Bộ ba quen nhau trong lò võ, rồi trở thành nhóm chơi riêng. Tối, bảy giờ: Oanh đến nhà rủ Phong, cả hai đón Thắm, ba người cùng đến lò võ. Ngày qua ngày chuyện đó như một thói quen. Được một năm, Phong phải theo ghe đánh cá đi biển với ba, kiếm thêm tiền phụ vào gia đình mười miệng ăn. Nhà Thắm khá giả, đang chờ làm giấy tờ xuất cảnh đi Pháp. Gia đình Oanh, cha mẹ viên chức, ba chị em đang học phổ thông, tuy không thiếu ăn nhưng cũng vất vả. Phong đi biển nửa tháng, hai mươi ngày về nghỉ mươi ngày, lại đi. Thời gian cả ba cùng đến lớp võ học, vui với nhau ít dần. Một năm nữa qua đi, tình bạn cả ba bỗng chuyển sang bước ngoặt. Phong chú ý chăm sóc Thắm nhiều hơn, thích được một mình bên Thắm. Oanh chợt nhận ra mình mong ngóng Phong mỗi ngày. Thắm không tỏ thái độ gì, vẫn vui với Phong, thân với Oanh. Oanh ngẩn ngơ khi thấy ánh mắt trìu mến Phong giành cho người bạn gái thân nhất. Oanh tự biết nếu so ra cô không bằng Thắm: đài các, xinh đẹp, biết cách thu hút người khác. Một con vịt ròm rỉn, xấu xí như cô đâu có gì để sánh với bạn gái cùng lứa? Chuyện gì đến sẽ đến.
Gia đình Thắm có giấy phép xuất cảnh, chỉ chờ làm thủ tục để ra đi. Cả ba không ai lên tiếng nhưng trong lòng của mỗi người có một nỗi buồn không thể thổ lộ.
Ngày giỗ Tổ, các võ sinh nam được thày cho phép uống rượu chơi vui. Phong và mấy người nữa say quá nằm lại nhà võ sư Cường ngủ vùi. Thắm đợi một lúc, xin phép thày về trước vì ngày mai cùng gia đình đi Sài Gòn. Oanh bảo Thắm về đi, cô sẽ đợi Phong tỉnh lại. Đến khuya, Phong tỉnh, chỉ thấy Oanh, thất vọng hỏi:
- Thắm về rồi?
- Ừ. Khăn đây, lau mặt đi! Ngày mai Thắm phải đi.
- Thắm đi thật.
Oanh thấy trong mắt Phong tràn thất vọng. Lòng cô buồn, không biết nói sao. Cô lẳng lặng ra nơi để xe, đạp thẳng ra đường. Phong cũng lấy xe đi theo cô. Hai người mải miết đạp hai chiếc xe trong đêm. Phong không nhìn cô trên suốt đoạn đường về nhà. Lúc rẽ vào nhà, Phong bỗng nói:
- Chờ Phong khuya quá, về nhà chắc Oanh sẽ bị cha mẹ rầy.
- Ừ. Không sao. Chỉ lần này thôi. Về đây.
Thắm đi Sài Gòn về. Mọi thủ tục xuất cảnh đã xong, chỉ chờ ngày lên máy bay. Phong, Thắm, Oanh ai cũng mang trong lòng một nỗi buồn chia biệt. Họ biết mỗi ngày đuợc ở bên nhau còn ngắn ngủi lắm. Dạo này Phong đi biển nhiều hơn để bù vào khoản nợ do mẹ chơi hụi bị bể. Thắm thôi học võ, ở nhà học ngoại ngữ. Khi tàu về, Phong đến lò võ mỗi đêm với hy vọng Thắm sẽ đến. Oanh lủi thủi đi về bên Phong. Một lần Phong đến tìm Thắm, mẹ Thắm nói thẳng với Phong con gái bà sẽ ra đi, Phong đừng hy vọng nữa. Phong đứng ngoài hàng rào, uất nghẹn hồi lâu rồi lặng lẽ đi. Từ đó Phong không đến lò võ nữa. Hằng đêm ở lò võ Oanh mong cả hai đến mỏi mòn.
Nợ nần của gia đình Phong ngày càng chồng chất. Sốt “bể hụi” lan nhanh như một cơn dịch hạch ở thị xã. Món tiền sau mỗi chuyến biển vất vả của cha con Phong thấm vào đâu cả. Các em của Phong lần lượt nghỉ học. Giờ không được gặp Thắm, Phong càng ít cười hơn. Sau mỗi chuyến biển trở về Oanh thường đến nhà Phong chơi, rủ rỉ an ủi, cố nuôi cho Phong một hy vọng ngày mai sẽ tốt đẹp hơn. Vất vả quá sức, Phong ngã bệnh. Một gã ngư phủ cường tráng chịu nằm vùi ở nhà thì đủ biết là cơ thể không còn sức gượng nữa. Oanh tìm hỏi biết được một ông thày đông y rất giỏi ở cách thị xã đến mười cây số. Cô khuyên Phong đi trị bệnh. Phong đồng ý với điều kiện có cô đi cùng. Cả gia đình Phong đang bị cuốn vào cơn lốc tiền nợ, không ai còn đủ tâm trí xem Phong ốm đau gì. Thân hình ốm yếu của Oanh chứa một sức khỏe dẻo dai đến kỳ lạ. Cô đạp xe chở Phong đến tận nhà thày thuốc, không một lời than. Ông thày bắt mạch, dùng kim châm vài huyệt gì đó, cho Phong uống một liều thuốc tán và hốt cho ba thang thuốc mang về. Ngồi nghỉ một lúc, Oanh dắt xe ra chờ. Phong giành lấy xe, bảo cô ngồi để mình chở. Vừa đạp xe, Phong vui vui kể cho Oanh nghe chuyến đi biển vừa rồi. Oanh thấy Phong vui, mừng lắm, tíu tít kể ra bao nhiêu chuyện buồn vui ở lớp võ lúc vắng Phong và Thắm. Phong nghe, hỏi để Oanh nói. Cả hai không hay trời đêm đang chuyển mưa vần vũ. Cũng may họ kịp chui vào núp dưới vòn cổng tam quan thì trời đổ sập nước xuống. Phong bảo Oanh cứ ngồi trên xe cho đỡ mỏi chân. Phong đứng trước đầu xe, cởi áo khóac che mưa không cho tạt đến chỗ Oanh. Phong chợt hỏi:
- Sao ông thày không hỏi tiền thuốc?
- Ông ta hốt thuốc làm phước mà...Oanh ngập ngừng, rồi chợt cười vu vơ – Khờ ngốc..!
- Oanh nói gì?
Oanh lúng túng ngước nhìn. Phong to cao lừng lững, hai tay dang chiếc áo che mưa. Một ánh chớp lóe lên, Oanh thấy trong mắt Phong có hai chớp lửa. Cô buột miệng: “Mắt lửa!”, rồi cười bẽn lẽn. Phong bật cười khanh khách:
- Vịt Ròm cười má lúm đồng tiền cũng dễ thươnglắm!
Oanh cười theo. Tạnh mưa. Về đến nhà Phong, Oanh lấy xe của mình về nhà. Oanh đi một lúc, Phong chợt nhớ đi về khuya Oanh sẽ bị cha mẹ la rầy. Phong áy náy. Không muốn vì mình mà Oanh chịu khổ, Phong lấy xe đuổi theo. Đến nhà Oanh, định đẩy cổng bước vào, Phong dừng lại. Oanh đứng im cúi đầu nghe những lời mắng xối xả của cha cô: “...Con đi giờ này mới về? Lần trước con hứa sao? Số tiền đóng học phí đó là nửa tháng lương của cha, con đã làm gì?”. Oanh lí nhí: “Con xin lỗi! Bạn con cần...”. “Bạn con? Mày chỉ biết có bạn thôi sao? Mày biết cha mẹ cơ cực không? Con ơi, con nhiễm truyện Tàu quá rồi! Con định làm Phàn Lê Huê hay Lưu Kim Đính đây? Con đã mười chín tuổi đầu rồi, cái đầu để đâu, kết bạn với lũ thất học, buôn trời bán đất...Thật là hết nói nổi!” “Phong không phải vậy...!”...Phong không muốn nghe thêm, không muốn nhìn thêm những giọt nước mắt tức tưởi đang rơi...Phong chạy như trốn màn đêm...
Sinh nhật Oanh, Thắm cũng cô ra bờ biển. Họ đợi Phong, cả ba giao ước sinh nhật lần này của Oanh chỉ dành cho ba người, sẽ đi chơi quanh thị xã, chụp ảnh với nhau để Thắm mang theo. Tám giờ tối, Phong không đến. Thắm bảo thôi đừng đợi. Oanh muốn Thắm vui, rủ bạn đến tiệm chụp chung mấy tấm ảnh. Đưa Thắm về nhà, Oanh buồn lắm. Biết ý bạn, Thắm an ủi, đưa cho Oanh một tấm ảnh bán thân của Phong. Phong mặc võ phục đứng khoanh tay nhếch cười ngạo nghễ, đôi mắt có ánh lửa. Oanh cầm tấm ảnh khẽ khàng hỏi:
- Sao Thắm không giữ?
- Giữ làm gì? Thắm không thuộc về Phong. Của Phong gửi cho Oanh làm quà sinh nhật.
- Sai rồi. Phong thuộc về Thắm. Quà sinh nhật, Oanh giữ.
Tuần sau, Oanh biết tin tàu của Phong bị đánh cướp. Bọn cướp ép Phong phải lái tàu đưa chúng vượt biên sang Thái Lan. Oanh thở dài nhìn ra biển. Tháng sau, Thắm cùng gia đình lên máy bay đi Pháp. Oanh quyết định lao vào học để đền ơn cha mẹ. Oanh thi vào trường đại học xa tận Hà Nội.
Phong đạp xe lang thang quanh thị xã. Năm năm mà thay đổi nhiều quá! Những con đường quen thuộc giờ thành lạ lẫm với những nhà mới, đại lộ thênh thanh. Nhà Oanh đâu mất. Hỏi mấy đứa bạn cũ chỉ được biết nhà dời ra ngoại ô, Oanh đi học xa lâu lắm rồi chưa gặp lại. Tìm mãi chẳng được gì, Phong vào một quán cà phê ngồi nghỉ chân. Chờ những giọt cà phê chậm rãi nhỏ, Phong bồi hồi nhớ bức thư tuyệt vọng của Oanh gửi đến trại tị nạn khuyên Phong hồi hương. Lá thư cuối cùng, Phong vẫn giữ bên mình. Phong không hiểu sao lúc đó mình có thể viết cho Oanh lời từ chối thẳng thừng và cho Oanh biết ý định của mình: sang Pháp tìm Thắm, sẽ không bao giờ trở về tay trắng. Tháng sau, có đoàn thanh tra Việt Nam đến thăm trại, một người chuyển cho Phong gói quà Oanh gửi. Một quyển từ điển Anh – Việt và một mảnh giấy nhỏ: “Hãy đi theo con đường Phong chọn!”. Trong cái lồng nhốt người đầy dây thép gai ở xứ người, Phong đã cố học và sử dụng thành thạo cả Pháp lẫn Anh để có cơ hội được định cư ở nước thứ ba. Nhưng người tính không bằng trời tính, Phong cũng phải theo đoàn người cuối cùng hồi hương. Hành lý trở về chỉ có mấy bức thư của Oanh và quyển từ điển.
Năm năm sống trong cái lồng sắt nay trở về, gia đình vẫn vậy, buôn gánh, bán bưng, chạy ăn từng bữa. Lò võ vẫn vậy, thày già hơn xưa, nhiều người mới vào học...Lạ lẫm thiếu vắng làm sao! Phong muốn tìm Oanh, như muốn tìm lại cho mình một chỗ dựa thân quen...Giờ biết tìm đâu?
Phong ngẩng nhìn qua mảnh sân khu nhà đối diện. Một đám cưới đông vui, khách ra vào không ngớt. Cô dâu cúi đầu cười bẽn lẽn sao quen quá! Phong chỉ kịp nhìn lướt dáng người mảnh mai, cái cổ cao nhờ mái tóc được búi khéo với chùm hoa trắng. Cô dâu tự tin khóac tay chú rể đi vào trong. Phong mỉm cười một mình. Tuổi của Oanh bây giờ chắc độ bằng cô dâu kia.
Cuối cùng cũng tìm được một người biết nhà Oanh. Phong cùng người đó tìm đến. Oanh ra mở cửa. Sau mấy giây ngỡ ngàng, Oanh cười tươi mời cả hai vào. Chồng Oanh đi làm chưa về. Người bạn kia tự nhiên như nhà mình, chạy tót vào trong lấy nước uống cho cả ba. Phong ngồi xuống ghế lặng lẽ ngắm. “Vịt Ròm” ngày xưa nay lột xác thành con thiên nga xinh đẹp. Mảnh mai, đài các, đầy tự tin, không giống chút nào cô gái gày gò, nhút nhát trong tâm thức của Phong. Oanh cười, má lúm đồng tiền vẫn như xưa, Phong nhớ như in nụ cười này đêm đó...mải ngắm, Phong không nghe được Oanh hỏi gì. Người bạn kia vừa ra tới, trả lời thay:
- Nó về cách ngày cưới của Oanh mấy hôm. Bữa đó nó có đi ngang qua nhà mà không biết cô dâu kia là “Vịt Ròm”.
- Đừng nghe hắn nói! Anh bây giờ có thấy Oanh là “Vịt Ròm” nữa không?
Phong cười lắc đầu. Nói gì đây? Oanh nói nhiều, nói nhiều nhưng không hề nhìn thẳng Phong lần nào. Câu chuyện kéo dài đến lúc dường như gượng ép. Đúng lúc chồng Oanh về đến. Oanh đứng dậy đón chồng bằng nụ cười hạnh phúc. Chồng Oanh, trạc tuổi Phong, sĩ quan cấp úy, đĩnh đạc, bước vào chào khách. Anh bảo vợ cứ tự nhiên ngồi chơi với bạn, rồi tế nhị vào nhà trong không ra nữa. Đến lúc Phong từ giã về, Oanh gọi, chồng Oanh mới bước ra lịch sự tiễn khách. Oanh đưa hai người đi một đoạn. Lúc chờ người bạn nổ máy xe, Phong hỏi:
- Sao không viết tiếp thư cho anh?
- Trên con đường của anh có Oanh sao?
Oanh chợt nhìn thẳng như xoáy vào Phong. Không biết trả lời sao Phong quay đi.
Trở về nhà hơn năm, Phong vẫn không tìm được việc gì làm. Phong chỉ còn biết cách làm ngư phủ như xưa để kiếm sống. Oanh bình yên trong ngôi nhà của mình, trong vòng tay người chồng đã chọn. Mỗi lần nhìn hai vợ chồng Oanh vui vẻ đi làm về ngang nhà, Phong cảm thấy mình hèn kém quá. Quãng đời sung mãn nhất của tuổi trẻ Phong đã cam tâm vùi trong trại tị nạn. Giờ về lại quê hương, bạn bè cùng lứa đều thành đạt, có gia đình riêng hạnh phúc. Chỉ có Phong mải lao đao theo từng chuyến biển. Phong thấy con đường mình đi mịt mờ trong cơn mưa bão của biển, của những mẻ lưới cào ít ỏi. Oanh vẫn cười với Phong mỗi lúc đi ngang nhà mà sao xa cách quá! Ngày xưa buồn vui đều có thể nói cho nhau nghe, giờ thì...Phong thấy mình như con tàu không biết phải về đâu.
Oanh ngạc nhiên khi thấy Phong đến gõ cửa vào đêm khuya vậy. Phong muốn mời Oanh đi uống cà phê. Chồng Oanh đi công tác xa. Cô đành khóa cửa, theo Phong. Quán đêm thưa khách. Hai người tìm một bàn nhỏ ngồi xuống. Phong gọi cà phê. Oanh im lặng nhìn ngọn đèn đường ở xa tít. Phong nói:
- Mai anh đi. Cao ủy Người tị nạn đã đồng ý thủ tục định cư ở nước thứ ba của anh.
- Lại đi? Vì sao?
- Vì...nơi đây không có gì dành cho anh.
- Biện hộ. Vì Thắm. Đi tìm Thắm- Mắt Oanh tối thẫm.
Phong không mở miệng nói được. Là vì thấy mình thấp kém hơn người chồng của Oanh. Vì thấy nghèn nghẹn trong ngực khi nhìn thấy Oanh và chồng đi bên nhau. Vì cảm giác cô độc không nơi bấu víu... mà ra đi. Làm sao có thể nói được, Oanh bây giờ là vợ của người ta. Oanh bằng lòng với cuộc sống của mình. Oanh có vẻ không để ý đến những gì sâu thẳm ngày xưa. Oanh thở dài:
- Cứ đi! Oanh sẽ mãi ở đây. Gian nan, thiếu thốn cũng là nhà của Oanh. Không cần tìm ở xứ người. Oanh sẽ chờ...
Phong cảm giác mình làm Oanh thất vọng. Phong khẽ đặt tay lên bàn tay gầy nhỏ để trên bàn. Oanh không rút tay lại. Bàn tay Oanh ấm, Phong thoáng xao lòng. Rút tay lại, Phong nói như để tự an ủi mình:
- Mỗi người đều có quyền chọn cho mình con đường để đi.
Ngọn đèn đêm đổi màu. Trời lác đác sương mù rơi.
Đứa con trai mười bốn tuổi của Oanh đòi lên Sài Gòn ở với ngoại để học. Mười năm, từ ngày người chồng yêu quí hy sinhk hi làm nhiệm vụ, hai mẹ con chưa một ngày xa nhau. Cô bối rối trong khi thằng bé bình thản chờ quyết định của mẹ. Nó giống hệt cha, tình cảm để bên trong, lý trí luôn chiếm phần ưu thế. Oanh biết nó muốn lên Sài Gòn có điều kiện học giỏi hơn cho Oanh vui. Nhưng nó đâu biết nó đi rồi, mẹ nó sẽ vò võ một mình trong căn nhà vắng ngắt. Mười năm cô sống vì nó, đối đầu với cuộc sống vươn lên vì nó. Cô hiểu được điều mong muốn của nó là chính đáng. Thôi thì cho nó đi, rồi nó cũng sẽ quay trở về ngôi nhà của nó. Ngày đưa con lên xe, về nhà, lòng Oanh trống rỗng. Cô lao vào công việc để quên đi sự cô đơn vắng lặng hằng đêm. Đứng vị trí quan trọng thứ hai trong cơ quan như cô muốn có nhiều việc làm cũng chẳng có gì khó. Oanh miệt mài với công việc.
Sáng, vừa đến phòng làm việc, cô thư ký đã đưa cho Oanh thiệp mời dự khánh thành một trụ sở thương mại. Oanh nghe nói chủ nơi đây là Việt kiều hồ hương có bằng đại học quản trị kinh doanh của một trường nổi tiếng ở Pháp. Ông ta trở về xin cư trú dài hạn và muốn được đóng góp cho quê hương.
Oanh cũng muốn đến đó xem có đúng như lời quảng cáo không. Hết giờ làm việc, Oanh chọn trong tủ áo dự phòng bộ áo dài màu tím Huế kín đáo. Thân hình gày mỏng như cô chỉ có áo dài là hợp nhất.
Lễ khánh thành đông nghẹt người. Đứng xa quá, Oanh không nhìn rõ mặt ông chủ, chỉ thấy được dáng cao to của ông ta cúi xuống cắt tấm băng đỏ cùng một vị quan chức trong ngành thương mại. Oanh chờ đến lúc khách mời kéo vào tham quan gần hết mới thong thả đi quanh. Khu nhà năm tầng thênh thang này có đủ nhà hàng, khách sạn, siêu thị, khu vui chơi, sàn nhảy...Ông chủ là người có đầu óc kinh doanh, từ mặt hàng bán trong siêu thị đến cách bày trí trong các khu đều hợp với phong cách của dân vùng biển này. Có lẽ ông ta nghiên cứu rất kỹ cách sống của họ hoặc ông ta là người đã từng sống ở đây. Oanh tự hỏi rồi không tìm được câu trả lời.
Lang thang một lúc Oanh trở lại siêu thị tìm mua đồ dùng. Chọn được một đôi giày Oanh cúi xuống ướm thử vào chân.
- Cô có cần tôi giúp không?
Oanh giật mình quay lại. Phong đứng sau lưng cô tự lúc nào. Cái bóng to lớn, lực lưỡng của anh che mất tầm nhìn cô. Oanh chỉ còn cách sững sờ ngước lên nhìn gương mặt tuấn tú ngày xưa. Vẻ rắn rỏi, tự tin cộng với nét phong trần dày dạn, đôi mắt có ánh lửa ấy vẫn hút lấy người đối diện. Phong cười, hỏi:
- Cần anh giúp không?
- Không cần. Sang trọng như anh sao dám nhờ.
Phong cúi sát tai cô thì thầm:
- Ông chủ thì phải ăn mặc tử tế chứ. Riêng với Oanh sẵn sàng phục vụ!
Nói xong Phong ngồi xuống ướm chiếc giày vào chân Oanh. Oanh kéo anh đứng lên. Phong nắm lấy tay cô, không buông, cười bảo:
- Giày không vừa đâu. Theo anh! Có quà cho bạn cũ đây.
Rất tự nhiên Phong nắm tay cô dắt đi. Oanh hơi ngượng, nơi đây quá đông người và không ít trong số họ là những người quen biết...
Phong cố nài Oanh nhận lời làm cố vấn thương mại cho mình. Oanh từ chối. Với khả năng của cô, cố vấn thương mại cho một trung tâm như vậy không có gì khó, chỉ có điều cô ngại không biết phải xử sự như thế nào khi đối diện với Phong.
Một ngày cuối tuần, Phong gọi điện cho Oanh mời cùng đi với đoàn khách nước ngoài đến hợp tác tham quan Hà Tiên. Oanh nhận lời. Hà Tiên quá quen, nhưng thoát khỏi một mình trong nhà ngày chủ nhật cũng tốt. Chiều đó, đoàn khách trở về Bình An nghỉ đêm. Bãi biển trước khách sạn thật đẹp, các ông Tây bà Đầm kéo nhau đi tắm. Phong cũng theo họ. Oanh lang thang một lúc rồi trở về tìm một gốc dương ngồi nhìn. Nước xanh, cát nâu, sóng nhè nhẹ vỗ bờ, lá dương vi vu, Oanh quên hết xung quanh. Cô nhắm mắt tận hưởng sự bình an của thiên nhiên. Phong không tắm nữa, đi đến chỗ cô, trải khăn ngồi cạnh cô. Oanh mở mắt ra. Phong đang nhếch cười ngắm cô. Oanh nhún vai, nhắm mắt lại mặc kệ anh.
- Sao không tắm?
- Không thích khoe tấm thân “con mắm nhí”. Già rồi!
Oanh mở mắt ra nhìn. Biết Phong không tin chưa bốn mươi đã già, nhưng sớm đối đầu với cuộc sống đầy trắc trở, cô thấy mình đã già rồi. Phong vuốt mấy giọt nước còn đọng trên tóc nhỏ lên tay cô. Những bắp thịt trên người anh cuộn lên dưới nắng chiều. Riêng anh, thời gian không làm gì được cái cơ thể khôi vĩ, chắc nặng như đồng đúc. Oanh khẽ thở dài quay đi. Ngồi cạnh anh, cô thấy mình cằn cỗi quá đỗi. Phong lướt mắt lên người cô, hỏi:
- Một mình đối đầu cuộc sống, mệt mỏi lắm? Anh cũng đã từng như vậy. Còn khổ hơn Oanh, xứ người cơ cực, không có một người để nói thật được.
- Thắm?
- Anh không tìm Thắm. Anh tìm sự nghiệp. Hầu bàn, rửa chén, khuân vác, gác thuê...cái gì cũng được, miễn có tiền để học. Tốt nghiệp, nhiều công ty mời anh. Làm cho họ một thời gian, anh chợt hiểu dù là tổng giám đốc cũng chỉ là tên làm thuê.
- Trở về Việt Nam làm ông chủ?
- Không hẳn. Có một điều anh chưa nói với em-Phong xoay người cô lại, đôi tay to lớn của anh gần như ôm trọn cô- Sống gần nửa đời người, đi gần nửa vòng trái đất, mới biết anh muốn đạt được những điều đó vì yêu em. Làm vợ anh đi!
Oanh ngơ ngẩn hồi lâu. Sao đến bây giờ anh mới nói điều đó? Tuổi cô giờ đâu còn cảm giác mơ mộng yêu đương. Từ lúc người chồng yêu quí bỏ lại cô trơ trọi với đứa con bé bỏng, Oanh tự mình vừa là đàn bà vừa là đàn ông trong gia đình. Địa vị, danh vọng có được bây giờ là cô phấn đấu bằng máu của óc và sức sống của tuổi xuân và cũng vì đứa con, vì chính bản thân muốn đem lại cho mảnh đất sinh ra cô chút gì đó. Oanh cố tình quên bỏ những rung động tận đáy lòng để làm tròn bổn phận của mình. Phong đột nhiên gợi lại bằng lời cầu hôn thẳng thừng như lời từ chối trở về Việt Nam thuở trước. Oanh bỗng rơi vào một ngã rẽ không lối ra. Vòng tay Phong xiết chặt cô thêm: “Nhìn thẳng vào anh! Em không còn gì để lẩn tránh anh nữa”. Oanh ngả đầu dựa vào khuôn ngực vững chãi. Cảm giác được che chở thật dễ chịu! Dường như có từ lâu lắm...Cô nhắm mắt để tận hưởng. “Trả lời anh đi!”, Phong thì thầm. Oanh mở mắt trở về thực tại. Cô chợt thấy mệt mỏi lạ lùng. “Có đủ sức để xây lại từ đầu không?”, cô tự hỏi mình. Oanh khẽ đẩy anh ra: “Cho Oanh thời gian. Đã mất hai mươi năm, đợi thêm một ít có sao?”
Ba hôm sau, Oanh đến văn phòng của Phong, trả lời không đồng ý. Cô không muốn thay đổi cuộc sống hiện tại dù lời đề nghị của anh cô đã chờ đợi suốt quãng đời đẹp nhất. Oanh rời khỏi, Phong ngồi thần ngơ ngẩn. Bao năm qua anh cố gắng bằng tất cả sức lực để đạt được sự nghiệp, tiền tài vì anh không muốn làm cô thất vọng nữa. Cô từ chối anh, bỏ lại anh một mình trên con đường đời đang trải. Phong không biết mình phải làm gì đây. Đích đến của anh bỗng biến mất. tình yêu của anh dành cho cô hoàn toàn vô vọng. Cô không hề yêu anh.
Phong trở về nhà riêng say khướt. Cô em gái Phong nhờ đến trông nhà đang chờ anh. Thấy anh xiêu vẹo, ngả nghiêng, cô đưa tay đỡ. Phong hất ra giận dữ. Phong bắt đầu đập phá lung tung đồ đạc trong phòng khách. Cô em sợ hãi nhìn anh. Chưa bao giờ Phong say đến thế. Phong cười sằng sặc, ngã lăn xuống ghế sa-lông. Phong hất tung bàn ghế, ném bất cứ thứ gì trong tầm tay ra sân, miệng lảm nhảm gào thét. Cô em gái sợ quá, chạy ù lên ban bảo vệ khu phố nhờ hai anh công an khu vực đến nhà ngăn Phong lại. Phong vùng giẫy dữ dội. Hai người công an vất vả lắm mới giữ được chặt, giải anh lên trụ sở. Mặt anh va vào tường xây xát một vệt lớn. Oanh đang thả bộ về nhà gặp họ. Cô ngạc nhiên, yêu cầu họ đưa Phong trở về nhà. Phong lúc này đã mềm nhũn không còn kháng cự nữa. Họ đặt anh nằm lên ghế. Oanh bảo họ cứ về cô sẽ trông chừng anh. Oanh đặt túi xách xuống ghế đi vào trong lấy khăn thấm nước. Cô cầm khăn trở ra đã thấy Phong ngồi ngả đầu vào lưng ghế, mắt nhìn trừng trừng lên trần nhà. Anh khô khốc:
- Oanh đi đi! Tôi không sao.
- Tôi đưa Phong vào phòng nghỉ rồi sẽ đi. Say lắm phải không?
- Tại sao còn quan tâm đến tôi? Tôi không cần!
Phong thét lên. Anh vụt đứng dậy, lao lên cầu thang về phòng ngủ của mình. Oanh nghe tiếng anh đạp cửa rầm rầm, rồi tiếng nước ào ào từ vòi sen chảy. Oanh dằn lòng lấy túi xách định ra về. Cô hiểu lời từ chối của cô làm anh thất vọng, nhưng không ngờ anh ra nông nỗi này. Lẽ ra anh phải quên cô ngay và xem chuyện cầu hôn cô chỉ là trò đùa. Suốt từng ấy năm Oanh chưa bao giờ tin anh yêu cô. Nỗi đau của cô như một vết ố trên tấm ảnh, lan dần, lan dần đến một lúc nào đó sẽ hủy diệt hết hình ảnh trên đó. Cô lưỡng lự không biết có nên bỏ mặc anh hay vào an ủi anh mấy lời. Oanh đứng gần năm phút. Phong vẫn dầm mình trong vòi nước xối xả phun. Oanh không đành lòng, lên lầu tìm anh. Phong đứng như pho tượng cho vòi nước dội thẳng xuống đầu. Chiếc ao sơmi bị anh ném dưới chân trông thật thảm hại. Anh nhìn cô bớt hung dữ. Oanh lại gần anh, với tay khóa vòi nước. Phong quay phắt lại, trừng mắt rít:
- Đi đi! Nếu không tôi sẽ...
Nắm đấm giận dữ của anh chỉ cách mặt Oanh một gang tay. Oanh không ngờ anh phản ứng dữ dội như vậy. Cô hơi giật mình, rồi bình thản đứng im:
- Nếu đánh tôi dễ chịu hơn, Phong đánh đi!
Hai người đối mặt với nhau. Họ nhìn nhau, chìm vào cảm xúc riêng. Tiếng nước từ người Phong nhỏ tí tách xuống nền. Thật lâu, Oanh khẽ khàng đưa tay sờ lên vết xước rướm máu trên má anh. Cô xót xa, khẽ thở. Phong bỗng chồm lên ôm ghì lấy cô. Anh hôn như điên như dại lên mắt, lên môi cô. “Đừng quay lưng với anh! Mười lăm năm anh cố sức vì yêu em. Đừng...đừng...”
Oanh cố hết sức đẩy anh ra. Sức vóc mỏng mảnh như cô sao chống chọi lại anh.Phong nhấc bổng cô dễ dàng. Mặc cho cô đấm đá, cào cấu, anh vứt tất cả mọi thứ trên người cô xuống giường. Anh muốn có cô. Cô phải thuộc về anh như bao năm anh đã đợi. Oanh cảm thấy rã rời. Bàn tay rám cứng cuống cuồng kia làm Oanh rùng mình. Mười mấy năm rồi, làn da cô thiếu vắng người ve vuốt. Hơi ấm, mồ hôi mặn mặn, vòng tay xiết chặt. Oanh chợt thèm chui rúc vào vòng tay ấy tìm lại cái gì lâu lắm đã bỏ quên. Cô quên bẵng tất cả, hòa vào từng đợt cảm xúc run rẩy anh truyền vào cô...
Oanh nằm im trong vòng tay anh. Phong vuốt nhè nhẹ những sợi tóc rối bời. Họ im lặng. Thật lâu, Oanh chợt hỏi:
- Anh vui không?
- Giữ trong tay người đàn bà mình yêu, đạt điều mình mong ước. Có gì hơn không? Làm vợ anh đi!
Oanh chống tay ngồi dậy. Cô nhìn cái khung hình treo tường một lúc, nói:
- Không. Em sẽ đến lúc nào Phong cần. Em còn...
Phong bật đẩy cô ra. Ánh lửa trong mắt lóe lên, anh nhìn cô, giận dữ:
- Thương hại! Tôi không cần em bố thí. Nếu suốt cuộc đời này không có em thì tôi cần gì nó? Cô ra khỏi đây. Tôi bị người ta khinh khi, tôi không sợ. Đã chứng minh cho họ thấy, tôi không phải là thằng hèn mạt kiếp. Người ta chà đạp tôi, mặc kệ. Tôi chỉ cần có em. Sao em cũng quay lưng không thương tiếc? Cô cút đi!
Oanh tái xám nhìn Phong giận dữ điên cuồng. Phong kéo hộc bàn lấy ra một sấp tiền dày cộm nhét vào tay Oanh. Anh nhếch cười ngạo nghễ:
- Trả công cho cô, trước tới giờ chưa người đàn bà nào làm tôi thỏa mãn đến thế. Cô xứng đáng nhận.
Oanh mở to mắt nhìn anh tưởng chừng như rách khóe. Môi cô nhợt nhạt run run. Phong nhặt cái túi xách ném vào mặt Oanh. Vật dụng trong túi rơi ra tung tóe. Oanh cúi xuống nhặt chúng lên. Cô cẩn thận bỏ xấp tiền vào túi. Mắt sâu thẳm thất vọng, cô nhìn anh, câm lặng bước ra khỏi phòng. Tiếng giày gõ xuống nền nhà đều đặn xa dần. Phong chụp lấy cái gạt tàn ném đánh choang vào khung ảnh trên tường. Mảnh thủy tinh rơi loảng xoảng. Đầu Phong ù ù mờ mịt. Anh đổ sụp xuống nền nhà. Tay anh chạm vào một vật cứng dưới sàn. Quyển sổ tay của Oanh còn bỏ sót. Phong nhặt lên, từ bên trong rơi ra một tấm ảnh. Tấm ảnh bán thân của Phong làm quà tặng năm nào đã ố vàng.
Phong giơ tấm ảnh lên cao để đọc dòng chữ lờ mờ phía sau: “Bao giờ anh trở lại? Sao anh đi đi mãi...”. Bao nhiêu năm qua Oanh yêu anh tuyệt vọng.
Chỉ trong một phút điên giận mà anh đối xử với cô thật tàn nhẫn. Phong nắm quyển sổ, chạy lao xuống nhà. Xuống hết bậc thang cuối, anh nghe tiếng bước chân Oanh quay lại. Oanh nhìn anh không hờn giận, không tình cảm, yêu cầu:
- Tôi muốn mượn áo mưa. Trời khuya, mưa lớn quá.
Phong chững lại. Anh không dám bước đến gần cô. Oanh được bao bọc trong một không gian lạnh lẽo, đặc quánh. Anh chỉ tay về phía treo áo. Oanh gật đầu bước đến lấy. Cô quay ra cửa. Phong ngập ngừng:
- Của Oanh.
Oanh với tay ơ thờ lấy quyển sổ. Phong lấy hết can đảm giữ tay cô, đặt vào đó tấm ảnh. Nhìn tấm ảnh, tay cô khẽ run. Nước mắt cô bỗng trào ra, rơi xuống tấm ảnh. Oanh rút tay lại, mở túi xách lấy ra xấp tiền. Đặt cả ảnh và tiền vào tay Phong, cô nghèn nghẹn:
- Của anh. Trả lại anh.
Oanh bước đi. Phong ném tất cả xuống đất. Anh nắm tay kéo giật cô lại. Anh ôm chặt lấy cô như sợ cô bay mất. Úp mặt vào mái tóc dài đẫm đuộc, Phong bật lên những điều tự đáy lòng:
- Tha lỗi cho anh! Anh đã hiểu vì sao mỗi lần gần có được em là anh lại mất. Anh ích kỷ. Anh chỉ biết có anh. Đừng bỏ đi, Oanh ơi!
Cô đứng lặng không lời để nói. Vòng tay anh chặt quá làm cô thấy nghẹt thở. Oanh ngu ngơ không nghĩ được gì nữa. Tiếng mưa ầm ào ngoài kia đưa Oanh về khoảng thời hoa niên...Người con gái ngước nhìn người bạn trai đứng che mưa cho mình...Mắt ai sáng lắm...Cô khẽ cười một mình “Mắt lửa!”.

Xem Tiếp: ----