CHƯƠNG MỘT

Vườn sắn sau trường Tiểu học được trồng và chăm sóc bởi hai vợ chồng ông cai trường. Những thân cây cao tròn, lá sắn xanh mướt vì được vun xén tưới nước hằng ngày. Phía bên hông vườn sắn là những dàn mướp đắng, bầu... trái dài phết xuống đất, nhìn thiệt sướng con mắt. Cạnh những dàn bầu, mướp là những vồn cà chua, ớt chỉ thiên đủ màu, đen trắng đỏ lục. Ông cai thường nói là ớt màu đen là ớt cay nhất, ăn vào là cay điếc cả lỗ tai. Trường Tiểu học Thanh Long nằm cạnh bờ sông Hàng Bè, một nhánh của sông Hương chảy qua cầu Gia Hội và trường tọa lạc gần cầu Thanh Long về hướng đồn Mang Cá. Trường xây cất theo lối Tây phương, với tường gạch và mái ngói màu đỏ. Trường rất xinh xắn, chỉ có năm lớp học, trần nhà cao và sáng sủa vì chung quanh là những cửa gương lớn. Cổng trường xây về hướng Đông nhìn ra sông, vì thế các lớp học rất là mát vì gió sông thổi vào. Phía sau lưng trường là sân cờ và cũng là sân tập thể dục của học trò. Sân cũng không lớn lắm nhưng có sân bóng chuyền nằm cạnh bên cây mít cao và đầy trái thơm lừng. Ông cai trường được phép xây một cái am nhỏ để thờ, nghe đâu là thờ cô hồn yểu tử thì phải, vì theo ông kể lại, vào đêm Nhật đảo chánh Tây, có nhiều lính Tây Lê Dương chạy thoát từ đồn Mang Cá, vào trốn trong trường. Sau đó lính Nhật đi lùng và giết ba bốn tên Lê Dương tại sân cờ gần cây mít. Bà cai trường nói có nhiều đêm bà thức dậy đi tiểu, bà nghe tiếng cười và thấp thoáng bên cạnh cột cờ hình như có bóng những người cao lớn đi qua đi lại như đang đùa giỡn với nhau.
Những cô cậu học trò, trong giờ ra chơi, thường đến chiếc bàn nhỏ của bà cai trường bày bán bánh kẹo, khoai sắn nhà vườn, để nghe bà kể chuyện ma. Các cậu học trò con trai làm bộ như ngon lành lắm, không sợ ma, trước mặt mấy người đẹp đang run rẫy nắm lấy tay bạn. Sợ thì cũng có nhưng mấy cậu thường leo lên cây mít để hái mấy trái mít con vừa chớm nụ đem xuống chấm muối ớt ăn với nhau. Ông cai trường rình rập dữ lắm, nếu mà ông bắt được học trò nào leo lên cây mít hoặc là phá mấy cây cà, cây ớt của ông là ông dẫn lên cô Đốc Hương, cô hiệu trưởng và bắt phạt ở lại sau giờ học chờ cha mẹ đến nhận về. Nếu bị bắt nhiều lần các cô hay cậu này có thể bị đuổi không cho học nữa.
Cô Đốc Hương có tiếng là khó và bắt học trò giữ kỷ luật dữ lắm, nhưng được cái là cô rất thương học trò như thương con ruột của mình vậy. Con trai của cô là thằng Trung cũng theo học lớp nhất tại trường này. Thằng này tính tình hiền hòa và dáng đi ẻo lả như con gái, lại hay mu khóc, mỗi lần bị mấy đứa bạn trai khác chọc quê là nước mắt chảy dài ra, nhưng lại không dám mét với cô Hương vì cô không thích con mình được đối xử đặc biệt hơn những học trò khác. Vì thế Trung ưa làm bạn với những đứa to con để che chở cho hắn. Hắn thường mua kẹo kéo hoặc cà rem cây của những người bán dạo trước cổng trường để hối lộ cho mấy người hùng cận vệ.
Một trong những người bạn thân của Trung là Nguyên, cũng học lớp nhất. Nguyên là cháu ngoại của ông bà cai trường. Dáng dấp chững chạc, cậu lớn hơn trước tuổi và là học trò trưởng lớp. Mặc dù còn có nhiều học sinh lớp nhất khác trong trường nhưng với tư cách và giọng nói rất oai nên cô Hương chỉ định cho Nguyên điều khiển và đánh nhịp cho học sinh hát Quốc ca mỗi sáng thứ hai trong buổi lễ chào Quốc kỳ.
Nguyên lại là học sinh ưu tú của trường, rất giỏi toán, chơi bóng chuyền hay nhờ thân thể cao hơn những học trò khác. Ngoài ra với giọng ca thiên phú, Nguyên hát rất nhuyễn nên thường hay lên sân khấu trình diễn trong những buổi văn nghệ do trường tổ chức. Cứ mỗi lần đang chọc ghẹo Trung mà thấy Nguyên từ đằng xa đi tới là mấy cậu nhóc im thinh thích rồi lảng ra chỗ khác. Nhưng Nguyên có làm gì tụi nó đâu, cậu ta chỉ nhìn thôi mà các cậu đó đã thấy khớp trước tia nhìn nghiêm nghị của Nguyên rồi. Trung thường hay khoe với Nguyên những bức họa chân dung mà Trung thường vẽ vội trên giấy học trò, sao mà nó đẹp và giống thế. Nhất là bức tranh mà Trung vẽ hình của Huyền, cô bạn gái thân thiết của Nguyên. Mới nhìn vào là thấy cái miệng cười với lúm đồng tiền tức khắc, rồi còn đôi mắt nữa. Mặc dù được vẽ bằng bút chì, nhưng nhìn thấy ngay đôi mắt tròn to đen lánh của Huyền.
Ngày hôm ấy khi Trung kéo tay Nguyên ngồi trên thành xi măng của cái giếng bên hông sân tập thể dục, rồi từ tốn lấy trong tập bìa cứng ra bức họa chân dung của Huyền, Nguyên rất ngạc nhiên, không những về tài vẽ tranh của Trung mà còn ngạc nhiên vì không hiểu Trung đã để ý đến Huyền từ khi nào đến độ vẽ cả hình ảnh của Huyền. Hơn nữa qua những lần tâm sự và đi chơi dọc bờ sông vào những buổi chiều tắt nắng, Nguyên biết Huyền không thích cậu học trò “có dáng đi ẻo lả như con gái” này đâu. Ngược lại, Nguyên biết Huyền rất thích chơi với Nguyên, nàng thường rũ Nguyên đến nhà cha mẹ vào cuối tuần và đã nhiều lần chia cho Nguyên những miếng kẹo chocolate Tây ngọt lịm.
Huyền có nét đẹp của cô gái lai Tây Ban Nha, với nước da ngâm đen và đôi mắt bồ câu đen lánh. Nàng vừa được mười một tuổi nhưng thấy lớn hơn trước tuổi. Những khi nàng mặc áo thun màu xanh dương, Nguyên đã nhiều lần đỏ mặt khi thoáng nhìn thấy ẩn hiện sau chiếc áo mỏng, hai hạt bắp nhỏ trên hình tròn của hai trái cau không che dấu của Huyền. Mái tóc Huyền năm ngoái được mẹ cắt theo kiểu búp bê, năm nay mẹ Huyền chìu nên cho Huyền nuôi mái tóc đen dài xuống tận vai, làm cho nàng có vóc dáng của cô gái dậy thì hơn là cô bé sắp lên lớp đệ thất trong mùa tựu trường niên khóa tới. Khi Huyền cười, chiếc má lúm đồng tiền càng tăng thêm vẻ duyên dáng của đôi môi hình trái tim. Đôi lông mày đậm nét càng làm cho khuôn mặt trái soan thêm đậm đà. Huyền thường là trung tâm điểm của những cậu học sinh lớp nhất khi nhìn nàng nhảy giây với những bạn gái cùng tuổi. Chúng nó thường đứng trố mắt nhìn nàng nhún nhảy, nhìn hai trái cau tươi hiện ra sau chiếc áo trắng ướt đẫm mồ hôi, rồi chỉ chỏ chọc ghẹo Huyền, nhưng Huyền cứ tỉnh bơ. Mỗi lần như vậy là Nguyên bỏ đi chơi chỗ khác, mặc cho Huyền vừa nhảy vừa liếc tìm cậu bạn trai ưng ý nhất của nàng.
Năm ấy Nguyên cũng vừa lên mười một tuổi, nhưng trên giấy khai sinh, khai là vì sổ bộ bị thất lạc nên chỉ khai lại mười tuổi thôi. Cũng giống như Huyền và Trung, hai đứa nó cũng khai trụt tuổi, Huyền thì mười hai, khai lại là mười một, tuổi con Heo mà. Còn Trung thì là tuổi con Chó, sinh năm một ngàn chín trăm ba mươi bốn, nhưng lại khai trụt hai tuổi, thành thử trên giấy tờ, Trung chỉ mới mười một tuổi. Ba người bạn học lại được cha mẹ cho đi học trễ và lại bị gián đoạn vì hoàn cảnh chiến tranh trên quê hương, nhất là tại cố đô Huế. Nào là Nhật đảo chánh tại Tòa Khâm, Tây đầu hàng rồi Tàu vào Huế tước khí giới lính Nhật Bản khi Đồng Minh đánh bại nước Đại Á, có lá cờ mặt trời mọc. Thôi thì tùm lum, cha kể chuyện cho Nguyên nghe khi ông nằm dài trên chiếc phản gỗ để Nguyên nhổ tóc bạc cho ông, thật vì lo nghĩ nhiều quá nên mới có bốn mươi ba tuổi đời mà tóc ông bạc cũng nhiều rồi.
Nguyên nghĩ chừng nào càng thấy thương cha mẹ nhiều chừng đó. Tâm trí Nguyên luôn luôn nghĩ đến những kỷ niệm đau buồn của mình, sinh ra trong chiến tranh, trên một quê hương bị thống trị bởi lũ thực dân đi tìm thuộc địa. Và cũng như những quốc gia nhược tiểu khác trên thế giới, nước Việt nam cũng cùng chung cảnh ngộ bị lôi kéo vào cuộc Đệ nhị thế chiến khi Nguyên vừa mới biết chạy và biết sợ khi làm rơi đồ vật quý của cha mẹ.
Hai vợ chồng người dân quê, mặt mày đen đúa với vết than đầy mặt, hai chân không, đang rảo bước trên con đường đất đi về hướng An Lỗ, về cây số mười bảy. Trên vai mỗi người là một túi gạo khoảng mười kí lô, chiếc áo dài đen sờn vai ẩm ướt dính vào thân hình gầy còm của hai người dưới cơn nóng oai bức của mùa hè xứ Huế.
Thỉnh thoảng hai người bước chậm lại để chờ cậu con trai nhỏ chừng khoảng sáu hoặc bảy tuổi, vai cũng mang một bao nhỏ đựng một hai kí lô gạo, đang chân không chạy lơn tơn theo cha mẹ. Cậu bé cũng mặc chiếc áo dài đen cụt ngủn ngang quá đầu gối. Mặt mày Nguyên, tên cậu bé, đỏ hồng như cô bé gái vì sức nóng của thời tiết và vì cậu ráng sức vác bao gạo đi nhanh cho kịp bố mẹ kẻo chậm lại khi đến làng La Chữ thì trời tối lắm.
Con đường từ Huế đến làng La Chữ khoảng chừng mười một cây số. La Chữ nằm về phía trong núi phía tây của quốc lộ Một trên đường đi ra Quảng Trị. Đây là làng của bà vợ lớn cũ đã ly dị của cha Nguyên. Bà có một căn nhà ở chỗ này và cha đã quyết định tản cư và rời Huế đưa hai mẹ con Nguyên lên đây để trốn Tây. Ông sợ ở dưới Huế, Tây bắt thanh niên và nghe đâu tụi Lê Dương hảm hiếp đàn bà con gái dữ lắm, vì vậy nên mặc dù bà vợ lớn không bằng lòng ông cũng năn nĩ và cuối cùng vác gạo lên đường với hai người thân yêu của ông đi lánh nạn. Nhìn người vợ trẻ phải bôi mặt với than đen cho xấu và đứa con vừa chập chững vào đời, lòng ông thắt lại. Ông dừng lại, để bao áo quần và bao gạo xuống bên vệ đường, móc trong túi áo ra một cây kẹo mè xững, rồi ngồi chò hỏ chờ Nguyên đến gần, vừa đưa cho con, vừa hôn vào chiếc má lấm tấm từng hột mồ hồi nhỏ, khen vài câu, xoa đầu đứa con trai rồi xách hai bao vải tiếp tục cuộc hành trình di tản.
Đêm đã về khuya, Nguyên nằm trên chiếc chiếu trải trên nền đất phía nhà sau, Nguyên không ngủ được, đâu phải vì sợ nhà lạ hay đêm tối, đã có cha mẹ mình nằm hai bên mà. Nhưng Nguyên không ngủ được vì đang lắng tai nghe tiếng tụng kinh của ông thầy tụng trầm bỗng trong đêm trường, nghe hay và buồn làm sao không tả được. Cái giọng Huế lên xuống theo tiếng chuông mỏ khi thì kéo dài, khi thì ngắt đoạn đưa tâm tư của cậu bé lâng lâng như bị thôi miên vào tiếng kinh kệ.
Hồi chiều khi ba người vừa đến nhà của bà vợ lớn, ông thầy chùa ra chào và hỏi về tình hình ở Huế, có vẻ như là muốn biết nhiều về sự di chuyển của Tây trong thành phố. Nhưng cha của Nguyên nói ông có biết gì đâu. Chỉ mỗi cái việc lo mua vài chục kí lô gạo, rồi thu xếp, rời cái nhà nhỏ dưới bến đò Cồn mà còn sợ không kịp trước khi Tây đổ bộ lên từ Thuận An. May mà chạy trước khi Tây đến, chứ không bây giờ chắc cũng bị kẹt ở trong Huế rồi. Sau khi ăn cơm sơ sơ xong, ông thầy chùa rời nhà đi đâu không biết mãi đến gần khi trăng mười chín mọc, ông mới trở về và bắt đầu tụng kinh khi trong nhà sửa soạn tắt những ngọn đèn dầu phụng leo lét để đi ngủ. Vừa nằm một lúc cha mẹ của Nguyên có lẽ vì thấm mệt với cuộc hành trình trong ngày nên Nguyên đã nghe tiếng ngáy của cha và hơi thở nhẹ nhàng của mẹ, đang choàng tay qua ôm đứa con trai thân yêu nhất của mình như sợ bị đánh mất giữa cuộc chiến gian khổ của đất nước và cuộc đời gian truân của chính mình. Riêng Nguyên thì cứ nằm yên lặng nhìn những hình bóng kỳ lạ nhảy múa trên bức tường, trong ánh đèn chập chờn của ngọn đèn dầu phụng từ nhà trên rọi xuống, thoang thoảng trong mơ tiếng chuông mỏ xa dần rồi Nguyên chìm từ từ vào cơn ngủ mê khi nào không hay.
Hai vợ chồng và đứa con trai lên La Chữ được hơn một tuần. Mỗi ngày mẹ thường ra chợ đầu làng bán những áo quần cũ mang từ Huế lên để kiếm thêm tiền mua thức ăn. Đây là những áo sơ mi, áo vét tông của cha và những chiếc áo dài, đồ bộ bằng lụa mà cha của Nguyên đã sắm cho vợ mình khi ông còn giàu có, lúc vừa mới đem mẹ về làm dâu cho gia đình. Sau đó vì lý do thất bại trong việc làm ăn mà chỉ trong vài năm sự nghiệp tan tành, chỉ còn lại một ít tiền để chi tiêu qua ngày. Mẹ rất buồn khi phải bán đi những kỷ vật của mình, nhưng lúc này giữ lại thì không có tiền mua gạo, thôi thì hy sinh một tí cũng được.
Cha Nguyên lúc nào cũng ngồi cạnh vợ tại chợ cho khi đến khi chợ tan rồi mới về. Trong khi cha mẹ ra chợ, Nguyên chạy chơi với mấy đứa con những người nông dân ở gần đó. Chúng nó chăn trâu tài lắm, trâu to như vậy mà nghe lời tụi nó răm rắp, biểu đi là đi, biểu đứng lại là đứng lại liền, nếu không tụi nó dùng cành cây tre nhỏ đập vào chiếc mông to tròn của con trâu. Nguyên được một anh lớn tuổi, khoảng chừng mười hai mười ba gì đó, bồng nó lên cởi lưng trâu, Nguyên khoái lắm, đây là lần đầu trong đời được ngồi trên lưng trâu. Sao mà nó êm đến như vậy. Những khi trâu rảo bước chầm chậm, Nguyên sợ té nhưng nhờ có anh này ngồi ôm phía sau nên Nguyên cũng yên lòng, một tay giữ lấy cánh tay mặt của anh ta, một tay cầm chặt chùm lông cổ của con trâu để giữ thăng bằng. Mấy đứa này gọi Nguyên là “người trên dinh”, Nguyên không hiểu, sau hỏi mẹ mới được giải thích “người trên dinh” là người ở thành phố, những người nhà quê đặt tên người ở tỉnh thành như vậy.
Cuộc sống trầm lặng kéo dài được gần ba tuần lễ, hằng ngày cha đi hỏi mấy người lên xuống Huế buôn bán, về tình hình dưới phố. Cha về nói cho mẹ biết Tây đang đóng quân tại Tòa Khâm và đồn Mang Cá, mang tàu lên gần bến Đập Đá và bắt đầu chuyển lính Lê Dương đi lùng, phía nam về hướng Hương Thủy, phía bắc về hướng An Hòa, cách làng La Chữ ba cây số về phía đông trên quốc lộ Một. Khi nghe được tin này, cha mẹ sợ lắm, ông ra phía sau vườn, đào một cái hầm, dưới con rạch khô nhỏ, chung quanh là rặng tre dày chạy dọc theo con rạch phủ đầy những cành cây tre, lá tre che kín, đứng gần cũng không biết có hầm trú ẩn dưới đó.
Riêng ông thầy chùa thì cứ đi mãi đến tối mịt mới về nhà, không ai biết ông đi đâu và làm gì, chỉ thấy ông che dấu cái gì ở dưới chiếc áo màu nâu sồng khi ông ra khỏi nhà. Cha Nguyên không thích ông thầy chùa này, nên không mấy khi cha nói chuyện với ông ta, ngay cả trong những bửa ăn, ông thầy chùa và bà mẹ lớn ăn chay nên bà nấu riêng và ăn chung với ông thầy chùa ở nhà trên. Còn gia đình Nguyên ngồi ăn tại nhà dưới cạnh bếp. Nguyên đã quen với tiếng tụng kinh hằng đêm của ông thầy chùa, cậu ta còn thuộc lòng những câu kinh dễ nhớ và mỗi buổi chiều khi mẹ về ngồi chơi với Nguyên ở ngoài sân, cậu giả giọng lên xuống của ông thầy tụng kinh cho mẹ nghe làm mẹ vui và cảm thấy thương con, ôm chặt con vào lòng. Nguyên thương mẹ lắm, cậu thường ôm chiếc cổ trắng ngần và hôn vào đôi má cũng trắng hồng của bà. Nguyên thích nhìn mẹ cười vì mỗi lần như vậy, Nguyên thấy hai hàm răng màu đen hạt huyền, đều đặng duyên dáng dưới chiếc miệng cân xứng với khuôn mặt của mẹ. Nguyên biết mẹ mình rất đẹp vì vậy cha mới sợ Tây Lê Dương bắt gặp me.ï
Mẹ Nguyên rất ít nói, mà khi nói thì giọng nói rất nhu mì và nhỏ nhẹ như tiếng chim trên cành. Giọng Huế đặc biệt mặc dù quê mẹ ở tận mãi trong tỉnh Phước Tường, Quảng Nam. Một tỉnh nhỏ nằm gần chân đèo Hải Vân, cạnh vịnh Đà Nẳng, nơi có tiếng là con gái rất đẹp, có lẽ vì phong thổ gần núi gần biển, trời xanh mây trắng bao phủ những ngày nắng ấm.
Sáng hôm đó khi trời vừa rạng đông, cả nhà chợt tỉnh giấc khi nghe tiếng máy bay bà già bay ngang qua mái nhà thật thấp. Cha vội vàng vùng dậy, vì với kinh nghiệm của ông, cha biết máy bay này là loại máy bay thám sát, thường bay đi dọ thám và chỉ đường cho pháo binh của Tây bắn đại bác mở đường cho lính Tây đi lùng.
Cha vội lấy bình đựng nước và vài cái bánh ú rồi gọi lên nhà trên cho bà vợ lớn và ông thầy chùa biểu họ chạy gấp vì Tây sắp đến, xong rồi ông bồng Nguyên và dìu mẹ Nguyên chạy về phía chiếc hầm ông làm sẵn trước, dưới con rạch khô phía sau rừng cách nhà khoảng vài trăm thước. Khi đến nơi ông cẩn thận vạch lá tre đưa mẹ con Nguyên xuống nằm sâu dưới đó rồi phủ kín lá tre che kín lại. Nhờ lá tre nên hai mẹ con Nguyên vẫn có không khí để thở và nằm rất thoải mái dưới chiếc hầm trốn Tây khéo léo chuẩn bị của cha Nguyên. Dù ai đứng gần cũng không làm sao biết có người đang trốn dưới đó. Sau khi lo xong cho vợ con mình, cha Nguyên cũng làm một chỗ trốn cho chính mình, cũng rất kín đáo nhưng lại có thể quan sát được những gì đang xảy ra chung quanh.
Vừa chuẩn bị xong thì ba người đã nghe tiếng súng pháo binh bắn vào làng về phía chợ và nhà thờ họ của dân tại đây. Tiếng súng càng nghe gần hơn khi mặt trời lên cao khỏi ngọn tre. Nguyên cảm thấy người của mẹ run lên nhè nhẹ vì sợ hải, cậu ôm mẹ chặt hơn như trấn an rồi hôn vào má của người mẹ hiền kính mến của mình. Hai mẹ con ôm nhau trong khi cha đang ngoái cổ lên để nhìn về hướng cổng làng.
Ba người nằm trốn dưới đó khoảng hai ba tiếng đồng hồ gì đó thì nghe tiếng chó trong làng bắt đầu sủa liên tục trong khi tiếng súng trường và súng tiểu liên nổ dòn trong buổi sáng tại vùng quê hẻo lánh. Cha Nguyên biết Tây Lê Dương và lính Ma Rốc Ken đã vào đến ven làng và có lẻ sẽ đi ngang qua đây trong chốc lát. Ông vội vàng kéo thêm lá tre phủ kín người ông rồi lặng lẽ và hồi hộp... chờ. Thời gian trôi qua thật chậm, ba người cảm thấy trống ngực đập mạnh thêm khi nghe tiếng con chó của ông dân quê hàng xóm vừa kêu ăng ẳng như bị ai đá trúng vừa chạy vừa sủa vang xóm. Thế rồi ba người nghe tiếng tiểu liên nổ một loạt và con chó im không còn sủa nữa.
Nguyên bỗng nhớ lại mấy câu kinh tụng Nam Mô Cứu Khổ Cứu Nạn Quán Thế Âm Bồ Tát của ông thầy, rồi cậu chợt nghe mẹ đang run giọng thì thầm niệm câu kinh đó. Cha Nguyên đoán chừng tụi Tây đang lùng mấy nhà phía trước và nhà của bà vợ lớn, ông biết bà này cũng có một cái hầm rất bí mật ông đã làm cho bà sau lưng chiếc tủ thờ và ông cầu nguyện bà có đủ thời giờ để vào trốn trong đó. Về phần ông thầy chùa, cha Nguyên thấy ông chạy về hướng núi khi ông đưa hai mẹ con Nguyên ra con rạch này. Bây giờ không biết số phận ông thầy ra sao.
Tiếng súng thỉnh thoảng nghe nổ lên từng hồi tiếp sau đó là tiếng người chạy và súng nổ liên tục. Tiếng Tây nói chuyện với nhau trên máy truyền tin nghe rất rõ và hình như có người đang đi đến gần về phía ba cha con đang trốn. Nguyên không nghe tiếng mẹ niệm kinh nữa, cậu định thì thầm hỏi thì đã bị mẹ lấy tay bịt miệng lại và ra dấu nằm im. Rồi đột nhiên cả ba người nghe tiếng chân đi xào xạt trên lá về hướng rặng tre bên bờ trên con rạch nhỏ.
Tất cả đều nằm im nín thở và lo lắng, mồ hôi rịn ra trên bàn tay mẹ, hơi run run. Nguyên nằm im thinh thích, rồi cậu chợt nghe tiếng nước chảy róc rách đâu đây, giống như có người đang đi tiểu tiện. Mùi nước tiểu xông lên nồng nặc nhưng cậu không dám lấy tay bịt mủi lại vì sợ thằng Tây nó nghe. Có lẽ tên này uống nhiều rượu trước khi đi lùng dân An Nam hay sao mà hắn tiểu lâu quá. Sau khi tưới chết mấy cây tre già xong tên lính này thở ra như thỏa mãn, quay ngược trở về hướng nhà và rồi ba người nghe tiếng xi xô xa dần đi về hướng núi của dãy Trường sơn.
Nguyên nghe tiếng mẹ thở mạnh hơn và một lúc sau cha vén lá tre để nhìn xem tình hình như thế nào. Ông bảo hai mẹ con cứ tiếp tục nằm yên vì ông sợ tụi Tây có thể trở lại đây lúc kéo quân về. Tiếng chó sủa nghe cũng xa dần và sau một lúc tất cả đều im lặng. Ba người nằm dưới hầm cho đến khoảng xế trưa, cha Nguyên đánh bạo ngồi dậy ra khỏi hầm của ông và từ từ cẩn thận bò dọc theo con rạch ra phía cây xoài sau nhà, leo lên cây măng cụt nhìn bốn phía để xem lính Lê Dương đã đi khỏi làng chưa. Từ xa, về hướng đình làng, ông thấy một hai căn nhà tranh bị đốt cháy, khói đen vẫn còn bay nhẹ trong bầu trời xanh không gợn mây của ngày cuối hè đầu thu. Ông thấy dân bắt đầu ra khỏi những nơi trú ẩn, đứng lố nhố chỉ trỏ về hướng cổng làng gần nơi chợ nhóm như bàn tán chuyện gì. Linh tính cho cha biết tụi lính Ma rốc đã rút đi lùng chỗ khác và có lẻ trước khi đi chúng đã để lại xác những người dân bị chúng nó bắn chết khi đi lùng tại làng này.
Ông leo xuống khỏi cây măng cụt, chạy ra hầm trú ẩn và dìu hai mẹ con Nguyên ra khỏi rặng tre. Ông bồng Nguyên lên để đi vào nhà cho nhanh hơn, bỗng nhiên ông cảm thấy cánh tay ông ướt át, ông ngừng lại và mĩm cười, thì ra cậu con trai quý của ông vì quá sợ đã đái trong chiếc quần xà lõn của cậu hồi nào mà cậu cũng không hay biết. Khi vừa bước vào nhà, ba người thấy bà vợ lớn đã ra khỏi chỗ ẩn trốn, mặt mày vẫn còn sợ hãi, bà nói tụi nó lục soát sơ sơ thôi chứ mà tìm kỹ càng, có lẽ bà cũng bị bắt rồi. Nhìn bàn ghế lăn lóc trên nền nhà và chén bát bể nát tứ tung, cha Nguyên thấy lần này mình quá may mắn nhưng ông sợ rằng những lần sau, khi tụi Tây trở lại không biết có sống sót như thế này nữa không.
Sau khi ăn vào mấy chiếc bánh ú, ông nói với mẹ ở nhà để ông đi ra chợ làng xem chuyện gì đã xảy ra sau khi Tây rút đi. Nguyên năn nỉ xin cha cho đi theo, ban đầu cha từ chối nhưng thấy con nước mắt nước mũi ròng ròng, ông dặn dò hai bà vợ cẩn thận rồi thay quần khác cho Nguyên và nắm tay con trai đi lên chợ làng. Dọc theo con đường dẫn đến chợ làng, những mái nhà tranh còn cháy âm ỉ và đang được dân làng dùng nước giếng để chửa cháy. Từng nhóm người đang đứng bên đường kể cho nhau nghe về những hành động dã man cũng như thiệt hại và mất mác mà Tây đã gây ra cho dân làng.
Khi đến gần chợ làng cha Nguyên để con xuống và cầm tay con đi về phía đám đông đang tụ tập tại khoảng đất trống giữa chợ. Tiếng khóc của những người đàn bà nghe thật não lòng, trước mặt hai cha con là bốn người đàn bà, người thì lăn lộn dưới đất, người thì quỳ gối, đang khóc lóc, kể lể, than trời trách phận cạnh bốn xác chết của những người thân được phủ bằng manh chiếu cũ. Chung quanh họ là các con, thân nhân của gia đình mặt mày đầm đìa nước mắt, đang cố trấn an và vỗ về nhau.
Cha con Nguyên đứng lặng người trước khung cảnh đau lòng của đồng bào mình. Hậu quả chiến tranh đã bắt đầu xảy ra hàng ngày trên dải đất nghèo nàn cằn cỗi, xa xăm ít người biết tới. Cha đứng dáng đăm chiêu như đang suy nghĩ và tính toán điều gì. Mặc dù đang nhỏ nhưng Nguyên cũng thấy buồn và nước mắt mình tự nhiên chảy dài xuống má vì quá cảm động với cảnh tượng đau lòng trước mắt cậu. Cha con Nguyên còn thoáng nghe những người đứng cạnh nói về việc tụi Tây Lê Dương rất tàn nhẫn hảm hiếp đàn bà con gái mà chúng bắt được, có người bị ngất xỉu vì tụi nó thay nhau phá hại đời con gái. Ngoài ra tụi Tây còn bắt nhiều thanh niên mà chúng nghi ngờ có liên hệ đến Việt Minh để đem về tra tấn và hỏi cung.
Trời đã về chiều, trên trời chim vạc bắt đầu bay về núi, cất tiếng kêu cô đơn như muốn chia xẻ và chung hòa vào tiếng oán than trong chiều của những người đàn bà vừa mới trở thành góa phụ, trong cuộc chiến tranh tàn nhẫn đã và đang lan tràn trên quê hương Việt Nam nghèo nàn khốn nạn này.
Lúc hai cha con về đến nhà thì trời vừa chạng vạng tối, những con dơi núi bay đầy trời, chúng nó lùng kiếm và bắt muổi dưới bầu trời đỏ vì ánh mặt trời lặn về hướng núi. Như vậy là ngày mai trời có thể mưa rồi, Nguyên thầm nghĩ như vậy, vì mẹ thường nói “ vàng gió đỏ mưa ”. Sau khi mẹ dọn cơm cho gia đình ăn, cha nói với mẹ về ý định của mình. Ông muốn đi về Huế xem xét tình trạng cuộc sống dưới đó trong những ngày sắp tới. Ban đầu mẹ còn ngăn cản vì sợ cha có thể bị Tây bắt, nhưng sau đó cha thuyết phục với những lý do của ông, mẹ chìu ý chồng mình nhưng khuyên là nên chờ đợi vài ngày nữa để tình hình sáng tỏ hơn và dọ hỏi những người về Huế buôn bán rồi quyết định.
Ông thầy chùa cũng đã trở về nhà khoảng nửa giờ sau, ông nói với mọi người là ông cũng quyết định rời La Chữ để đi chỗ khác vì nơi đây gần Huế quá, Tây sẽ đi qua đây nhiều hơn vì làng này nằm giữa giao tuyến chuyển quân của Việt Minh và của Tây. Ông dự đoán trong tương lai nơi này sẽ là bãi chiến trường giữa Tây và Cách mạng. Có lẽ ông thầy chùa biết nhiều hơn nữa nhưng ông không nói cho mọi người hay. Cha nhìn mẹ Nguyên như nói cho mẹ về quyết định của ông càng phải được thi hành sớm hơn dự định. Bà nhìn lại chồng với ánh mắt lo âu nhưng có vẻ rất đồng ý với ông.
Ngoài trời đêm bắt đầu phủ chiếc áo màu đen xuống bao bọc vùng quê vắng, tiếng chuông trống từ hướng đình làng, bỗng nghe vang dội phá tan sự tỉnh mịch của đêm trường. Mọi người đều đi ra vườn nhìn về phía ánh đuốc đang sáng rực trời, họ nghe tiếng phèn la rồi thấy trên đường một chú nhỏ đang vừa đánh phèn vừa la lớn mời dân làng đến sân đình để họp khẩn cấp. Sau lưng chú từng toán dân làng lũ lượt đi về phía đó.
Bà mẹ lớn vào đóng cửa nhà rồi cùng mọi người kể cả Nguyên cũng theo đoàn người vội vàng rảo bước đến đình làng để xem chuyện gì đang xảy ra tại đây. Cha vừa bồng Nguyên vừa nắm tay phải của mẹ, lòng phân vân đi cạnh ông thầy chùa và bà vợ lớn. Nguyên gối đầu lên vai cha vì mệt nhoài, cậu lim nhim ngủ theo nhịp chân của cha.
Khi mọi người đến nơi, sân đình đã chật cứng người, dân chúng đang đứng làm thành một vòng tròn chung quanh khu đất trống. Trước cổng đình ngay tại các tầng cấp dẫn vào điện thờ là một chiếc bàn gỗ dài, bên cạnh là một lá cờ cở trung bình, màu đỏ sao vàng, cán cờ được cột vào chân bàn. Ngồi sau chiếc bàn là năm người mặc áo bà ba đen, cổ choàng những chiếc khăn đỏ, tuổi xấp xỉ từ hai lăm đến ba mươi, mặt người nào cũng có vẻ nghiêm trọng. Mỗi góc sân đình là một người thanh niên một tay cầm ngọn đuốc, một tay cầm súng trường hoặc cây mã tấu, cũng trong bộ đồng phục bà ba đen choàng khăn đỏ với những khuôn mặt còn rất trẻ. Giữa sân đất là một đống củi gỗ lớn được sắp hình kim tự tháp, đang cháy ngùn ngụt sáng cả bầu trời nhiều sao. Hai chiếc hòm gỗ thông được đóng vội đặt nằm trên hai cái đòn dài, kê trước đống lửa với ánh sáng bập bùng, làm tăng thêm vẻ ma quái của buổi tập họp.
Người cán bộ trung niên, ngồi ở giữa nhìn quanh sân đình, có lẽ đã vừa ý với tổng số người tham dự, anh đứng dậy, tay cầm chiếc loa phóng thanh, làm bằng nhôm, với giọng Quảng Trị sang sảng, lớn tiếng tuyên bố lý do buổi tập họp của nhân dân đêm nay. Sau khi lên án tụi Tây thực dân tàn ác dã man, giết hại dân lành vô tội và nêu cao thành tích cứu nước của Cách mạng, anh nói là buổi họp còn để xữ án những tên Việt gian nằm vùng, đã chỉ điểm cho Tây giết hại những cán bộ của Cách mạng sáng hôm nay.
Mọi người chợt nghe tiếng khóc của hai người đàn bà từ trong đám đông chạy ra, ôm hai chiếc hòm, kể lể thảm thiết làm ai nấy đều cảm động, rơm rớm nước mắt. Người cán bộ tiếp tục khêu gợi lòng căm thù của dân làng, rồi anh chỉ thị cho đàn em dẫn hai người đàn ông, hai tay bị trói giật về phía sau, đang từ từ bước đến trình diện trước tòa án nhân dân. Cha Nguyên nhận ra được người trẻ tuổi đang đi trước là người thường đi xuống Huế để mua hàng về bán lại cho dân làng nhưng ông không biết người thanh niên thứ hai là ai. Tên cán bộ một tay nắm sợi giây thừng cột tay hai tội nhân của Cách mạng, tay kia vừa cầm khẩu súng lục đẩy mạnh vào lưng của hai người dân quê đang cúi mặt thất thểu lê chân bước đi nhọc nhằn, có lẽ vì kiệt sức sau khi đã bị cán bộ đánh đập tra tấn suốt cả ngày.
Tiếng hoan hô và đả đảo ồn ào làm Nguyên giật mình tỉnh dậy, cậu dụi mắt nhìn quanh trên vai cha, lấy tay che mặt vì ánh lửa sáng rực chói cả mắt của cậu. Cha Nguyên để con xuống đất và đưa tay lên miệng ra dấu cho con đứng im, tay ông nắm chặt lại như sợ mất con. Hai tội nhân bị xô té trước chiếc bàn dài, nằm cong người dưới những cái đá vào mông vào ngực từ người cán bộ, đang được dân làng hoan hô náo nhiệt.
Sau khi xướng ngôn viên đọc bản cáo trạng và kết án hai tội nhân, tiếng người càng la hét ồn ào thêm. Bỗng nhiên trong đám đông, về phía các cán bộ đang đứng, mọi người nghe tiếng hô lớn “giết nó đi” và thế là cả rừng người đều la lớn “giết nó đi, giết tên Việt gian đi”. Người cán bộ ngồi ở giữa bàn đứng lên, đưa hai tay lên khỏi đầu, ra hiệu cho mọi người im lặng, rồi nghiêm nghị tuyên bố, nhân danh Chính phủ Cách mạng, anh ta chấp thuận bản án của nhân dân và ra lệnh xử tử hai tên phản bội dân tộc này. Thế là máu hận thù lại rơi trên nền đất lạnh của vùng quê hương hẻo lánh. Hai thân xác của tội nhân bị bắn chết bởi cán bộ Cách mạng nằm trong tư thế uất ức quằn quại vì không được biện hộ khi bị họ kết án tử hình.
Trên không vầng trăng lưởi liềm không đủ ánh sáng, đang treo lơ lửng về phía tây, trên đỉnh núi của dãy Trường sơn. Luật của kẻ mạnh dù ở đâu và lúc nào cũng được dùng làm công cụ và là phương tiện sau cùng, để kết thúc bản án dành cho những nạn nhân đối lập của chế độ.
Ngày hôm sau, đúng như lời nói của mẹ, trời mưa như trút suốt ngày, bong bóng nhảy đầy sân. Cha mẹ Nguyên nói chuyện với bà vợ lớn và cho biết là sáng mai, cả gia đình sẽ về lại Huế. Cha đã có quyết định như vậy sau khi chứng kiến những gì đã xảy ra tối hôm qua. Ông không biết chuyện gì sẽ đến trong tương lai cho những “người trên dinh” từ xa tản cư tại đây như gia đình mình. Nhất là việc Tây đi lùng liên tục, làm sao mà trốn tránh mãi được. Thôi thì cứ đánh liều, về lại Huế rồi sẽ tìm cách đối phó với việc gì đến với gia đình.
Nguyên xin phép chạy qua nhà bên cạnh để từ giã anh bạn đã cho mình cởi trâu hôm trước và tặng cho anh chiếc tàu buồm mà cha đã khéo tay làm cho Nguyên trong thời gian rảnh rỗi tại làng La Chữ. Nguyên ở lại chơi với anh này cho đến chiều, cậu ra sau chuồng thăm con trâu, hôm nay khỏi phải ra đồng vì trời mưa. Khi trở về nhà Nguyên khoe với cha mẹ chiếc sáo tre mà anh bạn đã tự tay làm và tặng cho Nguyên để kỷ niệm. Cha Nguyên đang thu xếp áo quần bỏ vào hai chiếc bao vải, còn mẹ thì đang ngồi nhúm lửa để nấu một nồi xôi chuẩn bị mang theo chuyến trở về ngày mai. Khói rơm bay tỏa đầy nhà dưới. Nhìn mẹ đang thổi lửa và cố gắng giữ cho ngọn lửa tiếp tục cháy, nước mắt chảy đầy hai gò má vì khói, Nguyên chạy tới phụ thổi với mẹ làm tro bụi văng lên tung tóe, hai mẹ con ôm nhau cười vui trong ánh lửa bập bùng. Bên ngoài trời vẫn còn mưa rả rích, thỉnh thoảng một cơn gió lạnh thổi xuyên qua tấm liếp che cửa nhà bếp, báo hiệu cho ngày vào thu sắp đến.
Tối hôm đó ông thầy chùa nói vài câu từ giã với cha mẹ Nguyên, trước khi ông bắt đầu tụng kinh, ông chúc hai người may mắn và nhiều sức khỏe. Thế rồi ông xoa đầu Nguyên, khen Nguyên giỏi và thích hoạt động, biết nghe lời và thương cha mẹ. Ông nói với cha mẹ là ông coi tướng Nguyên trong tương lai sẽ trở thành một người có tiếng tăm trong xã hội. Mọi người đi ngủ sớm vì cha Nguyên dự trù sẽ lên đường khi trời rạng sáng để có thể đến Huế vào buổi chiều. Nguyên chập chờn trong tiếng tụng kinh trầm bỗng của ông thầy, một con người mang nhiều bí ẩn sau chiếc áo nâu sồng và rồi khi tiếng mưa róc rách bắt đầu nghe nhẹ bớt, Nguyên đã đắm chìm vào cơn ngủ say, trong bóng tối của một vùng quê chỉ biết một lần, nhưng kỷ niệm vẫn nhớ mãi trong tim của cậu bé vừa chập chững vào đời.
Sáng hôm sau khi tiếng gà của nhà hàng xóm bắt đầu gáy, ba người đã lên đường trong lúc bà mẹ lớn và ông thầy chùa đang còn ngủ mê. Cha mẹ Nguyên đã từ giã và cám ơn bà từ tối hôm qua và nói sẽ rời nhà rất sớm nên sẽ không đánh thức bà dậy. Mẹ đã tế nhị để lại cho bà tất cả gạo và thức ăn, đồ đạc mà mẹ đã mua sắm trong thời gian gia đình tạm trú tại đây. Cha đã biết con đường tắt dọc theo cánh đồng lúa nằm phía sau nhà về hướng đông, nên ông đưa hai mẹ con theo con đường đất này. Lần này ba người đều có mang ba đôi dép mà cha đã làm từ mấy miếng cao su mua ở chợ làng, nên đi êm và không bị đau chân như trước đây.
Trời đã tạnh mưa từ khuya, hạt mưa chỉ còn đọng lại trên cành tre và những rừng lau bên đường. Xa xa về hướng đông, vầng dương đã bắt đầu tỏa những tia sáng nhiều màu sắc, khởi đầu cho một ngày mới. Vầng mây hồng lờ lững trong gió trên bầu trời màu xanh nhạt và vài con cò trắng đang lượn bay trên ruộng lúa vàng chưa gặt. Nguyên cảm thấy thích thú trước thiên nhiên và không khí buổi sáng trong lành của quê hương yêu dấu, cậu chạy tung tăng đuổi theo những con chim sẻ đang bay vờn sát mặt đất. Nguyên rất thoải mái vì lần này cậu không phải mang trên vai túi gạo như lần đi tản cư cách đây hơn một tháng.
Khi ba người ra đến quốc lộ Một thì mặt trời đã lên cao. Trên đường tấp nập người dân hồi cư trở về Huế sau một cuộc tản cư ngắn ngủi. Nào là xe bò, xe ngựa, xe thổ mộ, xe đạp và xe kéo...thôi thì rộn rịp và đông đúc. Cha mẹ Nguyên bắt đầu thấy yên lòng hơn khi nghe những người hồi cư nói về tình hình sáng sủa tại Huế. Có lẽ vì muốn mua lòng dân thuộc địa nên tụi Tây đã nới tay và không gây khó dễ cho dân địa phương. Ngoài ra để trấn an dân chúng, chính phủ Tây tại đây còn đưa ra tòa xử án những tên lính Lê Dương bị tố cáo đã hảm hiếp đàn bà con gái khi tụi nó đi hành quân. Chợ Đông Ba đã được nhóm họp và buôn bán như thường lệ, miễn là phải đóng thuế cho Tây và cho chính phủ bù nhìn địa phương do tụi nó mới thành lập. Cha mẹ Nguyên rất vui với quyết định sáng suốt của mình, định mệnh đã an bài cho gia đình ông, vì nếu không có những biến cố đau buồn xảy ra ngày hôm qua, có lẽ cha mẹ và Nguyên sẽ ở mãi tại La Chữ, một vùng quê mộc mạc và bị chia cách với xã hội bên ngoài này.
Khi đi ngang qua chợ An Hòa, ba người thấy người ta tụ tập buôn bán đông đúc. Mẹ thấy Nguyên có vẻ như đã thấm mệt nên đề nghị với cha dừng lại để nghỉ chân và ăn trưa. Cha Nguyên chọn một chỗ ngồi cạnh một cây bàng lớn, lấy trong túi áo ra một ít kẹo dừa đưa cho Nguyên, trong khi mẹ lấy ra mấy nắm xôi gói bằng lá chuối và một gói muối mè từ trong chiếc giỏ mây đan. Thế rồi ba người vừa thưởng thức món ăn thuần túy ngon miệng của quê hương, vừa ngắm đoàn người hồi cư đang lũ lượt nối đuôi nhau xuôi về Huế. Sau khi ăn xong, cha ngồi xỉa răng, còn mẹ thì thu xếp đồ đạc bỏ vào giỏ, riêng Nguyên thì tò mò đứng ngắm những con chim bồ câu “mới ra ràng” được dân quê bày bán trong lồng.
Đang say mê nhìn chim, chợt Nguyên nghe tiếng của một đứa con gái đứng bên cạnh nói với người bán chim: “thả chim ra đi, thả chim ra đi”. Cậu quay nhìn và gật đầu như đồng ý. Chim trời thì phải được tự do bay lượn, chứ đâu lại bị bắt nhốt trong lồng như thế. Hai đứa trẻ bắt đầu gợi chuyện để nói với nhau, ban đầu thì nói về chim bồ câu, dần dần về mấy con thỏ, con trâu... và rồi khi hai cha mẹ của cô bé đã làm quen với cha mẹ Nguyên, hỏi lý lịch quê quán của nhau, thì Nguyên và Huyền, tên cô bé, đang chia nhau những chiếc kẹo dừa mà cha vừa cho hồi nãy.
Hai gia đình đang định đứng lên để tiếp tục hành trình thì một gia đình thứ ba cũng vừa đi ngang qua, gồm có hai vợ chồng và một cậu bé lớn hơn Nguyên khoảng hai ba tuổi, nhưng có vẻ ẻo lả yếu đuối. Ba gia đình vừa đi vừa hỏi thăm nhau về cuộc tản cư, những người lớn thì bàn luận và chia xẻ những kinh nghiệm trong biến cố này và hy vọng tình hình tại Huế sẽ không đến nỗi nào như người ta đồn đại. Riêng các nhóc tì thì quá vui vì có bạn cùng lứa tuổi trên đoạn đường dài. Chỉ trong chốc lát mà Nguyên, Huyền và Trung, cậu bé “ẻo lả như con gái” đã nói tía lia như quen nhau lâu lắm và nhất là Trung, lúc này cậu cũng hoạt động không kém, đang vui vẻ đùa giỡn bên cạnh hai người bạn mới. Nguyên cũng kể cho hai bạn nghe về chuyện Tây đi lùng tại làng La Chữ, cậu kể chẳng có đầu đuôi chi hết, hai đứa kia hỏi tùm lum, Nguyên trả lời hết ngoại trừ chuyện chiếc quần bị ướt vì “tai nạn” thì không được cậu nhắc đến.
Cha mẹ Huyền tản cư cách đây hai tháng, về quê mẹ của Huyền tại làng Mỹ Chánh, một làng nhỏ cách quốc lộ Một về phía đông, nằm giữa An Lỗ và Quảng Trị. Tây chưa đi lùng tại làng này nên Huyền không biết chi về những chuyện như Nguyên vừa kể. Huyền có một người em gái tên là Hoa, đang còn nhỏ mới ba tuổi mà cha đang bồng trên tay. Mẹ Trung là một giáo chức, tên là Hương, cách đây ba tháng, bà phải ngưng dạy học và theo chồng, một thư ký bưu điện, gia đình cũng chỉ có ba người như gia đình Nguyên chạy ra trốn tại làng An Hòa, bị Tây đi lùng hai lần nhưng đều trốn thoát được. Cha mẹ và Trung đã chứng kiến cảnh Tây Lê Dương giết hại dân lành tại đây và tận mắt thấy tụi Tây dã man đánh đập những ông cụ già không chịu chỉ chỗ trốn của thanh niên trong làng. Khi kể chuyện này, Trung có vẻ rất ghét Tây, hắn nói khi lớn lên hắn sẽ đi theo mấy anh kháng chiến để dẹp Tây. Cha mẹ Trung vội vàng la hắn và hăm sẽ đánh đòn nếu còn nói như thế nữa.
Mẹ Huyền ít nói và có vẻ rất mến mẹ Nguyên. Ông bà này nói cho biết, họ sẽ trở về cái nhà ở sau lưng sông Hàng Bè mà họ đã thuê từ mấy năm nay. Khi biết cha mẹ Nguyên cũng dự trù kiếm một cái nhà để thuê, vì lần này chỉ về ở tạm tại nhà người anh gần bến đò Cồn, hai ông bà này hứa sẽ giới thiệu cho cha mẹ Nguyên thuê nhà để ở gần gia đình mình. Vừa nói chuyện vừa đi theo đoàn người hồi cư, vào khoảng xế chiều mọi người đã thấy cầu Bạch Hổ ngay phía trước mặt. Tất cả đều thở ra nhẹ nhõm khi đi ngang qua cầu Tràng Tiền về hướng chợ Đông Ba. Quả thật như người ta truyền miệng, tình hình ở Huế rất yên tỉnh, không thấy bóng dáng lính Tây trên đường, có lẽ tụi nó bị cấm trại ở bên phía hữu ngạn sông Hương, tại Tòa Khâm và đồn Đập Đá.
Ba gia đình chia tay đi về ba hướng khác nhau, gia đình bà Hương đi về bên kia sông Đông Ba, gia đình của Huyền về phía cầu Thanh Long và cha mẹ Nguyên đi về bến đò Cồn. Ba đứa nhỏ không muốn chia tay nhau, la lối om sòm sau đó được cha mẹ hứa sẽ cho gặp lại trong một ngày gần đây, chúng nó mới chịu từ giã nhau.