Tôi ham đi. Cái ước mong được đi đây đi đó luôn cháy bỏng. Cách đây tám năm, hồi mới thi xong đại học, tôi theo T. thằng bạn thân học chung cấp ba nhảy tàu 34 tiếng ngược Bắc ra Hà Nội, rồi từ Hà Nội đón xe về Hải Dương quê nó. Ở thị xã được vài ngày, hai thằng mượn được chiếc xe đạp cọc cạch đèo nhau một mạch gần 30 cây số đi Chí Linh thăm cho bằng được núi rừng Côn Sơn quê hương của Ức Trai. Những con dốc chập chùng, vắt vẻo ở Sao Đỏ, những đồi thông xanh ngút ngàn, sương cứ đùn mãi ra sau một trận mưa ở Côn Sơn mãi không phai mờ trong tâm trí tôi về chuyến đi lớn đầu đời. Rồi năm năm đại học trôi qua, tự hứa với lòng sẽ cố làm một chuyến xuyên Việt ngay sau khi tốt nghiệp, đã cùng bàn tán rất sôi nổi với vài thằng bạn trong lớp rồi, vậy mà ra trường xong lại bị cái vòng xoáy cơm áo gạo tiền rất đời thường cuốn đi. Những tưởng sẽ không bao giờ được tự do rong ruổi trên các nẻo đường sương gió nữa, mà may mắn thay tôi lấy được một cái học bổng đi Hàn để lại bắt đầu cuộc sống vô tư lự của thời sinh viên ngày nào. Và để bù đắp lại cho giấc mơ đi xuyên Việt không thành ngày trước, tôi lại quẩy ba lô lên vai… đi bụi xứ Hàn. Đất nước Hàn Quốc thế nào nhiều người đi Hàn đã kể, cuộc sống con người Hàn Quốc thế nào nhiều phim đã chiếu. Tôi không thuật lại chuyến đi của tôi ở đây, vì tự nó cũng không có gì mới. Mà tự nhiên chỉ muốn viết tản mạn mấy dòng về những câu chuyện nhỏ tôi thấy dọc đường, cũng không theo một trình tự lớp lang nào, nhớ gì kể nấy vậy thôi…
1. Suwon, Cheongju, Pusan - họ đã sống và chiến đấu như thế
Đằng sau vẻ “hào nhoáng” mà nhiều người vẫn nghĩ về sinh viên đi nước ngoài du học luôn là một sự chịu đựng và đấu tranh âm thầm với cuộc sống. Đã từng có một bài báo viết về cái “mặt chìm” cuộc sống này của du học sinh ở Nhật, nhưng vì có quá nhiều chi tiết cường điệu và không chính xác về nỗi cực nhọc ấy nên bị cộng đồng du học sinh ở cả Nhật lẫn Hàn lên tiếng phản đối trên các forum. Những người bạn của tôi, tuy không phải “đợi thức ăn trong siêu thị đến ngày gần hết date mới dám mua cho rẻ” (theo lời bài báo nọ), nhưng họ đã thực sự sống và chiến đấu trên “mặt trận” học hành chữ nghĩa của họ.
Phải nói số tôi là số sướng. Tôi dân business, lấy học bổng master của một tập đoàn hàng đầu tại Hàn Quốc, tiền trợ cấp hàng tháng nếu không xài vung tay như mấy thằng bạn Tây thì không thiếu thốn bao giờ, và ngoài giờ học cũng như nghiên cứu trên trường không phải động tay làm bất cứ việc gì. Vậy cho nên trước khi vác balô đi tôi hoàn toàn không có khái niệm gì về cái gọi là “học bổng phòng thí nghiệm” của dân kỹ thuật. Thoạt nghe rất lý tưởng: giáo sư Hàn có project cần người nghiên cứu triển khai với thù lao “bèo”, còn sinh viên Việt Nam “giá rẻ chất lượng cao” lại muốn đi du học không phải đóng học phí (cả chín mười ngàn USD một năm), lại được làm việc trong các lab trang bị hiện đại, hàng tháng còn có tí trợ cấp. Cung cầu gặp nhau, đôi bên cùng có lợi thế là vui cả làng. Mà có phải cuộc sống lúc nào cũng màu hồng như cái vỏ bên ngoài của nó đâu….
Có một cuộc đấu tranh âm thầm nhưng dai dẳng giữa hai “phe” sinh viên Việt và Hàn cùng làm việc trong một số lab của các GS. Nếu như SV Hàn đối xử với nhau sonbe (tiền bối) hay “ăn hiếp” hube (hậu bối) là do truyền thống, văn hoá của họ đã vậy (!) thì SV Hàn bắt nạt SV Việt đa phần do… ganh tị: “tụi nó” học không mất tiền, làm ở lab còn được GS cho trợ cấp v..v.. và cũng không ngoại trừ yếu tố kỳ thị: “tụi nó” là dân Pẹctưnam (VN). Ngày tôi đến Suwon thăm K.A. hiện đang “luyện” ngành IT tại K.H University đã thấy ngay cái sự rất kỳ đó. Tôi ngồi chơi trong lab của K.A., cả hai đang nói chuyện rôm rả thì một “chú” sinh viên người Hàn bước vào. Cũng trẻ trung, đẹp trai mà vẻ mặt lại rất hình sự, nhất là có vẻ không vui khi thấy người lạ. K.A. vội giới thiệu tôi với cậu ta, tôi cũng chỉ chào xã giao hờ hững vì không thấy thiện cảm. Sau này mới biết cái anh chàng cũng trạc tuổi ấy là một nỗi ám ảnh của cô bạn mảnh khảnh yếu đuối của tôi. Hắn khó chịu và kiếm cớ gây sự, nhấm nhẳng mọi lúc mọi nơi. Hay lần ghé chỗ lab anh D. ở Cheongju cũng vậy, tôi đã được mục kích cảnh cô bé trưởng lab nhỏ hơn anh về mọi mặt từ tuổi tác đến trình độ học vấn đã “dằn mâm xóc chén” làm các dụng cụ thí nghiệm kêu “rổn rảng” như thế nào. S., cô bạn SV người Việt mới qua được một học kỳ và cùng lab với anh D., đã than thở với tôi “em khổ với con bé ấy lắm anh ạ”. Thường những lúc như thế thì SV Việt Nam luôn tuân thủ nguyên tắc “một điều nhịn chín điều lành” vì “đất” này là “đất” của họ, “rừng nào cọp nấy” mà, nhưng cũng không tránh khỏi đôi lúc “tức nước vỡ bờ”. Đã có những cuộc tranh cãi nặng nề kịch liệt thiếu điều choảng nhau giữa H., nam sinh viên tại Suwon, với cái anh chàng người Hàn hay gây sự ở trên.
Giáo sư cũng là… một nỗi khổ của SV Việt Nam. Nếu như nhiều GS tốt bụng, chăm lo và quan tâm đến đời sống SV trong lab của mình (thậm chí có GS còn tự bỏ tiền túi mua vé cho SV về dịp Tết) thì cũng có nhiều GS rất trời ơi đất hỡi, chỉ chăm chăm “vắt chanh cho đáng đồng tiền mua chanh”, bắt SV Việt Nam “cày” cật lực mà đến tháng thì luôn chậm trễ tiền trợ cấp. Bơ vơ nơi xứ lạ quê người, mang tiếng “dân du học” chẳng lẽ viết email hoặc gọi điện về kể khổ, xin viện trợ bên nhà? Thế là các du học sinh nhà ta chỉ biết cắn răng chịu trận, mong sao GS vui vẻ mà... nhớ lại rằng chưa cho trợ cấp tháng này, và bột mì rất rẻ ngoài siêu thị cứ thế alê làm món bánh xèo chay (chơi tiếng Mỹ cho sang là pancake) ăn được cái no lâu (!).
Đã ở Hàn thì phải biết truyền thống “cày cuốc” cật lực của họ. Mang thân phận “sinh viên học bổng phòng thí nghiệm” thì còn cày tàn bạo hơn. Tôi cùng một số bạn ở Pusan đến thăm anh K., người “đàn anh” của nhóm SV học tập tại Pusan, vào một buổi chiều. Trong cái chạng vạng của một ngày sắp tàn, anh K. và anh D., tay chân mặt mày lấm lem, vẫn đang lúi húi với những mỏ hàn cho một cái mô hình nào đó. Rồi trời sụp tối hẳn, anh vẫn không ngừng tay, luôn miệng rối rít xin lỗi khách xa từ Seoul xuống chơi mà anh chưa rảnh được. Chỗ ở của hai anh là một cái container phía sau trường. Tôi chưa từng ở container nên chưa biết thế nào, nhưng tôi biết chắc rằng với cái nóng hầm hập kinh người của mùa hè và cái lạnh lê thê thường xuyên dưới 0oC của mùa đông tại xứ Hàn này thì ở container quả là một sự rèn luyện thử thách. Mà có hề gì đâu, các anh vẫn vui vẻ sống và học tập, và chính cái container này đây đã ghi lại biết bao kỷ niệm ấm áp từ những chuyến ghé thăm của anh em du học sinh từ những miền khác mỗi lần đến Pusan. Hay như anh D. ở Cheongju, có mấy ai biết được đằng sau cái tấm bằng tiến sĩ sinh hoá đầy vẻ vang là những giọt mồ hôi thầm lặng, là những đêm nghiên cứu miệt mài. Tôi đến Cheongju một cách bất ngờ nên anh D. đã không thể đưa tôi đi chơi đâu được, bù lại tôi được dịp quan sát, được cùng sống, cùng hoà vào một ngày làm việc và sinh hoạt rất thường nhật của anh tại C.B National University. Có lẽ sau này tôi khó mà quên được cái đêm ngủ lại Cheongju đó. Anh phải làm việc ở lab rất khuya nên dọn một góc trong phòng thí nghiệm (một cái góc khuất để đồ đạc linh tinh có cửa khép) cho khách đường xa mới đến là tôi nghỉ tạm, lấy đệm lót ghế làm gối kê đầu. Tôi nằm trằn trọc trong cái phòng thí nghiệm nồng nặc mùi hoá chất ấy, lâu lâu nhìn qua khe cửa bên ngoài vẫn thấy anh cặm cụi bên máy tính chữa lại luận văn đang viết. Rồi tôi thiếp đi, lơ mơ biết anh nhẹ nhàng đi vào cố thu xếp một tư thế co ro bên cạnh tôi trong cái góc chật hẹp ấy, vẫn đệm lót ghế làm gối kê đầu, và cái chăn mỏng dính hai anh em đắp chung, trong tiếng cái máy ấp trứng thử nghiệm nào đó chạy rè rè giữa đêm khuya tĩnh mịch, và mùi hoá chất đậm đặc không khác gì trong bệnh viện. Rồi trời hưng hửng sáng, anh D. khẽ lay tôi dậy để về phòng ở ký túc ngủ tiếp giấc dở dang. Hai anh em mắt nhắm mắt mở đi băng qua những khoảng sân rộng và dài, cây rừng xào xạc còn ẩm ướt hơi sương sớm và những con dốc chập chùng rất đặc trưng ở Hàn. Về đến cái phòng nhỏ sực mùi ẩm mốc của anh, thấy thằng roommate người Hàn vẫn còn say giấc hai anh em lại rón rén thu xếp chỗ ngủ trên cái giường nhỏ. Giờ thì tôi hiểu, vì sợ phá giấc của thằng roommate mà anh không về vào giữa khuya khi tạm kết thúc công việc ở lab. Và mỗi lần nhớ đến buổi sớm mai hôm ấy, lòng tôi lại dâng lên một nỗi bâng khuâng khó tả, nhất là khi tưởng tượng cảnh anh D. đi đi về về mỗi sáng, lầm lụi như một chiếc bóng khi trời còn chưa tỏ hẳn. Đằng sau cái vinh quang của thành tựu, của bằng cấp có mấy ai cảm nhận được nỗi cô đơn này chăng?
2. Ulsan và ngành du lịch “Pat bingsu”
“Pat bingsu” là một món kem đặc biệt ở Hàn. Tôi thưởng thức nó lần đầu với hai cô bạn ở Cheongju. Một cái tô lớn rất đẹp bằng thủy tinh vun đầy kem, trên mặt kem là những lát dâu tươi xắt mỏng, đậu đen ngòn ngọt và sữa. Cũng giống như món kem cocktail bên nhà, nhưng trình bày rất bắt mắt và hấp dẫn, giá 5,000 won rẻ vừa phải cho cả ba người cùng tụm lại đưa thìa vào xúc. Đang thích thú xúc lấy xúc để thì tôi… cụt hứng, vì dưới lớp kem hấp dẫn nhưng mỏng ấy chỉ toàn đá bào là đá bào! Ai bảo tôi ham ăn thì đành chịu, nhưng thực tế lúc đó tôi đã buông một tiếng rủa thầm “cà chớn!”. Sau này tôi cũng có ăn “pat bingsu” với bạn bè thêm vài lần, không còn cái cảm giấc hụt hẫng và thất vọng nữa, nhưng lần nào cũng vậy - hễ nhìn tô “pat bingsu” được mang ra tôi đều chấm cho nó điểm A “plus” về hình thức trình bày và sau đó sẽ cho một… con F về “bản chất thật” của nó. Ôi, cái món khoái khẩu của các em gái Hàn!
Đó là “pat bingsu”. Giờ hãy để tôi nói đôi chút về Ulsan, một thành phố công nghiệp lớn ở phía nam của Hàn. Tôi ghé Ulsan mục đích chính chỉ là thăm H., thằng bạn lâu ngày không gặp đang học tại University of Ulsan. H. là giảng viên trẻ đại học Bách Khoa TP.HCM. Hai thằng gặp nhau lần đầu tiên tại phòng chờ máy bay ở Tân Sơn Nhất vào một đêm khuya. Những chuyến bay đi Hàn đều giữa khuya, hầu hết các duty free shop cũng đóng cửa nghỉ cả càng làm tăng thêm vẻ quạnh quẽ. Trong cái tĩnh lặng và hơi lành lạnh của phòng chờ, khi những xúc động sau cuộc chia tay với những người thân trong gia đình hãy còn tươi mới, còn hôi hổi chưa lắng xuống, tôi bắt gặp một anh chàng trạc tuổi ngồi gần đó đang đọc một quyển sách mỏng có vẻ say mê. Chắc là «mọt », tôi thầm nghĩ. Rồi chợt thấy có vài nhân viên trực sân bay đến và nói gì đó, và cậu ta có vẻ lo lắng. Thì ra là để quên giấy tờ quan trọng trong balô và gởi quách nó theo dạng hành lý không mang theo rồi. Đi lần đầu nên chưa có kinh nghiệm, tôi hiểu thế, vì cách đó hơn một năm tôi có đi một chuyến ngắn ngày qua Hàn, cũng lần đầu và lơ ngơ như «bò đội nón» vậy. H. được các nhân viên hướng dẫn cách giải quyết vấn đề, và tôi cũng xán lại an ủi cậu ta. Thế là quen. Trước giờ bay ngắn ngủi của hai chuyến khác nhau, hai thằng tôi cũng kịp lia lại vài dòng email gọn ghẽ. Rồi sau khi qua Hàn học tập một thời gian, qua những lần chat chit trên mạng cậu ta cứ rủ xuống Ulsan chơi cho biết.
“Xuống Ulsan chơi cho biết” – tôi đã suy nghĩ đến điều này nhiều lần. Với những lời giới thiệu chính thức trên các tài liệu, Ulsan là một trong những thành phố công nghiệp hàng đầu tại Hàn Quốc, là «thủ phủ » của xưởng đóng tàu nổi tiếng thế giới Hyundai, là trái tim chứa năng lượng của xứ Hàn – vì có người thậm chí đã nói «nếu muốn tấn công Hàn cứ đánh vào Ulsan trước chắc chắn sẽ... tê liệt cả tứ chi». Nhưng với những lời của bạn bè tôi ở Seoul thì «Ulsan là hậu quả thê thảm của cuộc công nghiệp hoá mạnh mẽ, nó ô nhiễm kinh khủng lắm rồi, nhất là nguồn nước». Dân Seoul là vậy, với giọng điệu khinh khỉnh của chốn kinh kỳ, họ luôn thẳng thừng chê bai các tỉnh «nhà quê» ở phía Nam khác, chê công khai trên truyền hình, trong phim ảnh và lớp học, điển hình nhất là chê cái giọng nói như bửa củi của dân Pusan và sự ô nhiễm của Ulsan. Tôi nghe riết và tôi... ngại. Nhưng lần này đã quyết làm một chuyến xuyên Hàn rồi, và đã quyết đến thăm H. rồi, hơn nữa từ Pusan chạy ngược lên mạn đông bắc chỉ có một chút thôi, như từ Sài Gòn chạy lên Vũng Tàu vậy. Thì nào, đi!
Hoá ra Ulsan không tệ và đáng ngại như tôi nghĩ. Thành phố sạch sẽ, ngăn nắp, nhiều chỗ thậm chí còn thoáng đãng hơn Seoul chật chội và đông đúc. H. ra đón tôi tại cổng chính trường Ulsan. Campus của trường cũng rất rộng và đẹp, nói chung tôi đều hài lòng. Ông GS của H. lại quý nó, nên chiều hôm đó mời cả anh em trong lab và vị khách từ Seoul đi ăn cơm. Trong bữa cơm tôi vui miệng kể lại lời nhận xét của dân Seoul về Ulsan, và thế là vị GS già đáng kính nổi xung thiên trong tinh thần «tự ái địa phương». Seoul ông đâu lạ gì, cả thời trai trẻ ông đã mài đũng quần trên ghế của ngôi trường danh giá nhất Seoul và cũng nhất Hàn Quốc – Seoul National University. Ông bảo cái giai đoạn Ulsan ô nhiễm nó thuộc về quá khứ rồi, thành phố đã nỗ lực vượt bậc để khắc phục điều đó và nay mọi người có thể tận mắt chứng kiến. Càng nói ông càng hăng say, vì cái hơi men của rượu soju đã làm ông ngà ngà...
Hôm sau tôi muốn đi du lịch lòng vòng Ulsan. Hoá ra H. là dân thổ địa nhưng lại không rành. Ở đây lâu nhưng cậu chàng chỉ quanh quẩn trong campus hoặc đi downtown với mấy thằng bạn. Tôi thì lại muốn đi thăm di tích hoặc cảnh thiên nhiên kia, chứ quán bar và norebang (phòng hát karaoke) lộn xộn như khu Sinchon hay Hongdae ở Seoul thì tôi đã ngán ngẩm lắm. Bèn lên mạng search một chút thì ra cái thông tin về «city tour» của Ulsan, hình ảnh trình bày công phu và rất phong phú làm tôi vô cùng phấn khởi. Biết bao nhiêu là địa điểm hấp dẫn cần tham quan mà tôi cứ tiếc vì chỉ có một ngày. Thế là gọi điện book tour đi theo lịch trình ngày hôm đó. Lẽ ra tôi phải đến địa điểm xuất phát là khách sạn Taehwa nhưng sau khi nghe tôi trình bày là sinh viên từ xa đến thăm Ulsan, không biết rõ đường sá lắm và hiện đang ở tại trường Ulsan, phòng tổ chức tour đã sẵn lòng cho xe bus ghé ngang cổng chính của trường vào giữa trưa để đón tôi đi luôn.
Tôi đứng đợi không bao lâu thì một chiếc xe bus rất hoành tráng đỗ xịch lại. Tôi leo lên xe và ngạc nhiên khi nhận thấy trên xe, vốn rất rộng, ngăn nắp và tiện nghi, chỉ có bác tài xế và cô hướng dẫn viên người Hàn cùng với ba vị khách, gồm hai cô giáo già người Hy Lạp và một chị người Iran tranh thủ vài ngày anh thuyền trưởng chồng chị đang neo tàu tại Ulsan để di du lịch. Tôi cứ nghĩ dọc đường thế nào xe cũng còn phải dừng lại nhiều lần để đón thêm khách. Nhưng không, cả chuyến đi hôm đó chỉ có bốn vị khách chúng tôi. Vậy là tôi hiểu, Ulsan làm city tour không trông mong gì thu được lợi nhuận, vì với giá vé chỉ có 5,000 won một người thì chuyến đi này chắc chắn từ lỗ tới... lỗ, tiền thu được đem đi đổ xăng - vốn rất mắc mỏ ở Hàn – còn không biết đủ hay không, chứ đừng nói gì đến các khoản đầu tư làm website, in brochure, leaflet... rất công phu. Sau khi yên vị trên xe, chúng tôi được phát các tài liệu hướng dẫn giới thiệu và xe trực chỉ đến điểm tham quan đầu tiên là công viên thể thao phức hợp của Ulsan, nơi có sân bóng đá lớn từng dùng để phục vụ World Cup 2002.
Bất chấp cái nắng chói chang của mùa hè, địa điểm tham quan đầu tiên trôi qua trong sự thú vị và tò mò của chúng tôi. Công viên rất sạch sẽ, thiết kế đẹp và mọi thứ vô cùng ngăn nắp. Chúng tôi lên xe di chuyển đến địa điểm thứ hai. Có cái gì đó không ổn bắt đầu xảy ra. Trước tiên là chị hướng dẫn viên, có lẽ vì kiệt sức do phải... nói tiếng Anh (dù cũng chưa nói gì nhiều) nên chị bắt đầu chuyển sang... tiếng Hàn. Chị say sưa giải thích những cảnh trong tài liệu cũng như dọc đường đi và chúng tôi thì đương nhiên... điếc đặc, nhưng cũng không nỡ dập tắt cái nhiệt tình của chị. Địa điểm thứ hai, theo tài liệu chúng tôi có trên tay, có vẻ rất hấp dẫn về mặt sử liệu, đó là một pháo đài của Hàn ngày xưa mà binh lính Nhật phải mất nhiều tháng mới công phá được. Xe dừng và chúng tôi leo dọc pháo đài theo hình trôn ốc để tham quan. Tôi hơi thất vọng vì giữa hình ảnh và thực tế có sự khác biệt, ngoài thực tế nó hơi tiều tuỵ, đơn sơ và không được hoành tráng như trong hình. Chị hướng dẫn viên không ngừng động viên chúng tôi leo lên tới đỉnh vì theo chị trên đó có «cái gì hay lắm». Thế là bất chấp cái nắng như thiêu đốt của mùa hè, chúng tôi hì hục leo theo. Hai cô giáo người Hy Lạp tuy có tuổi nhưng vẫn rất hăng hái, riêng chị Iran thì bắt đầu bị đau khớp chân nên tôi phải giúp đỡ rất nhiều. Tôi nhìn tài liệu thì biết trên đó có một tượng Phật mặt khỉ bằng đá rất đẹp. Rốt cục sau bao nhiêu nỗ lực, chúng tôi đã lên đến chóp của ngọn đồi, cũng là nơi cao nhất của pháo đài. Và khi chiêm ngưỡng tượng Phật mặt khỉ bằng đá thì hỡi ôi, tôi cực kỳ thất vọng. Nó quá nhỏ, quá đơn sơ và quá bình thường, gần như chìm khuất trong mớ cây lá, băng ghế hỗn tạp xung quanh đó. Tôi ráng tìm một điểm gì thú vị để an ủi công lao leo trèo, nhưng tôi đã thất bại.
Rồi địa điểm thứ ba, dinh quan đầu phủ thời xưa, cũng đi qua trong sự thất vọng. Nó chỉn chu, sạch sẽ nhưng so với các cung điện ở Seoul hoặc nhà cổ ở những nơi khác thì không có gì đặc sắc. Trên chuyến xe đến địa điểm thứ tư đã có một sự thay đổi không khí. Hai cô giáo người Hy Lạp bắt đầu bàn tán gì đó với nhau bằng tiếng Hy Lạp (vì hai cô cũng không biết tiếng Anh nhiều lắm), chị Iran thì luôn miệng ca cẩm về cái chân đau và đủ thứ chuyện về chuyến đi với tôi bằng tiếng Anh, còn người hướng dẫn viên - vẫn phong thái nhiệt tình và say sưa chẳng có vẻ gì thất vọng - tiếp tục thao thao bất tuyệt bằng... tiếng Hàn.
Chúng tôi còn hai địa điểm nữa để tham quan: một dãy tường đá nghe nói cũng rất «độc đáo» ở giáp biên giới với cố đô Geongju và vườn thảo mộc hoang dã. Dường như đoán ra rằng sẽ có vấn đề gì đó, bác tài xế đột ngột đề nghị đổi hướng đi tham quan biển «sỏi đen» mà theo bác là thú vị hơn nhiều hai địa điểm kia. Vì đường đến đó khá xa nên nếu quyết định đi biển rồi thì sau đó sẽ về trực tiếp lại điểm xuất phát, chứ không đi nốt điểm cuối cùng. Thế là một cuộc tranh luận sôi nổi nảy ra. Chị Iran thì có vẻ bị hấp dẫn bởi ấn tượng của biển sỏi đen trong brochure (mà cũng có thể chị bị đau chân và muốn về sớm) nên tán thành ngay, trong khi hai cô giáo Hy Lạp có vẻ thích... hoa dại, ghét cái bãi biển gì mà đen ngòm, và ngoài ra theo suy luận toán học cũng như kinh tế học của các cô thì với cùng một chi phí bỏ ra, hai địa điểm để tham quan vẫn nhiều hơn và có lợi hơn... một địa điểm. Thế là tranh luận ỏm tỏi, rên rỉ, ca cẩm. Tôi đứng ở giữa làm trung gian cho tất cả các đầu mối, vì tôi ráng hiểu được tiếng Anh của hai cô Hy Lạp, thấu hiểu tốt chị Iran và có vốn tiếng Hàn tuy... rất tệ nhưng cộng thêm ngôn ngữ «to quơ» cũng có thể bập bẹ giải thích được cho bác tài và chị hướng dẫn viên nắm được tình hình căn bản nhất của sự việc. Cuối cùng bác tài... nổi cáu và quyết định đi theo lịch trình quy định, chấm dứt mọi sự cãi cọ. Tình hình phải nói rất chi là.. tình hình.
Rồi hai địa điểm cuối cùng chúng tôi cũng đã đi qua. Dù đã chuẩn bị tâm lý trước nhưng tôi vẫn không sao ngăn được nỗi thất vọng. Vách thành đá quá nhỏ bé và đơn sơ, còn vườn dã thảo thì ôi thôi cúc dại, hướng dương và những thứ «rau cỏ» như cái vườn hoang bên nhà, dù nó được đầu tư quy hoạch khá hoàn chỉnh. Lúc này chị hướng dẫn viên người Hàn đã thấy chúng tôi trở nên «hình sự » nên không thao thao nữa. Nhưng vẫn với phong thái tận tình và nhanh nhẹn, chị mau chóng lại máy bán nước tự động xuất tiền túi ra mua cho chúng tôi mỗi người một lon nước để.... hạ hoả, nhất là trong cái nắng hè này mà cứ tình hình như vậy thì rất dễ... nổi điên. Và, trong tích tắc, cái đầu hay liên tưởng «tá lả» của tôi chợt nhận ra - nền du lịch của Ulsan là nền du lịch «pat bingsu», rất hấp dẫn và hoàn hảo trên bề mặt cũng như từ xa nhưng chỉ « xúc » xuống thêm một chút sẽ thấy toàn... đá bào là đá bào. Và ngẫm lại mới thấy buồn cho du lịch nước nhà. Ulsan chỉ thuần là một thành phố công nghiệp, bề dày văn hoá lịch sử cũng như quan cảnh thiên nhiên hơi bị khiêm tốn, vậy mà họ đầu tư, họ quảng bá giới thiệu cho du lịch với tất cả «niềm tự hào Ulsan» khiến khách phương xa như tôi còn bị mê hoặc. Mà bên nhà mình, bao nhiêu là phong cảnh đẹp, bao nhiêu là địa điểm kỳ thú sao du khách muốn tìm hiểu cứ phải mãi loay hoay? Và chợt tự hỏi không biết bao nhiêu thành phố ở Việt Nam mình đã có «city tour» được tổ chức ngon lành với giá rẻ?
3. Jeonju và câu chuyện cổ tích giữa đời thường
Câu chuyện thứ ba là một câu chuyện rất kỳ lạ, thậm chí bây giờ đôi khi nghĩ lại tôi vẫn không tin là sự thật. Sau khi đi city tour ở Ulsan về, tôi với H. và một người bạn nữa còn sung sức «thám hiểm» thêm quả núi sau lưng trường, đến mịt tối mới xuống được chân núi, mà đi giữa lưng chừng còn phải băng qua một cái nghĩa địa nhỏ sợ chết khiếp. Tối hôm đó chúng tôi đã uống soju thật say vì hôm sau tôi đã phải rời Ulsan và chia tay H. rồi. University of Ulsan đã để lại cho tôi nhiều kỷ niệm khó quên.
H. tiễn tôi tại cổng chính trường đại học vào tầm gần giữa trưa. Tôi bảo tự mình có thể xoay xở để ra bến xe liên tỉnh của Ulsan được nên đừng lo lắng gì. Khi cái vẫy tay của H. đã khuất, tôi thả mình xuống băng ghế, ngồi ôn lại những chặng đường đã qua: Suwon, Daejon, Pusan, Ulsan và bây giờ tôi chuẩn bị ngược lên mạn bắc để về lại Seoul, nhưng trên đường sẽ còn ghé qua Cheongju nằm ở miền trung để thăm anh D. nữa. Đến bến xe thì đã 11 giờ trưa, tôi lại quầy bán vé và mua một vé đi Cheongju. Người bán vé nghe phát âm của tôi mấy lần không rõ, tôi đành phải giải thích là tôi muốn đi gặp bạn ở trường đại học Chungbuk, lúc đó mới mua được vé. Giờ khởi hành cũng chẳng còn mấy chốc, tôi chỉ kịp mua một cái bánh ngọt chống «kiến bò bụng» rồi vội tìm đúng số xe trên vé và nhảy lên.
Chuyến xe cao tốc bắt đầu lăn bánh và chạy băng băng. Trời hôm qua rất nắng mà bây giờ lại âm u kỳ lạ. Tôi nghe đài báo bị ảnh hưởng bão. Dọc đường mưa rơi triền miên, ào ạt và trắng xoá một vùng. Xe vẫn cứ chạy băng băng, mải miết nuốt lấy từng cây số. Qua mỗi vùng khác nhau mật độ mưa rơi cũng khác nhau, có nơi ào ào, nơi rả rích và càng đi lên mưa càng nhẹ hạt đi. Xe chạy trên những sườn đồi khúc khuỷu, uốn lượn như vòng eo thiếu nữ, và cây hai bên đường xanh mướt, đứng lặng yên hiền lành trong màn mưa giăng giăng tự nhiên lại gợi trong tôi cái cảm giác bồi hồi kỳ lạ của ngày mưa Côn Sơn bảy năm trước, đẹp và buồn kỳ lạ.
Xe chạy qua nhiều thành phố khác nhau, cảnh vật thấy cũng có đôi chút khác biệt. Nghe tiếng ai loáng thoáng đang đi ngang qua Kwangju, nơi mà khi tôi còn nhỏ đã nghe rất nhiều về vụ sinh viên bị đàn áp đẫm máu, và cái tên Kwangju (Quang Du) lúc đó còn hiện rõ nét trong tôi hơn cả cái tên của đất nước Hàn Quốc này. Mưa vẫn rơi lất phất và trời đã ngả về chiều. Anh D. gọi điện cho tôi, tôi bảo anh vẫn đang trên đường đến. Khi nào tới bến xe liên tỉnh rồi tôi sẽ gọi lại vào lab của anh, anh nói ừ vì đến chiều anh sẽ vẫn ngồi làm việc ở đó. Do anh không sử dụng di động nên tôi chỉ có thể liên lạc với anh qua số để bàn này.
Rồi xe cập bến. Quả là một chặng đường xa và mỏi mệt. Bến xe tỉnh lẻ hơi nhỏ và xô bồ, tôi gọi điện cho anh D. bảo là sắp đến. Anh nói đã nhờ một em gái cũng sinh viên người Việt tên S. mới sang ra đón tôi tại cổng chính thư viện trường, và bây giờ anh tranh thủ về ký túc nấu cơm. Tôi bảo anh cứ tự nhiên, và loay hoay một lúc cũng đón được một chiếc taxi chạy từ bến xe về trường Chungbuk. Taxi chạy vòng vèo một hồi thì đậu lại trước thư viện. Tôi tháo cái balô nặng trịch ra và tranh thủ ngồi nghỉ mệt. Khuôn viên trường cũng rộng, sau cơn mưa toả hơi mát lạnh. Vài sinh viên đi lơ vơ. Trường vắng và buồn buồn thế nào. Tôi ngồi và chợt tưởng tượng ra em S. Chắc em đang trên đường đến đón tôi, và chắc tôi sẽ nhận ra ngay thôi vì theo như anh D. tả em nhỏ người, xinh xắn, thắt bím rất đặc trưng miền Bắc nên không thể lầm đâu được. Vả lại ngó cái bộ dạng của tôi, balô to đùng, quần áo tả tơi vì dặm đường gió bụi nên chắc em cũng sẽ dễ dàng nhận thấy. Chợt nghĩ lơ vơ về cái chuyện ở Seoul tôi hay bị người ta nói là giống Hàn nên lâu lâu đi ngoài đường cứ có người chạy tới hỏi thăm này kia, mà tôi thì tiếng Hàn chỉ nói rất lưu loát một câu duy nhất «xin lỗi, tôi... không biết tiếng Hàn», và cái người ấy thế là tức phát điên vì.... nói giỏi thế, trơn tru thế mà bảo không biết là nghĩa làm sao? Tôi nghĩ vu vơ lại chuyện đó và tủm tỉm cười một mình.
Chờ thêm một lúc khá lâu tôi vẫn chưa thấy S. đến. Gọi điện vào lab thì không có ai, anh D. đã về ký túc rồi. Tôi nghĩ, hay là mình đang đợi ở cổng sau thư viện chăng. Thế là tôi vác balô đánh một vòng ra phía bên kia toà nhà. Chờ ở đó một lúc cũng không thấy S. Hay là em không nhận ra tôi? Tôi quay ngược trở lại cổng trước, bụng bắt đầu bồn chồn. Sự chờ đợi dễ làm tôi bất an và hay cáu giận. Tôi nghĩ không biết có chuyện gì mà sao chẳng ai gọi điện cho mình? Lại đợi thêm một lúc nữa. Mất hết kiên nhẫn, tôi cố gắng dùng hết vốn liếng tiếng Hàn ít ỏi của mình để hỏi một người đàn ông trung niên đang đứng hút thuốc gần đó đường đến ký túc xá. Tôi định đến ký túc rồi sẽ tìm gặp ban quản lý nhờ họ dò ra số phòng của anh D. giùm. Tên nước ngoài chắc cũng không đến nỗi khó kiếm.
Người đàn ông dừng hút thuốc và cố gắng lắng nghe những giải thích của tôi. Khi biết tôi đang đi tìm bạn, ông rất tận tình chỉ đường cho tôi, bao gồm rất nhiều «quẹo trái quẹo phải thẳng lên ngược xuống» mà tôi chỉ chú tâm ráng nhớ mấy cái đầu, để có gì trên đường gặp người khác và... hỏi tiếp. «Từ đây đến đó xa lắm» - đó là câu kết luận cuối cùng may thay tôi nghe được (!) và ông quyết định... lấy xe hơi của ông đang đậu gần đó chở tôi đi. Thì ra ông là nhân viên đang làm việc tại đây.
Đường xa thật. Campus của Chungbuk quá rộng, nếu tôi đi bộ thì không biết bao giờ mới tới ký túc được, nhất là phải leo qua mấy con dốc chập chùng. Trời đã ngả về chiều, tôi thấy đói và nghĩ chắc.. anh D. đã nấu cơm xong. Người đàn ông đưa tôi đến trước cống ký túc, tôi định chào và hết sức cảm ơn ông thì ông xua tay, và lại tự dắt tôi vào tận trong văn phòng quản lý để liên lạc. Tôi gọi điện về lab của anh D. lần nữa, vẫn không ai nhấc máy. Thế là lại phải giải thích với cô nhân viên quản lý, rằng tôi từ Ulsan mới tới Cheongju, tìm một người bạn VN học tiến sĩ ngành sinh hoá tên D. tại Chungbuk này. Tôi nhờ cô tra giùm tên anh trong danh sách quản lý và cho tôi biết số phòng. Phòng ký túc của anh không có điện thoại nên không cách chi liên lạc được. Cô gái lúi húi dò tìm trên hệ thống máy tính, nhưng vẫn không thấy tên anh. Thật quái lạ. Tôi thấy lo lắng và mệt mỏi. Tôi đang tham gia một trò chơi gì đây?
Người đàn ông vẫn kiên nhẫn đứng chờ tôi. Tôi lấy di động ra gọi lần nữa. Lần này có tiếng người Hàn nhấc máy. Tôi nói tiếng Anh, người bên kia đầu dây ấm ớ, thế là tôi chuyển máy cho người đàn ông nghe giùm. Sau một hồi trao đổi qua lại, nét mặt người đàn ông chợt lộ vẻ kinh ngạc. Tôi nghe ông hỏi lại số điện thoại bên kia rồi cuối cùng có vẻ như ông đã hiểu ra vấn đề gì đó.
Giải thích ngắn gọn cho mọi thứ rắc rối trên là như vầy: tôi đã đến nhầm trường đại học. Đây là trường Jeonbuk chứ không phải Chungbuk, và kinh dị hơn nữa, tôi đã đến nhầm… một thành phố khác: thành phố Jeonju chứ không phải Cheongju. Với cái vốn tiếng Hàn khiêm tốn như tôi thì việc phát âm hai chữ Jeonju và Cheongju… không có gì khác biệt. Và vì vội vàng nên khi nhận vé xe cao tốc tôi đã không nhìn kỹ vào cái địa điểm trên vé. Nhưng thậm chí nếu lúc đó tôi có nhìn đi chăng nữa thì cũng không nhận ra, vì hai chữ này viết bằng ký tự Hàn vẫn na ná nhau (khác một dấu chấm trên đầu và dấu tròn dưới chân thay vì dấu móc) trong khi trước giờ tôi chỉ nghe tên chứ chưa hề đọc thử qua mặt chữ hai thành phố này bao giờ.
Trời về chiều thật rồi. Người đàn ông cùng tôi đi ra xe của ông. Vừa đi ông vừa gọi điện liên lạc với bến xe liên tỉnh, và cho tôi biết còn một chuyến cuối cùng trong ngày đi Cheongju. Ông bảo muốn đưa tôi ra bến xe nhưng bây giờ lại phải quay về nhiệm sở rồi. Bây giờ ông ráng gọi giùm tôi một chiếc taxi và thật lòng mong tôi thông cảm. Tôi rối rít cám ơn ông, nói xin ông hãy đừng bận tâm gì vì ông đã quá tốt với tôi rồi. Và quả thật, với tôi như thế là quá đủ. Tôi không muốn làm phiền ông thêm chút nào nữa.
Khi chiếc taxi trờ đến, vừa định chào tạm biệt người đàn ông trung niên tốt bụng thì tôi chợt điếng hồn, muốn tê cứng cả người. Rõ là tôi đang lâm vào một trò nghịch oái oăm, và tôi bị chiếu bí. Trong túi của tôi đã sạch nhách tiền, chỉ còn đúng vài xu lẻ. Lúc vừa tới thư viện khi nãy và trả tiền taxi xong, tôi biết điều này. Nhưng tôi không lo vì định bụng gặp anh D. rồi sẽ nhờ anh dắt ra mấy cái máy ATM để rút tiền mặt. Tôi cuống quýt hỏi người đàn ông gần đây có máy ATM nào không, và được biết là không, tệ hơn nữa thời gian để tôi tìm ra cái ATM ở một toà nhà khác gần đây cũng đủ để tôi lỡ chuyến xe cuối cùng trong ngày. Tôi xấu hổ quá, vì chợt nhớ những chuyện lừa đảo các loại bên nhà, khóc lóc than thở do bị kẻ gian móc sạch túi không có tiền đi xe về quê, rồi xoè tay xin vài đồng giúp đỡ. Nay tôi lại sắp lâm vào cái cảnh mếu máo như thế đó.
Người đàn ông trung niên, vẫn lặng lẽ và từ tốn như mọi lúc, móc bóp ra và lục được cho tôi 30,000 won. Tôi khẩn khoản yêu cầu ông cho tôi biết số tài khoản để sau này còn gởi lại, nhưng ông chỉ nắn nót viết vào tấm memo cho tôi tên và số điện thoại của ông thôi, bảo sau này có nhớ thì gọi ông, rồi giục tôi mau chóng lên taxi. Ông hối hả giúp tôi nhét cái balô vào băng ghế sau, rồi giục xe chạy. Bàn tay vẫy của ông nhanh chóng chìm hút trong bóng chiều nhập nhoạng.
Taxi vừa tới bến xe, tôi vội nhào đến quầy bán vé đăng ký đi chuyến cuối cùng đến Cheongju. Và rốt cuộc thì tôi cũng đến được Cheongju, khi trời đã thực sự tối mịt. Anh D. cười ha hả khi nghe câu chuyện bi hài kịch của tôi. Em S. đã ra thư viện đứng đợi tôi rất lâu, mà em đâu có biết tôi cũng đứng đợi em, nhưng tại một thư viện khác, ở một thành phố khác.
Sau này tiếng Hàn có đỡ “ba trợn” hơn hồi trước tôi mới thấy hai chữ Jeonbuk và Chungbuk viết khác nhau, cả tên hai thành phố cũng vậy, nếu phát âm kỹ thì sẽ phân biệt được. Và khi nhìn lại bản đồ nước Hàn, tôi mới biết mình đã đi lạc hơi quá mạng. Thay vì từ Ulsan thẳng lên phía bắc đến Cheongju, tôi đã băng ngang nước Hàn từ đông sang tây gần 350 km, để rồi làm tiếp một cuộc ngược lên bắc theo một lộ trình tam giác.
Và người đàn ông trung niên, tôi vẫn chưa liên lạc với ông. Sau khi đi một chuyến lòng vòng Hàn Quốc, tôi trở lại Seoul làm một số việc lặt vặt rồi thu xếp đồ đạc về VN nghỉ hè và làm internship trong hai tháng. Rồi quay lại Seoul bắt đầu học kỳ mới, với những tất bật mới. Cái memo ông viết cho tôi, cũng như những vé xe cao tốc tôi gom lại và cho vào bọc cất, tưởng như sẽ trôi vào quên lãng. Dạo đó tôi mới đọc xong tổng tập Vương Hồng Sển, thấy rất phục cái tính tỉ mỉ và khả năng lưu trữ một cách kinh hoàng của cụ, từ cái khai sinh đến cái biên lai lặt vặt tuổi đời đều mấy chục năm mà cụ vẫn lưu giữ tốt, để bây giờ mới có chuyện thú vị kể lại cho con cháu nghe. Tôi cũng tẩn mẩn bắt chước cụ Vương Hồng Sển, bao nhiêu giấy tờ lặt vặt tôi đều cố gắng lưu cất, nhưng chỉ làm được chừng vài tháng đã chịu hết nổi. Tính tôi không có khả năng…. tích trữ (mà xài phá thì tốt!). Cũng may cái memo của người đàn ông Hàn tôi vẫn còn giữ đây, và cả những cái vé xe cao tốc nữa… Nay chúng nằm ngay trên bàn viết của tôi, như thì thầm muốn kể lại câu chuyện cho đúng từng chi tiết một. Nét chữ của người đàn ông trung niên ấy, đã gần một năm rồi mà màu mực vẫn rất tươi. Ông tên là Yo Insul, làm việc tại thư viện trường Jeonbuk, số điện thoại 063-270-34.. Tôi tự hỏi, bây giờ nếu tôi gọi cho ông thì liệu ông còn nhớ tôi không?

Xem Tiếp: ----