Cỏ nước đong đưa cái bóng mập mờ, xuống dòng nước phớt xanh, trông thật dễ thương, cỏ mọc dày từ đáy suối, như cây mạ non mảnh dẻ, vượt lên dòng nước mát. Tiếng nước chảy rì rào trong lòng suối, nép mình dưới bờ lau sậy lô nhô lượn sóng.
Cây mimosa cánh lá nhung lam xám mông mốc, mỗi mùa xuân đến, lại khoe hoa sắc vàng, óng ánh mịn mượt như nhung, nở tung hết cánh li ti từng chùm, trông thật duyên dáng.
Ý nghĩ của Kim bỗng chốc sáng rỏ, như tấm gương vừa rửa sạch. Hồi còn ấu thơ, chị ưa hái đài hoa mimosa, nâng niu đoá hoa, khum khum ở lòng bàn tay, đi về trong con ngỏ mòn thân quen, vừa đông vừa vui. Dù sương gió hay nắng chiều, làm cánh hoa ẩm ướt, rơi rụng ít nhiều. Chị ép xương hoa vào trang vở học trò. Ngày ấy, với tất cả sự mơ mộng lãng mạn, nâng niu, trang trọng giữ gìn mật thiết, bởi vì "chàng" rất đỗi yêu...hoa.
Bây giờ, chị trồng lại vài cây mimosa, sát hông nhà, mặc dù mùi hoa hăng hắc, không dễ chịu chút nào. Ðể làm gì thế? Làm gì! Khi Kim đau đớn, xót xa, ngỡ ngàng nhận ra, màu vàng hoa mimosa, là màu tượng trưng cho sự phản bội. Ôi! Chính là sự phản bội đau buốt, trắng trợn, rùng rợn kinh khủng!
Bầu trời hoe hoe màu cam, bỗng đổi nhanh thành màu vàng anh, màu lưu huỳnh rồi tím thẫm. Những áng mây lẻ tẻ trên không trung, hắt ánh nắng chiều vàng thắm, bay ngang qua đỉnh tháp chuông nhà thờ con gà, chợt dậy lên lòng Kim, nỗi choáng ngợp buồn đau.
Chị chôn chặt tình yêu xuống đáy mồ sâu lạnh lẽo. Anh đã ra đi, "màu phản bội" vàng phai trên mái tóc chị vĩnh viễn. Thật sự rồi. Anh đã tự do rong chơi thanh thỏa, đi thênh thang vào vùng cỏ ẩm, hoang vu nào, xa lắc xa lơ.
Mặc chị cuồng điên, khản cổ kêu gào thảm thiết, vật vã như người điên, chị ngất xĩu biết bao lần, bên cổ áo quan, cõi lòng tan nát, như kẻ mất hồn, vô tri vô giác. Mái tóc đen nhánh vén cao, bỏ rơi lại cụm tóc ngắn, đong đưa trên cần cổ trắng nõn xưa, nay xỏa tung ra thành suối tóc huyền, dài chấm bắp chân, phủ choàng lên tấm áo quan, mỗi khi chị úp mặt vào lòng đất, bên huyệt mộ.
Những hòn đất tiếc thương, đưa tiễn anh, đến nơi an nghĩ cuối cùng, đã quăng trên đầu, trên tóc chị. Vất vả lắm, họ mới kéo chị lên, dìu ra xa. Mặt cỏ mới phủ hình hài anh, nồng ấm hơn lên, giữa tình quê, tình đồng đội, tình bạn, tình chồng vợ, khi bước chân ghé qua mồ, đặt lên nhánh hoa tươi.
Chị chửi người điều động chồng mình đi công tác, vào vùng chiến địa. Chửi bọn dã man tàn ác, đã đặt mìn, đắp mô, giết chồng chị. Tội nghiệp ông Trưởng Ty (của anh chồng khuất núi) đứng trước cảnh tang thương, quan tài phủ cờ vàng ba sọc đỏ, những vòng cườm đen hoa tím, hoa đen, chưa khô dòng mực phân ưu đó.
Ông cúi đầu, lắng nghe điều không phải, từ miệng người đàn bà bất hạnh, cuồng điên, mà thương mến chị, buồn bã, chia xẻ, hơn là tức giận. Ai biết được nước mưa, hay nước mắt đắng cay, quyện lưng tròng nhau?
Mặc chị kể lể dông dài sự tình:
- Buổi chiều hôm trước, anh chạy xe vespa vào Ty, đón tôi đi làm về. Hai vợ chồng ăn cơm tối, nói chuyện vui vẻ bên nhau. Nghỉ ngơi giây lát, anh thay áo quần đi công tác. Như bao cặp vợ chồng son yêu nhau khác, anh âu yếm hôn lên má vợ, dặn dò tôi nhớ đi ngủ sớm, khoá cửa cẩn thận. Sáng mai anh sẽ về. Anh nhảy chân chim xuống mấy bậc lầu ra đi, miệng huýt bản nhạc quen thuộc, yêu thích.
Ra đi. Nhưng nào ngờ, anh chẳng bao giờ quay trở lại mái nhà nho nhỏ, với người vợ thân yêu. Nụ hôn ấm nồng hạnh phúc lứa đôi, như dấu ấn chàm, khắc sâu vào má chị, tạo thành hố nước mắt. Tin khủng khiếp đến lúc hừng đông, khác nào sét đánh ngang tai, chị kêu gào lăn lộn, vật vã trên sàn nhà, đôi má Kim hoắm sâu, vầng trán hằn vết nhăn, đôi mắt lạc thần, nhìn đăm đăm vào hư vô.
Mọi người thân trong gia đình, bạn bè cùng Ty đến chia buồn, phúng viếng, chị không biết, không thấy gì! Chị rủ xuống như cây chuối không lá, bị chặt đột ngột, bởi lưỡi dao ngọt xớt, vô tình.
Liên tiếp những tháng ngày qua, sau đám tang, là tháng ngày, chị sống trong kỷ niệm đắm say, nồng nàn, tràn ngập niềm cay đắng, hối tiếc khôn cùng. Tình yêu đã chết. Chết rồi sao? Ðã vùi sâu dưới ba tất đất? Thế là thực sự hết. Hết rồi! Còn hy vọng gì nữa.
Ngày cuối tuần ra nghĩa điạ số Sáu, chị tặng anh bó hoa mimosa tươi, đốt nén nhang trầm thơm ngây ngất. Chị ngồi bên chân mộ, nói chuyện với người nằm dưới cỏ.
Ôi! Nhìn ảnh anh úa vàng in trên bia mộ, chị giật mình, giao động dữ dội. Vẫn nụ cười tươi, khuôn mặt ấy, duy chỉ có đôi mắt xa xăm và trống vắng, nỗi cô đơn muộn phiền trong chị, nơi anh, nay chìm đắm trong bóng tối vĩnh hằng.
Chị thầm tiếc, sao lỡ trót yêu người, thương màu vàng hoa mimosa lá xám làm chi! Chị thấy ghét loài hoa có từng chùm nụ óng ánh, như viên bi bằng nhung, mà có lần chồng nói với chị, khi anh hái cành hoa, đem về cắm trên chiếc độc bình:
- Người ta nói màu vàng, là màu tượng trưng cho sự phản bội. Anh không tin.
- Sao anh không tin?
- Qua ngót mười năm yêu em, thì chúng ta làm đám cưới. Anh vẫn yêu màu vàng, và càng yêu em hơn. Cớ sao, họ lại nói màu vàng, là tượng trưng cho sự phản bội? Chỉ phản bội em, khi nào, anh nằm dưới gốc cây mimosa mà thôi.
Trời ơi! Anh nói thế, mà cứ y như là thật. Anh đã nằm dưới cỏ, dưới rể cây mimosa nầy. Sao ông Trời không bắt tội anh đi đày ngoài Côn Ðảo. Trong rừng sâu nước độc. Tận miền sa mạc nắng cháy, hay nơi bão tuyết giá băng? Miễn sao anh sống, chị còn hy vọng, sống lây lất qua ngày, chờ anh. Chị sẽ cố đi tìm anh, dù nghìn trùng xa cách, dù xa xôi hiểm trở vô vàn. Vì tình yêu hai người, thật hạnh phúc tuyệt vời. Ðáng tiếc lắm!
Kinh khủng thay sức mạnh tình yêu, có lực cuống hút, hấp dẫn, cuồng quay đến độ, làm cho hai người luống tuổi, đã bị đau tim, dở khóc dở cười, người dở sống dở chết, thế nầy.
Một buổi chiều vàng phai trên mái tóc quá dài, Kim ra thăm mộ anh Thương, đến nơi, chị ngỡ ngàng thấy bên cạnh mộ chồng, có một lỗ huyệt mộ còn tươi dấu đất. Chị buồn buồn cắm bó nhang, xì xụp khấn vái. Chưa tàn bó nhang, nghe tiếng ồn ào từ sau lưng vẳng lại, thoáng chốc chị thấy hai chiếc taxi đậu bên đường, sáu người xuống xe, hai trong bốn người đó khiêng cỗ áo quan bé tí ti, đi sau là vợ chồng thầy hoạ sĩ kiêm nhạc sĩ dạy đàn, ở ngoài phố Dalat.
Hai vợ chồng già không con, nuôi một chó Pop và một mèo Nat. Họ cưng hai con vật quá thể. Nên cả chó lẫn mèo đều hỗn-láo ngang cơ nhau! Ông lẫn bà đều bị bệnh cao máu, tiểu đường, đau gan, đau phổi, kiêng cử đủ thứ. Mỗi bưã ăn, chó mèo ngồi ăn chung mâm với người.
Chó cổ đeo kiềng bạc, có hột lục lạc rung leng keng khi gãi ngứa, thắt thêm nơ đỏ nhân ngày sinh nhật, ngồi chễm chệ bên ông, cạnh góc bàn, sủa vài tiếng bâng quơ, khi ông chưa kịp đút cho nó miếng giò lụa, hay miếng thịt gà.
Mèo đeo kiềng vàng 18k, thân khoát áo len do bà đan, ngang nhiên chồm lên đùi bà, lấy tay khèo khèo miếng cá thu chiên trong diã. Diã cá, diã giò, diã gà, chưa kịp mời khách xơi, cả hai con đều xơi béng mất tiêu. Kim mua bán vàng với bà, nhìn thấy hai con vật, mà ngao ngán sự đời.
Giật bắn người, khi chị nghe tiếng khóc rống bên cỗ áo quan, vừa đặt cạnh lô đất mới, Kim hớt hãi nhìn quanh. Thì ra, bà vợ thầy hoạ sĩ đang khóc, khóc tiễn đưa chó, về nơi an nghĩ cuối cùng đời "cẫu". Tưởng bà khóc đã xong, nào ngờ thầy khóc càng to, hơn bà vợ già rũ rượi kia. Họ khóc tiếc thương con Pop, ngoài sự bối rối nầy, họ không thấy ai, không thấy gì hết.
Mũi lòng trước cảnh thương tâm, Kim cũng khóc thương chồng, nàng lâm râm khấn vái: "Anh ơi là anh ơi! Sống khôn thác thiêng, hồn anh ở đâu, hãy về đây dìu dắt em, qua khỏi cảnh đoạn trường". Kim khóc mùi mẫn, như chưa bao giờ từng được khóc "đã", như buổi chiều nay.
Nàng tủi thân, tủi phận đã đành, lại càng tủi hổ, tiếc thương anh vô cùng. Khi sống, anh không có ngày yên thân, nhọc nhằn, vất vả, lúc chết chẳng may, anh lại nằm gần bên huyệt chó, động cỡn nó tru, nó hú lên, đinh tai nhức óc, anh nằm dưới ba tấc đất, nào có yên không?
Lòng Kim đau như dao cắt, ngổn ngang trăm mồi tơ vò, Kim lồm cồm đứng lên, định ra về sớm hơn mọi ngày, chứ ngồi lại bên mồ chồng lúc nầy, không gì mủi lòng bằng. Bất thần nàng loạng choạng, vấp ngã vào tấm bia đá con Pao. Máu phun có vòi trên trán, Kim hoa mắt, và xỉu tại chỗ.
Vợ chồng thầy nhạc sĩ, kiêm hoạsĩ tài danh, hốt hoãng, kêu mấy người đứng xớ rớ bên đường, chạy lên, dông taxi chạy tuốt vô bệnh viện Dalat, cứu cấp.
Từ ông Ty Trưởng già mà anh chị em thuộc quyền, thân thương gọi ông là Bố Phiếm, ông Thanh tra: Bố Diệu và Bố Crésis, cùng bốn Trưởng phòng, Trưởng ban, nhân viên văn phòng, đa số anh chị em đều cảm thương, trước biến cố kinh hoàng của chị.
Thời gian trôi chảy mãi theo suối tóc dài, quá dài, cùng với tháng năm, phủ xuống tận gót chân. Ai cũng khen mái tóc chị, nhưng My thấy sợ. Nhất là khi chị bước đi, mái tóc là là bay, cuốn theo làn bụi phai nắng, phủ đỏ gót chân son.
Sau vài năm tang chế, mọi người trong Ty, ái ngại nhìn chị già sút hẳn, trong bộ sô tang vải màn, thả gấu áo lụng thụng, càng tăng thêm vẻ tiều tụy, bi ai, trước khi đốt xã tang, bên cạnh cây mimosa nở hết cánh. Trông đau thương, mũi lòng xiết bao!
 

Xem Tiếp: ----