Chả cứ gì riêng tôi mà mọi người già ở trên đời này đều có lúc ước thầm như thế dầu biết rằng lời ước ấy vừa tham lam vừa vô lý. Mọi niềm vui ở đời chỉ nhằm phục vụ cho người trẻ. Thấy nhiều bạn trẻ mới có tí tuổi đầu đã làm ra vẻ đau khổ, sầu nảo hoặc tự giam mình trong cảnh tuyệt vọng muốn điên cái đầu. Có tuổi trẻ là có tất cả, nó có thể sửa chữa mọi lầm mỗi, hàn gắn mọi vết thương và cho phép làm lại, bắt đầu lại một đôi lần. Giàu có đến thế, quyền lực đến thế không chịu dùng cho hết lại ngồi chờ đợi, than vãn có phải là rất... ngu không?
Dạo đầu một chút để nói về những bạn viết trẻ. Tất nhiên là họ có những điều kiện mà những thế hệ viết văn trước họ không thể có. Điều quan trọng hơn cả là họ được sống một thừi thông thoáng hơn ngày xưa nhiều, dân chủ hơn ngày xưa nhiều. Chỉ riêng một việc quản lý xã hội bằng pháp luật đã bớt đi bao nhiêu trói buộc phi lý, tuỳ tiện làm bản lòng người, bào mòn con người. Con người với những nhu cầu của nó, những ước mơ của nó đã được tôn trọng. Cái môi trường dân chủ tự do và tôn trọng cá nhân là điều kiện trước hết để những tài năng sáng tạo được đua nở. Mới trong khoảng mươi lăm năm nay nhiều tài năng trẻ trong nghệ thuật, trong khoa học kỹ thuật, trong quản lý kinh doanh đã lần lượt xuất hiện, mới lạ, táo bạo là một bằng chứng về sự thành công của sự nghiệp đổi mới. Tuy nhiên...
Tuy nhiên một nghịch lý mới đã xuất hiện, điều kiện làm việc tốt hơn, môi trường sáng tạo thuận lợi hơn nhưng những thành phẩm của sáng tạo văn chương lại vặt vãnh, thiếu tầm cao, không tạo được những ấn tượng đẹp có sức ám ảnh lâu dài. Có thể tầm nhìn, tầm nghĩ của các tác giả còn hạn hẹp quá, ngắn quá, nông nổi và vội vã, thiếu hẳn sự khao khát cái hoàn mỷ trong nghệ thuật. Tính cách nhân vật đa dạng, phong phú, chuyện đời chân thật, nóng bỏng, hơi văn tự nhiên, mềm mại, nhưng đọc xong cứ như bị ngạt, thiếu hẳn một khoảng trời để mơ mộng, để hy vọng, để bay tới. Văn chương thời chiến tranh và sau chiến trang thì mênh mông, lãng mạn, làm náo nức lòng người nhưng nhân vật đơn điệu, chuyện đời bị câu thúc bởi nhiều quan niệm thủ cựu, hẹp hòi, hơi văn khô khan, giáo huấn. Nói nôm na đọc văn thời trước thừa lý tưởng, thừa lòng tin nhưng thiếu sự từng trải, lúc trẻ đọc thấy hay vì mình với nhân vật là một, về già đọc thấy việc đời không giống mấy với văn chương, nó phức tạp hơn nhiều, khó hiểu hơn nhiều. Niềm tin mạnh nhưng thiếu những số phận sóng gió, từng trải để minh chứng cũng không thể viết được một tác phẩm để đời. Chỉ miêu tả những số phận nghiệt ngã mà thiếu hơi nóng bỏng của niềm tin thì văn chương cũng mất đi lý do để tồn tại. Những người cầm bút từ thời chống Pháp rất biết cái thiếu sót của mỗi thời, rất muốn dung hoà với những cái mạnh của mỗi thời để co được một chất liệu hoàn hảo, vững bền dựng đài tưởng niệm một thế kỷ có nhiều bóng tối nhưng cũng tràn ngập ánh sáng, thơ ngây cũng nhiều mà từng tải, trưởng thành lại càng nhanh. Nhưng, hỡi ôi, đã già rồi, sức viết và sức nghĩ đều yếu nói chi đến việc nhào nặn một sự nghiệp đã định hình.
Ước gì tôi được trẻ lại vài chục năm nhỉ? Cao vọng nghệ thuật của tô sẽ cao xa hơn ngày xưa. Tôi đã có thể nhìn ra thế giới để nhận biết, để so sánh những tiêu chuẩn của một tác phẩm nghệ thuật có sức sống lâu bền. Phương pháp sáng tác hiện thực đã không còn là duy nhất, không còn là đủ với những từng trải, những mơ mộng của hôm nay. Nhưng tôi là người hay lo xa nên phải tự hỏi, nếu trong cuộc phiêu lưu mới mình lại không thành công như đã mong đợi thì sao? Những bằng chứng thất bại của người này người kia buộc mình phải ngờ vực điều đó. Phàm đã viết hoặc vẽ có mẫu thật thì hay hoặc dở biết ngay, có tài hoặc bất tài cũng biết ngay. Còn viết ảo, vẽ ảo thì khó biết lắm, có thể là tuyệt hay, tuyệt đẹp, là siêu nghệ thuật mà cũng có thể là một cách đánh lừa mình, đánh lừa thiên hạ. Mình thì thành thật nhưng tài chưa tới nên hoá ra người đi lừa. Cãi nhau quanh chuyện thật còn dễ phân biệt phải trái chứ cãi nhau quanh chuyện ảo thì càng vuất càng rối, càng viết nhiều chữ nghĩa, chữ nghĩa cũng ảo cả. Cái chuyện này phải đợi thời gian và phải đợi cả công chúng. Có những câu thơ:
- Đáy đĩa mùi đi nhịp hải hà - Nhàn đàn rót nguyệt vú đôi thơm” sau nhiều chục năm vẫn còn nhiều người làm thơ khen là những câu thơ hay dẫu rằng cũng không mấy ai hiểu được nó hay như thế nào. Cái hay của văn thơ là mênh mông lắm, rất khó quy vào những tiêu chuẩn cụ thể. Lý sự quá thì hoá ra người nghiệt, nông nổi quá hoá ra người... ngu. Nếu trong hội hoạ, có nhiều danh hoạ đã chia sự nghiệp sáng tạo của mình làm nhiều thời kỳ, thời xanh, thời hồng, vân vân, thì tại sao người viết văn lại không thể có nhiều thời kỳ trong quá trình sáng tạo của mình: thời hiện thực, thời ấn tượng, thời siêu thực hoặc ngược lại. Thoạt đầu ta nhìn cái nhà là một cái nhà. Rồi tới lúc nhìn cái nhà mà như thấu hiểu cả số phận những người ở trong nhà, số phận một góc phố, một đoạn đường, một thời thế. Màu tím của thời gian, màu đỏ của sương mù là những cái ảo phải trải qua sự từng trải nhiều khi cả một đời người mới có. Với tôi, theo cách nghĩ của tôi, khi chưa vươn tới cõi ảo thì tôi đặt hết mình vào cõi thực. Thời này được viết đúng như thực tế đang diễn ra cũng là đủ mãn nguyện với một tài năng ở mức trung bình. Cứ viết đúng như sự vật vốn có, những điều cấm kỵ đã thành văn bản, thành luật lệ, công khai, đoàng hoàng chứ không còn qua sự thì thầm tuỳ tiện của người này hay người kia, tức lá đã được viết trong tự do một cách nhìn, một cách nghĩ của riêng mình, của một lớp người, dẫu chưa là một tác phẩm nghệ thuật như mình mong đợi thì vẫn cứ là những bằng chứng chả kém giá trị một tí nào về một thời đã sống. Chả hơn cao thì với chưa tới, thấp thì không thèm quan tâm, về già rút lại tay trắng, là một kẻ vô danh với những mộng mơ hão huyền, có hối tiếc cũng đã muộn. Vì tuổi trẻ chỉ có chừng ấy năm. Qua tuổi năm mươi mọi sự coi như đã an bài. Chẳng phải số phận gì, chẳng qua chưa biết dùng cái tài của mình cho đúng mà thôi.

Xem Tiếp: ----