Nhà nằm lọt thỏm giữa thung lũng, ngẩng lên thấy mây vần, ngó ra thấy rừng rú. Mỗi chiều về, cái mảnh trời nho nhỏ hình khum bát lại trở dạng màu trovạc, như ánh mắt buồn buồn. Ẩn giữa vườn tốt tươi cây trái, từ trên đỉnh núi nhìn xuống, nhà giống một nốt ruồi son trên khóe miệng cô gái đôi tám xuân thì. Ông nội bảo, đất này thiêng lắm, ban phúc lộc đời đời. Phải biết phụng thờ thần rừng, chúa đất. Ông nội là người nặng nợ với quê nhà, thuộc nhiều tục xa tích cũ. Từ bé tôi đã sống trong tinh thần thấm đẫm những câu chuyện kể của ông. Nó từa tựa huyền thoại về những chốn linh thiêng, mà mỗi khi nhắc đến không khỏi trầm trồ thán phục. Ông kể rằng, ngày tôi sinh thì máy bay quân bành trướng vè vè qua đỉnh rừng. Bố đi biệt không về, mẹ ôm tôi ngằn ngặt khóc đói sữa trong hầm tăng xê. Lúc ấy, ông phải vác thuổng vào núi đá đào củ
mài về nấu cháo. Đêm về, lại thức hút thuốc lào xéo xoét bên bếp lửa để xua cọp khỏi rình chuồng lợn. Ông bảo, cái buổi loạn ly, nghĩ sao mà cực. Rồi ông nhướng mày nhìn về phía trước nhà, rừng xanh đang bạt ngàn xanh còn tóc ông thôi phai màu nữa, bạc phơ như một vòm mây mỏng. Ông nội ung dung và tự tại, một vẻ đẹp lâu bền như màu xanh nơi mảnh đất này vốn tự nhiên mà xanh mê xanh mải vậy.
Khi tôi lớn lên thì mọi thứ đã khác trước. Người ta lấy ngựa thồ vật liệu về để xây nhà gạch; những ngôi nhà sàn đẹp, mềm mại như vạt áo cổ tích mất dần trong trí nhớ trẻ con. Bố rục rịch làm nhà, ông nội gạt đi, nhà sàn ở cho mát, nhà ngói làm gì cho nó khổ sở ra. Thế là bố đành chịu. Bố ngồi nghe ông nội kể chuyện những ngôi nhà sàn cả trăm gian rộng, từ lan can những dải lụa, thổ cẩm phấp phới bay mà chẳng thấy bóng người. Ai vào đó có tiếng ma gà đếm từng bước chân. Khi ấy, tôi nghe chuyện thấy mông lung hư thực. Nhưng nhiều phần tin. Và mãi đến sau này, khi đã qua thời tuổi dại, đôi khi tôi vẫn giật mình, ngỡ như lời ông nội có điều gì báo ứng.
Năm mười tuổi, tôi được ông cho theo phường săn. Năm nào cũng vậy, cứ ăn qua rằm tháng Giêng là ông lại họp quân, chuẩn bị súng ống. Rồi một ngày đẹp trời, trưa vàng hong nắng, phường săn vác súng, dẫn bầy chó săn đi. Trước lúc xuất phát, ông nội thắp một nén nhang lên bàn thờ, như lời báo cầu đến thần rừng chúa đất. Tôi được ông đặc cách đi theo họ. Đám trẻ trong làng nếu muốn đi theo phải qua một cuộc thi tài, ấy là vượt từ bờ này qua bờ kia con sông Cái. Đứa nào về nhất sẽ được đi cùng với tôi. Ông bảo, đấy là người ta muốn rèn cách cho mấy đứa thành tài để thay lớp người già. Bố bảo, thời chúng mày không phải sinh ra chỉ để làm mỗi một việc đi săn và cưới vợ. Ông nội ừ hử, giận lắm nhưng rồi vẫn cho chúng tôi theo. Cứ một hồi súng nổ, chó ran ran sủa, để chiều kẻ khiên người vác tụ về sân nhà tôi. Dây chim bẫy được hai chúng tôi xách đầy trên tay. Người tay dao, người tay thớt, mỡ nổ xèo xèo, thịt lợn rừng quay với lá mắc mật thơm đẫm cả thung lũng, vượt sang cả bên kia sông. Đầu con thú lớn nhất được bày mâm cúng. Cúng xong, thịt thà pha tất ra, thái vuông quân cờ, chia đều cho từng nhà. Ông gói vào lá chuối nướng cho chúng tôi một gói tướng, bảo là lộc xuân. Lộc xuân gồm những cái lưỡi, cái tai, và những miếng thịt hổ lốn, để tôi thò tay nhón từng miếng rồi vừa đùa chạy huỳnh huỵch vừa nhồm nhoàm nhai cho tới no lặc lè. Người nào bắn trúng ức con thú thì cả năm được mọi người quý trọng nể vì. Còn đám trẻ cùng xóm, chẳng cần bình bầu, chẳng ai giành giật, tôi nghiễm nhiên đóng vai thủ lĩnh trong mọi cuộc chơi… Những mảnh ký ức rất đậm ấy sau này tôi kể cho thằng bạn thân nhất người thành phố. Nó nhìn tôi, cười nhăn mũi, mọi rợ thế. Tôi vặc lại, còn mày thì ngu ngốc. Tôi cắt đứt tình bạn với nó. Bố biết chuyện bảo, ra thành phố thì những chuyện như thế con chỉ nên giữ lấy cho riêng mình.
Hè năm mười sáu tuổi, tôi bỏ hết những lớp học thêm, bỏ cả đợt tham quan biển Trà Cổ để về nhà xin ý kiến bố về đường hướng cho ngày mai. Lúc này, bố đã bỏ việc ở trên huyện vì những lý do chẳng ra sao. Đơn giản là bố không chịu luồn cúi. Bố về nhà, theo đám đàn ông trong làng đi ngược con sông Cái lên mãi miền Thượng du để làm nghề Sơn Tràng. Tôi thấy mẹ vẫn bươn bả với nương lúa mố, nhà cũ đã lần hồi vẹt ngấn thời gian. Ông nội thì đã già lắm, cứ ra thẩn vào thơ với câu hát nửa miệng, giống như những lời ước ao:
"Giá mà tôi ở trong rừng
Chim kêu vượn hót, nửa mừng nửa lo"
Tôi nhìn ông, nhà mình vẫn còn ở rất sâu trong rừng. Ông nội lắc đầu, thế này mà mày gọi là rừng đấy hẳn? Mày ăn lộc rừng từ bé, mày được cái chữ cái nghĩa vào người, mày thử nghĩ xem đi chắt hết rừng để lấy cái đút vào mồm là tốt hay xấu? Ông nội cũng đã nói câu đó trong buổi đi săn cuối cùng. Khi ấy bố đang ướp rượu rắn, bảo là làm thằng đàn ông con trai mà nghèo thì hèn lắm. Ông nội gắt, cả đời tao ở đây, ai dám nói tao hèn? Bố lắc đầu im lặng. Cái sự không chấp nhặt người già chứ không phải sự quy phục.
… Tôi hỏi mẹ, đợt này bố con đi đâu? Mẹ bảo, đi Vân Lăng, chắc phải hơn tháng. Tôi bảo, con cần gặp bố. Ông nội bảo, vào đấy làm gì, rừng thiêng nước độc. Chao ôi, cứ ngẫm mà sợ. Rồi không chết bất đắc kỳ tử cũng chứng nọ tật kia. Tôi bảo, bây giờ khác ngày xưa. Chắc lúc ấy ông định nói đến những ngôi nhà sàn phấp phới thổ cẩm, đẹp như thiên đường bờ xôi ruộng mật mà lại có ma gà đếm bước… Mẹ tôi gói túi cơm nắm cho tôi bảo, đi ngược sông cho dễ, đi chi đường đèo cho cực trần ai. Con sông Cái chảy vắt ra làng như một người bạn đời thân thiết. Mẹ tôi bảo, từ ngày về đây làm dâu, thì con sông cũng đã trắng đôi bờ lau lách và tím dại một loài hoa. Số mẹ tôi vất vả, cả đời đối mặt với cái nghèo đói, chắt chiu tấm áo manh quần cho chồng, cho con. Để đến giờ, tóc đã trộn lẫn xanh bạc bảy ba mà cái phận hẩm truân chuyên vẫn chưa dứt. Cả thời xuân trẻ, mẹ vắt sức mình trên nương mố và chờ đợi, đến nỗi sự nhẫn nại đã thành quen, miễn trừ được hết thảy những cú sốc rình rập lơ lửng đâu đó trong cuộc đời. Chưa bao giờ mẹ cản tôi điều gì. Mẹ yêu thương tôi bằng một tình yêu thương riêng biệt, bằng một mạch ngầm lan tỏa và có sức sống bền dai.
Tôi nghe theo lời mẹ, lần theo ngược bờ sông. Ngày trước sông xanh và tha thiết chảy, nhìn xuống thấy bóng cây rừng la lả bắc những nhịp cầu sang. Bây giờ sông ngòn ngòn đỏ, đâu đó trên miền thượng du người ta đang hì hục đãi vàng. Vừa là canh bạc với cuộc đời vừa là kế sinh nhai. Hồi còn học ở trường làng, tôi vẫn thường theo bố ra sông để học bơi. Bố lặn ngụp thần tình như một con rái cá. Tôi đùa nghịch vang cả mặt sông. Về sau này, khi tóc bạc về nhà, bố vẫn ra sông, ngóng sang bờ cây hoa tím và hoang hoải sa bồi, xa xăm những túp nhà đơn cách như những dấu lặng. Tôi hỏi, bố tìm gì? Bố bảo, chả tìm gì, cái điều đó không tên tuổi. Lại hỏi, bên ấy thì có gì? Chả có gì, toàn những cuộc đời chen lẫn vào nhau. Bố nhả khói thuốc như bắc cầu vồng qua bên kia sông. Chắc bên ấy bố có nhiều kỷ niệm.
Thứ nhất mất mẹ mất cha
Thứ nhì gánh vã, thứ ba Sơn Tràng
Bố bỏ đi làm thợ rừng, ông thường thơ thẩn hát thế. Mỗi lần tôi về, ông thường ngâm nga và bảo, sướng chẳng biết sướng, rừng xanh núi đỏ, vào đấy rồi biết sống chết ra sao? Lần này tôi lại bỏ đi rừng tìm bố. Tôi muốn bố chính thức có lời quyết định. Thực tình tôi muốn ra đi, muốn đổi đời bằng ngôn Ăng-lê xa lạ. Ông nổi cáu, mày sinh ra từ đâu, mày sống lên từ đâu. Hừ, coi chừng thần rừng phạt mày. Có lần cũng câu chuyện này, bố đã cải lại ông, ông phải để
nó sống cho chính nó, bây giờ chúng nó phải sống khác ông và con. Ông nội nhìn những đám khói thuốc lớn phía trước mặt: Khác gì? Mày sống ở đâu, mày chết ở đâu, bao giờ chẳng thế? Câu chuyện vẫn thường lửng lơ thế, mà tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ làm cầu nối cho sự hòa hợp. Tôi còn miên miết theo những cuộc đua ở dưới phố. Tôi cũng chẳng biết rồi mọi chuyện sẽ đến đâu… Nhưng hôm nay thì tôi vẫn phải đi. Tôi đi bên con sông buồn bã chảy. Tôi đi.
cuộc sống đang vươn cánh tay cường tráng đến từng nẻo đất hoang nơi đây. Tôi thấy người ta trồng ngô, trồng sắn, những đám dưa gang nằm lăn lóc như lợn con. Làng càng lúc càng xa mờ. Mình tôi đi. Không ai cho tôi đi đường khác cả. Phía trước tôi là những cách rừng đá dựng. Phía sau tôi là thoai thoải một triền sông. Tôi đi, cùng bên tôi là ký ức về những vùng bên sông ám ảnh bố bởi bạt ngàn hoa tím.
Đêm. Tôi trèo lên chạc cây ngồi ngủ để tránh thú dữ. Tôi ngồi đó, lơ mơ trong tiếng réo âm vang của rừng già. Cứ thế, ba ngày liền thì tôi đến Vân Lăng.
Từ rất xa đã ngửi thấy mùi nghiến cháy cay xè cả mắt. Một mùi kỳ lạ xồng xộc vào mũi, vào các giác quan, thấy nôn nao. Đến đêm thứ ba thì tôi mệt quỵ. Tôi gục lả bên gốc trám già. Và khóc, nước mắt đắng chát đàn ông.
Khi tôi tỉnh dậy thì đã tảng sáng. Sương mai trắng đục như sữa nhú ra sau những rặng rừng. Ngoài cửa lán nghe tiếng mài cưa đục, tiếng búa bổ chan chát và những câu chuyện tiếu lâm kèm theo rất nhiều tiếng cười. Đám trai làng, những đứa trẻ nghe chuyện ma gà và thi vượt sông để theo phường săn giờ đã lực lưỡng, tấm lưng để trần như tấm phản gỗ lim. Học cười đùa, họ vô tư lự nhìn tôi. Họ đã sống bao ngày rồi như thế này?
Bố nhìn tôi rất lâu. Trong giây phút lặng yên ấy. Tôi bỗng nhận ra tuổi già đã lần tìm được bố mất rồi. Tôi im lặng nhìn ra phía ánh sáng. Và tôi hỏi bố về những trường đại học của đời mình. Bố nhìn theo những vệt sáng trên những luồng rừng đã bị phát sạch. Người ta sẽ mở qua đó một con đường. Bố bảo, tùy con. Nhưng chàng trai, hãy bắt đầu bằng đôi chân này, cho dù nó có phồng rộp và bỏng rát. Tôi cũng thôi hỏi bố, thôi nhắc về phần ký ức bạo liệt của người từ thời trai trẻ. Nó đã thuộc về ngày hôm qua rồi. Hôm nay, bố đã hiện hữu với vóc dáng già nua, chòm râu rậm rạp như cánh rừng nguyên sinh không thèm cạo. Nhưng ánh mắt bố thật sáng, tràn trề hy vọng. Cái hy vọng ước mơ chảy truyền qua dòng chung huyết thống.
Sau chuyến đi rừng ấy, chẳng biết tại những lo toan cật lực suốt đời hay bi “Trời đánh thánh vật” như lời ông tôi đoán mà bố tôi đau ốm, lưng người còng rạp xuống như một dấu hỏi lặng thầm.
Rừng bây giờ bạc nhiều, người ta đang phá nốt những tán rừng còn lại để trồng quế, trồng hồi theo dự án. Ông nội vẫn hát “ Giá mà tôi ở trong rừng…” nhưng bố chẳng còn hơi sức đâu mà bực dọc như xưa nữa. Hàng ngày bố chỉ còn nhóng đôi mắt hàng bạc lên những cánh rừng thưa còn sót lại nhưng mong đợi điều gì. Ánh mắt ấy chẳng biết có giống ánh mắt xuân sắc của mẹ đợi chờ không?
Tôi ra thành phố, học mãi học mê, chẳng máy dịp về nhà. Nhà thì mãi thế, ba người ngày một già đi ngóng theo tôi trên con đường gập ghềnh. Tôi biết, một mai nó sẽ bị bào mòn và sẽ phẳng phiu hơn. Nhưng mỗi lần đặt tên cho những khát khao, tôi vẫn thường hướng về miền cây lá sinh sôi của mình. Tôi sinh ra và lớn lên từ vùng xanh thẳm đầy huyền hoặc ấy. Cái thung lũng màu tro vạc, nơi mà rừng cây cũng trường tồn và có cả khi thăng trầm như cuộc sống vậy. Cuộc sống luôn luôn ẩn dật và chảy truyền. Nó lúc nào cũng bắt đầu từ những đứa con.

Xem Tiếp: ----