Danh lợi ư? Quyền lộc ư? Tôi chán ngấy tất cả và đã đi đến quyết định trở về làng. ở đó tôi có mẹ, có người thầy đầu tiên từng dạy tôi những bài học vỡ lòng về đạo làm người. Tam tự kinh "Nhân chi sơ, tính bổn thiện..." ở làng còn có nấm mồ mối tình đầu của tôi... Nghĩa là về với làng, tôi sẽ có tất cả. Mỗi khi lòng mình lấn bấn, trí mình tù túng, bức bối, tôi lại trở về làng. Quê hương bao giờ cũng dành cho tôi lời mách bảo đúng đắn nhất để mình vững bước trên đường đời.
Về tới làng, việc trước tiên, tôi tới thăm thầy học. Thầy sống thọ, tuổi đã ngoài tám mươi mà da dẻ vẫn hồng hào, râu tóc dù đã bạc nhưng đầu óc còn minh mẫn.
Chỉ tội, đôi mắt thầy, vì bom đạn chiến tranh, giờ chẳng còn nom thấy gì.
Thầy tôi đang ngồi ở tràng kỷ với cái điếu bát đặt trên bàn. Tôi bước vào và lễ phép chào thầỵ
Một nét mừng rỡ thấy rõ trên gương mặt thầy:
- Ai như anh Siêu? Lâu ngày anh mới về làng.
- Thưa thầy, thầy nhận ra con sao?
- Trời phú cho kẻ kém mắt. Tôi vẫn nhớ tiếng nói của anh.
Thầy đưa tay ra hiệu bảo tôi ngồi xuống bên, rồi sờ sờ lên mái tóc tôi, vuốt xuống má, xuống cằm, xuống cổ, xuống hai vai tôi... bao âu yếm cứ như với một cháu nhỏ.
Đoạn thầy hỏi:
- Tóc anh bạc chưa?
- Thưa thầy, đã hết nửa mái đầu.
- Nghe ra tiếng nói của anh còn khỏe.
Thầy ngoái vào nhà trong, gọi cháu nhỏ đem nước chè xanh lên, và thầy trò chúng tôi bắt đầu câu chuyện hàn huyên... Hết chuyện nhà cửa họ hàng, sang chuyện xóm làng. Qua trò chuyện, tôi thấy lòng thầy toát lên một nỗi buồn: dân làng quá ít học hành, đã bao đời nay vẫn mang tiếng "làng dốt", "làng mít"...
Nhưng rồi, thầy trở lại an ủi:
- May còn có anh đi ra học được chữ nghĩa, làm nên nhà văn, cũng mở mày mở mặt cho xóm làng chút ít.
Qua lời thầy, tôi cảm thấy có gì xót xa trong lòng.
- Thưa thầy, con có đáng gì, chỉ là một nhà văn loại năm, loại sáu.
- Nhà văn cũng được xếp loại ư anh?
- Thưa thầy, đó là con tự biết và tự xếp lấỵ
Thầy khẽ gật đầu:
- Khiêm tốn, tự biết mình đó là đức tính đáng quý.
Nhưng con nghĩ, thầy cũng đừng nên quá buồn, chẳng qua xóm làng mình chưa tới vận hội. Song chả đến nỗi nào, làng ta cũng đã có người làm nên chức nên quyền rồi đấy, thưa thầỵ
- Anh muốn nói tới ông Gừng phải không?
- Dạ, thưa thầy, đó cũng là một ví dụ.
Thầy như chợt nhớ, đưa tay sờ lên trán và hỏi:
- Anh vẫn còn nhìn thấy vết sẹo ở đây chứ?
- Dạ, còn mờ mờ.
- Hồi nhỏ học với tôi, nhà ông Gừng ấy, đã lấy son tự khuyên vào bài mình. Thấy vậy, tôi mắng: "Đừng hỗn thế". Vậy là ông ta cầm cả đĩa son ném thẳng vào trán tôi, chữ thầy trả thầy luôn. - Thầy chép miệng, lắc đầu và thở dài - Nhà ông ấy, đã không có chữ lại không có nghĩa.
Đang lúc bên ngoài bỗng có tiếng ồn ào, rồi một đoàn người kéo thẳng vào sân nhà thầy. Trong đó có người lên tiếng hỏi:
- Cụ Mộc có nhà không?
- Có tôi đây. Ai như ông Riềng? Thầy tôi trả lờị
Người lên tiếng lúc nãy bước vàọ
- Đúng rồi, Riềng đây. Tôi có việc phải phiền đến cụ.
- Ông chủ tịch cần gì cứ nói!
Giờ tôi mới biết đây là ông Riềng chủ tịch xã. Đoàn người đi theo ông vẫn đứng lố nhố ngoài sân, nam có, nữ có...
- Chả là... - Tiếng nói ông Riềng rõ to - mảnh đất xã vừa nhượng lại cho tôi, chẳng rõ từ đâu, có mấy đứa cháu đang đào hố để tôi vôi, bỗng thấy lồi lên một tảng đá xanh, cao khoảng sải tay, rộng chừng bốn gang, một mặt có chữ, toàn chữ Hán. Thấy vậy chúng nó sợ quá liền mua hương thắp, rồi khấn vái. Thế là cả làng chẳng hiểu gì cũng đua nhau đem hương hoa khấn vái tùm lum... Ai lại làm thế! Bởi vậy, tôi mới phải vào, mời cụ ra đọc hộ xem những chữ khắc ở hòn đá đó.
Thầy tôi sốt sắng:
- Được, tôi ra ngay. Nhưng ông chủ tịch ra trước đi, cho người rửa sạch mặt chữ tôi mới đọc được.
Thầy liền đi rửa mặt mũi chân tay, mặc áo dài tươm tất, như người dọn mình để đến trước bàn thờ. Đoạn, thầy rủ tôi:
- Anh Siêu cùng ra chứ?
- Dạ, con đi với thầỵ
Quả tình, dân làng đang tụ tập ở thửa đất ấy khá đông, khói hương vẫn đang nghi ngút, cùng với những lời bàn tán to nhỏ:
- Vận làng đã đến, chữ nghĩa mới nổi lên.
- Sông có khúc, người có lúc. Lẽ nào dân làng ta chịu dốt mãi.
- Nghe đâu, ngày xưa, đây còn có cả miếu thờ thiêng lắm.
Ông Riềng, chủ tịch xã lên tiếng:
- Cụ Mộc ra đây rồi. Mời cụ đọc cho, xem đây là hòn đá gì? Kẻo nữa... bà con chưa gì đã hương khói, vái lạy tùm lum như vái bia bà...
Thầy tôi với vẻ trang nghiêm, như thuở trước thầy vẫn dạy học trò "phải biết kính trọng chữ thánh hiền". Đôi bàn tay gầy guộc, già nua của thầy run run sờ lên mặt đá, lần đọc theo dòng chữ từ phải sang trái... Tay thầy đi qua mỗi dòng chữ, gương mặt thầy một sáng lên. Tôi có cảm giác hai mắt thầy đang dần tỏ, có thể nhìn thấy sau những dòng chữ, trên mặt đá, có một điều gì khác, thiêng liêng lắm.
Thầy đọc xong, đứng lên, bắt thân áo dài lau mồ hôi trán.
Hàng trăm cặp mắt nhìn dồn vào thầy chờ đợị
Thầy tôi chậm rãi báo:
- Ông chủ tịch ạ, đây là tấm bia kỷ niệm ngày mất của ông Đặng Đình Lân, người làng ta. Ông thi đỗ tiến sĩ, khoa Đinh Mùi dưới triều Tự Đức.
Số dân làng vây quanh bỗng "ồ!" lên cùng lúc, tỏ vẻ mừng rỡ trước một chuyện lạ chưa bao giờ được biết. Và tiếp đó là những lời đàm đạo, bàn tán đầy phấn chấn nổi lên:
- Vậy mà ai dám bảo dân làng mình nghìn đời vô học.
- Đứa nào còn gọi làng mình là "làng dốt" "làng mít" đánh bỏ mẹ nó đi!
- Đúng, vận làng đã đến, liệu mà cho con cháu học hành, theo chữ nghĩa... mai sau...
Các cụ về hưu còn tỏ ra hăng hái hơn:
- Đề nghị đảng ủy, ủy ban làm đơn ngay lên Bộ Văn hóa xin công nhận di tích lịch sử.
- Phải rồi, nghe nói xưa còn có đền thờ hẳn hoi.
- Khó gì, ta xây lại đền.
- Đâu đâu người ta cũng có di tích lịch sử, chỉ tiếc mỗi làng mình, trách chi con cháu cứ dốt đặc cán mai.
Riêng ông Riềng chủ tịch xã vẫn đứng đỏ mặt, đầy hồ nghi:
- Cụ đọc chính xác không đấy, cụ Mộc? Bao đời nay, tôi chưa hề nghe ai nói dân làng mình lại có người học cao, đỗ đến tiến sĩ. Việc này phải xem lại, khéo không "mồ cha chẳng khóc, lại khóc tổ mối". Được, ủy ban, cấp ủy sẽ làm sáng tỏ chuyện nàỵ
Thế rồi, ngay ngày hôm sau, ông Riềng đã đáp xe lên tận Hà Nội, gặp ông Gừng là anh ruột, nghe đâu làm cán bộ gì ngoài đó, để thỉnh thị, xin ý kiến...
-... Em lạ chi, ngoài bọn mê tín dị đoan, lại còn có đứa ghen ăn tức ở, chả là... dằm đất đó đẹp, mai đây đường mở sát vào đấy thì cứ gọi đất đó hót ra vàng. Ngán nhất mấy lão về hưu làm đơn trương kiến nghị đi khắp nơi, gửi cả lên đài, báo, để xin công nhận di tích lịch sử.
Thử hỏi, di tích lịch sử cái quái gì, làng ta đã có đền thờ tiến sĩ... Chẳng biết chữ trên đó, cụ Mộc đọc có đúng không. Em chưa tin!
Ông Gừng lim dim mắt, như xem thấu xa xưa, rồi khẽ nói:
- Hồi nhỏ tôi loáng thoáng nhớ, hình như đó còn cái nền miếu thờ, thờ ai thì không rõ. Nhưng làng mình từ buổi chiêu dân lập ấp đến nay, nặn đâu ra được ông tiến sĩ nào... Nếu điều đó không có, thì thứ miếu thờ thần linh ma quái vớ vẩn, bộ nào lại công nhận là di tích lịch sử. Chú sợ gì? Được, tôi sẽ giúp địa phương lo việc này...
- Anh tính, ngay cạnh trường cấp một, chả lẽ để các cháu ngày ngày cứ nhìn thấy cảnh người lớn chổng mông lên cúng bái, hương khói mê tín dị đoan. Lại ở ngay trước cửa trụ sở đảng ủy mới chướng làm sao!
- Chú về lo khâu chuẩn bị vật chất để đón các nhà khoa học đến làm việc.
Ông Riềng cười:
- Chữ nghĩa làng mình mới thiếu, vật chất anh chẳng phải lo. Nhưng, đến khi công bố kết quả nghiên cứu anh nhớ về. Có anh, nhiều tay phải nể mặt. Mấy tướng hưu về làng, công thần bỏ mẹ.
Họ nói và họ đã làm, một thời gian không lâu, có ngay một đoàn cán bộ gồm các nhà sử học, văn học, Hán nôm, văn hóa về làng tôi. Dịp này tôi vẫn còn tại làng. Làng bỗng trở nên vui hơn, mấy bà hàng phở, cô hàng quà ngoài phố bưng hàng vào tận làng bán cho đoàn cán bộ, họ cứ ăn, tiêu, tiền nong đã có xã chịu, bia hộp mở xìn xịt...
Đáng nhớ nhất là ngày ủy ban xã đứng ra tập trung dân làng tại thửa đất có bia đá nọ để nghe đoàn cán bộ khoa học công bố kết quả nghiên cứu về "di tích lịch sử" của làng.
Hôm đó ông Gừng đánh xe con về dự. Xe đỗ ngay trước cửa đảng ủỵ Ông Gừng bước xuống và đi ra trước mọi gương mặt hân hoan kính nể của dân làng. Không thể bắt tay hết từng người, ông Gừng chỉ đến với lớp người có tuổi, quen biết ít nhiều... và, ông ta đã đến trước thầy Mộc:
- Thầy còn nhớ tôi nữa không? - Ông chào thầỵ
- Ông Gừng thì phải - thầy đáp lại.
- Giỏi! Thầy giỏi!
Thấy thầy Mộc sờ tay lên trán, chừng như ông Gừng chột dạ, nhớ đến chuyện cũ, đành cười và nói:
- Ngày xưa, tôi còn đi học chữ Hán với thầy, đến là nghịch như quỷ sứ. May có cách mạng giờ mới thành người.
Thầy Mộc cười:
- Nghe giọng, thấy ông vẫn còn trẻ như xưa.
Hình như ông Gừng nghe lọt ý đằng sau câu nói nên nụ cười trên mặt ông bỗng nhạt hẳn.
Giờ phút mọi người mong đợi đã đến. Một số người ra đây còn đem theo cả hương hoa, chờ kết quả nghiên cứu để thắp hương tưởng niệm luôn.
Một nhà khoa học, nom còn trẻ tuổi, nhưng đầu đã hói, làm cho đám con gái làng cứ nhìn ông rồi tủm tỉm cười, ung dung bước ra công bố kết quả nghiên cứu của đoàn. Đoàn công nhận mặt chữ trên bia đúng như cụ Mộc đã đọc cho làng nghe...
Nghe vậy, dân làng vội hý hửng... Song về kết quả nghiên cứu, đoàn cho biết, bia này không đúng. Qua các khoa tiến sĩ, suốt các triều đại, không có vị nào đỗ tiến sĩ tên là Đặng Đình Lân. Cũng như không có một ông tiến sĩ nào quê ở làng này...
Sau khi nghe công bố rành rọt kết quả của đoàn cán bộ nghiên cứu, dân làng bỗng lặng cả lại, hương hoa vẫn trên tay. Thảy như đang chờ một điều gì khác.
Nhận thấy không khí trầm lặng, nặng nề quá, ông Gừng liền bước ra:
- Mời cụ Mộc, bậc lão thành có chữ có nghĩa của làng cho ý kiến, xem có gì khác không?
Theo lời mời, thầy tôi run run chống gậy bước ra, rồi nói:
- Đúng như các cán bộ nghiên cứu vừa công bố, làng ta, chưa có ai đỗ tiến sĩ. Nhưng tôi nhớ ra rồi, ông tôi có kể, làng ta có một người tên là Đặng Đình Lân thật. Ông này là người có chí học hành. Nhưng "học tài thi phận" bao năm nhà nghèo, vợ phải bắt ốc hái rau nuôi chồng ăn học, ông ta đi thi cử nhân, không đỗ. Dân làng vốn yêu thương, quý trọng người hiếu học, nên đã góp cơm, góp gạo nuôi ông ăn học, chờ khoa thi sau. Thi lần thứ hai ông lại hỏng. Sự bất quá tam, dân làng lại nuôi ông thêm mấy năm nữa để dùi mài kinh sử. Ông thi khóa thứ ba, không đỗ nốt! Phẫn chí, vừa nghĩ tới công ơn và lòng mong mỏi của dân làng, ông thấy mình đã phụ lòng, không báo đáp được công ơn và lòng mong mỏi của nhân dân đành uống thuốc tự vẫn. Dân làng lấy làm thương xót, tiếc một con người hiếu thảo tiết nghĩa nên đã phong ông là tiến sĩ, tạc bia và lập đền thờ ông...
Không khí cuộc họp lúc này thật khó tả, là cả một sự im lặng kỳ lạ hẳn không phải ỉu xìu buồn bã, như thể một tâm tư, tình cảm mọi người đang nén lại đến căng thẳng.
Giữa lúc đó thì ông Gừng lên tiếng cười, nửa sảng khoái, nửa như có phần giễu cợt. Đoạn, như cốt phá vỡ không khí im lặng đến khó chịu, ông nói:
- Bà con thấy chưa? Cứ gì thời buổi kinh tế thị trường này, thuở trước cha ông mình cũng từng tỏ ra chịu chơi đồ rởm - Ông cười ha hả - Theo như cụ Mộc vừa kể thì đây là một thứ tiến sĩ rởm - lại cười ha hả.
Ông Riềng và mấy người nữa cũng ha hả cười theo, văng cả nước bọt.
Tôi vốn là người không bao giờ thích, thậm chí còn hay tránh xa các cuộc tranh luận. Nhưng tại giờ phút này, không hiểu sao, lòng tôi bỗng sôi lên một cơn giận! Bản thân bị xúc phạm chăng? Cá nhân tôi chẳng đáng gì. Nhưng đây là quê hương! Quê hương bị xúc phạm, quả là điều không chấp nhận được. Tôi liền bước ra, xin phép dân làng, xin phép thầy, cho tôi với một tư cách con của dân làng được nói đôi lời.
Tôi như một kẻ nhập đồng:
- Thưa bà con dân làng! ở bên Tàu có "Viên ngọc họ Hòa". Người dân nọ đem dâng lên vua Sở một viên ngọc nói là quý. Thợ kim hoàn cho biết đó không phải là ngọc, nên người dân nọ đã bị chặt đôi tay. Qua mấy đời vua, mỗi lần dâng ngọc là một lần chịu tội, đến khi người dân họ Hòa nọ bị chặt cụt cả tay chân, vua mới biết đó là viên ngọc quý nằm trong đá. Ngay nước ta, xứ Nghệ có một người thi chín khóa cử nhân đều không đỗ. Đến khóa thứ mười vua mới hiểu, chín khóa trước, hội đồng thi đã không chấm nổi bài của ông nên đã đánh hỏng. Do đó, nếu chúng ta cứ lấy xét nghiệm thi cử làm khuôn vàng thước ngọc để đánh giá vạn vật, khó mà chính xác; hơn nữa đây lại là trí tuệ, phẩm giá một con người - tôi phải ngừng một lát để giữ xúc động - Thưa với bà con, trong câu chuyện này, tấm lòng của ông Đặng Đình Lân đối với dân làng là hoàn toàn "thứ thiệt" - Không làm tròn trách nhiệm học hành, thi cử, đỗ đạt, trước công lao và mong mỏi của nhân dân thì ông tự vẫn. Còn tình thương yêu với sự trọng vọng của nhân dân đối với người con hiếu thảo, tiết nghĩa như ông hoàn toàn là thứ thiệt.
Đến đây vì quá xúc động, tôi chưa nói thêm được gì, chỉ biết thụp xuống trước tấm bia, ứa nước mắt, tôi lạy tạ một linh hồn đẹp đẽ.
+ + +
Ngay lúc đó một em bé gái, rón rén đến bên tôi:
- Hương đây chú này!
Em bé trao cho tôi một nắm hương cháy nghi ngút. Tôi đến lấy hương từ tay em bé và dắt tay em cùng quỳ xuống trước bia.
Trong dân làng vọng lên một lời nói:
- Tiến sĩ hay không, công nhận di tích lịch sử hay không, đó là công việc của cơ quan văn hóa. Còn dân làng ta, đối với một con người như ông Đặng Đình Lân là đáng thờ phụng.
Hầu hết dân làng có mặt, trừ mấy ông trong đoàn cán bộ và mấy người lẻ tẻ, tất cả đều quỳ rạp trước tấm bia, cúi đầu xúc động tưởng niệm...
Trong tôi bỗng dâng lên một cảm giác vô cùng tuyệt diệu, như thể mình đang được hóa thân giữa bốn bề khói hương nghi ngút. "Khi những gì đã thuộc về nhân dân đều trở nên bất tử thiêng liêng". Trong câu chuyện vừa xảy ra đó, phải chăng tôi đã nhận lời mách bảo trên của quê hương...

Xem Tiếp: ----