Căn phòng ấy có bốn người. Bốn người vô tội bị tử thần nhập vào bằng những bệnh thập tử nhất sinh. Nghề nghiệp của bốn người khác nhau. Tuổi tác khác nhau. Quê quán khác nhau. Họ gặp nhau tình cờ trong căn phòng cấp cứu hai mươi bốn mét vuông với máy móc lỉnh kỉnh, thuốc men đủ loại, những vũ khí của con người dùng chiến đấu chống thần chết.
Phía cửa đi vào, ngay bên trái là cô gái còn trẻ. Nhà cô ở làng hoa. Sáng sáng, không chồng cô thì em gái mang vào phòng những cánh hoa tươi. Hoa được chia đều cho bốn bình trên bốn đầu giường. Người đàn ông nằm đối diện với cô bị ung thư dạ dày. Khuôn mặt ông khi nào cũng thiểu não. Hễ ngủ thì thôi, chứ thức là ông rên. Rên ư ử cả ngày cho đến khi không còn sức để rên, ông thiếp đi. Vợ con vào thăm có phật ý gì là ông đuổi. Ông không đủ sức mạnh để quát lên như khi còn khỏe, nhưng vẻ nhăn nhó trên khuôn mặt xanh xao của ông, vợ con phải biết ý mà chuồn. Ðược cái ông rộng rãi. Người nhà thăm ông đồng quà tấm bánh, ông chia đều cho cả phòng. Ngay cả đối với tôi, bác sĩ điều trị cho căn phòng đặc biệt ấy nhiều khi cũng được dành phần. Ông bảo, căn phòng đó nhỏ như một gia đình, mọi người phải như anh em trong một nhà, vui buồn có nhau. Có hôm tôi đến, ông cầm tay tôi nở nụ cười khó nhọc chào tôi, than vãn: “Bao giờ ông giời mới dẫn tôi đi. Chờ lâu quá tiêu hết tiền hết của, khổ vợ, khổ con, phiền bệnh viện”. Tôi cười không dám trả lời ông. Và tôi, người cứu chữa cho ông có phần xấu hổ vì sự bất lực của y học trước những căn bệnh hiểm nghèo.
Giường phía trong, bên trái là một cụ bà trên bảy mươi. Cụ bị liệt nửa người. Con cháu vào thăm, cụ vẫn tươi cười: “Thất thập là thọ lắm rồi, có “đi” cũng không ân hận”. Cụ chăm chút lo toan, lặng lẽ chờ phút qui tiên. Người cuối cùng trong phòng là chị Lệ, đang bị xơ gan cổ trướng, có chồng là nhạc sĩ, anh Tôn Hoàng.
Những hôm trực đêm, tôi thường xuyên có mặt trong phòng này. Vào thời điểm đêm và ngày giao nhau, ánh hoàng hôn đỏ thẫm phía xa xa hiện qua cửa sổ căn phòng như một bức tranh tuyệt diệu của thiên nhiên. Tôi thường đứng bên cửa sổ ngắm những con chim sẻ bay vội vã vào các mái nhà, và những tán lá xanh trong khuôn viên bệnh viện đang chuyển thành mầu tím. Tôi muốn để bệnh nhân có chút thì giờ yên tĩnh bên thân nhân của họ. Thói quen ngắm trời chiều của tôi và những giây phút im lặng kia bị phá vỡ từ khi chị Lệ vào điều trị tại phòng này.
Tôi đang ngồi bên bàn đọc những sóng điện tim màu tím trên nền giấy ca rô trắng vừa đo cho chị, bỗng sau lưng có tiếng ai đang hát. Tiếng hát trầm đục lại bị nén xuống thành một âm thanh là lạ như được phát ra từ ống bơ rỉ. Tuy người hát cố rất nhỏ nhưng tôi cảm thấy rất khó chịu, nhồn nhột như cảm giác con mèo dùng bộ móng sắc nhọn cào lên da thịt, như một chiếc dùi thô thiển gõ lên mặt trống im lặng của căn phòng. Tôi quay lại. Một người đàn ông thấp đậm, tóc lốm đốm màu tro, ăn mặc xuềnh xoàng trông rất cục mịch đang vừa hát vừa nhịp tay lên cửa sổ. Chị Lệ chau mày khi thấy tôi nhìn người đàn ông. Chị gượng cười, giới thiệu:
- Nhà em đấy, bác sĩ ạ.
Quả thật, tôi được coi là người dễ tính nhất bệnh viện nhưng vẫn bị dị ứng với tiếng hát của chồng chị. Với quyền hạn của người bác sĩ trực, tôi có thể nhắc nhở để “cảnh cáo” thậm chí có thể “mời” vị ấy ra để trả lại sự yên tĩnh cho phòng bệnh. Trong ba mươi phút ngắn ngủi người nhà được gần thân nhân, anh Tôn Hoàng đứng ngay phía đầu giường của vợ hát trọn ba mươi phút rồi trao tờ giấy chép nhạc cho chị. Chị mỉm cười, hàm ý cảm ơn rồi rướn mình nâng cánh tay khẳng khiu bỏ bài hát vào ngăn tủ đầu giường. Ðành rằng anh Hoàng chỉ hát cho một người nghe, tôi cảm thấy cần tìm cách vặn tắt chiếc đài biết đi kia. Người bệnh cần yên tĩnh cần sự chăm sóc dịu dàng thì anh Hoàng lại hát. Chướng quá!
Tôi đã nghe ý kiến phản ảnh của bệnh nhân trong căn phòng ấy. Người đàn ông khó tính mỗi lần tôi đi khám bệnh là than phiền về anh Hoàng bằng những lời lẽ cay độc:
- Nhờ bác sĩ làm ơn tống cổ cái anh chàng nhạc sĩ hấp hơi ấy. Không lẽ ông ta thi vị hóa bệnh tật, đau đớn thành tiếng hát. Thật là một anh chàng dở hơi!
Ông bày tỏ thái độ với tôi nhưng giọng rất nhỏ, vẻ khó chịu chỉ hiện ra bằng những rung động của các thớ cơ trên mặt. Còn cô hàng hoa thì mách lại với chồng. Anh chồng kéo tôi ra ngoài hành lang, nói với giọng đầy giận dữ:
- Thật không hiểu nổi! Người ốm cần thuốc men, cần đường sữa, cần cam, cần chuối chứ không ai cần nghe hát. Xin bác sĩ ra tay cho. Lão ấy vào đây là lên cơn tâm thần. Tôi người khỏe mạnh mà cũng không sao chịu được. Nói chi người ốm liệt giường.
Tôi hỏi thăm một số người quen bên hội văn nghệ, họ cũng không biết nhạc sĩ “Tôn Hoàng” là ai. Hay là, danh hiệu nhạc sĩ của anh là danh hiệu người nào đó vinh dự nghe anh hát rồi hứng lên phong bừa cho anh? Nếu đúng như vậy, nhạc sĩ Tôn Hoàng chiều nào cũng có một sáng tác mới, chẳng qua là anh nhạc sĩ rởm, đúng như lời than phiền của các bệnh nhân đã phải nghe anh hát?
Khi khám bệnh cho chị Lệ, tôi định tìm cách trao đổi với chị để chị nói lại với anh rằng, anh đừng... hát nữa. Nhưng tính tôi cả nể, nhiều lần định nói, lại thôi. Thấy tôi có lúc ngồi lâu bên chị, vẻ như lưỡng lự, đắn đo định nói điều gì mà không nói, chị Lệ ít nhiều hiểu ra câu chuyện. Chị nói với tôi rất chân thành:
- Anh nhà em tính khí vẫn vậy. Thích nhạc, thích hát lắm. Lúc trước, anh là anh chàng kỹ sư công binh lầm lì. Dạo ấy em là thanh niên xung phong trên đường 15B. Anh ấy quen em cũng vì một hôm Mỹ thả bom từ trường. Ðường tắc, xe ùn lại. Anh ấy được cử đến phá bom. Tiểu đội em cử em ra hát động viên anh ấy. Có hy sinh cho có đôi!
Nghe chị nói, tôi càng ngạc nhiên. Người kỹ sư công binh năm ấy vì sao hôm nay mang trên mình danh hiệu nhạc sĩ? Giữa công binh, vũ khí, cầu đường, những lĩnh vực của khoa học chính xác cách rất xa tính bay bổng, lãng mạn của âm nhạc, nếu không muốn nói trái ngược với âm nhạc. Tôi tò mò hỏi:
- Thế sao bây giờ anh ấy lại là nhạc sĩ?
Chị nở nụ cười kín đáo và tôi biết chị đang vui, đang trong cơn xúc động về sự hồi tưởng:
- Thế rồi, anh ấy “cảm” tiếng hát của em. Trong tiểu đoàn công binh của anh có một anh giỏi nhạc. Em đoán anh Hoàng đã học mót anh ấy. Một tuần lễ sau, các anh ấy đi vào phía trong, em chợt nhận được một lá thư. Mở ra, đó là một bản nhạc. Phía dưới, anh Hoàng ký tên mình, và tái bút dặn, bài hát ấy anh viết cho riêng em, mong em đừng cười và đừng cho bạn bè xem vì đó là bài hát đầu tiên trong đời của anh.
Em cũng biết chút ít về xướng âm liền nhẩm hát. Cách viết ấy rõ ràng của người không sành nhạc, khập khễnh lắm. Nhiều chỗ viết sai. Nhưng bài hát anh ấy viết cho em, em vẫn hát. Sau này, đã thành bài hát chung của cả tiểu đội. Nhân có một anh nhà thơ đi qua, tụi em mới biết anh ấy phổ thơ của một nhà thơ nước Nga. Thảo nào nghe hay và “mùi” đến thế. Giọng của em cũng nghe được cộng với ý thơ hay của nhà thơ Nga, hát lên nghe thích lắm: Em ơi đợi anh về. Mưa có rơi dầm dề. Ngày có dài lê thê. Thì em ơi cứ đợi.
Về sau, anh ấy vào sâu trong chiến trường, em vẫn nhận đều đặn những bài hát mới anh gửi cho em. Bài nào anh cũng dặn anh chỉ viết cho riêng em...
Và tôi, một người không ưa gì anh Tôn Hoàng với những bài hát không thể nào hiểu được của anh bỗng bùi ngùi, trân trọng quá khứ của anh. Tôi bắt đầu thông cảm với anh, tìm cách giải thích cho những bệnh nhân khác trong phòng để họ thông cảm với anh.
Anh Tôn Hoàng chiều nào cũng vào thăm vợ với những bài hát mới của mình. Anh viết rất khỏe, hình như sau ba mươi phút buổi chiều vào thăm vợ trong bệnh viện, thời gian còn lại anh dồn tâm lực cho những bài hát mới. Bài hát nào của anh cũng kèm theo những lời giải thích:
- Bài này tả cảnh quân đi. Anh sẽ thấy có bộ đội, thanh niên xung phong, xe tăng, xe tải. Tôi viết theo nhịp một (anh cười). Không phải một hai, một hai đi đều bước đâu nhé. Hành quân vào chiến trường mà đi một hai thì như duyệt binh. Nhịp một một, đi tự do mà. Bài này đệm gì cũng được.
Hôm sau, có bài hát mới, anh lại giải thích theo cách khác:
- Bài này viết về các cô gái thanh niên xung phong ở trọng điểm. Tả tiếng bom rơi tôi dùng nốt la. La... la... Là... la.Người hát phải có dàn nhạc có đàn dây để tạo tiếng rít...
Hôm sau nữa, cầm bài hát trong tay, anh lại giải thích:
- Bài này, tôi viết về tâm trạng một cô gái đang ngồi bên bờ suối, gửi lòng mình nhờ dòng nước mang đến người yêu. Rê mi... rê mi... rê mi... nghe như tiếng suối róc rách chảy. Bài này tiết tấu mềm mại, nhạc đệm phải có đàn violon kết hợp với bộ gõ Tây Nguyên.
Tôi và những người bệnh nhân trong phòng quen dần với sự có mặt và giọng hát của anh Hoàng. Người đàn ông khó tính nhất, từ chỗ ghét anh Hoàng, hễ thấy là muốn xúc đổ đi, đã mỉm cười khi nghe anh hát. Cô hàng hoa phía ngoài đề nghị anh hát to hơn để cô nằm xa nghe cho rõ.
Một chiều không thấy anh Hoàng vào thăm vợ. Tôi cũng lại trực đêm. Không thấy tiếng hát và dáng điệu nghệ sĩ khô khan của anh khi anh đưa tay bày tỏ cảm xúc. Một sự vắng lặng dâng tràn. Tôi vẫn đứng nhìn khung trời và hoàng hôn tím sẫm ngoài cửa sổ. Mọi ngày, anh Hoàng vẫn hát vào lúc này. Khi anh cất tiếng hát cũng là khi chim sẻ từng đôi trên ngọn phi lao ríu rít sà vào những tổ ấm của chúng dưới mái ngói của những ngôi nhà. Người phát hiện anh Hoàng vắng mặt là người đàn ông khó tính:
- Quái, cái lão hấp hơi hôm nay không thấy vào!
Cô gái làm nghề trồng hoa phía ngoài dành riêng một bông hồng rất đẹp chờ anh hát xong là cô sẽ tặng. Dạo này, theo đề nghị ấy lúc đầu cũng không dễ dàng gì, bởi như anh nói anh viết cho vui, viết cho riêng chị Lệ nên người khác nghe có thể thấy chẳng hay chút nào. Song anh Hoàng vẫn chấp nhận đề nghị của mọi người. Cũng như đối với tôi, anh giải thích rất kĩ về chủ đề bài hát, xuất xứ của bài hát, loại nhạc cụ gì đệm kèm theo với hi vọng khi nghe, mọi người cảm nhận thêm cái hay, cái đẹp. Cô hàng hoa đã nghe quen tiếng hát của anh Hoàng nên sự vắng mặt của anh làm cho cô chờ đợi. Cuối cùng cô phải hỏi chị Lệ sau một phút đắn đo:
- Chị Lệ ơi, sao hôm nay anh Hoàng không vào?
Tôi đoán mò, trả lời thay chị Lệ:
- Chắc anh ấy bận.
- Thế là bông hồng em để dành tặng cho nhạc sĩ sẽ héo mất thôi!
Tôi ngồi xuống cạnh giường chị Lệ. Người phụ nữ chưa đầy năm mươi tuổi teo tóp trong một tấm chăn mỏng, bụng như một chiếc trống lùm lên. Chị bùi ngùi:
- Chiều nay giỗ mẹ em. Anh ấy phải về dưới quê thắp hương cho mẹ...
Chị ngừng lại để lấy thêm sức vì chị quá yếu không thể nói một hồi dài:
- Em nghĩ mà thương anh Hoàng. Anh ấy vụng về lắm. Tụi em lại không con không cái, rủi em “đi”, lấy ai chăm sóc...
Mắt chị rơm rớm:
- Không có bàn tay phụ nữ, không biết anh ấy sẽ sống ra sao. Em bảo sau khi em mất, anh tìm người khác người ta đỡ đần cho. Nhưng anh ấy cứ khăng khăng từ chối. Anh ấy là kĩ sư, giờ về mất sức nhưng kiếm tiền cũng khá. Mỗi tội không biết nấu ăn, đi chợ búa không biết mặc cả.
Giọng chị nhỏ dần. Tôi thông cảm với những lo toan của chị, tâm trạng của một người sắp vĩnh viễn chia ly người thân yêu của mình. Tôi cũng hiểu và thông cảm với hoàn cảnh của anh Hoàng về nỗi khắc khoải của người chồng sẽ không còn được bao lâu nữa bên vợ. Tiếng hát của anh cứ văng vẳng bên tai tôi, tiếng con chim trống sắp mất bạn nghe sao mà thương cảm thế.
Tôi nghỉ trực một ngày. Tôi ở nhà mà lòng dạ bồn chồn. Thông thường, có chút thời gian rảnh rỗi, tôi cùng vợ con đi chơi phố rồi cả nhà ghé vào một quán cơm bụi nào đó cho bà xã nhà tôi khỏi phải nấu nướng. Lần đầu tiên tôi nghỉ mà nằm lì ở nhà. Người tôi cứ nao nao. Vợ tôi tưởng tôi mệt ra chợ mua thức ăn rồi xuống bếp trổ tài nấu nướng. Cơm dọn ra, hai đứa con khen lấy khen để món giò hầm măng còn ngon hơn cả trong nhà hàng... Tôi ngồi vào mâm cơm, không thiết tha gì ăn uống mà vơ vẩn nghĩ về khoảnh khắc của đêm và ngày giao nhau, khung trời và hoàng hôn tím sẫm ngoài cửa sổ, về những cánh chim bay vội về tổ, về tiếng hát của anh Hoàng và nụ cười trên khuôn mặt chỉ còn da bọc xương của người vợ bất hạnh đang lắng nghe chồng hát. Lòng tôi cứ cồn lên những ý nghĩ vẩn vơ, mong sao cho chóng sáng.
Linh cảm của tôi đã không nhầm. Vừa đến cổng bệnh viện, anh Hoàng đã đứng đợi tôi ở đó. Mặt anh dại đi, mắt đờ đẫn như không có linh hồn, áo quần xộc xệch... Và với nhạy bén của người thầy thuốc, tôi đoán điều gì đã xảy ra. Tôi chạy tới ôm chầm lấy anh và không hỏi gì thêm...
Tôi dìu anh bước vào căn phòng quen thuộc. Vẫn bốn chiếc giường kê bốn góc. Vẫn cô gái làng hoa, người đàn ông và cụ già nằm đó. Tất cả đều im lặng. Chiếc giường trống trong cùng chỉ còn lại một màu trắng tang tóc. Trên chiếc bàn con, người nhà cô gái làng hoa vẫn cắm vào chiếc lọ quen thuộc một bông hồng mới nở. Khung trời màu xanh ngoài cửa sổ, từng đôi chim se sẻ đang ríu rít bay đi.
Tôi và anh Hoàng ngồi lại bên giường chị Lệ, y như lúc chị còn sống. Cả căn phòng không một âm thanh. Chợt anh Hoàng lên tiếng phá tan không khí lạnh lẽo đang băng giá cả căn phòng.
- Nhà tôi đi thanh thản lắm. Nhà tôi đưa tay cho tôi nắm, mơ màng nghe tiếng hát của tôi rồi dần dần đi vào giấc ngủ, như không hề có cuộc chia tay vĩnh viễn. Lúc ấy tôi đang hát cho nhà tôi nghe bài hát tôi mới viết.
Tôi nhìn anh. Trong mắt anh như còn đậm nét hình ảnh cuối cùng của người vợ thân yêu. Mãi sau, tôi mới dám đụng vào vết thương của anh, vết thương tôi tin chẳng bao giờ thành sẹo:
- Hình như bài hát hôm qua là bài hát cuối cùng anh viết cho chị?
Giọng anh trầm xuống:
- Không. Ðó không phải là bài hát cuối cùng. Bài hát cuối cùng tôi viết cách đây hai năm. Khi tôi biết tin nhà tôi lâm bệnh nặng. Tôi biết tai họa sẽ ập đến gia đình tôi. Vì thế tôi đã viết “bài hát biệt ly”. Nhưng điều ân hận của tôi là tôi không đủ nghị lực để hát bài hát ấy cho nhà tôi nghe.
Anh đưa tay với chiếc ghi ta đã cũ, hàng ngày anh vẫn để bên giường của chị, so lại dây đàn và trên khuôn mặt đớn đau của anh, những nếp nhăn bỗng mờ đi khi anh lấy hết can đảm cất lên tiếng hát:
“Em ơi đừng sợ lá thu rơi.
Ðừng vội tắt nụ cười.
Em trong anh không bao giờ ly biệt.
Tình yêu của chúng mình như dòng sông chảy miết...”
Tôi lặng đi trong tiếng hát. Anh Hoàng hát xong khi nào tôi cũng không hay. Trước đây, khi anh hát xong, dựng cây đàn ghi ta bên đầu giường của chị, anh nhận được bông hoa rất tươi của cô gái làng hoa, tiếng vỗ tay nhè nhẹ của người đàn ông khó tính, nụ cười yếu ớt của cụ già. Hôm nay, tất cả đều im lặng. Mãi đến khi cô gái làng hoa bật lên tiếng khóc, tâm tưởng của tôi mới trở về với hiện tại. Tôi xin anh Hoàng hát cho chúng tôi nghe một lần nữa, vì tôi biết anh sẽ không còn dịp trở lại căn phòng này. Lần này, anh hát to hơn, đầy xúc cảm đúng với giọng bình thường của người ca sĩ.
Tiếng hát của anh ngân lên. Những tia nắng ban mai chiếu xiên qua cửa, sưởi ấm căn phòng. Và tôi nhận ra, tiếng hát ấy chỉ có thể phát ra từ tấm lòng của một nghệ sĩ lớn. Anh Hoàng là một nhạc sĩ tài năng.
Ngoài kia, nắng trải vàng trên những lối đi và những đôi chim sẻ đang ríu rít chuyền cành.

Xem Tiếp: ----