Thảo Em đứng bần thần trong bếp. Bữa cơm tối chỉ mới gọi là xong phần cơ bản: nồi cơm vừa ráo. Cô dùng đôi đũa tre to bản đảo một vòng thật đều trước khi đậy kín nắp với miếng lá chuối tươi, chỉnh ngọn lửa than vừa tầm.
“Nước lên, nước lên đường cái rồi!”
Tiếng bọn trẻ reo hò xuyên qua màn mưa trắng bay vào bếp, khi gần khi xa làm cô rối bời trong bụng nhưng ngọn lửa than liu riu vẫn được bàn tay khéo léo của cô sắp đặt. Ông Phòng thường tấm tắc khen con gái về miếng cơm cháy cuối bữa là vì thế. Thỉnh thoảng nhà cũng có trái thơm, trái chuối của vườn làm món tráng miệng. Nhưng ông Phòng không mấy khi bỏ qua miếng cơm cháy vàng tới, dòn rụm, thơm nức. Một phần nhờ hạt gạo mùa nhưng quan trọng là nghệ thuật cời chỉnh lửa than sau khi nồi cơm ráo nước. “Riêng khoản ni mạ mi thua mi xa”, nhiều lần ông Phòng vừa nhận xét vừa dùng tay vắt cơm cháy thành nắm nhỏ trước khi bỏ vào miệng. Vợ mất đã bốn năm nhưng ông Phòng không nguôi thương nhớ, thường kiếm cớ nhắc nhở.
"Nước lên đường cái rồi bà con ơi!"
Lần này không còn là tiếng reo hò ham vui của bọn trẻ trông lụt về để được nghỉ học, được đóng bè chuối đi hết vườn này sang vườn khác mà ngày thường là không thể. Nỗi sợ hãi lồng trong tiếng báo động thất thanh. Thảo Em quýnh quáng bắc soong cá kho lên bếp, còn món rau luộc nữa mới xong. Cô biết một bữa cơm tối nóng sốt trước khi nước lụt vào nhà là rất quan trọng.
Có tiếng quát tháo ngoài ngõ. Thảo Em nhìn ra, mỉm cười. Ông Phòng nắm tay thằng con trai út lôi tuồn tuột. Hình như hai cha con đã đi trong tư thế như thế từ trường tiểu học.
"Bãi học cả tiếng đồng hồ rồi mà mi không chịu về là răng? Vô tới nhà mi biết tay tau!"
Mặc lời đe nẹt, mặc thân hình gần như bị bổ nhào về phía trước theo sức kéo của "ông già", cái đầu thằng Thi cứ ngoảnh lại phía sau, nơi bọn trẻ cởi truồng chạy nhông nhông dưới mưa gió đì đùng. Nói dữ dằn là thế nhưng khi đã yên ổn trong nhà, ông Phòng vội dùng khăn lông vò lau đầu tóc và thay áo quần cho thằng út. Nhột, nó ngọ ngoạy cười hi hi. Ông Phòng cũng cười hềnh hệch. Thảo Em dưới bếp bước lên, dúi vào tay em củ khoai vùi tro nóng hổi bóc vỏ sẵn. Thằng nhỏ bẻ một miếng đút vào miệng "ông già" lấy thảo rồi ngoạm miếng lớn, suýt mắc nghẹn. Chua miệng, ông Phòng nốc ngụm chè xanh, khà một tiếng, lập bập điếu Đà Lạt, quay sang Thảo Em:
"Coi bộ nước lớn đa con...".
Nước lớn sớm hơn mọi năm. Mới chín giờ tối đã vỗ bì bạch vào chân cửa. Điện cúp cái rụp. Mười giờ chảy róc rách thành dòng trong nhà. Cứ thế cao dần. Nửa đêm, Thảo Em phải giúp cha kê giường. Thằng Thi quấn chăn bông ngồi chóc ngóc trên giường như ông vua con. Một giờ sáng lại bì bõm lội nước bạc kê tiếp. Thằng nhỏ lúc này ngủ vùi không biết mình đang được nâng lên tận đà ngang của ngôi nhà. Ông Phòng lầu bầu:
"Chưa năm mô hỗn như ri. Chắc trên núi có lũ lớn rồi..."
Thảo Em lạnh run trong bộ bà ba ướt sũng:
"Nước lên nữa chắc chết quá ba ơi!"
Ông Phòng mắng:
"Nói bá láp, cố ngủ một tí lấy sức..."
Nhưng ông cũng thấy lo, chưa có dấu hiệu mực nước chững lại. Ông mở ô cửa "khu đĩ" trên nóc bức tường đông để có thể nhìn ra bên ngoài...Vô tình cả hai cha con nhận ra họ đang hướng mắt về phía nhà ông Cả Luân, cách đấy chừng năm, sáu chục mét. Làn chớp rạch trời làm lộ rõ ngôi nhà bê tông vững chãi trong mưa lũ. Hàng rào chè tàu, cây cảnh ở giữa đã chìm nghỉm từ lâu khiến Thảo Em thấy khoảng cách hai nhà như xa thêm, như thể hai bờ của một dòng sông lênh láng. Trên tầng hai nhà ông Cả còn sáng ánh đèn bão, cửa ra sân thượng vẫn mở và lố nhố bóng người. Có lẽ bên ấy đang dời chuyển đồ đạc từ tầng trệt lên tầng hai. Thảo Em run lên khi nhận ra đôi vai rộng của Long sau làn mưa dày. Không biết anh ấy có nhìn về phía nhà mình không, liệu có biết mình đang ngồi chồm chỗm sát nóc nhà không? Những câu tự hỏi làm Thảo Em đau thắt trong bụng và lén nhìn sang “ông già” như có lỗi... Hai ông già giận nhau đã hai tháng. Thời gian ấy đủ để hai đứa khổ sở vì chẳng dám vạch hàng rào chạy qua chạy lại lăng xăng như trước. Sáu mươi ngày cắt liên lạc, lối mòn nơi hàng rào chè tàu giữa hai nhà đủ êm để đâm lá non, khép lại. Nhưng cũng có hay của sự ngăn cấm: Thảo Em biết mình yêu Long đến chừng nào...
Mà cũng tức cười cho hai "ông già", cô nghĩ. Họ giận nhau như con nít. Nếu tính từ thời còn bé chắc đã giận nhau cả tỷ lần. Nhưng lần này có vẻ ghê gớm. Ông Cả đi Sài Gòn, ông Phong nhờ mua mấy quả sầu riêng cho đỡ nhớ những ngày lang bạt miền Nam. Ông Cả về, mời ông Phong sang nhà vừa chơi cờ tướng vừa lai rai tẩy trần. Ông Phong hỏi sầu riêng đâu. Ông Cả quên mua, vì sầu riêng không nằm trong bộ nhớ của ông, hơn thế ông dị ứng với mùi thơm của loại trái cây đặc sản miền Nam này. Đã không xin lỗi, ông Cả lại đùa, có lẽ vì quá ỷ y vào tình bạn từ thời ở truồng tắm sông:
"Đồ nớ nặng lắm nên tui tính cách khác rồi..."
"Cách chi?"
"Tui hái trái mít chín tặng anh, anh chịu khó vô cầu tiêu ngồi ăn thì hương vị đậm đà thua chi sầu riêng!"
Rầm một phát, bàn cờ gãy đôi. Ông Phong lẳng lặng bỏ về. Ông Cả bần thần ngồi nhìn bạn đi thẳng ra cửa ngõ chớ không băng qua hàng rào theo thói quen. Nhưng ông cố kìm lại bản thân, làm như không thèm quan tâm tới thằng cha "chấp nhất"...
"Long ơi, anh quên em rồi phải không?", Thảo Em đau đớn nghĩ. Thảo Em nghĩ thế là chưa tới. Không chỉ Long, mà ông Cả cũng nặng trĩu trong lòng khi nhìn thấy mớn nước lúp xúp sắp vượt qua đầu ô cửa nhà ông Phòng. Họ biết mấy cha con ông Phòng hiện đang ở đâu trong ngôi nhà cấp bốn thấp lè tè ấy. Nhìn ánh mắt len lét nhìn sang nhà Thảo Em và sắc diện trầm trọng của thằng Long ông Cả hiểu hết và ông xót lắm nhưng kiên quyết im lặng. Nước cứ lên dù có chậm hơn. Tiếng mõ, tiếng phèng la từ xa văng vẳng... Ông Cả búng điếu thuốc lá hút dở ra màn mưa, một tiếng "xèo" tắt lịm. Ông đứng bật dậy, ra lệnh hạ thủy chiếc thuyền nhôm gác trên mái hiên. Ông sốt ruột chỉ chờ một tiếng kêu cứu của cha con ông Phòng. Nhưng bên đó im lặng như tờ. "Đ.m cái thằng "chấp nhất"!". Ông Cả chửi thầm trong bóng tối. Rồi ông châm điếu thuốc mới, "Mà mình cũng "chấp nhất" thua chi hắn?".
Lúc đó, sau khi hoàn tất vai trò chỉ huy dọn dẹp bảo toàn đồ đạc trong nhà, bà Cả thở phào nhẹ nhõm, bỏ gọn miếng trầu vào miệng, nhai bỏm bẻm cho dịu căng thẳng. Nhưng lập tức bà há miệng muốn rớt miếng trầu ra ngoài khi vô tình nhìn qua phía nhà hàng xóm. Rồi bà hét tướng:
"Cha con bây ngồi yên rứa à? Chở gấp mấy cha con chú Phòng qua đây kẻo không kịp!"
Như chỉ chờ có thế, ông Cả và thằng Long nhảy vào thuyền, hiệp sức chèo chống trong mưa gió.
"Coi chừng nước xoáy!", bà Cả đội mưa, nhô ra hẳn tấm thân bảy chục ký lô ngoài lan can, chỉ huy tầm xa.
Tất cả đã yên vị trong lòng chiếc thuyền nhôm chòng chành. Chừng năm sáu chục mét nhưng không dễ gì thu ngắn khoảng cách hai nhà giữa dòng nước lũ. Gió lại trở chiều gian ác. Ông Phòng giật lấy mái chèo trong tay thằng Long, chèo lái. Ông Cả chèo mũi. Long được dịp ngồi sát Thảo Em đang run lẩy bẩy, run đủ thứ chuyện. Cu Thi được quấn trong chăn như con sâu nằm trong kén. Nước mưa quất rào rào vào mặt làm nó choàng tỉnh, hốt hoảng hé mắt nhìn quanh. Rồi nó rúc vào giữa anh Long và chị Thảo. Ông Phòng cười thầm trong bụng: "Cái thằng vô duyên!". Bỗng ông chuyển sang ý nghĩ khác, căng thẳng hơn, mà ông biết ông Cả cũng đang cân nhắc: "Thằng nào sẽ lên tiếng trước?"....
Nguyễn Phúc Vĩnh Quyền
(Rút trong tập "25 truyện ngắn về Huế")

Xem Tiếp: ----