươn vòi ra và đánh ngã lăn kềnh hai cậu em.
“Ô Chuối ơi!”, họ kêu lên, “Mày học đâu cái trò hay vậy, mày làm gì với cái mũi mày thế?”
“Con có cái mũi mới nhờ ông Cá Sấu ở sông Limpopo xanh xám”, chú đáp. “Con hỏi ông ấy ăn gì trong bữa tối, và ông ấy cho con cái này để giữ chơi.”
“Coi xấu xí quá”, ông bác Khỉ Đầu Chó lông lá nói.
“Xấu thật”, chú nói. “Nhưng hữu ích”, và chú tóm lấy một chân của bác Khỉ nhấc bổng lên, và quẳng vào một tổ ong vò vẽ.
Rồi chú voi xấu tính bắt đầu đét lại mọi người trong nhà suốt một thời gian dài, cho đến khi họ thấy bực bội và rất ngạc nhiên. Chú giật lông đuôi của dì Đà Điểu, tóm lấy chân sau của bác Hươu Cao Cổ rồi lôi bác qua một bụi gai; rồi chú rống vào mặt dì Hà Mã, xịt nước vào tai dì khi dì nằm ngủ sau bữa ăn; nhưng chú chẳng bao giờ cho ai động tới chim Kolokolo.
Sau cùng tình hình trở nên náo loạn đến độ từng người một trong gia đình đều vội vã tới bờ sông Limpopo xanh xám mọc đầy cây thuốc sốt để mượn Cá Sấu những chiếc mũi mới. Khi họ trở về thì chẳng còn ai đét ai nữa; và từ đó đến nay, tất cả bọn voi mà các cháu sẽ thấy, ngoài những con mà các cháu sẽ không được thấy, đều có vòi y như vòi của chú voi con.
PHẠM VIÊM PHƯƠNG dịch